THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG
Mt 21,23-27
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
23Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy ?”
24Đức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 25Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?”
Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?”
26Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” 27Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
SUY NIỆM: MỘT SỰ NHỊN BẰNG CHÍN SỰ LÀNH
Để có thể hiểu được bài Tin mừng hôm nay, mỗi người hãy nhớ lại xem, Chúa chúng ta đã từng nói gì và đã làm những gì?
Tại đền thờ Giêrusalem năm ấy, Chúa Giêsu đã làm 3 việc khá nhạy cảm, và đã đụng chạm đến giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ.
Thứ nhất, Chúa Giêsu đã đánh đuổi những người buôn bán tại đây. Ta cần hiểu rằng, sở dĩ những lái buôn có thể ngồi đó trao đổi hàng hóa, là vì họ đã được sự chấp thuận của ban quản đốc đền thờ. Việc Chúa Giêsu dùng roi đánh đuổi họ, khác nào lật tẩy tội dung túng của giới lãnh đạo đương thời trước việc làm bất kính này.
Thứ hai, Chúa Giêsu đã làm 1 việc thuộc thẩm quyền của bậc tư tế và thầy dạy, đó là giảng dạy trong đền thờ, nhưng lại chưa có phép của nhà cầm quyền.
Và thứ ba, trong niềm tin của người Do Thái, đền thờ chính là nhà của Thiên Chúa, vậy mà Chúa Giêsu lại tự nhận là nhà của Ngài. Với người Do Thái, đây là 1 sự xúc phạm đến niềm tin độc thần. Không thể tha thứ!
Trước những hành động đó của Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do Thái giáo đã thực hiện một cuộc triệu tập cấp tốc có đầy đủ mọi thành phần: thượng tế, kinh sư và kỳ mục, để đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Ông lấy cái quyền gì mà làm những điều ấy?”. Đây không đơn thuần là 1 cuộc đối thoại, nhưng đúng hơn là 1 cuộc đối đầu để khử trừ Chúa Giêsu.
Điều đáng nể và đáng phải học, là Chúa chúng ta luôn luôn giữ 1 thái độ ôn hòa trước sự xung khắc đang xảy ra. Ngài không đôi co, không biện minh, cũng không giải thích. Nhưng Ngài đã khéo léo kết thúc cuộc va chạm, để đôi bên tự tìm ra câu trả lời.
Cuộc sống với những tương quan giữa con người với nhau, làm sao tránh khỏi những va chạm như thế phải không thưa anh chị em. Lời Chúa hôm nay mời gọi người kitô hữu chúng ta, hãy mang lấy tinh thần ôn hòa của Chúa Giêsu, như chìa khóa để giải mã những xung khắc xảy ra trong cuộc sống.
Chắc ít nhiều anh chị em cũng có kinh nghiệm này, đôi lúc chúng ta muốn gào thét cho thật to, chúng ta tìm mọi cách để bảo vệ cho quan điểm và suy nghĩ của mình, chúng ta hạ quyết tâm làm cho tới chuyện…, nhất định mình phải thắng. Kết quả được gì? Có thể là ta thắng, nhưng mất tình làng nghĩa xóm; mất tình nghĩa bạn bè; không khí gia đình thì ảm đạm nặng trĩu; khoảng cách giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái ngày càng xa - xa đến nỗi không thể hàn gắn lại.
Không vô lý khi ông bà ta luôn cảnh báo rằng: “Giận quá thì mất khôn”. Thật vậy, sự giận dữ không bao giờ mang lại cho chúng ta kết quả tốt đẹp, nhưng chỉ để lại những hậu quả khó lường.
Nhiều người cho rằng nhịn là nhục. Thưa, không nhục! Nhưng ngược lại, “một sự nhịn thì bằng chín sự lành”. Thánh Giacôbê tông đồ còn cho biết, nhịn nhục chính là hoa trái mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta.
Ước gì những lời sau đây của Thánh Phaolô sẽ giúp mỗi người có thêm động lực, để quyết tâm sống lời Chúa dạy hôm nay: “Nếu người này có chuyện phải oán trách người kia, thì anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3,12). Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: QUYỀN NĂNG ĐẦY TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA
Chúa Giêsu giảng dạy Tin Mừng tại Đền thờ, nhưng không phải lúc nào cũng được con người chấp nhận. Các giới chức Do Thái như các thượng tế và Kỳ lão luôn tỏ ra khó chịu, bực mình, chống đối Chúa Giêsu ra mặt, bằng lời chất vấn Chúa cách gay gắt: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?"
Họ muốn Chúa Giêsu chứng minh Ngài là Đấng Thiên Sai, chứ không phải là một chàng thanh niên làng quê nghèo ở Nagiarét. Họ muốn Ngài chứng tỏ cho họ thấy một vị cứu tinh đầy quyền lực vô song, có thể giải phóng họ khỏi thế lực của ngoại bang thời đó là đế quốc Rôma, chứ không phải là một người mai danh ẩn tích. Họ chờ đợi Vị cứu tinh “chưa đến” Họ vẫn tiếp tục chờ đợi.
Chúa Giêsu thay vì trả lời trực tiếp, Ngài đặt câu hỏi về phép rửa của Gioan bởi đâu mà có, bởi trời hay bởi người ta, để xem phản ứng của họ thế nào. Các giới chức im lặng, không trả lời được câu hỏi của Chúa, vì họ chưa nhận biết Gioan là sứ giả của Chúa được Chúa sai đến dọn đường cho Ngài đến.
Thái độ cứng lòng của các Thượng tế và Kỳ lão là thiếu lòng chân thành, không tin Chúa Giêsu. Họ đang tránh né, không muốn tìm hiểu, không muốn biết sự thật, không tin Đấng đang ở giữa họ lại là Đấng Thiên Sai, là Thiên Chúa cứu độ.
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, từ trởi mà đến, hôm nay và mãi mãi, vẫn đang hiện diện, đồng hành và ban phát ơn lành cho loài người. Ngài loan báo cho nhân loại ơn cứu độ. Ngài mời gọi con người tin nhận Ngài là Con Thiên Chúa để được sống và hưởng ơn cứu độ.
Bài Tin mừng hôm nay đọc trong Mùa Vọng nhắc nhở cho chúng ta rằng: chúng ta đang mong đợi Chúa đến, là Thiên Chúa cứu độ, được Chúa Cha yêu thương ban cho nhân loại.
Thật vậy, Chúa Kitô đến với nhân loại, và Ngài mang một sứ mạng là giải thoát loài người khỏi tội lỗi và sự chết. Ngài đến để ban phát tình thương, sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài. Ngài đang hiện diện giữa nhân loại, trong lòng Hội Thánh và trong từng người: người đau khổ, người thiếu thốn, người nghèo khó, người đau ốm bệnh tật. Ngài đi qua cuộc đời của con người. Ngài nâng đỡ và chữa lành những người tội lỗi, những người sống xa cách Ngài, để giúp họ trở về, hoán cải và canh tân cuộc sống.
Đó là kế hoạch cứu độ, kế hoạch của tình thương mà Chúa Giêsu đã thực hiện nơi loài người chúng ta. Chính khi ban ơn cứu độ, Chúa muốn cho con người trở nên con cái của Thiên Chúa, cũng là lúc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng cao cả của Ngài, là quyền năng của tình thương xót danh cho con người.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu, đọc các trang sách Tin Mừng, chúng con nhận thấy Chúa luôn bị chống đối và không được chấp nhận.
Chúng con tin Chúa, yêu Chúa và cảm phục trước tình thương bao la Chúa dành cho loài người chúng con, dù rằng còn nhiều người chưa tin, chưa thần phục Chúa.
Xin Chúa ban cho chúng con hiểu và sống theo Tin Mừng, để luôn đứng về phía Chúa, bênh vực Hội Thánh, bênh đỡ những người xấu số, bị bỏ rơi trong xã hội.
Xin Chúa ban cho chúng con một trái tim biết yêu thương và chia sẻ tình thương, bằng việc giúp đỡ những anh chị em xung quanh cách cụ thể, chân thành và tôn trọng, để làm chứng về Chúa, làm cho tình thương của Chúa lan tỏa.
Xin Chúa giúp chúng con sống hoán cải, canh tân để chuẩn bị cho Chúa ngự đến và ở cùng nhân loại chúng con luôn mãi. Amen.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM:
1. Ý định loại trừ
Với câu hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” (c. 23), các thượng tế, kinh sư và kì mục chắc chắn rất tức giận, ngay sau khi chứng kiến Ngài đuổi tất cả những người mua bán, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu (Mt 21, 12), và nhất là khi nghe Ngài nói:
Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các người lại biến thành sào huyệt của bọn cướp! (Mt 21, 13)
Theo lời kể của thánh sử Mác-cô, các thượng tế, kinh sư và kì mục không chỉ tức giận, nhưng còn nuôi ý định giết Đức Giê-su:
Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. (Mc 11, 18)
Một cung cách đã khơi dậy nơi người chứng kiến ý định loại trừ, loại trừ Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, thì hẳn phải là một cung cách có tầm mức rất lớn, liên quan đến lịch sử cứu độ và ngang qua lịch sử cứu độ, là toàn thể nhân loại.
Thật vậy, qua hành động “thanh tẩy”, Đức Giê-su không chỉ phá đổ cái trật tự đang có của Đền Thờ, nhưng còn đụng đến “quyền lợi” của các thượng tế và kì mục. Hơn nữa, Ngài còn gọi cái “trật tự” đang có của Đền Thờ là cái hang trộm cướp! (Mt 21, 12-13). Nhưng, ý nghĩa này dù rất quan trọng, nhưng vẫn chưa mang tầm mức của lịch sử cứu độ.
2. “Nhà Ta là nhà cầu nguyện”
Đức Giê-su đến không phải để hủy bỏ, nhưng còn để hoàn tất, hoàn tất mọi sự liên quan đến lịch sử cứu độ, trong đó có việc thờ phượng Thiên Chúa Cha (x. Ga 4, 22-24). Vì thế, Đức Giê-su còn muốn thay thế cơ chế lễ tế của Đền Thờ bằng Lời của Ngài, bằng sự hiện diện của Ngài và bằng chính thân mình Ngài, làm của lễ hoàn thiện dâng lên Chúa Cha, vì loài người chúng ta. Đó là chính là Thánh Lễ Tạ ơn mà chúng ta cử hành mỗi ngày.
Việc Đức Giê-su hoàn tất lịch sử cứu độ còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn nữa, khi chúng ta khám phá ra rằng, tình trạng của Đền Thờ mặc khải sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về cả Giáo Hội, và cộng đoàn của chúng ta nữa, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta. Đó phải là những nơi tôn nghiêm, là nơi Chúa hiện diện, là nơi vang vọng Lời của Chúa, là nơi cầu nguyện, nhưng có lúc chúng ta đã biến nó thành “hang trộm cướp”, nghĩa là nơi của những tính toán bất chính và nơi của bạo lực, loại trừ. Xin Chúa thanh tẩy và biến đổi tâm hồn chúng ta và cả thế giới chúng ta đang sống nữa, như tác giả Tv 50 (51) kêu xin.
3. “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”
Hiểu như vậy, chúng ta không lạ gì khi các thượng tế và kì mục đến chất vấn Chúa về quyền hạn:
Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? (c. 23)
Câu hỏi này là một câu hỏi liên quan đến căn tính của Đức Giê-su, bởi vì đụng chạm tới tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha: quyền của Ngài đến từ Chúa Cha, bởi vì Ngài đến từ Chúa Cha, Ngài là Con Duy Nhất của Chúa Cha.
Câu hỏi quan trọng như thế, nhưng tại sao Ngài không trả lời? Bởi vì họ không đi tìm chân lí, thì chân lí không thể tỏ mình cho họ. Hay đúng hơn, Ngài trả lời bằng một câu hỏi, làm bộc lộ ra toan tính có ở trong nội tâm của họ.
Thật vậy, ông Gioan là một dấu chỉ lớn Thiên Chúa ban cho con người, vậy mà họ không nhận định ra nguồn gốc để đưa ra một lựa chọn dấn thân; họ bằng lòng với thái độ trung dung, với tình trạng không biết, không phán đoán, không quyết định:
Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” (c. 27)
Câu trả lời “không biết”, bề ngoài là vô thưởng vô phạt, nhưng bên trong ẩn dấu cả một sự tính toán, lấy mình làm trung tâm. Thực vậy, như Tin Mừng mặc khải cho chúng ta, thái độ trung dung bên ngoài của họ, lại che dấu một dự án nhằm bảo vệ cho sự an toàn của họ.
Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ”.(c. 25-25)
Xin cho Lời Chúa được trao ban cho chúng ta mỗi ngày, giải thoát chúng ta khỏi thái độ “không biết” thiêng liêng, để chúng ta ra khỏi mình, ra khỏi sự an toàn, ra khỏi những toan tính để đi tìm kiếm sự hiện diện của Chúa, liều lĩnh lựa chọn và quảng đại sống lựa chọn đi theo Người
Bởi vì Ngài là ánh sáng, là chân lí, là sự sống và là đường đi, là niềm hi vọng, là niềm vui đích thật. Sống Mùa Vọng là như thế đó.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc “nhà cầm quyền tôn giáo” đến đòi kiểm tra “giấy phép hoạt động rao giảng Tin Mừng” của Đức Giêsu. Tiếc cho họ là bị Đức Giêsu bẻ lại một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tiền Hô làm họ tiến thoái lưỡng nan rồi bỏ cuộc.
Qua sự kiện này, chúng ta đi tìm bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta về quyền rao giảng Tin Mừng không dành cho riêng ai, mà mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ đem Lời Chúa đến cho người khác tuỳ theo bậc sống của mình.
Có hai vấn đề được đặt ra, là đặc quyền và năng quyền.
1. Đặc quyền rao giảng.
Điều đáng nói ở đây là người đặt vấn đề “giấy phép” với Chúa Giêsu không phải là nhà cầm quyền dân sự, mà là “các đấng các bậc” tôn giáo, là mấy ông “thượng tế, tư tế, ký mục” Do Thái.
Chính sự “đòi giấy phép” để rồi làm thui chột đi những sáng kiến truyền giáo và cản trở việc mở rộng Nước Chúa. Và đôi khi, sự cản trở lại đến từ chính các đấng các bậc bề trên của mình, vì những lý do quyền bính và lợi lộc, hơn là vì lý do Hiệp Nhất.
Ngày nay không thiếu những vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế, mà không ngược với đức tin Kitô Giáo.
Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.
Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân.
2. Năng quyền rao giảng Tin Mừng.
Cần nắm vững rằng, “giấy phép” rao giảng Tin Mừng dành cho tất cả mọi Kitô hữu trong chức vụ ngôn sứ cộng đồng. Tuy nhiên, để có một Giáo Hội Hiệp Nhất và tránh những sai lạc đức tin, việc rao giảng Lời Chúa cần phải được đặt dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Đây là một điều khác biệt của đạo Công Giáo với anh em Tin Lành. Các anh em Tin Lành tự do chú giải và rao giảng theo những gì họ cho là được Thánh Thần soi sáng, nên ngày nay họ đã có đến hàng trăm chi phái khác nhau. Còn chúng ta, là con cái Giáo Hội Công Giáo, chúng ta đừng vịn cớ “tự do” này, nhưng cần biết vâng theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, để cùng hiệp nhất trong một đoàn chiên và một chủ chăn.
Tóm lại, là Kitô hữu, chúng ta có quyền lợi và nghĩa vụ đem Chúa đến cho mọi người, thực thi nghĩa vụ truyền giáo trong bậc sống của mình, từ vai trò ngôn sứ cộng động đến vai trò ngôn sứ thừa tác. Tất cả cho vinh quang sự nghiệp Nước Chúa và Tin Mừng được loan báo, chứ không phải vì vinh quang và chỗ đứng cá nhân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi dấn thân rao giảng Lời Chúa, thì cũng đồng thời biết xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội và vâng nghe sự hướng dẫn của Giáo Hội qua các chủ chăn. Để trong mọi sự Chúa được tôn vinh. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM: QUYỀN RAO GIẢNG TIN MỪNG
Trong các hoạt động xã hội, các cơ quan công quyền thường quản lý xã hội bằng cơ chế xin – cho, tức xin và ban cho các loại giấy phép: giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, giấy phép hành nghề, … Cũng vậy, trong Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu bị chất vấn về một loại giấy phép gọi là giấy phép về quyền rao giảng Tin Mừng: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy” (Mt 21,23b).
Điều đáng nói ở đây là người đặt vấn đề về “giấy phép” rao giảng với Đức Giêsu không là các cơ quan dân sự mà là tôn giáo, là mấy ông thượng tế, tư tế và ký mục Do Thái. Rõ ràng, họ tự cho mình cái đặc ân là nhân danh Chúa để rao giảng. Cũng vậy, động cơ của họ là sự ghen tị với Chúa Giêsu, sợ thế giá và quyền lợi của mình sẽ bị đánh mất, chứ không phải vì lợi ích chung của cộng đoàn Dân Chúa.
Vậy, vấn đề đặt ra là quyền rao giảng Lời Chúa thuộc về ai? Ai đã ban cho quyền ấy? Theo Giáo huấn của Giáo Hội, thì mọi Kitô hữa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội đều được dự phần vào chức vụ Ngôn Sứ. Tức là nhờ Bí tích Rửa Tội, mọi Kitô hữu được thông phần vào mối giây hiệp nhất và tháp nhập với Hội Thánh là Thân Thể của Đức Kitô, tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người. Rao giảng Lời Chúa không những là quyền mà là nghĩa vụ của Kitô hữu. Là người con của Chúa trong lòng Giáo Hội thời đại hôm nay, chúng ta cần vâng theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, thực thi sứ vụ truyền giáo trong mối giây hiệp nhất, không ghen tỵ người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa. Qua Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta được mời gọi có những sáng kiến để rao giảng Lời Chúa cho cộng đồng nhân loại, thực thi nghĩa vụ truyền giáo trong bậc sống của mình, từ vai trò ngôn sứ cộng đồng đến vai trò ngôn sứ thừa tác.
Lạy Chúa, trong những ngày mùa vọng, xin cho chúng con biết thức tỉnh chờ mong ngày Chúa đến nhờ đời sống chứng tá đức tin và thực thi sứ vụ rao truyền Chúa cho muôn dân. Amen.
Tu sĩ G. B. Nguyễn Văn Đồng, SVD
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Đấng Cứu Thế đã đến trong trần gian. Nhưng ta có chấp nhận Ngài hay không là tùy ở ta có khiêm nhường và thành tâm hay không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, vì yêu thương nhân loại chúng con, Chúa đã xuống thế làm người. Chúa đã tỏ mình ra qua lời giảng dạy và qua những việc làm đầy uy quyền. Vậy mà các thượng tế và kỳ mục vẫn không nhận ra Chúa. Vì họ đã quá kiêu căng.
Con cũng lo sợ cho chính con. Con đã để cho lòng của con đầy ắp sự kiêu căng. Con dễ dàng đánh mất sự bén nhậy trước lời ngỏ của Thiên Chúa. Con cũng dễ dàng loay hoay tìm kiếm bảo vệ quyền lợi mình. Con cũng dễ dàng để cho mình rơi vào tình trạng chán ngán và không còn đói khát sự công chính. Con cũng nhận thấy rất rõ khuynh hướng để mình đi trong mê lầm giả trá.
Chúa đã từ chối không tỏ mình ra cho những vị thượng tế và kỳ mục kiêu căng cố chấp. Xin Chúa tha thứ cho con. Xin Chúa giúp con luôn biết khiêm nhường trong cuộc sống. Xin cho con luôn được ơn biết mở rộng tâm hồn để thành tâm đón nhận chân lý và ân sủng của Chúa.
Lạy Chúa, con đang sống trong Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến. con không mong chờ Chúa giáng sinh và Chúa đã giáng sinh rồi. Nhưng con mong chờ Chúa đến lần thứ hai như Chúa đã hứa để hoàn tất quyền làm Chúa trên vũ hoàn. Đang khi đó, Chúa vẫn đến với con qua từng biến cố, qua từng anh em con gặp gỡ, và nhất là trong Thánh lễ hằng ngày. Xin Chúa ban cho con luôn nhậy bén và hằng thức tỉnh đợi chờ Chúa đến mỗi ngày. Amen.
https://gpcantho.com/cau-nguyen-voi-loi-chua-tuan-3-mua-vong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn