SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 23/07/2024 07:28
SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Mt 13,1-9
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển.
2 Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.
3 Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa.
4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất.
5 Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. 6 Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo.
7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt.
8 Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, hạt ba mươi.
9 Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”.

SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Qua dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu cho thấy rằng: đời sống của con người phong phú hay cằn cỗi là tùy ở thái độ đón nhận Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi hạt lúa chưa gieo xuống thì mảnh đất còn là mảnh đất hoang, nhưng khi gieo lúa xuống thì mảnh đất biến thành ruộng lúa. Chính hạt lúa đã biến mảnh đất thành ruộng và làm cho nó có một giá trị.
Chúa là hạt giống mà Chúa Cha gieo vào lòng con, con đã đón nhận Chúa và nhờ đó con đã trở nên con Thiên Chúa. Sự hiện diện sống động của Chúa trong con đã hoàn toàn biến đổi con người con, làm cho con có một giá trị mới, một ơn gọi mới, một cuộc sống mới. Một khi đã đón nhận Chúa, tâm hồn con không thể trở về tình trạng đất hoang nữa, mà chỉ còn có thể là mảnh ruộng tốt hay xấu mà thôi. Con trở nên tốt hay xấu không phải tại Chúa, nhưng là do con, tùy con đón nhận Chúa như thế nào, tùy con có sống phù hợp với giáo huấn của Chúa hay không.
Lạy Chúa, con xác tín rằng nhờ ơn Chúa, con đã có một cuộc sống mới, một cuộc sống có giá trị và phong phú. Xin cho con biết cố gắng tận lực phát huy ơn Chúa nơi con, vì đó mới chính là mục đích của đời sống con.
Sống ở trên đời này, con người đã đặt ra cho mình nhiều mục đích: đạt đến đỉnh cao danh vọng, bằng mọi cách tích lũy của cải để được giàu sang, làm sao để lưu danh thơm tiếng tốt lại cho đời… Phần con, Chúa đã cho con sống theo một hướng khác hẳn: đó là làm cho sức sống của Chúa không ngừng lớn lên trong con. Và con có bổn phận phải dọn sạch những gai góc sỏi đá và tội lỗi có nguy cơ bóp chết ơn Chúa. Xin Chúa giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Nó sinh hoa kết quả gấp trăm”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2: CẢI TẠO ĐẤT TÂM HỒN
Dụ ngôn về “người gieo giống” được kể lại trong bài Tin mừng hôm nay chắc chắn đã rất quen thuộc với chúng ta. Khi kể lại dụ ngôn này, thánh sử Luca còn giải thích rất rõ: Hạt giống là lời Thiên Chúa, còn đất không gì khác đó là chính tâm hồn của mỗi người chúng ta.
Có lẽ tâm trạng của người gieo giống không tránh khỏi những ưu tư thao thức, bởi có những mnh đất tâm hồn còn sỏi đá, còn gai góc, còn khô cằn; chưa thể làm cho hạt giống lớn lên và trổ sinh nhiều bông hạt.
Hạt giống lời Chúa vẫn còn đó trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy khám phá và nhận dạng tâm hồn mình thuộc loại “đất” nào để thực hiện một cuộc cải tạo đất, hầu hạt giống lời Chúa, hạt giống đức tin được lớn lên và trổ sinh nhiều bông hạt. Vậy cải tạo bằng cách nào?
Nếu tâm hồn như mnh đất vệ đường, hời hợt với lời Chúa; thì anh chị em hãy cải tạo bằng cách gắn bó với lời Chúa mỗi ngày. Chọn lời Chúa làm ánh sáng, làm đường đi cho cuộc sống mưu sinh. Để chính lời Chúa sẽ phá vỡ lớp “nhựa đường” khô cứng và đụng chạm đến cõi lòng của ta.
Nếu tâm hồn như mnh đất đầy sỏi đá, chỉ nghe và đón nhận nhưng không thực hành, thì anh chị em hãy cải tạo đất bằng cách siêng năng suy gẫm lời Chúa, khám phá điều Chúa muốn nói với mình và đem ra thực hành trong đời sống. Có như thế, lời Chúa sẽ bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi. Dù phong ba bão táp có ập đến thì tôi vẫn an lòng.
Nếu tâm hồn như mnh đất đầy gai góc và lời Chúa đang bị bóp nghẹt bởi những ham muốn sự đời, những ích kỉ của bản thân, thì hãy cải tạo bằng cách loại bỏ những thói hư tật xấu, những đam mê phàm trần, những tham vọng vật chất, những hơn thua của phận người, những thù hằn chia rẽ…; để lời Chúa được vươn mình như ngọn hải đăng chiếu sáng cả vùng trời quanh ta.
Còn nếu lòng mình như mnh đất tốt tươi, đừng quên vun xới tưới chăm mỗi ngày. Bởi đời sương gió nắng mưa, phút giây quên lãng lời Ngài sẽ héo khô.
Ước gì lời Chúa hôm trở nên dưỡng chất cho mnh đất tâm hồn của mỗi người, để hạt giống đức tin của chúng ta được lớn lên từng ngày. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3:
1. Khi ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. 2. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. 3. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
• Ngắm nhìn một bầu không khí bình an của dân chúng ngày hôm đó. Họ tụ tập rất đông và có trật tự. Đông đến nỗi Đức Giêsu phải xuống thuyền mà ngồi. Dân chúng họ tự do trong chọn lựa của mình. Họ không bị cản trở khi đến gặp Chúa. Thật đúng là hữu xạ tự nhiên hương.
• Ngắm nhìn trật tự mà dân chúng tự sắp đặt chỗ để tham dự. Họ vẫn ưu tiên để Chúa ngồi còn họ đứng. Họ biết chính con người của họ và cũng là cơ hội cho họ được thấy Chúa rõ nét hơn khi nhìn từ trên xuống.
• Chỉ khi con người nhìn từ trên cao xuống con người mới sống tình thương với nhau. Chúa không bắt họ đứng nghe nhưng có lẽ họ cảm nhận và thấy cần thay đổi cách sống nên họ đứng chăng?
Tôi được mời gọi đứng để nghe Chúa như thế nào? Thái độ của tôi suy tôn ngợi khen Chúa trong đời sống hàng ngày của tôi ra sao?
Lạy Chúa, con xin ngợi khen tôn kính Ngài.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 4: HÃY CHO NHAU CƠ HỘI

Đọc thoáng qua dụ ngôn người gieo giống làm cho người đọc cảm thấy sao người gieo giống lại hoang phí hạt giống quá. Ông gieo hạt giống khắp nơi mà không tính toán. Có phải ông hoang phí hay dại khờ không? Thưa không. Ông biết rõ việc mình đang làm. Ông biết từng loại đất ông gieo. Hành động ông gieo vãi một cách quảng đại diễn tả tình thương của ông dành cho từng loại đất. Ông không loại trừ bất kỳ mảnh đất nào, cho nên ông đều gieo với niềm hy vọng. Người gieo ở đây chính là Thiên Chúa. Ngài đã gieo hạt giống tình yêu vào lòng tất cả mọi người, bất kể họ là người thánh thiện hay tội nhân. Ngài hy vọng hạt giống tình yêu sẽ nảy mầm để biến đổi con người lãnh nhận dù rất mong manh. Tình yêu quảng đại của Chúa luôn đem đến cho con người cơ hội đổi thay.
Chúng ta đừng bao giờ để sự thất vọng chiếm hữu tâm hồn nhưng hãy luôn sống niềm hy vọng. Chúa chưa bao giờ thất vọng hay nản lòng vì chúng ta chìm đắm trong tội lỗi. Ngài luôn dùng tình yêu kiên nhẫn để chờ đợi chúng ta trở lại với Ngài. Ngài chưa bao giờ mất niềm hy vọng nơi chúng ta. Vì vậy, mỗi ngày sống mới là một cơ hội mới Chúa trao ban để chúng ta làm lại sau mỗi lần vấp ngã. Ngài gieo hạt giống yêu thương trong lòng mỗi người với hy vọng chúng ta trổ sinh nhiều bông hạt thánh thiện. Chúng ta hãy cho mình và mọi người cơ hội để cùng giúp nhau nên thánh.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tận dụng những năm tháng Chúa còn cho cơ hội để sửa đổi bản thân mỗi ngày mỗi thánh thiện hơn. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 5: HẠT GIỐNG GIEO TRÊN ĐẤT TỐT
Dụ ngôn “Người gieo giống” là dụ ngôn có thể nói rất đỗi quen thuộc với mỗi người chúng ta, vì đa phần chúng ta đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nghĩa là làm vườn hay làm ruộng; hoặc chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về nghề này; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông. Do đó chỉ cần đọc câu mở đầu “ Người gieo giống ra đi gieo giống” …. chúng ta đều có thể biết các chi tiết của dụ ngôn. Trong đó, Đức Giêsu là chính là Lời, là hạt giống mà Chúa Cha - người gieo giống. Ngài không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân sủng” vào tâm hồn mỗi người chúng ta. Ngài không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Ngài gieo một cách hào phóng, không sẻn so tính toán và không loại trừ.
Quả thật, Thiên Chúa vô cùng quảng đại, mặc dầu Ngài biết chúng ta sẽ lãng phí thật nhiều ân huệ của Ngài, nhưng Ngài vẫn cứ vung tay ban phát thật rộng rãi. Chúng ta thử tưởng tượng: nếu Chúa so đo tính toán để không uổng phí chút nào những ân huệ của Ngài thì cuộc đời chúng ta sẽ ra sao? Nhưng không bao giờ Thiên Chúa hành động như thế. Sự quảng đại của Thiên Chúa trong việc ban phát các ơn lành cho chúng ta, làm cho chúng ta an tâm và tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Ngài chẳng bao giờ rút lại tình yêu ấy, chỉ có chúng ta có thể từ chối hoặc bóp nghẹt, không cho tình yêu của Ngài triển nở trong chúng ta mà thôi.
Nếu chính Thiên Chúa là người gieo hạt đã đặt hy vọng vào từng mảnh đất bất kể mức độ tốt xấu thì bổn phận của đất, của mỗi chúng ta là không được phụ lòng người quảng đại gieo hạt. Chúng ta cần cố gắng trở nên “đất tốt” bằng việc đón nhận Lời Chúa vào trong tâm hồn mình, dọn sạch những gai góc sỏi đá và tội lỗi có nguy cơ bóp chết Lời, cho phép Lời được nuôi dưỡng để Lời có thể phát triển trên đất ấy. Thiên Chúa làm được mọi sự nhưng Ngài cần con người chúng ta cộng tác.
Hãy nhìn xem khi hạt lúa chưa gieo xuống thì mảnh đất còn là mảnh đất hoang, nhưng khi gieo lúa xuống thì mảnh đất biến thành ruộng lúa. Chính hạt lúa chịu mục nát để biến mảnh đất thành ruộng và làm cho nó có một giá trị. Một khi đã đón nhận chính Chúa, tâm hồn chúng ta không thể trở về tình trạng đất hoang nữa, mà chỉ còn có thể là mảnh ruộng tốt hay xấu mà thôi. Chúng ta trở nên tốt hay xấu không phải tại Chúa, nhưng là do chính chúng ta. Thiên Chúa vẫn luôn tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy nhìn vào bản thân, vào cuộc đời mình, và tự hỏi: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào mảnh đất tâm hồn tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ thế nào? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên?
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã gieo vào mảnh đất tâm hồn chúng con dẫu có lúc khô cằn sỏi đá, lúc bên vệ đường, lúc trên bụi gai, lúc vào mảnh đất màu mỡ. Chúa vẫn quảng đại, hào phóng gieo vãi và chờ ngày hạt nảy mầm xanh tốt, mang hoa thơm trái ngọt cho chính linh hồn chúng con, cho cộng đoàn, cho Giáo xứ, Giáo hội, xã hội hưởng nhờ. Nguyện xin Chúa chúc lành cho những hạt giống này nảy mầm và xanh tươi vì chúng con xác tín rằng nhờ ơn Chúa, chúng con mới có được một cuộc sống có giá trị và phong phú. Xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.
Lm. Giuse Mai Văn Điệp

SUY NIỆM 6: NGƯỜI GIEO KHÔNG TIẾC GIỐNG
Một người làm nông nghiệp thực thụ bao giờ cũng biết chọn và chuẩn bị đất kỹ lưỡng để hạt giống có thể nảy mầm phát triển. Câu chuyện người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay có vẻ nghịch lý vì ông vung vãi khiến giống bay khắp nơi, tỷ lệ hạt giống thất thoát quá nhiều. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, tôi thấy người gieo giống này thật quảng đại; ông không tiếc hạt giống và công sức bỏ ra, nên mọi loại đất đều được ông gieo. Phải chăng, ông vẫn trông chờ một cơ may, vẫn nuôi hy vọng có gieo ắt sẽ có gặt?
Từ câu chuyện của người gieo giống, tôi nghĩ đến sứ vụ gieo Lời Chúa. Người gieo Lời phải học nông phu sự quảng đại để mạnh dạn đem Lời Chúa đến mọi nơi và cho mọi người bất kể họ là ai. Nếu một nhà truyền giáo mà sợ mất công phí sức, cứ loay hoay đắn đo xem đâu là “đất tốt” để gieo hạt giống Tin Mừng, ai là người có thể đón nhận đức tin để giới thiệu Chúa cho họ, thì có lẽ cả đời người ấy cũng không truyền giáo được cho một ai.
Bổn phận của tôi là phải tích cực gieo Lời cho những ai tôi có điều kiện gặp gỡ tiếp xúc, vì “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4), nên tôi phải chấp nhận rủi ro khi gặp phải những mảnh đất tâm hồn đầy sỏi đá và gai góc. Tôi có nhiệm vụ gieo Lời, còn người khác đón nhận hay không đó là quyền tự do của họ. Có thể tâm hồn những người đón nhận lời Chúa hôm nay vẫn còn nham nhở sỏi đá, gai góc, nhưng Lời Chúa sẽ biến đổi họ. Chúa sẽ nhặt sỏi đá, chặt đốt những bụi gai cho mảnh đất tâm hồn nên quang đãng, để hạt giống nảy mầm chờ đợi một mùa gặt bội thu.
Lạy Chúa, chúng con là những nhà truyền giáo, xin cho chúng con luôn biết quảng đại và can đảm gieo Lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc khó khăn.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD
SUY NIỆM 7: HÃY LÀ THỬA ĐẤT TỐT
Hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn “người gieo giống” để giúp cho những người đương thời nhận ra mình đang thuộc thành phần nào trong dụ ngôn, qua đó cần có một thái độ phù hợp với Tin Mừng.
Trước tiên, Đức Giêsu nói: “Có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất”. Hình ảnh này cho thấy có nhiều kẻ đón nhận Lời Chúa, nhưng Lời ấy không sinh ích lợi cho họ vì sự hời hợt chóng qua, nên Lời Chúa không thấm nhập gì trong lòng, khiến những thứ tội lỗi sớm chiếm hữu tâm hồn họ.
Rồi:“Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên nó khô héo”. Thật vậy, có người đón nhận theo trào lưu, theo sở thích hay hiệu ứng đám đông, chứ không có chiều sâu. Vì thế, khó khăn xảy đến, họ là những người cao chạy xa bay vì sợ liên lụy, không dám can đảm để chấp nhận mình là người thuộc về Chúa nữa. Tâm hồn họ sẽ héo dần theo năm tháng vì không có Chúa ở cùng.
Và: “Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt”. Trong đời sống của con người hiện nay cũng vậy, họ có quá nhiều sở thích, đến nỗi cái chính yếu lại trở thành phụ thuộc, cái bên lề lại đưa vào chính diện. Tin Chúa, nhưng đồng thời cũng tin đủ thứ, đời sống đức tin của họ thuộc dạng người thiếu lập trường, nên: “Gió chiều nào thì ngả theo chiều đó”.
Cuối cùng: “Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả… ”. Tuy nhiên, để trở thành thửa đất tốt theo tinh thần Tin Mừng, mảnh vườn tâm linh của con người phải là một mảnh vườn đơn sơ, chân thành để hạt giống một khi được gieo vãi, thì sẽ có cơ hội phát triển và trổ sinh bông hạt dồi dào.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là hạt giống tốt và thửa ruộng màu mỡ, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và được phát triển qua hành động tốt chúng con làm hằng ngày. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 8: HẠT GIỐNG LỜI CHÚA 
Dụ ngôn là một trong những cách thức mà Đức Giêsu dùng để giảng dạy cho dân chúng. Qua những hình ảnh gần gũi và giản đơn, dụ ngôn giúp người nghe dễ dàng nắm bắt được những vấn đề khó hiểu ví như mầu nhiệm Nước Trời. Hôm nay, qua dụ ngôn người gieo giống, Đức Giêsu đã giúp dân chúng hiểu được tầm quan trọng của việc lắng nghe Lời Chúa.
Hạt giống là Lời Chúa và cũng chính là Đức Giêsu, Người Con yêu dấu mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Đất được gieo là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Qua dụ ngôn, Đức Giêsu đã bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Lời Chúa như là hạt giống được tuôn đổ cách quảng đại trên hết mọi người để ai cũng có cơ hội được gặp Lời Người. Chỉ có lắng nghe và thi hành Lời Chúa mới có thể làm cho ân sủng của Người trổ sinh hoa trái. Đón nhận Lời Chúa chính là đón nhận Thiên Chúa, đón nhận Nước Trời.
Tình yêu của Thiên Chúa tuy dạt dào, thế nhưng để hạt giống ấy sinh hoa kết quả thì còn tuỳ thuộc vào đất được gieo, vào việc đáp trả của mỗi người với Lời. Tâm hồn của chúng ta là cả bốn nơi: vệ đường, đá sỏi, bụi gai và đất tốt. Vệ đường, đá sỏi và bụi gai đại diện cho những tâm hồn nguội lạnh, yếu đuối vì những cám dỗ, đam mê thói quen xấu hay vì những tham sân si. Đất tốt chính là tâm hồn của người đón nhận và sống Lời Chúa. Trở thành đất xấu hay tốt tất cả tuỳ thuộc vào lựa chọn cách sống của chúng ta với Lời của Người.
Lạy Chúa, những lo lắng và đam mê của sự đời đã làm cho hạt giống Lời Chúa không thể sinh hoa trái trong tâm hồn chúng con. Xin thêm sức mạnh giúp chúng con luôn biết lắng nghe và thi hành Lời Ngài dạy để có thể đạt được Nước Trời như Ngài mong muốn. Amen.
Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây