THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG

Thứ năm - 05/12/2024 23:57

THỨ SÁU TUẦN I MÙA VỌNG

Mt 9,27-31

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

27Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: “Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi”. 28Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: “Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?”. Họ thưa: “Lạy Thầy, có”. 29Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: “Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy”. 30Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: “Coi chừng, đừng cho ai biết”. 31Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy.

 

 

SUY NIỆM: NHỮNG NGƯỜI LỮ HÀNH TRÊN ĐƯỜNG HY VỌNG

Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta nghe lại những lời tiên báo của Ngôn sứ Isaia về ngày Chúa ngự đến. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ làm cho kẻ điếc được nghe, người mù được thấy, người  hèn mọn được phấn khởi vui tươi, và người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng; còn kẻ gian ác sẽ bị diệt vong. 

Đối với dân Israel lúc ấy, những lời này quả là 1 niềm an ủi lớn lao, và là 1 đảm bảo chắc chắn cho họ trên cuộc lữ hành trong hy vọng.

Và đúng như những gì mà Tiên tri Isaia đã loan báo, khi đến thời đã điểm, Thiên Chúa đã sai con của Ngài là Đức Giêsu xuống để thực hiện những lời hứa ấy. Việc Chúa Giêsu chữa lành cho 2 người mù được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay là một bằng chứng nhãn tiền.

Vậy điều này muốn nói gì với chúng ta? Lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng, niềm hy vọng mà chúng ta đang ấp ủ trong lòng không vô nghĩa thưa anh chị em. Bởi Chúa Giêsu đã đến trần gian, để kiện toàn lời Thiên Chúa hứa năm xưa, và Ngài sẽ lại đến lần thứ hai để khỏa lấp niềm hy vọng của chúng ta.

Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã hỏi 2 người mù năm xưa và cả chúng ta hôm nay rằng: chúng ta có tin Ngài làm được điều ấy không? Vậy nếu tin, chúng ta cần phải làm gì?

Thứ nhất, nếu tin thì anh chị em đừng bao giờ để mất niềm hy vọng. Bốn tuần mùa Vọng chúng ta đang sống không phải là điều viển vông, nhưng là niềm hy vọng hồng phúc; cũng không phải là một cuộc phiêu lưu may rủi, nhưng được đảm bảo chắc chắn bởi lời hứa cứu độ của Chúa Giêsu.

Thứ hai, nếu tin thì anh chị em hãy sống đúng tinh thần mùa Vọng theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, đó là hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Đối với Thánh Phaolô, một khi đã tin vào ngày Chúa quang lâm, thì chúng ta phải biết từ bỏ những quyến rũ bất chính và đam mê trụy lạc ở đời này, hãy né tránh các dịp tội và tìm kiếm những điều lành. Còn Chúa Giêsu thì dặn chúng ta rằng: “Anh em hãy cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ”. Đó chính là tinh thần tỉnh thức của một người đang lữ hành trên đường hy vọng.

Thưa anh chị em, mùa Vọng chỉ mới bắt đầu, anh chị em hãy khắc ghi thật sâu lời nhắc nhở của Tin mừng hôm nay, để hành trình 4 tuần mùa Vọng mà chúng ta đang sống, trở thành một “cơ hội vàng” cho mỗi người, trong việc chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày Con Chúa ngự đến. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM: TIN TƯỞNG VÀO CHÚA GIÊSU ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia tiếp tục nói đến ngày mà Đức Chúa sẽ giải thoát dân Ngài khỏi cảnh lưu đày. Trong ngày đó “kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy. Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Israel, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng” (Is 29:18-19). Trong ngày của Đức Chúa, điều kiện sống của những kẽ khốn cùng sẽ được biến đổi. Nói cách khác, khi mọt người để cho Đức Chúa đến với mình, thì cuộc sống của họ sẽ được biến đổi. Bên cạnh đó, ngày của Đức Chúa cũng là ngày xét xử: “Thật vậy, loài bạo chúa đã không còn nữa, quân ngạo mạn sẽ phải tiêu vong, và mọi kẻ rắp tâm làm điều ác ắt sẽ bị diệt trừ: đó là những kẻ dùng lời nói làm cho người ta bị kết tội, và cho người xử án tại cửa công phải mắc bẫy; chúng dùng những lời lẽ vô căn cứ mà làm cho người công chính bị gạt ra ngoài” (Is 29:20-21). Những lời này khuyến cáo chúng ta về những lần mình “dùng lời nói làm cho người khác bị kết tội,” hay nói cách cụ thể hơn là dùng lời nói để nói không hay không tốt về anh chị em mình. Chúng ta thường nghe nói: lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Trong ngày sống, chúng ta thấy mình và người khác dùng lời nói để tôn vinh Thiên Chúa rồi cũng dùng lời nói để trách Chúa, dùng lời nói để nói tốt cho nhau rồi cũng dùng chính lời nói của mình mà nói xấu nhau. Như vậy, chúng ta có hai chọn lựa: sử dụng lời nói của mình để nói tốt hay nói xấu, để tôn vinh hay kêu trách. Chúng ta sẽ chọn điều gì?

Bài trình thuật trong Tin Mừng hôm nay có mối liên kết chặt chẽ với Mt 20:29-34 và Mc 10:46-52. Ở đây, chúng ta thấy điều quan trọng nhất chính là đức tin. Mỗi phép lạ trong mười phép lạ trong chương 8 và 9 giải quyết một vấn đề khác biệt: phong hủi, nô lệ, sốt, tai ương đến từ thiên nhiên, quỷ ám, bại liệt, chết, băng huyết, mù, câm. Chúng ta thấy ở đây một nỗ lực để bao gồm tất cả mọi vấn đề một cách có hệ thống. Chúa Giêsu được trình bày như người chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, là Đấng đến để hoàn thành lời tiên báo của Isaia 35:4-6. Trong dụ ngôn này, chúng ta nhận ra ý định của Thánh Mátthêu là sử dụng sự mù loà thể lý để nói đến sự mù loà về đời sống thiêng liêng cho các thành viên của cộng đoàn mình. Đây cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về sự mù loà thiêng liêng của mình. Chúng ta cùng nhau học nơi hai người mù hôm nay để xin Chúa chữa chúng ta.

Chi tiết đầu tiên đáng lưu ý là việc Chúa Giêsu “đang trên đường đi.” Khi Ngài đang đi thì “có hai người mù đi theo.” Nếu lưu ý cẩn thận, chúng ta thấy hành động của hai người mù là hành động của những người môn đệ, đó là “đi theo.” Chi tiết này ám chỉ đến việc mù loà của các môn đệ, những người đi theo Chúa Giêsu mà không nhận ra Ngài. Sự mù loà của họ được biểu lộ qua việc họ kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt 9:27). Theo các học giả Kinh Thánh, vấn đề ở đây là: Tại sao người chữa lành phải là Con Vua Đavít, bởi vì vua Đavít không có chữa lành ai? Ngày hôm nay chúng ta chỉ có chứng từ nói về việc Solomon được xem như là người chữa lành trong Do Thái Giáo trong thời gian Tân Ước được viết. Như vậy, các môn đệ cũng có sự mù loà về chân tính của Chúa Giêsu chăng?

Trước lời kêu than của họ, Chúa Giêsu không dừng lại để chữa họ mà Ngài tiếp tục hành trình của Ngài. Ngài chỉ bắt đầu tiến trình chữa lành khi “về tới nhà” và khi hai người mù “tiến lại gần.” Hai hành vi này cho thấy một sự nối kết chặt chẽ giữa việc Chúa Giêsu làm và nỗ lực cộng tác của người môn đệ. Hành vi “về tới nhà” của Chúa Giêsu ám chỉ việc Ngài bước vào cõi lòng và cuộc đời chúng ta. Khi Ngài bước vào cuộc đời chúng ta, chúng ta bắt đầu nhận được ánh sàng, vì Ngài là sự sáng. Tuy nhiên, để được điều đó, chúng ta cũng phải “tiến lại gần” Chúa Giêsu. Như vậy, để có được sự chữa lành, chúng ta phải đến gần Chúa và mời người bước vào trong cuộc đời, trong con tim của mình, để rồi tình yêu và ánh sáng của Ngài sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta, giúp chúng ta trở nên ánh sáng để dọi chiếu bước đường cho nhiều người đến với Chúa.

Để việc chữa lành xảy ra, chúng ta nhận ra có những hành động liên quan sau: (1) Tuyên xưng đức Tin – Chúa Giêsu hỏi và họ đáp [“Người nói với họ: ‘Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?’ Họ đáp: ‘Thưa Ngài, chúng tôi tin’” (Mt 9:28)]; (2) hành động và lời của Chúa Giêsu [“Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: ‘Các anh tin thế nào thì được như vậy’” (Mt 9:29). Cũng như hai hành động trên, trong hai hành động này chúng ta thấy phần của chúng ta là đặt niềm tin vào Chúa và rồi để cho Ngài “chạm đến” chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta có đức tin, dù rất mong manh. Nhưng rồi chúng ta sợ, không để cho Chúa chạm vào những vết thương của chúng ta để chữa lành. Hãy để Chúa chạm vào những vết thương của bạn để xoa dịu nỗi đau và tổn thương mà bạn đang gánh nặng. Hãy tin vào Ngài vì Ngài luôn tin tưởng bạn.

Bài Tin Mừng kết với một chi tiết đáng ngạc nhiên, đó là việc hai người mù sau khi được mở mắt, họ không còn “tuân theo” lệnh của Chúa Giêsu: “Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: ‘Coi chừng, đừng cho ai biết!’ Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng” (Mt 9:30-31). Chi tiết này cho thấy niềm vui gặp Chúa không có gì có thể ngăn cản để chia sẻ cho hết mọi người. Việc Chúa Giêsu ngăn cấm họ nói về điều này vì Ngài sợ nhiều người sẽ hiểu sai về căn tính của Ngài. Điều này khuyến cáo chúng ta phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành động của mình, làm thế nào để rao giảng Tin Mừng của Chúa chứ không để người khác hiểu sai về Chúa Giêsu.

Lm. Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: MÙ THÌ SÁNG – SÁNG LẠI MÙ

Người ta thường nói: “Tình yêu là thứ ngôn ngữ mà người mù có thể thấy, người điếc có thể nghe!”.

Điều đó đã thật đúng với hai người mù hôm nay trong bài Tin Mừng. Quả thật, hai người mù này, họ đã nhận ra Đức Giêsu và họ đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Còn những kẻ sáng mắt như Pharisiêu và Luật Sĩ...thì lại không nhận ra con người và sứ vụ của Đức Giêsu. Họ có mắt mà như mù, còn kẻ mù thì lại sáng! Tại sao vậy? Thưa, vì Đức Giêsu đã phát ra tín hiệu tình yêu, và chỉ những ai khao khát cũng như muốn đón nhận tình thương đó của Ngài thì mới nhận ra mà thôi. Còn những kẻ bảo thủ, cố chấp và tự phụ thì muôn đời vẫn trơ như đá, và lẽ đương nhiên không thể nhận ra Đức Giêsu vì không nằm trong quỹ đạo cũng như không bắt được tần sóng yêu thương của Ngài.

Lời kêu xin của những người mù: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi”,nói lên niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Bởi vì Đức Giêsu thuộc dòng dõi Vua Đavít, Đấng đến để giải thoát và cứu chữa con người, đã được các ngôn sứ tiên báo trước đó, và hôm nay họ nhận ra chính Ngài chứ không phải một Giêsu nào đó cùng tên......

Vì thế, khi được hỏi: “Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?”. Họ đã nhanh chóng đáp lại: “Thưa Ngài, chúng tôi tin”. Cuối cùng, niềm tin đã làm cho họ sáng mắt do tình thương của Đức Giêsu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mặc khải cho chúng ta biết về sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu, Ngài đến để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người đau khổ.

Ngang qua đó, Đức Giêsu muốn mời gọi mỗi chúng ta cần có tấm lòng yêu thương như Ngài. Có khi chúng ta không có cái gì về vật chất để bố thí cho người nghèo, nhưng chúng ta có tình yêu ngang qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười...

Hình ảnh của những người mù vui mừng hân hoan vì được Đức Giêsu chữa cho sáng mắt cũng là điểm gợi ý cho chúng ta rằng:

Cần năng đến với Chúa để được Ngài mở con mắt đức tin cho mình. Khi con mắt đức tin được sáng, hẳn chúng ta sẽ được hạnh phúc vì nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời và sống với nhau như anh chị em trong đại gia đình.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con không bị mù về mặt thể xác, nhưng có khi tâm hồn chúng con lại mù vì không nhận ra tình thương của Chúa và nhận thấy sự khó khăn của anh chị em. Xin Chúa cho mỗi chúng con được sáng con mắt đức tin, để chúng con nhận ra Chúa và sống liên đới với anh chị em của mình. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM: XIN ĐƯỢC SÁNG MẮT SÁNG LÒNG 

1. Số phận người mù thật bi đát, họ nghe mà không biết sự vật chung quang thế nào. Họ phải sống trong cô đơn. Cảm nghiệm được nỗi bất hạnh của mình, hai người mù vừa lẽo đẽo theo Đức Giê-su vừa van xin Ngài: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi”. Ý thức được nỗi khốn cùng của mình là bước khởi đầu nền tảng để đáng được Thiên Chúa xót thương. Càng thấy mình bất lực, chúng ta càng phải cậy dựa vào Thiên Chúa. Điều quan trọng là chúng ta có biết bám chặt vào Chúa và xin Chúa chữa lành tâm hồn chúng ta không?

2. Hiện nay trên thế giới có nhiều người mù. Người mù ở Việt nam thường sống bằng cách đi ăn xin. Trong Kinh Thánh, người mù là hình tượng của những con người sống trong sự đói nghèo, bị xã hội và ngay cả gia đình bỏ rơi.

Có nhiều loại mù: mù lòa, mù chữ, mù văn chương, mù vi tính… nhưng mù không nhận ra Chúa là ánh sáng có lẽ là tai hại hơn cả. Người mù đã dùng đức tin mà đi tới Ánh Sáng thật. Hay nói cách khác, có một cách lần tới ánh sáng một cách thần diệu, đó là đức tin.

3. Mù là không thấy và vì không thấy nên không biết hay biết một cách phiến diện, biết không đầy đủ. Cái mù thể xác đã khốn khổ như thế, nhưng còn một loại mù còn khốn khổ hơn nữa. Người ta gọi đó là mù tâm linh, mù không dám nhìn, không dám nhận sự thật. Đây là thứ mù thường xảy ra nhất trong đời sống con người.

Đúng thế, không dám nhận ra sự thật cũng là một bệnh mù. Bệnh này rất nguy hiểm, nó thường bộc phát và lây lan nhanh. Nguyên nhân của căn bệnh này là tính kiêu ngạo, một loại vi trùng rất khó trị và thường gây ra những hậu quả rất tai hại cho những người mắc thứ bệnh này.

4. Tính tự phụ và kiêu căng thường dẫn đến sự mù quáng, không nhìn ra sự thật. Do đó, Lon Jacob đã sáng tác ra câu truyện ngụ ngôn: Con sư tử đến hỏi con tê giác: “Ai là chúa tể khu rừng này”? Con tê giác đáp: “Là sư tử chứ ai”. Sung sướng quá, sư tử đến hỏi con hà mã: “Ai là chúa tể khu rừng này”? Và hà mã cũng trả lời: “Là sư tử chứ ai”. Sư tử lại đến hỏi con voi: “Ai là chúa tể khu rừng này”? Voi chẳng nói chẳng rằng, dùng vòi túm lấy sư tử, quăng nó lên trời. Khi rơi xuống đất, con sư tử choáng váng mặt mày, mình mẩy ê ẩm, nhưng cũng ráng nói vớt vát: “Vì ngu quá chẳng biết trả lời nổi câu hỏi của ta nên ta không thèm ăn thua với mi”.

5. Hai người mù trong bài Tin mừng hôm nay, mặc dù họ mù hai con mắt thể xác, nhưng trái lại, họ được sáng hai con mắt đức tin, hai con mắt tâm hồn, cho nên họ đã nhận ra Chúa là Đấng con vua Đavít, Đấng Cứu Thế. Họ đã tin Chúa và đã được chữa lành, cho họ được nhìn thấy.

Chúng ta có thể sáng con mắt thể xác vì chúng ta nhìn thấy rõ ràng những công trình của Chúa qua vũ trụ vạn vật, nhưng chúng ta có khi lại mù con mắt đức tin vì chúng ta đã không tin vào Chúa qua các dấu chỉ của sự vật, các biến cố, những sự kiện chung quanh để nhận ra ý Chúa mà thực thi.

6. Đức Giê-su thấy hai người mù có niềm tin, Ngài muốn họ công khai nói lên niềm tin đó: “Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không”? Họ thưa với tất cả niềm  xác tín: “Lạy Thầy, có”.  Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy”. Mắt họ liền mở ra. Lời nói vắn tắt của Đức Giê-su làm cho hai anh mù được sáng.

Đức tin làm sáng mắt, đức tin cũng mở mắt tâm hồn, mở ra tất cả…

Mang danh hiệu là Ki-tô hữu, là người tin vào Chúa Ki-tô, nhưng nhiều lúc chúng ta chưa sống trọn vẹn niềm tin của mình. Hôm nay, một lần nữa Đức Giê-su hỏi chúng ta: “Con có tin là Ta làm được điều đó không”? Xin cho chúng ta xác tín không chỉ trên môi miệng, đáp trả với cả trái tim cho Ngài và để niềm tin tỏa sáng trong cuộc sống.

7. Truyện: Thầy bói sờ voi

Trong kho tàng truyện cổ Ấn Độ có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Ngày xưa có mấy anh mù rủ nhau đi xem voi. Họ được dẫn đến một con voi rất to để họ dùng tay mà sờ vào nó.

Anh thứ nhất sờ được vào cái vòi của con voi. Sờ xong anh ta đắc chí hô to:

– Tôi biết con voi giống cái gì rồi, nó giống như cái vòi lớn.

Anh thứ hai sờ vào chân voi rồi nói:

– Đâu phải, tôi thấy con voi giống như cột nhà.

Anh thứ ba sờ vào sườn voi, phản đối:

– Các anh điên hả? Tôi thấy con voi giống như một bức tường chứ!

Anh thứ tư sờ vào tai voi, bật cười:

– Các anh nói gì vậy? Tôi thấy con voi giống như một tầu là chuối.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM: CHỜ ĐỢI VỚI LÒNG QUYẾT TÂM

Hình ảnh người mù trong Kinh Thánh luôn mang ý nghĩa giáo lý hơn là diễn tả ý nghĩa mù lòa thể xác. Vì thế phụng vụ hôm nay lấy lại hình ảnh người mù, để trong mùa vọng thánh này, giúp các tín hữu nhận ra tâm tình chờ đợi và sự quyết tâm hoán cải, đó là sứ điệp lời Chúa hôm nay.

1/ Chờ đợi trong tín thác.

   Mù lòa làm hạn chế thể xác cũng như tâm hồn. Nhạc sĩ Xuân Hồng viết: “Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn”. Trong Tin mừng có lần Chúa Giêsu đã nói: “Mù mà lại dắt mù được sao, cả hai sẽ sa xuống hố” (Mt 15,14). Vậy mà hôm nay Tin mừng thuật lại cả hai người mù dắt nhau, họ không sa xuống hố, trái lại cùng nhau đi trên con đường hy vọng và cùng nhau đi trên con đường muốn hoàn thiện.

   Trước tiên cả hai cùng biết và nghe nói về Chúa Giêsu, vì thế khi Chúa Giêsu đi ngang qua cả hai cùng bước theo và cất tiếng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!”. Khi nguyên cứu về danh xưng này với người Do Thái, phần đông họ hiểu theo nghĩa, là Đấng xuất thân từ dòng dõi nhà Đa-Vít, sẽ đứng lên lãnh đạo để khôi phục quyền tự do của họ và đưa họ về vị trí quyền thế. Vấn đề đặt ra là hai người mù này trông mong gì một vị lãnh đạo như vậy, khi bản thân họ đang thực sự cần một điều khác thực tế hơn. Việt nam chúng ta có bài vè “Thằng Bờm có cái quạt mo”, và lúc Bờm ta đói, Bờm ta chỉ nghĩ đến nắm xôi, chứ thiết gì ba bò chín trâu. Vậy ra danh xưng mà hai người mù thốt ra, hẳn đã có một bước tiến rõ rệt, hơn những người Do-thái lúc đó.

   Và Chúa Giêsu tinh ý nhận ra bước tiến của họ, Ngài nhận ra họ tuy con mắt thể xác mù lòa, nhưng lại sáng con mắt đức tin, nhưng để trắch nghiệm con mắt đức tin này, Ngài đã không chữa họ ngay lúc đó, trái lại để họ đi theo một đoạn đường nữa, chờ đợi thêm một thời gian nữa. Và đây là đáp án của mùa vọng, đó là chờ đợi trong tín thác.

2/ Chờ đợi với lòng quyết tâm.

  Khi về đến nhà, Chúa Giêsu mới cất tiếng hỏi họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không? Vì lẽ gì mà Chúa Giêsu lại hỏi hai người mù cứ lẽo đẽo theo van xin Ngài? Một sử gia phân tích, mù cũng có những điểm lợi, vì được dẹp bỏ mọi trách nhiệm làm việc và mưu sinh, được cung cấp của bố thí nhưng không phải nộp thuế. Thân phận những kẻ phế nhân có nhiều thuận lợi, nên họ không muốn được cởi bỏ xiềng xích của họ. Tương tự như thế, có nhiều người không muốn ghét bỏ sự yếu đuối của mình, cũng như không muốn bỏ những đam mê hay điều bất chính. Vì vậy Chúa Giêsu muốn họ gặp riêng Ngài, để họ đối diện Ngài và trực tiếp nói lên quyết tâm. Sự quyết tâm nào cũng vậy, nếu không có niềm tin, thì có vào tòa cáo giải cũng vô ích, có được đức Giáo hoàng tha tội rồi cũng tái phạm lại. Một lần nữa chúng ta thấy được con mắt đức tin của hai kẻ mù lòa, họ đã xác định nhờ đức tin họ sẽ giữ được điều họ quyết tâm, điều họ từ bỏ. Và điều này họ đã được Chúa Giêsu chấp nhận: "Các anh tin thế nào thì được như vậy."

   Sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn vươn xa hơn nữa, là chúng ta đang sống trong mùa vọng. Dấu chỉ nhận ra Đấng Cứu Thế mà tiên tri Isaia loan báo trong bài đọc một: Ngày ấy kẻ điếc nghe được, người mù được thấy, thì hôm nay dân chúng đang chứng kiến qua hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng có thể giải thoát con người khỏi cảnh đui mù và điếc lác. Ngài chính là Đấng muôn dân trông đợi.

Tam Thái

 

SUY NIỆM:

"Tin vào Chúa Giêsu, hai người mù được chữa lành".

1. Câu chuyện về một chàng trai mù nọ - gần 20 năm hát rong nuôi mẹ già.

Cuộc đời anh không như những người bình thường khác, anh sống trong bóng tối nhưng ánh sáng của tâm hồn đã luôn chiếu soi cho những bước chân anh đi tìm con đường sống của bản thân.

Sau cơn bệnh, anh T. bị mờ đôi mắt và dần dần mù hẳn. Anh không còn đi lại dễ dàng như người có đôi mắt sáng. Anh buồn khổ. Anh thầm nghĩ số phận của anh bị coi như “chấm dứt”. Hiểu được người con trai đau khổ vì bị mù, người mẹ an ủi, khích lệ con : “Con không nhìn thấy chi phải không, mẹ biết, nhưng không nhìn thấy chưa phải đã là người mù đâu con ạ...".

Anh T. lần từng bước trong nhà, ngoài sân, rồi đi xa hơn, anh đến đầu đường, góc chợ với cây đàn trên tay. Anh có giọng hát rất hay. Vừa đàn vừa hát cho mọi người thưởng thức âm nhạc, từ  ngày này qua tháng nọ…Chính vì thế, hết người này cho, người kia “thưởng tiền”. Chẳng mấy chốc, anh dành dụm được ít tiền để sửa nhà cho đỡ dột, nuôi mẹ già.

Anh nhớ lại câu nói của mẹ thực sự lúc đó anh chưa hiểu nhưng cũng không quên. Bây giờ, sau hai mươi mấy năm sống trong cảnh mù loà, anh đã nhận ra rằng, mẹ anh nói đúng : “không nhìn thấy chưa là mù..."

2. Hai người mù trong bài Tin Mừng có đôi mắt sáng của lòng tin :

Qua câu chuyện về hai anh mù trong bài Tin Mừng, chúng ta thương họ biết bao, vì cuộc đời của họ bất hạnh.

Thế nhưng, giống như bà mẹ già an ủi, khích lệ người con trai mù : “không nhìn thấy chưa phải đã là người mù đâu con ạ...", hai anh biết tìm đến với Chúa Giêsu và van xin Ngài chữa đôi mắt mù lòa : "Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót chúng con". Hai anh chỉ mù về thể xác, nhưng không mù tâm hồn.

Nghe hai người mù van xin, không chỉ kêu xin một lần, mà nhiều lần, Chúa Giêsu cảm động trước lòng tin của hai anh. Ngài đã giơ tay chạm đến đôi mắt của hai anh, và chữa cho hai anh được sáng mắt. Ngài nói : "Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy".

Quả thật, hai anh mù đôi mắt của thân xác, nhưng hai anh có đôi mắt của tâm hồn, đôi mắt của niềm tin, đôi mắt thiêng liêng. Và Chúa Giêsu đã chữa cho hai anh, vì nhận thấy hai người mù này có đôi mắt sáng của lòng tin vững mạnh.

3. Đôi mắt đức tin của chúng ta :

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng. Chúng ta còn phải tạ ơn Chúa về ơn ban đức tin. Nhờ đức tin chúng ta lãnh nhận kể từ ngày lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha, và Đức Giêsu Kitô, Con Một của Chúa Cha, đến trần gian và cứu chuộc nhân loại.

Chúng ta còn phải tiếp tục xin Chúa cho đôi mắt đức tin của mình được sáng, để khám phá ra tình thương của Thiên Chúa, khám phá ra những Chân lý của Phúc âm, khám phá ra những ơn ban của các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa Giải, nuôi sống và chữa lành đời sống thiêng liêng của chúng ta, và khám phá ra những đòi hỏi của Tin Mừng, là biết sống Tin Mừng yêu thương, chia sẻ, bác ái, dấn thân phục vụ và cho đi cách nhưng không, cách vô vị lợi cho những người anh em xung quanh, những người nghèo khổ, những người bất hạnh.

Nhìn lại những ngày tháng qua, nhiều khi chúng ta lại không nhận ra được những ân huệ của Chúa để đón nhận, không nhận ra người anh em đang cần sự giúp đỡ. Đôi mắt tâm hồn của chúng ta đã khép lại.

Hòa chung với Giáo Hội Mẹ bắt đầu bước vào thời gian của việc Tân Phúc Âm hóa, và Năm “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” của Giáo Hội tại Việt Nam, chúng ta cầu xin Chúa cho mọi người, mọi thành viên trong gia đình hôm nay biết làm chứng cho Phúc Âm trong bối cảnh sống của gia đình và làm chứng cho mọi người nhận biết và tin vào tình thương của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, bằng chính đời sống sáng chói yêu thương của người Kitô hữu.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ánh sáng của niềm tin. Xin ban cho chúng con ánh lửa tình yêu của Chúa, và chiếu sáng ánh sáng Chúa vào linh hồn chúng con, để chúng con biết nhận ra Chúa, bước đi trong ánh sáng chân lý của Chúa, với lòng tin và lòng trung thành theo Chúa đến cùng, và dẫn dắt những anh chị khác chưa có niềm tin, được trở về đoàn tụ trong Gia đình của Thiên Chúa. Amen.

Lm. Duy Khang

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây