SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 12/08/2024 07:19
 
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
Mt 18, 1-5. 10. 12-14

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời ?” 2Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: 3“Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. 4Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. 5“Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy.
10Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.
12“Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? 13Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. 14Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.

SUY NIỆM:
Sứ điệp: Thiên Chúa muốn ta mang lấy những tâm tình của trẻ thơ: luôn đơn sơ, chân thành, tin tưởng, phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Có lẽ hình ảnh tươi đẹp nhất của cuộc sống mà ai cũng đều trân trọng, đó là quãng đời tuổi thơ. Tuổi thơ là niềm vui của cha mẹ, là mầm sống tương lai cho Giáo Hội, cho quê hương. Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên trước cuộc sống, luôn bình thản với hiện tại, không bon chen, không hận thù tranh chấp, lại chẳng lo lắng đến tương lai, luôn chấp nhận cuộc sống với một thái độ lạc quan. Chúa là Cha, Chúa muốn con luôn sống như một trẻ thơ trong tay cha. Càng trở nên trẻ thơ, con lại càng được Chúa yêu quý.
Lạy Chúa, trong cuộc sống đức tin, con lại muốn làm người lớn, để con được tự do làm những gì mình muốn, thay vì sống theo lề luật của Chúa. Con cũng thường hiểu Lời Chúa theo ý riêng con, thay vì nghe theo đường lối Giáo Hội chỉ dạy. Và hậu quả là con đã lầm đường lạc lối.
Cũng có nhiều lúc con tự cao tự đại, coi thường những cơn cám dỗ, con cậy dựa vào sức mình mà không chịu cậy trông vào Chúa. Và cũng có nhiều lúc tâm hồn con nuôi dưỡng những tư tưởng hận thù, âm mưu đen tối, phiền sầu lo lắng.
Lạy Chúa, như trẻ thơ nép mình trong tay người mẹ, xin cho con biết trở nên như trẻ nhỏ với một tâm hồn đơn sơ, hiền lành, tin tưởng và phó thác đời sống và bản thân con trong tay Chúa, để chính Chúa nâng đỡ, hướng dẫn con trên hành trình cuộc sống trần gian này.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương đón nhận và chúc lành cho con. Amen.
Ghi nhớ: “Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: MUỐN LÀM LỚN, PHẢI LÀM GÌ? 
Trong xã hội mọi thời, những chuyện như tranh dành quyền lực luôn diễn ra nhan nhản. Tuy nhiên, sự tiêu cực này không phải không có trong thời Đức Giêsu, vì thế, ta không lạ gì khi thấy các môn đệ lên tiếng hỏi Ngài: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”. Hồi hộp, mong mỏi chờ đợi Đức Giêsu lên tiếng! Nhưng khi Ngài lên tiếng thì các ông té ngửa và chưng hửng, bởi vì mưu ý của các ông đã bị lật đổ.
Nhân đây, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học:
– Điều kiện cần để được vào Nước Trời là: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
– Điều kiện đủ để là người lớn nhất trong Nước Trời là: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.
Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì nên giống trẻ nhỏ thì: chân thành, không thù oán, không giận giữ, không màng công danh và luôn phó thác mọi sự nơi cha mẹ chúng.
Như vậy, Đức Giêsu muốn các môn đệ của mình phải mặc lấy những tâm tình đó để sẵn sàng hy sinh, tự hạ và chấp nhận mọi sự vì Nước Trời. Trở nên người phục vụ theo gương của chính Ngài là: “Đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cũng mặc lấy tâm tình của trẻ thơ như Đức Giêsu mong muốn. Biết chấp nhận thân phận yếu đuối để cần đến ơn Chúa và biết sống trong sự khiêm tốn, phó thác.
Được như thế, nhân loại này sẽ không còn chiến tranh, hận thù. Các gia đình sẽ ấm êm hạnh phúc vì mọi người biết sống cho nhau và vì nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa tha thiết, luôn sống trong tâm tình phó thác, và sẵn sàng dấn thân phục vụ anh chị em để được hạnh phúc Nước Trời làm gia nghiệp.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: TINH THẦN TRẺ THƠ
Tin Mừng Mátthêu được cấu trúc xoay quanh năm diễn từ dài của Chúa Giêsu, và diễn từ thứ tư bắt đầu với chương 18 nói về nếp sống của người môn đệ trong cộng đoàn. Tin Mừng hôm nay nhắc đến hai đặc điểm của nếp sống người môn đệ trong cộng đoàn.
Trước hết là thái độ sống trẻ thơ.
Một tiểu thuyết gia nọ đã đưa ra nhận định: "Khi người lớn chúng ta không còn giữ liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền".
Lòng tin tưởng của trẻ thơ gợi lên cho chúng ta về sự tin tưởng mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải có đối với Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời. Thái độ trẻ thơ khâm phục trước vũ trụ và thiên nhiên nhắc nhớ sự khâm phục mà chúng ta cần có đối với vũ trụ do Thiên Chúa Cha chúng ta dựng nên. Thái độ đáp trả của trẻ nhỏ trước tình yêu thương nhắc chúng ta phải đáp trả đối với tình yêu thương của Thiên Chúa.
Nhận định trên đây giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu muốn các môn đệ trong cộng đoàn mà Ngài thiết lập phải trở nên như những trẻ nhỏ: đơn sơ, tin tưởng phó thác, không có thái độ kẻ cả.
Những đức tính tốt của tuổi thơ sẽ giúp cho các thành phần trong cộng đoàn chấp nhận và phục vụ nhau, không kỳ thị phân biệt. Cộng đoàn những con người cụ thể dĩ nhiên có những khuyết điểm, những bất toàn, tội lỗi. Chúa Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Ngài không muốn môn đệ Ngài có thái độ sống kỳ thị tách biệt khỏi những người khác, nhất là những người tội lỗi. Trái lại, Chúa Giêsu đã mở ra một viễn tượng mới, Ngài mạc khải thái độ nhân từ thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, đến nỗi đã bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và vui mừng khi tìm được nó. Chúa Giêsu mời gọi con người ăn năn sám hối trở về với sự thật, với tình thương và với người anh em.
Xin Chúa cho chúng ta sống tinh thần trẻ thơ trước mặt Chúa và trong tương quan với người khác. Xin cho chúng ta sống tin tưởng, yêu thương phục vụ mọi người vì tình yêu Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM: TÔN TRỌNG VÀ YÊU THƯƠNG NGƯỜI BÉ MỌN
Muốn vào Nước Trời, phải trở nên như trẻ thơ, và biết tôn trọng, yêu thương những người bé mọn.
1.Người nhỏ bé, thường bị coi thường, khinh chê.
Trẻ em bé bỏng, dễ thương, ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, kính trọng người lớn. Nhưng nhiều trẻ em cũng bị lạm dụng tình dục, bị bóc lột sức lao động, đánh đập và xua đuổi.
Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng bảo vệ các trẻ em bị bóc lột lao động: “Thứ Sáu tới, ngày 12-06-2020, là Ngày thế giới chống lại sự bóc lột sức lao động trẻ em. Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên trong các gia đình trong cảnh đói nghèo buộc phải làm việc cực nhọc. Đây là những hình thức nô lệ và tù đày, với hậu quả là sự đau khổ về thể xác và tâm lý. Tất cả chúng ta chịu trách nhiệm về điều này.
ĐTC còn nói: Tôi kêu gọi các tổ chức đưa ra mọi nỗ lực để bảo vệ trẻ vị thành niên… Trẻ em là tương lai của gia đình nhân loại: tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển, sức khỏe và sự thanh bình cho các em! (Vatican News).
Theo Báo Pháp luật, ngày 28-05-2020, cho biết: “Ngày 27-5, Quốc hội (QH) đã dành cả ngày làm việc để thảo luận về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga, Phó Trưởng đoàn giám sát, cho biết chỉ trong vòng năm năm (từ đầu năm 2015 đến tháng 6-2019), có 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.
Báo cáo giám sát cho thấy các vụ việc xâm hại trẻ ngày càng gia tăng, đặc biệt là các vụ xâm hại tình dục. Trung bình mỗi ngày có bảy trẻ em bị xâm hại tình dục, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và có 84 trẻ em bị mang thai. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là hai trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trong cả nước…”
Là những người có trách nhiệm như cha mẹ trong gia đình, thầy cô nhà trường và đặc biệt, toàn xã hội cần phải có biện pháp để bảo vệ trẻ em, và giúp trẻ em được sống và trưởng thành trong một môi trường, điều kiện tốt nhất…
Chúa Giêsu đưa một em bé đứng giữa các môn đệ, và mời gọi các ông hãy nên giống như em nhỏ này, mới xứng đáng vào Nước Trời.
Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.”
Trẻ em có cuộc sống dễ thương, không chỉ vì chúng ngây thơ, vô tội, mà còn vì chúng hoàn toàn tin tưởng, cậy dựa vào cha mẹ. Trẻ em thành thật, không tính toán, mưu mẹo, tham lam, gian xảo, lừa đảo, bất công. Trẻ em là hình tượng lý tưởng mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải nên giống như chúng.
Sống tâm hồn trẻ thơ là luôn tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa tình yêu, như thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu đã sống.
2.Từ một trẻ em ngây thơ, trong trắng, Chúa Giêsu hướng chúng ta đến những kẻ bé mọn, những người nghèo khổ trong xã hội.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải tôn trọng, yêu thương những người bé mọn. “Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này.”
Hình ảnh người bé mọn ở đây là những người nghèo khổ, thiếu thốn, không nơi nương tựa, bị bóc lột, bị bỏ rơi, bị khinh chê, ruồng bỏ. Họ là những người khốn khổ trong mọi xã hội của loài người.
Tôn trọng thôi chưa đủ, mà còn phải giúp đỡ, chia sẻ với tình yêu thương, với lòng kính trọng. “Kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy.”
Yêu thương, giúp đỡ, phục vụ những con người nhỏ bé này, vì nhân phẩm của họ bị chà đạp, trong khi họ cũng là con người, là đồng loại của ta.
Yêu thương họ, giúp đỡ họ là làm cho Chúa. Những người nghèo, người bé mọn là hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Hình ảnh công nương Diana gần gủi, ôm ẵm một em bé người Phi Châu; một hình ảnh Mẹ Têrêsa Calcutta thương cảm những người bị bỏ rơi ngoài đường phố Ấn Độ; một hình ảnh Đức Cha Gioan Cassaign sống gần gũi những người cùi tại Di Linh, Lâm Đồng…có đánh động chúng ta hay không? Tôi sẽ làm gì để chia sẻ cho những người nghèo khổ xung quanh mình, kể cả việc quan tâm, bảo vệ những trẻ em, tránh khỏi những lạm dụng của người lớn….?
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần tôn trọng, yêu thương và phục vụ những người bé mọn, chính là sống tình liên đới, hiệp  thông và chia sẻ, không laoị trừ một ai.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con có một trái tim nhạy bén, để biết đón nhận và quan tâm giúp đỡ những người bé mọn, biết yêu thương và tôn trọng những anh chị em nghèo khổ, yếu đuối xung quanh chúng con. Amen.
Lm.Giuse Nguyễn Duy Khang

SUY NIỆM:
Phải trở nên như con trẻ (Mt 18,1-5.10-14)
  1. Các môn đệ xúm lại hỏi Chúa: ai là người lớn nhất trong Nước trời? Chúa không trả lời ngay. Người gọi một trẻ nhỏ vào đứng trước mặt các ông rồi nói: Ai không trở nên như trẻ nhỏ, không sống đơn sơ, thật thà, khiêm tốn như trẻ nhỏ thì không được vào Nước trời. Và ai trở nên giống trẻ nhỏ: đơn sơ, hoàn toàn lệ thuộc phó thác, thì sẽ làm lớn hơn hết trong Nước trời...
  2. Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên, không bon chen, không hận thù tranh chấp và hoàn toàn tin tưởng cậy dựa vào cha mẹ. Trong đời sống thiêng liêng, Đức Giêsu muốn chúng ta mang lấy những tâm tình của trẻ thơ: khiêm tốn, tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa là Cha yêu thương. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chúng ta phải tôn trọng trẻ em, những kẻ bé mọn, những người yếu đuối và ngay cả những người tội lỗi... Tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được giá Máu cứu chuộc, thế nên chúng ta phải đón nhận tất cả mọi người anh em, không trừ một ai.
  3. Theo nhận xét của nhiều người, trẻ em giống như một cây non, chúng yếu đuối phải cậy dựa vào người lớn, chúng hoàn toàn nương nhờ vào cha mẹ và cha mẹ bảo sao chúng biết vậy. Cũng thế, trẻ nhỏ giống như tờ giấy trắng, muốn viết gì vào đấy cũng được. Rồi trẻ nhỏ rất dễ tin, chúng tin vào cha mẹ và tin rằng: chỉ có cha mẹ mới thoả mãn được mọi nhu cầu của chúng. Đó là thái độ chúng ta phải có đối với Chúa, trước mặt Ngài, chúng ta phải thấy mình thực sự nhỏ bé, yếu đuối, bất lực và cần sự trợ giúp của Ngài.
  4. Đàng khác, trẻ nhỏ thì hồn nhiên, ngây thơ, trong sạch, không biết quanh co, lừa đảo gian dối, không biết để lòng oán hờn, thù hằn, ghen ghét, không bon chen với trăm thứ lo lắng của người lớn. Hồn nhiên là một thái độ tự nhiên của trẻ nhỏ, và được diễn tả bằng tình thương... Chúng tin vào một người, chỉ khi nào chúng cảm thấy người ấy thương chúng. Thuyết phục bằng lý lẽ sẽ không có hiệu quả, nếu không kèm bằng tình thương. Đó là thái độ của chúng ta phải có đối với Chúa, và đó là cách để chúng ta được Chúa yêu thương và được đón nhận vào Nước trời (Lm. Phạm Văn Phượng).
  5. Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một giải thích về mối phúc đầu tiên, khi Ngài gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các môn đệ và tuyên bố: “Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước trời”. Trong quan niệm người Do thái, trẻ em chưa được xem như một con người hoàn toàn, do đó trẻ em được coi là biểu tượng của thiếu sót, bất toàn, yếu đuối và bị khinh thường. Có lần các môn đệ đã tỏ ra khó chịu, khi thấy Chúa Giêsu để cho trẻ em đến gần Ngài. Nơi trẻ em, Chúa Giêsu nhìn thấy hình bóng những người, mà Ngài gọi là những kẻ bé mọn. Hãy hoá nên như trẻ nhỏ có nghĩa là hãy trở nên trống rỗng, nghèo nàn để được Thiên Chúa lấp đầy. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Nghèo khó chỉ có giá trị, khi nó là một cởi bỏ mọi ràng buộc có thể làm con người trở thành nô lệ trong cuộc sống. Hãy hoá nên như trẻ nhỏ cũng có nghĩa là chấp nhận thân phận mỏng dòn, tội lỗi của mình. Sự ràng buộc đầu tiên mà con người phải tháo gỡ chính là con người cũ tội lỗi, để Thiên Chúa có thể trở thành sức sống của con người (Mỗi ngày một tin vui).
  6. Tâm hồn đơn sơ của con trẻ dễ dàng gần Chúa hơn. Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nhắc nhở chúng ta điều này. Không lâu trước khi qua đời, thánh nữ đã viết lại bí quyết sống của mình như sau: “Tôi muốn tìm phương thế để lên trời qua con đường nhỏ, thật ngay thẳng, thật ngắn, một con đường nhỏ thật mới. Chúng ta đang sống trong thiên niên kỷ của nhiều phát minh. Trong những nhà giàu, một thang máy thay thế cho những nấc thang thật tiện lợi. Tôi cũng muốn tìm gặp một thang máy để đưa tôi lên với Chúa Giêsu, bởi vì tôi quá nhỏ bé để leo lên cái thang của sự trọn lành”. Và theo thánh nữ, thì chiếc thang máy để đưa ta tới trời chính là đôi cánh tay của Chúa. Điều cần là chúng ta phải sống nhỏ bé và ở lại trong tình thương của Chúa.
  7. Truyện: Tấm lòng đơn sơ thành thật
Vào mùng hai tết Canh Thìn năm 2000, trong lúc đi chơi, bé Thiên Thanh, 9 tuổi, lớp 3A trường Phạm Như Xương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Ninh, đã nhặt được chiếc ví có rất nhiều tiền.
Trên đường cầm chiếc ví đến trạm công an khu vực ở gần đó để giao, bé Thiên Thanh thấy một người khách dáng cao to, đang lúi húi tìm kiếm một vật gì đó, khuôn mặt đầy vẻ lo âu.
Đoán đây chính là người mất chiếc ví, bé đến gần và hỏi thì quả thật đúng như vậy. Em đã trao cho người khách chiếc ví còn nguyên vẹn dưới sự chứng kiến của nhiều người. Số tài sản gồm 4.100.000 đồng, 1.300 mỹ kim, 12 chỉ vàng và tất cả giấy tờ cá nhân quan trọng như hộ chiếu v.v...
Người khách may mắn đã hết lời khâm phục cám ơn bé Thiên Thanh. Để tỏ lòng biết ơn, người khách đã lấy 2 triệu đồng và 100 mỹ kim biếu em, nhưng bé một mực không nhận và hồn nhiên nói:
- Cháu xin cám ơn bác, nhưng cô giáo cháu đã dạy rằng: khi đi đường mà nhặt được của rơi, thì phải tìm cách trả lại cho người bị mất, cháu không nhận tiền thưởng của bác đâu!
 Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM:
Câu chuyện
Một cậu bé gõ cửa nhà một bà già và hỏi xem bà có mua những trái trứng cá chín mọng cậu vừa hái được hay không.
Bà trả lời: “Có, bà sẽ xách xô của cháu vào bếp và đong 2 lít”.
 Cậu bé đứng ngoài đùa với con chó. Bà nói: “Sao cháu không vào xem bà đong có đúng không ? Nhỡ bà lường gạt cháu thì sao ?”.
- Cháu không sợ, vì nếu bà làm thế, bà sẽ nhận được điều xấu nhất.
- Cháu muốn nói gì ?
- Vì cháu chỉ mất vài trái nhỏ, nhưng bà tự biến mình thành kẻ trộm.
Suy niệm
Theo thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, nước Trời chỉ dành cho những ai có tâm hồn trẻ thơ vì các em có các đức tính:
  • Khiêm nhượng: Trẻ em thì yếu đuối, vô năng lực, chúng không thể làm gì dựa trên sức lực riêng, em luôn tùy thuộc vào cha mẹ của em trong mọi sự. Người có tâm hồn trẻ thơ biết ra điều đó và chấp nhận.
  • Nghèo khó: Trẻ em không có riêng gì là của mình, em chỉ được người khác ban cho mà thôi.
  • Trông cậy: Trẻ em chỉ biết có cha mẹ của mình. Trẻ em trông chờ cha mẹ nuôi dưỡng cung cấp cho mình những điều cần thiết vì vậy không cần lo lắng gì.
  • Tình thương yêu: Trẻ em có tình thương yêu, em yêu cha mẹ của em và phó thác mình vào cha mẹ.
  • Đơn sơ: Mọi sự trong trẻ em thì đơn sơ, từng ý nghĩ và lời nói cả việc làm nữa. Trẻ em chỉ có khả năng làm những việc nhỏ.
Ðức Giêsu đưa trẻ em ra làm lý tưởng sống: “Con đường thơ ấu thiêng liêng”, mà sau này thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu tái khám phá biểu lộ tinh thần đơn sơ của con đường nhỏ, để trở nên thánh thiện, bằng việc yêu mến và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Thật thế, chúng ta cũng cần sống gắn bó vào Ðức Giêsu như trẻ thơ.
Ý lực sống
“Ai không đón nhận nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Lc 18,15-17).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây