SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 31/07/2024 08:11
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Mt 13,47-53

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu”. 52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”. 53 Khi Đức Giê-su kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó.
SUY NIỆM 1:
Trong Thánh Kinh Chúa đã tiên báo cho chúng ta một điều chắc chắn là ngày tận thế sẽ đến với trái đất này. “Kìa Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế. Amen”. (Kh 1,7). Và trong ngày ấy, sự kỳ diệu của Thiên Chúa đã chúc phúc cho thân xác con người sẽ được thể hiện. Trong kinh Tin Kính chúng ta thường đọc mỗi ngày đã xác định điều đó: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Ngày đó sẽ đến và thân xác con người sẽ được hồi sinh, cho dù thân xác đó trước đây đã bị thiêu đốt trong lò thiêu, hoặc thân xác đó khi chết không còn toàn thân ... Đây chính là quyền năng của Thiên Chúa.
Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết hình ảnh trong ngày phán xét, như người chài lưới chài được mọi thứ cá được đưa về phân loại. Ngày tận thế cũng vậy, Thiên Chúa sẽ sai Thiên Thần đến và phân loại kẻ tốt và kẻ xấu. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã có khá nhiều bài về nói ngày phán xét chung, cũng như hình ảnh về Thiên đàng và Hỏa ngục.
·        Như người mục tử sẽ phân thành hai nhóm chiên và dê. (Mt 25,31-46)
·         Như người thợ gặt trước khi thu hoạch lúa sẽ sai thợ cắt cỏ lùng trước. (Mt 13,4-3)
·         Như dụ ngôn người nghèo khổ và anh chàng phú hộ. (Lc 16,19-31)
·         Như người đầy tớ vô dụng, sẽ bị quăng vào chốn tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (Mt 25,30)
Và còn rất nhiều hình ảnh về Nước Trời nơi những linh hồn thánh thiện được thưởng công, cũng như hỏa ngục nơi giam cầm những linh hồn đã mất ơn nghĩa với Chúa.
Khi nghe bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có suy nghĩ gì về những điều Chúa đã nói. Cuộc sống thường ngày của chúng ta đã học tập được những gì về những Lời Chúa đã dạy và thực hành được những gì trong việc sống đạo.
Có một câu chuyện kể về một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được ở với Đức Giêsu.
Cậu bé nói :
 Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên Đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giêsu và ở với Người mãi mãi.
Nhà truyền giáo đáp
Nhưng nếu Đức Giêsu phải rời khỏi Thiên Đàng, con sẽ làm gì?
Con sẽ đi theo Người.
Nhà truyền giáo lại nói :
 Nhưng giả sử Đức Giêsu đi xuống hoả ngục, con sẽ làm gì?
Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp :
 Ồ, ở đâu có Đức Giêsu, thì ở đó không thể có hoả ngục … Chúa Giêsu ở đâu, ở đó là Thiên Đàng.
Sự hiện của Chúa Giêsu trong cuộc sống mỗi người chúng ta, chính là Thiên Đàng mà chúng ta đang mong ước được vui hưởng.
Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta hạnh phúc được gọi là người con của Chúa. Mỗi người chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Chúa. Chúng ta hãy mau mắn đáp trả Lời Chúa đang kêu mời chúng ta tiếp bước hành trình truyền giáo, đem Chúa đến cho mọi người chung quanh chúng ta. Để mỗi người, cùng tất cả anh chị em sẽ được các Thiên Thần sẽ chọn lựa đem về hưởng hạnh phúc đời.
Lm. Giuse Trần Quang Thắng
SUY NIỆM 2: DỤ NGÔN VỀ CHIẾC LƯỚI

1. Dụ ngôn chiếc lưới này gần giống như dụ ngôn cỏ lùng. Cả hai dụ ngôn đều nói tới vần đ kẻ tốt và kẻ xấu sống chung với nhau, và sự phân biệt rõ ràng dứt khoát, mỗi kẻ một nơi, chỉ xy ra vào ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng.
Như chiếc lưới quăng xuống biển bắt được mọi thứ cá, Thiên Chúa cũng căng lưới tình yêu ra và chụp vào mọi người, không ai bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Thế nhưng, Chúa chỉ lựa cá tốt. Thiên Chúa chỉ đón nhận những ai muốn được Ngài biến đổi và làm cho tốt, còn những ai chối bỏ, thì sẽ bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương và sẽ chịu hình phạt muôn đời.
2. Dụ ngôn lưới cá thời Chúa Giê-su không giống cách đánh cá công nghiệp thời nay. Cách đánh cá này giống như cách đánh cá của người dân quê miền bể chúng ta.  Đây là thứ lưới vét (lưới giùng) dài và rộng. Dân chài chia thành hai nhóm kéo hai đầu lưới, bao vây cả một vùng biển mà dân chài tưởng là có đàn cá, từ từ vòng vào bờ, kéo lưới lên bãi, xúm nhau lại nhặt cá.
Theo giải thích của nhiều giáo phụ thì biển là thế gian, cá là nhân loại, dân chài là các tông đồ, lưới là Hội thánh và là việc rao giảng Tin Mừng, nhặt cá tốt và cá xấu là phân biệt kẻ lành kẻ dữ trong ngày phán xét.
3. Theo cánh đánh cá ở trên, các ngư phủ sau khi kéo lưới vào bờ, họ thường ngồi lựa cá tốt và cá xấu. Cá tốt thì thu gom lại còn cá xấu thì loại bỏ đi. Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh lưới cá này để chỉ Nước Chúa, tức là Hội thánh của Chúa, có nhiều thành phần khác nhau, tốt xấu khác nhau. Ai cũng có thể ở trong Giáo hội, không phân biệt, không kỳ thị chủng tộc, mầu da, tiếng nói, văn minh, giầu nghèo. Tuy nhiên sẽ có ngày Chúa phân xử là lựa chọn kỹ càng, lúc ấy Thiên Chúa sẽ quyết định ai là người tốt, ai là người xấu, ai là con cái thật của Chúa,  ai là thứ giả hình giả mạo. Chúa Giêsu còn nói rõ: các thiên thần sẽ tách biệt  kẻ xấu và người công chính. Kẻ xấu sẽ bị ném vào lò lửa không hề tắt, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng, còn người công chính  sẽ chói sáng như mặt trời.
4. Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền xét xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho các tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.
Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh  được . Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.
5. Một lần nữa chúng ta được nghe Chúa Giê-su mạc khải về ngày tận thế qua dụ ngôn chiếc lưới đầy cá và sự lựa chọn của ngư dân. Trong ngày sau hết cũng vậy, Thiên Chúa sẽ tách biệt người công chính  ra khỏi kẻ gian ác. Kẻ gian ác thì chịu án phạt, còn người công chính được ân thưởng trong Nước Trời.
Vì thế, Hội thánh ở trần gian giống như chiếc lưới, mời gọi mọi người không trừ ai. Thế nhưng, trong Hội thánh, mọi tín hữu đều hướng tới mục tiêu là nên thánh, nên công chính để được Chúa tuyển chọn  vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong ngày sau hết. Trở nên người công chính, đó là ước mong của mọi người chúng ta  khi làm môn đệ Chúa Ki-tô. Và chính điều mong ước này là động lực thúc đẩy chúng ta sống công chính theo gương Ngài để được chọn vào trong Nhà Chúa. Lời Chúa mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta nên sống công chính thánh thiện để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn (5 phút Lời Chúa).
6. Truyện : Xin rời bỏ Giáo hội.
Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục và tuyên bố:
– Con đến cho Đức Cha hay con muốn rời khỏi Giáo hội. Đức Cha nghĩ sao?
Vị Giám mục xin ông cho biết lý do.
Ông nói:
– Đức Cha nghĩ coi: Giáo hội có mặt trên trần gian này hơn 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không ?
Vị Giám mục bình tĩnh trả lời:
– Bác sĩ nói chí lý. Nhưng bác sĩ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này bao nhiêu triệu năm rồi. Vậy mà sao ngày nào bác sĩ cũng như tôi cứ phải rửa tay?
Nghe thế, vị bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo hội nữa.
Vâng ! Hãy biết sống kiên trì, nhẫn nại và nhiệt thành để tâm hồn luôn được thanh thản và bình an.
Lm Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 3: CÁI CŨ, CÁI MỚI VÀ SỰ LIỀU LĨNH 

Trong đoạn Tin Mừng Matthêô hôm nay, sau khi kể dụ ngôn thứ bảy, là dụ ngôn cuối cùng về Nước Trời trong chương 13, Chúa Giêsu kết luận rằng: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (13,52). Đôi khi Tin Mừng Matthêô làm cho người đọc có cảm tưởng Chúa Giêsu chỉ có phê phán các vị kinh sư, biệt phái và kỳ mục, nhưng đoạn trích hôm nay cho thấy Chúa Giêsu cũng hướng về họ và mong ước họ đón nhận Tin Mừng về Nước Trời.
Chúa Giêsu không phủ nhận toàn bộ những gì họ nghiên cứu và thực hành, bởi vì thực ra, Lề Luật mà họ đang tập chú vào cũng đến từ Thiên Chúa. Nhưng vấn đề là mạc khải của Thiên Chúa là một tiến trình mở ra từng bước để hướng về Chúa Giêsu, nhưng họ thì dừng lại ở những điều đã có, chi tiết hoá và làm cho chúng trở nên bất di bất dịch trong từng chi tiết. Vì thế, họ không đón nhận được Tin Mừng về Nước Trời được Chúa Giêsu rao giảng! Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu là: lấy ra những tinh tuý của cái cũ nơi Lề Luật và đón nhận cái mới nơi Tin Mừng về Nước Trời.
Mạc khải của Thiên Chúa không phải là một kiến thức thần học, nhưng là chính Thiên Chúa biểu lộ về Ngài. Người ta hiểu biết về Thiên Chúa qua những biểu lộ của Ngài dọc theo dòng thời gian của cuộc sống con người, của cuộc sống từng người. Vì thế, việc nhận biết Thiên Chúa phải được tiếp tục mãi, không bao giờ hoàn tất. Bảo thủ theo nghĩa đóng lại trước những điều mình chưa biết tới, chưa nghĩ tới, là chối bỏ Thiên Chúa. Thánh Thần vẫn tiếp tục giúp tín hữu hiểu mạc khải của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, biết lấy ra cái tinh tuý của những điều đã có trước đó, tiếp tục mở ra với cái mới, và do đó, cũng phải biết liều lĩnh nữa khi đối diện với con đường mới mà Thánh Thần mở ra cho chúng ta.

Giuse Nguyễn Trọng Sơn

SUY NIỆM 4:
Chỉ có một mình thánh sử Mátthêu kể về dụ ngôn “cái lưới” mà chúng ta vừa nghe. Dụ ngôn “cái lưới” này cũng có ý nghĩa tương tự như dụ ngôn “cỏ lùng”, nghĩa là giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu, giữa cuộc đời người lành kẻ dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định trong ngày ra trước tòa phán xét, để thưởng công hay luận phạt. Ngày đó, như nông dân gom lúa vào lẫm và đốt cỏ lùng, như ngư dân bỏ cá tốt vào rổ và cá xấu vứt đi, thì Thiên Chúa cũng thưởng công Nước Trời hạnh phúc cho kẻ lành và ném vào hỏa ngục những kẻ gian ác tội lỗi.
Khi kể dụ ngôn “cái lưới”, Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định có một cuộc phán xét cuối cùng, nhưng phán xét là một bí mật thuộc quyền Thiên Chúa, và cho đến ngày tận thế, cái tốt cái xấu có mặt lẫn lộn nơi mỗi người cũng như trong mọi cơ cấu xã hội loài người. Thiên Chúa để cho mọi sự việc tự nó sáng sủa hơn: cái ác là một phần của mầu nhiệm Thập Giá, nhưng nhờ làm điều thiện và sống trong ánh sáng, người ta sẽ thắng điều ác (x. Rm 12,21).
Khi ngày tận thế đến, số phận của mỗi người sẽ được tách biệt, cũng như số phận thật của những con cá khi mẻ lưới được kéo lên sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào chất lượng của những con cá ấy. Vì thế, trước khi tấm lưới được kéo lên trong ngày chung thẩm, con người cần phải trở thành những con cá tốt. Số phận đời đời của mỗi người tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống hiện tại này. Mọi người tiến về một cuộc phán xét, và sự sống sung mãn sẽ được tặng ban cho những ai ở “trong” Chúa; ngược lại, ai chối từ sự sống chỉ còn biết một số phận vô vọng của hỏa ngục.
Hỏa ngục không phải là một sự trả thù của Thiên Chúa, nhưng là một án công bằng của mọi nhân vị đã tự chọn lấy từ khi còn ở thế giới dương gian. Những kẻ “sa hỏa ngục” chính là những kẻ tự giam mình trong cảnh cô đơn bi đát mà không còn có thể từ bỏ nó nữa; nơi đó họ vừa tự thỏa mãn vừa tự tra tấn với cái xấu của bản thân, họ đã từ chối để được cứu độ thì họ phải xa lìa Đấng muốn cứu họ.
Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu  sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho cá tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.
Trong Hội Thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác  đó là điều không tránh được. Hội Thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội Thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta,  mặc dầu đã nhậnnhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.
Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng có một thế giới toàn thiện hay là có thể có một Hội Thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người tốt và thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chỉ khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ; để chúng con lo tìm kiếm Nước Trời thì sẽ không bao giờ lầm, vì đó là một bảo đảm cho những ai dám đặt tất cả niềm tin vào Chúa. Amen.
Hiền Lâm

SUY NIỆM 5: LUẬT NHÂN QUẢ 
Trong cuộc sống, ta thường gặp nhiều người tốt nhưng đời sống của họ toàn gặp điều bất hạnh. Ngược lại, có lắm kẻ xấu, làm đủ chuyện tầy trời nhưng cuộc sống của họ vẫn an nhiên tự tại. Điều đó làm cho nhiều người tự vấn: Tại sao tôi lại phải sống tốt? Tôi sống tốt thì được ích gì? Bài Tin Mừng hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời xác đáng.
Người ta vẫn thường nói: “Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”. Điều đó muốn nói rằng nếu ta làm điều tốt thì ta sẽ gặt điều tốt, ngược lại ta sẽ gặp điều xấu, đen đủi nếu như ta làm những việc xấu xa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng muốn khẳng định như thế. Ngài lấy dụ ngôn chiếc lưới để nói về Nước Trời. Ngài nói rằng: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển thu được đủ thứ cá, cá tốt thì thu vào, cá xấu thì vứt đi” (Mt 13,48). Cá tốt ở đây nghĩa là những người sống tốt, làm điều thiện, ngược lại cá xấu là những người chuyên làm điều dữ. Đức Giêsu muốn khẳng định rằng, những người làm điều tốt lành, luôn sống theo lương tâm ngay thẳng thì chắc chắn sẽ được phần thưởng là Nước Trời. Ngược lại, những người luôn làm điều xấu thì sẽ chẳng bao giờ được nhận vào Nước Trời.
Bài Tin Mừng hôm nay là lời bảo đảm của Đức Giêsu dành cho những ai đang tìm kiếm lý do để sống tốt. Chúng ta phải sống tốt vì đó là cách thức duy nhất để đạt được sự sống đời đời. Chúng ta cần biết sống theo lương tâm ngay thẳng, thực hành những gì mà Đức Giêsu đã truyền dạy. Những lời dạy bảo ấy tóm gọn trong hai điều là “mến Chúa và yêu người”. Tất nhiên muốn làm được như thế, chúng ta cần phải biết cậy nhờ vào ân sủng của Chúa vì chỉ dựa vào sức mình thì ta sẽ chẳng làm được gì cả.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tình yêu và ân sủng của Chúa, để nhờ đó, chúng con biết cố gắng mà sống sao cho đúng như lời Chúa dạy, hầu đạt được phần thưởng mà Chúa đã hứa ban chính là sự sống mai sau. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Tâm, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây