CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ sáu - 18/10/2024 07:45
 CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B
Is 53,10-11; Dt 4, 14-16; Mc 10,35-45

 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
35 Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”.
36 Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”.
37 Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. 38 Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”.
39 Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
41 Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: 42 “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế.
43 Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. 44 Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.
45 Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

SUY NIỆM: CHUYỆN HAI ANH EM NHÀ DÊBÊĐÊ
Ngày 7/10/2021, Thủ Tướng gửi công điện hoả tốc yêu cầu các tỉnh thành hợp tác tạo điều kiện cho những ai muốn có thể trở về quê an toàn, bình an trong mùa dịch này! Xem các hình ảnh, clip người dân chở nhau về quê trên những chiếc xe hai bánh, có khi còn là xe đạp hay đi bộ nữa, với quãng đường hàng trăm, có khi hàng ngàn cây số, mà thương dân mình quá! Và tôi ngạc nhiên: tại sao tình hình như vậy mà các vị lãnh đạo phải chờ đến thủ tướng ra lệnh mới làm. Làm lãnh đạo phải dự đoán được làn sóng dân trở về quê lần này, vì trước đó ít lâu đã có lần dân muốn về quê mà không được phép, nên lần này phải chuẩn bị cho việc này chứ, tại sao lại chặn dân lại như vậy?!
Ngoài tài năng, còn cần đến tấm lòng nữa mới làm lãnh đạo được! Mà phần tấm lòng này lại rất cần, nếu không, tài năng kia chỉ được sử dụng nhằm tìm lợi ích cá nhân, phe nhóm thôi!
Ngày 11.10, Giáo hội mừng lễ Thánh Giáo Hoàng Gioan 23, tôi nhớ ngay đến tên mà người ta đặt cho ngài “người cha tốt bụng” (buon papa). Ngài là con người rất bình dị và gần gũi với người bình dân, ngay cả khi là giám mục, Hồng Y và giáo hoàng nữa! Tấm lòng mục tử khiến ngài trở nên liều lĩnh, dấn thân giải quyết những vấn đề khó khăn của Giáo Hội khi làm sứ thần, nhất là liều lĩnh khi mở công đồng Vaticanô II, đưa đến những chuyển biến vô cùng quan trọng cho Giáo Hội trong cách hiện diện và trong sứ mạng với trần thế. Sự liều lĩnh này khởi đi từ cảm nhận của người cha tốt bụng: không muốn Giáo Hội sống trong sự đối đầu với xã hội trần thế! ( Lm Giuse Nguyễn Trọng Sơn, suy niệm Lễ Thánh Giáo Hoàng Gioan 23, ngày 11.10.)
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy bài học “làm lớn”, “làm đầu” cho các Tông Đồ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Đây là nẻo đường duy nhất đưa tới uy tín và sự cao cả thật sự. Phục vụ là tiêu chuẩn giúp đánh giá sự cao cả và thành công đích thực. Ai là người tôi tớ của mọi người, ai phục vụ nhằm mưu ích cho kẻ khác, với trọn tâm hồn, với tất cả sức lực, người ấy thật sự là người đứng đầu mọi người.
Đọc kỹ câu chuyện Tin Mừng, ta thấy hai anh em nhà Dêbêdê có vẻ như thấy mình được “cưng” cách riêng nên dám đến nói nhỏ với Đức Giêsu, và xin Người “ừ” trước rồi mới nói ra điều mình xin: “Thưa Thầy, chúng con xin Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”. Người cũng có vẻ gật đầu trước: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”. Họ nói rõ điều họ muốn. Có vẻ như họ nghĩ phen này lên Giêrusalem là Thầy lên làm vua đây. Đến phiên Đức Giêsu cũng đòi họ “vâng” trước: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nỗi chén Thầy sắp uống không, hay chịu được Phép Rửa mà Thầy sắp chịu không?”. Các ông không biết mình xin gì và cũng chẳng hiểu “chén Thầy sắp uống”, “Phép Rửa Thầy sắp chịu” là gì, nhưng hiểu rằng hễ chịu điều kiện ấy thì sẽ được như ý, nên trả lời ngay: “Thưa được”. Điều kiện thì Người cho ngay: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. Còn điều họ xin thì sao?. “Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.
Thế là hai anh em chưng hửng! Nhưng không hiểu sao mười ông kia cũng biết chuyện hai anh em “đi cửa hậu” và phản ứng: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Sự hục hặc giữa các ông làm sao qua mắt Đức Giêsu được. Người dùng dịp này dạy dỗ các ông: Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Vẫn là chuyện các ông tranh dành địa vị với nhau. Lần trước thì Người đem một em bé làm mẫu. Lần này Người phân biệt cung cách của các môn đệ với cung cách của người đời. Môn đệ thì phải theo gương Thầy chứ đừng theo kiểu người đời. (Lm Giuse Nguyễn Công Đoan, Tĩnh tâm với sách Tin Mừng Maccô.)
Rõ ràng, sự ganh đua quyền thế gay gắt đến nỗi làm các môn đệ từ một “Nhóm Mười Hai” lại chia thành phe cánh: “mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó”. Họ ganh tỵ, xét cho cùng, họ cũng đầy cao vọng. Họ cũng cao vọng bằng hai anh em nhưng họ không đủ can đảm để xin như anh em nhà Dêbêdê. Như một bậc thầy cao thượng và một nhà giáo dục khôn ngoan, Đức Giêsu vẫn bình tâm. Người đón nhận sự im lặng vô tâm của Nhóm Mười Hai. Người ân cần lắng nghe lời thỉnh cầu. Người cho họ biết rằng, những chỗ danh dự trên trời không dành cho những kẻ bè phái, nịnh hót, xin xỏ, nhưng dành cho những người xứng đáng. Người thẳng thắn đặt anh em nhà Dêbêdê trực diện với vấn đề và trực tiếp chất vấn các ông: “Các con không biết các con xin gì! Các con có uống nỗi chén Thầy sắp uống không?”. Người đưa ra xác quyết nhưng lại mở ngỏ cho lời đáp trả bằng cách ‘kéo Chúa Cha vào cuộc’: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”.Và nhất là, Người qui tụ các môn đệ trở lại vào nhóm, bên cạnh Người để có những lời rỉ tai, những lời của con tim thổ lộ với con tim: “Anh em biết… Giữa anh em thì không được như vậy…”. Chúa Giêsu dạy các ông lối hành xử của Người: muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ phục vụ mọi người. Chọn con đường cứu chuộc bằng thập giá, Người đã muốn sống tinh thần phục vụ.
Chúa Giêsu thanh luyện các môn đệ không chỉ bằng thái độ và lời nói, mà còn bằng chính đời sống gương sáng của Người. Sự đối lập giữa “làm đầy tớ” và “làm đầu” đòi hỏi một sự hoán cải trọn vẹn. Các môn đệ muốn làm đầu, Chúa Giêsu bảo: muốn làm đầu phải làm tôi tớ phục vụ mọi người. Đây là việc phục vụ của người hiến dâng bản thân, luôn quan tâm đến tha nhân vì yêu thương.
“Ai muốn làm lớn”, “Ai muốn làm đầu”, Chúa Giêsu không nói: “Ai được đặt làm lớn; ai được đặt làm đầu”, nhưng nói đến ý muốn, và ý muốn này đang có nơi các môn đệ và cũng đang có nơi tất cả chúng ta. Chính Chúa đã nói ý muốn của mình: “Con Người đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Tác giả thư Do Thái triển khai việc làm đầy tớ qua hình ảnh vị Thượng Tế biết “cảm thương” nỗi yếu hèn của nhân loại (x.Dt 4,13). Ngôn sứ Isaia lại tiên báo việc làm đầy tớ bằng hình ảnh người tôi tớ trung thành chịu đau khổ để gánh lấy hậu quả tội lỗi con người (x.Is 53,10-11).Vì thế, phục vụ và hiến dâng cũng phải là lẽ sống của người môn đệ. Phục vụ và hiến dâng cũng phải là lẽ sống của những ai theo chân Chúa. Phục vụ là giúp đỡ, là làm đầy tớ, là bạn đồng hành chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của họ.Trong gia đình, ông bà cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Ngoài xã hội, mỗi người là một thành phần đóng góp công sức phục vụ nhân quần xã hội. Trong Hội thánh, trong cộng đoàn lớn nhỏ, mỗi người là một chi thể sống và làm việc vì lợi ích cho tập thể.Vậy thì ai cũng là một người phục vụ. Nhưng để trở thành người phục vụ tốt, gương mẫu, xứng đáng cần hội đủ một số đức tính căn bản như khiêm tốn, quảng đại, tế nhị, tận tâm và hy sinh quên mình.
Lịch sử cho thấy rằng những người “làm đầu” ngoài xã hội cũng như trong giáo hội, nếu xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn hay đã từng kinh qua nhiều gian khổ thì thường dễ “làm đầy tớ” cách thực sự và đúng nghĩa hơn. Quả thật, để thực sự làm đầy tớ, tiên vàn cần phải có sự đồng cảm, đồng thân, chung phận một cách nào đó. Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta khi “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11).
Xã hội có ngày càng công bằng, văn minh, thịnh vượng hay không, Giáo hội có ngày càng tinh tuyền, thánh thiện hay không, chắc hẳn phụ thuộc rất nhiều vào việc những người đứng đầu có thực sự sống tôn chỉ “làm đầy tớ nhân dân”, “làm tôi tớ của đàn chiên” hay không. Mong sao tôn chỉ ấy không dừng lại ở khẩu hiệu hay ở các bài phát biểu hùng hồn, nhưng được hiện thực hóa bằng việc làm và thái độ sống của những người làm đầu. Ngoài việc các đầy tớ phải hiến dâng mạng sống vì chủ, thì có thể nói một trong những tiêu chí để thẩm định các vai vế chủ – tớ có chính hiệu không, thì hãy xem các ông chủ tức là người dân, các con chiên, có được phép và được quyền mạnh dạn mở miệng nói lên suy nghĩ, nhận định của mình hay trình bày các nhu cầu chính đáng của mình trước các vị “đầy tớ” hay không, và dĩ nhiên không thể thiếu sự chân thành lắng nghe của các vị này. (Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa, suy niệm Chúa nhật 29 TN B: Làm đầy tớ.)
Chúng ta theo Chúa, chỉ mong được ban một chỗ thật gần bên Chúa. Bên phải bên trái là sát bên Thầy. Mà Chúa đồng hóa mình với người tôi tớ, người bé nhỏ, người hèn mọn, cho nên càng là người tôi tớ, càng phục vụ, càng được ở gần Thầy.
Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã nói: “Hoa quả của đức tin là tình yêu, hoa quả của tình yêu là phục vụ và hoa quả của phục vụ là bình an”. Một tình yêu đích thực sẽ luôn làm nảy sinh sức sống mãnh liệt giúp cho việc phục vụ đạt tới cùng đích cuối cùng. 
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM : PHỤC VỤ CHÚA VÀ THA NHÂN
Ðể hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải tìm hiểu những gì đã xảy ra trước đó. Ðây là lần thứ ba Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ cuộc Thương khó và Phục sinh của Người trên đường lên Giêrusalem (xem Mc 8,31-32; 9,31-32). Thánh sử Máccô nói thêm rằng: Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi.” (Mc 10,32). Ngay sau đó, ông Giacôbê và ông Gioan đến gần Chúa Giêsu để xin Người một đặc ân, đó là cho hai anh em, một người bên hữu, một người bên tả Người, khi Người được vinh quang. Mặc dù Chúa Giêsu nhắc lại cuộc Thương khó của Người, hai môn đệ này vẫn không hiểu gì cả! Nhưng không chỉ có hai người này, mà cả mười môn đệ khác cũng vậy, vì mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và Gioan”. Có nghĩa là trong lòng họ cũng có cùng ước muốn như hai anh em nhà Dêbêđê. Chúa Giêsu nói đến cuộc khổ nạn của Người, còn các môn đệ lại chỉ nghĩ đến danh dự, địa vị và quyền hành!
Nhân dịp này, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ một bài học về quyền bính. Người so sánh quyền hành thống trị và áp bức của các nhà cầm quyền với quyền hành được thực hiện như một sự phục vụ. Các môn đệ của Người phải thực thi quyền bính của mình bằng sự phục vụ này. Một quyền hành cho những người khác, chứ không phải quyền hành trên người khác.
Tìm kiếm quyền bính là một khuynh hướng tự nhiên và nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người luôn tiến về phía trước. Ước muốn thống trị dưới hình thức thể xác, trí tuệ, chính trị, tài chánh, v.v... vốn là bản chất của con người, không nhiều thì ít. Người ta luôn cố gắng để có được địa vị cao hơn, hoặc cao nhất trong xã hội. Người ta muốn được hạng nhất, dù phải đè bẹp và triệt hạ những người khác. Còn Chúa Giêsu, Người đảo ngược hoàn toàn các bậc thang giá trị tự nhiên của con người: Ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người.”
Người ta kể rằng, một ngày kia, Ðức Hồng Y Roncailli, sau này là Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, mới đi xa về. Các giám mục ra tiếp đón ngài. Ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy mấy cọng rơm trên vai áo ngài. Ai hỏi, ngài cũng cười xoà vui vẻ, nhưng các nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Số là trên đường về, khi đi qua những cánh đồng, Ðức Hồng Y thấy một chiếc xe bò chở rơm sa xuống hố. Người đánh xe gắng sức đẩy nhưng xe vẫn không nhúc nhích. Ðức Hồng Y cho xe dừng lại, xắn tay áo và phụ đẩy xe lên. Vì Đức Hồng Y là người vạm vỡ nên chiếc xe được kéo lên nhanh chóng. Sau này khi trở thành Giáo Hoàng Gioan XXIII, ngài vẫn tiếp tục sống giản dị như thế. Lần khác, cả giáo triều Rôma báo động: Ðức Giáo Hoàng mất tích! Nhân viên an ninh đổ xô đi tìm. Cuối cùng người ta gặp ngài đang chuyện trò thân mật với các tù nhân trong khám đường Rôma. Ðây quả là một mẫu gương về sự đơn sơ và phục vụ.
Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”, đó là điều mà Chúa Giêsu đã làm trong suốt cuộc đời của Người. Thánh Phaolô viết: Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa... đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7). Nếu mở bất cứ trang nào trong các sách Tin Mừng, ta đều bắt gặp hình ảnh Chúa Giêsu tiếp xúc với mọi tầng lớp trong xã hội, Người giúp đỡ những người cùng khổ, bị xã hội ruồng rẫy. Người không ngại chạm đến họ và để họ chạm đến mình, dù đó là người phong cùi hay tội lỗi, kẻ bị quỷ ám hay người đàng điếm, ngoại tình… Trước khi bước vào cuộc Khổ nạn, Chúa Giêsu còn để lại cho chúng ta một gương phục vụ trong khiêm nhường sâu thẳm, đó là Người cúi xuống rửa chân cho các một đệ (xem Ga 13,4-5), một việc làm mà ngay cả với người nô lệ, người ta cũng không đòi hỏi!
Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bắt chước Người, nếu chúng ta muốn theo Người, đó là phục vụ tha nhân. Chúng ta phục vụ bằng việc chia sẻ thời gian và khả năng của mình trong tinh thần đơn sơ và khiêm tốn.
Chúa Giêsu cho những người có trách nhiệm cộng đoàn Kitô hữu trong tương lai biết về quan niệm của Người về quyền hành trong Giáo Hội. Uy thế trong Nước Trời không phải là uy thế của các thủ lãnh mà là của người đầy tớ, của người phục vụ. Khi nói về một công việc đặc thù nào đó trong Giáo Hội, người ta dùng từ “thừa tác vụ”, dịch từ tiếng la-tinh “ministerium”, có nghĩa là “chức vụ của người đầy tớ”. Như thế, các thừa tác viên trong Giáo Hội không phải là “sếp” hoặc người lãnh đạo, nhưng là những người tôi tớ để phục vụ cho các chi thể trong thân thể của Đức Kitô.  Nếu chúng ta nghĩ, hoặc nhìn công việc của thừa tác viên như một chức vụ đem lại cho mình danh dự hay sự hãnh diện, thì chúng ta đang đi ngược lại với lời dạy của Chúa Giêsu. Vì chính các Ðức Giáo Hoàng cũng tự xưng mình là “tôi tớ của các tôi tớ của Chúa”.
Chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội, đặc biệt cho những người có trách nhiệm lãnh đạo trong Giáo Hội, để qua gương sáng của sự phục vụ, Giáo Hội luôn làm chứng cho Chúa Kitô-Tôi Tớ, biết hy sinh phục vụ mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ hèn mọn. Làm tôi tớ cho anh chị em mình, đó chính là con đường vinh quang của người môn đệ Chúa Kitô.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM: LÃNH ĐẠO NHƯ CHÚA GIÊSU
Phải khiêm tốn nhìn nhận rằng trong mỗi người chúng ta, đâu đó cũng ước muốn có địa vị thật cao trong xã hội. Mình phải làm sao để dưới một người, trên vạn người mới gọi là thành công. Tiếc là hấp lực ấy đã khiến nhiều người lao vào tìm kiếm và tranh dành như con thiêu thân. Hậu quả là chính họ và nhiều người khác bị tổn hại vì sự cao ngạo và cách lãnh đạo hà khắc của họ.
Thực ra vấn đề trên đây không mới. Trong Tin Mừng[1], không ít lần chúng ta thấy các môn đệ xin cho mình được nổi tiếng với Đức Giêsu. Suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã chiếm được cảm tình của dân chúng. Không ít người tung hô và muốn Đức Giêsu lên làm vua của họ, nghĩa là trở thành người lãnh đạo. Là các môn đệ thân tín với Đức Giêsu, các ông phần nào cũng được thừa hưởng “hào quang” này. Bởi thế mà trong Tin Mừng Chúa Nhật 29 hôm nay, chúng ta hiểu được tại sao hai muôn đệ là Giacôbê và Gioan lại xin với Đức Giêsu cho mỗi người một bên, khi Đức Giêsu vinh thắng. Có lẽ vì ý hướng không ngay lành trong lời xin này của hai ông, nên Đức Giêsu mới trách rằng: “Các anh không biết các anh xin gì!” (Mc 10,36). Nếu có mặt trong lúc này, chúng ta cũng thấy hai ông chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng. Hai ông chỉ muốn đi thẳng đến giai đoạn phục sinh mà bỏ qua con đường đau khổ.
Tôi tin ai cũng biết đi theo Đức Giêsu là có ngày được hưởng vinh quang, được vào Nước Trời. Tiếc là trước đó, Đức Giêsu luôn đòi mỗi người phải trải qua con đường thập giá, phải uống chén đắng mà cuộc đời mang lại cho người môn đệ. Nhiều lúc tôi và bạn cũng hăng hái xin uống, như hai môn đệ trong câu chuyện này: “Thưa thầy, chúng con sẵn sàng uống.” (x. Mc 10,39). Nhưng trên thực tế lại khác hoàn toàn. Gặp gian nan thử thách, nhất là đối diện với cái chết, thử hỏi mấy ai dám một lòng tín trung với Thiên Chúa. Điều thú vị là ai bước với Đức Giêsu trong đau khổ, thì cũng được ở với Người trong vinh quang. Đó vừa là lời hứa bảo đảm của Thiên Chúa, nhưng cũng là thách đố cho mỗi người chúng ta.
Dẫu sao chúng ta thử lắng nghe, nhìn vào nhóm môn đệ lúc này, điều gì đang xảy ra? Số là hai môn đệ kia xin mỗi người một bên thầy Giêsu, những người còn lại đâm ra tức tối. Lòng ganh tị của họ là nguyên nhân gây ra chia rẽ. Đành rằng một nhóm phải có người lãnh đạo, nhưng nếu hai môn đệ này được ngồi bên tả, bên hữu thầy Giêsu, trong hoàn cảnh này, tự nhiên những thành viên khác bị xem thường, trở nên những người bị trị. Vì suy diễn như thế, nên họ mới tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Đang hăng máu tranh dành địa vị, Đức Giêsu cho các ông một bài học về thế nào là người lãnh đạo theo đúng ý Chúa. Đức Giêsu xác nhận rằng các thủ lãnh thế gian thường bị rơi vào vòng xoáy quyền lực này (Mc 10,42). Họ sẵn sàng đấu đá, tranh dành để vươn lên chức cao nhất bao nhiêu có thể. Trên đó, họ lấy quyền mà cai trị dân. Đó là chuyện của chính trị, của xã hội từ cổ chí kim, hiện tại cũng thế. Nhìn tới nhìn lui thử tìm được mấy nhà lãnh đạo dân sự vì nước vì dân? Thay vào đó, người làm lớn theo phong cách của thầy Giêsu phải là:
– Làm người phục vụ: Theo cách hiểu của Công giáo, người phục vụ tốt là người hết lòng theo một lý tưởng cao cả nào đó. Ở đây Đức Giêsu muốn các ông phải hạ mình, cúi xuống rửa chân cho nhau (Ga 13, 1-15). Để phục vụ tốt, người ta phải chú trọng đến tình yêu như là động cơ thúc đẩy mọi ý hướng và hành động của họ hướng đến người khác. Trong tâm thế này, người phục vụ hẳn nhiên không tìm sự nổi tiếng, lời tung hô, nhưng trong sự khiêm tốn, như một người thợ được đặt làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa.
– Làm người đầy tớ: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” (Mc 10,44) Đây là một nghịch lý mà không phải người lãnh đạo nào cũng dám chấp nhận. Bởi đầy tớ là người vô danh tiểu tốt, làm những việc tầm thường, không đáng để người đời tán dương ca tụng. Điều này hợp lý, nhưng với Thiên Chúa lại hoàn toàn khác. Khi phục vụ bằng cái tâm, với nhiều tình yêu, người đầy tớ của Thiên Chúa biết mình chỉ là công cụ trong tay Ngài. Nếu Thiên Chúa dùng họ trong công việc gì, thì họ sẵn lòng quảng đại để đáp lời xin vâng[2]. Trong sự vâng phục này, tuy họ phục vụ trong cương vị là người đầy tớ, nhưng người đời sẽ nhận ra họ là chứng tá của Thiên Chúa[3]. Nhờ vậy, qua người đầy tớ này, danh Thiên Chúa được cả sáng, và dĩ nhiên, người này cũng chung phần vinh quang với Chúa. Bởi thế mà suốt dòng lịch sử của Giáo hội, chúng ta thấy biết bao vị Giáo hoàng, các vị thánh thực sự là đầy tớ trung thành của Thiên Chúa và con người. Tình yêu của họ cảm hóa được tha nhân, cung cách phục vụ của họ chiếm được lòng dân. Họ là những anh hùng, là nhà lãnh đạo tài đức, bởi họ đã thuộc lòng bài học của thầy Giêsu dành cho những ai muốn lãnh đạo theo Ngài.
– Hiến mạng vì anh em: Nhà lãnh đạo là người đứng mũi chịu sào. Họ phải là người mục tử sống chết vì đoàn chiên. Chúng ta còn nhớ mẹ Têrêsa thành Calcutta, một phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng cả đời xả thân phục vụ những con người khốn cùng. Mẹ không tử đạo theo nghĩa đen [4], nhưng mẹ đã trao hiến thời gian, sức lực, ước mơ và tình yêu cho công cuộc loan báo tin mừng nơi những người nghèo. Phải chăng vì phong cách lãnh đạo này mà mẹ đã trở nên “vị thánh, người hùng và là người lãnh đạo” không chỉ trong lòng chúng ta, nhưng còn cho rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới [5]. Lý do: Mẹ không dùng vũ lực để đáp trả bạo lực, nhưng dùng tình yêu, hiến thân để cảm hóa lòng người.
Các bạn trẻ thân mến,
Những lời chia sẻ trên đây tôi muốn dành tặng cho các bạn và cho chính tôi. Chúng ta đang học tập để trở nên nhà lãnh đạo. Trước là lãnh đạo trong gia đình, sau là Giáo xứ, Giáo hội và xã hội. Hãy mạnh dạn học với thầy Giêsu để trở nên nhà lãnh đạo tài đức. Xin đừng quen ra lệnh, hoặc chỉ trỏ quát tháo. Hãy khiêm hạ phục vụ anh em như người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Gương lành và đời sống thánh thiện sẽ là bằng chứng để cảm hóa mọi người. Rồi khi có địa vị và quyền lãnh đạo trong tay, tinh thần phục vụ sẽ chi phối cho bạn biết cách giúp người khác thăng tiến trên con đường sự thật và tình yêu.
Chắc đến lúc chúng ta phải nghĩ khác: thay vì lãnh đạo theo kiểu “quyền lực cứng”, hãy bắt chước Đức Giêsu, hướng dẫn người khác bằng việc lành phúc đức, bằng tinh thần của người phục vụ vì Thiên Chúa và vì anh em đồng loại (quyền lực mềm). Được như thế, chắc rằng chúng ta sẽ có cơ hội làm lớn!
Giuse Phạm Đình Ngọc

SUY NIỆM: MUỐN LÀM LỚN, PHẢI PHỤC VỤ NHƯ ĐẦY TỚ
Tham vọng chung của loài người là muốn có được một chỗ đứng trong bậc thang xã hội. Vì thế mà hai tông đồ Giacôbê và Gioan toan ngỏ ý xin Thầy mình một ân huệ là được ngồi: một người bên tả và một người bên hữu trong vinh quang của nước Chúa. Nghe lỏm được ý đồ của họ, các môn đệ khác bèn tức tối với hai ông này (Mc 10:41). Xét theo công trạng, thì hai ông Giacôbê và Gioan chưa có làm được gì đáng kể. Nói kiểu bình dân, các ông chưa có điểm với Chúa Giêsu và với các tông đồ khác, nên việc xin ngồi bên tả và bên hữu chi là việc muốn ăn mảnh.
Ðến đây, Chúa liền thách thức hai ông: Các con có uống nổi chén mà Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10:38). Thời cổ xưa tại đất Do thái, việc uống cùng một chén với ai, có nghĩa là muốn tham phần vào vận mệnh của người đó: hoặc may hay rủi. Vậy thì vận mệnh của Chúa cứu thế là gì? Vận mệnh của Chúa là việc Người tự nguyện chấp nhận khổ hình thập giá để làm giá cứu chuộc nhân loại. Như vậy lời Chúa có nghĩa là lời thách đố xem hai ông có muốn trả giá cả để được ngồi bên tả và bên hữu Chúa không, nghĩa là xem các ông có muốn chịu khổ hình với Chúa và vì Chúa không? Chúa nhận lời quả quyết chấp nhận bách hại và chịu đau khổ của hai ông. Tuy nhiên ghế danh dự mà hai ông xin là tuỳ thuộc vào sự quyết định của Chúa Cha.
Trong những lần giảng dạy, Chúa Giêsu hứa sẽ thiết lập một vương quốc vĩnh cửu, nhưng Người sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết trước khi hoàn thành theo như lời tiên báo trong sách Isaia: Thiên Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn (Is 53:10). Và như vậy thì Đức Giêsu đồng hoá với người tôi tớ đau khổ của Ðức Giavê trong lời tiên tri Isaia. Nỗi đau khổ mang lại sự cứu độ còn được thánh Phaolô đề cập đến trong thư gửi tín hữu Do thái (Dt 4:16).
Phúc âm hôm nay ghi lại Chúa Giêsu chặn đứng tham vọng cá nhân của ông Giacôbê và Gioan bằng cách dạy họ: Ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người (Mc 10:44), nghĩa là phục vụ mọi người. Các tông đồ muốn phần thưởng cho những cố gắng của họ. Chúa bảo họ trong Nước Chúa thì có sự khác biệt. Nước Chúa không phải là nơi để người ta tâng bốc cái tôi. Trong nước Chúa, tất cả những ai muốn có ảnh hưởng, địa vị thì phải làm đầy tớ người khác, nghĩa là phục vụ người khác. Nếu để các ông nuôi tham vọng cá nhân, có thể trở nên mối nguy hại cho Giáo hội mà Chúa sẽ thiết lập sau này.
Chúa dạy các tông đồ như vậy để cho những người kế vị và những người cộng sự hiểu biết đường lối Phúc âm hầu tránh việc lợi dụng chức tước, tránh việc kéo bè phái mà gây ảnh hưởng cá nhân ngay cả trong việc đạo. Như vậy khi hiểu được bản chất của Nước Chúa, các tông đồ sẽ là người cuối cùng tìm kiếm địa vị và danh dự. Các tông đồ nhận thức được rằng, họ sẽ có địa vị trong Nước Chúa, cũng như trong Giáo hội của Chúa. Tuy nhiên Chúa bảo họ không được dùng quyền để bá chủ và áp đặt, mà phải dùng quyền để phục vụ như Chúa đã phục vụ: Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mc 45).
Có nhiều việc phục vụ khác nhau. Trong quá khứ, có những việc phục vụ do đầy tớ và nô lệ thực hiện. Vào thời cổ xưa tại đất Do thái, khi khách vào nhà ai, thì việc của đầy tớ là đem nước để rửa chân cho khách. Chân đi dép trên đất cát giữa trời nóng nực mà được dội nước vào chân thì khách cảm thấy khoan khoái biết bao. Trong bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã làm công việc của người nô lệ, lấy nước rửa chân cho các tông đồ vì yêu thương. Và Chúa dặn các ông phải rửa chân lẫn cho nhau, nghĩa là phục vụ lẫn nhau.
Phục vụ cũng được thực hiện do người làm công hoặc tình nguyện. Việc phục vụ được coi là việc nhân đạo nếu được phát xuất tự chủ nghĩa nhân bản. Việc phục vụ được coi là việc bác ái nếu được làm vì yêu mến. Việc phục vụ có đượm tình yêu mến là điểm thiết yếu của đạo Kitô giáo. Phục vụ người khác vì yêu mến là một nhân đức mà mỗi người Kitô hữu cần thực hành. Khi phục vụ vì tình yêu mến Chúa thúc đẩy, công việc phục vụ sẽ trở nên nhẹ nhàng và người làm việc phục vụ mới cảm thấy vui được. Có những người khi không có việc gì làm, thì buồn chán, sinh bệnh. Khi làm việc phục vụ giúp đỡ tha nhân, họ tìm được ý nghĩa của cuộc sống, lại lên tinh thần, rồi được khỏi bệnh. Và đó là ý nghĩa của tình yêu biến đổi. Thánh Âu-tinh đã nhận ra tình yêu biến đổi khi viết: Ðâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như có khổ đi nữa, người ta sẽ chấp nhận cái khổ vì yêu.
Nếu muốn phục vụ, người ta sẽ tìm thấy rất nhiều việc để làm trong nhà thờ như quét dọn nhà thờ, hốt lá khô, nhặt rác rưởi xung quanh nhà thờ, lau bụi ghế ngồi, xếp sách hát lại vào hộc ghế, và nhiều việc để làm trong cộng đồng, làng xóm, phố phường như tình nguyện giúp việc từ thiện, bác ái, việc xã hội và việc nhân đạo.
Là người công dân và người Kitô hữu, người tín hữu cần học để coi việc phục vụ trong gia đình, trong giáo xứ và trong xã hội như là phương thế để hoàn thành ơn gọi làm người Kitô giáo.
Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết sống tinh thần phục vụ:
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đến thế gian dạy các môn đệ
bài học phục vụ trong yêu thương.
Xin dạy con biết làm việc phục vụ vì yêu mến Chúa
và nhận ra hình ảnh Chúa
nơi nguời anh chị em mà con phục vụ
nhất là những người nghèo đói, bệnh tật
đau khổ và bất hạnh. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

SUY NIỆM: Ý NGHĨA CỦA SỰ ĐAU KHỔ
“Vì Ngài trải qua thử thách”
Các bài phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa sự đau khổ trong chương trình cứu chuộc. Bốn câu thi văn của Isaia về người Tôi tớ đau khổ là chóp đỉnh của Cựu ước, là mạc khải ý nghĩa của sự đau khổ. Trước đây, người ta quan niệm sự đau khổ là hình phạt do tội lỗi. Đành rằng người phạm đến Thiên Chúa thì đáng lãnh nhận một hình phạt, nhưng rồi cả những ngươì trong trắng, các trẻ em vô tội và người công chính, các vị tử đạo cũng phải đau khổ. Người ta đi đến quan niệm rằng người công chính đau khổ có thể chuộc thay tội lỗi của người khác. Người Tôi tớ của Thiên Chúa chính là Chúa Giêsu đến, dùng sự đau khổ để cứu chuộc nhân loại.
Thánh Thư Hêbrêô gọi Chúa Giêsu là vị Thượng tế, “vì Ngài trải qua thử thách bằng đau khổ, thì Ngài có thể đáp ứng những ai chịu chử thách” (Hêb. 2,17). Ngài cũng là người anh em của chúng ta, vì Ngài cũng chia sẻ sự yếu hèn của chúng ta, khi nhận lãnh sự cám dỗ trên núi, khi lo buồn hấp hối trong vườn Cây Dầu: “Xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41); “Nhưng nếu chén này không thể qua đi được mà con phải uống thì xin theo ý Cha” (c. 42). Với lời Fiat của Chúa Kitô, chúng ta có thể hiệp thông sự đau khổ của chúng ta làm giá cứu chuộc với Chúa vậy.
Phúc âm kể lại việc can thiệp của hai con của ông Giêbêđê, muốn được ngồi bên hữu và bên tả Thầy trong vinh quang. Việc đó đã gây bất bình cho các Tông đồ khác. Chúa Giêsu dùng dịp này để giải thích điều kiện làm lớn trong Nước Trời. Không có vấn đề nào lớn lao cho bằng vấn đề đau khổ. Vì sao đau khổ? Đây là câu trả lời của Chúa: Đau khổ là để phục vụ, một việc phục vụ công hiệu hơn cả. Cha Maximilien Kolbe đã hy sinh để cứu một người bạn tù khỏi chết phần xác thì Chúa Giêsu đã chết cho mọi người để họ được sống đời đời. Ngài nói: “Con người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Phục vụ là cứu thoát, là dấn thân. Vì thế, trước ngày đi chịu nạn, Chúa đã quì dưới dân các Môn đệ, rửa chân cho họ và phán: “Chúng con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu chúng con. Thầy ở giữa chúng con như một người tôi tớ”.
Như vậy, chúng ta mới hiểu vai trò của quyền bính trong Giáo Hội. Quyền bính được trao cho ai là để người đó giúp đỡ anh em có phương tiện phát triển, là để phục vụ kẻ khác chứ không phải để cho mình tiến thân. Người nắm quyền bính tối thượng trong Giáo hội là người “đầy tớ trên mọi đầy tớ”, servus servorum. Ngày này, không ai lại không biết Mẹ Têrêxa, thành Calcutta, một nữ tu Bác ái, áo trắng viền xanh, lặn lội với các chị em cùng dòng, để cứu giúp những người hấp hối nằm la liệt bên vỉa hè thành phố Calcutta, Ấn độ, để “cho họ được hưởng những giây phút hấp hối cuối đời xứng là một con người, trước khi chết”. Trước đây, có một vị Sư Phật Giáo nói với Mẹ: “Tôi biết và yêu mến Đức Kitô lắm. Nhưng tôi ghét Hội thánh của Ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ chúng tôi có thể gặp gỡ Hội thánh của Đức Kitô”. Sau một năm làm việc với Mẹ, vị sư phát biểu: “Tôi đã quan sát. Bây giờ tôi thực sự tin các chị chỉ làm việc để phục vụ người nghèo và xấu số nhất. Chúng tôi sẽ dâng cho các chị một ngôi nhà trong khuôn viên Chùa chúng tôi để làm bệnh xá miễn phí”.
Phục vụ người nghèo là phương cách làm cho kẻ khác biết Chúa và thương mến Giáo hội.
Lm Hồng Phúc
  

SUY NIỆM: PHỤC VỤ VÀ HẠNH PHÚC
Có chức quyền phải chăng là điều tốt nhất?
Dường như hầu hết mọi người đều nghĩ: giầu sang chức quyền, được người khác phục vụ, là điều đáng ao ước và làm người ta hạnh phúc! Thái độ của các tông đồ trong Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy như vậy. Gioan và Yacôbê mong ước được ngồi bên phải bên trái khi Đức Giêsu “lên ngôi”, còn các tông đồ khác tức tối khi biết Gioan và Giacôbê “chơi gác” mình. Nếu các tông đồ khác không tham muốn như hai anh em Gioan và Giacôbê, chắc các ngài không đến nỗi phải tức bực như vậy.
Đức Giêsu không cho Gioan và Giacôbê điều các ông mong muốn, vì đó không là điều tốt cho hai ông: “các anh không biết điều các anh xin”! Và Đức Giêsu đã cho hai tông đồ Gioan và Giacôbê điều tốt hơn: “Chén thày uống các anh sẽ được uống”, còn chuyện ngồi bên phải hay bên trái (không cần thiết cho hai anh) thì tùy Thiên Chúa Cha xếp đặt. Ngài sẽ xếp đặt cho ai Ngài thấy tốt nhất, tốt nhất cho người đó và tốt nhất cho cả Hội Thánh nữa.
Có nhiều điều chúng ta xin mà không được, vì điều đó không tốt cho chúng ta.
Phục vụ là hạnh phúc
Đứng trước thái độ của các tông đồ, Đức Giêsu đã gọi họ lại, dạy cho họ biết rằng người đời thì tìm được phục vụ, còn trong vương quốc của Ngài thì không như vậy: “ai muốn làm đầu thì phải làm tôi tớ phục vụ người khác”.
Cảm nghiệm hạnh phúc khi phục vụ người khác, đó là một ơn mà ngay cả các tông đồ trong thời gian đầu tiên cũng chưa cảm nghiệm được. Ước gì con người hiểu rằng chính khi mình phục vụ, chính khi mình giúp người khác hạnh phúc, thì chính mình cũng được hạnh phúc.
Yêu thì hạnh phúc hơn là được yêu. Phục vụ thì hạnh phúc hơn là được phục vụ. Ai cảm nghiệm được điều này, thì không ai tước được hạnh phúc nơi họ. Đây là một ơn mà chúng ta cần xin cho nhau.
Phục vụ theo gương Đức Giêsu
Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng làm giá chuộc con người. Ngài trở nên giống con người mọi đàng, Ngài chia sẻ những giới hạn của con người. Có thể nói: ai bị cám dỗ thử thách như thế nào thì Đức Giêsu ít nhất cũng bị cám dỗ và thử thách như vậy.
Ngài trở thành tôi tớ phục vụ con người! Tại sao Ngài phải sinh trong chuồng chiên cừu nghèo hèn như vậy? Tại sao Ngài phải lang thang rong ruổi hết nơi này nơi kia để rao giảng Tin Mừng? Tại sao Ngài phải bữa đói bữa no? Tại sao Ngài phải ngủ bờ ngủ bụi “chồn cáo có hang chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu”? Tại sao Ngài phải nói sự thật để phải chết? Tại sao bây giờ Ngài vẫn tự hủy nơi bí tích Thánh Thể? Tất cả là để phục vụ con người, để con người biết sự thật về Thiên Chúa, về tình yêu Thiên Chúa đối với con người đến độ nào. Và Ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn là con người nhận ra sự thật, được giải phóng và hạnh phúc.
Phục vụ là thái độ của người tôi tớ. Tôi tớ không ra lệnh cho chủ, không đòi chủ làm theo ý mình, không đòi chủ phải tôn trọng mình, nhưng sẵn sàng làm tất cả để thực hiện ý chủ. Người tôi tớ là người sau khi phục vụ xong, phải luôn luôn coi mình là tôi tớ vô dụng (Lc.17, 10). Ai muốn làm lớn thì phải là người phục vụ người khác. Đức Giáo Hoàng vâng theo lời Đức Giêsu, nên coi mình là “tôi tớ của các tôi tớ”. Tuy vậy, các môn đệ của Chúa phải phục vụ lẫn nhau: “Thầy đã rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga.13, 14). Không ai được đòi người khác phục vụ mình, cũng như không ai được từ chối phục vụ. Thái độ đòi người khác phục vụ mình, cũng như từ chối người khác “rửa chân” cho mình, đều là thái độ của người kiêu ngạo, không phải là thái độ của môn đệ Đức Giêsu.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Bạn được đánh động bởi gương phục vụ của ai nhất? Về điểm nào?
2. Theo bạn, thái độ phục vụ đích thực đòi hỏi điều gì?
3. Bạn có cảm nghiệm hạnh phúc khi phục vụ người khác bao giờ chưa? Làm sao để bạn hoặc người khác cảm nghiệm hạnh phúc khi phục vụ?
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

SUY NIỆM: CON ĐƯỜNG VƯƠNG GIẢ
Ước muốn làm lớn hay ước muốn được trở nên cao trọng luôn được ấp ủ trong nơi sâu kín của tâm hồn mỗi người chúng ta. Ai lại chẳng muốn làm lớn? Ai lại chẳng muốn trở nên cao trọng? Điều này là một thực tại phù hợp với bản tính con người, vì chúng ta là thụ tạo “linh ư vạn vật”, được Thiên Chúa cao cả yêu thương tạo dựng theo giống hình ảnh của chính Người mà!
Điểm đáng lưu ý ở đây là điều gì làm cho chúng ta trở nên cao trọng thực sự? Đây chính là một trong những chủ đề được nhận thấy trong Phụng Vụ hôm nay.
Trong đời sống xã hội, người ta thường quan niệm việc làm lớn hay trở nên cao trọng luôn gắn liền với quyền bính, chức tước, danh vọng. Như vậy, làm lớn đồng nghĩa với việc được phục vụ, được ca tụng, được ngưỡng mộ. Biết bao người đã xử dụng mọi thời giờ, vận dụng mọi tài sức, chấp nhận mọi hy sinh và lắm khi không từ nan mọi thủ đoạn đê hèn để thực hiện ước muốn đạt được danh vọng, chức tước, quyền bính trong nhiều lãnh vực khác nhau: chính trị, kinh tế, văn nghệ, thể thao…và cả tôn giáo nữa!
Các môn đệ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu vì vốn nghĩ Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai và Đấng Thiên Sai đầy quyền bính trong lời nói và hành động. Như thế, chắc hẳn sẽ có ngày Người đạt tới một thứ vinh quang cao trọng nào đó, như Thánh Vương Đavít năm xưa chẳng hạn. Và chắc chắn họ sẽ được chia sẻ vinh quang với Người. Như để nắm chắc được phần thưởng tương lai, hai anh em con Ông Giêbêđê trong Tin Mừng hôm nay đã mạnh dạn đến bày tỏ với Chúa Giêsu ước muốn thầm kín xưa nay của họ: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy” (Mc10:37). Chúa Giêsu không trách mắng các ông vì sự mê muội của các ông, nhưng Người nhẹ nhàng hướng các ông về mầu nhiệm Thập Giá khi nói các ông: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10: 38).
Vốn có cùng ước muốn làm lớn theo lối thế gian như hai anh em con Ông Giêbêđê, mười môn đệ còn lại trong Nhóm Mười Hai nghe chuyện đó liền bực tức với hai ông. Chúa Giêsu nhân cơ hội này đã dạy các ông một bài học để đời, một bài học về con đường vương giả dẫn đến vinh quang đích thực, giúp người ta đạt được ước muốn làm lớn thực, trở nên cao trọng thực.
Đó là con đường Thánh Giá, con đường yêu thương được thể hiện qua tinh thần khiêm nhường phục vụ, xả kỷ vị tha. Đó là con đường mà chính Chúa Giêsu đã khai mở và bước đi đến cùng để cứu độ nhân loại, để trở thành Vua lòng mọi người, để trở thành gương mẫu tuyệt hảo cho mọi người bước theo. Người nói: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10:42-45).
Hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu-Đấng Mêsia-được ngôn sứ Isaia đã diễn tả như Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa nơi bài đọc một: “Chúa đã muốn hành hạ Người trong đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ Người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của Người, Người sẽ thấy và sẽ được thỏa mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hóa nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ” (Is 53:10-11).
Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái trong bài đọc hai cũng nhắc lại việc Đấng Cứu Thế đã vì yêu thương loài người mà gánh lấy mọi đau khổ thử thách để cứu chuộc chúng ta. Chính vì thế mà Người đã trở thành Vị Thượng Tế đem lại ơn cứu độ cho chúng ta: “Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng Tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4:15).
Theo cùng một tinh thần ấy, tác giả sách Gương Chúa Giêsu nhận ra rằng Thiên Chúa chính là Đấng phụng sự con người hơn là Đấng để cho người ta phụng sự khi viết: “Mọi của con có, mọi cái con dùng để phụng thờ Chúa thảy đều là của Chúa! Mà xét lại, chính Chúa đã phụng sự con nhiều hơn là con phụng sự Chúa. Kìa, trời và đất Chúa đã tạo nên để mưu ích cho người đời; chúng sẵn sàng luôn và ngày ngày thi thành mệnh lệnh Chúa. Hơn nữa, Chúa đã tổ chức nên sứ bộ thiên thần cũng vì nhân loại. Nhưng cái trỗi vượt hơn cả chính là Chúa đã tự hạ để phụng sự người đời, và Chúa đã tự đoan sẽ ban cả mình Chúa cho người đời nữa” (Q. III, Ch. #10).
Bàn về sự cao trọng của con người, Mẹ Terêsa Calcutta nói: “Bạn được dựng nên cho những điều cao cả hơn: để yêu và được yêu”. Và Mẹ luôn tâm niệm: “Hoa trái của yêu thương là phục vụ” và “Yêu thương là trao ban đến đớn đau”. Đó là lý do khiến Mẹ từ giả đời sống êm đềm của một nữ tu dạy học để tìm đến phục vụ những người cùng khổ bị bỏ rơi trên những khu ổ chuột ở Calcutta và lập nên Dòng Thừa Sai Bác Ai. Đó cũng là lý do khiến Thánh Đamien đang là một linh mục Dòng Thánh Tâm tráng kiện tình nguyện đến sống và phục vụ những người phong cùi ở đảo Molokai, và chia sẻ cả bệnh phong cùi với họ, chết giữa họ. Đó cũng là lý do biết bao tín hữu Chúa Kitô tiếp tục dấn thân âm thầm phục vụ tha nhân đến hy sinh chính mình, trong mọi môi trường trong mọi nơi mọi thời mà chỉ có Chúa mới có thể thẩm định đúng mức sự cao cả của tình yêu trong trái tim họ.
Trong tác phẩm Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận kể về chứng từ của cô Sophie Berdanska. Vì túng nghèo, cô phải đi làm thuê cho một gia đình Do Thái tên là Merston. Công việc của cô là chăm sóc mấy đứa con của ông chủ. Biết Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là cô “không được giảng đạo” cho con cái ông. Tối hôm ấy, Sophie lấy một miếng giấy nhỏ ghi ít chữ vào đó rồi bỏ vào huy chương ba cô trối lại và đeo vào cổ. Các con ông chủ nhiều lần đòi coi huy chương ấy, nhưng cô không cho. Nhờ sự chăm sóc tận tâm của Sophie, các con ông Merston càng ngày càng ngoan ngoãn giỏi giang. Ít năm sau, các con ông lần lượt đau nặng. Cô Sophie tận tình lo lắng phục vụ lũ trẻ, và chúng lần lượt được bình phục. Nhưng vì quá tận tâm lo cho chúng, Sophie kiệt sức và qua đời. Ít lâu sau, ông Merston tình cờ mở chiếc huy chương nàng để lại và đọc được hàng chữ trong mảnh giấy trong đó: “Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn”. Chợt hiểu ra tất cả và cảm phục Sophie, cả gia đình Merston sau đó đã xin theo đạo! Sophie là người đã hiểu và bước theo con đường vương giả của Chúa Giêsu, đường yêu thương phục vụ, đường xả kỷ vị tha!
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của tình yêu mỹ diệu. Xin Mẹ dạy con biết trung thành và vui tiến trên con đường vương giả của Chúa Giêsu, đường yêu thương phục vụ, đường xả kỷ vị tha, để đạt được vinh quang đích thực là được nên giống Chúa Giêsu, nên một với Người, và cảm hóa mọi người thiết tha yêu mến Chúa và Mẹ. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây