CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH Is 60,1-6; Êp 3,2-6; Mt 2,1-12
Thứ sáu - 03/01/2025 05:12
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH
Is 60,1-6; Êp 3,2-6; Mt 2,1-12
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
1Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. 2Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. 3Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. 4Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. 5Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: 6Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.7Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. 8Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. 9Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. 10Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. 11Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. 12Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
SUY NIỆM: MỌI NGƯỜI ĐƯỢC MỜI GỌI ĐÓN NHẬN ƠN CỨU ĐỘ
Lời Chúa: “Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2,2).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật lễ Hiển Linh hôm nay cho chúng ta thấy, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài muốn cứu độ tất cả mọi người. Ngài sai Con một của Ngài vào thế gian để tỏ mình ra cho những ai chưa nhận biết Chúa, và dẫn đưa họ tìm về Ánh Sáng nguồn ơn Cứu độ:
Các nhà đạo sĩ đi tìm,
Vua Trời cao cả giáng lâm chỗ nào?
Thánh Kinh chỉ điểm hôm nao,
Bet-lem thành nhỏ là nôi Vua Trời.
Phần ta muốn gặp Ngôi Lời,
Thánh Kinh học hỏi trọn đời đừng quên.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa tỏ mình ra cho những ai đang thao thức tìm gặp Chúa. Xin Chúa cho chúng ta trở nên ánh sao dẫn đưa mọi người đến đón nhận Ơn Cứu Độ của Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng và nguồn ơn cứu độ của chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã dùng ánh sao lạ dẫn đường ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại cùng được thừa tự điều Thiên Chúa hứa ban cho dân riêng Ngài. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hành trình cuộc sống của con người không chỉ là cuộc phiêu lưu với những tất bật bên ngoài, song song với nó có những điều bắt buộc chúng ta phải lần bước đi bằng cảm nhận. Sự kiện các đạo sĩ Phương Đông phải lên đường bước đi tìm đến thờ lạy Hài nhi Giêsu quả là cơ hội để giúp chúng ta suy nghĩ, cảm nhận về tính phổ quát của ơn cứu độ.
Thưa anh chị em, Thiên Chúa đã chọn gọi Abraham làm tổ phụ một dân riêng để từ dân đó ơn cứu độ được ban cho loài người. Vì thế, dân Do thái vẫn tự hào là dân riêng của Thiên Chúa, chỉ có họ là có chân lý, có ơn cứu độ, còn các dân tộc khác đều là dân ngoại. Niềm tự tôn trên đây gợi lên một thắc mắc lớn nơi một số giáo đoàn tiên khởi: dân ngoại có được ơn cứu độ không?. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay cũng cho thấy vị trí ưu việt của dân Do thái. Họ là dân riêng của Thiên Chúa, được Thiên Chúa hướng dẫn và phù trợ ngay cả trong những giờ phút đen tối của lịch sử dân tộc này. Bị lưu đày từ Babylon trở về vào những năm 538 trước công nguyên, dân Do thái chán nản vì thấy đất đai bị dân ngoại xâm chiếm, đền thờ bị tàn phá, họ ngã lòng về công việc tái thiết đền thánh. Trong giờ phút chán nản, ngã lòng về công việc tái thiết đền thánh như thế, ngôn sứ Isaia đã vỗ về an ủi dân Chúa, kêu gọi họ tin tưởng, đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Vì vinh quang Chúa sẽ như ánh bình minh chiếu tỏa trên họ, muôn dân nước sẽ lần bước tìm về sự sáng và các vua hướng về ánh bình minh của Giêrusalem. Giêrusalem trở nên trung tâm của thế giới: kho tàng bể khơi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tuôn đến, những lạc đà xứ Madian và Epha sẽ chở kho báu đến với Giêrusalem. Tin mừng hôm nay thuật lại, các đạo sĩ Phương Đông đã phải lên đường lần bước đến Giêrusalem tìm gặp Hài nhi Giêsu để thờ lạy đã biểu hiện lời loan báo trên. Họ tìm đến thờ lạy Người và họ đã được diễm phúc gặp Hài nhi Giêsu. Các đạo sĩ đã dâng vàng, nhũ hương và mộc dược là những lễ vật thời đó dành dâng cho một vị vua. Những lễ vật này nói lên các đạo sĩ công nhận Hài nhi nằm trong máng cỏ là vua. Tuy nhiên, một sự kiện trớ trêu: chính những người Do thái kể cả cấp lãnh đạo tôn giáo thời đó đã từ chối Đấng Cứu Thế. Chính trong bối cảnh đó, mà sự kiện các đạo sĩ Phương Đông đến thờ lạy Hài nhi Giêsu tại Bêlem mới có ý nghĩa đặc thù: các đạo sĩ là hình ảnh của tất cả những người tìm kiếm Thiên Chúa, là hình ảnh của dân ngoại thuộc mọi thời đại. Việc Đấng Cứu Thế tỏ mình ra cho các đạo sĩ nói lên lòng thương yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân ngoại: Thiên Chúa muốn gọi tất cả các dân tộc đón nhận Tin Mừng cứu độ. Vì thế, ơn cứu độ mang ý nghĩa phổ quát, không chỉ dành riêng cho dân tộc Do thái mà là cho tất cả mọi người thiện chí thuộc bất cứ dân tộc nào, thời đại nào.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh. Thiên Chúa tỏ mình ra cho tất cả mọi người thành tâm thiện chí kiếm tìm Ngài. Thành tâm thiện chí đón nhận Tin Mừng như các đạo sĩ Phương Đông, hoặc thành tâm thiện chí đón nhận Tin Mừng như các mục đồng của thành Bê-lem là đón nhận và trở thành những ánh sao lạ chiếu soi Tin Mừng của Chúa cho mọi người. Chớ gì mỗi người chúng ta sẽ là một ánh sao sáng tỏ, rõ rệt, chiếu sáng bởi một đời sống yêu thương, một lối sống khiêm nhu phục vụ, và nhất là biết khám phá ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời mà lên đường thờ lạy Chúa: dâng lên Chúa chính cuộc sống với biết bao niềm vui, nỗi buồn cùng với lời cầu tha thiết cho mọi người đón nhận Tin Mừng cứu độ.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta trở nên ánh sao dẫn đưa mọi người đến đón nhận Ơn Cứu Độ của Chúa, nhất là những ai đang thao thức tìm gặp Chúa. Amen.
Lm. Phêrô Nguyên Văn Quang
SUY NIỆM: ÁNH SÁNG CỨU ĐỘ MUÔN DÂN
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa hiển linh, tức là việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người. Như thế, nhân vật chính trong biến cố trọng đại này không phải là 3 nhà Đạo sĩ như chúng ta thường nghĩ, mà là chính Chúa Giêsu Hài Đồng, Ngôi Hai nhập thể làm người. Ngài chính là Ánh Sáng cứu độ trần gian. Đó là chân lý mà cả 3 bài đọc lời Chúa hôm nay muốn nói với tất cả chúng ta.
Trong bài đọc I, Tiên tri Isaia cho biết, Hài nhi Giêsu chính là nguồn ánh sáng chiếu tỏa trên tất cả chúng ta. Ngài sẽ xua tan đêm tối đang bao phủ. Ngài sẽ soi đường dẫn lối cho chúng ta tiến bước vào đường nẻo an bình.
Trong bài đọc II, Thánh Phaolô cho biết, Chúa Giêsu là ánh sáng, là ơn cứu độ nhưng không của riêng một ai, mà là của tất cả mọi người, kể cả dân ngoại cũng đáng hưởng nguồn ơn cứu độ ấy.
Và trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa chúng ta đã làm như thế. Ngài đã tỏ mình ra cho 3 nhà Đạo sĩ là những người ngoại giáo. Mặc dầu không biết Thiên Chúa là ai, cũng chẳng biết Kinh Thánh nói gì về Ngài; nhưng 3 vua phương Đông đã sẵn sàng lần theo ánh sao dẫn đường, để tìm kiếm Vua của dân Do Thái.
Điều nghịch lý là, trong khi các đạo sĩ đi tìm kiếm 1 vị Vua oai phong lẫm liệt, nhưng người mà các ông gặp được lại là một Hài Nhi nằm cho máng cỏ hang lừa. Tuy vậy, họ vẫn sấp mình cung kính thờ lạy, rồi mở bảo tráp lấy vàng, nhủ hương và mộc dược mà dâng tiến.
Bấy nhiêu điều ấy cũng đủ cho thấy lòng chân thành thiện chí của các nhà đạo sĩ, những người tuy được coi là ngoại đạo nhưng lại có một nội tâm sâu sắc; những người tuy không nằm trong diện “chính sách”, nhưng lại xứng đáng được hưởng ơn cứu độ.
Trong biến cố Giáng sinh, chính các thiên thần đã đồng thanh ngân vang: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Thật vậy, những ai thành tâm, thiện chí và khát khao tìm kiếm Chúa ,thì chắc chắn sẽ gặp được Ngài.
Thánh Mathêu đã kết thúc bài Tin mừng hôm nay bằng một lời khẳng định: “Sau đó, các nhà đạo sĩ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên họ đã đi lối khác mà về xứ mình” (2,12). Điều đó có nghĩa là, sau khi đã được gặp Thiên Chúa, 3 nhà đạo sĩ không còn đi theo con đường mình muốn, mà đi theo con đường Chúa muốn: con đường của niềm tin, con đường của ánh sáng. Con đường này sẽ đưa các ông bước vào một hành trình mới, đó là hành trình sống và loan báo cho mọi người về những gì các ông đã thấy, về đức tin các ông đã lãnh nhận, về niềm vui và hy vọng mà các ông đang được hưởng.
Giống như hành trình của các đạo sĩ, mỗi lần mừng lễ Giáng sinh là mỗi lần người kitô hữu chúng ta được mời gọi từ bỏ con đường cũ và bước đi trên con đường mới, con đường dưới sự soi sáng của Hài Nhi Giê-su. Đó là con đường từ bỏ những quyến rũ bất chính, để bước đi trên chính lộ ngàn đời; đó là con đường từ bỏ những thói hư tật xấu, để chọn lấy và thực hiện những điều lành, đó là con đường từ bỏ sự thù hận ghét ghen, để chọn sống yêu thương tha thứ….
Mỗi khi làm được như thế, là chúng ta đã trở nên như những vì sao sáng ở giữa thế gian, để soi đường dẫn lối cho chính mình, cho con cái và những người trong gia đình mình, và đặc biệt là cho những ai khát khao tìm kiếm Chúa.
Tóm lại, mừng lễ Chúa Hiển linh hôm nay, chúng ta được mời gọi lưu ý 3 điều này: Thứ nhất, mỗi người hãy xác tín Chúa Giêsu chính là ánh sáng và là ơn cứu độ đời ta. Ngài đã làm người và đang ở giữa chúng ta. Mỗi người hãy thành tâm tìm đến để gặp ngài. Thứ hai, mỗi người hãy bước đi trên con đường mà Chúa dẫn chúng ta đi: đó là đường yêu thương, đường tha thứ, đường chân thật, đường hy sinh… đường luôn có Chúa đồng hành. Và thứ ba, mỗi người hãy trở nên những vì sao sáng ở giữa thế gian, để dẫn đưa nhiều người về với Chúa.
Nguyện xin Ngôi Hai Thiên Chúa là Đấng đã có sáng kiến giáng sinh làm người để cứu độ con người, đồng hành với con người, để mỗi người và tất cả chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng, và có thể cập bến an bình. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: MỤC ĐỒNG VÀ ĐẠO Sĩ
Chu kỳ Giáng Sinh gồm Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh. Phụng vụ cử hành việc Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Hai biến cố quan trọng cũng là hai lễ lớn của chu kỳ là Lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh.
Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân Do thái. Lễ Hiển Linh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.
Gaspar, Melchior và Balthasas là ba nhà đạo sĩ nổi tiếng ở Ðông phương được mệnh danh là con của các vì sao sáng, huyền phái của khoa học vũ trụ. Họ đã theo ngôi sao lạ đến Bêlem, xứ Giuđêa để thờ lạy Ðấng Cứu Thế. Họ đã dâng cho Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược.
Chỉ có hai hạng người đã được diễm phúc gặp gỡ Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem. Đó là các mục đồng và những nhà đạo sĩ.
Ðức Cha Fulton Sheen, nhà giảng thuyết lừng danh đã gọi họ những người đơn sơ và những người thông thái.
Khi các mục đồng canh giữ chiên ở ngọn đồi Bêlem, họ bỡ ngỡ vì vẽ đẹp của thiên thần: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Ðavit, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa (Lc 2,10-12). Còn các đạo sĩ ở bên kia xứ Mêđia và Batư nghiên cứu bầu trời đã thấy một ngôi sao chiếu sáng như chiếc đèn của nhà tạm vũ trụ, điện thờ của Thiên Chúa. Họ theo ánh sao tìm đến hang đá tìm gặp Hài Nhi.
Như những cánh bướm bị thu hút bởi ngọn lửa, các mục đồng và các đạo sĩ tiến đến ngai vàng chỉ là một hang đá, đến với Thiên Chúa chỉ là một Hài Nhi. Thiên Chúa Hài Nhi ngước nhìn từ máng cỏ chỉ thấy hai hạng người tìm gặp Ngài và chỉ duy họ tìm gặp Ngài cho đến tận cùng thời gian. Ðó là các mục đồng và các đạo sĩ, những người đơn sơ và những người thông thái.
Các mục đồng là những người đơn sơ. Họ chẳng biết gì tới chính trị, văn chương, nghệ thuật. Họ chỉ biết hai điều quan trong là Thiên Chúa ở trên họ và họ ở giữa đoàn chiên. Ðêm hôm đó bầu trời rộng mở để loan báo Tin mừng. Thiên Thần cho biết, Ðấng họ nóng lòng chờ đợi vừa sinh ra trong hang đá Bêlem nhỏ bé. Họ đã tìm và gặp Ðấng Chăn Chiên của họ.
Các đạo sĩ tìm gặp Ðấng Cứu Thế là những người thông thái. Họ không là những vua chúa. Họ không phải là những người nghiên cứu nông cạn mà là những bậc thầy hoàng vương, những nhà tinh thông về vũ trụ và họ đã khám phá ra một ngôi sao lạ. Ðối với khoa học và tôn giáo họ được liệt vào hàng đầu trong nước của họ. Các vua chúa bàn hỏi với họ trước khi xuất chinh. Các nông dân hỏi ý kiến họ trước khi trồng tỉa. Hàng ngàn người đã thấy ngôi sao, nhưng sự uyên bác của ba đạo sĩ làm cho họ lên đường khám phá. Chính nhà bác học Newton đã thốt lên khi quan sát vũ trụ: Tôi thấy Thiên Chúa đi qua kính viễn vọng của tôi. Ðối với kẻ kiêu ngạo, tự phụ, ngôi sao chỉ là ngôi sao, nhưng đối với người thông thái đó là một dấu chỉ thời đại, một tác phẩm của Thiên Chúa. Thế nên các đạo sĩ đã đi theo ánh sáng ngôi sao với bao gian lao, đầy mạo hiểm. Ðến nơi, mặc phẩm phục và quỳ trên nệm rơm, các đạo sĩ chiêm ngắm một trẻ sơ sinh chưa thể hỏi han hay đối đáp được điều gì. Họ tiến dâng Ngài tặng phẩm và tâm hồn để chứng tỏ sự thần phục của thế gian. Tặng phẩm là vàng, nhũ hương, mộc dược. Vàng, vì Hài Nhi sẽ là vua. Nhũ hương, vì Ngài sẽ là Tư Tế. Mộc dược, vì Ngài sẽ chết như mọi người. Các Ðạo sĩ đã tìm gặp được Ðấng khôn ngoan.
Chỉ có các mục đồng và các đạo sĩ đã tìm gặp được Ðấng Cứu Thế. Trong khi đó các người nổi nang trong đạo Do thái không gặp được Ngài. Bởi lẽ: “Các luật sĩ chỉ thao thức về lề luật. Các thượng tế chỉ nhạy bén về đền thờ. Các kỳ lão chỉ lo lắng về truyền thống. Hêrôđê cũng là con người tìm tòi, ông đã cặn kẽ điều tra nơi Hài Nhi ở, không phải để đến thờ lạy mà tìm cách hủy diệt. Loại người nào cũng tự mãn trong những cơ chế phức tạp cứng nhắc” (Ðức Cha Bùi Tuần).
Thời nay cũng thế, đầy dẫy những triết gia, những nhà khoa học, những người vô thần theo thuyết bất khả tri…nhưng không ai trong họ đã nhìn thấy một thiên thần hay ánh sáng một ngôi sao. Dòng dõi của những Hêrôđê kiêu ngạo cho tới thời nay đã không tìm thấy Thiên Chúa vì họ muốn dùng lý trí để nắm bắt siêu việt. Họ quá phức tạp nên không hiểu lời xác quyết đơn sơ của các mục đồng, quá đầy kiến thức khoa học để lãnh hội chân lý do các đạo sĩ đem đến. Dòng dõi này che đậy tính kiêu ngạo và đi tới chỗ coi Giáo hội là một thể chế đã lỗi thời cần loại bỏ.
Ðiều kiện tiên quyết để gặp được Thiên Chúa, đó là lòng khiêm nhường, chung cho cả người đơn sơ lẫn người thông thái. Những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng mới gặp được Thiên Chúa bởi họ ý thức mình không biết gì cả. Những người thông thái đích thực như các đạo sĩ gặp được Thiên Chúa bởi vì họ ý thức mình không biết gì cả.
Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng. Ngài đã Giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Ðó là một cử chỉ khiêm nhường. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Khi làm như vậy, họ thấy mình ở trong hang đá. Tại đó, một người nữ diễm lệ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng và đôi tay ẵm lấy Hài Nhi, Ðấng dùng những ngón tay bé nhỏ của mình nâng đỡ trái đất. Khi các mục đồng và các đạo sĩ quỳ gối, có lẽ các đạo sĩ ghen với các Mục đồng vì con đường của các mục đồng ngắn hơn, họ tìm thấy sự khôn ngoan là chính Thiên Chúa mau hơn.
Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo cả nhân loại đến với Con Một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô. Ngài vẫn không ngừng cho những ánh sao dẫn đường. Không phải là ánh sao trên trời cao mà là ánh sáng Ngài gieo vào lòng người. Mỗi người cần phải trung thành với ánh sáng đó, dấn bước trên hành trình đức tin đầy mạo hiểm của mình.
Các Thượng tế, các kinh sư thông hiểu Thánh kinh, họ cắt nghĩa cho Hêrôđê rất hay nhưng họ vẫn ngồi yên tại chỗ. Họ tìm Ðấng Thiên Sai trong Thánh Kinh, nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ.
Những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng, những tâm hồn cởi mở khao khát chân lý như các đạo sĩ lại được hạnh phúc nhận biết Người.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua Thánh kinh, qua Giáo hội, qua các Bí tích, qua cuộc sống hàng ngày. Ðể gặp Ngài, chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Nhờ sự gặp gỡ này, mỗi người sẽ trở nên ánh sao dẫn lối cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM: BA VÌ SAO SÁNG
Các bạn trẻ và thiếu nhi chúng con thân mến, các bài đọc lời Chúa trong ngày lễ Hiển linh hôm nay, mời gọi chúng ta cùng nhau chiêm ngắm và gẫm suy về 3 vì sao sáng, có liên hệ trực tiếp đến đời sống đức tin của người ki-tô hữu chúng ta.
Vì sao thứ nhất là chính Chúa Giêsu, Ngôi Hai giáng sinh làm người. Bởi Chúa Giêsu chính là ánh sáng cứu độ trần gian. Ngài chính là vì sao sáng soi đường dẫn lối cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin dương thế này. Đây chính là điều mà ngay từ thời Cựu ước, Tiên tri Isaia đã không ngừng tiên báo cho dân Itraen.
Bài đọc I hôm nay cho biết, Tiên tri Isaia đã hối hả mời gọi dân “hãy đứng lên, vì ánh sáng cứu độ của người đã đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như ánh bình minh chiếu tỏa trên muôn dân”. Ngài mời gọi dân “hãy hướng nhìn và đi về phía ánh sáng”, bởi ở đoạn cuối con đường ấy chính là ơn cứu độ.
Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, là ánh sáng chỉ đường cho muôn dân. Đây là 1 chân lý bất di bất dịch. Nhưng đáng tiếc thay, nhiều ki-tô hữu hôm nay, đặc biệt là các ki-tô trẻ lại chuộng bóng tối hơn ánh sáng, tức là chuộng điều dữ hơn điều lành, ưa làm điều xấu hơn làm điều tốt. Chúa dạy một đường còn con cái Chúa thì thích làm một nẻo.
Tất nhiên mỗi người có quyền chọn lựa và làm theo những gì mình muốn, nhưng hãy nhớ rằng, chính Chúa Giêsu mới là ánh sáng cứu độ đời ta, và chỉ có Chúa Giêsu mới là đường là sự thật và là sự sống của người ki-tô hữu chúng ta mà thôi.
Vì sao thứ hai là vì sao đã dẫn đường cho 3 nhà đạo sĩ gặp được Hài Nhi Giêsu. Dẫu biết rằng Vua dân Do Thái được sinh ra tại Bê-lem miền Giu-đa, nhưng trong đầu của 3 nhà đạo sĩ luôn nghĩ rằng, nơi ấy phải là hoàng cung chứ không thể nào là một nơi khác. Chính vì thế, họ đã tìm đến cung điện của Hê-rô-đê vì nghĩ rằng Chúa Giêsu sinh ra ở đó. 3 vua phương đông muốn đi theo ánh sáng của riêng mình, nhưng Chúa lại muốn các ông đi theo ánh sáng của Chúa, ánh sáng của vì sao mà Chúa đã gởi đến để dẫn đường cho các ông. Kết quả là, các ông đã gặp được Hài Nhi Giêsu.
Nhiều người trẻ hôm nay chỉ muốn làm theo ý của riêng mình vì nghĩ rằng mình đủ lớn, đủ khôn ngoan để phân biệt và quyết định, nên đã phất lờ đi và xem thường những lời chỉ dạy và hướng dẫn của quý cha, của ông bà cha mẹ và những người khôn ngoan. Kết quả là gì, nhiều thanh niên nam nữ đã lao đầu xuống “hố sâu” của cờ bạc, nghiện ngập, mất niềm tin vào cuộc sống, và mất cả đức tin vào Chúa.
Hãy nhớ rằng, cha mẹ và những người khôn ngoan chính là những vì sao mà Chúa gởi đến để soi đường dẫn lối cho chúng ta. “Trò thì không thể hơn thầy”, “con cãi cha mẹ thì trăm đường là con hư”.
Vì sao thứ ba là chính mỗi người ki-tô hữu chúng ta.Trong bài đọc II, Thánh Phaolô cho biết, việc Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người không chỉ để cứu độ chúng ta mà thôi, nhưng Ngài còn muốn cứu độ cả dân ngoại và tất cả mọi người, cứu độ những người thiện tâm. Nếu ngôi sao năm xưa đã dẫn đường và giúp cho 3 nhà đạo sĩ gặp được Chúa Giêsu Hài Đồng, thì Chúa muốn mỗi người chúng ta hôm nay phải là 1 vì sao sáng ở giữa thế gian, để giúp các anh chị em lương dân nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Độ.
Có nhiều người cũng là ngôi sao, nhưng là “ngôi sao chổi” quét sạch cái nhìn thiện cảm của anh chị em lương dân đối với người ki-tô hữu. Có người cũng là ngôi sao, nhưng là “ngôi sao hỏa” thiêu rụi lòng thiện chí của anh chị em lương dân về đạo Công Giáo, vì những gương mù gương xấu của mình trong cuộc sống hằng ngày.
Chúa mời gọi chúng ta trở nên những vì sao, nhưng phải là những vì sao sáng, phải là “sao hôm”, “sao mai” để giúp người khác nhận ra Chúa Giêsu chính là ánh sáng thế gian, và là Đấng Cứu Độ con người.
Tóm lại, ngày lễ Hiển linh hôm nay nhắc nhớ chúng ta về 3 điều: Thứ nhất, Chúa Giêsu chính là vì sao sáng mở đường cứu độ cho muôn dân. Thứ hai, cha mẹ và những người khôn ngoan chính là những vì sao mà Chúa gởi đến để dẫn lối đưa đường cho chúng ta. Và thứ ba, mỗi người hãy là 1 vì sao sáng để giúp cho anh chị em xung quanh mình gặp được Chúa là Đấng Cứu Độ trần gian. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: MỖI NGƯỜI CHÚNG TA CÓ THỂ DÂNG BA LỄ VẬT CHO CHÚA
Thánh sử Mátthêu kể cho chúng ta một câu chuyện tuyệt vời mà chúng ta đều biết từ thời thơ ấu. Câu chuyện này đã gợi trí tưởng tượng của biết bao thế hệ Kitô hữu và được thêu dệt qua dòng thời gian. Bằng chứng là trong Tin Mừng, thánh Mátthêu chỉ nói về “các nhà chiêm tinh”, nhưng truyền thống lịch sử cho họ là vua, nên lễ này còn được gọi là lễ Ba Vua, và đặt tên cho họ là Melchior, Gaspar và Balthasa. Vào thời cổ đại ở Trung Đông, đặc biệt là ở Ba Tư, các nhà chiêm tinh, còn được gọi là đạo sĩ, là những người trí thức, thường làm cố vấn cho các vua và chuyên nghiên cứu về khoa thiên văn. Khi được vì sao lạ dẫn đường, các nhà chiêm tinh tìm được Hài Nhi Giêsu. Họ sấp mình thờ lạy Người và dâng tiến Người vàng, nhũ hương và mộc dược. Ðó là ba lễ vật biểu trưng: vàng là dấu chỉ Người là vua, vì vàng là kim loại quý dùng để dâng cho vua; nhũ hương có ý nói Người là Thiên Chúa, vì người ta xông hương để tôn kính các thần thánh; mộc dược, hương liệu được dùng để liệm người chết, nói lên nhân tính của Người cũng như tiên báo cuộc tử nạn của Người. Như vậy, qua ba lễ vật của các nhà chiêm tinh là vàng, nhũ hương và mộc dược, các Kitô hữu nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu là Ðấng Thiên Sai được mong đợi, Người là Con Thiên Chúa, và là Ðấng hiến dâng mạng sống trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
Hôm nay, được chính Chúa hướng dẫn, chúng ta cũng đến sấp mình thờ lạy Hài nhi Giêsu. Nhưng chúng ta sẽ dâng tiến gì cho Người?
1. Vì Hài nhi Giêsu là Vua, chúng ta dâng cho Người ước muốn được làm công dân trong Vương quốc của Người. Người không phải là Vua như vua Hêrôđê bạo chúa; vương quốc của Người không thuộc về thế gian này (Ga 18,36). Người không có quân đội, không có ngai vàng ngoại trừ một cây thập tự; Người không có vương miện, ngoại trừ vương miện kết bằng gai; Người tự giới thiệu là Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ. Vì vậy, chúng ta không có gì để làm vui lòng Người ngoài việc dâng cho Người đôi tay của chúng ta để xây dựng hòa bình, hiệp nhất và hòa giải, dâng cho Người biết bao cử chỉ và hành động đẹp để góp phần vào việc thiết lập Vương quốc Tình yêu của Người. Đó là món quà đầu tiên của chúng ta.
2. Vì Hài nhi Giêsu là Thiên Chúa, chúng ta dâng cho Người lời cầu nguyện của chúng ta. Món quà của chúng ta là dành thời gian để tham dự Thánh lễ, để suy niệm Lời Chúa, để ngợi khen, tạ ơn và dâng lên Chúa những lời cầu xin. Trong mỗi ngày sống, chúng ta cố gắng dành một khoảng thời gian nào đó cho việc cầu nguyện. Đó là món quà thứ hai của chúng ta.
3. Vì Hài nhi Giêsu là Thiên Chúa xuống trần làm người và tự đồng hóa với con người, chúng ta dâng lên Người cái nhìn yêu thương đến với mọi người, đặc biệt là những người bé mọn nhất, nghèo khổ nhất để nói với Người rằng, qua họ chúng ta nhận ra khuôn mặt của Người. Vâng, chúng ta tin rằng những gì chúng ta làm cho anh chị em của mình, là chúng ta làm cho chính Chúa. Đó là món quà thứ ba của chúng ta.
Mỗi khi cử hành Thánh lễ, chúng ta cảm nghiệm được những gì các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông đã trải nghiệm. Hôm nay, chúng ta được Chúa hướng dẫn, lên đường đến nhà thờ; chúng ta đáp lại lời mời gọi của Người và lắng nghe Lời Người. Sau đó, chúng ta đứng lên tuyên xưng đức tin của mình, xác tín Chúa là Thiên Chúa của chúng ta.
Với bánh và rượu, chúng ta dâng lên Chúa những món quà của mình: ước nguyện làm cho Nước Chúa trị đến, thời gian dành cho việc cầu nguyện và tình yêu thương cho anh chị em mình.
Sau đó, chúng ta sẽ cúi mình thờ lạy Đấng đang hiện diện giữa chúng ta bằng Mình và Máu Người mà chúng ta sẽ đón nhận như món quà đẹp nhất của Thiên Chúa.
Cuối cùng, chúng ta sẽ lên đường bằng một lối khác, bởi vì, sau khi đã gặp Đấng Cứu Tinh của nhân loại, chúng ta không thể đi lại con đường như trước nữa. Nếu trước đây chúng ta yên thân, yên vị, bây giờ chúng ta phải dám lên đường; nếu trước đây chúng ta lo lắng, buồn phiền vì những lo toan của cuộc sống, bây giờ chúng ta phải đặt Chúa làm ưu tiên để được bình an và tìm lại niềm vui vì có Chúa ; nếu trước đây chúng ta hay nghi nan, thất vọng, bây giờ chúng ta phải dám đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa và luôn luôn hy vọng nơi tình yêu của Người.
Hôm nay, lễ Chúa Hiển Linh, nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra cho toàn nhân loại. Như các nhà đạo sĩ, chúng ta cũng được mời gọi lên đường để loan báo niềm vui được gặp Chúa cho những người sống và làm việc xung quanh chúng ta, cho những người chưa nhận biết Chúa bằng chính đời sống yêu thương và chứng tá của mình. Vì Chúa đã tỏ mình ra cho chúng ta, và Người vẫn đang muốn tỏ mình ra cho người khác ngang qua cuộc sống vui tươi và tràn đầy hy vọng của chúng ta.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM: BƯỚC THEO ÁNH SAO GIÊSU
Ngày lễ Hiển Linh là ngày Thiên Chúa tỏ mình ra với con người. Thiên Chúa đến ở với con người và mời gọi con người đến với Ngài. Ngài mời gọi con người bằng những dấu chỉ trong cuộc sống. Đứng trước những dấu chỉ ấy, mỗi người phản ứng mỗi khác. Nhưng trên hết, Chúa muốn mỗi người đón nhận và lên đường đi theo sự chỉ dẫn của Ngài.
Ba thái độ khác nhau
Trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu ngày lễ Hiển linh nổi lên ba thái độ khác nhau của con người đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa qua dấu chỉ ngôi sao lạ.
Các kinh sư và biệt phái đọc Kinh thánh và đã nhận ra ngôi sao là dấu chỉ về việc Chúa tỏ mình ra, nhưng các ông không lên đường để tìm gặp Hài nhi. Các ông tự hào về sự hiểu biết của mình và dừng lại thoả mãn với lý trí. Các ông không gặp được thực tại cụ thể và sống động của một Thiên Chúa đầy tình thương. Cái biết của các ông đã trở nên vô dụng.
Vua Hêrôđê tìm hỏi về ý nghĩa dấu chỉ mà ngôi sao lạ xuất hiện và ông đã được giải nghĩa. Ông đã lên đường để tìm kiếm hài nhi, nhưng không để gặp gỡ một Thiên Chúa sống động, mà là để chống lại Thiên Chúa. Ông tìm gặp Thiên Chúa nhưng không phải để tìm gặp sự thật, không phải để trải nghiệm sự sống dồi dào nơi Thiên Chúa; nhưng để ông tìm kiếm bản thân, củng cố địa vị, duy trì quyền lực. Sự nhận biết như thế chỉ đẩy ông vào vực thẳm của tăm tối, của hận thù, của tan vỡ.
Các đạo sĩ nhận được dấu chỉ và các ông đã lên đường đi theo dấu chỉ. Các ông đã gặp Hài nhi, gặp được Thiên Chúa.
Vì sao lại có những thái độ khác nhau như vậy
Các kinh sư và biệt phái là những người có đạo, đọc Kinh Thánh thường xuyên nhưng họ không thực sự khao khát được gặp Chúa. Họ khao khát khám phá tri thức và bằng lòng với lối sống thực tại nên họ không lên đường đi tìm Chúa.
Hêrôđê khao khát quyền lực và danh vọng chứ không khao khát Thiên Chúa, không khao khát chân lý và sự thật, nên ông sẵn sàng tìm giết Hài nhi, tàn sát Chân lý để củng cố địa vị quyền lực của mình.
Các đạo sĩ là những người khao khát chân lý, khao khát Thiên Chúa và dám lên đường để đi tìm chân lý, nên các ông đã tìm đến với Hài Nhi.
Thái độ cần phải có trong đời sống kitô hữu
Muốn là Kitô hữu thực thụ, người tín hữu cần có một tâm hồn khao khát Chúa, khao khát chân lý, khao khát sự thật.
Chỉ với một tâm hồn luôn khao khát Thiên Chúa người ta mới có thể nhận ra được những dấu chỉ Chúa gửi đến trong cuộc sống; người ta mới nhạy bén nhận ra lời mời gọi nhỏ nhẹ của Thiên Chúa. Cũng ngôi sao ấy, nhưng chỉ những tâm hồn khát khao gặp gỡ Thiên Chúa như các đạo sĩ mới nhận ra lời mời gọi đến gặp Hài nhi mới hạ sinh.
Nhưng nguyên khao khát Chúa thôi chưa đủ. Một thái độ luôn sẵn sàng lên đường đi tìm gặp
Chúa là điều tối cần thiết. Các đạo sĩ không ngồi chờ thụ động. Thấy ánh sao lạ, họ quyết tâm lên đường ngay để thực hiện cuộc tìm kiếm. Đối với họ, lên đường không là điều đơn giản. Họ phải ngưng công ăn việc làm, bỏ dở nhiều dự định, dấn thân vào xứ lạ, vượt sa mạc mênh mông khô cằn, đi nhưng chưa biết chắc địa chỉ mình đến.
Có lúc như tuyệt vọng: ngôi sao biến mất. Dầu vậy họ đã không nản lòng. Họ cứ tiếp tục lên đường và lòng kiên trì đã đưa họ tới đích. Họ đã gặp Thiên Chúa ở một nơi không phải cao sang, không phải cung vàng điện ngọc, nhưng là nơi máng cỏ, nơi hang đá giá lạnh; không phải là một ông hoàng nhưng là một hài nhi bé nhỏ; không phải vua chúa quan quyền vây quanh nhưng là hai người thường dân quê mùa cùng với lũ trẻ chăn chiên chăn bò. Chỉ có thái độ dám lên đường như các đạo sĩ, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa.
Sự gặp gỡ Thiên Chúa sống động sẽ biến đổi đời sống chúng ta
Khi gặp được Chúa rồi, các nhà chiêm tinh đã được biến đổi trong đời sống nên các ông lên đường trở về theo lối khác.
Cuộc gặp gỡ Hài nhi, gặp gỡ Thiên Chúa đã đem lại cho các đạo sĩ một cuộc đời mới. Đời họ đã chuyển sang một hướng khác. Họ không đi về hướng cũ có sự truy lùng của Hêrôđê. Họ đã không về với con đường đầy hận thù, chia rẽ, quyền lực, danh vọng… Nhưng họ đi về với một con đường khác. Con đường có sự hiện diện của Thiên Chúa, con đường của niềm vui và bình an sâu thẳm trong tâm hồn.
Hôm nay đây, nếu ta thực sự gặp gỡ Thiên Chúa, Người cũng sẽ dẫn ta đi sang một lối mới. Đó là lối về bình an. Một sự đổi mới thực thụ sẽ diễn ra trong ta. Để rồi nhờ đó, ta có thể trở nên ánh sao sáng giữa những người đang sống xung quanh ta. Nhờ ánh sao đức tin trong tâm hồn ta mà người chưa biết Chúa có thể tìm đường đến với Chúa.
Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta. Nếu chúng ta khao khát Ngài, sẵn sàng lên đường tìm kiếm Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ gặp Ngài. Sự gặp gỡ Thiên Chúa sẽ cho chúng ta một cuộc sống mới, cuộc sống bình an thực thụ ngay giữa cuộc sống đầy giông tố của ngày hôm nay.
Lạy Chúa, xin soi sáng lòng trí con. Xin thúc đẩy con lên đường rời xa cuộc đời cũ để con được sống cuộc đời mới trong bình an của Chúa.
Lm. Giuse Lê Danh Tường
SUY NIỆM: HÃY LÀM CHO ÁNH SÁNG TỎA SÁNG
Tiếp liền sau Đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Chúa Tỏ Mình. Theo một truyền thống rất xa xưa từ thế kỷ thứ II, Thánh Giustinô đã nói tới là Chúa Giêsu đã sinh ra trong một chuồng bò lừa tại Belem. 40 ngày sau, Thánh Giuse và Đức Maria đem Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa như luật dạy. Phúc Âm Thánh Matthêô cho biết: sau khi dâng Chúa trong Đền Thánh, Thánh Gia không trở về Nagiarét ngay. Trong khoảng thời gian này đã xảy ra nhiều việc liên quan với nhau. Từ Đền Thờ, Thánh Gia lại trở về Belem. Chính nơi đây, các đạo sĩ, do một ngôi sao dẫn đường từ Phương Đông tới thờ lạy Chúa Giêsu và dâng cho Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Hêrôđê thấy các đạo sĩ không trở lại Giêrusalem báo tin như lời mình dặn, sợ ngai vàng của mình bị đe dọa, ông ra lệnh truyền giết các trẻ em ở Belem và các miền phụ cận từ 2 tuổi trở xuống. Thánh Giuse được Thiên thần báo tin, đã đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ sang Ai-Cập và ở đó cho tới khi Hêrôđê băng hà.
Như thế, chúng ta thấy Lễ Chúa Hiển Linh trước hết có nghĩa là lễ Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc, mà Ba Nhà Đạo sĩ là những đại diện.
“Epiphaino” có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được. Cụ thể như dùng ánh sao đêm biểu lộ cho Ba Ðạo Sĩ biết, dẫn họ lên đường đến nơi Hài Nhi vừa mới sinh để nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế. Nếu lễ Giáng Sinh người ta nêu bật dấu ẩn của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ với điều kiện là người, trong Trẻ Thơ Belem. Thì trong lễ Hiển Linh lại nêu bật việc Thiên Chúa tự tỏ mình, xuất hiện qua chính nhân tính.
Việc các Ðạo Sĩ đến tôn thờ Chúa Hài Nhi đã sớm được nhìn nhận như là ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Isaia có viết như sau: “Các dân tộc sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và các vua chúa tiến bước theo nguồn sáng của ngươi đang mọc lên” (Is 60,3.6). Ánh sáng của Chúa Kitô, khi xưa như được chiếu tỏa trong hang Bêlem, nay tỏa sáng trên khắp địa cầu.
Trong lễ Chúa Tỏ Mình, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia: “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.” (Is 66, 1-3).
Ðây là một lời mời hướng tới Giáo Hội Chúa Kitô và hướng tới từng người trong chúng ta, mời gọi ta ý thức hơn về sứ mệnh và trách nhiệm của mình đối với thế giới trong việc làm chứng và đem ánh sáng mới của Tin Mừng đến khắp thế gian. Trong số mở đầu Hiến chế về Giáo Hội có viết: “Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội bằng việc rao truyền Phúc âm cho mọi tạo vật” (LG, 1). Tin Mừng là ánh sáng không được dấu đi, nhưng để trên giá. Giáo Hội không phải là ánh sáng, nhưng nhận ánh sáng của Chúa Kitô, tiếp nhận nó để được soi chiếu, và phổ biến ánh sáng đó ra với tất cả sự rạng ngời của nó. Và đây là điều cũng phải xảy ra trong cuộc sống cá nhân…
Các thượng tế tại Giê-ru-sa-lem được Hêrôđê triệu tập để tư vấn cho ông về nơi Đấng Cứu Thế đã được sinh ra, cũng như cung cấp cho nhà vua các thông tin mà họ đã thu thập được trong truyền thống Kinh Thánh. Tuy nhiên, ý Chúa nhiệm mầu, vì ý định của Hêrôđê không trong sạch, ý định đó các nhà đạo sĩ là sứ giả cho những người tìm kiếm Thiên Chúa đã được mộng báo. Việc các nhà đạo sĩ đến kính viếng Chúa Hài Nhi cho ta thấy, sứ mạng của Đức Giêsu không chỉ dành cho Dân được tuyển chọn, nhưng cho cả nhân loại. Việc Ba Nhà Đạo Sĩ đến Giêrusalem hỏi đường, cho thấy mối liên lạc giữa sự khôn ngoan ngoại giáo và mạc khải Kitô Giáo thể hiện nơi con người của Chúa Giêsu thành Nazareth mà con người khát mong tìm kiếm. Sứ vụ phổ quát của Chúa Kitô được Thánh Phaolô gọi là sự mặc khải của mầu nhiệm: “Ấy vì dân ngoại, cùng (với Israel) là kẻ thừa tự, là Thân mình, và là đồng hưởng lời hứa trong Ðức Yêsu Kitô, nhờ bởi Tin Mừng” (Ep 3, 2). Ơn cứu chuộc sẽ mở ra cho muôn người thuộc mọi quốc gia, và các dân ngoại đã trở thành người đồng thừa tự, cùng được chia sẻ lời hứa trong Chúa Giêsu Kitô (Ep 3, 6). Sự gặp gỡ giữa sự khôn ngoan của những người sống bên ngoài mạc khải (là các đạo sĩ, dân ngoại), và những người hiển nhiên thừa hưởng lời hứa (Dân Do Thái) từ sự ra đời của Chúa Kitô sẽ cho thấy sứ mệnh của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai của mình, và bản chất của Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ xây dựng.
Giáo Hội với sứ mạng phổ quát của mình, phải là nơi đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người mọi nơi, mọi thời đại về Thiên Chúa. Giống như Chúa Kitô, Ngài đã chiếu tỏa vinh quang cho dân ngoại. Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta dõi theo ánh sao cùng ba nhà Đạo Sĩ đến chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhất là đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của Người, và lấy các tâm tình, tư tưởmg và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng và hành động của chúng ta. Như thế, mừng Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đã đem lại trong toàn cuộc sống chúng ta, để chúng ta cũng là những người đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM: VAI TRÒ CỦA ÁNH SAO VÀ LỜI CHÚA
Tin mừng hôm nay cho ta thấy có hai sự chỉ dẫn giúp ba vua- đại diện cho dân ngoại- tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Độ muôn dân. Đó là ánh sao (dấu chỉ tự nhiên) và Lời Chúa (dấu chỉ siêu nhiên).
1. Ánh sao, dấu chỉ tự nhiên
Vào đêm Chúa Giáng Sinh bầu trời Belem lấp lánh ánh sao lạ và rộn ràng thiên thần ca hát. Nhưng chẳng có ai hay ai biết. Chỉ có mấy mục đồng nhận được sứ điệp của thiên thần. Chỉ có mấy nhà đạo sĩ- ba vua- ngoại giáo nhận ra ánh sao lạ.
Khi nhận ra ánh sao lạ báo hiệu Đấng Cứu Thế ra đời, các đạo sĩ vui mừng lên đường tìm kiếm. Dõi theo ánh sao, các đạo sĩ tìm đến Giêrusalem, trung tâm chính trị, văn hoá và tôn giáo của Israel, dân riêng Thiên Chúa.
Đến Giêrusalem, ánh sao biến mất, khiến các đạo sĩ phải hỏi thăm tin tức về nơi chốn vị “Vua dân Dothái vừa mới sinh.”
2. Kinh Thánh, Lời Chúa, mạc khải siêu nhiên
Nhận được câu hỏi của các đạo sĩ về nơi chốn vị “Vua dân Dothái vừa mới sinh”, vua quan và dân chúng kinh thành Giêrusalem bối rối xôn xao. Nhờ vào Thánh Kinh họ đã đưa ra câu trả lời cho ba vua về nơi chốn của vị Vua mừa mới giáng sinh, đó là Belem.
Nhờ sự chỉ dẫn của Kinh Thánh – Lời Chúa, các đạo sĩ biết được chính xác nơi chốn Hài Nhi Giêsu giáng sinh, họ lại tiếp tục lên đường tìm kiếm Ngài. Ra khỏi thành Giêrusalem, các đạo sĩ lại nhận thấy ánh sao lạ tiếp tục chiếu sáng và soi dẫn họ tìm đến gặp Hài Nhi Giêsu.
Gặp được Vua dân Dothái mới sinh chính là Hài Nhi Giêsu mà họ đang kiếm tìm, các đạo sĩ liền qùi gối thờ lạy, dâng lễ vật để tỏ lòng thành kính
3. Sống Tin mừng
Từ những điểm trên, ta nhận thấy vai trò của mạc khải tự nhiên trong việc giúp con người tìm kiếm Thiên Chúa như Thánh vịnh 18 viết: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm…”
Quả thật, khi nhìn ngắm trời đất muôn loài muôn vật, con người có thể nhận ra Thiên Chúa là tác giả.
Dấu chỉ tự nhiên trong trời đất cần thiết để thúc đẩy con người hăng say kiếm tìm, khám phá chân lý. Tuy nhiên tự nó không đủ để dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa hằng sống, cần phải có sự trợ giúp của mặc khải siêu nhiên là Lời Thiên Chúa, được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, thì con người mới chắc chắn tìm gặp được Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại.
Để giúp cho nhân loại đón nhận Đấng Cứu Độ và những chân lý mạc khải siêu nhiên, Thiên Chúa đã chọn gọi dân Israel là dân riêng. Nói khác đi, dân Israel như là một khí cụ Thiên Chúa dùng để đón nhận và trao ban Đấng Cứu Độ cho muôn dân. Vì thế muôn dân muôn nước sẽ phải đến với dân Israel như lời tiên tri Isaia loan báo (Is 60,1- 6).
Ngày nay vai trò của dân Isarael đã bị Giáo Hội thế chỗ. Giáo Hội là dân Israel mới, được Đức Giêsu tuyển chọn và thành lập trên nền tảng 12 thánh Tông đồ theo thánh ý Chúa Cha với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cũng như và còn hơn dân Israel xưa, Giáo Hội có vai trò đón nhận, gìn giữ, trình bày, giải thích kho tàng mạc khải siêu nhiên cách nguyên tuyền và đúng đắn cho nhân loại, để chỉ cho nhân loại con đường chắc chắn dẫn đưa tới Thiên Chúa và sự sống đời đời. Vì thế:
– Chúng ta phải luôn vâng lời Giáo Hội và góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển Giáo Hội ngay tại địa phương, môi trường sống của mình, để Giáo Hội, giáo xứ giáo họ chúng ta như là ‘ánh sao’ và là một địa chỉ đáng tin cậy, giúp người ta tìm đến với Chúa. Đừng bao giờ coi thường và chống phá Giáo Hội, gây gương mù gương xấu, làm cho người ngoại giáo không còn coi Giáo Hôi, giáo xứ giáo họ là địa chỉ đáng tin cậy giúp họ tìm đến với Chúa nữa.
– “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (T. Giê-rô-ni-mô). Cho nên chúng ta phải năng đọc và suy gẫm Thánh Kinh, tích cực học hỏi sâu rộng về giáo lý đức tin và văn hoá trong đời sống hàng ngày, để đời chúng ta “luôn chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời và sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta” như là dân Israel xưa đã trả lời cho ba nhà đạo sĩ.
Kinh không thuộc, giáo lý không biết, Lời Chúa không đọc không học, thì làm sao trả lời cho bất cứ ai tra hỏi chúng ta về lẽ đạo! Không trả lời được về lẽ Đạo, không dẫn đưa người khác đến với Chúa, thì đời chúng ta lúc ấy thay vì chiếu sáng lại trở nên tối tăm! Thay vì làm sáng danh Chúa lại làm ô danh Chúa!
Lạy Chúa, hôm nay Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Nhờ ánh sao lạ và nhờ ánh sáng Lời Chúa, ba vua, đại diện cho dân ngoại tìm đến với Chúa là nguồn cội sự sống và bến bờ hạnh phúc.
Xin cho mỗi người chúng con, gia đình chúng con, giáo xứ chúng con như là một ánh sao dẫn đưa người lương dân tìm đến với Chúa.
Xin cho mỗi người chúng con nhất là các bạn trẻ tích cực học hỏi sâu rộng về giáo lý đức tin và văn hoá, để chúng con sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của chúng con cũng như sẵn sàng hướng dẫn cho ai khao khát tìm kiếm Chúa. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu
SUY NIỆM: MỖI NGƯỜI LÀ MỘT VÌ SAO CỦA HÀI NHI GIÊSU
Lễ Chúa Giáng Sinh là một sự kiện rất quan trọng và vĩ đại trong lịch sử loài người. Vĩ đại bởi vì được khởi đi từ chính Thiên Chúa do lòng yêu thương vô hạn của Người. Quan trọng bởi vì Đức Giêsu chính là Ánh Sáng đến để soi vào trong bóng tối tội lỗi và giải thoát muôn dân khỏi ách tử thần. Hồng ân này không phải chỉ dành riêng cho một thành phần nào, hay cụ thể là độc quyền của dân Israel, mà là cho toàn nhân loại. Việc Chúa tỏ mình ra cho các nhà Đạo Sĩ qua ánh sao lạ dẫn đường và hành trình của các ngài tìm đến để bái lạy Hài Nhi là một dấu chứng về ơn cứu độ phổ quát được ban cho toàn thể nhân loại.
Vì vậy, hôm nay, chúng ta mừng lễ Hiển Linh, tức là lễ Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Có thể nói, lễ này được gọi là lễ Giáng Sinh cho dân ngoại.
1. Các Đạo Sĩ là ai?
Vào thời bấy giờ, thuộc vùng Lưỡng Hà gồm các nước: Iran, Irak và xa hơn một chút có các nước như Afganistan và Ấn Độ. Các vùng này phát triển những nền văn minh, khoa học kỹ thuật tương đối rực rỡ thời bấy giờ. Song song với những phát minh khoa học là những tôn giáo lớn và huyền bí. Trong bối cảnh đó, những nhà hiền triết xuất hiện trong triều đình, nơi đô thị và cả chốn rừng sâu. Họ là những người truy tầm chân lý, khám phá những giá trị tâm linh và chú tâm đến những văn hóa có tính nhân sinh quan trong thiên nhiên, cuộc sống và qua những biến cố.
Vì vậy, họ đã dùng khả năng Thiên phú để khám phá và đi sâu vào thế giới tâm linh. Họ thường quan sát bầu trời qua các tinh tú để hiểu được Thiên ý và Thiên mệnh của con người. Những người đó, thời bấy giờ, người ta gọi họ là các nhà Đạo Sĩ hay Chiêm Tinh hoặc vua.
Khi Đức Giêsu Giáng Sinh, Ngài đã tỏ mình ra cho các Đạo Sĩ qua dấu lạ ngôi sao. Ánh sao đó đã trở nên biển chỉ đường để dẫn các Đạo Sĩ đến gặp Hài Nhi Giêsu mới sinh tại Belem. Chúa đã dùng các ông như là những nhân chứng để loan báo cho muôn dân biết Ngài là Ánh Sáng thật, Ánh Sáng đã chiếu soi muôn dân; là Chúa các chúa; là Vua các vua; là Thủ Lãnh của cả nhân loại.
2. Hành trình tìm Chúa của các Đạo Sĩ
Khi đã lần theo dấu vết ngôi sao lạ dẫn đường, các nhà Đạo Sĩ đã gặp phải không ít khó khăn trên hành trình đó như ánh sao bỗng vụt lặn không còn dẫn đường chỉ lối nữa, họ phải hỏi thăm… nhưng thật không may cho các Đạo Sĩ, họ hỏi thăm ngay phải con cáo già Hêrôđê, vì thế, lập tức họ là những đối tượng truy sát đầu tiên trong tâm trí của vị vua tàn ác này dưới những lời tưởng chừng như ngọt ngào. Câu hỏi: “Vua người Dothái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người“. Đây cũng chính là khởi đầu của một hành trình gian khó và đầy nguy hiểm đến với các Đạo Sĩ.
Tuy khó khăn và thử thách, các ngài vẫn quyết tâm lên đường để tìm và gặp cho kỳ được. Các Đạo Sĩ đã rất nhạy bén để tìm ra những dấu chỉ và tin tưởng đi tìm chân lý. Và, họ cũng đã gặp được Đấng là khởi đầu và cùng đích của con người cũng như thế giới, nên họ đã dâng những lễ phẩm thật ý nghĩa.
Trước tiên là vàng:
Vàng được xếp vào hàng kim loại vua của các loại kim loại. Vàng là loại quý hiếm, nên dâng về cho Vua các vua là điều hợp lý. Khi dâng vàng cho Chúa, ngầm hiểu rằng: Đức Giêsu là Đấng “sinh ra để làm vua”. Tuy nhiên là một vị vua hiền từ, nhân hậu và chết vì yêu.
Sau đó là nhũ hương:
Nhũ hương thường được dùng trong những việc thờ phượng. Khi đốt lên, hương và khói bay cao được ví như lời kinh cầu nguyện bay lên trời. Trên trời là nơi được hiểu là chốn của các thần minh. Và dần dần, người ta hiểu rằng nhũ hương chính là biểu tượng cho Thiên tính của Đức Giêsu.
Cuối cùng là mộc dược:
Khi nói đến mộc dược, người ta nghĩ ngay đến việc dùng để xông hay ướp xác lúc an táng. Khi cắt nghĩa về mộc dược, người ta thường ám chỉ về nhân tính của Đức Giêsu. Nếu nhũ hương ám chỉ Thiên Tính, thì mộc dược muốn nói về nhân tính của Ngài.
Như vậy, việc dâng cho Chúa vàng, nhũ hương và mộc dược, các đạo sĩ đã xác nhận và làm chứng rằng Đức Giêsu là Vua. Ngài là con Chúa Cha, và do lòng yêu thương Thiên Chúa đã trao ban chính Con Một của mình. Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Đồng thời, Ngài cũng là con người như chúng ta, Ngài đến để yêu thương và cứu chuộc hết mọi người.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Khi nói về lễ Hiển Linh, chúng ta nghĩ ngay lễ này là lễ ánh sáng. Còn hiểu theo nghĩa thần học thì đây là lễ Chúa tỏ mình ra cho các Đạo Sĩ, hay còn gọi là lễ Giáng Sinh cho dân ngoại.
Thật vậy, hôm nay, Chúa tỏ mình ra cho nhân loại, không trừ một ai. Ai cũng cần phải được cứu độ. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta nghĩ chỉ có chúng ta mới được cứu độ, còn những người không cùng niềm tin với chúng ta thì không được cứu độ. Đức Giêsu là độc quyền sở hữu của chúng ta, còn những người khác không được đụng hay nghĩ tới… Thực ra, nhiều người không phải là Công Giáo, nhưng họ cũng sống tốt, thậm chí còn hơn cả người Công Giáo nữa. Đôi khi chúng ta là đạo gốc nhưng lại bị loại ra ngoài hoặc cố tình không nhận ra Chúa như Hêrôđê. Thật vậy: “Từ Phương Đông Phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 8,11-12).
Tình trạng này thật đúng khi có dịp đi đến những trung tâm hành hương. Nếu quan sát, chúng ta thấy những người lương dân… họ sùng kính Đức Mẹ, các thánh hay các vị tử đạo còn hơn chúng ta. Ngược lại, người Công Giáo thì lại cho rằng, mình là con ruột của Chúa, nên thế nào cũng được ơn, vì vậy không cần phải biểu lộ ra bề ngoài, mà là đạo tại tâm. Nói vậy có thể đúng với quan điểm, cung cách và lựa chọn của một số cá nhân. Tuy nhiên, cũng cần phải xem lại, vì nếu không, đây chỉ là cách ngụy biện, là bình phong che lấp đi bản chất ươn lười của chúng ta.
Khi suy niệm đến đây, chúng ta nhớ lại lời Chúa nói: “Chính các con là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14).
Sao của chúng ta hôm nay không phải là sao: “bóng đá ”; “ca nhạc ”; “đua xe ”; “ăn chơi ”; “hận thù”…, nhưng chúng ta phải là những “siêu sao”, tức là vượt lên trên tất cả những thứ sao bình thường. Phải trở nên “siêu sao” thì mới tỏa sáng cho mọi sao khác, nếu không chúng ta chỉ có thể chiếu sáng cho những “fan” hâm mộ chúng ta mà thôi. Hãy là “siêu sao”, của “tình yêu”; “tha thứ”; “hy vọng”; “công bình”; “bác ái” và cuối cùng chính là sao “đạo đức”.
Trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta, từ lời nói, hành động và việc làm, chúng ta hãy biểu lộ ra cho mọi người thấy chỉ có một động lực là tình yêu, chỉ có một hành động là tình yêu, và cũng chỉ có một mục đích là tình yêu. Xác tín như thế, ấy là vì chúng ta đang thực hiện lời Chúa dạy: “Cứ dấu này mà mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa, đó là chúng ta yêu thương nhau”. Tiếp nối lời giáo huấn của Đức Giêsu, thánh Phaolô cũng khuyên nhủ tín hữu ở Philípphê: “Giữa thế hệ sa đoạ này, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2, 15).
Lạy Chúa, Đông Phương vẫn được coi là huyền bí, là nơi có những suy niệm siêu hình và tinh tế. Xin Chúa hãy thánh hóa Đông Phương và đem những người thành tâm thiện chí về với Giáo Hội. Amen.
Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển S.S.P