SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 22/07/2024 07:14
 
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Mt 12, 46-50

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.
47 Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy”.
48 Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.
50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

SUY NIỆM 1: ĐỂ NÊN NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA
Ở đời người ta quan niệm như thế này: “Nhất cận thân nhì cận lân”; người nào càng có mối liên hệ gần gũi thân thiết  với ông to bà lớn bao nhiêu thì càng được lợi thế, được ưu tiên bấy nhiêu. Năm xưa người ta cũng quan niệm như thế, nên có người đã kề tai và nói với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”. Họ muốn dùng mối liên hệ ấy để mở ra một con đường tắt giữa đám đông, giúp Mẹ Maria dễ dàng gặp được Chúa Giêsu.
Thế nhưng Chúa Giêsu lại nói: “Mẹ Tôi và anh em Tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Câu trả lời này của Chúa Giêsu khiến nhiều người hiểu lầm rằng, sao Chúa Giêsu lại nhạt nho với chính mẹ ruột của mình đến như vậy!
Không phải thế thưa anh chị em. Qua câu nói trên, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết rằng, điều làm cho Đức Maria xứng đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa không chỉ ở mối dây liên hệ huyết thống máu m ruột thịt, nhưng vì Mẹ là người đã lắng nghe và thực hành lời Chúa một cách hoàn hảo nhất. Chúa Giêsu muốn nhn mạnh đến điều đó, và muốn dùng chính Đức Maria, Mẹ của Ngài làm mẫu gương cho chúng ta noi theo, trong việc lắng nghe và làm theo những điều Chúa dạy.
Qua đây, Chúa Giêsu đã hé lộ cho chúng ta biết rằng, không riêng gì Mẹ Maria nhưng tất cả chúng ta đều có thể trở nên người nhà của Chúa Giêsu, đều có thể trở nên anh chị em với Ngài; miễn là chúng ta biết lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống.
Như vậy, Chúa Giêsu đã cho biết việc lắng nghe và thực hành lời Chúa là cách thức để trở nên người nhà của Chúa Giêsu. Ngài cũng cho biết Mẹ Maria sẽ giúp đỡ chúng ta. Phần chúng ta, thành công hay thất bại là tùy thuộc vào mỗi người. Amen.
Lm. Antôn
 
SUY NIỆM 2: MẸ VÀ ANH EM CỦA ĐỨC GIÊSU
Trong cuộc sống, vì nhiều hoàn cảnh, các thành viên trong gia đình nhiều khi phải phân tán để ra đi đến nơi xa lạ nhằm kiếm miếng cơm manh áo hay học hành hoặc vì sứ vụ… Nỗi lòng nhớ quê hương và người thân hẳn không bao giờ vơi đi trong lòng người xa quê! Như vậy, nếu may mắn có cơ hội gặp được người thân nơi đất khách quê người thì thật là hạnh phúc, nhất là người đó lại là cha mẹ hay anh chị em thân thiện với mình.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy phản ứng ngược lại tình cảm tự nhiên của Đức Giêsu. Khởi đi từ việc Mẹ Maria và anh em của Đức Giêsu đến gặp Ngài. Khi được tin báo, thay vì hồ hởi, tay bắt mặt mừng để ra chào đón Mẹ và anh em của mình, thì Đức Giêsu lại chỉ tay vào các môn đệ và những người đang nghe giảng mà nói: “Đây là mẹ và anh em của ta”. Phải chăng có phũ phàng quá không???
Thực ra, qua câu nói này của Đức Giêsu không có ý hạ thấp, giảm nhẹ vai trò Đức Maria là thân mẫu của mình, cũng như không hề phủ nhận tình nghĩa anh em trong dòng họ. Nhưng mặt khác, Ngài muốn đề cao Đức Mẹ và anh em mình cách cụ thể, bởi vì chính các ngài là những người đã vâng theo thánh ý Chúa cách triệt để. Cũng qua câu nói này, Đức Giêsu đã đưa dân chúng đến một quan hệ khác còn quan trọng hơn tình mẫu tử và tình anh em ruột thịt, đó là những người nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa thì đáng được gọi là mẹ hay anh chị em của Ngài hơn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để trở thành thành viên trong đại gia đình của Chúa thực sự. Chỉ những ai được tháp nhập vào trong đại gia đình này mới là những người được ơn cứu độ, vì con cái thì mới được ở trong nhà.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban ơn thánh của Chúa xuống trên chúng con, để chúng con trở nên những con chiên ngoan ngoãn nhờ biết mau mắn thi hành Lời Chúa. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 3:
Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em của Người, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, chúng ta trở thành mẹ Chúa - bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: "Trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em" (1Cr 4:15)
Tuy nhiên, muốn làm mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình:
 
* Cưu mang Lời Chúa.
Không ai cho cái mình không có, vì nếu có cho đi nữa thì cũng là kẻ ăn cắp. Vì vậy, đừng mơ đem Chúa đến cho người khác mà tâm hồn mình trống rỗng không có Chúa ngự trong mình. Rao giảng Lời Chúa mà không có Chúa sống trong mình và kết hợp với Người, thì chỉ là sự rỗng tuếch, không phải nói lời của Chúa mà là lời của mình cùng với những toan tính riêng tư của mình mà thôi. Chỉ khi mang Chúa trong mình, thì mình mới được biến đổi và giúp tha nhân trở về với Chúa được.
Muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bẳng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông.
Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên.
Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.
 
* Đem Chúa đến cho tha nhân.
Chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ.
Chúng ta cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa - cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.
Hình ảnh của Hội Thánh, cách riêng các Kitô hữu, luôn làm cho Thiên Chúa được sinh ra nơi các tâm hồn, sinh ra cho thế giới mọi nơi và mọi thời, nghĩa là làm cho Thiên Chúa được muôn người nhận biết. Vấn đề này thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát đã viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi đã quặn đau sinh ra một lần nữa” (Gl 4, 19). 
Thế giới ngày hôm nay sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí xem như Thiên Chúa không còn hiện hữu, thì bổn phận của Hội Thánh, của các Kitô hữu và cách riêng các nhà truyền giáo phải làm cho Thiên Chúa được sinh ra cho mọi người, nghĩa là làm cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa và ý thức sự hiện diện của Người, hầu các chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và biết hướng tới những giá trị tinh thần và thiêng liêng để được cứu độ.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là anh em và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.
 Hiền Lâm

SUY NIỆM 4:
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta biết những điều kiện cơ bản cần thiết để xứng đáng trở nên thành viên trong gia đình của Người.
Nhờ tích tích rửa tội chúng ta trở thành con Chúa và là thành viên trong GH. Nên ngoài gia đình tự nhiên liên hệ bằng huyết thống, chúng ta ta còn có một gia đình thiêng liêng nhờ được sinh ra trong đức tin. Vì thế, Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: thành viên trong gia đình của Chúa chính là những người biết “làm theo ý Cha trên trời”.
Nếu điều kiện căn bản để trở thành người con ngoan trong gia đình tự nhiên theo huyết thống, ta phải lắng nghe và thi hành điều tốt mà cha mẹ và anh chị hướng dẫn, chỉ bảo. Cũng vậy để trở thành con ngoan của Thiên Chúa và anh chị em thật sự với nhau trong gia đình thiêng liêng của đức tin, ta phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa cùng với sự hướng dẫn của GH.
Hơn ai hết Đức Maria là người luôn để tâm lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời mình. Nên Đức Maria trở nên kiểu mẫu cho đời sống cho chúng ta.
Khi khám phá những giọt máu trong chiếc khăn liệm thành Turin, các nhà khoa học đã chứng minh cho biết đó là loại máu B. (B là bái ái, bao dung và bình an).
Xin cho chúng ta mang lấy dòng máu của Chúa Giêsu để ta cũng biết sống bác ái, bao dung với mọi người và luôn kiến tạo sự bình an cho mình và tha nhân nhờ việc lắng nghe và thực thi lời dạy của Chúa. Có như vậy ta xứng đáng trở thành người thân của Chúa trong gia đình thiêng liêng.
 Lm. Seoka
SUY NIỆM 5: THUỘC VỀ GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA
Khi còn ở trong gia đình, chúng ta chỉ biết có cha mẹ, anh em, những người ruột thịt thân cận. Đối với chúng ta, đó đã là một gia đình rộng lớn rồi. Khi lớn lên, lúc có thêm những tương quan xã hội, chúng ta dễ dàng làm quen và có thêm bạn hữu, chúng ta thấy mình thuộc về một gia đình lớn hơn. Bài Tin Mừng hôm nay lại đi xa hơn khi nói về những người thuộc gia đình Thiên Chúa.
Khi Đức Giêsu nói: những ai nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa là anh em, là mẹ Ngài (x. Mt 12,49) thì điều ấy không có nghĩa là Ngài phủ nhận tính huyết thống của mình, hay có ý coi thường tình máu mủ nhân loại, nhưng Ngài muốn mời gọi con người hướng đến một gia đình rộng lớn hơn: Gia đình của Thiên Chúa.
Thật vậy, mỗi chúng ta khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đều trở con cái của Thiên Chúa và là thành viên gia đình của Ngài. Chúng ta đều gọi Thiên Chúa là Cha, cùng tuyên xưng một niềm tin, cùng lãnh nhận một ân huệ. Do đó, chúng ta cũng là anh chị em của nhau. Như thế,  trong đức tin, không còn có chuyện phân biệt người này, người kia, gia đình này, gia đình nọ… nhưng tất cả chỉ còn một niềm tin, một phép rửa, một Cha chung mà thôi.
Tuy nhiên, dù Bí Tích Rửa Tội là cuốn sổ ghi tên các thành viên trong đại gia đình của Thiên Chúa, nhưng tư cách thành viên, sự gắn kết gia đình, tình hiệp thông huynh đệ chỉ được củng cố và bền vững khi mọi thành viên tìm kiếm và thi hành ý muốn của chủ gia đình là Thiên Chúa. Mọi sự phân biệt sang hèn, vùng miền, cao thấp, … đều không phù hợp với tiêu chuẩn của gia đình Thiên Chúa. Nếu mọi thành viên đều chỉ tìm kiếm và thi hành ý Thiên Chúa, thì sẽ tránh được mọi chia rẽ, loại trừ, phân biệt, ghen tỵ, tranh giành trong gia đình Thiên Chúa là Giáo Hội.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sống trong gia đình của Thiên Chúa là Giáo Hội. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau vì chúng con đều là anh em với nhau.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD
SUY NIỆM 6:  THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.
Trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỷ. Ma quỷ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỷ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỷ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 7: THI HÀNH Ý CHÚA
Nhân cơ hội có người báo tin cho Chúa Giêsu biết, có mẹ và anh em Ngài muốn gặp, Chúa Giêsu đã cho biết điều kiện để trở nên người nhà của Ngài. Chỉ có một điều kiện duy nhất là thi hành ý của Chúa Cha, nghĩa là luôn làm đẹp lòng Người trong mọi sự. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh là những thành viên trong gia đình Thiên Chúa, vì các ngài có một điểm chung là luôn sống theo thánh ý của Thiên Chúa.
Qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa và trở thành người thân của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi sống giữa cuộc đời này, chúng ta dễ quên đi địa vị cao quý của mình, nên dễ sống theo con người bản năng hơn là con cái Thiên Chúa. Mỗi lần phạm tội là mỗi lần chúng ta đã làm theo ý riêng mình mà gạt bỏ ý Chúa. Như thế, chúng ta cũng tự loại mình ra khỏi gia đình của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chưa bao giờ Chúa chê chúng con tội lỗi, dơ bẩn nhưng Chúa luôn yêu thương và nâng đỡ mỗi khi chúng con lạc lối. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Chúa Giêsu để thánh ý của Chúa được thể hiện trên cuộc đời chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 8:
46. Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.
• Đức Giêsu đang thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng. Đám đông dân chúng đang nghe Ngài. Lời Ngài có sức thu hút con người. Lời đó đụng chạm đến cõi lòng và chữa lành cho họ nên họ vẫn muốn nghe. Họ không còn muốn nghe những lời của giai cấp lãnh đạo vì họ nói mà vẫn không làm cho dân.
• Ngay cả Mẹ và anh em của Đức Giêsu cũng chen chân vào nghe, gặp mà cũng không được. Đâu cứ phải thân thích là được ưu tiên hơn. Sự công bằng của Thiên Chúa khác với loài người là thế đó. Cần đặt ưu tiên nào là quan trọng.
• Xã hội hôm nay người ta hay cậy dựa vào thế lực. Ai có tiền và có quyền thường được ưu tiên hơn trong các công việc. Chỉ có những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội vẫn là người cần được trợ giúp hơn cả. Mẹ và anh em Đức Giêsu cũng là những con người nghèo nên chắc chắn vẫn được Ngài ưu tiên.
Mẹ và anh em tìm cách nói chuyện với Đức Giêsu. Tôi được mời gọi để tìm cách nói chuyện với Ngài như thế nào? Tôi có muốn gặp Ngài và dành ưu tiên cho Ngài không?
Lạy Chúa, nói chuyện với Chúa là cơ hội để con thay đổi chính mình
Br. Vincent SJ
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây