SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 19/07/2024 01:43
SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 12,14-21

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su. 15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó.
16 Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 17 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai.
18 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.
19 Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. 20 Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.
21 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

SUY NIỆM 1: NIỀM HY VỌNG CHO MUÔN DÂN
Từ khi có xã hội loài người chưa có ngày nào không có chiến tranh. Hòa bình luôn là một khao khát không bao giờ đạt tới. Xây dựng hòa bình đường như là một công việc vô ích làm nản lòng những tâm hồn thiện chí nhất. Tại sao con người mơ ước hòa bình nhưng không bao giờ đạt tới hòa bình? Thưa vì con người chưa đạt tới công lý. Con người cư xử với nhau theo thú tính. Kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Cá lớn nuốt cá bé. Ai cũng muốn chiếm đoạt của cải thật nhiều. Ai cũng muốn thống trị người khác. Thú tính được tự tung tự tác khi ta có sức mạnh.
Người Ai cập có sức mạnh liền bắt người Do thái làm nô lệ cho mình. Hơn nửa triệu người Do thái làm nô lệ đã đem lại biết bao lợi ích kinh tế cho người Ai cập. Nghe thấy tiếng rên siết của người Do thái bị áp bức bóc lột, Chúa đã ra tay giải thoát họ. Phải có sức mạnh vô biên của Chúa, người Ai cập mới chịu để người Do thái ra đi (năm lẻ).
Thời Mi-ka cũng xảy ra như vậy. Những người có quyền bính trong tay “muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy, muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt. chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp”. Và tiên tri cho biết Chúa sẽ ra tay để đem lại công lý (năm chẵn).
Thời Chúa Giê-su xuất hiện là thời Chúa thực hiện lời hứa. Là Thiên Chúa quyền năng vô biên làm nên những phép lạ cả thể. Nhưng Chúa không dùng quyền năng để phục vụ quyền lợi cá nhân. Trái lại Người dùng quyền năng để phục vụ con người. Tất cả những ai đau yếu bệnh tật đều được Người chữa lành. Tất cả những người tội lỗi đều được tha thứ. Tất cả những người bị hất hủi đều được yêu thương.
Chúa không dùng quyền năng để áp bức bóc lột. Chúa không giết chết, nhưng cứu sống. Chúa không đè bẹp, nhưng nâng dậy con người. Chúa không dìm xuống, nhưng nâng những người bé nhỏ lên. Như Isaia đã tiên báo: “Cây lau bị giập, Ngươi không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”.
Như thế Người đưa công lý đến toàn thắng không bằng quyền uy thống trị, sức mạnh đàn áp. Nhưng bằng cúi xuống yêu thương phục vụ. Phục hồi những gì tàn tạ. Chữa lành những ai đau yếu. Và hồi sinh những người thoi thóp. Đó chính là niềm hi vọng lớn lao cho muôn dân. Vì công lý sẽ tràn lan khắp địa cầu.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 2: NGƯỜI TÔI TRUNG HIỀN LÀNH
 Nơi trang Tin Mừng hôm nay chúng thấy những người Biệt Phái ghen ghét và tìm cách mưu hại giết Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm  những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Matthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai và là Con Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài. Theo lời tiên tri Isaia, khi Chúa Giêsu xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài : một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng. Ngài không cãi vã, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã đập, không dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.
Trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn hiền lành, khiêm nhường và kiên nhẫn chờ đợi hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói : “Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”Ngài luôn quả quyết: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại”và thực tế, Chúa Giêsu đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho chúng ta thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta : được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Đàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương xót bao la đến mức nào.
 Lạy Chúa, Chúa là Cha chúng ta, Chúa luôn mong muốn điều tốt lành cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết phó thác mọi sự cho Chúa. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu lòng Chúa luôn thương xót, kiên nhẫn chờ đợi chúng con trở về với Chúa. Xin Chúa giúp chúng con hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM 3:
Trước đó, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su chữa lành người bại tay trong Hội Đường (c. 9-13) ; và chính vì chuyện này mà, như câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay kể lại, nhóm Pha-ri-sêu tìm cách loại trừ Người : « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su  » (c. 14).
1. Lời ban sự sống
Đức Giê-su chữa người bại tay vào ngày sa-bát: “Anh giơ tay ra” (x. Mt 12, 9-13). Ngày sa-bát là trung tâm của Mười Điều Răn, và Mười Điều Răn là trung tâm của Lề Luật. Vì thế, luật sa-bát tượng trưng cho Lề Luật. Đức Giê-su không dời việc chữa lành vào ngày hôm sau và cũng không trình bày lập trường của mình về ngày sa-bát; theo lời kể của thánh sử Mác-cô (Mc 3, 1-6), Ngài đáp lại sự im lặng bằng cái nhìn giận dữ, Ngài đau khổ (thương cảm) vì con tim bệnh tật của họ, và Ngài thực hiện quyền năng chữa lành người bệnh bằng Lời Sự Sống, chứ không phải bằng việc làm, vốn bị cấm trong ngày sa-bát. Lời giảng của Ngài về ngày sa-bát không phải là một giáo huấn lí thuyết, nhưng là hành động, hành động chữa lành. Hành động trong thinh lặng này loan báo sự thinh lặng của cuộc Thương Khó.
Hành động của Đức Giêsu làm rõ ước ao sự sống của Ngài đối với người bệnh. Ước ao trao ban sự sống vô hạn, nhưng lại được biểu lộ trong một hành vi hữu hạn. Khi làm thế, Ngài làm lộ ra ước ao sự chết đang hiện diện trước mặt Ngài, bởi vì Ngài không vi phạm luật sa-bát, khi chữa bệnh bằng lời; do đó, lề luật không còn là chỗ ần nấp của họ. Chính những người rình rập Ngài chứng kiến vực thẳm của lựa chọn sự chết mở ra trong lòng họ. Để đáp lại, chứ không chống lại, ở đây Đức Giêsu còn làm hơn cả lời giảng “đừng chống lại kẻ dữ”, Ngài để mình bị chi phối bởi lựa chọn sự chết của kẻ dữ, vì đó là cách duy nhất để thuyết phục nó.
Quyền năng, nơi Đức Giêsu vốn là một với lời của Ngài, được bày tỏ ngang qua một hành vi chữa lành rất giới hạn, nhưng lại nói cho chúng ta quyền năng sự sống vô hạn, nói cho chúng ta lòng ước ao trao ban sự sống Thiên Chúa cho con người. Lời loan báo này được cảm nhận từ xa như là việc hủy bỏ ngày sa-bát, xét như là một giải pháp dành chỗ cho quyết định, nhưng lại có thể chứa chấp lựa chọn hướng tới sự chết. Nếu con tim của những kẻ đối nghịch hướng tới cực điểm như thế, nghĩa là quyết định giết chết, chính là vì đã cảm nhận được nơi hành vi của Đức Giêsu lời loan báo về một ngày sa-bát được đẩy tới cùng đích, nhằm giải phóng hoàn toàn chân lý của ngày sa-bát, đó là ước ao sự sống nơi con người và trao ban sự sống nơi Thiên Chúa.
2. « Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó »
Nhưng, thay vì tranh cãi, phản đối hay dùng sức mạnh để chống lại những người tìm cách làm hại mình, Đức Giê-su lánh đi, nói cách khác, Ngài « băng qua » giữa họ mà đi ; như lời ngôn sứ Isaia loan báo về Người Tôi Trung được Đức Chúa tuyển chọn, Người được Đức Chúa yêu dấu và Đức Chúa hài lòng về Người :
Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. (c. 19)
Và chính khi Đức Giê-su lánh đi, chính lúc Ngài « băng qua » những người có ý đồ muốn giết chết Ngài, thì dân chúng theo người đông đảo và Người chữa lành hết (c. 15), và cũng như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo :
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi. (c. 20)
Những gì mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại, loan báo cho chúng ta thật rõ ràng mầu nhiệm Vượt Qua : chính lúc người ta muốn làm hại Đức Giê-su, thì Ngài trở nên nguồn ban phát ơn chữa lành, Ngài tỏ bày Đức Công Chính đích thật của Thiên Chúa cho con người, như Thánh Phao-lô xác tín một cách rõ ràng và mạnh mẽ :
Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. (Rm 3, 23-24).
3. « Niềm hi vọng nơi Danh Người »
Tuy nhiên, có điều khác biệt tuyệt đối là, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su không còn băng qua ý muốn giết chết Ngài, nhưng Ngài băng qua chính sự chết. Thực vậy, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su để cho Sự Dữ có nơi lòng của con người đi đến cùng, là giết chết Ngài, nhưng Ngài lại mạnh hơn sự chết, Ngài chiến thắng sự chết, Ngài vượt qua sự chết để đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh, và trở thành Nguồn Ơn Cứu Độ cho muôn người. Đó chính là sự toàn thắng của Đức Công Chính thần linh mà ngôn sứ Isaia đã loan báo :
Cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người. (c. 20-21)
Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và cảm nếm Đức Công Chính đích thật của Thiên Chúa, được bày tỏ cho chúng nơi ngôi vị của Đức Ki-tô, và nhất là nơi ngôi vị của Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành  mỗi ngày trong Thánh Lễ :
Ø Đó chính là Đức Công Chính của Tình yêu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu và những gì thuộc về Tình Yêu mà thôi.
Ø Đó là Đức Công Chính của lòng thương xót, thay vì xét xử và luận phạt.
Ø Đó là Đức Công Chính của ánh sáng và sự sống, mạnh hơn bóng tối và sự chết có ở nơi lòng chúng ta và ở giữa chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM 4: NGƯỜI TÔI TRUNG
Tin Mừng hôm nay nhắc lại bài ca rất đẹp và đầy ý nghĩa của ngôn sứ Isaia về người Tôi Trung của Đức Chúa. Người Tôi Trung mang sứ mạng loan báo công lý trong Cựu Ước là hình ảnh tiên trưng về người Tôi Trung loan báo Tin Mừng Nước Trời.
Người Tôi trung hôm nay được thánh Mátthêu nói tới chính là Đức Giêsu Kitô. Người đã thực thi sứ mạng cứu độ một cách khiêm tốn, đầy tình thương, thành tín và hay thương xót: “Cây lau bị dập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12,20).
Noi gương người Tôi Trung Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa bằng lối sống khiêm nhường, thành tín và yêu thương với những ai chúng ta gặp gỡ, cách riênng những em mồ côi, bất hạnh đang cần tình thương và lòng nhân ái của ta. Trong cung cách phục vụ khiêm tốn, bác ái, nhẫn nại và từ tâm, ta sẽ làm cho Nước Chúa thu lượm được mùa gặt bội thu, và Giáo Hội có thêm nhiều người biết và tin vào đạo thánh Chúa. Qua đó, ơn cứu độ của Chúa có thể được tỏa lan khắp nơi.
Lạy Chúa, bài ca về người Tôi trung hôm nay là bài học chúng con mãi khắc ghi và quyết tâm thực hiện qua lối sống khiêm tốn, từ tâm và bác ái của chúng con. Xin Chúa cũng thắp lên cho chúng con ngọn lửa mến yêu, ngọn lửa của lòng bác ái, khiêm tốn phục vụ anh chị em, những mảnh đời bất hạnh đang cần chúng con giúp đỡ.
Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD
SUY NIỆM 5: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Chúng ta có thể nhận ra hai phần khá rõ của đoạn Tin Mừng trên. Phần một tóm lược cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là về những hành động chữa lành các bệnh nhân như dấu chỉ Nước Chúa ngự đến. Và phần thứ hai là một đoạn trích từ sách Ngôn sứ Isaia chương 42, 1-4, nói về dung mạo người tôi tớ của Giavê Thiên Chúa được áp dụng cho chính Chúa Giêsu. Khi tóm lược về những việc làm của Chúa Giêsu, đoạn Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh đến hai chi tiết: một bên là những người Pharisiêu chống đối Chúa họp nhau lại để tìm cách bắt Ngài, trong khi đó thì dân chúng lại theo Chúa rất đông và những người bệnh được chữa lành.
Bị chống đối nơi này, Chúa Giêsu đi nơi khác và tiếp tục sứ mạng của Người. Chúa không ngừng thi ân, mặc dù có những kẻ khước từ không nhìn nhận những ân ban đó. Rồi nơi những lời trích từ sách Ngôn sứ Isaia, nói về người tôi tớ hiền lành của Thiên Chúa được áp dụng cho Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể lưu ý đến những lời nói về Chúa Giêsu như là kẻ luôn trung thành làm chứng cho sự thật: "Ta sẽ đặt Thánh Linh của Ta trên Người, và Người sẽ rao giảng sự thật cho các ông. Người sẽ không cãi cọ, không có những hành động bạo lực. Cây sậy đã giập, Người không bẻ đi. Cho đến khi Người đem sự thật đến chỗ toàn thắng".
Rao giảng sự thật và đem sự thật đến chỗ toàn thắng, đó là lời tóm gọn đủ và đúng cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này. Sau này, trước mặt quan Philatô xử án Chúa, thì Chúa Giêsu cũng đã mạnh mẽ chấp nhận: "Ta sinh ra trên trần gian là để làm chứng cho sự thật. Ai hành động theo sự thật thì nghe theo Ta". Chúa Giêsu cương quyết làm chứng cho sự thật, nhưng với công thức hiền lành, với tình thương nhân từ, biết thông cảm và nâng dậy những ai lạc bước như chủ chăn nhân từ đi tìm con chiên lạc.
Là đồ đệ của Chúa, mỗi người được mời gọi theo gương Chúa làm chứng cho sự thật giữa anh chị em, nhưng làm chứng với một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương và diệu hiền.
Lạy Chúa, Xin dạy con sống noi gương Chúa làm kẻ phục vụ anh chị em hết tình thương mến, nhân hậu và thông cảm.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây