SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 10,34-11,1
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
10:34 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo.
35 Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: 36 và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình.
37 Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy.
38 Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 39 Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
40 Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
41 Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; 42 và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính.
Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu”.
11:1 Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.
SUY NIỆM 1: CHỌN THEO Ý CHÚA
Khởi đầu bài Tin mừng hôm nay, có lẽ Chúa Giêsu đã khiến cho nhiều người trong chúng ta phải kinh ngạc, khi Ngài nói: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì cũng không xứng đáng với Thầy”. Vậy trong hoàn cảnh nào mà Chúa Giêsu lại nói lên những lời ấy? Và những lời ấy có ý nghĩa gì?
Chắc anh chị em vẫn còn nhớ, trong những ngày đầu rao giảng của Chúa Giêsu, có rất nhiều người muốn đi theo Ngài. Tuy một đàng họ muốn theo Chúa Giêsu để cùng Ngài mở mang Nước Chúa, nhưng đàng khác họ lại còn quá quyến luyến với trần đời: Người thì xin về chôn cất cha, người thì muốn về từ biệt vợ con bạn bè…
Chính vì sự lừng khừng lưỡng lự ấy mà Chúa Giêsu đã phải nói lên những lời cương nghị, để nhấn mạnh với các môn đệ và cả chúng ta hôm nay rằng: Muốn cùng Ngài mở mang Nước Chúa thì cần phải có một sự chọn lựa dứt khoát, và đôi lúc phải chấp nhận hy sinh, thậm chí là đánh đổi.
Những ai đã từng hoặc đang tham gia phục vụ trong giáo xứ chắc ít nhiều sẽ cảm nhận được điều này. Vào những lúc giáo xứ có công trình đang xây dựng hoặc có công tác chuẩn bị cho những dịp đại lễ, là những người có trách nhiệm, chúng ta cần phải có mặt để túc trực, để điều hành và đồng hành với bà con trong những công việc ấy. Không chỉ là một ngày, có thể là nhiều ngày, và cũng có thể là hàng tuần hàng tháng. Những lúc như thế, ta thường có một sự giằng co trong lòng, giữa việc nhà và việc Chúa, không biết chọn bên nào bỏ bên nào.
Rồi có những lúc vợ con không hiểu lại cằn nhằn:“Hay là ông dọn lên nhà thờ ở luôn đi”. Một câu nói tuy rất nhẹ nhưng lại rất đau! Và đôi lúc cũng vì điều ấy mà gây nên một sự xáo trộn trong gia đình. Hôm nay nói lên những điều ấy muốn nhắn gởi đến anh chị em hai điều:
Thứ nhất là với những ai đang phục vụ: Những giằng co nội tâm mà chúng ta gặp phải trong việc phục vụ chính là thử thách, là thập giá Chúa gởi trao để làm cho việc phục vụ của chúng ta ý nghĩa hơn. Hãy can đảm đón nhận và vác cho đến trọn con đường để xứng đáng là người môn đệ của Chúa Kitô.
Thứ hai là với người nhà của những người đang phục vụ. Nhỡ một lúc nào đó chồng hay vợ của chúng ta vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà thiếu xót các bổn phận trong gia đình hay khiến chúng ta phải buồn lòng, thì mong chúng ta thông cảm và hiểu cho họ. Hãy là hậu phương vững chắc để chồng để vợ của mình tiếp tục hăng say phục vụ nhà Chúa.
Tin rằng anh chị em đủ ý chí và nghị lực để có những chọn lựa dứt khoát phù hợp với ý Chúa trong việc phục vụ. Và cũng tin rằng, những người thân yêu trong gia đình sẽ luôn ủng hộ và khích lệ để anh chị em chu toàn tốt sứ mạng mà Chúa và cộng đoàn giáo xứ tin tưởng trao phó. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 2: THÁI TỬ BÌNH AN ĐEM ĐẾN SỰ CHIA RẼ
Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay chứa đựng một số những lời nghịch lý nhất chưa bao giờ được Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hòa bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình” (Mt 110,34 -36).
Vậy chúng ta nghĩ sao đây khi Đức Giê-su được I-sai-a loan báo là Thái Tử Hòa Bình. Ngày sinh nhật của Người được các thiên thiên chào đón với những lời ca tiếng hát: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm,” (Lc 2, 14). Khi đi rao giảng, Người cũng đã từng công bố: ”Phúc cho những ai xây dựng hoà bình” (Mt 5, 9). Cũng chính Đức Giê-su, khi bị bắt, đã truyền cho Phê-rô “Hãy xỏ gươm vào bao!” (Mt 26, 52). Nay lại tuyên tuyên bố: “Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo” (Mt 10,34). Chúng ta giải thích sao sự mâu thuẫn này?
Chúng ta cần phải phân biệt xem đâu là sự bình an và hiệp nhất mà Đức Giê-su mang đến, và đâu là sự bình an và sự hiệp nhất Đức Giê-su muốn tẩy chay. Người đến ban bình an và hiệp nhất cho người lành, điều dẫn tới sự sống đời đời, và Người đã đến tẩy chay sự bình an và hiệp nhất giả tạo giả trá, điều chỉ ru ngủ lương tâm và dẫn tới sự đồi bại.
Không phải Đức Giê-su có ý đến để đem gươm giáo gây ra sự chia rẽ và chiến tranh, nhưng điều Người mang đến, không thể tránh được sự chia rẽ và sự chống đối. Sự “chia rẽ” này cũng có thể xảy ra trong gia đình: giữa cha và con trai, mẹ và con gái, anh em và chị em, nàng dâu và mẹ chồng. Và vô phúc thay, chúng ta biết điều này thỉnh thoảng gây đau đớn thật sự.
Lạy Thái Tử Bình An, xin ban cho thế giới được hòa bình.
Nữ Vương Bình An cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 3: HÒA BÌNH TRONG CHÂN LÝ
Sống trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta thấy tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang! Các nước có liên quan đã lên án sự ngang ngược, cách hành xử vô lý của Trung Quốc muốn bá chủ vùng Biển này. Đồng thời người ta lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh!
Qua câu chuyện Biển Đông, người dân đều mong muốn có hòa bình, không chiến tranh. Tuy nhiên, ai cũng biết, muốn không xảy ra đụng độ, các bên phải ngồi lại để đàm phán, tôn trọng và chấp nhận sự thật. Có thế, chúng ta mới hy vọng hòa bình lặp lại trên Biển Đông.
Hôm nay, Đức Giê-su tuyên bố một câu xem ra rất nghịch lý: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10, 34-36). Thoạt nghe, chúng ta thấy xem ra có vẻ mâu thuẫn, bất thường và khó hiểu. Tuy nhiên, đi vào chiều sâu của vấn đề, chúng ta mới thấy sáng tỏ một chân lý, đó là: chỉ có bình an đích thực khi chấp nhận sự thật; chấp nhận loại trừ những sai quấy. Bao lâu ta còn để cho sự ác, bất công, gian dối lộng hành, thì bấy lâu chúng ta không có bình an, nếu có, cũng chỉ là thứ bình an giả tạo.
Như thế, chúng ta cũng đâu lạ gì khi trong gia đình có những thành phần chống đối nhau. Tại sao thế? Thưa, chỉ vì có những chuẩn mực trong cuộc sống, những lựa chọn khác nhau, dẫn đến hệ quả khác nhau.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải đắn đo và cẩn trọng khi chọn lựa. Khi đã chọn điều tốt, phải kiên trì bảo vệ để đạt được sự bình an đích thực.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết chiến đấu trong sự thiện, để luôn đứng về phía sự thật, hầu đem lại sự bình an thực sự. Amen.
Giu-se Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 4: TIN TƯỞNG VÀO CHÚA
Câu chuyện
Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. Cách đây hai năm trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết sẹo còn hằn trên cổ.
Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có giám mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nỗi âu lo của họ. Tôi đã chia sẻ các khổ đau của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng mười hai, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây, tôi phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng, phải cùng Ngài ra đi chết “bên ngoài tường thành” bên ngoài tường thánh (ĐHY Phan xicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng nhân Hy Vọng).
Suy niệm
Trong ngữ cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay là tất cả những xung đột, chia rẽ mà Chúa Giêsu nói đến, đó là hình ảnh biểu tượng những sự việc xảy ra trong sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục sinh. Các ngôn sứ cũng nói tiên tri về hình ảnh biểu tượng chia rẽ của ngày sau hết, thời kỳ Mêssia: “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà hóa ra thù địch” (Mk 7,6; x. Ml 3,24).
Chia rẽ xung đột còn xảy ra giữa Đức Kitô và những người liên hệ: Thầy trò chia ly, môn đệ phản Thầy, bán Thầy, chối Thầy... Giáo hội cũng đã trải qua những cuộc bách hại, xung đột và chia rẽ với những thế lực chống Tin Mừng trong suốt chiều dài lịch sử, từ những cuộc bách hại đầu tiên ở đế quốc Rôma vào thế kỷ I. Ngày hôm nay Giáo hội vẫn còn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới đặc biệt nơi các nước Hồi giáo. Gần nhất, chúng ta thấy rõ trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, những cuộc bắt hạch đạo đẫm máu giữa những người cùng một dân tộc. Sự chia rẽ nơi Giáo hội Chúa Kitô trong lịch sử: Chính Thống Giáo ở thế kỷ X, Tin Lành ở thế kỷ XVI...
Denys le Chartreux đã suy tư về sự chia rẽ, xung đột trong Giáo hội như sau:
“Những người tin, yêu mến Thiên Chúa tìm kiếm sự bình an tâm hồn, họ sẽ cảm nghiệm bổn phận bất tuân với những điều xấu. Họ sẽ chia rẽ với những gì làm cản trở đời sống thiêng liêng và sự trong sáng của tình yêu Thiên Chúa”....
Đứng trước xung đột nội tâm, chia rẽ, những cảnh tang thương mà ta phải đối diện. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự tranh đấu hiệp nhất trong thánh ý Cha của Đức Kitô nơi vườn Cây Dầu để tiếp tục chiến đấu, vượt qua xung đột để lửa tình yêu, bình an và hy vọng được đốt lên trong tâm hồn. Chúng ta ngắm nhìn khuôn mặt của Chúa Kitô vác thập giá, Ngài đang cùng ta tranh đấu, gánh trên vai xung đột chia rẽ, để chúng ta cùng với Ngài lãnh nhận chiến thắng Phục sinh.
Ý lực sống:
“Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn” (Dt 12,2).
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM 5: CHỌN LỰA CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Tình yêu là sự chọn lựa cao cả và quyết liệt nhất của người môn đệ theo Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy”.
Quả thật, nếu chỉ hiểu theo mặt chữ, có lẽ hiếm người xứng đáng trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Bởi, những yêu cầu và tiêu chuẩn của Người dường như quá cao đối với một người bình thường. Ai mà không yêu gia đình, yêu cha mẹ, yêu con cái mình. Chắc hẳn, điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là một sự ưu tiên trong chọn lựa. Người môn đệ theo Chúa không thể đi hai hàng; không thể làm tôi hai chủ. Khi đã chọn Chúa, người môn đệ cần có một thái độ dứt khoát và mạnh mẽ. Người môn đệ cần dứt bỏ những gì ràng buộc họ, kể cả những gì lưu luyến nhất, nếu điều đó ngăn cản họ bước theo Thầy. Với người môn đệ, Chúa chính là ưu tiên hàng đầu. Chúa muốn người môn đệ theo Chúa với toàn bộ con người, con tim, khối óc và với một tinh thần nhẹ nhàng, vui tươi và phấn khởi.
Bước theo Chúa, người môn đệ sẽ bước đi trên con đường Thầy đã đi. Con đường Thầy đi là con đường thập giá, con đường từ bỏ, con đường hy sinh vì tình yêu. Thầy đã yêu “tới bến”, yêu mãnh liệt, yêu đến cùng. Như thế, người môn đệ cũng sẽ là những người bước theo Thầy và đi con đường Thầy đã đi. Con đường đó là con đường yêu thương, hy sinh và phục vụ. Nếu không yêu Thầy, không chọn Thầy là ưu tiên số một, chắc hẳn người môn đệ sẽ khó lòng bước theo Thầy trên con đường sứ vụ của mình.
Lạy Chúa, Chúa đã tự nguyện chọn con đường “tự hạ”, đến với con người để yêu thương và phục vụ. Xin thêm sức mạnh và biến đổi con để con xứng đáng trở thành người môn đệ đích thực biết yêu thương và phục vụ như Chúa. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Cương, SVD
SUY NIỆM 6:
- Bình an hay gươm giáo?
Một trong những lời khó hiểu và dường như mâu thuẫn nhất của Đức Giêsu chính là lời sau đây, được thánh Mátthêu kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (c.34-36).
Thật vậy, lời này của Đức Giêsu dường như mâu thuẫn với tất cả những lời còn lại của Ngài, với sứ điệp hòa giải, hòa bình và hiệp thông của Nước Trời mà Ngài rao giảng và làm cho hiện diện giữa chúng ta. Như khi các thiên thần cất tiếng hát trong biến cố Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 13-14).
Một trong những nguyên tắc giúp cho việc đọc hiểu và cầu nguyện với một bản văn Kinh Thánh, đó là điểm tối tăm sẽ được soi sáng khởi đi từ điểm sáng tỏ. Và nguyên tắc này rất thích hợp với bài Tin Mừng của chúng ta. Ngọn lửa tình yêu mà Đức Giêsu đem đến và muốn cho bùng cháy (x.Lc 12, 49-50) tất yếu sẽ đốt cháy, loại bỏ, và nói theo trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, sẽ phân rẽ (x.St 1, 4.6.7.14.18). Giống như một thủa đất, để trở thành đất tốt, thì phải được mổ xẻ, phân chia, vun xới; chúng ta hãy đặt mình trong vị trí của đất, thật đau đớn biết bao, khi được đào xới và cày bừa để loại bỏ sỏi đá, gai góc, cây cỏ…Nhưng tiến trình mổ xẻ, phân chia, vun xới, chính là để chữa lành, để làm cho chúng ta trở nên “đất tốt”.
Và để sống theo lửa tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta không chỉ gặp nhưng xung khắc nội tâm, nhưng còn có nhưng xung khắc trong tương quan với người khác, đôi khi với những người thân yêu, mỗi khi chúng ta muốn sống sự đơn sơ, nghèo khó và khiêm tốn theo Tin Mừng của Đức Giêsu. Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, hẳn chúng ta sẽ có kinh nghiệm này: Lời Chúa có thể “xâu xé”, “cắt tỉa” chúng ta, nhưng là để chữa lành và làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái, như chính Đức Giêsu đã nói, khi dùng hình ảnh cây nho (x.Ga 15, 1-8): Hình ảnh rau sa-lát phải được quấy nát để thấm nước sốt, diễn tả phần nào kinh nghiệm này.
Chính Đức Giêsu cũng sẽ đối diện với những xung khắc, mà Ngài gọi là “Phép Rửa”. Phép Rửa Ngài phải chịu là cuộc thương khó và cái chết trên thập gía. Thập giá là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với Thiên Chúa và nhưng ai đặt niềm tin nơi Ngài, thì đó lại là sức mạnh và khôn ngoan, dẫn đến bình an và niềm vui vô hạn.
Trong sách Xuất Hành, có một hình ảnh rất tuyệt vời nói lên Ngọn Lửa Tình Yêu thần linh, đó là hình ảnh bụi gai bừng cháy, nhưng không bị thiêu rụi (x.Xh 3,2). Hình ảnh bụi gai bừng cháy diễn tả rất tuyệt vời hai đặc tính trái ngược nhau của tình yêu: vừa mạnh mẽ và vừa hiền lành, không loại trừ hay hủy diệt. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa là ngọn lửa bừng cháy, lan tràn, thanh tẩy, nhưng không thiêu rụi.
- Dứt bỏ điều không thể
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ nói những lời khó hiểu và mâu thuẫn, những còn có những lời khó chấp nhận: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (c.37).
Trong sách Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giêsu còn nói mạnh hơn: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27). Để trở thành môn đệ của ngài, Đức Giêsu đưa ra một đòi hỏi quá khó khăn. Vì thế, chúng ta thường hiểu đòi hỏi này chỉ dành cho một số ít người thôi, đó là các tông đồ, và bây giờ là những người đi tu. Hiểu như vậy là không đúng, vì như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói lời này với đám người rất đông đang cùng đi đường với Ngài; và trong Giáo Hội, dù lập gia đình hay đi tu, chúng ta đều là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Kitô, chúng ta đều là môn đệ của Đức Kitô theo những cách thế khác nhau, trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì. Hơn nữa, Đức Giêsu còn mời gọi người ta dứt bỏ “vợ con”, nghĩa là Ngài ngỏ lời với cả người đã có gia đình, đã có vợ có chồng và đã cả con cái!
Vậy thì phải làm sao đây trước đòi hỏi quá rõ ràng và khó khăn của Đức Giêsu, ngỏ với từng người trong chúng ta, không phân biệt? Chúng ta được mời gọi dành thời gian để tìm cách hiểu Lời Chúa theo khả năng của mình, trước khi nghĩ đến việc phải thực hành làm sao. Trong nhiều trường hợp, nếu chúng ta “nhắm mắt” thực hành ngay, sẽ đi đến bế tắc, làm khổ thậm chí làm hại mình và làm hại nhau, như trong trường hợp đòi hỏi phải từ bỏ này. Thế thì, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá lớn lao đến độ phi lí này của Đức Giêsu? Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng đòi hỏi này thật là lạ lùng, nếu không muốn nói là khó chấp nhận. Khó chấp nhận, vì Đức Giêsu không đòi chúng ta dứt bỏ của cải, tiện nghi, nhà cửa, ruộng đất, nhưng là dứt bỏ những con người cụ thể.
Và khó chấp nhận, nhất là vì Đức Giêsu không đòi hỏi chúng ta dứt bà con họ hàng, bạn bè hay là người yêu. Dứt bỏ những người này cũng không phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Như chúng ta đã biết, có nhiều người trẻ nam nữ đã phải chia tay với người yêu để trở thành môn đệ Đức Kitô trong đời tu. Và dĩ nhiên là cũng có những người không chia tay được!
Nhưng, ở đây, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta dứt bỏ những người ruột thịt: đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Và ruột thịt hơn nữa là chính sự sống của mình, bởi vì chúng ta phải đối diện vởi chính mình hằng ngày: phải ăn phải mặc, phải chăm sóc sức khỏe, và còn phải chú ý đến ngoại hình nữa. Có thể nói, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta dứt bỏ điều không thể dứt bỏ, bởi vì đó là ruột là thịt của mình. Ví dụ, dù chúng ta đi đâu, làm gì, sống ơn gọi nào, thì khi làm tờ khai, chúng ta vẫn phải khai mình là con của ai, khai vợ khai chồng nếu có, khai tất cả anh chị em ruột. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta rất coi trọng đạo hiếu với cha mẹ và tình nghĩa anh chị em và bà con thân thuộc.
Vậy “dứt bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Thiên Chúa ban. Nếu không, chúng ta sẽ coi những người thân yêu là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất mình và đánh mất nhau.
Tổ phụ Abraham vì tình yêu đối với Chúa, đã dứt bỏ người con trai duy nhất, nhưng cuối cùng đã nhận lại như một ơn huệ Thiên Chúa ban, và cùng với người con ơn huệ Isaac là cả một dân tộc đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển.
Có thể nói, chính Thiên Chúa Cha cũng dứt bỏ người Con duy nhất, là Đức Giêsu Kitô trong cuộc Thương Khó, nhưng để nhận lại Ngài trong sự sống Phục Sinh và cùng với Ngài, là cả một đoàn con đông đúc, là nhân loại mới, là Giáo Hội, là chúng ta, được cứu chuộc bỏi cái chết trên Thập Giá của Đức Kitô.
Vỉ thế, chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giêsu, ngang qua việc nghe Lời của Ngài và đón nhận mình và máu ngài trong Thánh Lễ, để nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và cách Đức Giêsu yêu mến chúng ta, cũng chính là cách thức chúng ta yêu mến nhau. Như Chúa nói: “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến anh em”.
Nếu chúng ta yêu nhau như Chúa yêu chúng ta, tương quan tình yêu giữa chúng ta, sẽ không bị lệc lạch, không bị biến dạng thành tương quan ham muốn, chiếm hữu hay độc quyền, nhưng trở thành tương quan hiệp thông trong sự tôn trọng, chia sẻ cho nhau và chia sẻ cho nhau đến tận cùng. Và Ngài hứa với chúng ta là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Bởi vì tất cả những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành sẽ trở thành người thân của Chúa và vì thế, trở thành người thân của nhau. Lời hứa này không chỉ được ứng nghiệm trong cộng đoàn đời tu, nhưng trong Giáo Hội, trong cả trong cộng đoàn giáo xứ của chúng ta nữa.
Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giêsu bằng mọi giá, để yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, mời gọi chúng ta phải hi sinh từ bỏ rất lớn để trở nên môn đệ đích thật của Chúa. Nhưng đó chính là để chúng ta đón nhận tình yêu bao dung và thương xót của Chúa, và để chúng ta nhận lại nhau như hồng ân Chúa ban và yêu thương nhau; và không phải yêu thương nhau theo kiểu của chúng ta, nhưng là yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta.
- Phần thưởng
Nếu những lời trên đây của Đức Giêsu gây ra nhiều khó khăn, thì những lời tiếp theo lại mang lại cho chúng ta sự bình an và hi vọng. Thật vậy, một ơn rất nhỏ, là một “chén nước”, mà chúng ta trao ban cho những người thuộc về Đức Kitô, cũng được Chúa ghi nhận, coi trọng, và sẽ làm cho sinh hoa trái kết quả, như Người nói: “Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Và vì đó là “phần thưởng” đến từ Đức Kitô, con Thiên Chúa, nên sẽ tồn tại mãi mãi.
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng trao ban hơn thế nhiều, cho những người thuộc về Chúa, hay rộng hơn, cho những gì thuộc về Chúa và cho chính Chúa. Vậy, dựa vào lời của Chúa, một đàng, chúng ta hãy xác tín về “phần thưởng”, nghĩa là những hoa trái Chúa sẽ ban cho chúng ta, cho sự sống hôm nay và mai sau, cho dù chúng ta còn đầy thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi; và đàng khác, chúng ta được mời gọi trao ban hơn nữa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc