SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 11/07/2024 19:08
SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
Mt 10, 24-33

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

24 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình.
25 Môn đệ được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài.
26 Vậy các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết.
27 Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
28 “Các con đừng sợ kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục.
29 Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao ? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến.
30 Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. 31 Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
32 “Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời.
33 Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”.

SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng ta phải kính sợ. Xác tín điều đó, ta sẽ can đảm làm chứng cho Chúa, và ta sẽ sống đạo vì Chúa mà thôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa đã tạo dựng hồn xác con và làm chủ mạng sống con. Chỉ có Chúa là Đấng con yêu mến và kính sợ trên hết mọi người, mọi sự. Thế nhưng đối với con điều ấy không dễ. Áp lực xã hội và dư luận là rào cản hữu hình, con dễ nhận thấy nên con thường sợ những điều ấy hơn sợ Chúa. Con thường sợ người đời cười chê hơn kính sợ Chúa. Con nể xã hội, bạn bè, cha mẹ, hơn kính nể Chúa. Rất nhiều lúc vì nể nang mà con đã làm điều sai trái. Con mà không đi lễ thì sợ người ta đánh giá con khô khan, con mà gian tham thì sợ người ta khinh ghét con, con không đóng góp việc chung thì sợ người ta coi con là kẻ keo kiệt, ích kỷ. Chúa đang mong con phải tiến xa hơn mức độ đó. Con sống tốt không phải vì sợ ai cho bằng là vì con muốn sống đẹp lòng Chúa. Làm phiền lòng Chúa, đó là điều con đáng sợ nhất mà con phải sợ.
Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho con để con nhận ra Chúa đang hiện diện bên con và nhìn thấy con, để nhờ đó, trước khi suy nghĩ điều gì, nói câu gì hoặc làm việc gì, con sẽ biết chọn lựa, đắn đo suy nghĩ, nói năng, hành động sao cho đẹp lòng Chúa. Được mọi người đánh giá tốt về con, đó là điều đáng mừng. Nhưng điều đáng mừng nhất và cần thiết nhất là con sống sao để chính Chúa cũng đánh giá tốt về con.
Xin Chúa cho con biết kính sợ Chúa hết lòng để con can đảm sống theo lời Chúa. Và với lòng kính sợ nhưng tràn ngập tin yêu phó thác, con sẽ can đảm làm chứng về Chúa mà không sợ hãi. Amen.
Ghi nhớ: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2: SỐNG THẬT VỚI CHÚA
Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết ba sự thật này:
Thứ nhất, Chúa chúng ta là Đấng Toàn Năng. Ngài nhìn thấy hết mọi sự: ngài biết trong đầu trong ta đang nghĩ gì, và Ngài cũng biết trong lòng chúng ta đang suy tính gì. Hay nói cách khác, đối với Chúa thì “không có gì che giấu mà không bị lộ ra bên ngoài”.
Thứ hai, Chúa chúng ta là Đấng cầm quyền sinh tử. Ngài nắm giữ vận mạng của chúng ta. Ngài ban cho ta sự sống và Ngài cũng có quyền lấy đi. Chính vì thế mà Ngài nhắc nhở chúng ta rằng: “Đừng sợ những kẻ chỉ giết chết thân xác…, nhưng hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục”, là chính Ngài.
Và thứ ba, Chúa chúng là Cha nhân ái, Ngài không bỏ mặc chúng ta bao giờ. Ngay cả một con chim sẻ mà Ngài còn yêu thương chăm sóc, huống gì chúng ta “còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.
Khi nói cho chúng ta biết ba sự thật trên về Thiên Chúa, Chúa Giêsu chỉ muốn nhắn gởi đến chúng ta một điều này, đó là hãy sống thật với Chúa, vì không gì có thể qua mắt Ngài.
Chính Thánh vương Đa-vit cũng đã từng chia sẻ với ta điều này, khi ông nói:
Chúa dò xét ta và Ngài biết rõ,
        biết cả khi ta đứng ta ngồi.
        Ta nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
        đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
        mọi nẻo đường chúng ta đi, Ngài quen thuộc cả.
        Miệng lưỡi chúng ta chưa thốt nên lời,
        thì Ngài đã am tường hết.
        Dù có đi đâu
chúng ta cũng không thoát khỏi thần trí Ngài,
        dù có lẩn nơi nào
 chúng ta vẫn không khuất được Thánh Nhan.
         Ta có lên trời, Chúa cũng đang ngự đó,
        nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.
        Có nhiều lúc chúng ta tự nhủ rằng:
‘Ước gì bóng tối bao phủ tôi
        và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối !’
        Nhưng đối với Chúa, tối tăm chẳng có chi mù mịt,
        và đêm đen sáng tỏ như ban ngày,
        bóng tối và ánh sáng cũng như nhau.
        Tạng phủ chúng ta, chính Ngài đã cấu tạo,
        dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân ta.
        Xương cốt chúng ta, Ngài không lạ lẫm gì,
        Khi chúng ta mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy;
        mọi ngày đời được dành sẵn cho ta
        đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,
        trước khi ngày đầu của đời ta khởi sự”.
Chúa chúng ta là vậy đó thưa anh chị em, “từng si tóc trên đầu của chúng ta, Ngài đã đếm cả rồi”. Do đó, dù chúng ta có cố gắng che giấu đến mấy đi chăng nữa, thì điều đó cũng vô ích. Nhưng thay vào đó, mỗi người hãy sống thật với Chúa, sống thật với nhau và sống thật với chính mình; rồi chính Chúa sẽ dẫn đưa chúng đến nơi Nguồn Thật. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: ĐỪNG SỢ VÀ HÃY BIẾT SỢ
Trong cuộc sống chúng ta có nhiều nỗi sợ. Có nỗi sợ hữu lý, có nỗi sợ vô lý; có cái sợ từ bên trong, có cái sợ từ bên ngoài. Người ta không thể tránh được các nỗi sợ trong cuộc sống của mình. Vậy mà hôm nay Đức Giê-su lại nói “Đừng sợ”.
Liệu chúng ta có tránh được các nỗi sợ xuất hiện mỗi ngày trong cuộc sống hay không? Có lẽ không thể làm được và nếu chúng ta tìm hiểu kỹ về cuộc đời Chúa Giê-su, chúng ta thấy chính Ngài cũng đã từng trải qua những sợ: trong vườn Cây Dầu, khi nghĩ đến cuộc vượt qua mà mình sắp phải gánh lấy, Chúa Giê-su đã lo sợ đến nỗi mồ hôi chảy ra cùng với máu. Vậy phải chẳng Chúa Giê-su bắt người ta làm cái điều mà chính Chúa không làm được? Chúa muốn điều gì khi mời gọi người ta đừng sợ, trong khi chính Ngài đã kinh nghiệm nỗi sợ hãi kinh hoàng?
Thực ra, sợ hãi là điều người ta không thể tránh khỏi. Hơn nữa, sống cũng cần phải biết sợ. Sống với một người không biết sợ gì thì cũng thật đáng sợ. Họ sẽ bất chấp tất cả, không còn biết đâu là đạo lý, đâu là điều nên làm, đâu là điều phải tránh. Họ sống theo bản năng và như vậy thật nguy hiểm cho những ai sống bên cạnh họ. Chúa không bảo người ta không sợ gì cả. Điều Chúa muốn nói là đừng để nỗi sợ hãi điều khiển chúng ta, khiến chúng ta không còn khôn ngoan để chọn lựa. Nhất là đừng để nỗi sợ vô lý từ bên ngoài điều khiển chúng ta, khiến chúng ta bất chấp đạo lý chỉ để tránh những nỗi sợ vu vơ. Đừng đễ nỗi sợ vì những mối lợi tạm thời thuộc thế gian mà đánh đổi cả sự sống đời đời. Nên Chúa bảo chúng ta, đứng trước các nỗi sợ thì hãy “Sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”
Hôm nay, Chúa đề cập đến sứ mạng rao giảng Tin mừng. Một sứ mạng mà người môn đệ của Chúa phải can đảm rao truyền và rao truyền cách công khai. “Điều anh em rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng”. Và chính việc rao giảng và cách rao giảng này sẽ khiến người môn đệ phải liên lụy: Người đời sẽ nộp anh em… sẽ đánh đập anh em… sẽ điệu anh em ra trước mặt vua chúa quan quyền…” Nhưng Chúa bảo các môn đệ đừng sợ điều này, vì nếu họ có bị giết hại, thì cũng chỉ giết được thân xác họ mà thôi. Điều họ cần sợ là Người có thể giết được cả xác lẫn hồn.
Chúng ta tin rằng, nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Chúa.
Lm. Giu-se Vũ Công Viện
SUY NIỆM 4: ĐỪNG SỢ NGƯỜI ĐỜI
Mahatma Gandhi, nhà tranh đấu bất bạo động cho quyền con người và nền độc lập của Ấn Ðộ, đã có lần nhắn nhủ các môn sinh như sau: "Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ điều đó và hành động theo sự thật và tình thương. Ðừng bao giờ dùng bạo lực đáp trả bạo lực, vì làm như thế là bắt chước lối sống man rợ của những người dùng bạo lực. Khi dùng bạo lực, những người đó cho thấy nỗi thất vọng và trạng thái thú hóa của họ. Chúng ta hãy sống như con người. Những người dùng bạo lực có thể đánh đập và giết chết thân xác chúng ta, nhưng không thể giết được tinh thần và quyền lợi của chúng ta, họ không thể giết được sự thật. Sự thật và tình thương sẽ chiến thắng. Hãy suy nghĩ kỹ và hãy sống theo sự thật và tình thương, bởi vì nếu sống theo bạo lực và hận thù, thì thế giới sẽ trở thành mù lòa".
Ðã từng vào tù ra khám, đã từng bị đánh đập hành hung, con người đã nói những lời trên đây chưa một lần tỏ ra sợ sệt. Ngày 30/01/1948, ông ngã gục vì nhát gươm của một người quá khích. Cái chết của ông là một cụ thể hóa của chính chủ trương bất bạo động mà ông đã đề ra.
Sẵn sàng chết để làm chứng cho sự thật và tình thương với niềm tin vào sự bất tử của linh hồn con người, Mahatma Gandhi dù chưa phải là Kitô hữu, nhưng đã sống theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay, đó là sống hiên ngang, không sợ hãi trước các cường lực sự dữ, không sợ hãi những người chỉ giết được thân xác, nhưng không làm gì được linh hồn; sống trung thực với phẩm giá của con cái Chúa, không để mình rơi vào tình trạng hóa thú và nô lệ cho bạo lực: "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, mà không giết được linh hồn".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy. Là người Kitô hữu, tôi phải sống những thực tại ấy thế nào? Lý tưởng của tôi là tìm mọi cách để có nhiều của cải vật chất hay là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính trước?
"Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn chủ". Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một con đường để đi theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp với Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 5:
Cha ông chúng ta thường nói rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Nghĩa là con cái và cháu chắt thừa kế nhiều nét giống nhau từ cha mẹ và ông bà mình. 
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói: “Trò không hơn Thầy và tố không hơn chủ”. Nghĩa là Chúa Giêsu thế nào thì những ai theo Chúa cũng như vậy. Kitô hữu là những người phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.
Điều mà Chúa Giêsu nói môn đệ sẽ giống như Người trước hết chính là chịu chung số phận bách hại như Thầy từng phải chịu: “Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi một cách dứt khoát cho những ai dám bước theo Người là: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”.
 
Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
- Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
- Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. Đó là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.
- Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình.Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.
- Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…
 
Lạy Chúa Giêsu, khi được dìm vào trong Bí tích Thánh Tẩy, chúng con đã được nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức mình là Kitô hữu, là con cái Chúa, và chúng con càng nên giống Chúa hơn trong mọi thử thách đau thương, để không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.
Lm. Hiền Lâm

SUY NIỆM 6: ĐỪNG SỢ  
Với bản tính tự nhiên, con người chúng ta ai cũng có những nỗi sợ, từ những điều thông thường đến nỗi sợ lớn nhất chính là cái chết. Thế nhưng nếu có một nền tảng nào đó vững chắc để cậy dựa vào, thì những nỗi sợ đó chỉ là thứ yếu và người ta có thể vượt thắng để đạt đến những giá trị khác cao quý hơn.
Đức Cha Phaolô Kim, trong giai đoạn chiến tranh ác liệt những năm 1972 ở Kontum, vẫn lái xe đi cứu giúp những người bị thương. Khi phóng viên hỏi ngài: “Đức Cha không sợ sao?”, ngài trả lời: “Không”. Nhưng sau đó ngài đính chính lại: “Không, tôi chưa nói đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ! Nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi” (trích từ “Những người lữ hành trên đường hy vọng”).
Người Kitô hữu chúng ta không sợ, hay nói đúng hơn là vượt thắng được những nỗi sợ, vì chúng ta có Thiên Chúa – Đấng là chỗ dựa vững chắc nhất cho ta. Quả thế, tất cả chúng ta đều được gìn giữ trong sự quan phòng của Người: chúng ta quý giá gấp muôn ngàn chim sẻ, loài chim chỉ “hai con một hào”, nhưng vẫn được Chúa quan phòng. Hơn nữa, kể cả khi chúng ta có chết về phần thân xác, thì ta vẫn được Thiên Chúa đảm bảo cho sự sống linh hồn, điều mà thế gian không thể làm gì ta được.
Cuộc sống trần gian này là duy nhất. Do đó, nó thật quý giá. Thế nhưng còn có một cuộc sống khác quý giá hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu trên thiên quốc. Hướng nhìn về cuộc sống đó sẽ giúp ta thêm sức mạnh để vượt thắng được những nỗi sợ hãi, kể cả cái chết. Vì khi những nỗi đau đớn và sợ hãi khép lại cùng với cái chết thể lý, thì một cuộc sống khác lại mở ra cho ta: cuộc sống bình an, hoan lạc trên quê trời.
Lạy Chúa! Xin cho chúng con vượt thắng được những nỗi sợ hãi để làm chứng cho Chúa và hướng về cuộc sống mai sau trên quê trời. Amen.
Tu sĩ Phaolô Trần Khắc Công, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây