THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 17,10-13
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
10 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao các kinh sư nói rằng ông Ê-li-a phải đến trước?”
11 Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự.
12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.”
13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Đứng trước lịch sử hoặc các sự kiện xảy ra trong đời, chúng ta thường hời hợt và cắt nghĩa nông cạn. Ta cần phải tìm hiểu Thánh Ý Chúa. Hãy đến để hỏi Chúa Giêsu như các môn đệ xưa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, Chúa có đau lòng không, khi Chúa đến giữa Dân Chúa mà Dân Chúa không nhận ra Chúa là Đấng phải đến ? Chỉ vì họ đã cắt nghĩa lời hứa của Chúa Cha một cách hẹp hòi. Họ cứ chờ đợi Ê-li-a phải đến trước.
Trong cuộc sống con, chắc chắn con không từ chối tiếp nhận Chúa đến với con dưới hình ảnh một vị Vua uy nghi. Nhưng hằng ngày Chúa đến với con thật sự, mà con lại dửng dưng. Con không thấy hấp dẫn và cần thiết mấy. Nhiều khi con còn coi như bị mất giờ nữa. Nếu con hiểu được sự hiện diện cao siêu của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, chắc mỗi lần đến với Chúa, con phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu con hiểu được sự hiện diện của Chúa trong những người nghèo khổ, chắc con đã không khinh miệt họ. Chúa đang đến với con qua những lần con gặp gỡ những ai bệnh tật, nhưng con ít khi nhìn ra Chúa.
Vâng, lạy Chúa Giêsu, các thánh khác chúng con ở chỗ: các ngài luôn nhận ra Ý Chúa trong bất cứ cảnh sống nào, và luôn nhận ra khuôn mặt của Chúa trong bất cứ người nào.
Xin cho Mùa Vọng năm nay mang lại cho con sự khôn ngoan chân thật của Chúa để con biết nhận ra Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho con luôn thấu hiểu Thánh Ý Chúa đầy tình yêu thương trong mọi cảnh sống. Amen.
Ghi nhớ: “Elia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: ĐỨC KITÔ, ĐẤNG PHẢI ĐẾN
Khi thi hành sứ mạng của mình, ngôn sứ Ma-la-khi đã từng tiên báo như sau: “Đức Chúa phán: Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Mlk 3, 23-14).
Kể giây phút ấy, người Do Thái căn cứ theo lời này, để xác định và nhận biết đâu mới đích thực là ngày Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người. Nghĩa là, khi nào Êlia đến thì Thiên Chúa sẽ đến; còn Êlia chưa trở lại thì tất cả những ai xưng mình là Đấng Mêsia, đều là một dấu chấm hỏi lớn đối với họ.
Đó là lý do tại sao người Do Thái đã từng ngộ nhận Chúa Giêsu là Êlia hay 1 vị ngôn sứ nào đó, mà không nhận ra và cũng không dám tin Ngài là Đấng Mêsia. Ngay cả Gioan Tẩy Giả là người dọn đường cho Chúa Giêsu, vậy mà ông cũng từng phân vân và sai môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ngài có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi đấng nào khác?” (Lc7,19).
Cùng 1 nghi vấn đó, trong bài Tin mừng hôm nay, khi được Chúa Giêsu mạc khải cho biết về chính bản thân Ngài, các môn đệ đặt lại vấn đề này với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, tại sao các kinh sư lại nói ông Êlia phải đến trước kia mà?” (Mt 17,10).
Trước niềm tin cha truyền con nối, Chúa Giêsu cho biết, lời tiên báo của ngôn sứ Malakhi năm xưa đích thực là lời của Thiên Chúa. Và lời ấy đã được ứng nghiệm. Êlia mà họ vẫn hằng mong đợi đã đến, đó chính là Gioan Tẩy Giả. Bởi ông mang trong mình cùng 1 sứ mạng như Êlia xưa, là chỉnh đốn mọi sự, là đưa các tâm hồn trở về, là phục hưng niềm tin của các tín hữu Do Thái vào Thiên Chúa.
Và như thế ta hiểu rằng, nếu Chúa Giêsu đã xác nhận Gioan Tẩy Giả chính là Êlia mà ngôn sứ Ma-la-khi đã tiên báo, và đã đến; thì Ngài chính là Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa.
Tiếc thay, dù mắt đã được thấy, tai đã được nghe, nhưng người Do Thái đã không đủ khiêm tốn để đón nhận tất cả những điều trên. Họ đã giết chết Gioan Tẩy Giả, và rồi họ cũng làm như thế với Chúa Giêsu, Đấng mà họ vẫn luôn trong đợi.
Lời Chúa hôm nay gợi nhớ cho chúng ta những cung bậc thăng trầm trong chặng đường đức tin của người Do Thái, và mời gọi chúng ta xác tín niềm tin vào Chúa Giêsu, bằng cách, mỗi người hãy tự trả lời với chính mình rằng: Giờ này, đối với tôi, Đức Kitô là ai? Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: TRỞ NÊN NGÔN SỨ CỦA THIÊN CHÚA
Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả Sách Huấn Ca trình bày cho chúng ta về ngôn sứ Êlia. Hình ảnh của ngôn sứ Êlia được vẽ lên với nét đặc biệt sau: ông như ngọn lửa thanh luyện dân để trở về với sự thờ kính Thiên Chúa cách chân thật: “Ngày ấy, ngôn sứ Êlia xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48:1). Điều đáng để chúng ta suy gẫm là “lời của Êlia” có sức mạnh biến đổi. Với lời của mình, ngôn sứ Isaia đã làm phép lạ: “Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt. Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời, và ba lần cũng cho lửa đổ xuống” (Hc
48:2-3). Sức mạnh của lời ông không phải đến từ ông mà đến từ Đức Chúa. Ông đã sử dụng lời Thiên Chúa để thực hiện bao nhiêu việc hiển hách. Chi tiết nhắc nhở chúng ta về việc sử dụng lời nói của mình. Chỉ những ai sử dụng lời Thiên Chúa mới có thể mang lại sự biến đổi nơi chính mình và nơi người khác, đồng thời làm cho cuộc sống của mình trở nên “vinh quang hiển hách” (Hc 48:4).
Một chi tiết khác chúng ta được mời gọi để suy gẫm trong bài đọc 1 là việc ngôn sứ Êlia đã sử dụng lời nói của mình để mang dân trở về với Đức Chúa: “Những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Giacóp. Phúc cho ai được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa, vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống” (Hc 48:10-11). Cuộc sống của ông đã trở nên lời rao giảng để qua đó con cái Israel trở về với Đức Chúa, không còn làm cho cơn giận của Chúa bùng lên. Lời của Êlia có sức mạnh biến đổi, cuộc sống của ông là mối phúc cho những ai gặp ông. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về lối sống của mình. Chúng ta được mời gọi biến cuộc sống của mình thành mối phúc cho người khác. Ngôn sứ Êlia trở nên mối phúc cho những ai nhìn thấy ông. Còn chúng ta thế nào: Chúng ta có là mối phúc cho người khác không?
Đoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết của biến cố Chúa Giêsu biến hình. Trong phần này, chúng ta thấy vấn nạn về việc Êlia sẽ trở lại được các môn đệ đưa ra. Điều này chứng tỏ họ đã một phần nào đó biết được căn tính của Chúa Giêsu là Đấng Messia. Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc các môn đệ đặt câu hỏi khi thầy trò “đang trên núi xuống”: “Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: ‘Sao các kinh sư nói rằng ông Êlia phải đến trước?’ (Mt 17:10). Hình ảnh trên núi đi xuống nói lên sự trở về với thực tại của đời sống thường ngày. Trên núi, giây phút thân tình với Thiên Chúa đã làm cho các môn đệ hạnh phúc, nhưng cũng có thể làm cho các ông quên đi thực tại cụ thể của đời sống thường ngày. Việc các môn đệ đặt vấn nạn với Chúa Giêsu khi đang trên núi xuống ám chỉ rằng những thực tế trong cuộc sống thường ngày nhiều khi làm chúng ta đặt vấn nạn với Chúa về những gì xảy ra cho mình và cho người khác. Chi tiết này cũng cho chúng ta thấy rằng khi hạnh phúc vui sướng [trên núi với Chúa], chúng ta không bao giờ đặt vấn đề với Chúa. Nhưng khi đụng chạm đến những thực tại sinh, lão, bệnh, tử của cuộc sống thường ngày của con người, chúng ta lại đặt nhiều câu hỏi. Dù chúng ta có nhiều vấn nạn cho cuộc sống mình, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn đồng hành và giải thích cho chúng ta. Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để đi theo Ngài để được Ngài giải thích cho không?
Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ rằng: “Đúng thế, ông Êlia đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế” (Mt 17:11-12). Những lời này đưa chúng ta về với bài đọc 1. Chúa Giêsu cũng khẳng định cho các môn đệ về vai trò của Êlia là đến để chỉnh đốn dân chúng để đón mừng ngày được giải thoát. Nhưng Chúa Giêsu cũng khuyến cáo các môn đệ về việc họ có thể không nhận ra người Thiên Chúa sai đến như những người trong thời của Ngôn Sứ Êlia. Trong ngày sống của mình, Thiên Chúa cũng gởi nhiều ngôn sứ của Ngài đến để chỉnh đốn đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra hoặc không muốn nghe. Thiên Chúa không chỉ sai các ngôn sứ của Ngài đến, nhưng chính Ngài đến với chúng ta và nhiều khi chúng ta không nhận ra, và nếu nhận ra chúng ta không tiếp đón Ngài vào trong ngày sống của mình. Hãy để cho Chúa một cơ hội để được đón nhận vào trong con tim của chúng ta hôm nay.
Chi tiết kết thúc bài Tin Mừng hôm nay mang lại cho chúng ta sự an ủi vì các môn đệ dường như “hiểu” những điều Chúa Giêsu nói: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 17:13). Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy các môn đệ không hiểu hoặc hiểu sai những gì Chúa Giêsu dạy. Nhưng trong trường hợp này, họ lại hiểu. Đâu là lý do? Chính ánh sáng của kinh nghiệm biến hình đã chiếu soi tâm hồn các ông, giúp các ông hiểu được những gì Chúa Giêsu nói. Nói cách cụ thể hơn, chính kinh nghiệm sống thân tình với Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ hiểu được những lời dạy của Chúa Giêsu. Như vậy, để biết và hiểu điều Chúa Giêsu dạy [hay thánh ý Thiên Chúa], chúng ta phải chìm sâu trong những giây phút thân tình với Thiên Chúa, điều mà chúng ta thường gọi là cầu nguyện. Người không cầu nguyện, dù có học giỏi và có nhiều bằng cấp thì cũng chỉ có được những tư tưởng về Chúa chứ không có Chúa trong cuộc sống, nên sẽ không bao giờ biết và hiểu được thánh ý của Ngài.
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, người viết sực nhớ lại một câu chuyện cách đây khá lâu nơi một xứ đạo Miền Tây. Số là hôm ấy, ông trùm và cha sở đến một vùng giáo điểm để dâng Thánh Lễ. Do cha sở thì ăn mặc áo nâu sồng giản dị, còn ông trùm thì “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, nên sau khi gửi xe để đi vào, ông trùm thì được một bác che dù và những người giúp giáo điểm đón vào mời dùng khăn lạnh, xơi nước, còn cha ở thì một mình lủi thủi. Đến giờ cha sở vào mở giỏ lấy lễ phục ra mặc để dâng lễ, thì mọi người mới tá hoả ra đâu là cha sở và đâu là ông trùm.
Câu chuyện trên cho thấy quan niệm của nhiều người rằng cha sở phải bảnh bao đẹp mã, phải nhìn phong độ hơn ông trùm… Đó cũng là quan niệm chung của người đương thời với Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Họ quan niệm Đấng Cứu Thế đến phải là rất quyền lực và oai phong như Vua Đa-vít, đến đánh dẹp Rôma và lên ngôi hoàng đế. Từ đó, căn cứ vào lời tiên tri Malaki 3,1, họ cũng quan niệm vị Tiền Hô của Người như là môt tể tướng quân đội, đầy quyền năng của ngôn sứ Êlia, hô mưa gọi gió, thách thức và tiêu diệt năm trăm ngôn sứ giả của hoàng hậu Jêsabell, đến trước chuẩn bị cho Đấng Messia ngự đến. Từ đó, họ không thể nhận ra Đấng Tiền Hô của Chúa là ông Gioan Tẩy Giả trong sự giản dị và khiêm tốn, và cũng đồng thời không chấp nhận một Đấng Cứu Thế khiêm nhường hiền hậu như Đức Giêsu được. Để rồi họ đối xử với Gioan theo cách họ muốn, và họ tiếp tục tìm cách hãm hại Đức Giêsu.
Chúa Giêsu đã cho các môn đệ biết, Gioan Tiền Hô chính là hiện thân của Êlia, đã đến trước chuẩn bị cho sứ vụ của Người, và khi Chúa Giêsu giới thiệu Gioan Tiền Hô như là Êlia thì cũng có nghĩa là Người muốn nói cho người Do Thái biết rằng, lời tiên tri Malaki mà họ trông đợi đã ứng nghiệm, Đấng Cứu Thế là chính Người đã đến.
Có người hỏi cha Anthony de Mello rằng: “Ai sinh ra Thiên Chúa”, ngài đáp: “con người chúng ta sinh ra Thiên Chúa”; người đó hỏi tiếp: “vậy ai giết chết Thiên Chúa”, ngài đáp: “cũng chính chúng ta giết Thiên Chúa”.
Thật vậy, ngày hôm nay, chính chúng ta vẽ ra một vị Thiên Chúa làm sao cho hợp với đam mê của mình, chúng ta ham quyền lực nên tôn thờ một kiểu Thiên Chúa uy quyền đánh phạt, chúng ta ưa danh vọng, nên vẽ ra Thiên Chúa giàu sang quyền quý… Như thế chúng ta vừa sinh ra một Thiên Chúa theo ý mình, đồng nghĩa với việc chúng ta giết chết một Thiên Chúa đích thực, là một Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa chịu đóng đinh và là Thiên Chúa của người nghèo. Để rồi, cũng như những người Do Thái xưa, chúng ta quan niệm những vị đại diện Chúa sai đến, phải là oai phong hơn người, và chúng ta dành cho các vị một khoảng cách rất xa so với những người thân cận đang cần đến chúng ta giúp đỡ.
Đáng trách hơn là không thiếu những người “được coi là đại diện Chúa”, như các GM, Lm, Ts… đã tự trang bị cho mình một sự vượt trội người khác, thay vì nổi trội về lòng mến và kiến thức về Chúa, thì lại lo sắm sửa cho mình những tiện nghi sang trọng, để được mọi người kính nể, và tự phân cấp thành một bậc cao hơn trên dân Chúa, không thể đến với người nghèo và hạ mình cúi xuống phục vụ những người đau khổ. Như thế, chẳng khác nào chúng ta đang tôn thờ một Thiên Chúa ‘thần tài’ và giết chết Thiên Chúa là Đấng đã chết đi vì những người hèn kém nhất trong xã hội.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, bởi vì chúng con được ví như “người nhà” của Chúa, nhưng nhiều lần Chúa đến viếng thăm tâm hồn chúng con thì chúng con lại từ chối vì không nhận ra Chúa, bởi tâm trí chúng con quen với tư tương một Thiên Chúa quyền lực thỏa mãn đam mê của chúng con hơn là một Thiên Chúa Tình Yêu. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM : Con Người cŨng sẽ phải Đau khổ vì họ như thế
Cả bài đọc I (Hc 48, 1-4.9-11) và bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trong Thánh Lễ hôm nay đều nói về ngôn sứ Elia. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng hình ảnh ngôn sứ Elia có một vị trí đặc biệt trong tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, và vì thế, sẽ soi sáng, làm rạng rỡ cuộc đời và căn tính của Đức Giê-su.
Thực vậy, trong cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài, Gio-an Tẩy Giả được coi là Elia, vị ngôn sứ phải đến và chính Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với cả Gioan lẫn Elia :
« Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế » ! (c. 12)
1. Ngôn sứ Elia
Bài đọc I, trích sách Huấn Ca, kể lại những kì công mà ngôn sứ Elia đã thực hiện :
Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông? (Hc 48, 4)
Nhưng, như chúng ta đều biết, ngôn sứ Elia cũng đã từng trải qua những giai đoạn rất khó khăn, thậm chí bi đát. Thực vậy, theo sách Các Vua quyển thứ nhất, vì bị đuổi giết, vị ngôn sứ đã phải chạy trốn vào sa mạc, và chính trong nỗi tuyệt vọng mà ông thưa với Đức Chúa những lời này : « Lạy ĐỨC CHÚA, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con. » (1V 19, 4) Và chính bởi những thử thách tận căn này của đời mình, mà ngôn sứ Elia loan báo và soi sáng cuộc đời của Gioan Tầy Giả và Đức Giê-su.
Tuy nhiên, chính khi chạy trốn và lưu lại trong sa mạc, mà ngôn sứ Elia có một kinh nghiệm hoàn toàn khác và mới mẻ về Thiên Chúa : Thiên Chúa không hiện diện ở trong lửa ; lửa bừng cháy mạnh mẽ mà bài đọc I nhiều lần nói tới ; nhưng Thiên Chúa hiện diện ở trong « tiếng gió hiu hiu ». Tiếng gió dịu êm nhắc nhớ chúng ta sự dịu êm thần linh của mầu nhiệm Giáng Sinh và cả mầu nhiệm Thập Giá nữa (x. 1V 19, 9-14).
2. Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su
Như thế, mầu nhiệm Vượt Qua đã được ghi khắc trong cuộc đời của ngôn sứ Elia rồi, vì chính khi ông gặp thử thách khó khăn, đi đến đường cùng, bị mọi người ruồng bỏ, và dường như kể cả Thiên Chúa nữa, thì ông lại kinh nghiệm được sự hiện diện của Người một cách hoàn toàn mới.
Nhưng vào lúc cuối đời, ngôn sứ Elia vẫn chưa biết đến cái chết, như bài đọc I tưởng nhớ : « Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc, trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi » (Hc 48, 9) Chính vì thế mà vị ngôn sứ như vẫn còn mắc nợ với cuộc đời này và cũng chính vì thế mà những thế hệ sau này chờ đợi ông trở lại : « Các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng : Sao các kinh sư nói rằng ông Elia phải đến trước ? » (c. 10)
Thực vậy, trên đồi sọ, khi nghe tiếng kêu của Đức Giê-su, những kẻ nhạo báng nói đùa với nhau: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” (Mt 27, 49)
Lúc ấy, ngôn sứ Elia đã không đến can thiệp để cứu Đức Giê-su, và như thế, ông đã nói lên sứ điệp cuối cùng của mình ngang qua lời đáp là thinh lặng và không làm gì hết. Như thế Ngôn sứ Elia và Đức Giê-su đã trở nên một, vì Đức Giê-su cũng sẽ “thing lặng không làm gì hết” cho đến cùng.
3. Đức Ki-tô chịu đóng đinh, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa
Mùa Vọng hướng chúng ta về mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh, và mầu nhiệm Giáng Sinh được chuẩn bị và được tôn vinh bởi tiến trình sinh ra của thánh Gioan, vốn cũng rất nhiệm mầu. Nhưng Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thương Khó của Chúa Giê-su, và của cả thánh Gioan nữa.
Trong cuộc Thương Khó, Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thập Giá, thing lặng và không làm gì hết, nhưng lại nói cho chúng ta nhiều nhất, làm cho chúng ta nhiều nhất. Vì như thánh Phao-lô nói, đối với con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Đấng ấy là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 1, 18-24).
Như các ngôn sứ Elia và Gioan, trong những thử thách tận căn của cuộc đời, chúng ta được mời gọi trở nên một với Đức Ki-tô chịu đóng chịu đinh, để "sức mạnh và sự khôn ngoan" của Thiên Chúa được tỏ hiện rạng ngời.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Đứng trước lịch sử hoặc các sự kiện xảy ra trong đời, chúng ta thường hời hợt và cắt nghĩa nông cạn. Ta cần phải tìm hiểu Thánh Ý Chúa. Hãy đến để hỏi Chúa Giê-su như các môn đệ xưa.
Cầu nguyện: Chúa ơi, Chúa có đau lòng không, khi Chúa đến giữa dân Chúa mà dân Chúa không nhận ra Chúa là Đấng phải đến? Chỉ vì họ đã cắt nghĩa lời hứa cúa Chúa Cha một cách hẹp hòi. Họ cứ chờ đợi Ê-li-a phải đến trước.
Trong cuộc sống con, chắc chắn con không từ chối tiếp nhận Chúa đến với con dưới hình ảnh một vị Vua uy nghi. Nhưng hằng ngày Chúa đến với con thật sự, mà con lại dửng dưng. Con không thấy hấp dẫn và cần thiết mấy. Nhiều khi con còn coi như bị mất giờ nữa. Nếu con hiểu được sự hiện diện cao siêu của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, chắc mỗi lần đến với Chúa, con phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu con hiểu được sự hiện diện của Chúa trong những người nghèo khổ, chắc con đã không khinh miệt họ. Chúa đang đến với con qua những lần con gặp gỡ những ai bệnh tật, nhưng con ít khi nhìn ra Chúa.
Vâng lạy Chúa Giê-su, các thánh khác với chúng con ở chỗ: các ngài luôn nhận ra Ý Chúa trong bất cứ cảnh sống nào, và luôn nhận ra khuôn mặt Chúa trong bất cứ người nào.
Xin cho Mùa Vọng năm nay mang lại cho con sự khôn ngoan chân thật của Chúa để con biết nhận ra Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho con luôn thấu hiểu Thánh Ý Chúa đầy tình yêu thương trong mọi cảnh sống. Amen.
https://gpcantho.com/cau-nguyen-voi-loi-chua-tuan-2-mua-vong/