SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 04/08/2024 05:24
SUY NIỆM THỨ HAI TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN
Mt 14,13-21
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.”
16 Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” 17 Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” 18 Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”
19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.
20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

SUY NIỆM 1: CHÚA DƯỠNG NUÔI DÂN CHÚA
Đứng trước cảnh dân Do Thái mệt mỏi chán trường trên hành trình thoát khỏi ách nô lệ Ai- cập. Hồi tưởng lại củ hành củ tỏi, mớ cải mở dưa. Mơ về thân nô lệ. Mô-sê thưa cùng Chúa: “Sao Chúa làm khổ tôi tớ Chúa? … Con đâu có sinh ra nó, mà Chúa bảo con: “Hãy ẵm nó vào lòng” (Ds 11,11-12 ). Ông thoái thác trách nhiệm đến nỗi kêu cầu Chúa: “xin giết con đi” (Ds 11,15).
Một cảnh tương tự xảy ra thời Chúa Giê-su. Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ liền bảo các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn”(Mt 14,16). Các ông thưa: “Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn” (Mt 14,15).
Chúa là Mục Tử Nhân Lành đầy lòng từ bi và thương xót, luôn ước muốn dưỡng nuôi dân Chúa. Đám đông không chạnh lòng thương Chúa, nhưng Chúa chạnh lòng thương họ. Thời Cựu Ước, Chúa đã lấy manna nuôi sống dân Chúa. Thời Tân Ước Người đã mời gọi các môn đệ cộng tác với Người vào công trình cứu chuộc và yêu thương. Ngày nay Người vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta.
Đối diện với nhu cầu của biết bao người anh em nghèo đói, thiếu thốn chung quanh ta và rộng lớn hơn là trên thế giới, chúng ta có thể nói: không thể nào đương đầu với những tình trạng như vậy, và thế là sự co cụm, thiếu tình liên đới, nhất là tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chúng ta. Một lần nữa sứ điệp Lời Chúa nói với chúng ta rằng: “Các con hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16)
Chúa muốn loại bỏ sự vô trách nhiệm, phủi tay nơi con người. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực hành lời Chúa dạy, cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh tình thương như lòng Chúa mong ước. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 2:
Điều gì có thể thỏa mãn khát vọng sâu xa nhất của chúng ta? Phải chăng là địa vị, quyền lực, tiền tài, danh vọng của thế gian? Bài Tin Mừng mà Thánh Mát-thêu thuật lại cho ta thấy hình ảnh của một đám đông rất nhiều người đang chờ gặp Chúa Giêsu. Quả thật, bất cứ nơi nào Chúa Giêsu đi, dân chúng đều kéo đến để gặp Người. Họ thuộc mọi thành phần trong xã hội – giàu và nghèo, người trí thức và người lao động, thậm chí là những người bị ruồng bỏ gạt ra khỏi xã hội và ngoại đạo. Điều gì đã thu hút họ đến với Chúa Giêsu? Có phải họ chỉ đơn giản là tò mò hoặc tìm kiếm một sự chữa lành? Nhiều người đã tìm đến với Chúa Giêsu vì họ khát khao gặp được Thiên Chúa. Thông điệp của Chúa Giêsu về Nước Trời qua các dấu chỉ và điều tốt lành kỳ diệu mà Người thực hiện đã khuấy động niềm hy vọng và sự mong đợi mới mẻ rằng Thiên Chúa đang hành động một cách đầy uy quyền để giúp con người thoát khỏi tội lỗi và áp bức, đồng thời mang lại cho họ phước lành của vương quốc Người.
Thiên Chúa không bao giờ ngưng việc chăm sóc những nhu cầu của chúng ta.
Chúa Giêsu không bao giờ làm cho những người tha thiết tìm kiếm Ngài phải thất vọng. Chúng ta thấy một hình ảnh tuyệt vời về điều này khi Chúa Giêsu và các môn đệ của mình lên thuyền tìm một nơi hoang vắng để nghỉ ngơi dọc theo hồ Galilê, thì Thầy Giêsu và các môn đệ có đôi chút ngạc nhiên về sự xuất hiện của hàng ngàn người đã đến nơi trước và chờ gặp các Ngài! Có thể các môn đệ sẽ tỏ vẻ khó chịu trước sự phá vỡ của đám đám đông dân chúng đối với kế hoạch nghỉ ngơi của các ngài. Nhưng Chúa Giêsu thì không như thế – Người chào đón họ với vòng tay rộng mở và ánh mắt yêu thương. Lòng trắc ẩn của Ngài biểu lộ tình yêu cao vời và sự chăm sóc của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Chúa Giêsu đã nói lời của Thiên Chúa để củng cố đám đông trong đức tin và Ngài đã chữa lành nhiều người bị bệnh.
Thiên Chúa làm cho ra nhiều còn chúng ta mang đến cho người khác.
Tại sao Chúa Giêsu mong đợi các môn đệ của mình làm những điều dường như không thể – để nuôi một đám đông đang đói và lớn như vậy khi không có sự cung cấp lương thực đầy đủ? Chúa Giêsu rất có thể muốn thử lòng tín thác của họ và cho họ một dấu hiệu rằng Ngài sẽ can thiệp và mở kho tàng ân huệ thiêng liêng của Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cộng tác với Ngài dẫu cho họ là những người không có dư của ăn. Mười hai thúng đầy cá và mẩu bánh còn sót lại cho thấy sự hào phóng tràn đầy nơi những món quà mà Thiên Chúa dành cho chúng ta – những món quà mang lại niềm vui, phúc lành, sự chữa lành và sức sống mới.
Mười hai thúng đầy dư lại cho thấy sự hào phóng và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Khi Thiên Chúa ban cho, Người ban cho dồi dào. Ngài cho đi nhiều hơn những gì chúng ta cần để chúng ta ai cũng có điều gì đó để chia sẻ với người khác, đặc biệt là những người khó khăn. Chúa lấy những gì chúng ta có và nhân nó lên vì lợi ích của người khác. Bạn có tin tưởng vào sự cung ứng của Chúa dành cho bạn mà sẵn sàng chia sẻ một cách tự do với người khác, đặc biệt là những người đang cần đến không?
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ mình Ngài mới có thể thỏa mãn những khát khao sâu thẳm nhất trong trái tim con. Xin lấp đầy lòng con với lòng biết ơn về những ơn lành mà Ngài luôn ban cho con dư đầy. Ước gì con biết mở rộng tim mình để tự do chia sẻ với người khác những gì Ngài đã ban cho con.
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
SUY NIỆM 3: KHÔN NGOAN VÀ THƯƠNG XÓT 
Khi đọc chuyện các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy có những cuộc truy lùng của vua chúa quan quyền rất gắt gao thời bấy giờ. Khi hay tin, các ngài thường lẩn trốn để tránh cơn nguy biến ập đến cho mình và đoàn chiên. Sự tránh né đó không phải do nhát đảm, cũng không phải sợ chết, nhưng đây là cách khôn ngoan vì ích lợi của con chiên.
Hôm nay, đoạn Tin Mừng khởi đầu bằng việc thông báo cho biết rằng: sau khi Đức Giêsu nghe tin Gioan bị bắt, Ngài đã lẩn trốn vào nơi hoang vắng để tránh sự ra tay tàn ác của vị vua này. Bởi lẽ Ngài thừa hiểu số phận của Gioan thì cũng là số phận của chính Ngài. Nhưng giờ của Đức Giêsu chưa đến, nên Ngài đã tiến vào hoang mạc…, tìm nơi thanh vắng, một mặt để thoát nạn, mặt khác để thầy trò tâm tình sau những ngày vất vả ngược xuôi vì sứ vụ.
Tuy nhiên, vì đám đông rất cảm phục những lời khôn ngoan, nên đã tìm đến để nghe Ngài giảng dạy. Họ nghe đến say mê, nghe đến nỗi quên ăn, nên khi chiều đến, ai nấy đều đói. Vì thế, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, nên không những nuôi dưỡng họ bằng Lời Hằng Sống, mà còn nuôi họ về mặt phần xác khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và yêu thương chữa lành bệnh tật cho họ.
Tuy nhiên, để phép lạ được thành hiện thực, Đức Giêsu cần sự cộng tác của người môn đệ, vì thế, Ngài đã truyền lệnh cho các ông: “Hãy mang lại đây cho thầy”; và “hãy cho họ ăn”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Trước hết, khi giờ chưa đến, thì cần khôn ngoan để tránh sự nguy hiểm do kẻ thù gây nên.
Thứ hai, hãy tin tưởng vào quyền năng tuyệt đối nơi Đức Giêsu. Bởi vì khi lòng thương xót của Ngài được đụng chạm đến chúng ta, thì mọi chuyện được dư thừa như chỉ có 5 chiếc bánh và hai con cá. Nhưng khi đã được Đức Giêsu can thiệp nuôi cả 5 ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ em mà sau đó còn thu lại được 12 thúng đầy.
Thứ ba, hãy biết thương đến những người nghèo, nghèo về thể xác, nghèo về tinh thần. Luôn tìm cách chữa trị những vết thương thể xác và tâm linh cho anh chị em chúng ta. Chúa không chấp nhận việc chúng ta thương hình thức, tức là chỉ có nói, mà Ngài muốn chúng ta thương thật, tức là hành động kịp thời.
Lạy Chúa Giêsu, phép lạ hóa bánh ra nhiều đã thể hiện tình thương của Chúa dành cho nhân loại vô bờ. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết rung động trước nỗi khốn cùng của anh chị em đồng loại, để chung tay cộng góp nhằm làm cho cuộc sống của họ bớt khổ hơn. Nhưng trước hết, xin Chúa ban cho chúng con sự khôn ngoan để biết điều nên làm và điều không nên hoặc chưa nên. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 4:
Tin mừng hôm nay khắc họa khuôn mặt của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót nơi Đức Giêsu. Thánh Matthêu cho biết Chúa Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa:
– Qua ánh mắt cảm thông: Mặc dù Chúa Giêsu và các môn đệ xuống thuyền tìm đến một chỗ hoang vắng để nghỉ ngơi đôi chút, nhưng khi “ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương”, nên Ngài đã mở lòng đón tiếp họ.
– Qua lời giảng dạy chân tình: Vì muốn mang đến cho dân chúng Tin mừng cứu độ, nên Chúa Giêsu đã không ngần ngại “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời” (Mt 9, 35)Ngay khi lúc Ngài tìm đến nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút, vậy mà khi thấy dân chúng tuôn đến, Ngài lại sẵn sàng ra đón tiếp và giảng dạy cho họ về Tin mừng nước trời.
– Qua những việc làm thiết thực: Ngài sẵn sàng “chữa lành hết các bệnh nhân” tìm đến với Ngài. Khi nhìn thấy họ đói và rất cần ăn uống để đủ sức trở về với mái ấm gia đình, Chúa Giêsu đã không ngần ngại “làm phép lạ hóa bánh ra nhiều” cho 5000 người ăn no nê, dư 12 thúng đầy, từ 5 chiếc bánh và 2 con cá, khởi tâm từ một sự đóng góp nhỏ nhoi của con người.
Xin cho chúng ta biết không ngừng cảm tạ, chúc tụng tình thương lớn lao của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, bằng cách siêng năng tìm đến Chúa qua việc tích cực tham dự thánh lễ và năng rước Chúa; nhất là biết cảm thương và nhiệt tâm làm việc bác ái giúp đỡ người nghèo theo khả năng của mình, nhằm góp phần lan tỏa lòng thương xót của Chúa.
Lm Seoka
SUY NIỆM 5:
1. Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi gần gũi với dân của Người. Mặc dầu họ không phải là bà con, bạn hữu hay là những người quen biết, nhưng thấy họ thì cảm xúc đầu tiên của Người là thương, và vì thương nên Người chữa bệnh, giảng dạy và cho họ ăn. Xem như mọi người đều là đối tượng cho tình thương của Chúa.
Tại sao Chúa lại yêu thương đến thế?
Khi muốn làm cho người ta hiểu tại sao Chúa lại yêu con người như thế, thì các nhà tư tưởng của Ai Cập xưa đã viết nên một câu chuyện thần thoại thật đẹp như sau: Thiên Chúa xuống tận bờ sông Nilô, lấy tay nhào bùn và đắp nên hình người. Nhưng thật không may cho Chúa là khi Người thọc tay vào đất thì đúng vào một cái hang của một con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu ra. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Chúa nhưng Người không cho mà nói: “Cứ để vậy! Cứ để cho máu của Ta hòa với máu của con người để cho con người biết ta yêu nó như thế nào”. Thiên Chúa yêu con người là vì Thiên Chúa tìm thấy sự sống của chính mình trong con người.
Xin Chúa cho chúng ta có được một phần nào tấm lòng yêu thương bao la như Chúa, nhất là khi chúng ta là những tông đồ của Chúa.
2. “Xin thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn” (Mt 14,15).
Rõ ràng là các Tông đồ của Chúa lo sợ trước một thách thức không thể vượt qua được trên bình diện con người. 5.000 người đàn ông không kể đàn bà con trẻ đang gặp cảnh đói không có gì ăn vào lúc trời sắp tối, nghĩa là mọi sinh hoạt buôn bán giữa người với người dường như sắp bị đóng lại. Các ông lo sợ và nói theo khuynh hướng tự nhiên là muốn phủi tay chạy trốn trước thách thức khó khăn ấy, để rồi từ đó muốn đổ trách nhiệm cho kẻ khác, và cuối cùng, còn muốn cả Chúa Giêsu cũng phải làm như vậy: “Xin Thầy hãy cho họ về hoặc vào làng để mua gì ăn, vì trời đã tối và họ có thể kiếm được gì ăn qua cơn đói chăng?” (Mt 14,15).
3. Chúa Giêsu không muốn như vậy. Điều Chúa muốn là “Các con hãy lo cho họ ăn” (Mt 14,16). Đó là mệnh lệnh của tình thương.
Rõ ràng là phải có một tình thương bao la kinh khủng mới dám nghĩ đến một việc làm như thế. Không thể thoái thác trách nhiệm trước những khó khăn phải đối đầu.
Khoảng nửa đêm, có một em bé tìm đến gõ cửa nhà mẹ Têrêsa. Mẹ bước xuống nhà và mở cửa cho em. Vừa khóc nức nở em vừa nói:
- Thưa mẹ, con tìm về với mẹ con và mẹ con nói: “Ta sẽ đánh mày”. Con tìm về với cha con và cha con đã đuổi con đi. Mẹ ơi! xin mẹ đừng đuổi con đi nữa nghe. Ít là mẹ, xin mẹ hãy thương con.
Mỗi ngày, ở nhiều nơi trên thế giới, những cảnh tượng giống như thế vẫn thường xảy ra và không phải chỉ xảy ra ở những nước nghèo đói như Ấn Độ, mà còn xảy ra ngay cả ở những nước giàu có và tiên tiến. Những đứa trẻ đang khao khát được yêu thương và được chăm sóc. Đây chính là sự nghèo đói sâu xa nhất!
Mẹ Têrêsa đã từng đón nhận hơn 40 ngàn người bị bỏ rơi như vậy ở các ngả đường thành phố Calcutta. Mẹ mang họ về các viện mồ côi, các trung tâm cấp cứu và ở đó, họ đã chết cách bình an dưới cái nhìn đầy yêu thương của Thiên Chúa và với niềm xác tín là được Chúa yêu thương, một tình thương được cụ thể hóa qua tình thương của Mẹ Têrêsa và các nữ tử Bác ái của mẹ. Mẹ và các chị chưa từng thấy ai trong số những người nghèo bị bỏ rơi ấy từ chối tình thương của Chúa. Trong những giây phút cuối đời, tất cả họ đều đã nói: “Lạy Chúa, con yêu Chúa, và con tin Chúa rất yêu thương con”.
Để kết thúc tôi xin được gửi đến anh chị em một bài thơ được treo tại  Đan viện các nữ tu dòng thánh Clara nước Brasil. Bài thơ như sau:
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự sống,
nhưng bạn có thể mang lại cho người khác ý muốn vui sống.
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban Đức tin,
nhưng bạn có thể làm chứng nhân cho Ngài.
Chỉ có Thiên Chúa mang lại niềm hy vọng,
nhưng bạn có thể mang lại niềm tín thác cho anh chị em mình.
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tình thương,
nhưng bạn có thể dạy tha nhân biết yêu thương.
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hòa bình,
nhưng bạn có thể gieo sự đoàn kết. 
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban niềm vui,
nhưng bạn có thể mỉm cười với mọi người.
Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sức mạnh,
nhưng bạn có thể nâng đỡ người nản chí thất vọng.
Chỉ có Thiên Chúa là Đường,
nhưng bạn có thể chỉ đường cho người  khác.
Chỉ có Thiên Chúa mới là ánh sáng,
nhưng bạn có thể làm ánh sáng ấy tỏa sáng trước mặt người khác. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây