THỨ SÁU – NGÀY 27/12 THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ - THÁNH SỬ

Thứ năm - 26/12/2024 18:41
 
THỨ SÁU – NGÀY 27/12
THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ - THÁNH SỬ
Ga 20, 2-8

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
2Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: "Người ta đã 3lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu".
Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.
Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.

SUY NIỆM: NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA YÊU
Ta đoán “người môn đệ Chúa yêu” là thánh Gio-an. Vì chỉ thấy danh xưng này trong Tin mừng Gio-an.
Chắc chắn ai cũng được Chúa yêu. Có điều không cảm nhận được. Hoặc không nói ra. Đáng lẽ Phê-rô phải xưng mình là người được Chúa yêu hơn cả. Vì ông đã lỗi lầm và được tha thứ. Như lời Chúa dạy: “Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều”. Cả Giu-đa, nếu ăn năn trở lại, cũng có thể xưng mình là người môn đệ được Chúa yêu. Nhưng chỉ có Gio-an xưng mình là “người môn đệ được Chúa yêu”. Vì ông là người có nhiều tình cảm nên cảm nhận được một cách rõ ràng và sâu xa. Và ông có tài diễn tả. Và ông muốn cho mọi người biết rằng ai cũng được Chúa yêu. Ai cũng có thể xưng mình là “người môn đệ được Chúa yêu”.
Tình yêu có trí nhớ rất sắc bén. Yêu ai ta nhớ từng lời nói, thái độ, cử chỉ. Thánh Gio-an nhớ rất kỹ những lời nói việc làm của Chúa Giê-su. Chẳng hạn về ngày đầu tiên gặp gỡ. Thánh nhân ghi nhớ từng chi tiết. Cả thời giờ: “Lúc đó khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,35-39). Nên nhớ, hơn nửa thế kỷ sau, thánh Gio-an mới viết Tin mừng. thế mà vẫn ghi nhớ từng chi tiết. Chắc chắn đó là một kỷ niệm khắc sâu trong tâm hồn.
Tình yêu có trực giác rất mạnh. Dễ nhận ra những dấu vết của người yêu. Việc thánh Gio-an bén nhậy tin Chúa phục sinh sau khi nhìn ngôi mộ trống là một trực giác của tình yêu. Nhìn khăn liệm và khăn che mặt xếp đặt gọn gàng Ngài nhận ra ngay dấu vết của Chúa. Cũng như ngài là người đầu tiên nhận ra Chúa Giê-su phục sinh bên bờ hồ sau mẻ cá lạ. Mẻ cá lạ chỉ có thể do Chúa. Và gợi lại những mẻ cá khi Người chưa chịu khổ nạn.
Tình yêu đi vào hiệp thông sâu xa. Hiệp thông khiến tình yêu thành cụ thể và sống động. Thánh Gio-an thấy tận mắt, sờ tận tay Lời Thiên Chúa. “Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”. Chạm được vào Lời là có mối thân tình rất sâu xa. Nên được “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người”.
Nếu tôi ghi nhớ tất cả những gì Chúa làm cho tôi. Nếu tôi đủ nhậy bén. Tôi sẽ đi vào hiệp thông với Chúa. Và sẽ nhận biết tôi là “người môn đệ Chúa yêu”. Khi đó tôi sẽ vô cùng hạnh phúc.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM:
Khi nhắc đến Thánh Gioan, người ta nhớ ngay ngài là 1 vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa Giêsu đặc biệt. Tình yêu ngài dành cho Chúa Giêsu không nằm nơi đầu môi chóp lưỡi, cũng không “bốc lửa” như Phê-rô 3 lần tuyên xưng: “Thầy biết con yêu mến Thầy”; nhưng tình yêu của Thánh Gioan nằm sâu bên trong tâm hồn. Chính tình yêu ấy đã mách bảo với Thánh Gioan rằng, phải luôn luôn gắn bó với Thầy mình trong mọi biến cố vui buồn sẽ xảy đến.
Quả là như vậy, Tin mừng cho biết, Thánh Gioan luôn có mặt và song hành với Chúa Giêsu trong suốt hành trình 3 năm rao giảng Tin mừng: từ khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan, cho đến lúc Chúa Giêsu biến hình trên núi; tại nhà tiệc ly, cũng như dưới chân thập giá. Trong khi các tông đồ khác “bỏ của chạy lấy người” “đào vi là thượng sách”, thì Thánh Gioan can đảm ở lại, để kết hiệp với Thầy mình trong những giờ phút đau thương. Chỉ có tình yêu mới làm được như thế thưa anh chị em.
Khi được báo tin xác Thầy đã mất, người ta hối hả chạy đến mồ. Gioan cũng đến, nhưng thay vì ngỡ ngàng và hoang mang như bao người khác, thì Phúc âm nói rằng: “ông đã thấy và đã tin”. Thánh Gioan tin Chúa Giêsu đã sống lại như những gì mà Thầy đã tiên báo, vì trái tim của Thánh Gioan lúc này đã cảm nhận được tình yêu của Đấng Phục sinh.
Sau bao nhiêu biến cố “vào sinh ra tử” với Thầy, cuối cùng Thánh Gioan đã kết luận rằng, “Thiên Chúa là Tình Yêu”: ngắn gọn, cô động, và tròn đầy ý nghĩa.
Thưa anh chị em, những ai muốn được ở gần bên Chúa, muốn gắn bó cuộc đời mình với Chúa, và nhạy bén với thánh ý của Ngài, là những dấu hiệu cho thấy họ đã yêu Chúa thật lòng. Anh chị em hãy nghiệm lại xem, mình có những dấu hiệu đó hay không, để biết được mình đang yêu Chúa ở mức độ nào.
Bài đọc 1 hôm nay cho biết, khi viết thư cho các tín hữu mà mình coi sóc, Thánh Gioan đã nói như thế này: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Ngôi Lời hằng sống; chúng tôi loan báo cho anh em để anh em cũng được hiệp thông với Người, và để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. Sau khi biết được “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Thánh Gioan muốn hô lên thật to để chia sẻ niềm vui ấy cho cả và nhân loại.
Điều mà chúng ta đang thấy hôm nay và ngay lúc này đó là gì vậy thưa anh chị em? Thưa đó là 1 Hài Nhi Giêsu đang nằm trong máng cỏ. Hài Nhi ấy chính là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người, là món quà tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta. Chúng ta được mời gọi noi gương Thánh Gioan, là hãy loan tin mừng ấy cho những người xung quanh mình, để họ cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui ấy.
Tóm lại, mừng lễ Thánh Gioan tông đồ hôm nay, chúng ta được mời gọi thực hiện 2 điều: Một là, mỗi người hãy kiểm tra lại tình yêu mà bấy lâu nay mình dành cho Thiên Chúa. Và hai là, mỗi người hãy loan tin Chúa đã hạ sinh, để mọi người có thể nhận biết Ngài là Hoàng Tử hòa bình, và là Đấng cứu độ mà muôn dân hằng mong đợi. Amen.
Lm.Antôn

SUY NIỆM:
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Gioan – người môn đệ được Đức Giêsu thương mến không viết về Thầy Giêsu như một nhà viết sử thuần túy. Ngài tuyên bố rất rõ ràng mục đích ngài viết sách Tin Mừng Thứ Tư là để cho mọi người tin vào Đức Kitô; và vì tin, họ đạt được cuộc sống đời đời” (Ga 20,31). Lời Chúa trong ngày kính thánh Gioan Tông Đồ cho chúng ta thấy rõ tại sao ngài làm chứng cho Đức Kitô. Ngài hiến dâng sự sống của mình để hiệp thông với con người và để con người được hiệp thông với Thiên Chúa.
Ta thấy thánh Gioan khẳng định rất rõ ràng “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” Trong lời chứng này, thánh Gioan dùng một loạt các động từ: nghe, thấy, chiêm ngưỡng, chạm tới, để làm chứng cho Đức Kitô.
Đó là tất cả kinh nghiệm đức tin mà thánh nhân đã lãnh nhận từ Thiên Chúa và Giáo Hội chứ không phải do nỗ lực khôn ngoan của con người. Chúa Giêsu hằng sống không vì ích lợi riêng tư cá nhân nhưng vì sự hiệp thông của con người với nhau và hiệp thông với Thiên Chúa. Nhờ đó mà niềm vui được trọn vẹn. Như thế, theo thánh Gioan niềm vui là điều cốt tủy của Tin Mừng cần được rao giảng. Nếu người loan báo chỉ mang tin buồn và gây thất vọng cho người nghe, đó không phải là Tin Mừng của Đức Kitô. Dĩ nhiên, nhiều khi người loan báo phải đánh thức lương tâm khán giả để thúc đẩy họ tới việc ăn năn hối cải; nhưng một khi họ đã thú nhận tội lỗi, họ phải cảm thấy niềm vui vì tội được tha và họ được giao hòa với Thiên Chúa.
Trong Trình thuật Tin Mừng, thánh Gioan kể lại biến cố vào sáng ngày Phục Sinh: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Magdala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.” Hành động của hai môn đệ làm chúng ta tự hỏi: Tại sao người môn đệ này lại để cho Phêrô vào trước?
Có lẽ bởi vì Phêrô là người lãnh đạo các Tông đồ. Hành động của người môn đệ, tuy tới trước nhưng không vào, nói lên sự tôn trọng quyền bính của ông. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính yếu mà thánh nhân đề cập. Mục đích thánh nhân đề cập đến chi tiết này có lẽ là Ngài muốn nêu bật lên hành động Tin của người môn đệ vào Đức Kitô đã sống lại. Hơn nữa, tác giả cũng muốn gởi tới độc giả một lời khuyên nhủ: người nào yêu mến Đức Kitô nhiều bao nhiêu dễ chạy nhanh hơn và nhận ra Ngài dễ hơn (Ga 21, 7).
Ta thấy hình ảnh vị tông đồ được Chúa Giê-su thương mến – tông đồ Gioan – đầy tình yêu, sự nhanh nhẹn, năng nổ và nhiệt huyết. Những yếu tố đó đã khiến cho vị tông đồ trẻ khi nghe nói: “Người ta đã lấy mất xác thầy!” thì liền tức tốc cùng với tông đồ trưởng chạy ra mộ. Tuy nhiên, vị tông đồ trẻ cũng thật dễ thương trong thái độ khiêm tốn, biết kính trọng cương vị của tông đồ trưởng Phê-rô nên cho dù chạy tới trước, ngài vẫn biết khép mình để cho huynh trưởng bước vào rồi mới vào theo sau.
Tình yêu và sự sống là ân ban của Thiên Chúa, là dấu chỉ, là tiếng nói của Đấng phục sinh; là lời mời gọi của Thiên Chúa – Ngài muốn con người được sống hạnh phúc và sung mãn. Tin – Yêu là tương quan hai chiều. Tôi có sống niềm tin vào Thiên Chúa trong việc thể hiện tình yêu của tôi đối với Người và với anh em đồng loại? Nhìn vào hang đá Be-lem, chúng ta nhìn thấy sự sống động của mầu nhiệm Tình yêu Nhập thể. Thiên Chúa không xa vời, nhưng Người hiện hữu, khóc, nói, cười và chung chia kiếp sống con người. Người đã chết, đã phục sinh và trở nên nguồn hy vọng cho con người.
Ngôi Lời Thiên Chúa – Chúa Giêsu Ki-tô đã làm người và trở nên mẫu mực cho đời sống con người trong tình yêu phục vụ không ngơi nghỉ, đầy lòng khoan dung, nhân hậu và xót thương. Ngài làm người để nâng chúng ta lên hàng con cái Thiên Chúa. Ngài đã trải qua kiếp sống con người, chịu chống đối, bách hại, khổ đau trong việc rao truyền và bảo vệ sự tinh ròng của ánh sáng chân lý Chúa. Ngài chết và đã phục sinh bởi vì Ngài là nguồn mạch sự sống của mọi sinh linh, mọi thọ tạo mà Thiên Chúa Cha đã đặt dưới chân Ngài.
Mừng mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta được mời gọi suy gẫm về mầu nhiệm Phục sinh, và được mời gọi dâng hiến tình yêu cho Thiên Chúa. Như tông đồ Gioan, mỗi người chúng ta cần thiết lập mối tương quan thân tình với Đức Giê-su Ki-tô – Đấng hằng yêu thương chúng ta. Người yêu thương chúng ta trước và mời gọi chúng ta đáp lại bằng cuộc sống đức tin trong việc thực thi lời Người truyền dạy. Mỗi người chúng ta cần phải thấm nhuần Lời Chúa để có được sự tinh tế, nhạy bén nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến cố của đời sống; để mỗi ngày chúng ta biết sống quảng đại hơn, yêu thương nhiều hơn, kiên nhẫn, thứ tha, chia sẻ và phục vụ cách vô vị lợi.
Với tất cả tâm tình, qua trang tin Mừng hôm nay, chúng ta cần ý thức hơn bổn phận làm chứng cho Đức Kitô qua việc rao giảng Tin Mừng và bằng cuộc sống chứng nhân. Mục đích của việc làm chứng là để cảm thông với con người và dẫn họ tới niềm tin vào Đức Kitô. Để lời rao giảng có hiệu quả, chúng ta cần có một niềm tin mạnh mẽ và thái độ khiêm tốn thẳm sâu, nhìn vào cõi lòng của mình, chúng ta sẽ nhận ra được điều Chúa muốn nơi mỗi người.
Huệ Minh
SUY NIỆM: THÁNH GIO-AN TÔNG ĐỒ
1. Thánh Gio-an Tông đồ cho chúng ta biết: Bà Ma-ri-a Ma-da-lê-na từ sáng sớm đã ra thăm mộ Chúa Giê-su. Bà không thấy xác Chúa thì hoảng hốt chạy về báo cho thánh Phê-rô và thánh Gio-an. Hai ông liền chạy đến mộ. Các ông thấy khăn liệm và khăn che mặt Chúa còn đó, mà xác Người đâu mất? Nhưng thánh Gio-an tin chắc là Chúa đã sống lại, vì theo Thánh Kinh: thì Người phải sống lại từ cõi chết.
2. Gio-an quê ở Bethsaiđa, được Chúa gọi làm môn đệ cùng với anh là Gia-cô-bê đang vá lưới với cha. Ông là môn đệ độc thân, được Chúa Giê-su yêu các riêng, được tham dự vào các biến cố quan trọng của Thầy như: Biến hình trên núi Tabôrê, trong vườn Cây Dầu trước khi Chúa bị bắt, đứng dưới cây Thập giá Chúa cùng với Mẹ Ngài, chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Chúa Giê-su, là nhân chứng về ngôi mộ trống và về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh.
Gio-an sẽ phải chịu sự bắt bớ thời hoàng đế Nê-rông, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh, nhưng ông thoát chết kỳ lạ, sau đó bị khổ lưu đầy tại đảo Patmos. Ông là vị Tông đồ duy nhất không phải đổ máu đào như các Tông đồ khác.
3. Tông đồ Gio-an là “môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” (x.Ga13,23), người đã ngã đầu và ngực Chúa trong bữa Tiệc ly như là biểu tượng của tình yêu gắn bó với Thầy. Thánh Au-gút-ti-nô đã nhìn thấy mối gắn bó tình yêu này như sau: ”Từ trong lồng ngực Chúa, Gio-an đã tìm thấy nguồn suối ban cho chúng ta thứ nước không còn khát và sự hiểu biết”.
Thật thế, Gio-an được ở gần bên Chúa, gắn bó và chứng kiến những việc Chúa làm. Sống và cảm nghiệm tình yêu của Thầy, ông đã ghi chép lại diễn từ tình yêu của Thầy (x.Ga 14-15) mà chỉ có ghi nhận nơi Tin Mừng Gio-an, vì thế được gọi là con người của tình yêu.
4. Xem ra Gio-an là con người hiền lành, dễ thương, nhưng thực sự ông là một con người xông xáo, nhiều tham vọng. Chúa Giê-su đã đặt cho ông một cái tên cúng cơm là Boanet, nghĩa là con của sấm sét. Gia-cô-bê và Gio-an là những người hết sức độc đoán và bất khoan dung, tính tình nóng nảy. Có lần họ đã muốn tiêu diệt cà một làng Sa-ma-ri-a chỉ vì dân làng này không chịu tiếp đón đoàn của Chúa khi Chúa phải đi qua đó. Có lần cùng với Gia-cô-bê và qua bà mẹ họ đã công khai xin được ngồi bên phải bên trái Chúa trong Nước của Ngài. Tin Mừng còn cho chúng ta biết chính Phê-rô và Gio-an là những người được trao cho việc thu xếp bữa ăn tối cuối cùng.
5. “Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).
Đây là sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay, “người môn đệ được Chúa yêu” chạy ra mộ, thấy ngôi mộ trống và đã tin.
Nhiều người chú giải rằng, Gio-an nhường Phê-rô vào mộ trước là vì ông nhận quyền “bề trên” của Phê-rô. Giải thích như thế có lẽ không chính xác lắm, bởi lẽ, lúc này Chúa Giê-su chưa trao quyền cho Phê-rô, mà phải chờ lúc hiện ra sau này với các môn đệ (x.Ga 21,15-19). Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải là chuyện ai trước ai sau, mà là nền tảng đức tin của chúng ta, như “môn đệ được Chúa yêu đã thấy và ĐÃ TIN”. Như vậy, chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay, trong ngôn ngữ biểu tượng, “người môn đệ Chúa yêu” là hình ảnh Giáo hội chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống, chứng kiến những chứng tích và ĐÃ TIN. Đó là Đức tin muôn đời không lay chuyển của Kitô hữu chúng ta (cf Hiền Lâm).
6. Người môn đệ được Chúa yêu mến nói về mình: ”Ông đã thấy và đã tin”. Ông đã thấy bằng trái tim và đã tin bằng tình yêu. Phải chăng người môn đệ muốn quả quyết rằng: bằng tình yêu, người ta có thể đi từ chỗ thấy những dấu chỉ bên ngoài, đến chỗ tin vào Chúa Phục Sinh vô hình? Vậy, thánh Gio-an đã thấy và đã tin nhờ đâu? Nhờ thánh nhân là môn đệ được Chúa Giê-su yêu mến. Chính tình yêu giúp chúng ta nhạy cảm, tiến sâu vào các mầu nhiệm của Chúa.
7. TruyệnHãy yêu thương nhau.
Chính thánh Hiêrônimô đã kể lại câu chuyện về mấy lời cuối cùng của Gio-an. Lúc ông hấp hối, các môn đệ hỏi ông còn gì để trối lại với họ không?
 Ông bảo:
– Hỡi các con bé bỏng của ta, hãy yêu mến lẫn nhau.
Ông lặp đi lặp lại nhiều lần, họ lại hỏi ông có phải đó là tất cả những gì ông muốn nói với họ không?
Ông đáp:
– Như thế là đủ, vì đó là mệnh lệnh của Chúa.
 Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: 
Hôm qua, chúng ta mừng lễ thánh Stephano và chiêm ngắm cuộc khổ nạn của thánh nhân như một cách tiếp cận và sống tin vui Giáng Sinh. Hôm nay, Hội Thánh lại cho chúng ta mừng lễ thánh Gioan – như một cách tiếp cận và sống tin vui giáng sinh trong một cách thế mới: tiếp cận không bằng con mắt hay những giác quan nhưng bằng con tim hay cảm thức về đức tin được khơi dậy từ trái tim yêu thương Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Trong khi các Tin Mừng Nhất Lãm, vị trí của Gioan không nổi bật trong số các tông đồ, thì vai trò của ngài được làm nổi bật trong Tin Mừng thứ tư và các thư của ngài – TÔNG ĐỒ CỦA TÌNH YÊU hay theo truyền thống Hội Thánh “NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊ-SU YÊU MẾN”
Theo Tin Mừng của thánh Gioan, Gioan có lẽ là một trong hai môn đệ đầu tiên đi theo Chúa Giê-su, đến xem chỗ người ở và ở lại với Chúa ngày hôm ấy. Ở lại trong tình yêu là một cụm từ được lặp đi lặp lại trong Tin Mừng và được coi là yếu tố sống còn của người môn đệ đích thực trong tương quan với Chúa Giê-su và qua Người với Thiên Chúa. Cũng nơi Tin Mừng này, người môn đệ Chúa yêu là người ngả đầu vào ngực Chúa trong đêm tiệc ly và được Chúa cho biết về Giu-đa Iscariot chính là người môn đệ phản bội. Gioan cũng là người nhận ra và tin Thầy của mình đã sống lại khi nhìn vào các khăn liệm và che đầu được xếp riêng ra một lời. Gioan vì thế, được coi như một gương mẫu tuyệt vời cho việc tiếp cận mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể bằng trái tim, bằng tình yêu. So với các Tin Mừng Nhất Lãm, Tin Mừng thứ tư được viết muộn hơn nhiều. Bởi đó, nó dường như là kết quả của một suy niệm chiêm ngắm và trải nghiệm sâu sắc tình yêu Thiên Chúa Cha trong Con của Người. Chính nơi Tin Mừng, tác giả công bố “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình để tất cả ai tin vào Người Con ấy sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời,” và “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU NÊN CHÚNG TA HÃY THƯƠNG YÊU NHAU NHƯ THIÊN CHÚA ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG TA.”
Trong bài đọc thứ nhất, trích từ thứ thứ nhât của thánh Gioan Tông Đồ, tác giả công bố cách tiếp nhận và xác tín của mình về Chúa Ki-tô Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Độ “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời của sự sống...Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Thiên Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Những điều này chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.” Vâng! cách tiếp cận của Gioan mới mầu nhiệm giáng sinh là cách tiếp cận bằng trái tim dựa trên các dấu chỉ. Chính trong chiêm nghiệm

Lạy Chúa Giê-su, khi nhập thể làm người vì chúng con và để cứu độ chúng con, Chúa đã dùng các dấu chỉ để cho con người nhận ra Chúa, đến với Chúa, tin và thờ lạy Chúa, nhờ đó, họ được Chúa ban cho trọn quyền làm con, sự sống dồi dào. Xin giúp chúng con khi quỳ bên hang đá nghèo, có tâm tình của thánh Phan-xi-cô Assisi, nhận ra sự khiêm ha khó nghèo của Chúa để mến yêu kiếp sống nghèo như Chúa. Xin giúp chúng con khi đến với mầu nhiệm giáng sinh, không chỉ dừng lại ở những dấu chỉ bên ngoài như hang đá với đủ loại hình trang trí, để thỏa mãn con mắt và tâm trí nhưng biết vượt qua để tiếp cận bằng trái tim, để nhận ra chính Chúa và tình yêu của Người. Xin giúp chúng con cũng biến cảm nghiệm niềm vui giáng sinh thành sự rung nhịp của trái tim và đê trái tim thúc đây và hướng dẫn hành động của chúng con trong những xử sự cụ thể hàng ngày với mọi người. Amen
Lm. Augustinô


SUY NIỆM: NIỀM VUI HIỆP THÔNG  
Trong thánh lễ kính thánh Gioan hôm nay, chúng ta nghe hai bài đọc liên quan đến thánh nhân. Trong cả hai bài, ông Gioan đều là chứng nhân của Đức Kitô là sự sống. Từ việc chứng kiến Chúa Giêsu đã chết nay đã sống lại, ông nhận biết Người là Chúa, rồi ông trở lại với kinh nghiệm sống bên Thầy Giêsu suốt ba năm trời, và ông nói rằng chúng tôi đã tận mắt chiêm ngưỡng sự sống, đã chạm đến sự sống nơi Ngôi Lời Nhập Thể.
Có thể nói rằng ông Gioan là thần học gia về Ngôi Lời Nhập Thể. Không những thế, ông còn là nhà thần bí, bởi vì ông nói mình đã chiêm ngưỡng, đã chạm đến Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô. Giữa cuộc bắt bớ vào cuối thế kỷ I, ông Gioan vẫn nói rằng được tiếp cận, được hiệp thông với Ngôi Lời sự sống là một niềm vui, và ông nói lại điều đó cho các tín hữu để họ cũng có được niềm vui khi hiệp thông với Ngôi Lời (x. 1Ga 1,3-4).
Cuộc sống bị huỷ diệt trong chiến tranh và trong các cuộc chiến loại trừ nhau trong công việc làm ăn và trong cuộc sống hàng ngày nữa! Tín hữu của mầu nhiệm Nhập Thể phải là người biết thưởng thức cuộc sống của mình và biết mang lại sự sống cho người khác, và điều này được thực hiện trong niềm vui của hiệp thông. Người tông đồ của mầu nhiệm Nhập Thể là người biết mang lại bình an có người khác khi sống hiệp thông với nhau, khi mang lại niềm vui cho cuộc sống của nhau.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây