SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 08/07/2024 04:51

SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
Mt 9, 32-38
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
32 Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. 33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được.
34 Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.
37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.
38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Trái tim của Chúa Giêsu là trái tim của người mục tử nhân hậu. Chúa chạnh lòng thương xót và cứu vớt đàn chiên lầm than vất vưởng. Chúa còn dạy ta cầu nguyện để Chúa Cha ban những người nối tiếp sứ mạng mục tử ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mục tử nhìn thấy những nỗi lầm than vất vưởng của đàn chiên Chúa, và Chúa đã đến cứu giúp chúng con. Với trái tim giàu lòng thương xót, Chúa đã làm tất cả những gì có thể làm để chúng con được sống và sống sung mãn. Chúa quan tâm chăm sóc từng người chúng con. Con tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa, khi xưa chính Chúa đã tiêu diệt sự thống trị của ma quỷ. Chính Chúa đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đã đi tìm những con chiên lạc, đã nuôi dưỡng dân chúng trong hoang địa, và chính Chúa đã chữa lành những bệnh nhân.
Ngày nay, con tin rằng chính Chúa cũng đang yêu thương chăm sóc con qua sự hiện diện của các mục tử. Con tạ ơn Chúa vì qua các mục tử, chính Chúa đang dạy dỗ, an ủi và khích lệ con, chính Chúa tha thứ tội lỗi và vỗ về ôm ấp con như con chiên lạc trở về, chính Chúa quy tụ và nuôi dưỡng con nơi bàn tiệc Thánh Thể. Xin Chúa giúp con cảm nhận được lòng thương xót bao la của Chúa.
Lạy Chúa, xin Chúa ban cho Hội Thánh có được những mục tử như lòng Chúa mong muốn, những mục tử giàu lòng thương xót và tận tình phục vụ đàn chiên. Đặc biệt xin Chúa thương xót những đàn chiên thiếu vắng mục tử. Xin Chúa an ủi họ và ban cho họ sớm có chủ chăn. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Xin Chúa ban cho chúng con những thợ gặt. Amen.
Ghi nhớ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2: NHIỆT THÀNH NHƯ CHÚA
Bài Phúc âm hôm nay nhấn mạnh đến lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu trong sứ mạng loan báo Tin mừng. Thánh Matthêu cho biết, sau khi chữa lành một người bị quỷ câm ám, “Chúa Giêsu đã đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng tin mừng Nước Trời và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền” trong dân.
Chưa dừng lại ở đó, Ngài còn chạnh lòng thương trước một đoàn chiên không người chăn dắt, trước mt đồng lúa bao la mà thiếu thợ gặt. Ngài mời gọi các tông đồ cùng cầu nguyện xin Chúa Cha sai thợ gặt đến để gặt lúa về.
Khi nói đến lòng nhiệt thành của Chúa Giêsu, có lẽ không ai trong chúng ta dám phủ nhận điều đó. Ngài nhiệt thành đến nỗi chấp nhận bị người ta hiểu lầm, thù ghét; chấp nhận chịu mọi thiệt thòi và bất công; và chấp nhận một cái chết oan thương; để cho chiên được sống và sống dồi dào. Chúa Giêsu nhiệt thành với loài người chúng ta như thế đó thưa anh chị em. Mỗi người hãy noi gương Chúa Giêsu để sống nhiệt thành hơn với Chúa và với nhau.
Trước hết, anh chị em hãy nhiệt thành hơn trong đời sống đức tin. Điều đầu tiên phải kể đến đó là Thánh lễ hằng ngày. Nếu vì một lý do nào đó chúng ta không thể tham dự thánh lễ hằng ngày được, thì anh chị em đừng quên nhớ đến Chúa trước khi đi ngủ và mỗi mai khi thức dậy/ với những lời kinh đơn sơ chân thành làm hy lễ. Một đời sống đức tin nhiệt thành thì phải luôn có những sáng kiến như thế thưa anh chị em.
Thứ hai, anh chị em hãy nhiệt thành hơn trong việc phục vụ nhà Chúa. Dẫu biết rằng cuộc sống mưu sinh khiến chúng ta phải lận đận lao đao, đầu tắt mặt tối, quần quật suốt cả tuần; nhưng anh chị em đừng bao giờ từ chối khi giáo xứ cần đến mình. Phục vụ mà cộng với hy sinh sẽ mang tròn đầy ý nghĩa. Và đặc biệt, Chúa sẽ không để chúng ta phải thiệt thòi bao giờ.
Và thứ ba, hãy nhiệt thành hơn trong thiên chức của một người làm cha làm mẹ, làm vợ làm chồng. Đã là vợ là chồng, đã là cha mẹ với con cái, đã là người cùng một nhà thì đừng dừng lại nơi những trách nhiệm phải chu toàn, nhưng cần phải hy sinh và quảng đại với nhau nhiều hơn; để gia đình không là một phòng trọ ở ghép, mà là một tổ ấm yêu thương.
Tóm lại, Thiên Chúa luôn nhiệt thành với tất cả chúng ta trong mọi sự. Do đó, đừng ai tính toán so đo với Chúa và với nhau điều gì. Nhưng hãy sống nhiệt thành và quảng đại, vì Chúa sẽ ban cho chúng ta được gấp trăm ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Hãy tin tưởng vào điều đó thưa anh chị em. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: ĐỪNG CẢN TRỞ NGƯỜI KHÁC LOAN BÁO TIN MỪNG
Trước việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm, dân chúng vui mừng, nhưng người Phariseu lại khó chịu. Tuy nhiên, Ngài vẫn đi loan báo Tin Mừng khắp nơi, vì Ngài nhìn thấy dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt. Những khó khăn, cản trở do lòng ganh tỵ không cản trở bước chân loan báo Tin Mừng của Ngài. Tin Mừng Ngài loan báo không gì khác hơn là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài khao khát mọi người đều được nhận tình yêu của Thiên Chúa để được hưởng ơn cứu độ.
Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta không chỉ được lãnh nhận ơn cứu độ mà còn có sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người. Chúng ta đừng để lòng ganh tỵ cản trở công việc loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Vì thế, mỗi người tùy theo khả năng và bậc sống của mình sẽ loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho người khác. Do đó, chúng ta đừng áp đặt hay công kích hoặc coi thường ai vì mỗi người đều là cộng sự viên của Chúa trong việc loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ quên sứ mạng đem Chúa đến cho mọi người và cũng đừng cản trở ai làm việc cho Chúa do lòng ganh tỵ của chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 4:
Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.

Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ. Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33). Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần, thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên. Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo: “miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6). Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác. Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu, nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34). Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.
Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35). Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông. Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường. Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi. Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông. Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo. Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than. Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông. Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người. Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng. Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường. Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.

Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi. Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít. Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa. Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến. Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt. Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu. Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời. Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương? Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?
Lời nguyện
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.

Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.

Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.

Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.

Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.

Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.

Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 5: CỘNG TÁC VỚI CHÚA VÀ HỘI THÁNH TRUYỀN GIÁO.
1. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu cứu chữa một người câm bị quỷ ám. Sau đó, Chúa đi vào các thành phố và làng mạc để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa lành nhiều người đau yếu bệnh tật. Chúa bày tỏ trái tim của mục tử nhân lành, trước một đám đông người đang tất tưởi bơ vơ, không được chăm sóc. Và khi thấy công việc Loan báo Tin Mừng cứu độ quá cần thiết, như cánh đồng lúa chín mà chưa có thợ gặt, Chúa mời gọi các môn đệ cộng tác với Chúa để mang Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người.
2.Chúa Giêsu muốn gửi gắm tâm tư của Ngài cho Hội Thánh hôm nay cũng như cho tất cả chúng ta.
Hội Thánh Chúa ở trần gian không tách riêng mình ra khỏi những con người đang sống trong thế giới này.
Hội Thánh cũng không thể làm ngơ trước những con người đang khốn khổ vì đói ăn, sống dưới mức nghèo nàn, những con người đang bị đàn áp, bất công, bởi những tham nhũng của xã hội, bóc lột, chà đạp nhân phẩm con người.
Hội Thánh đứng về phía người nghèo, sẵn sàng chìa đôi tay để nâng đỡ, an ủi và bảo vệ con người, dù mới chỉ là một sinh linh nhỏ bé, là các thai nhi.
Đặc biệt, Hội Thánh còn mang trong mình sứ mạng của Đức Kitô trao phó, đó là sứ mạng truyền giáo, loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia.
Làm sao để cho thế giới và con người nhận biết và đón nhận Tin mừng cứu độ và yêu thương của Đức Kitô?
Qua 21 thế kỷ đến nay, Hội Thánh vẫn luôn khẳng định mình là Hội Thánh Truyền giáo. Thế nhưng, số người tin theo Chúa, gia nhập đạo Chúa vẫn còn khiêm tốn.
Vả lại, Hội Thánh không thể làm việc to lớn này một mình, trái lại, cần có sự sộng tác của hết thảy mọi tín hữu.
3.Tự thân mỗi người hãy trả lời câu hỏi này: Tôi đã làm gì để mở mang Nước Chúa và xây dựng Hội Thánh?
Câu trả lời: Tôi có thể làm được nhiều điều cho Chúa và cho Hội Thánh, cho con người và cho bản thân của tôi nữa, nhờ ơn Chúa trợ giúp và trong mọi nỗ lực khả năng của tôi.
Qua Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, người tín hữu có trách nhiệm và bổn phận phải truyền giáo. Công việc truyền giáo không dành riêng cho Linh mục hoặc Tu sĩ, mà của tất cả mọi người.
Ở đây, mỗi người cần nhớ đến ơn gọi và sứ mạng của mình trong Hội Thánh. Có nhiều ơn gọi: ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ, ơn gọi người Kitô hữu giáo dân, tức ơn gọi hôn nhân gia đình, ơn gọi độc thân,…
Sống ơn gọi của tôi là sống truyền giáo. Tôi ý thức sứ mạng của tôi: là người Kitô hữu giáo dân, là người sống bậc gia đình. Tôi chu toàn bổn phận của tôi là chồng, là vợ, là cha mẹ, là con cái, hoặc làm người Kitô hữu gương mẫu. Sống ơn gọi truyền giáo của tôi là làm người linh mục xứng đáng; tôi sẽ là người tu sĩ có phẩm chất…Đó là ý thức ơn gọi và sứ mạng truyền giáo của mình rồi.
Trong những ngày tháng vừa qua, và vẫn còn đang tiếp diễn: nhiều nơi đang phải chống chọi với cơn dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Có những người bỏ tiền bạc, tài sản của mình mua nhu yếu phẩm, gạo, để giúp đỡ những người trong khu vực bị phong tỏa, hoặc giúp những y, bác sĩ ở bệnh viện, những người làm công tác thiện nguyện phục vụ chữa trị các bệnh nhân có những bữa ăn. Có những Giáo xứ, những linh mục, tu sĩ tổ chức nấu cơm, chia sẻ cho những người nghèo đang vật lộn với kế sinh nhai, hay đang thất nghiệp ... Phải chăng truyền giáo hôm nay chính là sống bác ái, chia sẻ và dấn thân phục vụ.
4.Nguyện xin Chúa cho mỗi người trong chúng con ý thức và sống ơn gọi của mình, chung tay với Chúa và Hội Thánh để truyền giáo, đem yêu thương đến cho con người và thế giới xung quanh. Xin cho mỗi chúng con có được trái tim nhân hậu của Chúa, hy sinh, quảng đại và làm sáng danh Chúa, mở rộng Nước Chúa qua đời sống đạo theo Tin mừng, và làm những điều tốt đẹp cho con người. Amen.
Lm. Duy Khang

SUY NIỆM 6: XIN MỞ MIỆNG CON
Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi đã được thoát khỏi quỷ câm, người đó liền nói được.
Sau đó, Đức Giêsu còn đi khắp các làng mạc giảng dạy, chữa lành các bệnh tật.
Tiếp theo, Ngài đã mời gọi các môn đệ hãy đi để loan báo về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.
Khi nói đến câm, chúng ta thấy có hai dạng: một là câm ngoài ý muốn, tức là câm từ lúc mới sinh, hay bị một sự cố nào đó mà ảnh hưởng đến thanh quản, khiến bệnh nhân không nói được; hai là câm tự ý muốn, tức là đương sự không muốn nói.
Giữa hai dạng, câm ngoài ý muốn, tự bản chất, không ảnh hưởng đến ơn cứu độ. Tuy nhiên, dạng thứ hai, tức là câm tự ý muốn thì nguy hiểm, và có thể mất ơn cứu độ! Họ là những người mê tiền tài, danh vọng, dâm dục... nên mọi hành vi, cử chỉ đều hướng chiều về nó, khiếm người đó bị câm không nói được về Chúa cho anh chị em mình.
Thật vậy, nói về sự thanh thoát làm sao được khi chính mình ham tiền, hám bạc! Nói về sự từ bỏ sao được khi chính mình ham quyền, cố vị! Nói về khiết tịnh sao được khi chính mình khoái danh, sắc, dục...! Và, nói về đạo đức, bác ái, dấn thân, phục vụ... làm sao khi chính tôi còn đang tham sân si! Hay không thể nói về tha thứ được, vì tôi còn đang nuôi hận thù!
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp sức cho chúng con, để chúng con không bị câm về phần hồn. Xin cho chúng con can đảm nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Và, xin cho chúng con đừng vì miếng cơm manh áo mà chà đạp anh chị em mình xuống để vươn lên trong sự bất chính. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 7:
Abraham Lincol, vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, là người đã phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất trong lịch sử đất nước. Ngày nọ, căng thẳng gần như điên cuồng, ông liền sai người về bang Canitky, là nơi sinh quán của mình để mời cho kì được người bạn già đến thủ đô Washington với mục đích cho ông tham khảo ý kiến.
Hai người gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Khỉ giờ phút tâm sự đã qua, Abraham Lincol cảm thấy tươi vui hẳn lên.
Sau cùng, khi có người hỏi ông đã làm gì để tổng thống phấn khởi lên như thế, người bạn già của tổng thống đã cho biết: tổng thống đã không bàn hỏi với ông bất cứ điều gì có liên quan đến chiến tranh hay chuyện đất nước. Ông cũng cho biết ông chỉ ngồi thinh lặng để lắng nghe người bạn tri ân trút hết nỗi lòng của mình, bao nhiêu những ẩn uất và đè nén từ bấy lâu nay, Abraham Lỉncol đã trút hết cho người bạn già và người bạn già chỉ biết ngồi đó đề lắng nghe và cảm phục.
Nhiều người cho rằng sự hiện diện, lắng nghe và cảm thông ấy của người bạn già là một nhân tô’ quan trọng để giúp cho tổng thống Abraham Lincol đủ phấn khởi và nghị lực để giải quyết những việc đại sự của đất nước.
Khi đến với con người xem ra Thiên Chúa đã chọn con đường hiện diện và lắng nghe ấy, tên của Ngôi Lời Nhập thể là Emmanuen, Thiên Chúa ở với con người. Ngôi Lời ấy đã nói bằng sự thinh lặng nhiều hơn, thinh lặng của một thơ nhi bé bỏng, thinh lặng của suốt 30 năm tại Nadarét và cuối cùng thinh lặng trong cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá.
Ngôi Lời được ngỏ bằng sự thinh lặng của vâng phục, của tín thác, nhất là thinh lặng của cảm thông với người tội lỗi. Ngài xem ra chỉ hiện diện với tất cả cảm thông và tha thứ. Ngài đi lại, đồng bàn với họ. Trong sự thinh lặng ấy, người tội lỗi và kẻ khốn cùng đã nghe được tiếng mời gọi và sự tha thứ của một Thiên Chúa mà danh xưng là Tình Yêu.
Hôm nay, “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Ngài nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về Lời kêu gọi đó đã được Giáo hội nhắc nhở chúng ta về bổn phận truyền giáo cho mọi người.
Tin mừng nào cũng hàm chứa sự đòi hỏi phải được chia sẻ và loan báo. Người nào đã đón nhận Tin mừng mà không chịu chia sẻ và loan báo thì không phải là người Kitô. Có người chia sẻ và loan báo bằng lời rao giảng, nhưng sự chia sẻ và loan báo đáng tin cậy nhất là bằng chứng từ của cuộc sống. Một gương mặt vui tươi lạc quan, tin tưởng, đã là một lời loan báo về Tin mừng của tình yêu và hy vọng. Một sự hiện diện cảm thông nâng đỡ, tha thứ đã là một chia sẻ của Tin mừng yêu thương. Một cuộc sống quảng đại tử tế đã là lời loan báo hùng hồn hơn bất cứ sự rao giảng nào khác.
Giữa một xã hội thiếu vắng tình người và niềm tin, nhiều người đang cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Chúng ta hãy xin Chúa cho mọi người tín hữu Kitô luôn biết ý thức rằng cuộc sống của chúng ta trước hết phải trở thành những tín hiệu, để nhờ đó nhiều người có thể đọc được Tin mừng của Chúa.
Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh, SDB

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây