THỨ BA TUẦN III MÙA VỌNG - NGÀY 17/12

Chủ nhật - 15/12/2024 19:23

 

THỨ BA TUẦN III MÙA VỌNG - NGÀY 17/12

Mt 1,1-17

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

1Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham: 2Ông Ápraham sinh Ixaác; Ixaác sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em ông này; 3Giuđa ăn ở với Tama sinh Perét và Derác; Perét sinh Khétxơron; Khétxơron sinh Aram; 4Aram sinh Amminađáp; Amminađáp sinh Nácson; Nácson sinh Xanmôn; 5Xanmôn lấy Rakháp sinh Bôát; Bôát lấy Rút sinh Ôvết; Ôvết sinh Giesê; 6ông Giesê sinh Đavít. Vua Đavít lấy vợ ông Urigia sinh Salômôn 7Salômôn sinh Rơkhápam; Rơkhápam sinh Avigia; Avigia sinh Axa; 8Axa sinh Giơhôsaphát; Giơhôsaphát sinh Giôram; Giôram sinh Útdigia; 9Útdigia sinh Giotham; Giotham sinh Akhát; Akhát sinh Khítkigia; 10Khítkigia sinh Mơnase; Mơnase sinh Amôn; Amôn sinh Giôsigia; 11Giôsigia sinh Giơkhongia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Babylon. 12Sau thời lưu đày ở Babylon, Giơkhongia sinh Santiên; Santiên sinh Dơrúpbaven; 13Dơrúpbaven sinh Avihút; Avihút sinh Engiakim; Engiakim sinh Ado; 14Ado sinh Xađốc; Xađốc sinh Akhin; Akhin sinh Êlihút; 15Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; 16Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.

17Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.

 

SUY NIỆM: THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT

Bản gia phả dài dằng dặc khô khan. Nhưng lại mặc khải những điều trọng đại.

Thiên Chúa làm chủ lịch sử. Gia-cóp chúc phúc cho Giu-đa. Tiên báo Chúa Cứu Thế sẽ sinh bởi dòng tộc Giu-đa (Bài đọc 1). Lời tiên báo đó được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Nhưng để ứng nghiệm, lời tiên báo đó vượt qua biết bao thăng trầm. Tội lỗi của Rưu-ven, Si-mê-on và Lê-vi khiến phúc lành rơi xuống Giu-đa. Giu-đa nhờ toan tính loạn luân của Ta-ma mà có con cháu nối dõi. Đa-vít chiếm vợ của U-ri-gia nhưng lại có Sa-lô-mon kế nghiệp. Tội lỗi không thắng được thánh thiện. Phản bội không thắng được trung tín. Hận thù không thắng được tình yêu. Thiên Chúa thanh tẩy lịch sử tội lỗi. Con Chúa sinh ra đời làm nên một lịch sử mới. Một nhân loại mới.

Thiên Chúa là Lòng Thương Xót. Bản gia phả dài kéo dài lâu đời cho thấy tình yêu của Chúa. Tình yêu lớn lao trong một chương trình hoàn hảo. Ba lần 14 đời. Mỗi lần là 2 lần 7 triều đại. Số ba và số bảy cho thấy sự hoàn hảo của kế hoạch. Chương trình càng dài càng tiêu tốn tâm cơ trí lực. Càng chứng minh tình yêu lớn lao. Thiên Chúa yêu thương nên cho con người giống hình ảnh Người. Nhưng con người không giữ nổi hình ảnh Thiên Chúa. Thì Thiên Chúa quá yêu nên đành mặc lấy hình ảnh con người. Mặc lấy thân phận con người yếu đuối mỏng dòn. Gánh lấy tội lỗi con người. Tình yêu lớn lao biến thành Lòng Thương Xót. Biết bao lần con người tội lỗi muốn làm hỏng kế hoạch. Chúa lại kiên tâm sửa chữa. Khoan dung độ lượng biết bao. Chúa Giê-su là điểm đến của một quá trình. Một tình yêu kiên vững lâu dài của Thiên Chúa. Một lịch sử tràn đầy tội lỗi phản bội của con người. Chúa Giê-su gánh trên vai gánh nặng của cả nhân loại. Khiêm nhường biết bao. Yêu thương biết bao.

Tôi hãy tin tưởng. Dù tôi yếu đuối tội lỗi Chúa vẫn yêu thương. Dù tôi làm sai Chúa sẽ sửa chữa. Tôi có vấp ngã Chúa sẽ nâng dậy. Và để đền đáp tôi cũng phải đối xử với anh em như Chúa đối xử với tôi. Hãy bao dung độ lượng trước những yếu đuối. Hãy gánh lấy gánh nặng của anh em. Hãy uốn nắn dòng lịch sử bằng tình yêu, lòng trung tín và lòng thương xót.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

SUY NIỆM: SỐNG TÌNH GIA ĐÌNH NHƯ CHÚA GIÊSU

(Lễ Thiếu nhi)

Thiếu nhi chúng con thân mến, bài Tin mừng hôm nay kể về nguốn gốc nhân loại của Chúa Giêsu. Và những cái tên nghe sao là lạ ấy chính là tổ tiên, ông bà và cha mẹ của Ngài. Điều này cho biết, Chúa Giêsu cũng có 1 gia đình như cha con chúng ta. Vậy trong vai trò của 1 người con người cháu trong gia đình dòng tộc, cậu “thanh niên Giêsu” đã chu toàn bổn phận ấy như thế nào?

Theo những gì kinh thánh kể lại, kể từ khi còn tý hon cho đến lúc ngón nghén 30 tuổi, cậu thanh niên Giêsu luôn gắn bó với gia đình của mình. Chứ Ngài không như anh thanh niên trong bài hát của ca sĩ Huy R, mặc dầu cũng đã ngón nghén 30 tuổi đầu, nhưng sáng nào cũng 5 nghìn Xôi, tối 3 nghìn trà đá, luôn luôn onface và rong chơi tối ngày.

Chỉ có 1 lần duy nhất là vào năm 12 tuổi, vì quá yêu mến nhà Chúa, nên cậu thanh niên Giêsu đã ở lại trong đền thờ Giêrusalem, để rồi khiến ba mẹ phải lo lắng tìm kiếm. Còn lại, Ngài luôn sống trong tâm tình của 1 người con thảo hiếu, chu toàn các bổn phận trong gia đình, phụ giúp với Thánh Giuse làm nghề thợ mộc. Và đặc biệt là, luôn yêu mến cha mẹ.

Thiếu nhi chúng con thân mến, mỗi người chúng ta đều có 1 gia đình của riêng mình. Nơi đó có cha, có mẹ, có anh chị em. Và Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng con noi gương Chúa Giêsu, là biết trân trọng gia đình của mình, bởi đó chính là tổ ấm yêu thương mà chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng, rồi sẽ được lớn khôn thành người, và đó là nơi mà luôn chào đón chúng ta trở về.

Do đó, thay vì dành quá nhiều thời gian cho bạn bè ở các quán xá hay rong chơi đây đó, thì chúng con hãy dành nhiều thời gian để ở nhà với ba mẹ. Thay vì chúng con dành quá nhiều thời gian để online, nhắn tin các kiểu; thì chúng con hãy dành nhiều thời gian chuyện trò với ba mẹ và anh chị em trong nhà.

Chúng con cũng đừng bao giờ làm điều gì khiến ba mẹ phải buồn phiền và lo lắng. Ba mẹ đã phải làm lụng cả ngày vất vả lắm rồi, hãy để cho ba mẹ được an bình và có 1 giấc ngủ say, để bắt đầu 1 ngày lao động kế tiếp.  Nhỡ may vì 1 lý do nào đó, chúng con bị ba mẹ trách mắn thì cũng đừng bao giờ nghĩ xấu về ba mẹ, vì ông bà mình nói: có thương thì mới cho roi cho vọt.

Với anh chị em trong nhà cũng thế, chúng con hãy yêu thương và nhường nhịn lẫn nhau; đừng cải cọ, tranh giành, ganh đua hay nghen tỵ. Tất cả điều đó sẽ làm cho ba mẹ buồn lòng, và làm cho gia đình mình trở nên bất hòa, mất hạnh phúc.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi cha con chúng ta noi gương Chúa Giêsu bằng việc trân trọng, yêu mến và gắn bó với gia đình mình: yêu quý và vâng lời ông bà cha mẹ, yêu thương anh chị em. Hãy trở thành 1 người con ngoan trong gia đình. Và đặc biệt, chúng con hãy sống làm sao để mình luôn là niềm hãnh diện và tự hào của ba mẹ và gia đình mình. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM: GIA PHẢ CỦA ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN

Ngày nay, nhiều dòng họ đã lưu lại gia phả của họ tộc mình, nhằm lưu truyền cho hậu thế và để cho con cháu biết đến tổ tiên của dòng tộc mình.

Đức Giêsu khi mang lấy bản tính nhân loại, Ngài cũng có một dòng tộc trong lịch sử loài người, vì thế, hôm nay, bài Tin Mừng ghi lại gia phả của Đức Giêsu để xác minh tính chất kỳ diệu của mầu nhiệm cứu chuộc.

Thánh sử Mátthêu trình bày gia phả của Đức Giêsu thành 3 nhóm kép, mỗi nhóm kép chia làm hai nhóm đơn, mỗi nhóm đơn có tên của bẩy người. Kết thúc nhóm kép ba và cũng là khởi đầu một nhóm khác chính là tên Đức Giêsu.

Như vậy, đầu nhóm thứ bẩy này chính là tên của Đức Giêsu, điều này cho thấy: Đức Giêsu  chính là Đấng đứng đầu của một chuỗi lịch sử mới, một thời đại mới được mở ra và con số không giới hạn.

Đức Giêsu đứng đầu chuỗi thứ bẩy trong tư cách là Trưởng Tử, đồng thời cũng nói lên một sự trọn vẹn, vì theo nghĩa ngôn ngữ của Kinh Thánh, con số bẩy được hiểu là con số hoàn hảo. Vì thế, khi chúng ta đứng trong hàng ngũ những người được chọn, chúng ta sẽ được lãnh nhận dồi dào ân sủng trong Đức Giêsu. Bởi vì, Đức Giêsu đến để kiện toàn lịch sử cũ và khai sinh một thời đại mới, thời đại của Ngôi Lời, ân sủng và tha thứ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta hồng ân đặc biệt này là: nhờ Đức Giêsu là Trưởng Tử của chuỗi thứ bẩy, mà mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được sáp nhập vào chuỗi của Đức Giêsu, tức là chuỗi của những người được giải thoát, tha thứ và cứu chuộc. Cũng chính từ đây, dòng máu của Đấng là Đầu được được lưu truyền trong con người của những ai tin và sáp nhập vào đoàn dân mới của Đấng Cứu Thế, tức là dân Kitô giáo.

Như vậy, qua gia phả của Đức Giêsu, một mặt hướng chúng ta về nguồn cội một dân tộc thánh được ân sủng của Thiên Chúa gội rửa mọi tội lỗi, để từ nơi đó, xuất hiện Đấng Xóa Tội Trần Gian; mặt khác, từ nơi nguồn cội đó, xuất hiện Đấng Cứu Tinh là Đức Giêsu, Ngài đến nhằm thiết lập một dân tộc mới để đồng hành và giải thoát chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con mỗi khi mừng đại lễ Giáng Sinh, luôn biết nhìn về nguồn cội của lịch sử cứu độ để tạ ơn, chúc tụng vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi lịch sử nhân loại, đồng thời luôn ý thức mình thuộc về Chúa, để hãnh diện và sống xứng đáng hồng ân cao quý này. Amen

Lm. Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM:

Một ông vua có vị tướng rất giỏi. Khi vị tướng trở thành Kitô hữu thì ông ấy thường làm chứng niềm tin về Đấng Cứu Thế đã đến thế gian. Nhà vua không hiểu được nên đã nói: - Trẫm là vua, nếu muốn thi hành điều gì thì chỉ cần truyền lệnh cho thần dân là đủ. Lẽ nào Đức Kitô là Vua trên các vua mà lại tự hạ mình xuống thế gian này? Điều đó thật vô lý.

Nhà vua muốn cho vị tướng về vườn, vì tội tin theo Đức Kitô, nhưng có lòng yêu mến ông nên vua hứa nếu ông giải nghĩa rỗ thì sẽ được tha tội. Vị tướng xin sau 24 giờ sẽ giải thích. Ông bèn sai thợ mộc làm một tượng gỗ và cho mặc quần áo giống y hoàng thái tử mới 2 tuổi. Ngày hôm sau, vua cỡi thuyền rồng dạo chơi trên sông. Vị tướng ra hiệu cho người thợ mộc ném cái tượng gỗ ấy xuống nước. Vua ngồi trên thuyền thấy tượng gỗ rơi tưởng là con mình ngã xuống sông, không kịp hỏi ai, vua liền nhảy ùm xuống nước, bơi ra cứu con.

Vị tướng bèn hỏi vua: -Sao vua không sai đầy tớ nhảy xuống vớt hoàng thái tử, mà lại là chính vua, đến nỗi gần chết đuối và ướt hết long bào. Vua trả lời: -Đó là do lòng thương.

Vị tướng liền tâu: -Thiên Chúa là Đấng dựng nên thần, nên đức vua và muôn vật, cũng không đành lòng sai ai xuống để cứu thế; nhưng vì yêu thương, nên Ngài đã từ trời để xuống trần gian mà cứu vớt ta. Đó cũng là do nơi lòng thương ta vậy.

Bắt đầu tuần Bát Nhật, từ 17.12 cho đên 24.12, Giáo hội dành ra các bài đọc trong thánh lễ được tuyển chọn cách đặc biệt để chuẩn bị gần cho lễ Giáng Sinh và giới thiệu những nhân vật có liên hệ trực tiếp tới cuộc Giáng Sinh này.

Bài Tin mừng hôm nay trình bày Đấng sắp sinh ra chính là Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài đã đi vào dòng lịch sử nhân thế để từ đó sẽ cứu chuộc loài người.

Chúa đã thực hiện việc cứu chuộc loài người bằng những gì loài người không thể ngờ được. Chúa đã không cứu loài người từ trời cao. Dĩ nhiên là Ngài có thể và dư uy quyền để làm được việc đó. Để cứu loài người Chúa đã nhập thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã đứng lên.

Chúng ta thấy cứu một người sắp chết đuối bằng cách từ trên bờ thảy cho người đó một chiếc phao, dĩ nhiên không có ý nghĩa cho bằng chính mình nhảy xuống nước để cứu người đang chết đuối lên bờ. Và chính Thiên Chúa đã làm như thế.

Ngoài ra Tin mừng hôm nay còn cho biết: qua những nhân vật bất xứng trong gia phả, ta nhận thấy Thiên Chúa có thể nhìn đến và sử dụng ta, không gì có thể cưỡng lại ý định của Chúa, dù nó là quá khứ đen tối hay sự bất toàn của ta.

Bởi vì trong Đức Kitô, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, những gì hèn hạ đã trở nên cao trọng, những gì xấu xa đã được thanh tẩy, những gì vô nghĩa được mặc một giá trị và những gì trần tục sẽ được thần linh hóa. Chúng ta đừng mặc cảm về những yếu hèn của mình, nhưng hãy tin tưởng và trông cậy để dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

Các bạn thân mến,

Tuần Bát Nhật này có mục đích hướng lòng ta về Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ ta. Vì thế qua bản gia phả này, ta cảm nhận được tình yêu của Chúa, xác tín và mau mắn hơn nữa trong việc chuẩn bị tâm hồn và đời sống để đón nhận Chúa Kitô, và nhất là trong giờ sau hết của cuộc đời chúng ta.

Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh

(trích Câu chuyện Đức Giêsu hôm qua và hôm nay, tr.43-44)

 

SUY NIỆM: ƠN CỨU ĐỘ TRONG LỊCH SỬ VÀ ĐI VỀ CÙNG ĐÍCH

Hôm nay, ngày 17/12, phụng vụ đi vào giai đoạn thứ hai của Mùa Vọng, chuẩn bị trực tiếp cho lễ Giáng Sinh. Khởi đầu cho giai đoạn này, phụng vụ Lời Chúa cho nghe về gia phả của Đức Giêsu Kitô. Trong bản gia phả của Matthêô viết cho độc giả là các kitô hữu gốc Do Thái, tác giả đưa vào dòng dõi của Đấng Cứu Độ những phụ nữ và cả những người là dân ngoại nữa, cả những nhân vật tốt lành cũng như những tội nhân... Tuy dù có chọn lựa và bỏ qua một sống nhân vật, nhưng bản gia phả này vẫn thể hiện tính hiện thực của một dòng dõi, tức là đa dạng và bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực.
Ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện không ở đâu xa, không ở bên ngoài lịch sử nhân loại, không nằm bên ngoài cuộc sống cụ thể của con người. Để thực hiện ơn cứu độ cho con người, Thiên Chúa không đưa con người ra khỏi lịch sử ấy, nhưng chính Ngài can thiệp, và còn hơn nữa, chính Ngài đi vào lịch sử ấy như là một thành phần của dòng dõi nhân loại này! Như thế, về phần con người, để có thể đón nhận ơn cứu độ của mình, theo nghĩa cá nhân và cộng đồng, họ cũng phải khám phá lịch sử ấy, sống lịch sử ấy cách tích cực nhất.
Tuy nhiên, điều cần suy nghĩ là: trong khi thực hiện, con người bị cám dỗ loại bỏ tính thần linh ở đó, tức là cho rằng ơn cứu độ do chính con người chứ không phải do từ Thiên Chúa; và như thế, họ muốn thực hiện ơn cứu độ bị giới hạn ở những thực tại đời này mà không đưa nó đi về cứu cánh, không đi về cùng đích của nó! Và như thế, con người “tự sát” trong chính lịch sử của mình! Trong khi giới thiệu ông Kyrô, hoàng đế Ba Tư, như là vị Messia Thiên Chúa dùng để giải thoát Dân Ngài khỏi chốn lưu đày Babilon, thì tiên tri Isaia cũng khẳng định chỉ có một Thiên Chúa là Đấng dựng nên đất trời và dẫn đưa con người về ơn cứu độ (x. Is 45,6-8).
Sống được đồng thời cả tính chất hiện sinh và cánh chung là một thách thức lớn. Cần đối diện với thực tại đời sống bằng đức tin.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

 

SUY NIỆM: ĐẤNG KHÔN NGOAN

Từ ngày 17 đến 23 tháng 12 các điệp ca tin mừng của giờ Kinh Chiều khởi đầu bằng một tán thán từ ‘Lạy Đấng..’, để diễn tả tâm tình tán tụng, ngợi khen. Là những lời khẩn cầu tha thiết của Giáo Hội dâng lên Đấng Cứu Độ mình. Hàm chứa tất cả cốt tủy phụng vụ Mùa Vọng. Là những lời ca tụng những khía cạnh thiên sai khác nhau của Đức Giêsu.

Hôm nay chúng ta chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế là Đấng Khôn Ngoan Thượng Trí. Xin Ngài hướng dẫn chúng ta trên con đường khôn ngoan.

Mười bảy câu đầu tiên của tin mừng Mathêô gồm một danh sách dài tên các nhân vật. Gia phả bắt đầu từ tổ phụ Abraham, người cha trong đức tin, cho đến Đức Kitô, dòng tộc Davít. Theo ngôn ngữ kinh thánh, nên biết rằng đàng sau mỗi cái tên là cả một lịch sử, xem chừng ra rời rạc, đan xen những lo toan, đau khổ, của sự thánh thiện và của những lần bội phản, của mong chờ và hy vọng, nhưng kết thúc bằng một cái nhìn thần học về lịch sử, tất cả đều gắn kết vào một biến cố, vào một con người, Đức Kitô. Những dự tính của Thiên Chúa đều có những lối đường riêng, đi vào giữa cuộc sống đời thường của con người, có nhiều lúc xem ra bị đảo lộn, bị bóp méo đi, nhưng cái kết thúc trong đức tin vẫn luôn là một: điều Thiên Chúa muốn, Ngài thực hiện cả dưới đất cũng như trên trời. Thiên Chúa là Chúa của lịch sử và mỗi một Noel đến, thực tại ấy lại càng hiển nhiên hơn. Khi lịch sử cuộc đời mỗi người chúng ta hầu như rơi vào vực thẳm của sự dữ, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa cứu chúng ta, sẽ can thiệp và cứu thoát chúng ta, dù ta đang phải sống trong tình trạng tồi tệ nhất.

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây