CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B
1V17,10-16; Dt 9,24-28; Mc 12,38-44
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
38Một hôm, trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng : “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. 41Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói : “Thầy bảo thật anh em : bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì đê nuôi thân”.
CÁC BÀI SUY NIỆM
SUY NIỆM 1: TẤM GƯƠNG BÀ GÓA
Lời Chúa: "Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết" (Mc 12,43)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 32 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu khiển trách những thói xấu của các luật sĩ và đề cao tấm gương đạo đức của một bà góa nghèo, tuy bà dâng chỉ có một chút ít, nhưng với tất cả một tấm lòng quảng đại, hy sinh:
Nhìn xem bà góa nghèo hèn,
Rộng tay dâng cúng đồng tiền độ thân.
Chúa Trời rộng lượng muôn phần,
Sẵn sàng bồi trả hồng ân tràn đầy.
Mến yêu ta quyết dựng xây,
Tinh thần quảng đại hằng ngày thực thi.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết loại bỏ thái độ giả dối, kiêu căng. Đồng thời, sống chân thành, quảng đại như tấm gương của bà goá nghèo. Trong tâm tình đó giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã nêu cao tấm gương đạo đức của một bà góa nghèo. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con biết cho đi để làm chứng về một tình yêu không tính toán. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trong cuộc sống thị trường xã hội, con người thường hay nói đến việc chuyển giao sản phẩm, dịch vụ, mở rộng kinh doanh, phát triển doanh số, đầu tư kiếm lời nhằm để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và được hưởng dùng càng nhiều phương tiện càng tốt. Nhưng có lẽ ít ai nghĩ đến nên đầu tư vào một dự án có giá trị bền vững, là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất, nó sẽ không mất đi khi con người không còn là chủ sở hữu. Đó là đầu tư vào lòng thương xót, vào tài khoản Nước Trời. Chính vì thế, phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy nghĩ và hành động trong việc đầu tư làm giàu như thế nào theo tấm gương bà góa: "Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".
Thưa anh chị em, sách Các Vua trong bài đọc 1 hôm nay thuật lại câu chuyện, có một bà góa ở làng Sa-rep-ta đang đi kiếm củi. Khi ngôn sứ Êlia phải lánh nạn để tránh cơn giận của hoàng hậu Giê-za-bel, ông cảm thấy mệt nhọc và kiệt sức. Ông xin bà cho trú nhờ và xin cho ăn một chút bánh hiếm hoi của bà. Tuy sống trong nạn đói cùng cực, nhưng bà vẫn sẵn sàng hy sinh làm bánh nhường cho ông ăn, dù không biết ông là ai. Chính vì lòng hy sinh bác ái tột độ đó, Thiên Chúa đã làm phép lạ thưởng công do lòng quảng đại của bà, cho hũ bột không vơi, vò dầu không cạn để cứu sống bà, con bà và vị ngôn sứ Êlia nữa: “Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ không cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”.
Tin mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ quan sát dòng người tấp nập bỏ tiền dâng cúng Đền thờ. Chợt có một bà góa nghèo đã âm thầm bỏ vào hai đồng tiền kẽm với giá trị chỉ bằng 1/4 xu đồng bạc Rôma, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Vì thế, bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Như vậy, giá trị của việc dâng cúng không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.
Chuyện kể rằng, ngày kia gặp một người ăn mày, Chúa đã xin anh ta một chút gì đó. Miễn cưỡng anh ta phải vét bị đưa cho Chúa một nắm gạo. Chúa nhận lấy, nhưng rồi sau đó đã trả lại ngay. Tuy nhiên, lạ lùng thay, trên bàn tay anh ta không phải là những hạt gạo gãy nát mà là những hạt vàng sáng chói. Anh ta tiếc rẻ vì đã không đưa cả bị cho Chúa.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trong đời sống, chúng ta chỉ để ý xin Chúa, mà ít khi để ý đến những điều Chúa đang cần đến lòng quảng đại của chúng ta cho những công việc của Ngài. Câu chuyện bà goá nghèo xứ Sarepta giúp đỡ vị ngôn sứ Êlia và bà góa nghèo trong Tin mừng hôm nay, giúp chúng ta suy nghĩ và hành động trong việc đầu tư làm giàu như thế nào theo tấm gương của bà góa: Đó là đầu tư vào lòng thương xót, vào tài khoản Nước Trời. Hãy dùng của cải đời này mà “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Đó chính là nghệ thuật làm giàu đích thực. Thánh Phaolo nói: “Cho đi thì có phúc hơn là nhận”. Chính vì thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta mến Chúa và yêu người cách quảng đại, chân thành, bằng những việc làm cụ thể. Chúng ta mến Chúa bằng cả tấm lòng qua việc dâng cúng đóng góp cho Giáo hội theo khả năng Chúa ban, để xây dựng mở mang Nước Chúa ở trần gian. Chúng ta yêu người bằng việc hy sinh để cho đi, chia sẻ những gì chúng ta có cho những người túng thiếu, nghèo khổ: “Thương người như thể thương thân”. Nhờ đó mà chúng ta có một chỗ đứng trong trái tim của Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng con biết hạ mình, khiêm nhường phục vụ mọi người và đó là cách thức chứng thực tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Amen.
Lm. Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM 2: ĐẤU NÀO TA ĐANG ĐONG CHO CHÚA VÀ CHO THA NHÂN?
Lịch sử Hoa Kỳ có ghi lại một câu chuyện rất đặc biệt liên quan đến nữ tỉ phú có tên là Hetty Robinson. Bà có khả năng kiếm tiền dễ đến nỗi người ta gọi bà là “phù thủy phố Wall”. Nhờ vào tài kiếm tiền thiên phú, bà đã trở thành một trong những nữ tỉ phú giàu có nhất nước Mỹ hồi đầu thế kỷ 20, khi tuổi đời còn rất trẻ. Tuy nhiên, bà cũng là một người keo kiệt nhất được biết đến thời bấy giờ. Bà đếm từng xu một và dường như không bao giờ cho ai hay giúp đỡ ai một đồng nào. Bà cũng không muốn tiêu tiền. Bà không mua nhà riêng mà chỉ ở nhà cho thuê bình dân, vì không muốn trả tiền thuế nhà đất. Bà hầu như không mua sắm quần áo, nên lúc nào cũng chỉ mặc mỗi cái váy đầm dài màu đen. Bà tự tay giặt lấy, nhưng để tiết kiệm xà bông, bà chỉ giặt phần gấu váy, tức phần tiếp xúc với nền đất. Các doanh nhân khác thì có văn phòng riêng, còn bà thì không. Bà thường sử dụng cái bàn ở nhà bank, nơi bà gởi tiền, để làm việc và ăn uống tại đó luôn. Thức ăn thường là bánh mì săng-đúyt, đỡ mất công nấu nướng tốn kém.
Khi con trai bà bị thương ở đầu gối, bà không muốn trả tiền cho bác sĩ, nên bà đã đưa đến một bệnh viện từ thiện dành cho người nghèo. Không may bác sĩ biết bà là một người giàu và đòi lấy tiền. Bà từ chối trả tiền và đưa con bà về. Sau đó vết thương nơi đầu gối con trai bà bị nhiễm trùng và rồi các bác sĩ phải cưa chân. Chưa hết, một lần kia, khi đến cửa hàng mua một chai sữa, bà đã cãi nhau với nhân viên về giá cả. Và bà tức giận đến nỗi lên cơn và đột quỵ. Bà chết lãng xẹt: chết vì một chai sữa, hay nói đúng hơn là chính tính keo kiệt đã giết chết bà.
Khi được thừa kế gia tài bà ta để lại, cậu con trai đã trả thù đời bằng cách phung phí hết vào việc ăn chơi tiệc tùng và mua sắm xa hoa, thậm chí cái bô tiểu cũng được cậu ta nạm kim cương. Đó cũng là một hình thức trả thù cho sự tật nguyền mà mình phải chịu vì sự keo kiệt của bà mẹ. (x. "Life Lines", Tom Hutchinson, trang 26).
Nếu trên cõi đời này, có những con người keo kiệt và bần tiện như bà tỉ phú Hetty Robinson, thì cũng có những con người có tấm lòng hào hiệp và quảng đại như tấm lòng hai bà góa được nhắc đến trong Phụng vụ Lời Chúa, Chúa Nhật 32 Thường Niên hôm nay.
Bà goá thứ nhất quê ở Sarepta, sống vào thời ngôn sứ Êlia. Bà goá thứ hai mà Tin Mừng nói đến quê ở Palestina, sống vào thời Chúa Giêsu. Cả hai có điểm nào giống nhau? Cả hai đều là bà góa nghèo, nghèo của cải vật chất, nhưng lại giàu tấm lòng.
Bà goá quê ở Sarepta thì quảng đại cho đi cái bánh cuối cùng, giúp ngôn sứ Êlia thoát khỏi cơn đói, dù mẹ con bà đang đối mặt với nạn đói lớn trong vùng và cái chết đang kề cận. Còn bà goá trong Tin Mừng thì có lòng quảng đại dâng hiến tất cả những gì bà có với niềm tín thác tuyệt đối. Dù số tiền của bà bỏ vào thùng tiền Đền Thờ chỉ là 2 đồng tiền kẽm, trị giá bằng ¼ xu của người Rôma thời bấy giờ, tương đương với ¼ giá trị một ngày công. Nếu tính một ngày công bây giờ là 200 ngàn đồng, thì ¼ ngày công là 50 ngàn đồng. Năm mươi ngàn chẳng là bao, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Chúa Giêsu đã khen ngợi bà và đưa bà ra làm gương cho các môn đệ của Ngài.
- Thứ nhất là gương về lòng quảng đại hiến dâng. Bà bỏ tiền dâng hiến vào Đền thờ không phải để khoe khoang hay phô trương như nhiều người do thái giàu có khác. Thực sự bà nghèo, nên không buộc phải dâng tiền bạc vào Đền Thờ. Nhưng vì bà có một lòng quảng đại lớn lao. Bà vẫn thích sống cho đi. Bà không đợi đến lúc có dư ra năm, bảy đồng mới dâng cúng một đồng. Bà dâng ngay tất cả những gì mình có trong lúc cùng cực nhất, bế tắc nhất. Vì bà ý thức cuộc sống là nhận lãnh thì cũng phải biết cho đi, nên bà sẵn sàng cho đi cả sự sống của mình.
- Thứ hai là gương về lòng tín thác vào Thiên Chúa. Không biết bà có con cháu hay không. Thánh sử Maccô chỉ nói rằng bà là một góa phụ nghèo. Tức là bà đã mất chồng và nghèo túng. Góa mà nghèo nữa, nên nếu có con cháu thì có lẽ bà cũng không được nhờ cậy gì. Tuy nhiên, bà là người rất giàu về niềm tín thác. Bà tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa là người cha tốt lành của bà. Thiên Chúa là điểm tựa của bà, và bà tin tưởng rằng Ngài sẽ không bỏ mặc bà. Vì thế bà sẵn sàng dâng hiến cho Thiên Chúa một cách quảng đại.
Phần chúng ta, những người xưng mình là Kitô hữu thì sao? Thực tế ta thấy có những người giáo dân không bao giờ dâng cúng cho công việc chung một đồng nào. Lấy lý do: người ta dâng tiền triệu này triệu kia, còn tôi dâng tiền trăm, tiền chục, khó coi quá! Thiên Chúa không đo không lường số lượng của dâng, ít hay nhiều, mà Ngài nhìn chỉ nhìn vào tấm lòng của người dâng: quảng đại hay keo kiệt.
Rồi cũng có những người không hề mở hầu bao để giúp đỡ cho những kẻ hoạn nạn một cắc nào, viện cớ: tôi còn chưa lo được cho tôi, gia đình tôi, nói gì đến chuyện lo cho người khác. Và rồi cũng có những người né tránh để khỏi giúp đỡ tha nhân bằng câu nói: “Hãy chờ khi nào làm ăn khá hơn, tôi sẽ chia sẻ cho ông cho bà, cho anh cho chị…”. Và sự chờ đợi ấy sẽ kéo dài mỏi mòn không biết đến bao giờ làm ăn khá hơn để giúp đỡ, để sẻ chia. Nói chung, người ta có thể nêu ra cả ngàn lý do để biện minh cho thái độ dửng dưng, vô cảm, vô tâm, không muốn giúp đỡ anh chị em đồng loại.
Thực tế, không ai nghèo đến độ không có gì để dâng hay để cho. Và những ai tự ti là mình không có gì để dâng hiến, hay để cho đi là những người có tội với mình và có tội với Chúa. Nếu không có của cải tiền bạc để cho thì cho đi tấm lòng. Cho đi tấm lòng được thể hiện qua một ánh mắt cảm thông, một nụ cười khích lệ, hay một lời nói ủi an. Cho đi tấm lòng còn được thể hiện qua sự hy sinh một phần thời giờ, sức khoẻ và khả năng để hiện diện, để phục vụ tha nhân, v.v…
Cái cho lớn hơn cả vẫn là cho đi tấm lòng, cho đi chính mình. Chỉ với hai đồng tiền kẽm vốn chẳng có giá trị gì đối với những người giàu, nhưng lại là lớn lao trước mặt Thiên Chúa vì đồng tiền đó được gói trong một “tấm lòng vàng”. Bởi đó người ta thường nói rằng cho tiền cho bạc là cho ít, cho đi tấm lòng mới là cho nhiều; hay “của ít mà lòng nhiều” vẫn có giá trị hơn là “của nhiều mà lòng ít, hoặc là không có tí lòng nào”.
Nếu chúng ta biết quảng đại dâng hiến, quảng đại cho đi thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Thiên Chúa cho lại có khi gấp trăm gấp ngàn lần. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều này: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ dùng đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy. (Lc 6,38). Ta đang đong cho Chúa và cho anh em bằng đấu nào: đấu hẹp hòi keo kiệt hay đấu rộng lượng bao la?
Thực tế cũng cho ta thấy có những người chỉ biết nhận mà không bao giờ biết cho. Hoặc giả như có cho đi nữa thì cho kiểu bố thí, hoặc cho kiểu bất đắc dĩ. Chúa ban cho ta 10 đồng, ta dâng lại cho Chúa 1 đồng, hay cho anh chị em vài đồng mà thấy xót xa vô cùng. Thế đấy! Chúa đã quảng đại với ta, vậy mà ta không biết quảng đại lại với Chúa sao?
Ta “quảng đại với Chúa” bằng cách nào? Bằng cách sẵn sàng đóng góp một cách hào phóng cho những công việc chung của Giáo hội, của giáo phận, hay của giáo xứ. Nhất là luôn sẵn lòng giúp đỡ cho anh chị em của mình, đặc biệt là những người nghèo khổ túng thiếu, hay những người đang gặp hoạn nạn tai ương.
Ước gì trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta luôn có thái độ sống quảng đại để hiến dâng, biết cho đi với tất cả lòng yêu mến và tín thác trọn vẹn như bà goá nghèo trong Tin Mừng hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
SUY NIỆM 3: LÒNG TIN VÀ SỰ CHÂN THÀNH
Cấu trúc ba bài đọc Lời Chúa hôm nay là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt về lòng tin và sự chân thành.
Bài đọc 1 trích sách Các Vua kể chuyện bà goá thành Xarêpta. Thời ngôn sứ Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do thái để phạt vua tôi của nước này, ngôn sứ Êlia được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarepta. Êlia xin bánh, dù bà goá không đủ bột làm bánh cho hai mẹ con nhưng với lòng tin cậy vào lời hứa của Thiên Chúa nên đã chân thành dâng chút bột và dầu ít ỏi làm bánh nuôi ngôn sứ. Chúa đã trả công bội hậu cho bà thoát cảnh đói khổ “hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Thiên Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”.
Nơi bài đọc hai, tác giả thư Do thái trình bày một điều căn bản trong đức tin Kitô giáo “Đức Kitô đã tự hiến chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người”, điều chỉ có sự thành tín của Thiên Chúa mới thực hiện được.
Bài Tin mừng kể lại chuyện Đức Giêsu biểu dương tấm lòng thành của bà goá nghèo dù bà chỉ dâng hai đồng tiền kẽm.
Đức Giêsu thảnh thơi ngồi quan sát xem đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng ra sao. Người thấy một cảnh đối chọi thật chát chúa: có những người giàu bỏ thật nhiều tiền (thấy tay họ cầm và tiếng tiền kêu leng keng trong thùng!”), lại cũng có “một bà góa nghèo, đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma”. Phản ứng của Đức Giêsu thật đặc biệt: “Người liền gọi các môn đệ lại mà nói”. Lần trước “Người ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói” (Mc 9,35) là để sửa dạy các ông vì khi đi dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn nhất, trong khi các ông không dám hỏi lại về những lời Người loan báo trong Cuộc Thương Khó. Hôm nay Người ngồi sẵn đó, Người gọi các môn đệ lại, chỉ cho các ông thấy bà góa nghèo này và nói. Tại sao hình ảnh bà góa này dâng cúng hai đồng kẽm, đáng giá một phần tư đồng xu Rôma, lại kéo sự chú ý của Người như thế? Nghe kỹ lời bình luận của Người: “Mọi người đều rút từ tiền bạc dư thừa của họ mà bỏ vào đó; còn bà góa này thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống bản thân mình”. Những người khác bỏ nhiều tiền vào thùng, nhưng rút từ tiền bạc dư thừa, chứ không phải tất cả tiền dư bạc thừa, nên tuy bỏ nhiều nhưng chưa đụng tới đời sống của họ. Còn bà góa này rút từ cái túng thiếu của mình, bỏ vào đó “tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống mình”. Số tiền này chỉ đủ mua bánh mì ăn một bữa.
Trong cuộc hỏi đáp với ông kinh sư, Người vừa đọc lại điều răn thứ nhất. Bây giờ Người bắt gặp bà goá nghèo này đang thực hành điều răn ấy triệt để. Điều răn bảo “yêu mến bằng tất cả trái tim, tất cả mạng sống và tất cả những gì người có”. Bà góa này túng thiếu, không có dư thừa, bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống mình, thế là bà đã yêu mến bằng tất cả những gì mình có, bằng cả mạng sống. Có yêu bằng tất cả trái tim hay không thì làm sao kiểm chứng được. Nhưng yêu mến bằng tất cả những gì mình có và bằng cả mạng sống thì chứng minh được, như bà góa này vừa làm. Đã yêu mến như thế thì chắc chắn là yêu bằng cả trái tim rồi.(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).
Bà góa đã dâng cúng với tất cả tấm lòng thành, với niềm tin và bằng lòng mến nồng nàn đối với Thiên Chúa. Bà dâng cúng hai đồng tiền kẽm, tuy nhỏ nhất nhưng đó là tất cả những gì thiết yếu cho cuộc sống của bà, như thế bà đã dâng cả mạng sống. Nhìn cung cách dâng cúng của bà, Đức Giêsu đã khen: “Bà góa nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người”.
Chiêm ngắm hai thái độ, hai hành động của bà goá trong Cựu Ước và Tân Ước, họ có chung một điểm đó là tấm lòng chân thành khi cho đi và tâm hồn hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Kết quả là họ không mất gì cả mà được tất cả. Bà goá ở Xarépta được một hủ bột không cạn và bình dầu không vơi. Bà goá nghèo trong Tin Mừng tuy không biết kết quả sau này thế nào nhưng việc làm của bà lại đẹp lòng Thiên Chúa, như vậy đã đủ đối với một con người tin tưởng phó thác vào Chúa.
Đây là sứ điệp Lời Chúa gởi đến chúng ta hôm nay: Con hãy sống và hành động chân thành, nhiệt tâm và tin tưởng. Nếu con giúp đỡ ai, con hãy giúp đỡ cách thành tâm và hết lòng, theo khả năng con có thể. Nếu dâng cúng tiền của hay bất cứ điều gì cho Thiên Chúa và Giáo Hội, con hãy dâng cúng theo khả năng của con, nhưng phải dâng một cách thành tâm. Bởi vì trước mặt Thiên Chúa, của lễ cũng như số lượng của lễ hoàn toàn không quan trọng. Chính tâm tình con thảo và tấm lòng tin tưởng của con mới là điều Thiên Chúa muốn. Ðối với của lễ dâng cúng, không phải lễ vật và trị giá của nó, mà chính là sự chân thành và lòng tin của con mới là điều quan trọng và đáng kể.
Đối với Thiên Chúa, lễ vật dâng tiến không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, mà là với cả tấm lòng. Cách cho quý hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là của cho quý hóa nhất.
Yêu mến thì phải cho. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho. Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất. Bà góa đã cho nhiều nhất vì đã cho cả tấm lòng.Xét về số lượng khách quan thì số tiền một phần tư xu so với năm, ba chục ngàn hoặc từng mấy trăm ngàn hay một triệu thì thật mỉa mai, thật tức cười. Nhưng với Chúa Giêsu hai đồng tiền nhỏ của người phụ nữ vô danh lại nhiều hơn hết. Điều có nghĩa là những công việc đạo đức và từ thiện, bác ái hơn nhau ở động lực và lý do hay mục đích chứ không phải ở số lượng. Giá trị của việc dâng cúng, việc bác ái không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”. Thiên Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Ai không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng. Chính lúc cho đi là lúc lãnh nhận.
Khi khen tặng bà góa nghèo, có vẻ như Chúa muốn nói rằng “Hãy nhìn, đây là một mẫu gương của một người nghèo chân thành cho đi tất cả những gì bà có vì lợi ích chung”. Đóng góp vào việc xây dựng Giáo xứ là bổn phận của mọi tín hữu. Đối với Giáo Hội, người Kitô hữu có bổn phận sống bác ái, chia sẻ và góp sức xây dựng nhà Chúa, giáo họ, giáo xứ ngày càng khởi sắc, ngày càng đi lên, ngày càng tốt đẹp. Nói thì dễ, thực hiện nhiều khi cũng có những lấn cấn, khó nói, khó làm. Trong vai trò lãnh đạo giáo xứ, tôi muốn biểu dương những công việc và hy sinh của mọi thành viên. Họ là những vị hội đồng giáo xứ, những bà mẹ mỗi chiều 3 giờ đến nhà thờ đọc kinh lòng thương xót, những ca viên, giáo lý viên, các chú lễ sinh, nhóm quét nhà thờ, người giật chuông, ông bà cao niên đọc kinh sáng tối. Những hội viên caritas, hội giúp đỡ kẻ liệt, các giới các đoàn thể… Họ là những người phục vụ theo khả năng của mình. Không có họ, giáo xứ không sinh hoạt sống động. Những đóng góp của họ dù là tiền bạc, dù là công sức đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội. Rồi còn có các bà goá, những người bệnh hoạn tật nguyền, những người lao động chân tay hay trí óc. Tất cả đều cống hiến để xây dựng Giáo xứ. Chắc chắn Chúa cũng nhìn đến công lao của mỗi người và cũng khen thưởng như khen thưởng bà goá: “Thầy bảo thật anh em, người này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”.
Có lẽ tài sản quý giá nhất chúng ta có là thời giờ của mình. Đôi lúc cho đi tiền của lại là điều dễ thực hiện hơn; cái khó là cho đi thời giờ, tài năng và khả năng của mình. Hãy biết cho đi. Thương yêu là cho đi. Càng cho nhiều là dấu càng yêu thương nhiều. Không chỉ cho đi những gì là vật chất mà còn những gì là tinh thần như một nụ cười, một cái nhìn thiện cảm, một lời nói vui vẻ hiền hòa, những lời an ủi chân thành…mà còn cho đi lời cầu nguyện trong đời sống siêu nhiên.
Trong tháng 11 này, chúng ta tưởng nhớ những người đã qua đời. Họ đang yên nghỉ, họ cần điều gì nhất? Họ cần đến lòng thương xót Chúa. Họ cần chúng ta nhớ đến họ bằng tình yêu thương của trái tim. Họ muốn chúng ta đừng quên họ nhưng hãy nhớ đến họ bằng kinh nguyện và thánh lễ.
Họ đã bước vào cõi thinh lặng ngàn thu. Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện. Họ muốn chúng ta cho họ những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những mật hoa bác ái, những hương hoa hy sinh.
Người Công Giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, như xin Lễ, dự Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức… để chuyển cầu cho những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. “Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2 Mcb 12, 46; GH, 50). Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn” (GLCG, số 958). Những việc lành phúc đức cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa bởi vì thân nhân của chúng ta đã và sẽ còn được tưởng nhớ đến mãi.
Trên giường hấp hối, mẹ Monica đã nhắn nhủ con trai Augustinô: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”.
Tháng 11, tháng cuối năm phụng vụ. Tại các nghĩa trang, người tín hữu thường đến thắp nhang, cắm cành hoa tươi, đọc kinh cầu nguyện trước phần mộ người đã qua đời. Người còn sống cầu nguyện cho người đã chết. Người đã an giấc ngàn thu nhắn nhủ người đang sống về lý lẽ cuối cùng của cuộc sống làm người. Bầu khí phụng vụ tháng 11 hướng về cùng đích của cuộc sống làm người. Đó chính là Cánh Chung.
Trong suốt tháng các linh hồn này, hãy chân thành và tin tưởng dâng mọi ý nguyện và những hy sinh của chúng ta để cầu nguyện cho người thân và mọi người quá cố. Ước gì những lời cầu nguyện và hy sinh ấy cũng nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào cuộc sống mai hậu, và nhờ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống hàng ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM 4: CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN LÀ NHẬN
Không biết mỗi lần nhận được bì thư quyên góp của giáo phận mà mấy ông giáo họ gởi đến cho các gia đình vào dịp này dịp nọ, thì cảm giác của anh chị em như thế nào? Vui hay là buồn?
Chắc cũng tùy thời điểm thì đúng hơn! Lúc bình thường thì chẳng là vấn đề, nhưng trúng vào những lúc eo hẹp về tài chánh, những lúc buôn bán ế ẩm thì cũng cảm thấy xót xót phải không thưa anh chị em?
Bài Tin mừng hôm nay cũng nói về việc dâng cúng. Nhưng Chúa Giêsu lại đề cao bà góa nghèo, mặc dầu mấy đồng bạc lẻ của bà chẳng đáng là bao so với những người khác. Tại sao lại như vậy? Tại vì Chúa Giêsu nhận thấy bà không chỉ rộng lượng dâng hết những gì mình có, nhưng điều đó còn cho thấy bà có một lòng tin mạnh mẽ vào tình yêu quan phòng của Chúa: bà tin một khi mình quảng đại với Chúa, thì Chúa sẽ không để mình phải chịu thiệt bao giờ.
Có những anh chị em khi nhận được bì thư thì vui vẻ: có thì dâng cúng nhiều – không có thì đóng góp ít. Nhưng cũng có một số anh chị em thở vắn than dài rằng: Lại phong bì!
Có một cái điều nghịch lý như thế này: Có những người sẵn sàng bỏ ra năm bảy trăm, thậm chí là triệu này triệu nọ để mua sắm, để làm đẹp, hay để khao cho bạn bè ăn uống nhậu nhẹt; nhưng đối với việc dâng cúng thì tính toán từng đồng, từng cắc. Rồi còn nghe đồn rằng, có những người đi lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng không bao giờ bỏ tiền oi tiền rổ quyên góp của giáo xứ.
Thưa anh chị chị em, mỗi lần anh chị em nhận được phong bì quyên góp cho việc truyền giáo, cho việc nâng đỡ ơn thiên triệu, cho việc tương trợ các Linh mục hưu dưỡng… hay giúp đỡ xây dựng nhà thờ của các giáo xứ bạn; thì anh chị em cần hiểu điều này:
Thứ nhất, Giáo hội thật sự rất cần đến sự giúp đỡ của anh chị em nên Giáo Hội mới ngỏ lời.
Thứ hai, một khi chúng ta quảng đại với Chúa và Hội Thánh, thì Chúa sẽ cho anh chị em được gấp trăm ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Hãy tin tưởng như thế thưa anh chị em. Tạ ơn Chúa phần lớn anh chị em luôn quảng đại với Chúa và Giáo Hội. Có những anh chị em không những quảng đại về vật chất, nhưng còn hy sinh cả thời gian công sức để phục vụ nhà Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho anh chị em.
Sau cùng, chúng ta cùng nghe lại lời này của Chúa Giêsu: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 5: TÍN THÁC VÀO CHÚA
Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay giới thiệu cho chúng ta về hai bà góa rất nghèo. Trong văn hóa Do-thái vào thời bấy giờ, các góa phụ là những người nghèo nhất trong xã hội, họ không có lương hưu cũng không nhận được một khoản trợ cấp nào. Bình thường, các góa phụ không được hưởng tài sản thừa kế từ người chồng; cuộc sống của họ phụ thuộc phần lớn vào các hoạt động từ thiện công cộng. Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước, nhấn mạnh rất nhiều về sự trợ giúp và bảo vệ góa phụ và trẻ mồ côi, hai lớp người nghèo và bất hạnh nhất trong xã hội. Chẳng hạn: “Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp” (Xh 22,21); “Hãy tập làm điều thiện... xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,17); “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng bênh đỡ quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người” (Tv 67,6).
Bài đọc I thuật lại cho chúng ta câu chuyện xảy ra ở vùng Xa-rép-ta, lúc đó đang trải qua một nạn đói khủng khiếp do hạn hán gây ra. Ngôn sứ Êlia gặp một bà góa, xin bà nước uống, rồi xin bánh. Bà góa nghèo than thở: “Tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” Vậy mà, vì tin vào lời ngôn sứ Êlia là “hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”, bà đã không ngần ngại dùng ít bột cuối cùng và số dầu còn sót lại để làm bánh cho vị ngôn sứ trước khi làm cho hai mẹ con bà.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu thấy một bà góa nghèo lên Đền thờ để dâng cúng tiền. Bà ấy bỏ vào thùng hai đồng tiền kẽm. Sau khi quan sát xem đám đông bỏ tiền, Chúa Giêsu đã đưa bà ra để nêu gương cho các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.”
Qua hình ảnh hai bà góa trong bài đọc I và bài Tin Mừng, chúng ta thấy có ba điểm chung:
Điểm chung thứ nhất: hai góa phụ đều rất nghèo, họ sống trong cảnh khốn quẫn.
Điểm chung thứ hai, đó là lòng quảng đại: họ cho tất cả những gì họ có, và không giữ gì lại cho mình.
Điểm chung thứ ba và có lẽ cũng là trọng tâm sứ điệp mà Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta, đó là sự tín thác. Khi giới thiệu hai bà góa rất nghèo, Lời Chúa không có ý ca ngợi sự nghèo khổ hoặc đòi chúng ta phải trở nên những người nghèo khổ như họ. Nhưng Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy dám sống, dám làm như hai người phụ nữ nghèo này, là cho tất cả những gì mình có. Vì một khi đã cho hết, họ trông đợi mọi thứ từ Chúa. Cái nghèo bỗng trở nên cơ may cho lòng tín thác được lớn lên.
Khi chúng ta gặp thử thách, thất bại, hình ảnh của hai góa phụ nghèo này có thể soi sáng cho chúng ta vượt qua những khó khăn. Sự tín thác của họ mời gọi chúng ta phó thác trong tay Chúa từ việc nhỏ đến việc lớn, từ ngày này qua ngày khác. Sau khi làm tất cả những gì có thể, chúng ta sống tâm tình tín thác, cậy trông nơi Chúa quan phòng, và chúng ta sẽ được bình an. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)
Chúng ta thường đọc bài Tin Mừng này như là cách ca ngợi về việc bố thí, nhưng trước tiên, đó là sự ca ngợi về đức tin và lòng tín thác.
Quan tâm đến việc quản lý tài sản và những tài nguyên của trái đất là bổn phận của hết mọi người. Tuy nhiên, qua câu chuyện của các bà góa, các ngôn sứ và Chúa Giêsu lại dạy chúng ta quan tâm đến những của cải dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chạy trốn thế gian và của cải vật chất, nhưng là biết cách biến chúng thành những kho báu trên trời.
Như bà góa trong bài Tin Mừng đã tự hiến mình bằng cách cho “tất cả những gì để nuôi thân”, chúng ta hãy nhìn lại các hành vi của mình sau một ngày sống. Chúng ta có thực sự hiến mình cho Chúa và cho tha nhân hay không? Hãy quảng đại cho đi, Chúa sẽ đáp lại lòng quảng đại của chúng ta. Cử chỉ dứt khoát cho đi đến đồng xu cuối cùng của bà góa có vẻ hơi khó thực hiện đối với chúng ta. Nhưng trong khi chờ đợi có thể cho đi mọi thứ, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách chia sẻ những nhu cầu thiết yếu của mình với Chúa và tha nhân... Món quà quý nhất mà chúng ta có thể trao tặng đó là thời gian, vì nó là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cho Chúa một chút thời gian nghỉ ngơi của mình để đến nhà thờ dâng lễ, để cầu nguyện, để đọc Lời Chúa,... Chúng ta cho tha nhân một chút thời gian để lắng nghe họ, trò chuyện hoặc giúp đỡ họ thay vì ngồi xem phim, lướt điện thoại,... Giá trị của việc dâng cúng không tùy thuộc số lượng của cải dâng cúng, nhưng tùy thuộc tấm lòng thành của mình.
Bà góa nghèo trong bài Tin Mừng chỉ dâng cúng hai đồng tiền kẽm, xem ra không có giá trị gì cả! Thế nhưng, đó là tất cả tài sản của bà. Nhiều lúc chúng ta cũng dễ nhận định sai khi lấy tiền bạc để làm thước đo cho mọi giá trị hoặc để nhận định về một người nào đó. Hôm nay, chúng ta hãy học với Chúa Giêsu, nhìn người khác bằng tất cả tấm lòng để thấu hiểu và trân trọng từng nghĩa cử mà họ dành cho chúng ta.
Xin Chúa gia tăng đức tin, đức ái và niềm hy vọng nơi chúng ta để chúng ta sẵn sàng và quảng đại, dám sống cho Chúa và tha nhân. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 6: ĐỒNG TIỀN BÀ GÓA
Đồng tiền giá trị nhiều hay ít giá trị tùy vào thời điểm nó thực hiện giao dịch có tính tạm thời hay vĩnh cửu. Đồng tiền sử dụng khôn ngoan là đồng tiền mua lấy Nước Trời (Lc 16, 9). Ít hay nhiều tiền mới mua được Nước Trời không quan trọng, tùy theo cách mỗi người đầu tư.
Giây phút lấy tiền ra khỏi túi.
Lúc quyết định thực hiện đầu tư là lúc đưa tay vào túi quyết định nhiều hay ít. Việc lấy từ túi tiền ra để bỏ vào thùng là lúc cho biết mình là ai, ít hay nhiều cho thấy một thái độ cần thiết về Nước Trời hay chỉ là một kênh đầu tư phòng hờ rủi ro.
Con số nhỏ dùng như một kênh đầu tư trong nhiều khoản đầu tư khác, người ta đầu tư vào kênh Nước Trời để có cửa thoát thân. Cách đầu tư này là cách mang tính phòng hờ, sống đạo theo cách đối phó hơn là dấn thân.
Với tấm lòng hảo tâm, quảng đại, giá trị đồng tiền có một giá trị tùy thuộc vào tấm lòng. Từ lúc quyết định đến lúc lấy từ túi tiền ra là thời gian đo lường lòng hảo tâm. Người đóng góp biết được tấm lòng mình rộng hẹp ra sao, có thể tự lượng định được.
Đóng góp theo tấm lòng tạ ơn, vì Chúa đã ban cho nhiều và đóng góp phần nào để tạ ơn. Cũng thế, quyết định ít hay nhiều theo phần hoa lợi thu được về. Tiền của đóng góp nhiều hay ít là thước đo của lòng mến. Chúa nói “kẻ yêu mến nhiều vì được tha nhiều” (Lc 7, 47)
Bà góa được khen bỏ nhiều nhất.
Vét sạch túi để cho như người đàn bà góa, thật là hiếm họa trong cuộc sống, ngoại trừ số ít người trước khi chết trăn trối tài sản mình cho nhà thờ hay cho giáo hội.
Còn sống vẫn còn cần tiền đề phòng. Tuy nhiên, thái độ thế nào về tiền của mà mình đang năm giữ mới mang tính quyết định cuối cùng. Vậy Chúa mới bảo dùng tiền của cách khôn ngoan mua lấy bạn bè và nước trời.
Một cách khôn ngoan, người Do Thái dạy “Điều gì không thuộc về bạn mà bạn cứ giữ lấy như của riêng bạn mãi mãi, thật sự là nguy hiểm, của cải là một thứ đó”.
Người làm chủ túi tiền mình cách khôn ngoan, họ biết đồng tiền dẫn mình tới đâu? Mang lại một hạnh phúc thật chứ không phải thứ hạnh phúc nhất thời, đánh bóng mình, hay hủy hoại chính mình.
Người khôn ngoan biết nhìn bao quát, đời này và đời sau, thật và giả, cám dỗ và buông thả. Điều người khôn ngoan biết dùng tiền của để mua lấy bạn hữu, là người biết sống tử tế, công bằng và liêm khiết, bác ái và yêu thương. Thế giới chung quanh họ sống là một thế giới thanh thản, an bình, vui tươi. Theo cách Chúa dạy: “Trước tiên tìm sự công chính và Nước Trời” (Mt 6, 33)
Tiền của mua được đời sống vĩnh cửu là đồng tiền khôn ngoan nhất. Như đồng tiền bà góa, như đồng tiên mua lấy bạn hữu, mua lấy tình thân, mua lấy nhân nghĩa và mua được Nước Trời.
Xin Chúa giúp chúng con biết dùng tiền của cho phải lẽ.
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
SUY NIỆM 7: LÒNG QUẢNG ĐẠI
Thưa anh chị em,
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cao tấm lòng quảng đại của hai bà goá nghèo. Bà góa thời Cựu ước, tiên tri Êlia gặp ở cửa thành Sarephta. Bà đã hi sinh cho vị tiên tri một chiếc bánh nhỏ. Còn bà góa thời Tân ước, Đức Giêsu gặp ở cửa đền thờ Giêrusalem, Bà dâng cúng đồng tiền nhỏ vào Đền thờ.
Thế thì, do đâu mà hai bà goá này được đề cao trong Thánh kinh?. Một chiếc bánh nhỏ thì có thấm tháp gì đâu! Một đồng xu nhỏ chẳng có giá trị là mấy! Thế nhưng, hai bà được đề cao là do lòng quảng đại biết cho đi. Bởi vì, chiếc bánh nhỏ mà bà goá cho vị tiên tri, là cả sự sống còn lại của mẹ con bà. Đồng xu nhỏ của bà goá nghèo dâng vào Đền thờ là cả tài sản của bà.
Bài đọc I ghi lại: Khi ấy, cả xứ Sarephta gặp nạn đói lớn, do hạn hán mất mùa, nên lương thực cạn kiệt. Bà goá nghèo chỉ còn một nhúm bột và một chút dầu ăn. Bà đi kiếm củi về nhà làm một chiếc bánh nhỏ cho hai mẹ con ăn lần cuối rồi nằm chờ chết.
Thế mà, khi tiên tri Êlia ngỏ lời xin bà chiếc bánh ấy, chiếc bánh trong hoàn cảnh lúc này thật cần thiết cho sự sống biết bao, vậy mà bà sẵn sàng nhường phần cho vị tiên tri. Chính việc chia sẻ tấm bánh trong lúc đói kém như vậy, đã làm nổi bậc lên tấm lòng quảng đại biết cho đi, nhưng rồi Chúa không thua lòng quảng đại, đã bù đắp cho bà hủ bột sẽ không vơi và bình dầu sẽ không cạn.
Chúng ta biết nền tảng của Đạo Chúa là yêu thương: Kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như Chúa yêu. Mà đặc tính của yêu thương là trao ban, là hi sinh. Thương ít thì cho ít, thương nhiều thì cho nhiều.
Và của cho không bằng cách cho. Của nhiều mà lòng ít thì không quý bằng của ít lòng nhiều. Và của cho quý nhất chính cái mình đang cần thiết. Như bà goá xứ Sarephta, chỉ còn chiếc bánh cuối cùng dành cho hai mẹ con bà, nhưng vì yêu thương bà sẵn sàng cho đi hết. Và bà goá ở Giêrusalem cũng thế, dù chỉ dâng trong đền thờ một đồng xu nhỏ, nhưng đó là cả gia tài của bà.
Từ việc Đức Giêsu quan sát bà góa nghèo dâng tiền trong đền thờ, cho chúng ta thấy Chúa quan tâm tới những người bé nhỏ, nghèo hèn.
Tin Mừng ghi lại: Có lắm người giầu có dâng cúng nhiều tiền trong đền thờ, vậy mà Chúa chẳng để ý, mà chỉ quan tâm đến một người nghèo hèn nhất. Quả thật, Chúa như người mục tử nhân lành, bỏ chín mươi chín con chiên béo tốt để đi tìm một con chiên lạc bé nhỏ. Như người phụ nữ đốt đèn tìm cho bằng được một đồng tiền nhỏ bị đánh rơi.
Biết bao người giầu sang Chúa không nhìn, mà chỉ nhìn người phụ nữ nghèo nàn, gầy còm rách rưới.
Biết bao người dâng cúng những đồng tiền lớn trong đền thờ mà Chúa chẳng khen, mà chỉ khen một người phụ nữ nghèo, dù chỉ dâng hai đồng xu nhỏ.
Lời khen ấy Chúa nói rõ với các môn đệ: “Trong những người bỏ tiền vào hòm, chỉ có bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết, vì bà đã dâng hiết những gì mình có”.
Thì ra, Chúa đánh giá không dựa theo số lượng nhưng theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. Một tấm lòng quảng đại biết cho đi tất cả những gì cần thiết cho đời sống mình.
Anh chị em thân mến,
Mỗi lần tham dự Thánh lễ, là chúng ta đi dâng của lễ cho Chúa. Bởi vì, vị linh mục chủ tế mời gọi “Anh chị em hãy cầu nguyện để lễ vật của tôi và của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận”. Như vậy, anh chị em dâng lễ vật gì cho Chúa?.
Các tín hữu thời sơ khai mỗi lần đi dâng lễ họ đều mang của lễ dâng cho Chúa. Ai có thứ gì thì mang dâng cho Chúa thứ đó. Chắc chắn, Chúa không đòi chúng ta nhiều, nhưng đòi hết những gì chúng ta có để dâng cho Ngài.
Anh chị em thử nghĩ xem, mỗi ngày có 24 giờ. Mỗi tuần có 168 giờ, nhưng thử hỏi chúng ta dành cho Chúa, dành cho việc sống đạo được bao nhiêu giờ?.
Trong khi đó điều răn thứ Ba Chúa dạy: Giữ ngày Chúa Nhật, ấy thế mà, có những người làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa nhật.
Thậm thí, dành cho Chúa một giờ đi tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, nhưng có người lại đi trễ về sớm, chưa kể lo ra chia trí khi ít khi nhiều, khi nào cũng có.
Lẽ ra, tất cả những gì chúng ta có đều là của Chúa, thì xin dâng lại cho Chúa, để tùy Chúa sử dụng theo thánh ý Ngài. Thế nhưng, thực tế đôi khi chúng ta còn tính toán với Chúa nhiều lắm.
Ước gì mỗi lần chúng ta tham dự Thánh lễ, với tất cả ý thức, chúng ta dâng của lễ tấm lòng lên cho Chúa. Dâng bánh rượu là hoa màu ruộng đất và công lao khó nhọc, để Chúa biến thành Mình và Máu thánh Chúa cho chúng ta.
Dâng những vui buồn, những thành công thất bại, dâng cả những tội lỗi, dâng những người đau khổ, bệnh tật, dâng cả thế giới và các linh hồn trong luyện ngục, để rồi Chúa sẽ ban lại ơn bình an theo như lòng chúng ta ước nguyện.
Noi gương hai bà góa nghèo được đề cao trong Thánh kinh. Xin Chúa thương giúp chúng ta biết sống quảng đại với Chúa, và quảng đại với nhau, như Chúa đã không ngừng quảng đại với chúng ta. Amen.
Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải
SUY NIỆM 8: Ở ĐỜI QUÍ NHẤT TẤM LÒNG
Ai cũng biết dâng cúng là sẻ chia, là cho đi một phần những gì mình có. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại lời Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ : “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35), nhưng để trở thành phúc nhân, cầu phải cho đúng cách mới mong có cái kết hậu thì không phải ai cũng biết và thực hành.
Người xưa cũng khái quát được vấn đề bằng câu “Của cho không bằng cách cho”. Quả thật, trước khi cho đi ta phải nghĩ đến “của cho” và “cách cho”. “Của cho” xét cho cùng không quan trọng bằng “cách cho”. Cho thế nào để nói lên tấm lòng chân thành của mình và nhất là làm cho người nhận cảm thấy vui lòng. Đặc biệt đối với Chúa, tấm lòng chân thành dâng hiến luôn được Chúa coi trọng: “Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ”.
Cho đi là quý nhưng không phải cho suông mà cho với cả tấm lòng. Một cuộc đời biết cho đi là một cuộc đời hạnh phúc. Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào mức độ và cách thức chúng ta trao ban cho tha nhân những gì mình có. Sống vì và sống cho người khác là cách làm tăng trưởng nhân cách và phẩm giá của mỗi người. Cho đi là cả một nghệ thuật mà chúng ta cần phải trau dồi cho bản thân mỗi ngày. Thế nhưng, cho đi cái gì và cho như thế nào lại là một vấn nạn. Học biết cho đi đã khó, nhưng học biết cách thức cho đi lại càng khó khăn gấp bội.
Bà goá ở Xarepta có vẻ miễn cưỡng phải cho, bà ngập ngừng, lúng túng trước lời xin của Êlia, hoàn cảnh khốn khổ của bà làm cho bà khó làm phúc. Nhưng rồi cuối cùng bà cũng dám cho đi cái phần để nuôi sống mẹ con bà với tấm lòng tin tưởng phó thác và đầy tôn trọng đối với người xin bà. Còn bà goá nghèo được Tin mừng nhắc đến hôm nay có một thái độ rất anh hùng. Chúa Giêsu đã đề cao bà như một gương mẫu cho chúng ta về cách cho đi mà không tính toán, để các môn đệ cũng như chúng ta ngày hôm nay noi gương bắt chước học đòi.
Câu hỏi được đặt ra : Các bà góa nghèo đã dâng gì và dâng như thế nào ?
Tin Mừng theo thánh Marcô thuật lại cho chúng ta câu chuyện diễn ra trong Đền thờ Giêrusalem nơi dân chúng bỏ tiền dâng cúng. Có nhiều người giàu bỏ bao nhiêu đồng tiền, song có một góa phụ nghèo, chỉ bỏ hai đồng xu nhỏ. Chúa Giêsu quan sát kỹ lưỡng người đàn bà ấy và Người lưu ý các môn đệ về sự tương phản trong cảnh tượng này. Chúa Giêsu nói, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn ai hết, bà tuy thật túng thiếu, nhưng đã bỏ vào thùng tiền tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Còn những người khác rút từ túi mình tiền dư bạc thừa của họ mà dâng cúng. Vậy là thước đo không phải là số lượng nhưng là với cả tấm lòng thành. Đây không phải là vấn đề ví tiền, nhưng là con tim, là tấm lòng. Có sự khác biệt giữa ví tiền và con tim.
Những người giàu có khoa trương cho đi những điều dư thừa, trong khi bà góa, kín đáo và khiêm tốn, do sự nghèo khó cùng cực của bà, lẽ ra bà có thể chỉ cúng một đồng cho Đền thờ và một đồng kia giữ lại cho mình. Nhưng bà không muốn kiểu sống nửa với, nghĩa là dâng cho Thiên Chúa nửa chừng; bà dâng tất cả. Vì thế, Chúa Giêsu nói, bà đã cho nhiều hơn tất cả những người khác. Trong sự nghèo khó của mình, bà hiểu rằng, có Chúa là có tất cả; bà cảm thấy được Chúa hoàn toàn yêu thương và đáp lại bà yêu Chúa trọn vẹn. Gương của bà già ấy mới đẹp làm sao!
Kinh nghiệm cho thấy có những khi chúng ta cho đi, nhưng người khác lại không đón nhận, hoặc có lúc người ta đón nhận nhưng chỉ đón lấy trong sự ép buộc chứ không mấy vui vẻ. Thành thực mà nói, nhiều khi ta trao tặng mà người kia không đón nhận, có lẽ không phải vì món quà không có giá trị, nhưng vì cách thức chúng ta cho đi có vấn đề. Chúng ta hãy cho đi bằng tất cả tấm lòng và hãy học cách cho đi như chính Đức Giêsu đã cho đi.
Nhìn lại trong dòng lịch sử, không có ai có cách cho đi đẹp cho bằng Đức Giêsu. Người đã cho đi tất cả kể cả mạng sống của mình chỉ vì yêu thương nhân loại. Sự trao hiến của Người là một sự cho đi đến tận cùng, một sự cho đi không tính toán. Người không những cho đi chính mình mà còn dạy cho nhân loại chúng ta biết nghệ thuật của sự cho đi. Có thể nói, cả cuộc đời Đức Giêsu là một lời giáo huấn liên tục về sự cho đi và cách thức cho đi.
Như thế, kim chỉ nam của sự cho đi chính là sự chân thành phát xuất từ một con tim biết cảm thông và yêu thương. Một khi chúng ta biết cho đi bằng cả tấm lòng thì chắc chắn món quà của chúng ta sẽ được người khác đón nhận với tất cả lòng biết ơn và lòng cảm mến. Nghệ thuật cho đi là bài học chúng ta cần trau dồi mỗi ngày hầu có thể hoàn thiện bản thân và đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho tha nhân.
Xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ giá trị của sự cho đi với tấm lòng quảng đại theo gương Chúa. Hãy quảng đại đối với Chúa và mọi người để được hưởng tấm lòng quảng đại của Chúa dành cho chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 9: DÂNG CHO CHÚA VỚI TẤM LÒNG BIẾT ƠN
Cuộc sống tại Việt Nam có nhiều điều nghịch lý: Người đi đường có thể đứng hàng giờ để xem một tai nạn hoặc một cuộc đánh lộn xảy ra, rất nhiều người quay film, nhưng không có ai ra tay giúp nạn nhân hoặc can ngăn cuộc đánh lộn. Người ta dễ dàng đãi bạn bè ăn nhậu, nhưng lại tiếc khi biếu bố mẹ già tấm bánn. Người ta có thể la cà tại quán cà phê, quán nhậu mấy tiếng đồng hồ không sốt ruột, nhưng tham dự thánh lễ chừng 50 phút họ kêu lễ lâu. Người ta bỏ ra vài trăm ngàn hay bạc triệu cho một bữa nhậu, cho đó là rẻ, còn khi bỏ tờ năm mươi ngàn vào thùng nhà thờ thì thấy quá lớn.
Hôm nay, Lời Chúa chỉ cho chúng ta biết việc dâng cúng như thế nào là đẹp lòng Chúa. Hai câu chuyện trong bài đọc một và bài Tin Mừng có những điểm giống nhau. Bài đọc một kể câu chuyện bà góa nghèo thành Sarepta quảng đại dâng tặng cho người của Thiên Chúa cả phần lương thực cần thiết nuôi sống mẹ con bà. Lúc đó, hạn hán xảy ra trong khắp đất Israel, mùa màng thất bại, dân chúng rơi vào cảnh đói kém. Trên đường vào thành Sarepta, tiên tri Êlia thấy có một bà góa nghèo đang nhặt củi. Ông xin bà cho ông chút nước và một chút bánh để ăn cho đỡ đói. Người đàn bà này dù cũng đang trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo, bà thưa thật với Êlia: “Thưa ông, tôi chỉ còn một nắm bột và một chút dầu chỉ đủ cho mẹ con tôi ăn một bữa rồi chết thôi”.Dù biết hoàn cảnh bà như vậy, nhưng vị tiên tri vẫn yêu cầu bà cứ làm và trước hết đem cho ông bánh và nước, còn phần bà, Chúa sẽ làm cho hũ bột không cạn và bình dầu không vơi. Bà góa này đã tin vào lời của ông Êlia và làm như ông chỉ dạy. Thiên Chúa đã trả lại cho bà theo như sự tin tưởng và lòng quảng đại của bà. Thiên Chúa đã nuôi sống mẹ con bà đúng như lời vị tiên tri đã nói: “hũ bột không cạn và bình dầu không vơi”.
Người đàn bà Sarepta này đã dám cho đi phần ăn cuối cùng của mẹ con bà, bà dám cho đi cả những gì bà đang rất cần cho cuộc sống. Bà không quan tâm cũng không tính toán cho tương lai của mẹ con bà vì bà tin vào lời Êlia và nhận ra Thiên Chúa ở nơi con người đang ngửa tay xin bà chút nước và miếng bánh. Bà cũng tin rằng, bà cứ quảng đại với người khác, Thiên Chúa sẽ quảng đại với bà; bà cứu giúp người khác, Thiên Chúa sẽ cứu giúp mẹ con bà. Vì nghĩ và tin như thế bà đã đón rước Êlia về nhà và Thiên Chúa đã nuôi sống gia đình bà, bà đã cho đi và Thiên Chúa đã trả lại cho bà vượt quá sự mong đợi của bà.
Nếu như câu chuyện bà góa Sarepta muốn nói đến việc quảng đại đối với người khác, thì câu chuyện Tin Mừng Marcô hôm nay thuật lại sự quảng đại của một bà góa đối với nhà Chúa. Việc dâng cúng cho Thiên Chúa cho thần linh là việc làm luôn có trong các tôn giáo. Trong các tôn giáo khác, khi dâng cúng cho thần linh, các tín đồ dâng cúng để làm cho thần linh bớt giận, để lấy lòng thần linh. Nhiều người khi dâng cúng còn mang tâm trạng của người đời, vì họ coi việc dâng cúng như để đút lót, hối lộ cho thần linh theo kiểu “tốt lễ, dễ kêu”. Nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải vậy.
Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên tất cả mọi loài mọi vật và là đấng quan phòng chăm lo cho tất cả mọi vật, mọi loài và từng người. Mọi sự đều thuộc về Chúa, đều là của Chúa, Thiên Chúa là đấng đầy tràn và không thiếu thốn điều gì. Như thế, việc người tín hữu dâng cúng hay dâng tặng lại cho Thiên Chúa, cho nhà của Chúa không phải là việc bố thí cho Chúa, cũng không phải là dịp để kể lể ghi công ghi sổ nợ cho Thiên Chúa, mà phải là một thái độ chân thành, dâng lên Thiên Chúa với tâm tình biết ơn.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng đã làm với tâm tình như thế, bà được Chúa Giêsu khen và còn lấy để làm gương cho các tông đồ. Lúc đó, Chúa Giêsu và các môn đệ ngồi quan sát đám đông bỏ tiền vào thùng. Có những người giàu có bỏ vào đó số tiền khá lớn, Chúa Giêsu không khen những người này, vì thái độ và cách thức của họ khi dâng cúng làm giảm bớt giá trị của lễ họ dâng cúng. Những người biệt phái và những người giàu trong câu chuyện khi dâng cúng họ đặt nặng hình thức bên ngoài để cho mọi người phải biết, phải thấy việc họ làm. Khi dâng cúng vào đền thờ, họ thiếu một thái độ quan trọng, đó là lòng biết ơn về tất cả những gì Chúa đã ban cho họ. Trái lại, họ bỏ tiền vào đền thờ như thể họ là người bố thí cho đền thờ, bố thí cho Thiên Chúa, mua chuộc Thiên Chúa. Khi đóng góp vào nhà thờ với thái độ huênh hoang như thế, thực ra họ đang đi mua lời khen từ nhừ những người chung quanh hơn là vì lòng yêu mến Thiên Chúa.
Có một bà góa nghèo, chẳng ai quan tâm đến bà vì dáng vẻ khắc khổ bên ngoài của bà. Hơn nữa, trong xã hội Do Thái lúc đó, bà góa là tầng lớp thấp kém trong xã hội, những người lệ thuộc và phải đón nhận sự trợ giúp của cộng đồng. Bà góa này lặng lẽ bước đến bên thùng tiền, móc hết trong ruột tượng của mình được hai đồng kẽm, tương đương một phần tư xu. Bà bỏ vào thùng để dâng cho Chúa, rồi lặng lẽ biến mất vào đám đông. Thế nhưng, trong mắt của Chúa Giêsu, bà không hề bị biến mất, trái lại bà còn được nêu lên như một tấm gương cho các môn đệ của Chúa. Hai đồng kẽm chẳng đáng là gì so với người giàu, nhưng lại là một món tiền lớn, là cả một gia tài của bà góa nghèo. Bà không tiếc gì đối với Chúa vì bà tin rằng cuộc sống của bà và mọi sự của bà đều là của Thiên Chúa, do Thiên chúa ban cho bà, nuôi sống bà. Vì thế, bà sẵn sàng dâng lại cho Chúa của tích góp ít ỏi của mình với lòng chân thành biết ơn Thiên Chúa. Bà đang phải sống nhờ người khác giúp đỡ, nhưng bà còn tin mạnh mẽ rằng, chính Thiên Chúa đang nuôi sống bà mỗi ngày qua những người quảng đại. Vì thế, bà cũng không cần phải tính toán gì với Chúa, vì tất cả những gì bà tích góp được cũng là của Chúa ban.
Trước mặt Thiên Chúa việc dâng nhiều hay dâng ít không quan trọng cho bằng việc dâng lên Chúa với tâm tình nào. Chúa Giêsu đã khen bà góa và còn kể bà là người đã bỏ vào thùng nhiều nhất. Vì các người khác dâng cúng những của dư thừa, nhưng bà góa này còn dâng cho Chúa cả tương lai và cuộc sống của bà cho Chúa, bà dâng cho Chúa tất cả những gì cần thiết để nuôi sống bản thân.
Ngày nay trong các giáo xứ có rất nhiều người quảng đại với công việc chung của nhà Chúa, sẵn sàng hy sinh bớt những chi tiêu của nhà mình để dành điều tốt nhất cho nhà Chúa. Cũng có rất nhiều người có tấm lòng rộng mở bằng việc chia sẻ với các anh chị em khó khăn. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay vẫn muốn chúng ta mỗi khi dâng tặng cho Chúa hoặc chia sẻ với anh em túng nghèo, chúng ta cần có một ý hướng ngay lành, có mục tiêu trong sáng và nhất là luôn mang trong mình tâm tình tạ ơn Thiên Chúa. Chúng ta dâng tặng lại cho Chúa hoặc chia sẻ với anh em vì tin rằng mọi sự chúng ta có, ta được là do Thiên Chúa ban. Vì vậy, việc dâng cúng cho Thiên Chúa là ta lấy chính của Chúa đã ban để dâng lại cho Chúa với lòng biết ơn chân thành. Cũng vậy, chúng ta chia sẻ với anh em vì tin rằng Chúa yêu thương chúng ta nhiều, cho chúng ta có cơ hội và khả năng nhiều hơn các anh chị em khác. Vì vậy, việc chia sẻ cũng là việc làm tri ân Thiên Chúa và lòng thành của mình nghĩ tới anh chị em.
Nhưng điều sâu xa hơn Chúa muốn nơi chúng ta là dám sống phó thác, tin tưởng vào Chúa, dám đặt trọn đời sống ta trong tay Chúa. Dù Chúa ban cho chúng ta có của dư dật hoặc túng thiếu, một khi ta dám quảng đại với Thiên Chúa và với anh em, thì Thiên Chúa không quên việc chúng ta làm và Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta. Cần gạt bỏ khỏi mình lối sống hình thức, giả tạo với Chúa và phô trương với mọi người, mà không có sự chân thật bên trong. Cũng cần cảnh giác với các phong trào từ thiện như là dịp để đánh bóng tên tuổi của mình hay của nhóm mình mà thiếu đức bác ái thật sự. Vì bác ái Kitô giáo không chỉ là việc bố thí, cho đi những của dư thừa, cũng không phải là công tác từ thiện xã hội, mà là sự chia sẻ ngay cả những cái mình đang cần đang dùng. Việc dâng tặng cho Chúa và giúp đỡ anh em là vì nhận ra Chúa là chủ mọi loài và anh em là hình ảnh của Thiên Chúa.
Xin Chúa giúp chúng ta theo gương bà góa trong Tin Mừng hôm nay dám sống quảng đại với Chúa và anh em, phó thác hoàn toàn cuộc sống hiện tại và tương lai cho Chúa trong mọi hoàn cảnh. Amen.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí