THỨ HAI TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
LỄ KÍNH THÁNH NỮ MARIA MAGDALÊNA
Ga 20, 1-2.11-18
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.
13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”
14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.
15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).
17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.”
18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
SUY NIỆM 1:
Cuộc đời của Thánh nữ Maria Mađalêna mà chúng ta kính nhớ hôm nay có thể chia làm 3 giai đoạn sau đây: Thứ nhất là giai đoạn trước khi gặp Chúa Giêsu, thứ hai là giai đoạn sau khi gặp Chúa Giêsu, và thứ ba là giai đoạn sau khi Chúa Giêsu phục sinh.
Trước khi gặp Chúa Giêsu, có thể nói Maria Mađalêna là 1 cô gái lả lơi. Xuất thân trong 1 gia đình giàu có và được thừa hưởng khối tài sản kếch xù do cha mẹ để lại, Maria Mađalêna đã ăn chơi, hưởng thụ và sống xa hoa một cách vô độ, khiến cả vùng Galilê dèm pha khinh dể. Thánh Matthêu cho biết, cô sống xa đọa đến nỗi trở thành nô lệ của ma quỉ. Còn Thánh Luca thì đồng hóa Maria Mađalêna chính là cô gái điếm đã dùng một can dầu hương thảo mà rửa chân cho Chúa Giêsu trước sự kinh ngạc của nhiều người. Có thể nói, trước khi gặp Chúa Giêsu, Maria Mađalêna là một con người đầy tội lỗi. Nhưng sau khi gặp Chúa Giêsu, thì Maria Mađalêna đã biến đổi hoàn toàn.
“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47). Câu nói ấy của Chúa Giêsu đã khiến cô tuôn rơi những giọt lệ thống hối. Kể từ giây phút ấy, Maria Mađalêna đã chuyển mình 180 độ, dứt bỏ con đường tội lỗi và một lòng gắn bó với Chúa Giêsu. Phúc Âm cho biết, Maria Mađalêna là 1 trong 3 phụ nữ đạo đức luôn dõi bước theo Chúa Giêsu để phục vụ cho Ngài và các tông đồ, Cô còn có mặt dưới chân thập giá trong ngày Chúa chịu đóng đinh và cùng với các môn đệ táng xác Chúa.
Và đặc biệt là Tin mừng hôm nay cho biết, sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, Maria Mađalêna chính là người đầu tiên được đón nhận Tin mừng phục sinh. Chúa Giêsu Phục sinh đã chọn Maria Mađalêna là người đầu tiên làm chứng nhân cho Ngài. Từ nơi cô, tin vui Chúa đã sống lại được lan tỏa đến các tông đồ, đến người Do Thái xưa, đến cả nhân loại, và đến cả từng người chúng ta hôm nay.
Chúng ta có thể tóm tắt cuộc đời của Thánh nữ Maria Mađalêna như sau: Thánh nữ Maria Mađalêna là một con người có quá khứ đầy tội lỗi, nhưng khi gặp Chúa Giêsu và nhận được ơn tha thứ của Ngài, Thánh nữ đã hoán cải hoàn toàn, gắn bó đời mình với Chúa Giêsu và trở nên chứng nhân của Ngài.
Đó là cuộc đời của Thánh nữ Maria Mađalêna. Còn cuộc đời của chúng ta thì sao thưa anh chị em?
Chúng ta có chung một điểm xuất phát với Thánh nữ Maria Mađalêna, đó là mỗi người chúng ta đều là một tội nhân. Chúng ta nhận chung một ân huệ với Thánh nữ, đó là đều được Thiên Chúa thứ tha lỗi lầm. Vậy cuộc đời anh chị em có được biến đổi như Thánh Maria Mađalêna hay không? Tức là anh chị em có dứt khoát với đàng tội lỗi, gắn bó đời mình với Chúa và trở nên chứng nhân cho Ngài giữa cuộc sống đời thường hay không? Đây chính là điều mà lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau suy gẫm, xét lại bản thân, và mỗi người hãy tự trả lời với Chúa.
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh nữ Maria Mađalêna, xin cho cuộc đời của mỗi chúng ta cũng có được một sự biến đổi đột phá như Thánh nhân, để xứng với những ơn lành mà Chúa thương ban. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2:
* Hạnh tích: Thánh nữ MARIA MAGĐALA
Thánh nữ Maria thành Magđala (Mácđala hay Mađalêna) là người được gọi đầu tiên trong số các phụ nữ được Chúa Giêsu chữa bệnh, nay theo và phục vụ Người (x. Lc 8,2).
Trong Phúc Âm có nói nhiều về những người mang tên Maria, cũng được Chúa chú tâm đặc biệt, ít nhất là có ba người, đó là các bà Maria thành Béthania (miền Giuđê), bà Maria thành Magđala (miền Galilê) và người đàn bà tội lỗi vô danh trong Phúc Am Thánh Luca (x. Lc 7).
Phụng vụ Giáo Hội La Mã, kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, đều coi Maria này là người đàn bà tội lỗi, rửa chân cho Chúa Giêsu (x. Lc 7,36-50) và là chị của Mátta và Lagiarô (x. Lc 10,38,50 ; Ga 12,1-8). Thế nhưng khoa Thánh Kinh ngày nay không xác tín điểm này.
Điểm chắc chắn không ai tranh cãi là Maria Magđala đã đứng dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu (x. Mc 15,40-41). Bà hiện diện nơi cuộc táng xác Chúa (x. Mc 15,47) và vào buổi sáng phục Sinh, bà cùng mấy phụ nữ đã đi ra mồ Chúa (x. Mc 16,1-8). Chính bà là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra và sai đi báo cho các Tông Đồ tin mừng Phục Sinh (x. Mc 16,9 ; Ga 14-18).
A- Phân tích (Hạt giống...)
Bài tường thuật của Gioan, cũng về những chuyện sáng ngày Phục sinh, đặc biệt về Maria Mađêlêna:
1. Khi thấy ngôi mộ trống, Maria Mađêlêna “khóc” và “tìm” xác Chúa Giêsu.
2. Hai thiên thần hỏi lý do bà khóc. Hai vị chỉ hỏi chứ chưa nói Chúa Giêsu sống lại.
3. Chính Chúa Giêsu hiện ra với bà: ban đầu bà không nhận ra Ngài, khi Ngài gọi tên bà thì bà liền nhận ra. Ngài giải thích ý nghĩa việc sống lại: “Ta về cùng Cha Ta cũng là Cha của các con, về cùng Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của các con.”
4. Maria Mađêlêna báo tin Phục sinh cho các môn đệ.
B. Suy gẫm (... nảy mầm)
1. Việc Chúa Giêsu Phục sinh đã biến đổi hẳn ý nghĩa và tình cảm của con người; bà Maria Mađalêna chính là đại diện; trước cái chết: nếu không tin việc Phục sinh, chúng ta đau buồn than khóc trước cái chết của một người thân và tiếc nuối đi tìm thân xác họ, khi đã có niềm tin Phục sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và sẽ không tìm người sống nơi kẻ chết nữa.
Bà De Gaulle cho gọi một nhân viên mai táng đến bảo tìm nơi an nghỉ cuối cùng cho người chồng đã quá cố. Người này thân hành trở bà đến sườn đồi, trước mặt là một thung lũng tuyệt đẹp. Ông nói: “Đây là nơi an nghỉ rất xứng đáng với người chồng vĩ đại của bà, và cũng chỉ tốn 200.000 francs.” Trong lúc bà còn đang phân vân, ông ta nói tiếp: “Ông nhà thật xứng đáng hưởng sự ưu đãi đó”. Bà đáp: “Nhưng ông ấy chỉ cần 3 ngày thôi mà!”
2. Tình cảm của bà đối với Chúa Giêsu rất đậm đà: Khi không thấy xác Chúa Giêsu, bà khóc và cả thế giới này không còn ý nghĩa gì đối với bà nữa: bà không tìm gì khác ngoài xác của Chúa Giêsu, không nhận ra ai khác (các thiên thần, chính Chúa Giêsu mà bà tưởng là người giữ vườn). Khi Chúa gọi tên, bà nhận ra Chúa, sau đó vui mừng chạy đi báo cho mọi người. Tóm lại, đối với Maria Chúa Giêsu là tất cả, mất Chúa Giêsu cả thế giới như sụp đổ, gặp lại Chúa là gặp lại niềm vui.
3. Dù Maria không còn thấy gì và không còn nhận ra ai nữa cả, nhưng Chúa Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại. “Ta biết các chiên Ta… các chiên Ta biết Ta …” Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận biết Ngài không?
Một sinh viên cao đẳng đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh ta nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả các học sinh thân yêu tụ tập xung quanh anh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tôi cả các em đều được gọi nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng. Tên người thân thật quan trọng.
4. Chúa Giêsu đã hỏi Maria: “Tại sao con khóc?” và từ đó bà đã biến nỗi buồn của bà thành niềm vui. Nỗi buồn nào đang khiến tôi phải khóc thầm? Hãy dâng cho Chúa và xin Ngài hãy biến nó thành niềm vui.
5. Vì yêu mến Chúa, đôi khi tôi cũng thấy buồn vì không thấy Chúa: chung quanh tôi hình như không có chỗ cho Chúa ở, trong xã hội, trong những công việc và những con người. Xin cho thêm nhiều người biết Chúa, xin cho người ta biết dành chỗ cho Chúa trong việc làm và trong cuộc sống.
6. “Đức Giêsu gọi bà: “Maria” bà quay lại và nói: “Rapbuni” nghĩa là lạy Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Thôi đừng giữ Thầy lại… nhưnhg hãy đi gặp anh em Thầy.”
“Này các chị có nghe điện thoại reo không? Sao tôi gọi mãi mà không có ai nhấc máy lên nghe vậy?” Từ dưới sân lầu, giữa trời nắng gắt, tiếng chị H, trực phòng khách lanh lảnh vang lên. Thật ra không phải chúng ta không nghe, nhưng ai cũng ngại nhấc máy. Vì đã nghe rồi thì sau đó phải “thông tin” lại cho người có liên quan hay phải đi gọi người dùm cho chị H.
Nhưng hôm nay, lời chị đánh động tôi rất nhiều. Vì đối với Chúa tôi cũng có thái độ như thế. Biết bao lần tôi đã dửng dưng trước những “cú phone” Chúa gọi cho tôi. Tôi không muốn nghe vì ngại phải thi hành những “Sứ điệp” của Chúa sẽ truyền dạy tôi. Cũng có thể nhiều lần Chúa gọi tôi ở đầu dây bên kia, nhưng tôi bận nghe hay nói với người khác ở đầu dây bên này. Như thế làm sao tôi có thể nghe được “điện” của Chúa ?
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM 3: HỌ ĐỂ NGƯỜI Ở ĐÂU
Mối tương quan thân thiết giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna
đã được một vài tác giả khai thác và dựng thành truyện.
Từ tiếng nức nở của Maria Mađalêna bày tỏ tình yêu với Thầy Giêsu
trong vở nhạc kịch nổi tiếng Jesus Christ Superstar của thập niên 70,
đến chuyện Đức Giêsu bị đóng đinh mà còn mơ lấy Maria làm vợ, đẻ con,
trong truyện Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng của Nikos Kazantzakis.
Gần đây nhất là cuốn Mật mã Da Vinci đã hấp dẫn cả triệu người,
dù câu chuyện giữa CGS và Maria Mađalêna hoàn toàn hư cấu.
Theo các sách Tin Mừng, Maria Mađalêna không hề là gái gọi.
Chị không phải là cô Maria ngồi dưới chân Chúa mà nghe (Lc 10, 39),
hay cô Maria xức chân Chúa ở Bêtania bằng dầu thơm hảo hạng (Ga 12, 3).
Chị cũng không phải là người phụ nữ tội lỗi ở nhà ông Pharisêu (Lc 7, 36).
Maria Mađalêna là người quê ở vùng Mácđala, gần bên hồ Galilê.
Chị đã được Đức Giêsu trừ bảy quỷ,
và đã đi theo Thầy từ Galilê cùng các bà khác (Lc 8, 1-3; 23, 49. 55).
Chị đã theo Thầy đến tận Núi Sọ và đứng bên Thầy bị đóng đinh (Ga 19, 25).
Chị là người đầu tiên ra viếng mộ buổi sáng ngày thứ nhất (c. 1).
Không thấy xác Thầy, chị hốt hoảng chạy về báo cho 2 môn đệ khác (c. 2).
Sau đó chị lại đến mộ lần nữa để tìm xác Thầy (c. 11).
Nếu không mến Thầy, chị chẳng thể can đảm theo đến cùng như vậy.
Ngôi mộ tự nó là nơi buồn, buồn hơn vì xác Thầy cũng không còn đó.
Những giọt nước mắt của chị làm ai cũng phải mủi lòng.
Thiên thần và Đấng phục sinh đều hỏi một câu giống nhau: Sao chị khóc?
Maria khóc vì thấy mình mất đi một điều quý báu.
Bận tâm duy nhất ám ảnh chị là tìm lại được xác Thầy.
“Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?”
Ba lần chị đã nói lời tương tự như thế (cc. 2.13.15).
Đấng Phục sinh đến với chị với dáng dấp của một ông làm vườn.
Ngài chạm đến nỗi đau của chị: Sao chị khóc?
Ngài chạm đến khát vọng của chị: Chị tìm ai?
Ngài gọi tên của chị bằng tiếng gọi quen thuộc: Maria.
Với giọng nói ấy, chị nhận ngay ra Thầy và reo lên: Rabbouni.
Đức Giêsu đã lau khô những giọt lệ của chị và cho tim chị vui trở lại.
Chị chỉ mong tìm được xác Thầy,
thì lại gặp được chính Thầy đang sống.
Maria Mađalêna là người phụ nữ được thấy Chúa đầu tiên (c. 18),
và được Chúa sai đi loan Tin Mừng phục sinh cho chính các tông đồ (c. 17).
Đời chúng ta nhiều khi như ngôi mộ, mất mát và trống vắng.
Chúng ta đau đớn vì mất Chúa, mất những gì mình yêu quý xưa nay.
Nhưng nếu ngôi mộ không trống thì làm sao có Tin Mừng phục sinh?
Chỉ mong chúng ta tìm kiếm Chúa với rất nhiều tình yêu như chị Maria,
vì biết mình sẽ gặp được điều quý hơn cái mình đã mất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại,
xin dạy chúng con biết chiến đấu
trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào hơn.
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của thập giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.
Xin dạy chúng con biết rằng
chúng con không thể nên hoàn thiện
nếu như không biết từ bỏ chính mình
và những ước muốn ích kỷ.
Ước chi từ nay,
không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa phục sinh.
Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt, *** là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;
xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM 4: THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA, NGƯỜI ĐƯỢC YÊU NHIỀU
Tình yêu bền vững, tình yêu vĩnh cửu đã nối kết Chúa Giêsu và thánh nữ Maria Mađalêna. Thánh nữ Maria Mađalêna được Chúa yêu nhiều, Ngài đã đáp trả tình yêu của Chúa với tất cả con tim, với tất cả tâm hồn.
Thánh Maria Mađalêna, người phụ nữ được xem là tội lỗi, đã được Chúa yêu nhiều, Ngài đã sống hết mình cho tình yêu. Tin Mừng thánh Marcô thuật lại rằng:” Khi Chúa Giêsu bị kết án tử hình, Ngài đã phải vác thập giá tiến lên đồi Gôngatha, các môn đệ tản mác như rắn bị mất đầu, họ không dám tới gần Chúa Giêsu mà chỉ ở đâu xa khuất bóng. Tại Gongôttha thánh Marcô viết:” Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Gio-xết, cùng bbà Salômê. Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilêa. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó”( Mc 15, 40-41 ). Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, thánh Marcô cũng thuật lại rằng:”…vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.”( Mc 16, 9 ). Thánh nữ Maria Mácđala vì được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ban ơn tha thứ, Người đã theo Chúa trên khắp các nẻo đường
loan báo Tin Mừng. Vì yêu nhiều, vì cảm nghiệm lòng Chúa xót thương, thánh nữ đã có mặt trong nhiều biến cố quan trọng của cuộc đời Chúa Giêsu:” Người đã có mặt dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria và thánh Gioan khi các môn đệ đều sợ sệt chạy trốn. Khi mai táng Chúa Giêsu, thánh nữ và bà Maria vợ ông Cléophas đã ngồi trước mộ thánh của Chúa. Chính vì thế, thánh nữ đã được diễm phúc là người đầu tiên được Chúa phục sinh hiện ra và trao sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ( Mc 16, 10, Ga 20, 17 ). Thánh nữ Maria Mađalêna quả có phúc vì được Chúa thương tha thứ và ban cho bà ơn huệ đặc biệt quay về với Thiên Chúa.
LỜI CẦU NGUYỆN: Đúng như lời thánh Phaolô trong 2Co 5, 14-15:” Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ “. Lạy Chúa Giêsu,xin cho chúng con nhờ lời nguyện cầu và gương sáng của thánh nữ Maria Mađalêna ban cho chúng con lòng nhiệt thành và chóng vánh đi rao giảng Tin Mừng cho Chúa sống lại, để sẽ được chiêm ngắm sự vinh quang của Chúa vĩnh cửu.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
SUY NIỆM 5:
Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la mà chúng ta mừng kính hôm nay, sinh ra tại Mác-đa-la, gần biển hồ Ga-li-lê. Mặc dầu từ thế kỷ thứ VI, Giáo hội Tây Phương thường đồng hóa tên của Ngài với một số phụ nữ có tên Ma-ri-a trong Kinh Thánh. Nhưng thực sự Ngài không phải là Ma-ri-a người chị em với Mát-ta và La-za-rô (x. Lc 10,39.42), cũng không phải là người phụ nữ vô danh xức dầu cho Đức Giêsu tại Bê-ta-ni-a mà các sách Tin mừng kể lại (x. Mc 14,3-9; Mt 26, 6-13; Ga 12, 1-8). Ngài không phải là người phụ nữ tội lỗi “đã được tha thứ nhiều nên yêu mến nhiều” trong Tin mừng theo Thánh Luca (x.7,36-50), và càng không phải là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,2-11).
Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la đã được Đức Giêsu trừ cho khỏi 7 qủy (Lc 8,2). Sự việc này không có nghĩa Ngài là người phụ nữ có quá khứ tội lỗi, nhưng chúng ta chỉ có quyền hiểu vì Ngài bị qủy ám. Đây là biến cố hết sức quan trọng trong cuộc đời của Ngài. Vì sau khi được Đức Giêsu chữa lành, Thánh Nhân đã đi theo làm môn đệ của Đức Giêsu. Ngài có mặt trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Đức Giêsu. Ngài đã lấy của cải mình có để giúp Chúa và các môn đệ trong công việc loan báo Tin mừng. Thánh Luca kể lại: “Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ” (Lc 8,1-3).
Trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, hầu hết các Tông đồ bỏ trốn thì chính Ngài đã trung thành theo Đức Giêsu mãi tới đồi Can-vê, cùng với Đức Maria và Thánh Gioan đứng gần bên Thập Giá Đức Giêsu (x. Mc 15, 40-41). Không những thế, Ngài còn có mặt khi Đức Giêsu được người ta an táng trong hang đá.
Đặc biệt, theo Tin mừng thì Ngài là người đầu tiên gặp được Đức Giêsu phục sinh (x. Mt 27,56.61; 28,1; Mc 15,40.47; 16,1.9; Lc 8,2; 24,10; Ga 19,25; 20,1.11.16.18). Vì sao Ngài lại được vinh dự đó ? Có lẽ nhờ lòng yêu mến và nhiệt thành của Ngài đối với Đức Giêsu.
Tin mừng hôm nay kể lại rằng: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”(Ga 20,1). Ngài nhìn vào trong mộ không thấy xác Đức Giêsu đâu, nên Ngài khóc (x. Ga 20,11). Lúc đó, Đức Giêsu hiện ra với Ngài và gọi chính tên Ngài. Rồi, Đức Giêsu nhắn nhủ Ngài đi báo cho các Tông đồ biết là Người đã sống lại. Ngài đã đi và báo với các môn đệ rằng: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với Ngài (x. Ga 20,15-18).
Theo truyền thống Hy Lạp, Thánh Nữ Ma-ri-a Mác-đa-la sống quảng đời cuối cùng ở Êphêsô và qua đời tại đó.
Qua một số chi tiết liên quan đến cuộc đời của thánh Ma-ri-a Mác-đa-la chúng ta có thể rút là những bài học sau đây:
Thứ nhất, Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la là một người phụ nữ quảng đại, đã góp công, góp của để giúp Đức Giêsu và các môn đệ trên con đường truyền giáo. Mỗi người chúng ta cần phải có lòng quảng đại giúp đỡ không chỉ trong công việc xây dựng các công trình vật chất của giáo xứ, giáo phận, mà còn đóng góp công của để giúp đỡ các hoạt động truyền giáo của Giáo hội tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình.
Thứ hai, Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la là người phụ nữ can đảm và trung thành. Ngài không chỉ theo Chúa khi Người rao giảng, làm phép lạ, được dân chúng tung hô mà Ngài còn trung thành ở bên cạnh Chúa trên con đường khổ giá. Cụ thể khi Ngài đứng bên Thập giá lúc Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Khi mọi người đang an giấc thì chính Ngài đã chạy ra mộ để xức thêm dầu thơm cho Thầy mình. Mỗi người chúng ta cũng hãy noi gương Thánh Nhân biết can đảm theo Chúa nhất là những lúc gặp gian nan, đau khổ và gánh nặng cuộc đời, vì “Ai muốn theo Thầy hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy” (Mt 16,24).
Thứ ba, Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la đã trở thành người đầu tiên loan báo Tin mừng phục sinh. Thần học gia Augustine, Chính thống giáo, thế kỷ IV đã gọi Ngài là : “Tông đồ đối với các Tông đồ”. Tiếp tục sứ mạng của Thánh nhân và các Tông đồ, mỗi người chúng ta cũng hãy cố gắng loan báo Tin mừng phục sinh bằng lời nói, qua các phương tiện truyền thông, qua đời sống cầu nguyện và đặc biệt là bằng đời sống chứng nhân…
Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Ma-ri-a Mác-đa-la, xin cho mỗi người chúng con biết luôn trung thành với Chúa, can đảm trước những thử thách gian nan, nhất là nhiệt tâm trong việc loan báo Tin mừng Phục Sinh. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
SUY NIỆM 6: CHỨNG NHÂN ĐÍCH THỰC
Tin Mừng Phục Sinh là niềm vui khôn tả vì Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết để thông ban sự sống mới cho chúng ta. Làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh là bổn phận của mỗi người chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay mô tả hình ảnh bà Maria Mácđala, người phụ nữ đã được chọn để chứng kiến biến cố Đức Giêsu Phục Sinh và loan báo Tin Mừng Phục Sinh đó cho mọi người. Maria Mácđala là một trong những người đã giúp đỡ Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai. Bà đã đồng hành với Đức Giêsu giữa những thời khắc đau khổ nhất của Người, từ dưới chân thập giá cho tới khi xác Người được an táng trong mồ. Bà là nhân chứng đầu tiên của biến cố Đức Giêsu Phục Sinh. Khi thăm mộ, bà đi với những bước chân nặng nề, tâm hồn lạnh lẽo, sợ hãi, than thở, khóc lóc. Bỗng nhiên, bà trở nên vui mừng hớn hở, rạng rỡ vì đã gặp Đấng Phục Sinh. Vì vui mừng, bà muốn giữ Người ở lại lâu hơn nhưng Người bảo bà hãy loan tin vui này cho mọi người. Theo lệnh của Người, bà hoan ca, reo vui ra đi loan báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,18).
Mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa chọn, gọi cách khác nhau để làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Học theo thánh Maria Mácđala, chúng ta hân hoan ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, giúp mọi người nhận ra Đấng đã chiến thắng tử thần và đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta nhiệt tâm xây dựng Nước Trời nơi mà chúng ta được sai đến, bằng chính lời chứng của mình ngang qua đời sống cầu nguyện, yêu thương, bác ái, công bình và sự thánh thiện để biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa cho tha nhân.
Lạy Chúa, xin củng cố đức tin cho chúng con để chúng con noi theo thánh Maria Mácđala mà trở nên chứng nhân đầy lòng tin và niềm vui, ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho tất cả mọi người. Amen.
Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Trí Long, SVD
SUY NIỆM 6: CHÚA GIÊSU GỌI TÊN
Khi Chúa Giêsu hiện ra, bà Maria Madalena tưởng là người làm vườn. Bà chỉ nhận ra Chúa khi Ngài gọi tên bà. Có hai lý do để bà nhận ra người trước mặt là Chúa: (1) Bà không hề giới thiệu tên mình mà người này lại biết. (2) cách gọi tên quen thuộc mà khi còn sống Chúa Giêsu vẫn gọi mà giờ đây người này lại dùng để gọi bà. Chúa Giêsu Phục Sinh đã dùng chính những sinh hoạt đời thường để củng cố niềm tin cho Maria Madalena và bà đã không phụ lòng Chúa. Bà đã tin và trở thành người môn đệ đầu tiên loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh.
Thiên Chúa không chỉ biết tên mà còn biết rõ bên trong con người của chúng ta. Việc biết tên, hay nhớ tên, hoặc thường xuyên nhắc về một đối tượng nào đó cho thấy đối tượng đó chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí chúng ta. Thiên Chúa không chỉ biết tên mà còn ghi nhớ chúng ta trong trái tim Ngài. Điều này cho thấy Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta. Tuy nhiên, sống giữa cuộc đời ồn ào này, nhiều khi Chúa gọi tên mà chúng ta chẳng nghe. Chúa nhắc hay sửa dạy qua các biến cố xảy ra trong cuộc đời hay xung quanh mà chúng ta chẳng nhận ra. Bởi vì Chúa không phải là đối tượng mà chúng ta ghi nhớ trong tâm trí mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa, vì chỉ có lòng yêu mến Chúa mới giúp chúng con dễ dàng lắng nghe được tiếng Chúa. Xin cho chúng con ơn can đảm để loại bỏ những gì đang chiếm lấy tâm trí mình mà dành chỗ ưu tiên cho Chúa hiện diện. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 7:
1. Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
• Tin mừng cho hay bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ lúc trời còn tối. Tình thương của bà đối với Chúa không có gì ngăn cách được. Thế nhưng, khi đến nơi, bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Linh tính của bà cho biết chuyện chẳng lành nên bà chạy về báo cho các môn đệ.
• Trong hành trình chạy về báo bà nghĩ gì? Nhiều xáo trộn và nghi vấn đan xen với nhau. Cảm giác sẽ hạnh phúc khi đã được chuẩn bị để gặp Thầy lại biến thành hụt hẫng khi thấy tảng đá được lăn ra và tin rằng ai đó đã lấy xác Thầy mình.
• Hành trình đức tin cũng thường xảy ra như thế. Có những lúc rất xác tín mạnh mẽ nhưng cũng có những lúc chán nản tột cùng khi mất mát hay không được như ý về một điều gì đó.
→ Cần có thời gian để chậm lại, để dám đối diện và nhận định vấn đề. Sự vồn vả đôi khi đánh mất đi cơ hội cho chính tôi. Tảng đá được lăn ra đang muốn nói gì với tôi? Đâu là những cản trở tôi cần Chúa lăn ra khỏi đời mình?
→ Lạy Chúa, xin lăn ra khỏi đời con những cản trở làm con không gặp Chúa.
Br. Vincent SJ