CHÚA NHẬT LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Is 60,1-6; 1Tm 2, 1-8; Mt 28,16-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
16Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
SUY NIỆM: KITÔ HỮU, NHÀ TRUYỀN GIÁO VÀ NHÂN CHỨNG CHÚA KITÔ
Lời Chúa: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đòan phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật truyền giáo hôm nay mời gọi chúng ta, hãy trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Kitô cho muôn dân bằng lời cầu nguyện và bằng đời sống chứng nhân:
Cùng nhau đi khắp muôn phương,
Tung gieo chân lý tình thương cho đời.
Chúa xưa vì quá yêu người,
Chết trên thập giá giữa trời đơn côi.
Chứng nhân của Chúa bạn ơi,
Bằng đời gương mẫu, bằng đời thứ tha.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta đáp lại mời gọi của Chúa để hăng hái dấn thân loan báoTin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đã trao cho Hội Thánh sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa dạy chúng con cứ dấu ngày người ta nhận biết các con là môn đệ của Chúa, là các con hãy yêu thương nhau. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thần để Hội Thánh chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi dân tộc. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Hội Thánh được khai sinh vào ngày Chúa Hiện Xuống, dưới tác động mạnh liệt của Chúa Thánh Thần, đã làm cuốn đi mọi sợ hãi, phá tung mọi cổng kín tường cao, và từ đó các Tông đồ sống chết với việc loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi đe dọa, lúc thuận tiện cũng như trong nghịch cảnh. Các Tông đồ ra đi giữa muôn người, và đi khắp cùng thế giới để thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Người rời khỏi thế gian mà về cùng Thiên Chúa Cha: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”.
Thưa anh chị em, ngay từ giây phút đầu tiên được thành lập, Hội Thánh xuất hiện như một cộng đoàn những môn đệ của Chúa. Lý do hiện hữu của Hội Thánh là thực hiện sứ mệnh của Chúa Kitô, loan báo Tin Mừng cho thế giới. Hội Thánh gồm tất cả mọi thành phần dân Chúa được hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể để được sai đến với các dân tộc. Vì thế, trong cộng đoàn này, nếu những vai trò, những trách vụ và những đoàn sủng có khác nhau, thì ơn gọi truyền giáo vẫn là chung cho tất cả mọi người: hàng Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân. Tất cả được mời gọi thực hiện sứ mệnh của Đấng Cứu Chuộc. Công đồng Vat.II trong sắc lệnh Truyền giáo đã không ngần ngại xác nhận: Giáo hội lữ hành, tự bản tính là truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Chúa Cha. Nếu bản chất của Giáo Hội là truyền giáo và sứ mạng này không loại trừ một ai, thì việc thực thi sứ mạng này cần phải được quan tâm và thực hiện trong sự hướng dẫn của Chúa và Hội Thánh. Noi gương các tín hữu thời các Tông đồ và xuyên suốt dòng lịch sử của Hội Thánh, các tín hữu và nhất là các bạn trẻ ngày nay cần phải ý thức và thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói với các bạn trẻ: “nhân danh Chúa Kitô, cha mời gọi các con hãy trở thành những người Loan Báo Tin Mừng. Hãy phổ biến lời cứu rỗi bằng chính cuộc sống của các con, bằng tất cả những gì có thể, để biến đổi thực tại trần gian theo tinh thần Tin Mừng. Mọi tín hữu, xét như là thành phần của Hội thánh, cần phải nhận lấy và thực hiện trách nhiệm của mình, mỗi tín hữu cần phải làm cho những ai sinh sống trong gia đình, tại học đường, trong thế giới văn hóa, lao động … hiểu rằng Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta không thể nào sống lãnh đạm trước sự kiện hàng triệu người chưa biết hay biết không đúng những kho tàng vô giá của ơn cứu chuộc”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hôm nay, ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta được mời gọi để trở nên sứ giả loan báo Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Kitô: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”. Mỗi Kitô hữu chúng ta được sáp nhập vào Hội Thánh nhờ Bí tích Thanh Tẩy, đều được mời gọi làm nhà truyền giáo và chứng nhân. Loan báo Tin Mừng bằng lời cầu nguyện và bằng đời sống chứng nhân; bằng cuộc sống vui tươi, tin tưởng, hiệp nhất, yêu thương. Đó là lời loan báo Tin Mừng có tính thuyết phục: “Lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn”. Tuy nhiên, như Công đồng Vat. II dạy, người tín hữu không chỉ dừng lại ở đời sống chứng tá nhưng còn biết vận dụng mọi khả năng, mọi cơ hội để trình bày Chúa Kitô cho những người chung quanh. Hơn thế nữa, người tín hữu còn được mời gọi tham gia các sinh hoạt của Hội Thánh tại địa phương để làm nên một cộng đoàn loan báo Tin Mừng. Những đóng góp tiền của và công sức vào công cuộc truyền giáo điều có ý nghĩa tích cực trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng.
Nguyện xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết cải thiện đời sống để trở nên chứng nhân Tin Mừng của Chúa Kitô nơi môi trường chúng ta đang sống hầu cảm hóa nhiều người đến với Chúa. Amen.
Lm. Nguyễn Văn Quang.
SUY NIỆM: TRUYỀN GIÁO BẰNG CHỨNG TÁ:
Truyền giáo bằng chứng tá: Ai cũng có thể làm được
Có lẽ chúng ta đã nghe nói nhiều đến việc truyền giáo. Và thường chúng ta nghĩ rằng đó là việc của các linh mục, các nam nữ tu sĩ, của tiểu ban truyền giáo, hay của một số người có ơn gọi đặc biệt như Thánh Phaolô, Thánh Phanxicô Xaviê,… chứ chẳng phải là việc của mình. Tuy nhiên, truyền giáo là ơn gọi, là trách nhiệm gắn liền với mọi người Kitô hữu. Bao lâu còn là Kitô hữu, bấy lâu còn phải loan báo Tin Mừng. Có thể chúng ta không có khả năng lôi kéo, thuyết phục để cho người khác theo đạo, nhưng “nói” cho người khác biết về đạo bằng chứng tá đời sống thì ai ai cũng có thể làm được. Vậy chứng tá cụ thể đó là gì?
– Trước hết là chứng tá bằng đời sống cầu nguyện hy sinh
Đây là hoạt động đi đầu và không thể thiếu trong việc loan báo Tin Mừng. Nhìn thấy gương chúng ta cầu nguyện, gương chúng ta hy sinh, người ta sẽ được đánh động, được cảm hoá. Nếu đời sống tâm linh của chúng ta được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện hy sinh, thì mọi việc ta làm đều có giá trị truyền giáo, đều có khả năng làm cho người khác nhận biết Chúa và đem lại rất nhiều lợi ích cho các linh hồn. Như vậy, ngồi ở nhà, chúng ta vẫn có thể truyền giáo. Về điểm này, Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Ngài nói: “Dù cúi xuống nhặt một cây kim vì lòng yêu mến Chúa, tôi cũng có thể cứu được một linh hồn”.
Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện. Không ai có thể nói là tôi không có cơ hội để hy sinh. Và để rèn luyện được nếp sống thấm nhuần tinh thần cầu nguyện hy sinh, có sức giới thiệu Đức Kitô cho người khác, thiết tưởng chúng ta có thể nhờ đến Chuỗi Kinh Mân Côi. Nhờ Mẹ dẫn chúng ta bước đi từng bước nhỏ trên đường vâng phục thánh ý Chúa và phục vụ các linh hồn.
– Thứ đến là chứng tá bằng lối sống hiệp nhất yêu thương
Truyền giáo bằng việc giảng dạy, bằng sách báo, bằng các lớp Giáo lý, bằng các lễ nghi, bằng các hoạt động tôn giáo, thực tế là rất cần. Nhưng cách truyền giáo hữu hiệu nữa là chính nếp sống đạo đức nổi trội của chúng ta về sự hiệp nhất yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy thương yêu nhau”. Tình yêu thương hiệp nhất ấy được thể hiện qua cách suy nghĩ, cách phán đoán, cách chọn lựa, cách đối xử, cách phản ứng, cách hiện diện, cách phục vụ nói năng, ăn uống, giải trí, cách dùng thời giờ, sức khoẻ, của cải,…
Những dấu chỉ yêu thương hiệp nhất giữa mọi người trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo họ, giáo xứ là dấu chỉ loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất. Ngược lại, nếu thiếu tình bác ái yêu thương thì những việc tông đồ truyền giáo sẽ phản tác dụng. Xin dẫn chứng:
Một cô gái ngoại giáo lấy người Công giáo, láng giềng, bà con thấy cô ta đẹp người đẹp nết, nên giục cô ta vào đạo. Cô ta trả lời: “Khi nào cháu thấy đạo Chúa hơn đạo Phật, cháu mới vào”. Tìm hiểu, người ta mới biết được bà mẹ chồng dù rất siêng năng đọc kinh, dự lễ và đã từng bỏ ra gần cả một chục triệu bạc cùng với nhiều bà khác giúp cha sở đi Roma xin ơn Đức Giáo hoàng, nhưng bà đã từng sang giật nồi, lấy niêu của một bà hàng xóm nghèo chưa có tiền trả nợ cho bà. Cô dâu in trong lòng hình ảnh không tốt về mẹ chồng và về đạo. Do đó cô nhất quyết không theo đạo bao lâu chưa thấy người theo đạo sống tốt hơn.
Một khi tất cả nếp sống của chúng ta phảng phất hương thơm của tình hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là truyền giáo.
– Sau nữa là chứng tá bằng nếp sống có văn hoá, văn minh
Ngày hôm nay, xã hội đang phải đối diện với biết bao tệ nạn, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, các giá trị đạo đức luân lý bị băng hoại. Chính vì thế, nỗ lực của xã hội là xây dựng nếp sống lành mạnh, có văn hoá, văn minh. Đi đâu chúng ta cũng thấy có các bảng hiệu “khu phố văn hoá”, “thôn văn hoá, ấp văn hoá”…, lẽ nào chúng ta lại đứng ngoài, lẽ nào chúng ta lại không chung tay góp sức mình vào việc đó. Dĩ nhiên, nền văn hoá mà chúng ta phải xây dựng không phải là văn hoá sự chết, văn hoá tiêu diệt sự sống, mà là nền văn hoá bảo vệ và thăng tiến sự sống, sự sống ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Nền văn minh mà chúng ta phải kiến tạo không phải là văn minh của nền khoa học kỹ thuật khô cứng hay của chủ nghĩa duy vật hưởng thụ cực đoan, mà là nền văn minh của tình thương, nền văn minh của lòng bao dung tha thứ.
Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội hôm nay. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực: kinh doanh, sản xuất, buôn bán… với mọi hoàn cảnh từ thương gia đến kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên. Cũng làm việc, cũng mưu sinh, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chứng tá của mình, để ra sức sống tinh thần cầu nguyện hy sinh, yêu thương hiệp nhất, đồng thời nỗ lực xây dựng một cuộc sống tốt đạo đẹp đời hầu cho danh Chúa được ngày một cả sáng hơn. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
SUY NIỆM: CHUNG TAY ĐẮP XÂY GIÁO HỘI
Trong ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, Giáo Hội nhắc cho chúng ta nhớ lại lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”. Vậy Giáo Hội đã thực thi lệnh truyền này của Chúa Giêsu như thế nào?
Trước hết là các Tông đồ. Các ngài đã nhiệt thành ra đi rao giảng và đạt được nhiều kết quả đáng ngờ. Sách Công vụ tông đồ ghi lại: “Các tín hữu đầu tiên đã sống hợp nhất và để mọi của cải làm của chung. Họ bán ruộng đất, gia sản, lấy tiền phân chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Hằng ngày họ cùng nhau đi cầu nguyện, bẻ bánh ở tư gia. Họ ngợi khen Thiên Chúa và được dân chúng yêu mến, nhờ ơn Chúa, mỗi ngày số người được cứu rỗi một thêm đông”. Với tâm niệm “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng”, các tông đồ sẵn sàng đối mặt với những khó khăn và bắt bớ, “miễn là Đức Kitô được truyền rao”. Và cứ thế, sứ mạng truyền giáo được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hạt giống tin mừng bắt đầu triển nở khắp mọi nơi.
Đến thế kỉ thứ 16, những nhà truyền giáo đầu tiên đã đến Việt Nam. Từ đây, hạt giống Tin mừng bắt đầu được gieo vãi vào lòng những người dân Việt. Và cũng có không ít bậc tiền nhân đã dùng chính mạng sống của mình để bảo vệ hạt giống đức tin ấy. Đó là những nét vàng son và là những trang sử hào hùng về đời sống đức tin của cha ông chúng ta, trong việc thi hành sứ mạng truyền giáo mà Chúa Giêsu trao phó.
Nhắc lại cách ngắn gọn về lịch sử Giáo Hội như thế cũng đủ để ta thấy rằng, Giáo Hội qua mọi thời vẫn luôn đặt sứ mạng truyền giáo lên hằng đầu, và xem đây là sứ mạng cấp bách nhất.
Hôm nay, Mẹ Giáo Hội tin tưởng gửi trao nhiệm vụ cao cả này vào tay mỗi tín hữu chúng ta, để Tin mừng của Chúa Giêsu tiếp tục được lan tỏa đến mọi người. Vậy ta có thể tiếp nối và góp phần mình vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội bằng cách nào?
Thứ nhất là truyền giáo bằng việc rao giảng. Đừng ngại nói về Chúa cho người khác thưa anh chị em. Thánh Phêrô khuyên chúng ta, hãy sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn về niềm tin và niềm của mình. Môi trường ta đang sống có không ít anh chị em không cùng tôn giáo với chúng ta. Hãy mạnh dạn đối thoại với họ về đức tin của nhau, để cùng đưa nhau đến nguồn Chân Thiện Mỹ.
Thứ hai là truyền giáo bằng đời sống. Tiên tri Isaia mời gọi mỗi tín hữu hãy trở nên ánh sáng bừng lên giữa đời thường, để mọi người tìm đến và ca tụng Thiên Chúa. Về sau, chính Chúa Giêsu đã từng nói như thế: “Người ta sẽ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”. (Mt 5,16). Đây chính là cách thức truyền giáo sống động và hữu hiệu nhất.
Trước hết là qua các thực hành đức tin hằng ngày. Mỗi người hãy chu toàn bổn phận của người kitô hữu cách nhiệt thành: sẵn sàng hy sinh thời gian, công việc cho các thực hành đạo đức. Kế đến là qua đời sống hiệp nhất yêu thương. Những thành viên trong cùng 1 gia đình, 1 hội đoàn, 1 giáo xứ hãy hiệp nhất và gắn bó với nhau; hãy luôn lắng nghe và xây dựng cho nhau…Cũng đừng quên xiết chặt tình làng nghĩa xóm, thăm viếng nhau những khi hoạn nạn ốm đau, đặc biệt với những anh chị em không cùng tín ngưỡng bên cạnh mình… Rồi mỗi người cũng hãy làm chứng cho Chúa bằng lối sống công minh chính trực, nghĩa là ngay thẳng thật thà trong việc làm ăn buôn bán, cũng như thật thà trong lời ăn tiếng nói.
Và thứ ba là truyền giáo bằng cầu nguyện. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Các con hãy xin Chúa Cha để Ngài sai thêm nhiều thợ đến gặt lúa trong cánh đồng của Người”.
Thánh Phaolô cũng từng nhắc với chúng ta điều này: “Tôi khuyên ai nấy hãy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn Thiên Chúa, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 1.5). Do đó, điều trước tiên là mỗi người hãy không ngừng cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội; kế đến là cầu nguyện cho các nhà truyền giáo đang dấn thân để loan báo tin mừng, xin cho các ngài luôn can trường và hăng say, dù phải đối mặt với khó khăn thử thách; sau cùng là đừng quên cầu nguyện cho người ta mở lòng ra đón nhận Tin mừng.
Tóm lại, truyền giáo không chỉ là việc ra đi và đến một nơi xa xôi để rao giảng Tin mừng, vì đó chỉ là ơn gọi đặc biệt của một số người; nhưng truyền giáo còn là việc nói về Chúa cho những người bên cạnh chúng ta, truyền giáo bằng chính đời sống thường nhật của mình, và truyền giáo bằng lời cầu nguyện.
Như thế, mỗi người tùy theo tuổi tác, khả năng, hoàn cảnh và môi trường; đều có thể góp phần mình vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.
Và để kết thúc, một lần chúng ta cùng lắng nghe lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: NHÀ TRUYỀN GIÁO NHÍ
(LỄ THIẾU NHI)
Thiếu nhi chúng con rất thân mến, gần đây trên sóng truyền hình, liên tục xuất hiện các gameshow dành cho tuổi tí hon như: “Giọng hát việt nhí”,” Nhanh như chớp nhí”, “Siêu mẫu nhí”, “ Tìm kiếm tài năng nhí”…Nhân vật chính của các chương trình này là các bạn có độ tuổi “nhí” như chúng con. Các sao nhí đã có những biệt tài, những phong cách biểu diễn, những câu trả lời đối đáp và những sáng tạo cực đỉnh, khiến cho ban giám khảo và khán giả phải trầm trồ ngưỡng mộ. Điều này cho thấy, thiếu nhi chúng con “không phải dạng vừa”: “Tuy nhỏ nhưng có võ”.
Và hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng con tham gia vào một chương trình “gameshow” do chính Chúa Giêsu khởi xướng, mang tên: “Nhà truyền giáo nhí”. Có lẽ nhiều bạn trong chúng con đang phân vân, không biết chương trình này là chương trình gì, và làm sao để có thể trở thành một nhà truyền giáo nhí?
Sau đây là cách thức để trở thành quán quân chương trình “Nhà truyền giáo nhí” năm 2018 của một bạn học sinh lớp 7. Mời chúng con cùng lắng nghe.
Trong một buổi kiểm tra văn cuối học học kì 1, cô giáo ra đề thi như sau: “Hãy tả về chân dung người mẹ hay bố của em”. Một cậu học sinh lớp 7, là người Công giáo đã không ngần ngại đặt bút và viết: “Tôi có một người bố, Ngài là một người rất vĩ đại, Ngài đã chịu hi sinh chết cho cả nhân loại. Tên Ngài là Giêsu.
Ngài có vóc người gầy gò, mái tóc dài nâu, mũi Ngài cao, hai mắt Ngài hiền từ nhân hậu. Đôi tay Ngài đã chịu nhiều đau đớn, đôi chân Ngài đã đi rất nhiều nơi. Ngài có nước da ngâm và những chiếc răng trắng ngà. Ngài đã đi khắp nơi để rao truyền Phúc Âm. Đôi chân Ngài đặt đến đâu thì nơi đó là nguồn sống cho nhiều người. Bàn tay Ngài làm những phép lạ. Những lời Ngài nói ra đem đến sự sống cho nhiều người.
Từ khi cuộc sống tôi có Ngài, thì tôi không còn buồn bã nữa. Những ngày mới của tôi đều rất vui vẻ và rất hạnh phúc. Vậy mà tại sao những người có cuộc sống khó khăn nghèo khổ lại không tìm đến Ngài. Vì ai ở trong Ngài sẽ rất giàu có, phước lành của Ngài tuôn đổ trên cuộc sống họ. Tình yêu Ngài lớn hơn cả thiên đàng và sâu thẳm hơn cả đại dương. Ngài dạy tôi nhiều điều qua Kinh thánh. Ngài cho tôi sự khôn ngoan, lòng nhường nhịn, biết tiết độ và lòng thành tín. Ngài xóa bỏ tất cả tội lỗi của tôi và cho tôi trở lại với Ngài. Ngài yêu thương trẻ nhỏ và tất cả mọi người. Ngài giúp đỡ tôi trong mọi việc, kể cả việc mà không ai làm được. Ngài không ghét bỏ một ai, dù là người thậm tệ đến đâu. Nhưng Ngài rất ghét những người tham lam, không trung thực…
Tôi nghĩ mỗi người trong các bạn đều nên biết đến bố của tôi, vì người này sẽ yêu thương, chăm sóc và che chở cho các bạn và các bạn sẽ nhận sự cứu rỗi từ nơi Ngài. Tôi tin rằng, Chúa sẽ yêu thương tôi suốt đời và Ngài sẽ luôn là một người bố vĩ đại trong các bạn”.
Tuy kết quả bài thi của cậu chỉ được điểm 5 từ cô giáo dạy văn, nhưng lại được điểm 10 từ Chúa Giêsu. Thật vậy, chẳng mấy chốc bài văn của cậu được mọi người chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Người ta ca ngợi và tán dương chứng tá đức tin của cậu và tôn phong cậu là một “nhà truyền giáo nhí” của năm 2018. Vì qua bài văn của cậu mà nhiều người biết về Chúa Giêsu.
Thiếu nhi chúng con rất thân mến, vậy nếu hôm nay chúng con ghi danh tham gia chương trình “Nhà truyền giáo nhí” năm 2024, thì chúng con nghĩ chúng con phải làm gì để đoạt được giải quán quân?
Rất đơn giản, nó đang nằm trong tầm tay của chúng con, đó là chiếc điện thoại thông minh. Chúng con hãy mở khóa điện thoại, kết nối mạng, đăng nhập tài khoản facebook cá nhân, và giới thiệu Chúa cho mọi người. Bản tin ấy có thể là một câu lời Chúa, một hình ảnh về Chúa Giêsu, Đức Mẹ hoặc các thánh, hay cũng có thể là một lời cầu nguyện của chúng con.
Ai trong chúng con cũng có đều ít là 100 người bạn trên facebook. Mỗi ngày chúng con chỉ cần giới thiệu một lần về Chúa trên trang cá nhân của chúng con, thì có 100 bạn biết về Chúa. Như thế thì chẳng mấy chốc chúng con cũng đạt được danh hiệu “Nhà truyền giáo nhí” mà thôi, vì có thể khi làm như thế chúng con chỉ nhận được một vài like từ bạn bè, nhưng chúng con nhận được cả triệu like từ Chúa Giêsu.
Tóm lại, với cách thức này thì không riêng gì cậu học sinh lớp 7 trong câu chuyện vừa kể trên, cũng không riêng gì thánh “Anh Cu Tý”; mà ai trong chúng con cũng có thể trở thành 1 “nhà truyền giáo nhí”. Điều quan trọng là chúng con có đủ bản lĩnh dùng facebook của mình để nói về Chúa hay không mà thôi.
Xin Chúa ban thêm lòng mạnh dạn và can đảm cho chúng con, để ngay hôm nay, sau giờ học giáo lý này, hình ảnh của CGS sẽ xuất hiện trên facebook của chúng con. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: TRUYỀN GIÁO NHỜ QUYỀN NĂNG CHÚA
Truyền giáo là lẽ sống của Giáo Hội. Giáo hội không truyền giáo là Giáo hội đã đánh mất căn tính của mình và cũng đánh mất niềm vui của sứ vụ.
Năm xưa Chúa Giê-su đã tuyển chọn 12 tông đổ để huấn luyện thành người truyền giáo và Ngài đã ra lệnh cho các ông “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin mừng”. Ngài còn chọn thêm 72 môn đệ để thêm những cánh tay, những đôi chân ra đi đến với muôn dân.
Phúc âm kể rằng sau khi các ngài ra đi nhân danh Chúa để chữa lành bệnh tât, xua trừ ma quỷ và loan báo về Nước Thiên Chúa, các ngài đã vui mừng trở về kể với Thầy Giê-su về thành quả họ đã làm được. Chúa Giê-sua đã cùng các ngài tạ ơn Chúa Chavà qua đó Chúa cũng nói với các ngài đừng chỉ vui mừng vì thành quả mình làm được nhờ nhân danh Chúa mà hãy cảm tạ vì qua những việc làm đó “tên các con được ghi trên trời”.
Hôm nay nhân ngày truyền giáo liệu rằng chúng ta đã có thành tích nào để kể với Chúa. Suốt năm qua chúng ta đã nhân danh Chúa để làm gì? Công việc chúng ta khiđến với anh em chúng ta đã xua trừ sự dữra khỏi môi trường hay chỉ an phận thủ thường? Chúng ta đã có chương trình phục vụ bệnh nhân để chữa lành cho họ, hay cũng theo chủ trương “mackeno””của thói đời? Chúngta đã thực sự dám dấn thân để bảo vệ công lý vànâng đỡ kẻ yếu đuốihay chỉ bàn họp trên bàn giấy mà không đem ra thực hành?
Xemra từng người chúng ta phải đấm ngực tạ lỗi với Chúa rất nhiều. Nhìn lại những sinh hoạt của các giáo xứ và giáo phận dường như chưa có một công việc truyền giáo cụ thể nào để giới thiệu về tình yêu và lòng thương xót Chúa giữamuôn dân. Dân oan rất nhiều nhưng không thấy mục tử lên tiếng! Xã hội đầy thị phi bất công nhưng không thấy mấy ai dám dấn thân để đẩy lùi sự dữ!
Nhìn lại những sinh hoạt truyền giáo trong Giáo Phận chúng ta chỉ thấy những buổi tọa đạm, những báo cáo thành tích nhưng xa rời với thực tế. Bởi vì thực tế có mấy linh mục tu sĩ đã dành thời giờ để đến với lương dân? Đôi khi còn có những tông đồ của Chúa xa rời đàn chiên Chúa trao và cũng xa rời những con chiên không thuộc ràn mình? Có mấy ai đã thực sự sống dấn thân vì người nghèo và cho người nghèo đến quên bản thân? Giáo phận Xuân Lộc đã đào tạo hàng ngàn tác viên Tin mừng nhưng có mấy ai thực sự mong muốn tìm hiểu để trở thành nhà truyền giáo hay chỉ là đến học vì bổn phận mà bề trên bắt đi? Và sau khóa học thì mọi sự trở thành bình thường như mọi ngày? Cũngcó một vài nguời gọi là truyền giáo pa nô nhưng cũng chỉ là những công chức ăn lương hàng tháng và đi dạo cho qua ngày! Xem ra sự đào tạo này cũng chỉ mong cho các tác viên ấy sống tốt là quý rồi và không trông mong với kiến thức lượm lặt mươi ngày có thể đủ hành trang ra đi loan báo Tin mừng!
Chúa Giê-su khi sai các tông đồ môn đệ ra đi truyền giáo là Ngài ủy thác những công việc cụ thể. Người tông đồ truyền giáo không phải là những người chỉ nói thật hay để mị dân mà quan yếu là những hành vi cụ thể như: xua trừ sự dữ, xoa dịu nỗi đaubệnh tật, nghèo đói của đồng loại. . . Người tông đồ truyền giáo sống Tin mừng là tin mừng của yêu thương qua tấm lòng quan tâm chia sẻ với mọi phận người, nhất là những kẻ bé mọn mà Chúa gửi tới để ta bảo vệ chăm sóc.
Những năm gần đây chúng ta thấy có một hiện tượng rất lạ là nhiều người trên khắp miền đất nước kể cả lương giáo hayđến cầu nguyện Lòng Thương Xót với cha Trần Đình Long. Nhiều người nói rằng mình được ơn này ơn kia là do đến với cha Long lòng thương xót, và chính cha Trần Đình Long cũng để những người được ơn công khai nói lên ơn lành mình đã nhận được từ Lòng Thương Xót Chúa. Những buổi cầu nguyện Lòng thương Xót Chúa với những chứng nhân, cho tôi thấy những ai đến nơi đây cũng vui mừng như các môn đệ quay quần bên Chúa để kể với Chúa là những ơn lành họ được đều là nhờ vào Danh Thánh Lòng Thương Xót Chúa.
Thực hư của những chứng nhân chúng ta không dám phán xét, nhưng đối với Chúa Giê-su thì “không ai nhân danh Thầy mà trừ quỷ mà lại đi nói xấu Thầy”. Ở đây,ý Chúa muốn nói rằng nếu ai nhân danh Chúa thì họ có thể làm nhiều chuyện phi thường dù họ không là môn đệ Chúa, dù họ không phải là thánh nhân, nhưng Lòng Thương xót Chúa vẫn thi thố qua những con người hèn mọn ấy.
Như vậy, việc truyền giáo chỉ thành công khi chúng ta nhân danh Chúa mà làm. Chúa không đòi chúng ta bằng cấp tiến sĩ hay thạc sĩ, Chúa cũng không đòi chúng ta là thánh nhân, Chúa chỉ mời gọi hết thảy mọi người tùy khả năng hoàn cảnh mình để đến với anh em đểgiới thiệu về một Thiên Chúa gẫn gũi đầy yêu thương.
Xin Chúa giúp chúng ta biết truyền giáo khởi đi từ việc nhỏ nhất trong đời thường bằng việc nêu gương sáng cho tha nhân trong bổn phận và trong việc bác ái dấn thân xây dựng thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
SUY NIỆM: CÙNG NGƯỜI TRẺ LOAN BÁO TIN MỪNG
Tháng 10 tháng Mân Côi, cũng là tháng truyền giáo, Giáo hội ngoài khám phá lại vẻ đẹp của lời Kinh này, khuyến khích con cái mình siêng năng đọc kinh Mân Côi, Giáo hội còn mời gọi chúng ta dấn thân cho việc truyền giáo.
Nhưng Chúa nhật truyền giáo để làm gì ?
Để nhắc lại rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo ; mục đích đầu tiên của Giáo hội khi được Chúa Giêsu thiết lập là truyền giáo.
Ai phải truyền giáo?
Là chi thể của Hội Thánh, tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói : “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Với lại, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta : “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảngTin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15). Thánh Phaolô kêu lên : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).
Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.
Nếu như Isaia con trai Amót được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa… trong ngày sau hết” (x. Is 2, 1-5). Thánh Phaolô cho người con tình thần của mình biết: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2, 4 – 6). Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo hộichứng tỏ bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly : “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”
Ðức Bác Ái là linh hồn của sứ mạng truyền giáo.
Thánh Phaolô viết : “Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5, 14). Đức Kitô thúc bách những người đã chịu phép Rửa tội nam phụ cũng như lão ấu, kể cả người đau yếu lẫn người nghèo, khi đã đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, có sứ mạng rao giảng và mang tình yêu cho hết mọi người, bằng lời nói và chứng tá cụ thể của Đức Ái. Truyền giáo là gì nếu không phải là loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã làm. Ngài không những đã hăng say loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, Ngài còn hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu đó. Hơn thế nữa, Ngài mạc khải và nhập thể tình yêu đó nơi chính bản thân mình. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Nơi Ngài, tình yêu chiến thắng tội lỗi và sự chết. Vì thế, sứ điệp Tin Mừng Nước Thiên Chúa trở thành Tin Mừng Phục Sinh, Niềm Hy vọng cho toàn thế giới.
Nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói : “Sứ mạng của Giáo Hội kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô. Giáo Hội không ngừng rao giảng cho thế giới Tình Phụ Tử của Thiên Chúa, bằng việc rao giảng và bằng chứng tá của những con cái mình…nhờ việc thực hành mệnh lệnh tình thương đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em”. Ngài cũng khuyến khích mọi thành phần trong Giáo hội can đảm khởi hành “mùa truyền giáo mới”, vì “Giáo Hội cần đến với con người… công việc cao cả nhất là công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô”, ngài kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ: hãy mở toang mọi cửa để tiếp đón Chúa Kitô”(Huấn Đức ngày 22 tháng 10/2000, tại Roma).
Cử hành ngày Thế giới Truyền giáo năm 2018 diễn ra trong bối cảnh THĐGM tại Rôma bàn về giới trẻ, nên Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chủ đề “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.
Ngài nhắc đến sứ mạng làm chứng và rao giảng Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Ngài viết : “Sứ mạng thông truyền đức tin, trọng tâm sứ mạng của Giáo Hội, diễn ra qua sự ‘hay lây’ của tình thương, trong đó niềm vui và sự phấn khởi biểu lộ ý nghĩa được tìm lại và sự sung mãn của cuộc sống. Sự loan truyền đức tin bằng sự thu hút đòi chúng ta phải có con tim cởi mở, được tình yêu làm nở rộng”.
Nhắc đến lời Chúa dạy các môn đệ hãy mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất, Đức Thánh Cha cắt nghĩa : “Những môi trường con người, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa Giêsu và sự hiện diện bí tích của Giáo hội chính là những khu ngoại ô tột cùng”, những bờ cõi của trái đất: mà các môn đệ thừa sai được gửi đến từ Chúa Giêsu Phục Sinh, với niềm xác tín có Chúa luôn ở cùng (Mt 28,20; Cv 1,8). Ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại hệ tại điều đó.
Ngài giải thích thêm rằng “Khu vực ngoại ô tiêu điều nhất của nhân loại đang cần Chúa Kitô chính là sự dửng dưng đối với đức tin hoặc thậm chí đó là sự oán ghét chống lại đời sống sung mãn trong Chúa. Mỗi sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, mỗi sự kỳ thị chống lại các anh chị em luôn luôn là hậu quả của sự từ chối Thiên Chúa và tình thương của Ngài”.
Ngỏ lời với các bạn trẻ Đức Thánh Cha viết : “Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (x. Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối vơi một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình”.
Lạy Mẹ Maria, Ngôi Sao truyền giáo, xin cầu thay nguyện giúp chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM: ĐỨC MARIA, MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO.
Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao Chúa Nhật Truyền Giáo lại được nhắc trong tháng Mân Côi, tháng dâng kính Đức Mẹ, cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm tình thương của Thiên Chúa, bằng những tràng chuỗi đơn sơ và thành kính nhất qua lối cầu nguyện theo Tin Mừng. Những dòng suy niệm này trả lời cho tôi câu hỏi đó.
Những trang Tin Mừng về Đức Maria thật là phấn khởi cho trần thế chúng ta. Có một người phụ nữ, mang trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa vào trong lòng nhân thế. Nhân loại vui mừng bởi sự đón nhận này của Mẹ Maria, “để từ nay mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những kỳ công lớn lao nơi Mẹ và còn làm những điều lớn lao ấy cho nhiều tâm hồn nhân thế chúng ta.
Sự chuẩn bị một tâm hồn vô tì tích là sự chuẩn bị của Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thực hiện nơi Đức maria những điều lớn lao, bởi Mẹ là người đã để Chúa Thánh Thần hoạt động và làm phát sinh hoa trái của Người. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1, 35), hoa trái của Chúa Thánh Thần là hoan lạc và bình an. Mẹ đã mang hoan lạc và bình an của Thiên Chúa cắm rễ vào trong trái đất. Maria, công trình tuyệt diệu của Chúa Thánh Thần, nhân thế có một con người được Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho sự toàn vẹn để xứng đáng đón nhận Đức Giêsu, Con thiên Chúa vào trong lòng nhân thế, lịch sử đã đổi hướng đi về nguồn ơn cứu độ, về niềm vui của Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa, và trở nên hiện thực trong sự cưu mang này. Đức Maria trở nên người diễm phúc là nhờ sự chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần có thể làm cho con người tội nhân của Eva cũ, xuất hiện một Eva mới vô tì tích, trong trắng đẹp lòng trước mặt Thiên Chúa. Maria, công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện cho nhân loại.
Maria, là người Mẹ truyền giáo đúng nghĩa nhất, bởi sự tinh tuyền của Mẹ, bởi Mẹ là kỳ công của Chúa Thánh Thần hoạt động trên trái đất này. Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa cho thế gian và đưa Con Thiên Chúa vào trong thế gian và đó là Tin Mừng đúng nghĩa nhất cho trần thế. Từ nay, nhân loại nhận ra rằng: Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. Đức Giêsu Con lòng Mẹ, một Người Con của nhân loại, một người Con của Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ, suối trào niềm vui cho nhân thế.
Người loan báo Tin Mừng là người được Chúa Thánh Thần tác động cách đặc biệt trên cuộc đời của họ. “Đức Maria lên đường vội vã” (Lc 1, 39). Sự vội vã của con người mang niềm vui khôn tả, thúc đẩy mau mắn lên đường, nhắc lại hình ảnh xưa Isaia đã tiên báo: “Đẹp thay trên núi đồi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Sion rằng: “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị” ”. (Is 52, 7). Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi, không thể không vui và niềm vui chất ngất, thúc đẩy lên đường loan báo tin vui. Nếu trong lòng tôi và trong lòng bạn mang niềm vui ngập tràn như thế tôi và bạn cũng sẽ vội vã lên đường loan báo. Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng đúng nghĩa bởi vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần. Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo.
Không chỉ là loan báo mà thôi, Đức Maria còn là người công bố Tin Mừng. Người công bố là người đã xác tín một cách chắc chắn về những gì Thiên Chúa đã làm cho mình. Đức Maria đã nghiệm thấy như thế trong cuộc đời của Mẹ: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49). Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình, người loan báo sẽ đi xa hơn nữa để, công bố Tin Mừng Thiên Chúa đã làm cho mình. Sự công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy. Sứ vụ loan báo Tin Mừng hôm nay, cần chứng nghiệm nơi người loan báo Tin Mừng như thế, bởi vì người ta đang cần chứng nhân hơn thày dạy. Đức Maria nhận ra bàn tay Toàn Năng của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nên Mẹ là người công bố sứ điệp chắc chắn về Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Niềm xác tín của Đức Maria mang một chiều kích rất riêng tư, nhờ Mẹ đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3, 51). Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình, là cuộc trao đổi, đối thoại giữa nhưng khó khăn, thử thách. Đức Maria trở thành người công bố Tin Mừng, bởi Mẹ đã chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa thực hiện cho dân tộc, cho chính Mẹ. Sự chiêm ngắm, đối thoại dẫn đến một xác tín riêng tư chắc chắn để đi đến một công bố cho muôn người. Con đường cầu nguyện của Đức maria đã đi qua là con đường mời gọi những người truyền giáo hôm nay thực hiện.
Truyền giáo không là công cuộc cày xới những mảnh đất hoang, cũng không là công cuộc cải đạo cho những người khác niềm tin. Đối với Đức Maria truyền giáo có nghĩa là đem chính Đức Giêsu cho nhân loại. Đức Giêsu có là niềm vui cho bạn không? trước khi là niềm vui công bố cho người chung quanh bạn, trở lại niềm xác tín này chúng ta trở lại niềm xác tín của Đức Maria, khi Mẹ xác tín: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1, 46). Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui của Đức Giêsu trong lòng Mẹ. Đức Maria không mang niềm vui nào khác ngoài niềm vui: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Niềm vui của Thiên Chúa trong ngày Thiên Chúa đoái thương, ngày nào không là ngày Thiên Chúa đoái thương, nhưng đôi lúc chúng ta lại quên mất cảm nghiệm thực sự điều này, để rồi sứ vụ truyền giáo của mỗi thành viên chúng ta cứ hoài dang dở. Đức Maria đã mang chính Đức Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố, trao tặng cho nhân loại.
Dù là người loan báo, dù là người công bố Tin Mừng đi chăng nữa, Đức Maria luôn đặt mình dưới sự bảo trợ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Không thể tách rời Đức Maria khỏi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần. Dù Đức Maria có được như thế nào chăng nữa, Mẹ cũng luôn đặt mình trong tâm khảm của người: “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48). Người truyền giáo cũng thế, không thể tách rời Chúa Thánh Thần với hoạt động của mình được. Ai có thể chinh phục sự sâu thẳm của lòng người quy hướng về Thiên Chúa, nếu đó không phải là tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mời gọi con người theo nhiều nẻo đường khác nhau, để quy tụ cho Thiên Chúa một Dân được hiến thánh. Chúng ta là những dụng cụ Thiên Chúa dùng, và hãy đặt cuộc đời mình vào bàn tay của Thiên Chúa.
Không có công trình nào là thua mất cả với ánh mắt nhìn đức tin của Đức Maria, đôi khi gặp những người cứng cỏi quá sức, hãy phó dâng cho Thiên Chúa, như người gieo giống chỉ biết chờ đợi cho hạt giống nảy mầm. Đức Maria đã thấy nghiệm điều này trong cuộc đời của Mẹ: “Chúa biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51). Chúng ta cần biết chờ đợi điều Thiên Chúa sẽ cho mọc lên, sự chờ đợi là một bài học cuối kết thúc cho sứ vụ truyền giáo chúng ta học nơi Đức Maria.
Kính dâng Mẹ những suy nghĩ này, bởi hơn ai hết Mẹ là vị Thày tốt nhất dạy chúng con sống sứ vụ truyền giáo.
Lm. Hoàng Kim Toan
SUY NIỆM: SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO LÀ MỘT HỒNG ÂN
Bằng những kinh nghiệm trong sứ vụ truyền giáo Thánh Phaolô đã khuyên nhũ Timôthê: “Người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3, 17). Hiệp thông với Giáo Hội trong ngày Chúa Nhật truyền giáo hôm nay, quả là một đòi hỏi cấp thiết và cần kiếp cho sứ vụ truyền giáo.
Trong Thông điệp “Sứ mạng Đấng Cứu Thế” số 11 đã trình bày lý do phải Truyền giáo là: ngoài mệnh lệnh của Đức Giêsu Kitô sai các môn đệ đi khắp thế giới rao giảng Tin Mừng, Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt nền tảng của việc truyền giáo trên quyền lợi cao quý nhất của con người, đó là quyền của con người được biết sự thật.
Đó là quyền mà Giáo hội luôn tôn trọng và luôn đòi hỏi người truyền giáo luôn ý thức phải nói cho người khác biết sự thật về phẩm giá cao quý của mình. Phẩm giá đó chính là việc Thiên Chúa yêu thương con người, mời gọi con người thông dự vào sự sống của Ngài, nhờ hồng ân cứu rỗi qua Đức Kitô.
Nơi Đức Giêsu, ngài đã thực hiện sứ vụ truyền giáo: “Tôi từ trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi…Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”(Ga 6, 38-40).
Một sứ vụ được biểu hiện tinh thần vâng phục và yêu mến. Trong 04 Tin Mừng, thì Tin Mừng theo Thánh Gioan điều này nổi bật nhất: Vâng lời – Yêu thương và Hiệp nhất. Người truyền giáo là người muốn sống đời sống đạo đức, thì cũng có nghĩa là phải chịu bắt bớ cùng với Đức Kitô (2 Tm 3, 12).
Như vậy những người đi theo Đức Giêsu phải cùng sống trong yêu thương và hiệp nhất, để thế gian tin (Ga 17,21-32). Do đó, cộng đoàn được Chúa Giêsu sai đi làm chứng cho Ngài bằng sự hiệp thông của họ, như Ngài đã sống sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Như chính Ngài đã cầu nguyện: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta…; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17, 20-23).
Trong Sắc lệnh Truyền giáo, Công đồng Vaticanô II cũng đề ra 3 lýdo:
– Chúa Giêsu trước khi về trời đã dạy: “Vậy Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em ” (Mt 28,19-20). Nên Hội Thánh phải vâng lời Đức Kitô mà thi hành sứ mạng truyền giáo cho muôn dân.
– Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án ” (Mc 16,15). Đây là tính chất công giáo tính của Giáo hội.
– Chúa Giêsu cũng mời gọi “Chính anh em là muối đất và ánh sáng trần gian” (Mt 5,13-14). Là những điều cần thiết để sống Hiến Chương Nước Trời.
Nhìn vào thực trạng của Giáo Hội hôm nay, người kitô hữu đang đánh mất dần căn tính Kitô của mình. Vì mọi áp lực trong cuộc sống giữa xã hội, vì đấu tranh sinh tồn nên nhiều giáo dân không còn bận tâm nhiều đến các nghi thức tôn giáo như dự lễ Chúa Nhật, lãnh nhận bí tích, thực hành luân lý Kitô giáo…Vì thế, các giá trị Tin Mừng trong cuộc đời của họ giống như những ngọn đèn leo loét đang cạn dần dầu và sắp phụt tắt trước những luồng gió mới của thời đại. Nghĩ rằng họ đáng thương hơn là đáng trách. Đó là những con người đang cần đến các nhà truyền giáo đến giữa họ, để nói cho họ về Đức Giêsu đang yêu họ, để đời sống đức tin của họ và con cháu họ được hồi sinh trong yêu thương và hiệp nhất.
Sứ vụ truyền giáo không tập trung cho một thành phần trong Giáo hội, mà tất cả mọi người con trong Giáo Hội đều được Chúa Kitô mời gọi và sai đi thực hiện sứ vụ truyền giáo. Một cách ý thức sâu xa hơn và được xác quyết trong lời nói Đức Giêsu: “ vì Tôi tự trời mà xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. ” (Ga 6, 38). Như thế khi ta làm công việc truyền giáo, là ta tìm đến cùng đích để chiêm ngưỡng khuôn mặt của Chúa Cha mà tôn vinh Ngài. Đó cũng là quan điểm truyền giáo hiện nay của Giáo hội.
Vậy thì qua sứ vụ truyền giáo:
– Trước hết ta phải xác định không phải là một công việc nhưng là một hồng ân Thiên Chứa ban và ta cần phải đón nhận.
– Thứ đến, là phải tái truyền giáo chính bản thân mình, nghĩa là phải ăn năn hối cải, chỉnh sửa tinh thần sống được trở nên tốt trong khiêm nhường.
– Và cuối cùng thì chính ta phải là một chứng nhân. Vì con người ngày nay tin vào chứng nhân hơn là Thầy dạy.
Tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải có đức tin. Đức tin đó đã được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến trong Sứ điệp truyền giáo năm 2013 như sau: “Đức tin là quà tặng quý giá của Thiên Chúa, không dành riêng cho một vài người nhưng được ban tặng một cách quảng đại. Tất cả mọi người đều có thể trải nghiệm niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, niềm vui của ơn cứu rỗi! Nó là một món quà mà người ta không thể giữ riêng cho mình, nhưng để được chia sẻ. Nếu chúng ta muốn giữ nó cho riêng mình, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu cô lập, son sẻ và bệnh hoạn”. (trích số 1 – sứ điệp truyền giáo 2013).
Ta có thể trở lại với bài Tin Mừng của chúa nhật hôm nay. Nếu Ông quan tòa không có đức tin thì ít ra ông ta cũng đã làm một việc mà bổn phận ông ta phải làm, đó cũng chính là phương cách sửa mình để những gì ta đang có một giá trị tương xứng. Và nếu nói về đời sống cầu nguyện, thì đó là một sự cố gắng để mình ý thức trách nhiệm, vai trò, bổn phận của một người kitô hữu trong sứ vụ truyền giáo, mà hình ảnh ông Môisen cố gắng giăng tay cầu nguyện để cho dân Israel được thắng trận là một bài học thích ứng cho người kitô hữu chúng ta.
Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo vẫn còn thiếu nhiều thợ gặt. Xin Chúa kiện toàn những gì Chúa đã khởi sự trong thế gian, để thế gian nhận biết Chúa mà chúc tụng, tôn vinh Chúa mãi đến muôn đời.
Lm. Mặc Nhân