THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG
Mt 7,21.24-27
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu !
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.
26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.
27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Muốn được vào Nước Trời, tuyên xưng ngoài môi miệng không đủ, nghe và tin Lời Chúa không đủ, còn phải đem Lời Chúa ra thực hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con là người tin Chúa, con mang danh hiệu là Kitô hữu, là môn đệ Chúa. Đã bao nhiêu lần con được nghe Lời Chúa. Đã bao nhiêu lần con đọc kinh Tin kính. Đã bao nhiêu lần con kêu cầu Danh Chúa. Điều đó thật là dễ, Chúa ơi. Tuyên bố mình là kẻ có đạo, tuyên xưng Danh Chúa, đọc hoài câu kinh, nghe hoài câu Phúc âm, đôi lúc cũng thật là khó, như hoàn cảnh các thánh tử đạo. Còn ngoài ra điều đó quá dễ, vì con nghĩ rằng nó không đòi hỏi nhiều cố gắng, và chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống con. Những mẫu kinh có sẵn, con cứ đọc chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần thay đổi cuộc sống. Lạy Chúa, quá dễ. Và điều đó ru ngủ lương tâm con và làm con ảo tưởng tự mãn.
Còn việc thực hành Lời Chúa, thì quả thực là khó. Lạy Chúa, bởi vì nó đòi hỏi con phải thay đổi cuộc sống, buộc con phải bỏ mình, hy sinh, phải từ bỏ ý riêng, tập quán xấu, những đam mê lầm lạc. Điều đó thật là khó.
Chính vì con thích dễ dãi và ngại khó khăn nên con đã trở thành kẻ khờ dại xây nhà trên cát. Lạy Chúa, con không muốn xây dựng đời mình trên sự ảo tưởng, trên sự tự mãn, để rồi cuối cùng phải chứng kiến đời mình sụp đổ tiêu tan.
Nhưng con muốn đời mình vững vàng trung kiên nhờ đem Lời Chúa thực hành. Con muốn sống Lời Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng can đảm để sống Lời Chúa, dù phải hy sinh, dù phải từ bỏ, dù phải sống khác người, dù phải lội ngược dòng. Như vậy, dẫu muôn ngàn cám dỗ khổ đau, thánh giá, hoạn nạn tấn công đời con, như phong ba bão táp trút lên căn nhà, con vẫn đứng vững trên Đá Tảng. Lạy Chúa, xin cho con sự trung tín và khôn ngoan. Amen.
Ghi nhớ: “Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM:
Câu chuyện
Đầu tháng 5/2009, cơn bão Nargis đổ bộ vào châu thổ Irrawaddy của Miến Điện (Myanma) với những cơn lốc xoáy làm nước dâng lên sau bão với mức 3,5 m. Nước tràn vào khu vực đồng bằng làm cho hàng triệu ngôi nhà sụp đổ và gây ra cái chết cho 78.000 người.
Theo Đài BBC, ngày 19 tháng 5/2009, ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Châu thổ Irrawaddy của Miến Điện có nhiều nét tương đồng với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá dễ bị thiệt hại nặng nề trong trường hợp các cơn bão mạnh cấp 14 đổ bộ vào, châu thổ rộng lớn này đa số là nhà cửa sơ sài, tạm bợ với những mái tranh, vách đất, không có nhiều các công trình kiên cố như đổ móng, cột bê tông…
Chúng ta muốn xây nhà thì phải có nền móng, cột bê tông để nhà thêm vững chắc, trước phong ba bão tố, lụt lội có thể trụ vững... Cho nên ông bà ta có dạy: “Nhà có nền ắt phải vững” (Tục ngữ).
Lời khuyên của cha ông về nhà xây trên nền vững đưa chúng ta về với bối cảnh Tin Mừng Mt 7,21-27: “Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát”. Nhà ở đây là tượng trưng cho cuộc đời, tượng trưng cho ý nghĩa nơi nương thân cả cuộc sống trong Chúa. Nếu như ngôi nhà vật chất cần được xây dựng trên nền móng bê tông bền vững như đá tảng để có thể đứng vững trước phong ba bão tố lũ lụt…, thì cuộc sống nhân sinh cũng phải được xây dựng trên nền móng đá vững chắc, nền móng đó là niềm tin, tin vào chính Thiên Chúa. Niềm tin vào Ngài là lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá” (Mt 7,24-25). Nghe lời Thầy đem ra thực hành là tạo nền móng vững chắc cho cuộc sống, vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28).
Tin Mừng nhắc nhớ chúng ta hãy tìm lại Đức Kitô là nơi nương náu, là nền móng để chúng ta xây cuộc đời như Thánh Vịnh đã cất tiếng ca nguyện: “Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn” (Tv 30,3b). Xây nhà của kiếp nhân sinh trên đá là khi nghe và sống Lời Chúa, chúng ta hãnh diện xác tín vào Đức Kitô - Đá tảng. Với niềm tin mà chúng ta sống khởi sắc vui tươi. Dựa trên chính Đức Kitô không thể hoài nghi là tiến bước hy vọng trong cuộc đời, không hề thất vọng trước những chờ đợi nơi Thiên Chúa
Xây cuộc sống của kiếp nhân sinh trên đá tảng đó là đứng vững trong đức tin. Tất cả những hoài nghi, ngập ngừng của niềm tin đặt vững vàng trên Đá tảng - Đức Kitô - “Người là đá tảng vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân” (Tv 62,8).
Chính vì thế, chúng ta đặt nền móng đời của kiếp nhân sinh nơi Đức Kitô như Thánh Phaolô đã dạy: “Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11).
Ý lực sống
“Duy Người là Đá tảng, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,3.7).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: SỐNG VÀ THI HÀNH
Cuộc đời môn đệ là một cuộc đời đi theo Đức Giêsu. Tuy nhiên không chỉ có cái “mác”, mà còn phải có cái “cốt”; cái “chất” của người môn đệ nữa. Người môn sinh hoàn hảo là người để cho Lời Chúa soi dọi, thấm đượm vào từng hành vi, cử chỉ..., đồng thời phải là người trung thành và thi hành theo giáo huấn của Đức Giêsu cách cụ thể chứ không phải trên giấy tờ, sách vở....
Hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến căn tính của người môn đệ và mời gọi phải sống triệt để thì mới được chung hưởng phần phúc Nước Trời với Ngài, đó là: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, ‘lạy Chúa, lạy Chúa!’, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”. Như vậy, người được tuyển chọn chính là những người dám sống những đòi hỏi của Tin Mừng cách thực tế chứ không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi. Không chỉ hiểu mà còn phải sống và thi hành những gì đã cảm nghiệm.
Điều đó đã được Đức Giêsu vạch ra trong bài giảng trên núi. Thi hành như thế là người khôn ngoan, biết lo cho cuộc sống mai hậu, biết xây đời mình trên đá chứ không phải trên cát.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần tránh lối sống giả hình, đạo đức hão huyền. Không thể sống mãi kiểu đạo đức hình thức bên ngoài. Những chuyện bên lề đó chỉ là khởi điểm để dẫn ta đi đến cốt lõi của đạo. Nếu không sống cốt lõi của nó, thì mãi mãi chúng ta chỉ là kẻ dựa dẫm, lăng xăng mà thôi.
Hãy tránh cho xa những thói giả hình như: phô trương, hình thức; quá lo lắng đến tiếng tăm bề ngoài; hay xét đoán người khác trong sự nông nổi, nhẹ nhạ....
Cần phải thi hành cho được những đức tính tốt như: phục vụ anh chị em cách vô vị lợi; chia sẻ cơm bánh cho người nghèo cách quảng đại; khiêm tốn khi thành công; vững tin khi thất bại và phó thác trong mọi hoàn cảnh; đồng thời, làm mọi việc là vì vinh danh Chúa chứ không phải vinh thân chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những lần chúng con hời hợt mà bỏ qua tinh thần của Chúa là thi hành và yêu mến luật Chúa. Xin cho chúng con biết sống thật tình với Chúa và anh chị em trong cuộc đời và nhất là trong Mùa Vọng này. Amen.
Ngọc Biển, SSP.
SUY NIỆM:
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của Thánh Lễ hôm nay, trích từ Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nói : « Người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành » (c. 26-27).
Xin Lời Chúa làm cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì vốn có bản chất là chóng qua, là phù vân.
1. Ơn cứu độ và Lề Luật
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng theo thánh Mat-thêu trình bày cho chúng ta một khuynh hướng lệch lạc trong việc giữ Luật (x. « Đức Ki-tô và Lề Luật » : Mt 5, 17-48). Việc giữ Luật của chúng ta đôi khi chỉ có ở bên ngoài mà thôi, chỉ có hình thức, chỉ cho theo luật buộc, để lương tâm và người khác không chê trách, chứ không phát xuất từ lòng biết ơn và tình yêu con thảo đối với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành, ngang qua từng ngày sống. Chính vì thế mà Đức Giê-su nói :
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: « Lạy Chúa! lạy Chúa! » là được vào Nước Trời cả đâu! (c. 21)
Và Ngài cũng nói, có những người nhân danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà trừ quỉ, thậm chí nhân danh Ngài mà làm phép lạ ; nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong lòng và trong cách sống với người khác, lại tăm tối và gian ác.
Với những cách sống theo vẻ bề ngoài như thế, Đức Giê-su nhấn mạnh, chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi ». Ở đây, Đức Giê-su không nói thi hành « Lề Luật », nhưng là thi hành « ý muốn của Cha Thầy », và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà, ý muốn của Thiên Chúa lại sâu và rộng hơn Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc.
Gương mẫu tuyệt vời nhất của chúng ta là chính Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.
2. Ý muốn của Chúa Cha
Như thế, để được vào Nước Trời, Đức Giê-su mời gọi chúng ta thi hành « ý muốn của Chúa Cha ». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong hoàn cảnh riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.
Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ. Và trong tình bạn và tình yêu cũng vậy, đoán ra ý nhau, mới thực sự là tình bạn, tình yêu và mang lại cho nhau niềm vui, thay vì cái gì cũng phải nói thẳng ra. Chúa cũng vậy, Chúa cũng sẽ vui thích khi chúng ta tìm kiếm và đoán ra ý Chúa với lòng mến.
3. Lời của Đức Giê-su và Lề Luật
Chính vì thế, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa, lòng mến Chúa và lòng ước ao làm đẹp lòng Chúa là quan trọng nhất. Và lòng mến Chúa lại cần được diễn tả ra bên ngoài bằng đời sống cầu nguyện và việc siêng năng tham dự các bí tích. Và chính trong cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được nền tảng vững chắc cho nỗ lực tìm kiếm ý Chúa Cha : đó là Lời của Đức Giê-su. Như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng :
Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. (c. 24)
Đặc biệt trong những gì liên quan đến việc hiểu và sống Lề Luật (x. Mt 5, 17-48), Đức Giê-su mời gọi chúng ta không chỉ dừng lại ở chữ viết của Lề Luật, nhưng “hoàn tất” Lề Luật, “vượt qua” Lề Luật, bằng cách hiểu và sống theo Lời của Ngài:
Anh em đã nghe Luật dạy rằng…
Nhưng Thầy, Thầy nói với anh em…
(Mt 5, 21.27.33.38 và 43)
Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.
Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?
Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con. (Tv 19, 13)
Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình. Như thế, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu.
Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là một chuyển động của Thần Khí vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích (x. Mt 5, 17-48)
Xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên Lời Chúa, sẽ bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống, không chỉ sự sống mai sau, nhưng ngay sự sống này. Bởi vì, nếu không, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM:
Tin Mừng hôm nay là phần kết của loạt Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu cho thấy đạo lý của Người là suối nguồn duy nhất mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người. Điều này còn khẳng định ngoài Chúa Giêsu , chúng ta không tìm đâu được hạnh phúc thật. Và để minh chứng cho việc thực hành lời Chúa, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người như việc xây cất một ngôi nhà. Người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá vững chắc. Còn người khờ dại không biết tiên liệu thời tiết xây nhà trên nền cát nên nhà bị hủy hoại khi gặp mưa gió giông bão.
Với lối nói so sánh bằng hình ảnh cụ thể, Chúa Giêsu cho chúng ta ý thức tính quyết liệt của việc thực hành Lời Chúa, đó là con đường duy nhất để được sống. Trái lại nếu không thực thi lời Chúa, chúng ta sẽ bị hư mất và rơi vào hố thẳm của sự chết.
Thực hành Lời Chúa cũng chính là sống đức tin. Thật vậy, người ta sống được là nhờ đức tin. Mà chỉ tin thôi thì chưa đủ, đức tin phải dẫn người ta đến hành động, nghĩa là sống theo những lời Chúa đã khuyên dạy. Xác tín về điều này, thánh Giacôbê tông đồ đã khẳng định: "Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu được người ấy chăng? Đức tin không việc làm là đức tin chết" (Gc 2, 14).
Nếu Chúa đòi ta phải thực hành hết mọi Lời Ngài dạy, thì chẳng ai có thể được cứu độ, vì nhiều khi một câu Lời Chúa mà ta sống chưa trọn vẹn. Và như thế càng học nhiều Lời Chúa thì càng run sợ, càng thất vọng! Nhưng đối với Chúa, ai biết sám hối tội và trông cậy vào lòng Chúa thương xót, thì đã đủ được Ngài cứu độ, vì nhờ Lời Chúa phát sinh lòng sám hối tội, cũng là cách thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, ông Biệt phái đứng gần Cung Thánh khoe công đức với Chúa, ông tự hào về nhân đức trổi vượt hơn người thu thuế đứng cuối Nhà Thờ, còn ông thu thuế biết mình là kẻ có tội, nên chỉ cúi sâu đấm ngực xin Chúa xót thương, nhờ vậy ông này được Đức Giêsu xác nhận : “Người này ra về được công chính” (Lc 18,9-14).
Bởi thế, theo Tin Mừng Luca : Hai tên trộm cùng bị đóng đinh vào thập giá bên Chúa Giêsu nơi đồi Sọ. Một tên nhạo báng Chúa Giêsu, còn anh kia nhận biết hình phạt bị đóng đinh xứng với tội mình, rồi anh kêu cầu Chúa Giêsu thương xót và xin theo Ngài vào Thiên Đàng. Ngay lúc ấy Chúa Giêsu nói : “Hôm nay anh vào Thiên Đàng với tôi” (Lc 23, 39-43).
Vậy biết sám hối tội và xin Chúa thương xót là hành động tốt nhất Chúa đòi buộc ai cũng phải có, để không thua anh trộm lành.
Chuyện kể rằng, một người thanh niên nọ tự hào có một niềm tin bất diệt thì sẽ được sống hạnh phúc bên Chúa. Ngày nọ, cơn lũ ập về càn quét thị trấn nơi anh đang ở. Nước dâng lên mênh mông, trong khi mọi người hối hả di dời đến nơi an toàn thì anh vẫn tự nhủ rằng: “Chúa sẽ cứu tôi. Tôi tin Ngài”. Càng lúc nước càng dâng cao, khi nước lên tới ngang vai thì có một đội cứu hộ bơi thuyền đến cứu, nhưng anh không chịu lên thuyền và ở lại với niềm tin rằng “Chúa sẽ cứu tôi. Tôi tin Ngài”.
Cơn lũ càng lúc càng dữ dội, nước nhấn chìm mọi vật, anh ta phải trèo lên mái nhà. Một chiếc trực thăng đến cứu nhưng anh vẫn từ chối và nói “Chúa sẽ cứu tôi. Tôi tin Ngài”. Thuyết phục một hồi không xong nên chiếc trực thăng bỏ đi và người thanh niên bị lũ cuốn chết. Khi lên tới thiên đàng, anh thanh niên trách móc Chúa và nói: “Lạy Chúa, con đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nhưng Ngài ở đâu khi con gặp hoạn nạn? Chúa liền ôn tồn nói: “Thế ngươi nghĩ ai đã mang thuyền cứu hộ và trực thăng đến cứu ngươi?”
Thái độ tin của anh thanh niên như một lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta. Đôi khi chúng ta cũng sống đạo một cách máy móc, đức tin của chúng ta chưa bén rễ sâu trong sự kết hợp với Thiên Chúa. Chúng ta chỉ tuyên xưng trên môi miệng nhưng không thể hiện ra bằng việc làm cụ thể. Chúng ta sống thụ động khoanh tay ngồi đợi Chúa làm phép lạ.
Giáo Hội cho chúng ta biết đức tin là một ân ban đến từ Thiên Chúa chứ không do con người thủ đắc. Thế nhưng tin luôn là mối tương giao hai chiều giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa yêu thương mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho chúng ta, nhưng đón nhận và sống mầu nhiệm ấy hay không điều đó phụ thuộc vào sự tự do của mỗi người.
Ví như căn phòng luôn đóng kín cửa sẽ không nhận được ánh nắng ấm áp của buổi bình minh. Như một hồ nước nhỏ không mở ra đón nhận dòng thủy triều mỗi ngày, nó sẽ trở thành ao tù. Cũng vậy nếu không mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, đời sống đạo của chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi, không đủ sức vượt qua những gian nan thử thách. Thực hành Lời Chúa còn là cách chúng ta thể hiện lòng yêu mến, là lúc chúng ta được “ở lại” trong Chúa thân thiết gần gũi như người yêu ở lại trong người mình yêu.
Thực hành lời Chúa không phải là điều dễ, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cuộc sống, phải từ bỏ chính mình, có khi phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Cuộc sống xã hội đang từng ngày thay đổi, vì thế Giáo Hội luôn trăn trở để tìm ra cách thế hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng sao cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình.
Vì thế chúng ta luôn được mời gọi tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Đồng thời mỗi ngày chúng ta cũng phải hun đúc niềm tin ấy bằng lòng yêu mến, nỗ lực cộng tác với ơn thánh hầu sống trọn những lời Chúa dạy.
Huệ Minh
THỨ NĂM TUẦN I MÙA VỌNG
Mt 7,21.24-27
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu !
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.
25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.
26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.
27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Muốn được vào Nước Trời, tuyên xưng ngoài môi miệng không đủ, nghe và tin Lời Chúa không đủ, còn phải đem Lời Chúa ra thực hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con là người tin Chúa, con mang danh hiệu là Kitô hữu, là môn đệ Chúa. Đã bao nhiêu lần con được nghe Lời Chúa. Đã bao nhiêu lần con đọc kinh Tin kính. Đã bao nhiêu lần con kêu cầu Danh Chúa. Điều đó thật là dễ, Chúa ơi. Tuyên bố mình là kẻ có đạo, tuyên xưng Danh Chúa, đọc hoài câu kinh, nghe hoài câu Phúc âm, đôi lúc cũng thật là khó, như hoàn cảnh các thánh tử đạo. Còn ngoài ra điều đó quá dễ, vì con nghĩ rằng nó không đòi hỏi nhiều cố gắng, và chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc sống con. Những mẫu kinh có sẵn, con cứ đọc chẳng cần suy nghĩ, chẳng cần thay đổi cuộc sống. Lạy Chúa, quá dễ. Và điều đó ru ngủ lương tâm con và làm con ảo tưởng tự mãn.
Còn việc thực hành Lời Chúa, thì quả thực là khó. Lạy Chúa, bởi vì nó đòi hỏi con phải thay đổi cuộc sống, buộc con phải bỏ mình, hy sinh, phải từ bỏ ý riêng, tập quán xấu, những đam mê lầm lạc. Điều đó thật là khó.
Chính vì con thích dễ dãi và ngại khó khăn nên con đã trở thành kẻ khờ dại xây nhà trên cát. Lạy Chúa, con không muốn xây dựng đời mình trên sự ảo tưởng, trên sự tự mãn, để rồi cuối cùng phải chứng kiến đời mình sụp đổ tiêu tan.
Nhưng con muốn đời mình vững vàng trung kiên nhờ đem Lời Chúa thực hành. Con muốn sống Lời Chúa. Xin Chúa ban cho con lòng can đảm để sống Lời Chúa, dù phải hy sinh, dù phải từ bỏ, dù phải sống khác người, dù phải lội ngược dòng. Như vậy, dẫu muôn ngàn cám dỗ khổ đau, thánh giá, hoạn nạn tấn công đời con, như phong ba bão táp trút lên căn nhà, con vẫn đứng vững trên Đá Tảng. Lạy Chúa, xin cho con sự trung tín và khôn ngoan. Amen.
Ghi nhớ: “Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM:
Câu chuyện
Đầu tháng 5/2009, cơn bão Nargis đổ bộ vào châu thổ Irrawaddy của Miến Điện (Myanma) với những cơn lốc xoáy làm nước dâng lên sau bão với mức 3,5 m. Nước tràn vào khu vực đồng bằng làm cho hàng triệu ngôi nhà sụp đổ và gây ra cái chết cho 78.000 người.
Theo Đài BBC, ngày 19 tháng 5/2009, ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Châu thổ Irrawaddy của Miến Điện có nhiều nét tương đồng với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá dễ bị thiệt hại nặng nề trong trường hợp các cơn bão mạnh cấp 14 đổ bộ vào, châu thổ rộng lớn này đa số là nhà cửa sơ sài, tạm bợ với những mái tranh, vách đất, không có nhiều các công trình kiên cố như đổ móng, cột bê tông…
Chúng ta muốn xây nhà thì phải có nền móng, cột bê tông để nhà thêm vững chắc, trước phong ba bão tố, lụt lội có thể trụ vững... Cho nên ông bà ta có dạy: “Nhà có nền ắt phải vững” (Tục ngữ).
Lời khuyên của cha ông về nhà xây trên nền vững đưa chúng ta về với bối cảnh Tin Mừng Mt 7,21-27: “Nhà xây trên nền đá và nhà xây trên cát”. Nhà ở đây là tượng trưng cho cuộc đời, tượng trưng cho ý nghĩa nơi nương thân cả cuộc sống trong Chúa. Nếu như ngôi nhà vật chất cần được xây dựng trên nền móng bê tông bền vững như đá tảng để có thể đứng vững trước phong ba bão tố lũ lụt…, thì cuộc sống nhân sinh cũng phải được xây dựng trên nền móng đá vững chắc, nền móng đó là niềm tin, tin vào chính Thiên Chúa. Niềm tin vào Ngài là lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành như Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá” (Mt 7,24-25). Nghe lời Thầy đem ra thực hành là tạo nền móng vững chắc cho cuộc sống, vì thế Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28).
Tin Mừng nhắc nhớ chúng ta hãy tìm lại Đức Kitô là nơi nương náu, là nền móng để chúng ta xây cuộc đời như Thánh Vịnh đã cất tiếng ca nguyện: “Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn” (Tv 30,3b). Xây nhà của kiếp nhân sinh trên đá là khi nghe và sống Lời Chúa, chúng ta hãnh diện xác tín vào Đức Kitô - Đá tảng. Với niềm tin mà chúng ta sống khởi sắc vui tươi. Dựa trên chính Đức Kitô không thể hoài nghi là tiến bước hy vọng trong cuộc đời, không hề thất vọng trước những chờ đợi nơi Thiên Chúa
Xây cuộc sống của kiếp nhân sinh trên đá tảng đó là đứng vững trong đức tin. Tất cả những hoài nghi, ngập ngừng của niềm tin đặt vững vàng trên Đá tảng - Đức Kitô - “Người là đá tảng vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân” (Tv 62,8).
Chính vì thế, chúng ta đặt nền móng đời của kiếp nhân sinh nơi Đức Kitô như Thánh Phaolô đã dạy: “Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11).
Ý lực sống
“Duy Người là Đá tảng, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62,3.7).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: SỐNG VÀ THI HÀNH
Cuộc đời môn đệ là một cuộc đời đi theo Đức Giêsu. Tuy nhiên không chỉ có cái “mác”, mà còn phải có cái “cốt”; cái “chất” của người môn đệ nữa. Người môn sinh hoàn hảo là người để cho Lời Chúa soi dọi, thấm đượm vào từng hành vi, cử chỉ..., đồng thời phải là người trung thành và thi hành theo giáo huấn của Đức Giêsu cách cụ thể chứ không phải trên giấy tờ, sách vở....
Hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến căn tính của người môn đệ và mời gọi phải sống triệt để thì mới được chung hưởng phần phúc Nước Trời với Ngài, đó là: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, ‘lạy Chúa, lạy Chúa!’, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”. Như vậy, người được tuyển chọn chính là những người dám sống những đòi hỏi của Tin Mừng cách thực tế chứ không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi. Không chỉ hiểu mà còn phải sống và thi hành những gì đã cảm nghiệm.
Điều đó đã được Đức Giêsu vạch ra trong bài giảng trên núi. Thi hành như thế là người khôn ngoan, biết lo cho cuộc sống mai hậu, biết xây đời mình trên đá chứ không phải trên cát.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần tránh lối sống giả hình, đạo đức hão huyền. Không thể sống mãi kiểu đạo đức hình thức bên ngoài. Những chuyện bên lề đó chỉ là khởi điểm để dẫn ta đi đến cốt lõi của đạo. Nếu không sống cốt lõi của nó, thì mãi mãi chúng ta chỉ là kẻ dựa dẫm, lăng xăng mà thôi.
Hãy tránh cho xa những thói giả hình như: phô trương, hình thức; quá lo lắng đến tiếng tăm bề ngoài; hay xét đoán người khác trong sự nông nổi, nhẹ nhạ....
Cần phải thi hành cho được những đức tính tốt như: phục vụ anh chị em cách vô vị lợi; chia sẻ cơm bánh cho người nghèo cách quảng đại; khiêm tốn khi thành công; vững tin khi thất bại và phó thác trong mọi hoàn cảnh; đồng thời, làm mọi việc là vì vinh danh Chúa chứ không phải vinh thân chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những lần chúng con hời hợt mà bỏ qua tinh thần của Chúa là thi hành và yêu mến luật Chúa. Xin cho chúng con biết sống thật tình với Chúa và anh chị em trong cuộc đời và nhất là trong Mùa Vọng này. Amen.
Ngọc Biển, SSP.
SUY NIỆM:
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu của Thánh Lễ hôm nay, trích từ Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su nói : « Người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành » (c. 26-27).
Xin Lời Chúa làm cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì vốn có bản chất là chóng qua, là phù vân.
1. Ơn cứu độ và Lề Luật
Lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng theo thánh Mat-thêu trình bày cho chúng ta một khuynh hướng lệch lạc trong việc giữ Luật (x. « Đức Ki-tô và Lề Luật » : Mt 5, 17-48). Việc giữ Luật của chúng ta đôi khi chỉ có ở bên ngoài mà thôi, chỉ có hình thức, chỉ cho theo luật buộc, để lương tâm và người khác không chê trách, chứ không phát xuất từ lòng biết ơn và tình yêu con thảo đối với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta, Đấng đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành, ngang qua từng ngày sống. Chính vì thế mà Đức Giê-su nói :
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: « Lạy Chúa! lạy Chúa! » là được vào Nước Trời cả đâu! (c. 21)
Và Ngài cũng nói, có những người nhân danh Ngài mà nói tiên tri, nhân danh Ngài mà trừ quỉ, thậm chí nhân danh Ngài mà làm phép lạ ; nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, còn trong lòng và trong cách sống với người khác, lại tăm tối và gian ác.
Với những cách sống theo vẻ bề ngoài như thế, Đức Giê-su nhấn mạnh, chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi ». Ở đây, Đức Giê-su không nói thi hành « Lề Luật », nhưng là thi hành « ý muốn của Cha Thầy », và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà, ý muốn của Thiên Chúa lại sâu và rộng hơn Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc.
Gương mẫu tuyệt vời nhất của chúng ta là chính Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.
2. Ý muốn của Chúa Cha
Như thế, để được vào Nước Trời, Đức Giê-su mời gọi chúng ta thi hành « ý muốn của Chúa Cha ». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong hoàn cảnh riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.
Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ. Và trong tình bạn và tình yêu cũng vậy, đoán ra ý nhau, mới thực sự là tình bạn, tình yêu và mang lại cho nhau niềm vui, thay vì cái gì cũng phải nói thẳng ra. Chúa cũng vậy, Chúa cũng sẽ vui thích khi chúng ta tìm kiếm và đoán ra ý Chúa với lòng mến.
3. Lời của Đức Giê-su và Lề Luật
Chính vì thế, trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa, lòng mến Chúa và lòng ước ao làm đẹp lòng Chúa là quan trọng nhất. Và lòng mến Chúa lại cần được diễn tả ra bên ngoài bằng đời sống cầu nguyện và việc siêng năng tham dự các bí tích. Và chính trong cầu nguyện và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mà chúng ta nhận được nền tảng vững chắc cho nỗ lực tìm kiếm ý Chúa Cha : đó là Lời của Đức Giê-su. Như chính Chúa nói trong bài Tin Mừng :
Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành,
thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. (c. 24)
Đặc biệt trong những gì liên quan đến việc hiểu và sống Lề Luật (x. Mt 5, 17-48), Đức Giê-su mời gọi chúng ta không chỉ dừng lại ở chữ viết của Lề Luật, nhưng “hoàn tất” Lề Luật, “vượt qua” Lề Luật, bằng cách hiểu và sống theo Lời của Ngài:
Anh em đã nghe Luật dạy rằng…
Nhưng Thầy, Thầy nói với anh em…
(Mt 5, 21.27.33.38 và 43)
Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.
Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?
Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con. (Tv 19, 13)
Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình. Như thế, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu.
Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là một chuyển động của Thần Khí vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích (x. Mt 5, 17-48)
Xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên Lời Chúa, sẽ bảo vệ, duy trì và phát triển sự sống, không chỉ sự sống mai sau, nhưng ngay sự sống này. Bởi vì, nếu không, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM:
Tin Mừng hôm nay là phần kết của loạt Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu cho thấy đạo lý của Người là suối nguồn duy nhất mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người. Điều này còn khẳng định ngoài Chúa Giêsu , chúng ta không tìm đâu được hạnh phúc thật. Và để minh chứng cho việc thực hành lời Chúa, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người như việc xây cất một ngôi nhà. Người khôn ngoan xây nhà mình trên nền đá vững chắc. Còn người khờ dại không biết tiên liệu thời tiết xây nhà trên nền cát nên nhà bị hủy hoại khi gặp mưa gió giông bão.
Với lối nói so sánh bằng hình ảnh cụ thể, Chúa Giêsu cho chúng ta ý thức tính quyết liệt của việc thực hành Lời Chúa, đó là con đường duy nhất để được sống. Trái lại nếu không thực thi lời Chúa, chúng ta sẽ bị hư mất và rơi vào hố thẳm của sự chết.
Thực hành Lời Chúa cũng chính là sống đức tin. Thật vậy, người ta sống được là nhờ đức tin. Mà chỉ tin thôi thì chưa đủ, đức tin phải dẫn người ta đến hành động, nghĩa là sống theo những lời Chúa đã khuyên dạy. Xác tín về điều này, thánh Giacôbê tông đồ đã khẳng định: "Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu được người ấy chăng? Đức tin không việc làm là đức tin chết" (Gc 2, 14).
Nếu Chúa đòi ta phải thực hành hết mọi Lời Ngài dạy, thì chẳng ai có thể được cứu độ, vì nhiều khi một câu Lời Chúa mà ta sống chưa trọn vẹn. Và như thế càng học nhiều Lời Chúa thì càng run sợ, càng thất vọng! Nhưng đối với Chúa, ai biết sám hối tội và trông cậy vào lòng Chúa thương xót, thì đã đủ được Ngài cứu độ, vì nhờ Lời Chúa phát sinh lòng sám hối tội, cũng là cách thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, ông Biệt phái đứng gần Cung Thánh khoe công đức với Chúa, ông tự hào về nhân đức trổi vượt hơn người thu thuế đứng cuối Nhà Thờ, còn ông thu thuế biết mình là kẻ có tội, nên chỉ cúi sâu đấm ngực xin Chúa xót thương, nhờ vậy ông này được Đức Giêsu xác nhận : “Người này ra về được công chính” (Lc 18,9-14).
Bởi thế, theo Tin Mừng Luca : Hai tên trộm cùng bị đóng đinh vào thập giá bên Chúa Giêsu nơi đồi Sọ. Một tên nhạo báng Chúa Giêsu, còn anh kia nhận biết hình phạt bị đóng đinh xứng với tội mình, rồi anh kêu cầu Chúa Giêsu thương xót và xin theo Ngài vào Thiên Đàng. Ngay lúc ấy Chúa Giêsu nói : “Hôm nay anh vào Thiên Đàng với tôi” (Lc 23, 39-43).
Vậy biết sám hối tội và xin Chúa thương xót là hành động tốt nhất Chúa đòi buộc ai cũng phải có, để không thua anh trộm lành.
Chuyện kể rằng, một người thanh niên nọ tự hào có một niềm tin bất diệt thì sẽ được sống hạnh phúc bên Chúa. Ngày nọ, cơn lũ ập về càn quét thị trấn nơi anh đang ở. Nước dâng lên mênh mông, trong khi mọi người hối hả di dời đến nơi an toàn thì anh vẫn tự nhủ rằng: “Chúa sẽ cứu tôi. Tôi tin Ngài”. Càng lúc nước càng dâng cao, khi nước lên tới ngang vai thì có một đội cứu hộ bơi thuyền đến cứu, nhưng anh không chịu lên thuyền và ở lại với niềm tin rằng “Chúa sẽ cứu tôi. Tôi tin Ngài”.
Cơn lũ càng lúc càng dữ dội, nước nhấn chìm mọi vật, anh ta phải trèo lên mái nhà. Một chiếc trực thăng đến cứu nhưng anh vẫn từ chối và nói “Chúa sẽ cứu tôi. Tôi tin Ngài”. Thuyết phục một hồi không xong nên chiếc trực thăng bỏ đi và người thanh niên bị lũ cuốn chết. Khi lên tới thiên đàng, anh thanh niên trách móc Chúa và nói: “Lạy Chúa, con đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nhưng Ngài ở đâu khi con gặp hoạn nạn? Chúa liền ôn tồn nói: “Thế ngươi nghĩ ai đã mang thuyền cứu hộ và trực thăng đến cứu ngươi?”
Thái độ tin của anh thanh niên như một lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta. Đôi khi chúng ta cũng sống đạo một cách máy móc, đức tin của chúng ta chưa bén rễ sâu trong sự kết hợp với Thiên Chúa. Chúng ta chỉ tuyên xưng trên môi miệng nhưng không thể hiện ra bằng việc làm cụ thể. Chúng ta sống thụ động khoanh tay ngồi đợi Chúa làm phép lạ.
Giáo Hội cho chúng ta biết đức tin là một ân ban đến từ Thiên Chúa chứ không do con người thủ đắc. Thế nhưng tin luôn là mối tương giao hai chiều giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa yêu thương mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho chúng ta, nhưng đón nhận và sống mầu nhiệm ấy hay không điều đó phụ thuộc vào sự tự do của mỗi người.
Ví như căn phòng luôn đóng kín cửa sẽ không nhận được ánh nắng ấm áp của buổi bình minh. Như một hồ nước nhỏ không mở ra đón nhận dòng thủy triều mỗi ngày, nó sẽ trở thành ao tù. Cũng vậy nếu không mở lòng đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, đời sống đạo của chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi, không đủ sức vượt qua những gian nan thử thách. Thực hành Lời Chúa còn là cách chúng ta thể hiện lòng yêu mến, là lúc chúng ta được “ở lại” trong Chúa thân thiết gần gũi như người yêu ở lại trong người mình yêu.
Thực hành lời Chúa không phải là điều dễ, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cuộc sống, phải từ bỏ chính mình, có khi phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Cuộc sống xã hội đang từng ngày thay đổi, vì thế Giáo Hội luôn trăn trở để tìm ra cách thế hữu hiệu nhất để loan báo Tin Mừng sao cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình.
Vì thế chúng ta luôn được mời gọi tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Đồng thời mỗi ngày chúng ta cũng phải hun đúc niềm tin ấy bằng lòng yêu mến, nỗ lực cộng tác với ơn thánh hầu sống trọn những lời Chúa dạy.
Huệ Minh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn