SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 08/08/2024 03:51
 
SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN
Mt 16,24-28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
24Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. 25Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. 26Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình ?
27“Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. 28Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người”.

SUY NIỆM 1: THẬP GIÁ GIÊSU
Trong khi các tông đồ và cả đám đông dân chúng đang hí ha hí hững đi theo Chúa Giêsu, và trong đầu họ đang mở ra cả một vùng trời hy vọng, thì Chúa Giêsu  lại phán một câu khiến tất  cả mộng vàng tan mây, khi Ngài nói: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Đã vậy Chúa Giêsu còn đệm thêm: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
“Thập giá”, “mất mạng”, khiến tất cả phải lạnh người thưa anh chị em! Vậy trong hoàn cảnh nào mà Chúa Giêsu lại nói lên những lời ấy? Và những lời ấy có ý nghĩa gì?
Chắc anh chị em vẫn còn nhớ, trong những ngày đầu rao giảng, có rất nhiều người muốn đi theo Chúa Giêsu. Tuy một đàng họ muốn theo Chúa Giêsu để cùng Ngài mở mang Nước Chúa, nhưng đàng khác họ lại còn quá quyến luyến với trần đời: người thì xin về chôn cất cha, người thì muốn về từ biệt vợ con bạn bè…
Chính vì sự lừng khừng lưỡng lự ấy mà Chúa Giêsu đã phải nói lên những cương nghị, để nhấn mạnh với các môn đệ và cả chúng ta hôm nay rằng: Muốn cùng Ngài mở mang Nước Chúa thì cần phải có một sự chọn lựa dứt khoát, và đôi lúc phải chấp nhận hy sinh, thậm chí là đánh đổi.
Nỗi cám dỗ của nhiều ki-tô hữu chúng ta hôm nay là, một đàng muốn đi theo Chúa Giêsu đến cùng, nhưng đàng khác lại ngại gian khó và ngại hy sinh, vì sợ chịu thiệt thòi ở thế gian này; thế nhưng Chúa Giêsu cho biết: “Dù được cả thế giới mà mất phần linh hồn thì cũng chẳng có ích lợi gì!”. Chúng ta được mời gọi hãy can đảm bước đi trên con đường mà Chúa đã đi qua, và hãy nhớ rằng, chúng ta không đi một mình nhưng có Chúa luôn đồng hành với chúng ta.
Ước gì mỗi người trong chúng ta biết chọn lựa và sống làm sao, để Chúa không phải thất vọng về bản thân mình. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 2: ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ THEO CHÚA
1. Sau khi quở trách Phêrô vì đã ngăn cản Ngài đi con đường Thập giá, Chúa Giêsu nói thêm rằng con đường ấy là con đường mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải đi theo :”Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.
Lời tuyên bố trên là một điều kiện Chúa đề ra và đòi ý chí tự do của mỗi người. Chúa không cưỡng bách ai, Chúa không ép buộc ai phải theo Chúa. Đây là quyền tự do của con người để có thể tự do lựa chọn hay từ chối, nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm  về sự tự do lựa chọn của mình.
2. Đối với người Do thái thời ấy hằng ngày chứng kiến những tội nhân vác khổ giá ra nơi hành hình, thì chắc hẳn hình ảnh mà Đức Giêsu dùng trong Tin Mừng hôm nay đã quá rõ ràng. Cuộc  sống của những người theo Đức Kitô cũng như của chính Ngài là cuộc sống của từ bỏ, hy sinh, chấp nhận đau khổ. Chúa Giêsu không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng là hãy vác lấy thập giá mình.
Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi thập giá trong cuộc sống. Tại sao con người phải đau khổ ? Tại sao con người phải vác thập giá ? Chúa Giêsu không đưa ra một giải đáp nào. Ngài vác lấy Thập giá. Ngài sống như một con người đau khổ, và Ngài nói với chúng ta : Thập giá là con đường giải thoát, con đường dẫn tới sự sống…(Mỗi ngày một tin vui).
3. “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Qua câu nói này, Chúa muốn dạy các môn đệ cũng như mọi người thấy rõ những gì họ tin và bằng lòng trả giá. Chúa muốn những ai tin Chúa, phải quyết tâm đi vào con đường mà Chúa đã đi. Đó là con đường từ bỏ mình và vác thập giá. Từ bỏ mình là từ bỏ con người vị kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi, ti tiện, sai trái, từ bỏ tất cả những gì mình muốn nhưng Chúa không muốn để hoàn toàn trống rỗng mà chứa đựng một mình Chúa thôi. Còn vác thập giá mình là chấp nhận và chịu đựng những đau khổ tinh thần và thể xác của cuộc đời.
4. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của đau khổ nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận đau khổ, chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
5. “Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất…”.
Muốn hiểu câu nói này, chúng ta phải biết thánh Matthêu viết sách này vào khoảng năm 80-90 SC, nghĩa là ông viết vào những ngày cay nghiệt nhất. Những lời này có ý nói rằng :”Đã đến lúc con người có thể cứu mạng sống mình bằng cách chối bỏ niềm tin, nhưng như thế thì chẳng những không cứu được mạng sống mình theo đúng nghĩa thật sự mà là đánh mất nó”. Người giữ lòng trung tín có thể chết, nhưng chết để mà sống. Còn người bỏ đức tin mình để được an thân thì có thể sống để mà chết. Trong thời đại chúng ta, không có những cuộc cấm đạo khắt khe như thế, nhưng của cải vật chất, chức quyền, danh vọng… có thể làm cho chúng ta chết mà mất linh hồn.
6. Thánh Matthêu đã dùng từ “Sự sống” để nói lên hai thực tại khác nhau : sự sống trần gian và sự sống đời đời. Sứ điệp của Chúa xem ra ngược đời và chói tai, nhưng nếu không chế ngự tính ích kỷ và không dẹp bỏ những tham vọng của mình, chúng ta sẽ làm hư đi cuộc sống hiện tại lẫn cuộc sống tương lai. Nếu không dám liều, không thích nghi chương trình sống theo các bậc thang giá trị của Chúa, chúng ta sẽ đứng ngoài lề Tin Mừng và tình yêu của Chúa.
Khi kêu gọi con người từ bỏ mình để đi theo Ngài, Chúa Giêsu cũng không mời gọi con người khinh chê hay ghét bỏ sự sống đến mức hủy diệt sự sống, nhưng là đừng để mình làm nô lệ cho lợi lộc vật chất, trái lại đặt Chúa và tìm kiếm Nước Chúa trên hết mọi sự.
7. Truyện :  Thánh giá vừa sức mình.
Thánh giá ta đang mang là thánh giá vừa sức ta. Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó : có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một ngày kia,  thiên thần hiện đến phán bảo :
– Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và lựa chọn thánh giá vừa sức con. Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được : có cây quá dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng  ông nói với thiên thần :
– Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.
– Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 3: CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Chinh phục đỉnh núi càng cao thì gian nan càng nhiều; thành công càng lớn thì khó khăn càng chồng chất. Con đường vinh quang chắc chắn phải băng qua rất nhiều chông gai sỏi đá. Vậy nên người đời mới có câu: “Cái gì cũng có giá của nó”.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đưa ra những điều kiện hết sức khó khăn cho những ai muốn bước theo Người làm môn đệ. Họ phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày và thậm chí là phải hy sinh tính mạng. Phải chăng Thầy Giêsu đã đòi hỏi quá cao khi đưa ra một cái giá đắt như thế?
Quả thật, cái gì cũng có cái giá của nó. Không giống như các danh sư lỗi lạc, những người vốn dĩ có thể mang lại cho môn đệ tri thức hay một mẫu gương đời sống nhân đức, Thầy Giêsu là con người và cũng là Thiên Chúa, là đường, là sự thật và là sự sống. Chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.
Hơn nữa, không giống như các danh nhân lỗi lạc, sống cuộc đời ngắn ngủi để rồi chôn vùi trong nấm mồ lạnh lẽo, Thầy Giêsu luôn sống và đồng hành một cách sống động với từng môn đệ. Thầy bảo ban dạy dỗ. Thầy nâng đỡ an ủi. Thầy che chở giữ gìn. Hơn thế nữa, sau hành trình dương thế, người môn đệ không bị bỏ mặc trong nấm mồ sự chết, nhưng được Thầy Giêsu mở rộng vòng tay, chào đón họ nơi cõi vinh phúc trường cửu. Với những mối lợi đó, thiết nghĩ cái giá để làm môn đệ Thầy Giêsu xem ra chẳng đáng là bao.
Lạy Thầy Giêsu, con cảm tạ Ngài vì đã thương chọn con làm môn đệ, xin giúp con sống sao cho xứng danh là môn đệ Chúa.
Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD
SUY NIỆM 4: GIÁ TRỊ CỦA KHỔ ĐAU
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng; thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 5:  TỪ BỎ MÌNH ĐỂ ĐI THEO
Xem lại CN 22 TN A.
Ngày nay, khi đi phỏng vấn để xin việc, người ta thường đòi hỏi những điều kiện về sức khỏe và chuyên môn, đồng thời tùy một số công việc đặc thù, cần phải có sự thỏa thuận cụ thể hơn. Cũng vậy, khi được gọi để trở thành môn đệ, Đức Giêsu cũng đòi hỏi người môn sinh phải hội đủ những điều kiện cần thiết để chu toàn bổn phận của người thừa sai, hầu những ai được gọi và chọn thì đều cảm thấy hạnh phúc khi thi hành sứ vụ của người sai đi.
Hôm nay, bài Tin Mừng kể lại việc Đức Giêsu đòi hỏi những người Ngài muốn gọi và chọn để ra đi thi hành sứ vụ cần phải “từ bỏ mình và vác thập giá theo Ngài”.
Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có sự mâu thuẫn! Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh của Kinh Thánh, thì sự đòi hỏi này của Đức Giêsu mang tính tự do cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc. Tức là tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, hay ăn trên ngồi trước, để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi và niềm vui của kẻ khác.
Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo, tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là một con đường hẹp. Con đường của hy sinh, thiệt thòi. Con đường của tự hủy. Con đường khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.
Thật vậy, từ bỏ chính mình quả là điều khó nhất, bởi vì: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ là: bỏ tất cả, nhưng từ bỏ mình thì nhất quyết không, bởi vì họ từ bỏ cái tôi thì phải chăng họ không còn là họ nữa!
Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết an vui khi chọn Chúa làm gia nghiệp. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.
Giuse Vinh Sơn Ngọc Biển. SSP
 
SUY NIỆM 6: MỜI GỌI CỦA CHÚA
Câu chuyện
Khi nhắc đến ông Leonardo da Vinci, chúng ta thường nghĩ đến những phát minh khoa học và những bức họa nổi tiếng của ông. Chúng ta không biết rằng để giải trí ông Leonardo de Vinci còn sưu tầm những chuyện cổ tích, hoặc đặt ra những câu chuyện vui sau đây về một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa một tờ giấy trắng và cái bút:
Tờ giấy trắng từ lâu nằm ù lì trên bàn giấy cùng với những đồng bạn khác, nhưng bỗng nó được chọn đem ra nằm giữa bàn và chịu cảnh cây viết mực đen ngòm vẽ lên nó không biết bao nhiêu là dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Nó phàn nàn với cái bút như sau:
- Tại sao anh lại làm thế? Anh vẽ trên mình tôi những dấu đen làm mất đi sự trong trắng ban đầu. Anh làm nhục tôi như thế này sao? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi.
Nhưng cái bút trả lời:
- Không đâu anh giấy ạ, anh hiểu lầm tôi rồi. Tôi không bôi đen anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ kể từ nay anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, nhưng có mang trên mình những sứ điệp. Anh trở thành kẻ cộng tác với con người. Lưu giữ những tư tưởng cao siêu. Và vì thế được con người nâng niu, bảo vệ. Anh sẽ được sống mãi để trợ giúp cho con người.
Tờ giấy chưa kịp trả lời cái bút thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay người quơ lấy những tờ giấy khác, trước kia trắng tinh nay đã đổi màu, đầy bụi mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Tờ giấy bị vẽ trên mình những lằn mực đen kia mới hiểu được hành động của cái bút và lấy làm sung sướng, vì được trở thành như người cộng tác lưu giữ trong kho tàng trí khôn con người (R.Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 52).
Suy niệm
Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ, đồng thời cũng nói với mọi người chúng ta, người tin theo Ngài như môn sinh: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Mối tình thâm sâu của người môn sinh Chúa Giêsu được biểu tượng bằng hình ảnh thập giá, chính thập giá liên kết vận mệnh của môn đệ với vận mệnh của chính Thầy: Thầy sao trò vậy, như Chúa Giêsu đã từng quả quyết: “Môn sinh không hơn Thầy”, Thầy vác thập giá, trò cũng mang thập tự. Như lời Chúa mời gọi các môn đệ, chúng ta cũng được mời gọi đi theo bước chân Ngài: Bước đầu là từ bỏ và vô hiệu hóa những ràng buộc chính mình với thế gian, để được tự do thanh thoát dưới ân sủng của Thánh Linh và tình yêu, bước tiếp những bước đi mới, những bước đi huyền nhiệm thập giá để có thể tiếp nhận khổ đau và cái chết theo kế hoạch và tình yêu của Chúa Cha, như Thầy đã bước đi trong hành trình thập giá tiến về đồi Canvê. Trong thập giá, khám phá ra sự phục sinh vinh quang, mà Thầy Giêsu đã khai mở bằng sự phục sinh của chính Ngài khi bước qua thập tự.
Hình ảnh đó được ẩn dụ dưới hình ảnh chim cú đã phát triển được đôi mắt sáng nhờ “bị” đẩy vào bóng đen. Chính trong bóng tối, chim cú được khai mở khả năng thấy sáng của mình và bóng đêm không thể khuất phục được sức sống của chim cú ngay trong đêm. Hình ảnh chim cú sáng mắt trong đêm tối là biểu tượng của sự khám phá ra nét công hiệu của những “mũi tên ngược” trong cuộc sống của kiếp nhân sinh, cách đặc biệt của đời sống niềm tin đó là những thập giá mà chúng ta mang qua những thử thách, với những chén đắng mà chúng ta uống xuyên qua những nghịch cảnh xảy đến trong cuộc sống. Thập giá và chén đắng này làm bừng sáng con mắt đức tin và khai mở con mắt tình yêu nơi người sống trong huyền nhiệm thập giá. Chính họ có một nhãn quan mới nhìn vào cuộc sống với biết bao nhiêu biến động có thể mang dáng dấp của bóng tối.
Trong thập giá tình yêu trở nên hy lễ sống động: Hy lễ tình yêu mà Chúa Giêsu dâng tiến lên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại. Hy tế đó luôn kéo dài trong lịch sử và mời gọi mọi người chúng ta bằng sự đóng góp của bản thân tham dự vào hy tế qua cuộc sống được thánh hóa dưới thập giá, như tâm tình thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Rôma “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).
Hãy cùng lên Giêrusalem để vác thập giá theo Chúa là lời mời gọi từ bỏ những thực tại hào nhoáng phù du lôi kéo con người đi vào thế gian với vỏ bọc an toàn tạm bợ “được cả thế giới”, nhưng lại đánh mất chính mình, mất tư cách bạn hữu, mất tư cách môn sinh. Từ bỏ tất cả để vác thập giá tiến lên Giêrusalem, để tôi và bạn được như thánh Phaolô: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô” (Pl 1,21) và “biết Đức Kitô là một mối lợi” (Pl 3,8). Khám phá ra thập giá trong đời mà mỗi chúng ta mang và tiến đến đồi Canvê với một tinh thần “vượt qua” mang tình yêu Thiên Chúa.
Nơi thập giá, Ngài mời gọi tôi và bạn cùng xốc vác cuộc đời, trong đó có cái tôi của tài năng, thánh thiện, nhưng cũng có sự khiếm khuyết, bất toàn, đau khổ, thử thách… Ngài không ngừng cứu thoát chúng ta, và chúng ta vác thập giá là cùng Ngài chiến đấu như lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy cùng tôi chiến đấu...” (Rm 15,30).
Từ bỏ mình vác thập giá và nhờ đó mà thập giá của tôi và bạn trở nên hy lễ tình yêu, để xứng đáng tham dự vào hiến tế sống động của Chúa Kitô trên thập giá.
Ý lực sống:
“Vinh dự của tôi là thập giá” (Gl 6,14).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
 
SUY NIỆM 7:
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cũng như chúng ta hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót. 
Nhiều người nghĩ rằng vì không muốn cho chúng ta sống sung túc, hưởng thụ cách tự do nên Chúa Giêsu mới kêu gọi chúng ta dấn bước trên con đường thập giá để theo Người. Tuy nhiên chỉ có những ai cảm nhận được Đức Giêsu chính là hiện thân của một vị Thiên Chúa quyền năng, nhưng lại rất giàu lòng thương xót đã sẵn sàng chấp nhận mọi gian lao thử thách, ngay cả hy sinh mạng sống vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta thì mới sẵn sàng dấn bước theo Ngài.
Vinh quang chỉ xuất hiện ở đàng sau thập giá. Nên muốn đạt đến vinh quang phục sinh, ta sẽ không còn chọn lựa con đường nào khác, ngoài con đường thập giá mà Chúa đã đi qua. Vì thế mà Người mới xác quyết mạnh mẽ: “cứu lấy mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình”. Chỉ khi nào ta xác định được linh hồn cao quý hơn thể xác, sự sống đời đời quý hơn sự sống chóng qua đời này…thì khi đó ta mới hiểu được lời dạy của Chúa Giêsu mà sẵn sàng tiến bước trên con đường hẹp. 
Chúa cho biết khi chọn lựa để bước theo Chúa trên con đường hẹp, quả là khó khăn vô cùng, nên Chúa hứa sẽ đồng hành, bên vực và tán thưởng cho những ai dám dấn bước vào. Ngược lại, Ngài sẽ lấy làm hổn thẹn nếu ai đó chối bỏ không dám dấn bước theo Ngài:“Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn từ khước nó, khi Người đến trong vinh quang của Cha Người cùng với các thần thánh.”.
Xin cho chúng ta biết luôn tin tưởng vào Đức Giêsu chính là hiện thân của một vị TC giàu lòng thương xót mà sẵn lòng dấn bước theo Ngài trên mọi nẻo đường đời cho dẫu phải bước đi trên con đường thập giá. Bởi chúng ta tin rằng đó mới là con đường dẫn đến hạnh phúc thật cho đời ta. 
Lm Seoka

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây