CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ sáu - 11/10/2024 10:05
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B
Kn 7,7-11; Dt 4,12-13; Mc 10,17-30
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
17Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” 18Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. 19Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. 20Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. 21Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. 22Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. 23Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” 24Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! 25Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. 26Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” 27Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”. 28Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. 29Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, 30mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu.
SUY NIỆM 1: SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT
Lời Chúa: “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, … rồi đến theo Ta” (Mc 10,21).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 28 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu là sự khôn ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa, Người chỉ bảo cho chúng ta biết sự khôn ngoan đích thực là tìm kiếm Nước Trời:
Giữa đời khôn dại biết ai ?
Người khôn theo Chúa, đừng sai điều này:
Cho đi tất cả hôm nay,
Vinh quang hạnh phúc tỏ bày mai sau.
Ai ơi luôn biết nguyện cầu,
Khôn ngoan đích thực là đầu mọi ơn.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho chúng ta để chúng ta khôn ngoan biết dùng của cải Chúa ban mà phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ hầu lãnh lấy phần thưởng là hạnh phúc Nước Trời. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng khôn ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa Cha. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa hứa ban Nước Trời cho những ai từ bỏ tất cả để đi theo Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Người ta thường nói “Có tiền mua tiên cũng được”. Và có lẽ mối bận tâm lớn nhất của con người trong cuộc sống là kiếm tiền. Ai cũng thích có nhiều tiền của. Quả thực tiền bạc rất cần cho cuộc sống con người. Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng khuyến cáo rằng, tiền bạc rất nguy hiểm có thể làm cho chúng ta mất Nước thiên đàng. Do đó, thái độ con người đón nhận và sử dụng tiền của sao cho đúng thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay chỉ bảo cho chúng ta biết rằng, sự khôn ngoan đích thực là tìm kiếm Nước trời: “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, … rồi đến theo Ta”.
Thưa anh chị em, sách Khôn ngoan trong bài đọc 1 hôm nay thuật lại rằng, Salomon đã không xin cho mình được sống lâu, không xin được nhiều của cải, không xin chiến thắng quân thù nhưng đã xin ơn khôn ngoan. Vì Salomon đặt giá trị của sự khôn ngoan lên trên sự giàu sang, vàng bạc cũng như trên sức khoẻ và sắc đẹp. Có khôn ngoan là có tất cả. Vì thế, tác giả sách Khôn ngoan xác tín: “Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết”. Chỉ có sự khôn ngoan đến từ Thiên Chúa mới có giá trị đích thực. Sự khôn ngoan này là ơn cần thiết phải xin từ Thiên Chúa. Đấng ấy chính là Chúa Giêsu, Người là sự khôn ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa Cha, Người chỉ bảo cho chúng ta biết sự khôn ngoan đích thực là tìm kiếm Nước trời. Trước lời tung hô “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Câu hỏi cho thấy người thanh niên này là người khôn ngoan, biết đi tìm kiếm sự chỉ dạy khôn ngoan để đạt đến sự sống đời đời. Trả lời câu hỏi của người thanh niên, Chúa Giêsu đã giới thiệu cho anh các giới răn phải thi hành: “đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Giờ đây, Thầy nhân lành trở thành Đấng khôn ngoan của Thiên Chúa đang chỉ bảo anh. Đối với người thanh niên đã tuân giữ mọi giới răn ngay từ nhỏ, Chúa Giêsu chờ đợi nơi anh một thái độ quảng đại tiến thêm một bước nữa để trở thành môn đệ của Người: “ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người thanh niên nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Qua đó, Chúa Giêsu là Đấng khôn ngoan tuyệt đối, Người cho thấy sự khôn ngoan đích thực là tìm kiếm Nước trời, vì: Nước Thiên Chúa không hệ tại ở của cải, giàu sang. Trái lại, của cải giàu sang thường làm cản đường cho người ta không đủ can đảm để tiến đến sự sống đời đời: “những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Và vì thế, người thanh niên đã hụt mất ơn gọi cao cả dành cho mình để chiếm được gia nghiệp đời đời và đi theo Người.
Chuyện kể rằng, Ngày 6 tháng 6 năm 1976. Một người giàu nhất xưa nay đã qua đời, thọ 83 tuổi; ông I. Paul Getty để lại khoảng 2 đến 7 tỷ đôla. Có lần một phóng viên làm ông phải thú nhận là ông đã không đạt được hạnh phúc gia đình. Suy nghĩ vài giây, ông trả lời: “Vâng, thật đáng buồn”. Một lần khác ông xác nhận: Tiền bạc không thể mua hạnh phúc, hơn nữa ông còn tin rằng tiền bạc có bà con với bất hạnh nữa.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Tiền bạc không phải là tất cả những gì trên trần gian này như nhiều người lầm tưởng “có tiền mua tiên cũng được”. Vì, tiền bạc không thể mua được hạnh phúc nhưng tiền bạc lại có bà con với bất hạnh nữa. Cụ thể là người thanh niên trong bài Tin mừng đã “sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi” dù anh đã tuân giữ mọi giới răn từ thuở nhỏ, chỉ vì anh giàu có, không giám bỏ của cải giàu sang. Sự giàu có và những trói buộc của nó gây ra sức độc chiếm, đến nỗi con người hầu như không còn có sức lực và sự chú tâm đáp ứng đòi hỏi của Nước trời. Vì thế, Chúa Giêsu lên án những ai ham mê của cải, coi đồng tiền là chúa tể, làm nô lệ cho nó, để không dám mở tay ra với anh chị em mình và quảng đại với công việc của Chúa thì có thể, làm cho chúng ta mất Nước thiên đàng.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã trở nên nghèo khó để chúng ta được dư dật ân sủng của Người, ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để chúng ta biết dùng của cải Chúa ban mà phục vụ những người nghèo khổ, và tích cực sống lời Chúa dạy để trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Người. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: CUỘC GẶP GỠ GIỮA CHÀNG THANH NIÊN GIÀU CÓ VỚI CHÚA GIÊSU
Tin Mừng thuật lại nhiều cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Chúa Giêsu với một số người; nhưng có lẽ cuộc gặp gỡ với chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay để lại nhiều ấn tượng nhất nơi lòng các môn đệ và đám đông dân chúng, vì gắn liền với lời mời gọi “nên hoàn thiện” của Chúa Giêsu.
Vậy chàng thanh niên là ai? Là một đại gia, nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay. Là đại gia, nhưng anh có lối sống gương mẫu, không bồ bịch lăng nhăng, không đua đòi ăn diện. Anh rất thành tâm thiện chí tuân giữ cả 10 Giới Răn một cách nghiêm túc, không chê vào đâu được. Hơn thế nữa, anh còn là một người nhiệt huyết và cầu tiến; không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, nên anh thao thức tìm kiếm một con đường khác có thể dẫn anh đến với sự sống đời đời. Vì những lẽ đó mà anh được Chúa Giêsu đem lòng thương mến. Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn anh tiến thêm một bước nữa trên đường hoàn thiện. Đó là đem bán tất cả của cải anh có và đem bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Chúa. Một lời mời gọi kép.
Thái độ đáp trả của anh trước lời mời gọi của Chúa Giêsu thế nào? Tin Mừng cho biết: “Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 10,22). Nếu Chúa Giêsu chỉ mời gọi anh vế sau, tức là chỉ đi theo Chúa, có lẽ anh dễ dàng quyết định được ngay. Thế nhưng vế trước mới là vấn đề khó khăn đối với anh, khó hơn cả việc giữ 10 Giới Răn. Phải chi Chúa bảo bán gia tài đem gởi ngân hàng, hoặc mua cổ phần cổ phiếu, hoặc nữa là kinh doanh; còn nếu có bố thí cho người nghèo, thì chỉ 1/2 như Giakêu đã làm, rất có thể anh thực hiện được. Đàng này Chúa Giêsu lại bảo anh bán tất cả tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt, rồi đem bố thì hết cho người nghèo. Một lời mời gọi quá khó!
Bởi vậy, lòng nhiệt huyết của anh hoàn toàn biến mất. Anh đã bỏ lỡ cơ hội trở thành môn đệ của Chúa, cơ hội để nên hoàn thiện. Cũng lời mời gọi đó, nhưng các Tông Đồ dễ dàng bỏ mọi sự để đi theo Chúa, vì các ông thanh thoát hơn đối với những thực tại đời này, và vì các ông đã nhận ra được Đức Giêsu chính là kho tàng, là Đức Khôn Ngoan đích thực (Bài đọc I). Nguyên nhân khiến người thanh niên này chấp nhận mãi mãi “thiếu một điều”, đó là của cải vật chất mà anh đang có. Chính của cải vật chất đã là cản trở lớn đối với anh trên đường hoàn thiện.
Chàng thanh niên ngày xưa là thế, còn con người ngày hôm nay thì sao? Giả như ngày hôm nay, Chúa Giêsu đi một vòng và ngỏ với các nhà tỉ phú, triệu phú, hay các đại gia một lời mời gọi tương tự, như lời mà ngài đã ngỏ với người thanh niên ngày xưa, có lẽ Chúa Giêsu cũng sẽ phải hát bài “cô đơn một cõi đi về”. Bởi chưng chủ nghĩa hưởng thụ ngày nay còn trói buộc con người ghê gớm hơn nhiều, và lời mời gọi từ bỏ của Chúa Giêsu, vì thế càng trở nên khó khăn hơn nhiều.
Chúa biết khó, nhưng Ngài vẫn mời gọi chúng ta từ bỏ, vì Nước Trời có giá trị lớn lao vô cùng. Ngài muốn ta mỗi ngày sống triệt để hơn các đòi hỏi của Tin Mừng. Giữ đạo không chỉ dừng lại ở chỗ chu toàn các giới răn, không làm điều xấu này điều xấu kia, mà quan trọng hơn, đó là tin nhận và bước theo một người, người đó là Đức Giêsu Kitô. Nhưng để theo Ngài, thì cần phải dứt khoát sống tinh thần từ bỏ, nhất là từ bỏ cái tôi ích kỷ, cái tôi quá dính bén với những thực tại trần gian này.
Câu hỏi đặt ra thay cho lời kết đó là, sự thành tâm thiện chí và lòng nhiệt huyết cầu tiến sống đời hoàn thiện nơi tôi thế nào? Đâu là những trở ngại chính khiến tôi chưa sống từ bỏ và phó thác hoàn toàn để đi theo Chúa? Người thanh niên trong Tin mừng “chỉ còn thiếu một điều”; còn tôi, tôi còn thiếu bao nhiêu điều nữa trên đường hoàn thiện?
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

SUY NIỆM 3: HƯỚNG ĐẾN SỰ TRỌN LÀNH
Chắc anh chị em vẫn còn nhớ, có lần Chúa Giêsu mời gọi chúng ta rằng: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Ấp ủ trong lòng khát vọng ấy, người thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay đã tìm đến với Chúa Giêsu và muốn biết xem, làm cách nào để được hoàn thiện như Cha trên trời, để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Đáp lại thiện chí của chàng thanh niên ấy, Chúa Giêsu đã mời gọi anh sống triệt để các giới răn của Chúa; đó là không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian; thờ cha kính mẹ và yêu thương đồng loại như chính mình.
Cứ tưởng chừng như anh không thể, nhưng bất ngờ thay, chàng thanh niên này cho biết, anh đã tuân giữ các điều ấy theo đúng tinh thần của Chúa. Và có lẽ lúc ấy Chúa Giêsu cũng cảm thấy thán phục chàng thanh niên này. Thế nhưng khi được Chúa Giêsu đề nghị, hãy về bán tất cả của cải mà cho người nghèo thì anh đã buồn rầu và quay đầu bỏ cuộc.
Có lẽ không riêng gì chàng thanh niên ấy, là những ki-tô hữu, ai trong chúng ta cũng muốn hướng đến sự trọn lành, cũng khát khao về sự sống đời đời. Nhưng đúng như những gì mà Thánh Paul đã nói: “Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối”. Cũng như chàng thanh niên trong bài Tin mừng, rào cản lớn nhất của chúng ta hôm nay vẫn là của cải vật chất. Chúng ta không đủ niềm tin và ý chí để vượt qua, để từ bỏ, để đánh đổi.
Thưa anh chị em, Chúa luôn hiểu cho sự lận đận lao đao của cuộc sống mưu sinh mà chúng ta đang ra sức vật lộn. Chúa cũng hiểu chúng ta cần đến tiền của vật chất, để có thể đi hết cuộc lữ thứ trần gian này. Chúa không đòi hỏi chúng ta cách gắt gao, như Chúa đã làm với chàng thanh niên ấy. Ngày hôm nay, Chúa chỉ muốn nhắc cho chúng ta nhớ 2 chân lý này:
Thứ nhất là quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời. Chính vì thế, mỗi người đừng chỉ lo thu tích của cải trần thế, nhưng trước hết là hãy lo tích lũy cho mình một kho tàng ở trên thiên quốc, nơi mối mọt không tài nào xâm hại được.
Thứ hai là đừng vì những lời lãi thế gian mà đánh mất phần rồi linh hồn mình, vì như thế chúng ta sẽ là những ki-tô bất hạnh nhất.
Ước gì trong cuộc lữ hành đức tin dương thế này, không ai trong chúng ta làm điều gì đáng chê trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Ngài. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 4: NGƯỜI CÔNG CHÍNH TÂN ƯỚC
Một thanh niên tốt có thiện chí, giữ trọn các giới răn của Chúa và còn muốn làm điều tốt hơn nữa để được sự sống đời đời. Chúa Giêsu đem lòng yêu mến người thanh niên này. Chàng trai thật dễ thương, khắc khoải muốn vươn lên,băn khoăn muốn làm thêm gì đó để nên tốt hơn, thao thức hướng tới trọn lành,có tinh thần cầu tiến. Anh ước mơ một vùng trời lý tưởng,ước mơ ấy cất tiếng gọi anh đi tìm “Thầy nhân lành”. ”Thưa Thầy, tôi phải làm gì để đạt được ước mơ mà tôi hằng ấp ủ? Người thanh niên hỏi Chúa Giêsu với tất cả tấm lòng chân thành.”Hãy từ bỏ hết tất cả những gì con có rồi theo Ta.”. Nghe xong, người thanh niên buồn bả bỏ đi (Mt 19,20-21). Và từ đó, ước mơ của anh héo úa theo dòng đời.Các môn đệ tiếc nuối: sao Thầy không chiêu mộ người thanh niên giàu có này làm môn đệ nhỉ? Còn Chúa Giêsu thì thương tiếc anh và những người giàu: “Những người giàu có mà vaò Nước Chúa thật khó biết bao,! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Chúa”
Niềm hy vọng có một con đường dẫn thẳng đến Thiên Chúa đã khơi dậy niềm vui lớn lao thế nào thì giờ đây lại là một nổi buồn thất vọng chua chát. Phấn khởi gặp Chúa nhưng lại ra đi đầy phiền muộn, chàng trai trẻ không muốn trả giá, không muốn mạo hiểm làm môn đệ,anh chỉ muốn giũ của cải đảm bảo cho cuộc sống vật chất, phòng thân, dưỡng già. Muốn theo Chúa Giêsu nhưng nhưng anh vấp phải một chướng ngại, một sức khống chế, đó là lòng gắn bó với của cải. Của cải như tấm kính mờ che lấp ánh sáng khi mà ánh sáng muốn soi vào lòng anh. Người thanh niên này có tất cả để được hạnh phúc nhưng chỉ còn thiếu một điều là khả năng theo Chúa.
Những thanh niên tốt như vậy thời nào cũng có nhưng hiếm có những thanh niên thiết tha đến việc trở nên tốt hơn và lại càng hiếm hoi những người trẻ nhân hậu xứng đáng nên mẫu gương thu hút kẻ khác.
Người thanh niên Do thái này là người tốt,sùng đạo và khao khát sự sống đời đời. Anh có duyên may gặp được Chúa Giêsu, một bậc thầy có lòng nhân hậu.Nhưng tiếc thay! Anh không đủ can đảm, không đủ quãng đại bác ái để đáp ứng đòi hỏi của Chúa Giêsu là từ bỏ những gì mình có để theo Ngài.
Chúa đòi hỏi nơi anh điều anh muốn giữ lại vì của cải là chỗ dựa của đời anh. Anh sẵn sàng làm mọi điều Chúa đòi hỏi trừ việc bỏ chỗ dựa này. Nô lệ cho của cải, người thanh niên không đủ can đảm để ra khỏi ràng buộc. Người giàu có không được cứu độ chẳng phải vì họ giàu, nhưng sự trói chặt của vật chất của cải làm cho họ nô lệ và lãng quên Thiên Chúa. Của cải có thể là cạm bẫy che mất lương tâm, cản trở bước đường đến trọn lành. Người giàu lấy của che thân. Người nghèo lấy thân che của. Giàu không phải là tội, nghèo chẳng phải là nhân đức. Điều quan trọng theo tinh thần Phúc âm là thái độ con người trước của cải vật chất.
Bi kịch của người thanh niên cũng là của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng đã từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo gì của vật chất. Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt. Con người làm chủ nó và dần dần nó làm chủ con người, trở thành lẽ sống mà con người không thể dứt bỏ.
Những tiêu chuẩn con người đang đặt ra để trói buộc nhau như tiền tài, địa vị, danh vọng không thật sự làm cho mình sống thảnh thơi hạnh phúc. Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một tin vui. Có những niềm hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua từng phút giây đang sống. Biết dừng lại đề thưởng thức một nụ cười, một bông hoa, một cử chỉ yêu thương, một việc làm bác ái, đọc một cuốn sách hay, một cuộc trò chuyện, một buổi tối đọc kinh chung trong gia đình, trong khu xóm, dâng một thánh lể sốt sắng, dự một giờ chầu sốt mến… Giàu tiền mà không biết cười, không biết yêu thương, không có niềm vui nội tâm thì cũng chỉ là bất hạnh. Con người con có những giá trị tinh thần, những giá trị thiêng liêng chứ không chỉ dừng lại nơi cơm áo gạo tiền.
Người thanh niên trong Tin mừng hôm nay là người trẻ đàng hoàng và lương thiện, sống một cuộc sống không có gì đáng chê trách, không có tội lỗi gì đáng phàn nàn, không có tật xấu để sửa sai. Anh là hình ảnh người công chính Cựu ước chu toàn lề luật. Chúa Giêsu âu yếm nhìn anh và muốn anh tiến thêm một bước nữa để nên người Công Chính Tân Ước: bán gia tài bố thí cho người nghèo, sẽ có một kho báu trên trời và hãy theo Ngài. Đó là điều kiện nên người công chính Tân ước.
Không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng gian, không lường gạt ai, không bất hiếu với cha mẹ, đó mới là điều kiện thứ nhất sống tốt lành về mặt luân lý. Điều kiện thứ hai là tin và theo Đức Giêsu. Không phải chỉ cần không làm việc này, việc nọ đã là nhân lành, thiện hảo, người Kitô hữu được mời gọi sống cao hơn, đó là chia sẽ tình thương với tha nhân, tin và bước theo Chúa mỗi ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 5: SỰ GIÀU CÓ ĐÍCH THỰC

Từ hơn hai ngàn năm qua, hẳn là vẫn có nhiều người đặt lại câu hỏi của người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”, hoặc câu thắc mắc của các môn đệ: “Ai có thể được cứu?”. Trước những câu hỏi mang tính “sống còn” như thế, có người chọn cách tận hưởng những thú vui của cuộc sống, có người vẫn miệt mài tìm kiếm thỏa mãn đam mê, và cũng có người lo lắng chuẩn bị cho ngày sau hết...
Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay có đủ mọi thứ cần thiết để được hạnh phúc: anh ta giàu có, sống ngay thẳng, trung thành tuân giữ các điều răn của Chúa. Có thể nói, anh ta có một đời sống đầy đủ và hoàn hảo. Nhưng anh ta vẫn tìm đến với Chúa Giêsu để xin Người chỉ cho anh biết phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Trước một con người như vậy, Chúa Giêsu không chỉ “đem lòng yêu mến” mà còn sẵn lòng chỉ cho anh biết con đường đưa anh tới sự sống đời đời, đó là “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”.
Rõ ràng, khi đến hỏi Chúa Giêsu, người thanh niên biết rằng của cải và những giới luật anh đã tuân giữ không làm cho anh thực sự được hạnh phúc, và nó chưa chắc đã đem lại cho anh sự sống đời đời. Tuy nhiên, khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu, anh lại buồn rầu bỏ đi. Chỉ vì anh có nhiều của cải!
Có nhiều của cải không phải là một tội, nhưng nó có thể cản trở con người đạt đến tự do và hạnh phúc đích thực. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà các hình thức quảng cáo, tiếp thị xuất hiện khắp nơi thúc đẩy chúng ta tiêu thụ ngày càng nhiều hơn. Nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, người ta đưa ra những khẩu hiệu theo kiểu: “Bạn càng có nhiều, bạn càng hạnh phúc!”, khiến chúng ta tìm mọi cách để sở hữu và tích lũy. Bên cạnh đó, chúng ta còn bị cuốn vào vòng xoáy của nhịp sống vội vã. Chúng ta thấy mình luôn phải chạy, luôn phải làm việc nhiều hơn. Kết quả là chúng ta mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí có lúc tuyệt vọng vì không còn nhìn thấy phương hướng. Chúng ta không còn thời gian để sống, để gặp gỡ người khác, để đối thoại... và để được là chính mình.
Chúa Giêsu không lên án sự giàu có, nhưng Người không muốn của cải vật chất thống trị và biến chúng ta thành những kẻ nô lệ. Người không muốn chúng ta bước vào vòng luẩn quẩn của việc tìm kiếm hạnh phúc bằng chiếm hữu, để rồi càng tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta càng đánh mất tự do và niềm hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc trước hết không hệ tại ở những gì ta có, mà là được sống hòa hợp với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi sự bình an và mọi niềm vui, và trên hết là nguồn tình yêu. Suy cho cùng, điều sâu thẳm mà con người luôn thấy thiếu và luôn tìm kiếm, đó là tình yêu. Nhưng thay vì tìm đến với Đấng là Tình Yêu, thì chúng ta lại lấp đầy sự thiếu thốn đó bằng của cải vật chất, đam mê danh vọng, thỏa mãn bằng những thú vui trần thế.
Người thanh niên trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu “đem lòng yêu mến”, và Người mời gọi anh theo Người. Để đạt được điều đó, anh chỉ cần bán tất cả tài sản và chia cho người nghèo. Thực ra, gia tài của anh không phải là cái giá để mua được sự sống đời đời, nhưng bán tất cả những gì anh có là điều kiện cần thiết giúp anh được tự do thanh thoát mà theo Chúa. Hay nói đúng hơn, khi không còn gì, tâm hồn anh đủ “rỗng” để có chỗ cho Chúa và tha nhân, và khi đó Chúa là tất cả gia tài của anh, là “sự sống đời đời” của anh.
Có khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống, chúng ta bất chợt dừng lại và tự hỏi “đâu là gia tài đích thực của tôi?”. Phải chăng là nhà cửa, đất đai, xe cộ, tiền bạc,..., hay là sự thành công, danh thơm tiếng tốt, sự quý chuộng và nể phục của người khác?... Chúa Giêsu đã lưu ý rằng “những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào Nước Thiên Chúa biết bao!”, vì “gia tài ở đâu thì lòng người ở đó”.
Lời Chúa mời gọi người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là lời Người mời gọi tất cả chúng ta. Bán tất cả những gì chúng ta có, nghĩa là dám dứt bỏ tất cả những gì chúng ta đang quyến luyến, bám víu, những gì chúng ta cho là cứu cánh của đời mình mà không phải là Chúa.
Từ bỏ luôn là một cuộc chiến cam go và đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực từng ngày, qua mỗi giây phút. Nhất là khi phải từ bỏ những gì mà chúng ta yêu thích, những gì thỏa mãn khát vọng chóng qua của chúng ta, những gì mà mọi người thế gian đều tìm kiếm. Nhưng chúng ta đừng nản lòng, là Kitô hữu, chúng ta tin vào Lời của Chúa Giêsu: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”. Với Chúa, chúng ta có thể làm được.
Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc của những đam mê, để chúng ta có một tâm hồn đủ rỗng và đủ rộng cho Chúa và cho tha nhân. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 6: ƯỚC MƠ VÀ HÀNH ĐỘNG
Trong cuộc sống thường ngày, ai trong chúng ta cũng có một ước mơ. Có người mơ được giàu có, có người ước được danh vọng, quyền quý, có người thì mong học hành đỗ đạt, sức khỏe dồi dào, gia đình hoà thuận… Thế nhưng, chẳng mấy ai trong chúng ta đạt được trọn vẹn ước mơ của mình. Chúng ta không đạt được có thể do bởi nhiều lý do bên ngoài, nhưng quan trọng hơn, có lẽ do chúng ta không quyết tâm, không kiên trì đủ để theo đuổi quyết tâm của mình. Đó cũng là tình trạng của chàng thanh niên mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay. Anh đã đến xin Đức Giêsu chỉ cho anh con đường đưa tới sự sống đời đời. Thế nhưng, khi nghe xong anh lại không đủ can đảm để thực hiện.
Điều đó, cho thấy giữa ước mơ và hiện thực vẫn còn một khoảng cách, một khoảng cách mà chúng ta chỉ có thể vượt qua nếu biết cậy dựa vào Lời Chúa. Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta cùng đọc lại phần Lời Chúa hôm nay.
  1. Từ một ước mơ
Trước hết bài Tin Mừng kể lại một thao thức, một ước mơ được sống mãi của một chàng thanh niên. Được sống mãi chính là nỗi trăn trở lớn nhất của anh. Nó đã thúc đẩy anh cố gắng tuân giữ thật nghiêm túc các giới răn ngay từ tấm bé, như lời anh khẳng định với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
Lòng khao khát được sống mãi cũng đã khiến anh “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” làm việc vất vả để kiếm cho được nhiều tiền, và thật sự anh đã trở nên giàu có. Chúng ta có thể khẳng định anh ta giàu có, bởi vì, khi nghe Chúa nói: “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó”, thì anh đã “sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi”, và thánh Marcô còn nói rõ: “Vì anh ta có nhiều của cải”. Khi miệt mài kiếm tiền như thế, có lẽ cũng như bao người khác, chắc hẳn anh đã nghĩ rằng đồng tiền có một sức mạnh vạn năng, có khả năng “cải lão hoàn đồng”, hay nói theo cách nói của các bạn trẻ ngày nay: “đồng tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý… Đồng tiền là hết ý”.
Thế nhưng, cho dù anh đã tuân giữ tất cả những nghi thức luật lệ bên ngoài của tôn giáo, và có trong tay tiền của thật nhiều tâm hồn của anh vẫn không được bình an, thanh thản. Anh vẫn còn cảm thấy thiếu một cái gì đó rất quan trọng và cần thiết cho cuộc sống của mình. Anh nhận ra rằng tất cả những cái đó vẫn chưa đủ bảo đảm cho anh một cuộc sống đời đời.
Cái thiếu đó, anh đã cố sức tìm kiếm trong một thời gian dài, nhưng không thể tìm được. Chính trong nỗi niềm khao khát đó, khi nghe lời Đức Giêsu giảng và thấy việc Ngài làm, anh nhận ra Ngài chính là Đấng có thể giúp anh đạt được điều mà anh vẫn hằng mơ ước. Do đó, mặc dù đang giữa đường phố, anh đã chạy đến và quỳ gối cầu xin Đức Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”
  1. … đến cái giá phải trả:
Thế nhưng, khi nghe câu trả lời của Đức Giêsu: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó… rồi đến theo Ta”. Anh ta đã không thực hiện được mà lại “buồn rầu bỏ đi”. Anh muốn có sự sống đời đời, nhưng lại không dám thực hiện điều mà Đức Giêsu dạy, để có được sự sống đó. Chính của cải mà anh tưởng chừng như chúng sẽ giúp anh đạt đến sự sống vĩnh cửu lại cản trở anh thực hiện ước mơ của mình. Thấy rõ điều đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào Nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”.
Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu không có ý muốn nói: Nước Trời chỉ dành cho người nghèo và người giàu có thì không thể vào, nhưng Ngài chỉ muốn nói rằng: những ai “cậy dựa vào tiền bạc” thì “thật khó mà vào Nước Thiên Chúa”. Có thể chúng ta không có nhiều của cải như chàng thanh niên này, nhưng chúng ta vẫn còn có rất nhiều cái để sở hữu, để “cậy dựa”: đó là cái tôi, ý riêng, tính tự ái, lòng ganh tỵ và kiêu ngạo, và cả sự khôn ngoan của chúng ta nữa … bởi vì, một người nghèo nhất cũng vẫn còn cái tôi của mình để sở hữu, để cậy dựa. Nếu chúng ta không dám bỏ đi tất cả những cái đó để hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa như những trẻ nhỏ thì thật khó vào Nước Trời. Nó chính là những cái bướu cản trở con lạc đà chui qua lỗ kim. Sống mà không cần dựa vào tiền bạc, không cậy dựa vào của cải, quả thật là điều vượt quá sức mỗi người chúng ta. Đó cũng chính là ưu tư của các môn đệ: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?”.
Thấy được nỗi băn khoăn đó, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta một con đường: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”. Vâng, đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Do đó, để có thể vào được Nước Thiên Chúa chúng ta chỉ có một con đường duy nhất đó là phải cậy dựa vào chính tình yêu của Thiên Chúa, cậy dựa vào lời của Ngài. Chúng ta cần lắng nghe và sẵn sàng thực thi lời Ngài mới có thể vào được Nước của Ngài.
Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ, vì nói như tác giả thư Do thái: “Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”. Đón nhận lời Chúa, nghĩa là chấp nhận để lời Chúa mổ xẻ toàn bộ con người của mình: từ thần trí đến tình cảm và ý nghĩ. Chúng ta phải dám để lời Chúa tách bỏ những suy nghĩ, những hành động, những tình cảm sai trái ra khỏi con người của chúng ta.
Điều này chắc hẳn sẽ làm cho chúng ta đau đớn, thua thiệt nhưng lại là điều cần thiết và là một sự khôn ngoan để chúng ta có một thân thể khoẻ mạnh và một sự sống đời đời. Đây là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nó có một giá trị tuyệt đối mà vàng bạc, kim cương cũng không thể so sánh được. Đó chính là sự khôn ngoan mà vua Salomon vẫn hằng khao khát: “Tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không… Mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó, thì kể như đất bùn”. Có được lời của Chúa, có được sự khôn ngoan của Chúa thì coi như là có được tất cả, đó chính là cảm nghiệm của Salomon, vị vua được coi như là khôn ngoan, giàu sang, vinh quang nhất qua mọi thời đại, ông nói: “Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó (tức sự khôn ngoan), và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết”.
Lắng nghe lời Chúa hôm nay cũng là một cơ hội để mỗi người nhìn lại mình. Chúng ta đã nhiều lần đến với Chúa, cầu xin Ngài, nghe Ngài nói, nhưng chúng ta đã có một lần nào thật sự để lời Chúa đi vào mổ xẻ tâm hồn chúng ta chưa? Ước gì, bắt đầu từ hôm nay, mỗi người chúng ta không chỉ nghe, nhưng còn mau mắn sống những lời Chúa dạy, sẵn sàng chia sẻ những gì chúng ta có với những anh chị em bất hạnh đang sống quanh ta. Chúng ta cần có một thái độ siêu thoát hơn đối với tiền bạc, của cải. Chúng chỉ là phuơng tiện chứ không phải là cùng đích của cuộc sống chúng ta. Sống được như thế, chúng ta mới thật sự là khôn ngoan, và tôi chắc chắn rằng cửa Trời cũng đang rộng mở để chờ đón mỗi người chúng ta. Amen.
Lm Trần Thanh Sơn

 

SUY NIỆM 7: PHÚC CHO NHỮNG AI CÓ TINH THẦN NGHÈO KHÓ

Chúng ta chú ý đoạn đầu bài Phúc Âm hôm nay là “cái ông giàu có” tới hỏi Chúa Giêsu xem phải làm gì để được sống đời đời này, đã thực hiện cặn kẽ từ nhỏ tất cả những việc tiêu cực phải giữ như: không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không chứng gian, không quịt người khác… Nhưng về phương diện tích cực chỉ có một điều duy nhất phải làm là “bán hết của cải giúp người nghèo khó rồi tới theo Chúa” (Mc 10,21) thì người ấy đã và vẫn không muốn làm. Do đó Chúa Giêsu mới tiếc cho ông ta: “Người giàu có khó vào nước thiên đàng biết bao” (Mc 10,23). Sau đó Ngài còn nói mạnh thêm: “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng” (Mc 10,25).
Vậy kể như là người giàu có thì không thể vào nước thiên đàng được. Điều đó đúng. Nhưng phải hiểu thế nào là giàu có? Giàu có là những người có nhiều của cải tài sản vật chất, đó là dĩ nhiên. Nhưng điều quan trọng Chúa Giêsu có ý nhấn mạnh là lòng ham ước của cải. Nói khác là sự ham hố say mê vật chất mà quên phụng sự Chúa, là sự nô lệ của cải, coi của cải vật chất là cùng đích là chúa tể. Chính tinh thần nô lệ và coi của cải vật chất là chúa tể này làm ta không còn tìm Chúa, không còn tìm hạnh phúc thiên đàng thì làm sao ta có thể được Chúa, được hạnh phúc thiên đàng. Không thể vào nước thiên đàng được, như vậy là tất nhiên, bởi không tìm không muốn chứ không phải tại Chúa không muốn cho họ vào.
Vì thế không phải chỉ những ai giàu có mà cả những kẻ nghèo xác xơ nhưng để tinh thần ham mê của cải vật chất làm quên Chúa, quên hạnh phúc thiên đàng thì cũng vẫn không thể vào nước thiên đàng được. Trái lại những ai tuy giàu có vật chất nhưng không để lòng ham hố của cải cản trở việc tìm Chúa, tìm hạnh phúc thiên đàng mà chỉ dùng của cải như phương tiện để làm những việc đó thì vẫn vào thiên đàng được. Đó chính là cái chìa khóa để người giàu vào thiên đàng. Đó chính là bí quyết làm cho người giàu có thành nghèo khó trước mặt Chúa. Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu nói: “Điều loài người không làm được thì Thiên Chúa làm được” (c. 27): Sự giàu có mà trong đó con người làm chủ thì không thể, nhưng để Thiên Chúa làm chủ thì lại có thể được. Vì thế Chúa mới nói “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
Ở đây chúng ta cũng lại cần lưu ý: Việc từ bỏ của cải, nếu cần, luôn là một chứng minh của tinh thần nghèo khó bên trong. Đó cũng là cái trắc nghiệm mà Chúa Giêsu đã thử đối với cái ông giàu có trên kia: ông ta không muốn bỏ của cải gia tài mình, vậy ông không có tinh thần nghèo khó thực. Của cải giàu sang vật chất tự nó không xấu, không đáng trách. Cái xấu, cái đáng trách chính là tính ham mê, đến nô lệ của cải mà quên Chúa.
Lạy Chúa, con quyết dùng của cải vật chất mà, “mua lấy nước thiên đàng” (Lc 16,9) vì “Được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì!” (Mt 16,26)
 Lm. Bênađô Nguyễn Tiến Huân

 

SUY NIỆM 8: CHỌN TIỀN CỦA HAY THIÊN CHÚA

Trong một thế giới vật chất, văn minh: các phương tiện kỹ thuật càng lúc càng đi đến chỗ tinh vi, kinh tế, vật chất, tiền của luôn là những vấn đề sôi bỏng, luôn là những điểm nóng trong sinh hoạt hằng ngày, liệu nói về Thiên Chúa có còn hợp thời nữa không? Bài đọc thứ I trích trong sách khôn ngoan 7, 7-11 sẽ trả lời cho mọi người, cho mỗi người vấn nạn thời sự ấy. Khôn ngoan là kho tàng vô giá, là sự giầu sang thật. Khôn ngoan vừa là đặc tính siêu việt của Thiên Chúa, vừa là hồng ân Ngài trao tặng cho nhân loại, cho con người.
Đọan sách khôn ngoan hôm nay cho ta một bài học thật quí hoá vì trước mặt Thiên Chúa: “Đức khôn ngoan hơn vương trượng, ngai vàng…của cải bằng không. So với đức khôn ngoan, vàng chân châu bảo ngọc chẳng qua là một chút cát, bạc chẳng qua như chút bùn”. Khôn ngoan là sự giầu sang, là sự hiệp thông với ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người có tinh thần nghèo khó khi phải đương đầu với thế lực của Mammôn, Satan, tiền bạc. Dù rằng trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã có lúc tham dự những bữa tiệc thịnh soạn, linh đình của những gia đình giầu có, những gia đình của những người biệt phái, từng ăn uống tại gia đình của những người thu thuế lắm tiền, từng nhận lãnh những ân huệ của những người phụ nữ tốt bụng, đạo hạnh nuôi dưỡng Chúa và các tông đồ. Chúa đã từng nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 25). Chúa nói câu nói ấy để minh chứng: “thực hiện được như sách khôn ngoan đối với của cải vật chất là điều thật kho”. Đoạn sách khôn ngoan hôm nay muốn làm nổi bật ý nghĩa của sự từ bỏ, đừng ham hố tiền của quá sức, coi bạc vàng, châu báu, của cải là cùng đích, là thần tượng của đời mình, coi Mammôn, Satan như là cứu cánh của cuộc đời con người, mà quên đi cốt lõi của đời là bác ái, chia sẻ để đạt được Nước Trời. Chàng thanh niên trong Tin Mừng Mc 10, 17-30 là một người tỏ ra hết sức đạo đức. Chàng đã thưa với Chúa Giêsu: “Những giới răn như chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ, chàng đã giữ từ hồi còn nhỏ” (Mc 10, 20). Chúa Giêsu khi nghe chàng thanh niên giầu có trả lời như thế, Ngài đã chạnh lòng thương chàng và muốn chàng đi xa thêm một bước nữa để có thể đạt đươc Nước Thiên Chúa. Do đó, Chúa âu yếm nói với chàng: “Hãy đem bán hết gia tài ngươi có, đem bố thí cho người nghèo khó, rồi hãy đi theo Ta” (Mc 10, 21). Câu nói của Chúa Giêsu đòi hỏi chàng thanh niên từ bỏ dính bén tiền của là thứ làm cản ngăn đường tới Nước Trời. Chàng thanh niên chỉ muốn sống mức độ bình thường của đời mình mà thiếu sự cảm thông, chia sẻ, bác ái đối với người khác. Chàng thiếu thật sự sự siêu thoát về tiền của, thiếu lòng thành đi theo Chúa vì Chúa: “Không có nơi nương tựa, không đá gối đầu “. Chúa đã sống sự siêu thoát, Ngài cũng muốn các môn đệ của Ngài hãy sống siêu thoát như Ngài. Đây là sự từ bỏ, siêu thoát mà người môn của Chúa phải có để có thể nối gót bước chân của Ngài. Chàng thanh niên đã để cho lòng ham muốn của cải níu kéo và bóp chết con tim của mình. Chàng đã để cho Mammôn, Satan và tiền của đã thắng tình yêu dành cho Thiên Chúa.
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy nhiều đoạn Chúa Giêsu nói về những điều kiện để theo Ngài. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Ta” “Ai đã cầm cầy mà còn ngoái lui, không xứng đáng làm môn đệ của Ta”. Thật vậy, Chúa đòi hỏi các môn đệ của Ngài một sự dứt khoát tận căn, đến nỗi khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài đã căn dặn các ông: “Đừng mang tiền, đừng mang bao bị…”. Đây là sự từ bỏ tột đỉnh mà các môn đệ phải có khi các Ngài ra đi loan báo Tin mừng. Sự siêu thoát tiền bạc, của cải sẽ giúp các môn đệ của Chúa thanh thoát trong công việc loan báo Nước Trời. Không phải Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình bần cùng hoá thế giới, hoặc sống đời sống bần cùng mà Ngài muốn các môn đệ phải có con tim nhạy cảm, lòng bác ái chân thành. Do đó, sự siêu thoát là đòi hỏi căn bản của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Chúa muốn các môn đệ “có tinh thần nghèo khó”. Tinh thần nghèo khó khác với tình trạng nghèo khổ. Sống tình trạng nghèo khổ, chắc không ai dám mong ước vì tinh thần nghèo khổ biến thế giới thành khốn khổ, khó nghèo. Tình trạng nghèo khó gây ra những tệ nạn xã hội, còn tinh thần nghèo khó là sự siêu thoát và từ bỏ mà Tin Mừng đề cao.
Tinh thần nghèo khó luôn giúp các môn đệ Chúa giữ được thế quân bình, siêu thoát với của cải cho dù mình dư ăn, dư của để dành nhưng họ biết dùng của cải đúng mục đích và biết liên đới, chia sẻ và bác ái với người khác. Chính vì thế có “tinh thần nghèo khó” là biết sống phó thác, cậy trông, yêu mến dù rằng mình giầu có, dư của, dư tiền, dư vật chất. Siêu thoát là tột đỉnh của từ bỏ. Nên, Chúa Giêsu đã từng nói: “Người ta sống nguyên bởi bánh mà còn bởi Lời Thiên Chúa phán ra”.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết sống từ bỏ mà phục vụ Chúa trong sự chia sẻ, cảm thông, bác ái với anh em chúng con. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

 

SUY NIỆM 9: TỐT LÀNH VÀ NHÂN LÀNH

Chàng thanh niên (Mt 19:20) hay một thủ lãnh (Lc 18:18) được nói tới trong giai thoại này chắc hẳn là một người tốt và gương mẫu theo tiêu chuẩn Do Thái, điển hình là từ thuở nhỏ anh/ông đã giữ trọn mọi giới răn. Nếu thế, anh thực sự kiếm tìm gì khi tới gặp Đức Giêsu; nói cách khác, điều gì anh muốn diễn đạt qua câu nói: “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”? Trong thâm tâm có thể anh đã ngờ ngợ rằng: tốt lành mà thôi có lẽ là chưa đủ; vì anh là người đầu tiên đã chủ động thân thưa với Đức Giêsu như người ‘Thầy nhân lành’.
Theo dõi cuộc dối thoại giữa Đức Giêsu với chàng thanh niên nọ, Kitô hữu chúng ta nhận ra một điều rất căn bản: ‘tốt / lương thiện’ và ‘nhân lành’ là hai điều hoàn toàn khác nhau; ‘tốt lành’ thuộc lãnh vực con người, lãnh vực Cựu Ước nhờ nắm giữ trọn các điều răn, còn ‘nhân lành’ hoàn toàn thuộc lãnh vực thần linh, “Không ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” như Đức Giêsu đã minh định. Biện phân này giúp ta hiểu được cái mới mẻ rất mực độc đáo của Tin Mừng.
Tất cả tùy thuộc vào việc ta hiểu ‘được sự sống đời đời làm gia nghiệp’ là thế nào: phải chăng là được lên thiêng đàng, khỏi phải sa hỏa ngục vì đã sống tốt, sống lương thiện, đạo đức hay là một điều gì khác?
‘Được sự sống đời đời làm gia nghiệp’ có nghĩa là được lên Thiên Đàng; phần thứ nhất trong lời giải đáp của Đức Giêsu có vẻ như tập trung vào quan niệm phổ thông này: thiên đàng được hiểu như phần thưởng dành cho kẻ tốt / người lương thiện. Do đó chỉ cần không phạm tội là đủ để được vào thiên đàng, còn kẻ xấu sẽ không được vào; thế nhưng phân biệt xấu / tốt là lãnh vực thuần luân lý; xã hội nào thì cũng phân loại người tốt kẻ xấu, tùy vào tiêu chuần xã hội đó đề ra. Trong xã hội Do Thái thời Cựu Ước, kẻ tốt rõ ràng là người tuân giữ căn kẽ các giới răn và lề luật. Hiểu như thế thì vào thời buổi nào và ở bất cứ nơi đâu cũng đều có những người đáng lên thiên đàng cả! Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn này, thì chàng thanh niên trong câu chuyện chắc chắn sẽ được lên thiên đàng thôi! Hơn nữa hệ luận của lối suy nghĩ này sẽ là: Tin Mừng không nhất thiết là cần, và ơn cứu chuộc của Đức Kitô là không mấy thiết yếu, và chỉ đóng vai trò hỗ trợ người ta trở nên tốt mà thôi.
‘Được sự sống đời đời làm gia nghiệp’ có nghĩa là: được vào Nước Thiên Chúa; trong phần hai của câu giải đáp, hình như Đức Giêsu lại muốn triển khai khái niệm này. Người khảng định: chỉ một mình Thiên Chúa, chứ không ai khác, là ‘nhân lành’. Điều đó có nghĩa là: tự mình không một ai, dầu có tốt lành tới mấy, có thể vào được Nước Thiên Chúa. Nhân lành không thuộc lãnh vực tự nhiên, mà phải thuộc lãnh vực thần linh! Dĩ nhiên Thiên Chúa là vô cùng tốt lành, vì Ngài là chân – thiện – mỹ; điều này thì nhờ suy luận triết học con người cũng có thể biết được: Deus bonum est… Đức Giêsu đã đến trần gian không để nói về sự tốt lành hay thánh thiện này của Thiên Chúa. Điều Ngưởi muốn mạc khải là Thiên Chúa nhân ái và cứu độ! Theo Người, Nước Thiên Chúa trước hết phải là vương quốc của nhân ái thần linh; nói cách khác, sự thánh thiện đạo đức của vương quốc đó hệ tại ở ‘nhân lành của từ ái xót thương’, chứ không phải ‘tốt lành của luân lý’.
Chàng thanh niên tuy có tốt lành thánh thiện theo tiêu chuẩn Do Thái, nhưng chưa có lòng nhân ái của Tin Mừng. Để có thể trở nên nhân lành, Đức Giêsu đã mời gọi anh: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”. Hai tiêu chuẩn chính của nhân lành Đức Giêsu đề ra là: chấp nhận Tin Mừng Đức Kitô và sống chan hòa với tha nhân; và vì thấy mình không thể đạt được hai chuẩn đó nên ‘chàng buồn rầu bỏ đi’. Các môn đệ Đức Giêsu sẽ phải học biết nhân ái Tin Mừng nhờ đi vào con đường Thập Giá theo Thầy và từ bỏ mọi sự. Như vậy ơn gọi Kitô hữu của chúng ta sẽ hệ tại ở sống Tin Mừng bác ái theo Người Thầy nhân ái, hơn là chỉ lo sống tốt – lương thiện qua việc giữ trọn các giới răn, cho dầu đó có là các điều luật thánh của Thiên Chúa hay của Hội Thánh đi nữa.
Trong tư cách linh mục, chính tôi phải sống thế nào để tất cả sẽ bảo đảm ‘được sự sống đời đời làm gia nghiệp’, đồng thời phải dạy giáo dân sống như thế. Đó quả là vấn đề mục vụ có tầm quan trọng bậc nhất đấy!
Lạy Cha là Đấng chân thiện mỹ, hôm nay Cha dạy cho con biết nhân ái là điều còn cao quí hơn chân thiện mỹ tới cả ngàn lần; chính nhờ Lời mạc khải của Con Một Cha con mới biết được điều quan trọng này. Xin cho con biết sống lòng nhân ái như giá trị lớn hơn hết thảy, có khả năng làm cho con nên giống Đức Kitô Con Cha. Cũng xin cho con sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh để trở nên nhân ái như Chúa Cha trên trời. Amen.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

 

SUY NIỆM 10: ĐỨT RUỘT  

Đói thì đầu gối phải bò. Hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ. Có thực mới vực được đạo. Nhiều câu thơ, nhiều ngạn ngữ dân gian như muốn khẳng định rằng cuộc sống con người như mãi long đong, vất vả vì các nhu cầu căn bản để sinh tồn xét như là một sinh vật. Chuyện cơm áo, gạo tiền nó nhũng nhiễu con người mãi không ngơi. Chưa hết, bên cạnh cái trí khôn ý thức về sự cao quý của phận làm người thì cái ý chí tự do lại thúc bách con người tìm kiếm, thủ đắc các như cầu ngày càng cao và đa dạng. Ăn no, mặc ấm vẫn chưa đủ, còn phải ăn ngon và mặc đẹp. Trong cuộc sống, người ta không chỉ trông mặt mà bắt hình dong mà còn thường hành xứ theo kiểu đồng tiến đi trước, mực thước theo sau. Cảnh đời tréo nghoe mà không hiếm: “Bần cư náo thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.
Không giới hạn trong tương quan giữa người với người, ngày nay, khi có những chuyện bất bình giữa các quốc gia hay tập thể, người ta cũng lại sử dụng đòn chiêu: trừng phạt kinh tế. Đồng tiền dính liền khúc ruột. Để có được sự tự do với tiền của, thì quả là không mấy dễ, ngay cả với những người thường lên tiếng trong các lãnh vực đạo đức, tôn giáo. Xin chớ vội trách người thanh niên có nhiều của cải mà Tin Mừng tường thuật. Nếu như giờ này Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy về bán đi tất cả những gì người có mà cho người nghèo, rồi đến mà theo Ta”, thử hỏi có được bao nhiêu người đáp trả dứt khoát và triệt đễ như thánh Phanxicô thành Axidi năm nào?
Người ta dễ dàng chấp nhận với nhau rằng tiền của chỉ là cái góp phần xây dựng hạnh phúc chứ không phải chính là sự hạnh phúc. Người ta cũng dễ dàng đồng thuận với nhau rằng tiền bạc chỉ là tên nô lệ chứ không phải là ông chủ. Người ta không chối cãi sự thật là tiền của mang tính “phù hoa” và nhất là nó không thể theo chúng ta vào huyệt lạnh. Thế nhưng, nói thì dễ nhưng sống thì không dễ chút nào. Không ai muốn tự chặt đứt khúc ruột của mình cả. Chẳng ai muốn từ bỏ một thứ sức mạnh vốn rất hiệu nghiệm trong rất nhiều trường hợp đó là đồng tiền, vì “tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân…”.
Dù là một kiểu nói ngoa ngữ, phóng đại để muốn nhấn mạnh, nhưng chúng ta không thể không giật mình trước lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Đàng” (x.Mc 10,23-26). Ngay các tông đồ cũng sửng sốt và nói với nhau: Thế thì ai có thể được cứu rỗi, nghĩa là hưởng phúc Thiên đàng? Khi giải đáp thắc mắc cho các tông đồ rằng đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được, thì Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta nhận ra sự thật này: hạnh phúc Nước Trời tiên vàn là quà tặng Chúa trao ban chứ không phải do công sức của loài người chúng ta.
Đã hơn một lần Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về mối nguy cơ của tiền bạc khi nó được phong làm thần thánh: “Không được làm tôi hai chủ…”(x.Mt 6,24; Lc 16,13). Chước cám dỗ xem tiền là tiên là phật tuy có đó nhưng xem ra không bằng chước cám dỗ xem đồng tiền có sức mạnh vạn năng kiểu có tiền mua tiên cũng được, có tiền là mua được cả nước thiên đàng. Khi chiều theo chước cám dỗ đề cao sức mạnh của đồng tiền thì người giàu có bị cám dỗ xem hạnh phúc nước trời là điều mình có thể mua, có thể trao đổi bằng công sức hay tiền bạc.
Hẳn chúng ta đồng thuận với nội hàm một ngạn ngữ Trung Quốc rằng tiền bạc có thể mua được đồng hồ quý nhưng không mua được thời gian; tiền bạc có thể mua được giường sang, nệm êm, chăn ấm, nhưng không mua được giấc ngủ ngon; tiền bạc có thể mua được cao lương mỷ vị nhưng không mua được sự ngon miệng… Thế nhưng trong thực tế chúng ta lại hành xử theo kiểu như tiền bạc là nền tảng, là nguyên nhân đem lại hạnh phúc. Nếu đã xác tín rằng hạnh phúc đích thật là hạnh phúc nước trời, tiên vàn là ân ban của Thiên Chúa, thì những gì chúng ta thu được mà chủ yếu bằng việc trao đổi, mua bán bằng của cải, tiền bạc chắc chắn không phải là hạnh phúc vĩnh cửu. Với luận lý này, chúng ta mới hiểu lời khẳng định của Đấng Cứu độ: “người giàu có khó vào Nước Trời hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim”. Lời Chúa thật săc bén hơn cả thanh gươm hai lưỡi ! (x. Dt 4,12).
Ngoài ra chúng ta cần chân nhận hiện thực này: khi đã đủ đầy, sung túc của tiền thì con người rất dễ bị biến tướng, bị tha hóa, bị thoái hóa. Vốn là một trong những thiện hảo tự nhiên Chúa dựng nên và ban tặng, nhưng của cải, tiền bạc rất dễ trở thành miếng mồi nhữ của thần dữ như trái táo trong vườn địa đàng khiến chúng ta đi trệch hay đi ngược với huấn lệnh Chúa truyền. Không chỉ có chuyện “no cơm ấm cật, dậm dật khắp nơi” mà các mối tương quan cũng dễ bị sứt mẻ do bời của cải tiền bạc. Tình bác cháu như Abraham với Lót, tình anh em ruột thịt như Êsau và Giacóp cũng khó bền vì của cải. Thánh Kinh ghi cùng một câu trong cả hai trường hợp: “họ có quá nhiều tài sản nên không thể ở chung với nhau được” (St 13,6; 36,7). Một khi đã không thể “ở chung” với nhau được thì làm sao có thể ở cùng Thiên Chúa, Đấng là Cha của hết mọi người? Và biết bao nhiêu chuyện chẳng hay, làm nứt vỡ tình mẹ cha, nghĩa huynh đệ… vẫn xảy ra trước mắt chúng ta mà nguyên nhân chính là vì tranh chấp của cải. Thánh Tông đồ dân ngoại đã nói với môn đệ Timôtê rằng: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (Tim 6,10).
Trong kiếp lữ thứ này, chúng ta không thể sống như thiên thần, không màng gì đến chuyện vật chất của tiền, vì không chừng sẽ rơi xuống thành loài vật (Pascal). Vấn đề đặt ra đó là phải biết làm chủ vật chất, tiền bạc cũng như phải biết tự do với nó. Một mẫu gương đáng cho chúng ta noi theo mà Tin Mừng hôm nay ghi lại đó là Phêrô. ” Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu không phản bác nghĩa là Người chân nhận điều ấy. Không phải Phêrô đã vất bỏ mọi sự, của cải vật chất. Nhà của ngài còn đó, thuyền của ngài còn đó…nhưng ngài sẵn sàng trao dâng cho Chúa khi Chúa cần dùng vì lợi ích của tha nhân, sẵn sàng gác nó một bên để lên đường đi rao giảng tin mừng.
Biết rằng đồng tiền dính liền khúc ruột, tuy nhiên khi khúc ruột ấy là khúc ruột thừa đã bị viêm hay là khúc ruột non dính ung bướu thì không thể không cắt bỏ đi. Nhiều thánh giáo phụ như Hiêrônimô, Âugustinô khẳng định rằng những gì chúng ta đang sở hữu trên mức cần thiết đều là của người nghèo. Ước gì thỉnh thoảng chúng ta biết tập sống anh hùng một chút khi sẵn sàng dâng trao vài trăm ngàn, dăm bảy triệu vì một việc từ thiện nào đó hay vì công cuộc truyền giáo nào đó. Quả là không dễ, nhưng không cái khó nào là không thể vượt qua, nhờ ơn Chúa giúp và quyết tâm của chính chúng ta.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây