SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 25/07/2024 22:34

SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Mt 13,24-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.
25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.
26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.
27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”
28 Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”
29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

SUY NIỆM 1: CÓ KIÊN VỮNG THÌ MỚI CÓ THÀNH QUẢ
Trải qua những kinh nghiệm của cuộc sống, nhiều người sẽ nhận ra rằng sống trên trần gian thực sự là một cuộc chiến liên lỉ nếu muốn trở nên con người hoàn thiện và tìm được hạnh phúc bền vững. Thật vậy, giữa cuộc đời và ngay trong cảnh sống của mỗi người, luôn có rất nhiều khó khăn, nghịch ý giăng lối chúng ta, thử thách chúng ta như thanh sắt được mài dũa cách công phu. Nếu kiên vững, chúng ta sẽ có thể gặt hái được thành quả!
Câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu đặt ra trong bài Tin mừng xem ra rất đơn giản và gần gũi vì nó được khởi đi từ kinh nghiệm cuộc sống của người làm nông. Tuy nhiên, trong cái vẻ đơn sơ ấy, nó lại chứa đựng chân lý của cuộc đời mà trong đó, mỗi người sẽ tìm thấy lý tưởng sống cho bản thân. Nó cho ta thấy nhiều vấn đề của cuộc sống: lý giải về sự xuất hiện của thế lực chống đối Thiên Chúa qua hình ảnh “kẻ thù” gieo sự dữ là “cỏ lùng”. Điều đó cho thấy sự dữ không tự nhiên mà có, cũng không do Chúa dựng nên mà là do “kẻ thù” ấy, được hiểu là ma quỷ, đã “gieo” vào thế giới. Kết quả là cuộc sống này luôn có sự đối kháng giữa một bên là “lúa”, được phát sinh bởi “giống tốt” do Thiên Chúa gieo vào đời, một bên là “cỏ lùng”, được gieo bởi “giống xấu” từ tay ma quỷ. Trong “mảnh đất” này, cả hai đều lớn lên cùng nhau: cây lúa cũng lớn lên và cỏ lùng cũng thế. Đây là lý giải cho sự hiện diện đồng thời của sự tốt và sự xấu trong cuộc đời. Quả thế, nơi trần gian, chúng ta có thể thấy được những hạt giống tốt hay những cây lúa tốt là những người tốt cũng như hết thảy những điều tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy “cỏ lùng” là những điều xấu diễn ra trên thế giới và ngay trong lòng mỗi người. Trong tiến trình chờ đến “mùa gặt”, cây lúa phải không ngừng chiến đấu với cỏ lùng để có thể ngẩng cao đầu, để có thể đứng vững mà sinh hoa kết hạt. Bao lâu cây lúa thôi chiến đấu thì nguy cơ nó bị cỏ lùng bóp nghẹt sẽ xảy ra. Đồng thời, khi chiến đấu, chắc chắn cây lúa sẽ cảm thấy khó khăn, vất vả và cả yếu sức, mệt mỏi. Trong tình thế đó, lời Chúa cho thấy Người không bỏ cây lúa, vốn liếng Người đã khổ công gieo trồng, đơn lẻ một mình khi vẫn quan tâm cách rất tinh tế: “Không được nhổ cỏ lùng, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta” (Mt 13,29-30)Chủ mùa gặt chắc chắn vẫn rất lo ngại cho đồng lúa của mình khi bị cỏ lùng lấn chiếm. Ông vẫn chăm sóc và quan tâm. Có điều là mỗi cây lúa phải cố gắng bám trụ cho tốt vào mảnh đất, cố gắng hút thật nhiều chất dinh dưỡng mà chủ ruộng chăm vén, phải hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời để bản thân nên mạnh mẽ và đầy đủ dưỡng chất thì mới có thể phát triển cách tốt nhất. Ở điểm này, ta hiểu ý định của chủ vườn, đó là ông không chỉ loại bỏ nguy cơ lúa bị nhổ theo cỏ lùng mà còn tạo điều kiện cho cây lúa đạt tới mức hoàn hảo sau khi đã trải qua khó khăn. Chủ đích ban đầu của ông thì không phải là tạo khó khăn cho cây lúa nhưng khi thực tế xảy ra là có cỏ lùng xâm nhập vào thì cây lúa cũng phải cố gắng chứ không thể buông xuôi hoặc bỏ mặc mọi sự cho chủ ruộng, bởi dù chủ ruộng có quan tâm thế nào đi nữa thì mỗi cây lúa cũng phải cố gắng giữ lấy vận mạng của chính mình. Như vậy, trong ruộng lúa này, cây lúa nào muốn đơm bông kết trái thì phải cố gắng đứng vững giữa sức ép của những cây cỏ lùng bủa vây xung quanh!
Sự sinh tồn và cố gắng của những cây lúa giữa đám cỏ lùng là một minh họa sống động cho cuộc đời của mỗi chúng ta. Thật vậy, chính Thiên Chúa đã gieo chúng ta, những hạt giống tốt của Người, vào trong cuộc đời. Đồng thời, kẻ thù của Chúa là ma quỷ đã xuất hiện để gieo “cỏ lùng” là điều xấu. Nó đã gieo trồng rất thành công khi tổ tông loài người, trong một sự chọn lựa sai lầm, đã chạy theo cám dỗ xấu là những “hạt giống xấu” để rồi sự dữ là cỏ lùng đã lan tràn khắp thế giới. Khi chuyện này xảy ra, Thiên Chúa đã không dẹp ngay sự dữ theo kiểu “đi nhổ từng cây” nhưng Người dùng cách loại bỏ sự dữ tận căn, vốn đã bén rễ từ trong lòng người, khi chấp nhận để Con Yêu Dấu của mình xuống thế làm người. Nhờ sự cứu chuộc được thực hiện bởi công trình Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa, con người tìm được con đường và ánh sáng trong một thế giới trước kia đã trở nên tối tăm do bị vây kín bởi “cỏ lùng”, sức mạnh của sự dữ, để trở về với cội nguồn là Thiên Chúa, đồng thời nhận được nguồn ân phúc dồi dào hầu vững vàng chuẩn bị cho “mùa gặt” của Thiên Chúa là hạnh phúc đời đời. Như vậy, khi sống giữa đời, dù biết rằng chúng ta luôn bị giằng co, lôi kéo và bám víu bởi những điều xấu, chúng ta vẫn không mất niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn nhìn đến thế giới, vẫn luôn quan tâm đến chúng ta, vẫn ban đủ mọi ơn cần thiết để chúng ta có đủ nguồn sống, đủ sức sống mà phát triển cuộc đời của bản thân cách tốt nhất.
Về phía Thiên Chúa là thế, còn về phía con người, như thánh Phaolô có lần đã nói, chúng ta cần phải “bám rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô” (Cl 2,7). Quả thế, cây có bám rễ sâu vào đất mẹ thì mới có thể đứng vững và tìm được nguồn sống nuôi dưỡng chính mình. Ngược lại, nếu tương quan không chặt chẽ, thân thiết và bền vững, cây lúa đời chúng ta chưa cần gặp phải thử thách nào, chưa cần cỏ lùng bóp nghẹt thì đã tự khô héo và tự chết dần chết mòn! Vì cái tôi của bản thân, vì ham muốn chạy theo cám dỗ, con người tự nhiên của chúng ta dễ bỏ Chúa mà chạy theo các đam mê hay ngẫu tượng. Đây cũng chính là thứ cám dỗ của mọi thời đại, một cám dỗ và cũng là một thứ tội mà con người thường hay vấp phải. Do đó, lời Chúa trong bài đọc thứ nhất là lời cảnh tỉnh dân Israel nhưng cũng đồng thời là lời cảnh tỉnh dành cho hết thảy mọi người trong mọi thời đại, trong đó có chúng ta: “Các ngươi hãy cải thiện lối sống và hành động các ngươi” (Gr 7,3). Cần phải cải thiện đời sống, cần phải hoán cải vì con người đã để cho “cỏ lùng” là những thứ xấu xa mọc đầy trong lòng và trong thế giới như lời Chúa nói: “Các ngươi tin tưởng vào những lời dối trá không sinh ích lợi gì cho các ngươi, như: trộm cướp, giết người, ngoại tình, thề dối, thờ cúng Baalim, chạy theo các thần ngoại lai mà các ngươi không biết; rồi các ngươi đến đứng trước mặt Ta trong đền thờ này là nơi kêu cầu thánh danh Ta, mà nói rằng: “Chúng tôi đã được bảo đảm để tiếp tục làm những việc ghê tởm đó” (Gr 7,8-10). Cái khốn của những người này chính là “cỏ lùng” đã gần như “quấn chặt” họ, thế mà họ vẫn cứ làm như không biết không hay, lại còn dương dương tự đắc khi không nghe lời Chúa khuyên dạy. Khỏi phải nói ta cũng hiểu kết cục của họ sẽ là tự tiêu vong và là sự hư mất đời đời!
Nghe lời Chúa cảnh tỉnh hôm nay, mỗi người chúng ta, ý thức mình là những cây lúa trong cánh đồng của Chúa luôn được Chúa yêu thương, chăm sóc và quan tâm. Chúng ta cần xác tín rõ về tình yêu Chúa dành cho mình để biết tập một đời sống gắn bó thân thiết  hơn với Chúa: tập để lý trí biết năng suy nghĩ về những giá trị tốt đẹp, về những bài học Chúa dạy chúng ta trong lời Chúa mà chúng ta được dạy từ khi còn thơ bé, từ lời Chúa mà chúng ta nghe trong các thánh lễ hay trong những giờ kinh gia đình hay trong các giờ cầu nguyện riêng tư; tập để trái tim biết thực lòng khao khát những giá trị thánh thiêng, nhất là lòng yêu mến và sùng mộ đối với bí tích Thánh Thể, thánh lễ, bí tích Hòa giải và kinh Mân Côi; và tập để trong cuộc sống tương quan với nhau hằng ngày, lời nói và hành động của chúng ta được nên giống cách Chúa nói, cách Chúa làm và cách Chúa sống trong một cung cách hiền lành và khiêm nhường. Nhờ “bám rễ sâu” trong tương quan gần gũi với Chúa Giêsu, “cây lúa” đời chúng ta sẽ chắc chắn, sẽ mạnh khỏe, sẽ đủ sức sống để một đàng có thể phát triển xanh tốt, đàng khác có khả năng đứng vững trước sức mạnh của “cỏ lùng” xung quanh chúng ta và trong lòng chúng ta. Mỗi chúng ta hãy cố gắng tập và cũng hãy giúp người thân trong gia đình cùng nhau tập luyện như thế! Cỏ lùng dù vẫn có nhưng không thể ngăn chúng ta đơm bông kết trái và đó cũng là động lực để chúng ta hân hoan cùng Chúa và cùng nhau tiến bước!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn vào thế giới với nhiều “cỏ lùng” là những điều xấu, chúng con thường dễ có nhiều suy nghĩ tiêu cực khiến lòng trí trở nên chán chường. Nhờ lời Chúa dạy hôm nay, chúng con nhận ra rằng dù thực tế cuộc đời tốt xấu lẫn lộn nhưng ơn Chúa vẫn không bao giờ thiếu để cho các “cây lúa” là những điều tốt, là chính mỗi chúng con được mọc lên và phát triển. Ý thức đó khiến chúng con cảm thấy hân hoan để quyết tâm đứng dậy, thay đổi cách nhìn và tạo một đời sống bám rễ sâu vào Chúa hơn. Chúng con tin chắc rằng nhờ ơn Chúa giúp và sự cố gắng nỗ lực tận tình và trung thành mỗi ngày, dù có khó khăn, cuộc đời của chúng con sẽ đơm bông kết trái. Dẫu hạt ít hay nhiều, dù trái to hay nhỏ, tất cả đều đến từ công khó của chúng con và như thế, chúng đều là những thành quả quý giá, tăng sức cho chúng con trong hành trình tiến về hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời mai sau. Amen.
Thực hành: Tập nhìn thấy những điều tích cực nơi người thân cận và nơi cuộc đời.
Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

SUY NIỆM 2: PHÂN BIỆT LÚA  VÀ CỎ LÙNG
Thế giới luôn hỗn tạp, pha trộn giữa cái ác và cái tốt, điều này không phải xuất hiện ở thế giới hiện đại, nhưng cũng xuất hiện từ thời Chúa Giêsu. Vì thế phụng vụ hôm nay giải thích cho chúng ta về sự hỗn tạp này, đồng thời giúp cho những người công chính an tâm sống tốt trong một thế giới vàng thau lẫn lộn.
1/ Giữ đúng bản chất.
   Trang Tin mừng hôm nay cho thấy, mọi sự phát xuất từ ở nơi Thiên Chúa đều tốt lành: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình”, nhưng sở dĩ có cái xấu là do ma quỷ gieo vào thế gian: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất”. Sự hiện diện của cái xấu nơi trần gian không phải vì thế lực của ma quỷ mạnh, nhưng hơn hết chính vì “sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”.
   Dụ ngôn Chúa Giêsu kể muốn nói lên rằng. Trong khi con cái Chúa sống ở thế gian, đừng thấy việc kẻ xấu vẫn nhơn nhởn mà thất vọng, con cái thật của Chúa phải chờ đợi. Vì chúng ta không thể phân biệt đâu là lúa, đâu là cỏ lùng. Chúng ta chờ đợi vì sự phán đoán của chúng ta chưa chắc gì chính xác. Chúng ta chờ đợi vì Thiên Chúa cũng đang chờ đợi chúng ta. Rồi ngày thu hoạch cũng sẽ đến, lúc đó con cái Chúa sẽ như những bông lúa được tích vào kho, còn những kẻ gian ác sẽ như cỏ lùng, bó thành đống mà đốt đi.
2/ Chọn đúng bản chất
   Bài đọc một kể biến cố Môsê ban bố lề luật lần thứ hai, vì lần đầu, khi ông Môsê lên núi Sinai để đàm đạo và lãnh nhận Thập Giới từ Thiên Chúa viết cho con cái Israel, họ bảo ông Aaron đúc cho họ một con bò vàng và họ đã sụp xuống thờ lạy nó như một vị thần đã đưa họ ra khỏi đất nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa nhìn thấy mọi việc làm của họ, và Ngài bảo ông Môsê mau xuống chân núi để chứng kiến cảnh dân chúng thay dạ đổi lòng. Ông Môsê đi xuống và khi chứng kiến cảnh tượng dân chúng sụp lạy con bò vàng, ông đã tức giận dùng hai bia đá của Thiên Chúa cho dân đập nát con bò vàng, tán nhuyễn ra, hòa với nước, và bắt dân uống.
   Ở lần thứ hai này, dân Israel đã chọn đúng bản chất mình là dân thánh, nên họ đồng thanh thưa: “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.
   Đúng vậy, kẻ xấu người lành hình hài bên ngoài cũng giống như nhau, giống như lúa và cỏ lùng. Chúng ta chỉ phân biệt được, khi người thi hành và tuân theo ý Chúa, giống như cây lúa trổ sinh ra hạt. Đó là bản chất của người con Nước Trời.
Lm. Tam Thái
SUY NIỆM 3: LÒNG KHOAN DUNG CẢM HÓA NGƯỜI XẤU
Đứng trước vấn nạn người tốt kẻ xấu lẫn lộn, nhất là khi kẻ gian ác lại xem ra được ưu đãi, thuận lợi và sung túc hơn người lành. Người ta đặt vấn đề có Thiên Chúa không? Hay Thiên Chúa ở đâu mà không ra tay trừng trị kẻ xấu, kẻ gian ác mà cứ để họ nhởn nhơ như vậy?
Thậm chí, ngày nay người ta còn tìm cách bới móc những lầm lỗi của Giáo Hội và con cái Giáo Hội. Một số người tỏ ra bất mãn trước những thiếu xót và bất toàn trong Giáo Hội đến độ cực đoan. Họ muốn quét sạch những người tội lỗi ra khỏi Giáo hội và họ tuyên bố rời khỏi Giáo Hội. Một tinh thần như thế hoàn toàn đi ngược lại tinh thần khoan nhượng của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu qua dụ ngôn Lúa tốt và Cỏ lùng muốn nhắn gửi rằng: không nên nóng vội, hãy cứ kiên nhẫn chờ đợi, thế nào rồi cũng có ngày phán xét, ngày số phận kẻ lành người dữ sẽ được phân định rõ ràng.
Dụ ngôn vừa mời gọi chúng ta kiên nhẫn, vừa mời gọi khiêm nhường. Kiên nhẫn chờ đến kỳ hạn Chúa định. Khiêm nhường trả quyền xét xử cho Thiên Chúa; mỗi người không nên dành quyền xét xử ấy của Thiên Chúa để coi ai là lành, ai là dữ, ai là lúa tốt, ai là cỏ lùng. Mỗi người hãy trung thành nghe và thực thi Lời Chúa.
Một thực tế không thể phủ nhận là thế gian có kẻ tốt người xấu. Ngay trong con người tôi cũng có khuynh hướng tốt xấu đồng tồn tại. Nhiều người không chấp nhận thực tế sự hiện diện cộng sinh giữa người lành và kẻ dữ; giữa thánh nhân và người tội lỗi. Tôi không nên có thái độ của những người tôi tớ trong dụ ngôn này: khó chịu, bực tức. Nên có thái độ như ông chủ: bình tĩnh chấp nhận thực trạng, tích cực thúc đẩy những yếu tố tốt và khắc phục những yếu tố xấu, lạc quan tin tưởng vào sức mạnh và ảnh hưởng của cái tốt.
Tin Mừng và lịch sử Giáo hội đã chứng minh: có vô số người tội lỗi trở thành thánh nhân. Kẻ tội lỗi cần có sự tha thứ của chúng ta, còn các thánh thì thôi thúc chúng ta hoán cải. Ngay chính bản thân mỗi người cũng cần sự bao dung tha thứ và kiên nhẫn của Thiên Chúa và tha nhân, hòng chúng ta có cơ hội sửa chữa. Giáo hội là một đoàn người đang trên đường lữ hành, có người đang đi về với Chúa, có những người đang đi xa Ngài. Người tín hữu Ki-tô là những người đang tiến bước trên con đường lữ hành ấy với sự cảm thông và tha thứ.
Khi cảm thấy không tha thứ được chúng ta hãy nhìn lại bản thân chúng ta; những cây lúa của yêu thương vẫn bên cạnh những cỏ lùng ích kỷ, hẹp hòi trong mảnh đất tâm hồn chúng ta. Có can đảm nhìn vào nội tâm, chúng ta mới cảm nhận ra sự yếu đuối của bản thân và cảm thông với những bất toàn của người khác
Đời có tốt có xấu. Chúng ta phải sống bên nhau, hy sinh cho nhau, chịu đựng nhau và cho nhau cơ hội để canh tân. Đó là thái độ đúng đắn nhìn qua “Dụ ngôn cỏ lùng” mà Chúa Giê-su đang chờ đợi nơi người môn đệ của Ngài.
Lm. Giu-se Vũ Công Viện
SUY NIỆM 4: LÚA VÀ CỎ LÙNG MỌC CÙNG LÚC
Sự bất nhân và không bao dung đã là cha đẻ sinh ra tính ích kỷ, óc bè phái nơi con người. Thật thế, con người luôn tìm dịp để trả thù nhau… Chính vì sự hẹp hòi này mà cái ác đã thắng cái thiện, sự tội đã thắng lẽ công chính! Vì thế, dù đối phương có tốt thế nào, thì trước con mắt của những kẻ muốn trả thù, họ đều là xấu xa.
Quan điểm này hoàn toàn ngược lại ý hướng và mục đích của Thiên Chúa qua hình ảnh ông chủ trong dụ ngôn cỏ lùng hôm nay.
Câu chuyện khởi đi từ việc gia nhân thắc mắc xem tại sao có cỏ lùng trong ruộng??? Tuy nhiên, ông chủ đã khẳng định rõ rằng: đó là do kẻ thù gieo trộm vào nên mới có! Sau đó, gia nhân đã không kiên trì nổi, nên xin ông chủ cho họ đi nhổ cỏ lùng kẻo nó lấn át lúa! Tuy nhiên, ông chủ đã không đồng ý và đưa ra lý do: “Đừng! Sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.
Qua dụ ngôn trên, chúng ta thấy toát lên lòng nhân từ, bao dung và kiên nhẫn của Thiên Chúa. Ngài luôn yêu thương người lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì thế, đã có lần chính Đức Giêsu tuyên bố: “Ngài đến để cứu chuộc những người tội lỗi chứ không phải những người công chính”.
Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta nóng vội và bất nhân khi chỉ nghĩ đến lỗi người khác và mong muốn loại trừ họ. Sẵn sàng làm mất thanh danh, tiếng tốt nơi anh chị em mình bằng những lời chửi bới hay dèm pha… chỉ vì họ không làm theo ý chúng ta.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi như ông chủ. Hãy tạo cơ hội cho anh chị em mình làm lại cuộc đời. Nếu họ không trở lại mà sám hối ăn năm thì hậu quả ắt sẽ đến với họ là bị quăng vào lửa không hề tắt… Đồng thời, cần xác tín rằng: ai cũng là kẻ có tội, vì thế, chính bản thân mỗi người hãy khiêm tốn để trở về với Chúa khi còn có thể. Nếu không, số phận của cỏ lùng trong ngày sau hết cũng là số phận của mỗi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương, nâng đỡ nhau trong cuộc sống, để mọi người được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP
SUY NIỆM 5: CỎ LÙNG VÀ LÚA 
Trong bài Tin Mừng hôm nay, lúa và cỏ lùng là hai hình ảnh đối nghịch nhau tượng trưng cho người lành, kẻ dữ cũng như điều thiện và điều ác trong thế giới chúng ta đang sống.
Chắc chắn một điều, chẳng ai trong chúng ta muốn trở thành cỏ lùng, bởi vì ngày tận thế, số phận của cỏ lùng đều bị bó lại và đem đi đốt. Nhưng thường thì chúng ta muốn mình trở thành lúa tốt, được thu vào kho lẫm, được tôn trọng và có giá trị. Thế nhưng trong đời sống thực tế, vì bản tính yếu đuối, vì sự dữ dấy động, lắm khi chúng ta không sống đúng bản chất của một thân lúa nhưng lại bị tha hóa thành cỏ lùng. Lúc bấy giờ, chúng ta không còn tìm kiếm những điều thiện hảo như lòng Chúa mong ước, nhưng lại tìm cách thỏa mãn dục vọng thấp hèn cùng với những toan tính ích kỷ xấu xa.
Bản thân tôi cũng rất muốn làm lúa tốt, làm một con người lương thiện và đạo đức. Thế nhưng không phải lúc nào mọi điều cũng xảy ra theo như ý mình muốn. Có nhiều khi vì yếu đuối bất toàn, tôi cảm giác mình giống như cây cỏ lùng xấu xa. Tôi như bị lún sâu vào con đường tội lỗi và cảm thấy thật khó có thể vượt qua được những cám dỗ. Nhưng nhờ ơn Chúa, nhờ những người đồng hành cùng với sự nỗ lực hướng thiện từ bản thân, tôi thấy mình dễ dàng nhận ra được cỏ lùng đang một cách nào đó len lỏi vào trong tâm hồn tôi. Vì thế tôi phải tìm cách kìm hãm sự phát triển của chúng để chúng không thể lây lan và chúng cũng không thể làm ảnh hưởng đời sống ơn gọi của tôi.
Lạy Chúa, nguyện xin Chúa ban cho con ơn khôn ngoan để con biết nhận diện đâu là lúa, đâu là cỏ lùng ngay trong mảnh đất tâm hồn của con. Xin cho con biết can đảm nhổ bỏ những gì được xem là “cỏ lùng” ngay trong con người con. Amen.
Tu sĩ Giuse Phạm Minh Hoàng, SVD
SUY NIỆM 6:
24. Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.
• Đoạn tin mừng cho thấy 2 hình ảnh đối nghịch với nhau. Một người gieo giống tốt trong ruộng của họ và một kẻ thù lại gieo cỏ lùng vào ruộng lúa của người kia. Một người ý ngay lành và một người không ngay lành. Người gieo ban ngày, người gieo ban đêm.
• Những hình ảnh đối nghịch cho thấy sự dữ luôn đi ngược với đường hướng Thiên Chúa. Ánh sáng không đi cùng với bóng tối. Sự dữ xảy ra khi đối phương không phòng bị. Đúng là chúng nấp trong bóng đêm hầu bắt người ngay thẳng (Tv.11,2)
• Chúng ta thấy kẻ thù gieo cỏ lùng rất chuyên nghiệp. Làm ban đêm và bình thản bỏ đi. Lương tâm họ không còn một tí cắn rứt. Họ đặt họ làm trọng tâm. Họ bắt người khác đi theo cách hành xử của họ.
Thế giới hôm nay vẫn còn rất nhiều người đi theo con đường của sự dữ đi ngược với lương tâm Chúa ban. Tôi được mời gọi sống ngay thẳng theo tiếng lương tâm như thế nào?
Lạy Chúa, xin dẫn con đi theo đường ngay nẻo chính.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 7: TỰ LÀM SẠCH CỎ LÙNG
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn lúa và cỏ lùng để nói lên điều xấu và tốt trong lòng con người. Thiên Chúa gieo sự tốt, còn ma quỷ gieo điều xấu. Thiên Chúa biết điều đó nhưng Ngài để cho con người sử dụng tự do của mình mà chọn lựa. Sự trì hoãn không nhổ bỏ cỏ lùng ngay lập tức diễn tả tình thương của Ngài dành cho con người. Ngài yêu thương con người nên im lặng chờ đợi con người trở lại với Ngài. Tuy nhiên, bất cứ mùa vụ nào cũng phải đến ngày thu hoạch. Do đó, mỗi người đều có ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Ngày đó mỗi người sẽ tổng kết những điều tốt xấu trong cuộc đời mình đã làm. Phần thưởng và hình phạt cũng sẽ được ban bố một cách công bằng.
Chúng ta không biết ngày nào là ngày cuối của cuộc đời mình, nhưng chắc chắn ai cũng có ngày đó và ngày đó đang đến gần. Chúng ta hãy chăm sóc cánh đồng tâm hồn mình đừng để cỏ lùng là tội lỗi xâm chiếm mà ảnh hưởng đến sự phát triển của hạt lúa thánh thiện. Mỗi ngày chúng ta cố gắng làm sạch cỏ dại tội lỗi trong tâm hồn trước, thì mùa gặt sẽ bội thu nhiều hoa trái thánh thiện. Chúa thì chờ đợi chúng ta sửa mình nhưng đừng để Chúa chờ quá lâu vì thời gian có giới hạn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết chăm sóc tâm hồn mình bằng cách sống thánh thiện, xa tránh tội lỗi và thực thi bác ái để những hạt giống thánh thiện Chúa gieo sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây