SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
Mt 8,1-4
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người.2 Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.
4 Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.
SUY NIỆM 1:
Sứ điệp: Khi chữa lành người phong hủi, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài có quyền chữa lành mọi bệnh tật và giải thoát người ta khỏi tội lỗi. Ta hãy tin tưởng và kêu cầu Chúa cứu chữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đối với chúng con, bệnh tật là một nỗi sợ. Đau đớn trên thân xác do bệnh tật gây ra thường kéo theo những khổ đau tâm hồn. Bệnh tật làm cho con thấy sự sống của thân xác mỏng manh biết bao, cuộc đời này ngắn ngủi mau qua biết bao.
Lạy Chúa, qua việc Chúa chữa lành người phong hủi, con hiểu rằng Chúa muốn con sống hạnh phúc, sống khoẻ mạnh. Ngày nay, tuy Chúa không hiện ra để làm phép lạ chữa bệnh, nhưng Chúa vẫn âm thầm hiện diện và giúp cho ngành y khoa tiến bộ, để qua đó Chúa chữa lành bệnh tật cho chúng con. Con xin tạ ơn Chúa vô cùng.
Chúa ơi, trên thế giới này có bao người mắc phải những thứ bệnh ngặt nghèo, tiền mất mà bệnh tật vẫn mang. Cũng có nhiều người quá nghèo, không đủ tiền chữa bệnh. Cuộc sống của họ lây lất khổ đau. Con nguyện xin Chúa cho họ gặp được những người có lòng tốt giúp đỡ. Con cũng nguyện xin cho các bác sĩ, y tá, là những người trực tiếp phục vụ bệnh nhân, xin cho họ có tinh thần phục vụ vô vị lợi để xoa dịu nỗi đau của nhân loại. Và con nguyện xin Chúa chữa lành những người đau ốm trong gia đình con. Xin cho chúng con được sống mạnh khoẻ an vui.
Lạy Chúa Giêsu là Chúa của con, con xin phó thác trọn vẹn đời con trong tay Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM 2: CHẠY ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU
Khi chạy đến với Chúa Giêsu, người mắc bệnh phong không nói với Ngài là chữa anh khỏi bệnh, nhưng xin Ngài làm cho anh được sạch. Vì trong suy nghĩ của anh và xã hội thời đó, bệnh phong là hậu quả của tội lỗi và người mắc bệnh là do Thiên Chúa phạt. Cho nên anh đã xin Chúa Giêsu làm cho anh được sạch bên trong tâm hồn khỏi tội lỗi, và khi sạch tội thì sẽ khỏi bệnh. Trước niềm tin mạnh mẽ và lòng khao khát được trong sạch, Chúa Giêsu đã chữa lành cả tâm hồn và thân xác cho anh.
Nhiều khi chúng ta đến với Chúa mà chẳng biết mình cần chữa lành điều gì, vì thường bị ru ngủ bởi vỏ bọc đạo đức bên ngoài mà không dám đi sâu vào tận đáy tâm hồn mình. Vì thế, chúng ta không bao giờ có được sự bình an đích thực và rất dễ tái phạm.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn can đảm để nhìn thẳng vào tận cõi lòng mình nhằm biết rõ những điều gì đang làm cho bản thân mất đi sự thánh thiện mà Chúa muốn, nhờ đó chúng con mới được chữa lành và trở nên con người mới. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM 3:
Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau khổ.
– Đau về thể xác: Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi hành hạ thân xác rất nhức nhối.
Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần mòn làm lỡ loét mặt mày, tay chân đau buốt.
Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại, không còn khả năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau thương.
– Khổ về tâm hồn: Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên, cùi là bệnh nặng chứng tỏ tội của người cùi phải rất nhiều.
Người cùi bị mọi người xem thường, khinh bỉ và xa lánh vì sợ lây uế. Người cùi phải sống tách biệt với cộng đồng vì xã hội đẩy họ ra bên lề cuộc sống.
Người bị bệnh cùi luôn phải sống nhờ người khác và bị xem là thành phần ăn bám xã hội. Thật chua xót!
Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương yêu..
Việc Chúa Giêsu chữ lành bệnh cùi đồng nghĩa với việc Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu mà Chúa đã tác tạo.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cho họ là lời mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù họ là ai.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cũng chính là mời gọi tha thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác hay những vết thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu chữa của Ngài; và hãy can đảm hòa nhập với cộng đồng xã hội để có được niềm vui, nguồn an ủi.
Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về thể lý vì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải bệnh cùi về tâm linh.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô ơn đối với Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa nhựt, không còn biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để tâm học hỏi Thánh kinh và giáo lý….
Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời khỏi anh em trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà ta sống cu ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Sự Những thứ đó chính là những chứng bệnh cùi về tâm linhnguy hiểm.
Vậy mỗi người chúng ta hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin Chúa cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra bệnh tình nguy hiểm đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa cho lành sạch “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch”.
LM Seoka
SUY NIỆM 4: CHẠM
Cuộc sống hôm nay không tránh khỏi những cái “chạm”. Dẫu vô tình hay hữu ý thì một cái “chạm” dù nhẹ cũng đủ mang lại những hệ quả nhất định. Lời Chúa hôm nay diễn tả hành động “chạm” của Đức Giêsu vào người phong cùi. Cái “chạm” ấy giúp anh được sạch bệnh cả thể lý và tâm hồn.
Văn hoá Do Thái lúc bấy giờ xem bệnh phong cùi là sự dữ tiêu biểu nhất, là thứ bệnh coi như một hình phạt của Chúa. Người phong cùi bị coi như ô nhơ. Họ không được quyền tham dự lễ nghi phụng tự và đời sống xã hội thông thường. Đặc biệt, người khác không được đụng chạm đến họ. Chính vì thế mà từ nhiều năm tháng, anh cùi trong trình thuật Mátthêu hôm nay không ai dám đụng chạm đến. Chính anh phải sống cô độc, bị nguyền rủa và bị khai trừ khỏi xã hội. Hôm nay, bỗng có một bàn tay dơ ra, đụng chạm vào anh, đó là bàn tay Giêsu.
Bàn tay ấy chạm vào anh để chữa lành bệnh cùi, phục hồi nhân phẩm, cũng là một cử chỉ chiến thắng và biểu lộ quyền làm chủ mọi sự. Bàn tay ấy, hành động ấy chính là cử chỉ của sự đón nhận, của lòng bao dung và của tình yêu Thiên Chúa.
Từ khi sinh ra đến khi chết đi, có lẽ không một người nào là không chạm trán với bệnh tật. Mặc dù y khoa ngày càng phát triển nhưng vẫn còn loay hoay với những con bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, ngành y đã mở ra một tia hy vọng cho những con bệnh khó chữa. Những con bệnh thể lý đã khó giải quyết đến vậy, ấy thế mà còn có những con bệnh còn khó chữa hơn nữa. Chúng ta đang mang trên mình hay đang phải đối diện với những căn bệnh cùi tâm linh, đó là sự khô khan, ích kỷ, kiêu ngạo, vô cảm,… Hơn bao giờ hết, ngay lúc này, chúng ta cần một bàn tay, cần một cái “chạm” thực sự – cái “chạm” Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy “chạm” vào trái tim khô cằn của chúng con, để nhờ đó, chúng con được nên tươi trẻ. Xin Ngài hãy “chạm” vào tâm hồn chúng con, một tâm hồn đang khao khát và kiếm tìm Chúa. Amen.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Hậu, SVD
SUY NIỆM 5: LẠY NGÀI, XIN CHO TÔI ĐƯỢC SẠCH
Có một câu chuyện thật ấn tượng về một linh mục đã trọng tuổi thuộc dòng Phanxicô. Chuyện là thế này: ngài là một linh mục rất thương người, vì thế, sau lễ truyền chức linh mục cho ngài, có một người sẵn sàng tài trợ mọi mặt để tổ chức thánh lễ tạ ơn tại quê hương cho thật “hoành tráng”. Tuy nhiên, ngài đã từ chối, và không quên ngỏ lời xin toàn bộ số tiền đó để xây nhà, khoan giếng, thuốc thang cho anh chị em bị phong cùi mà ngài đã biết đến họ cách đó vài năm trong một khu rừng sâu thẳm không một bóng người qua lại.
Tại sao họ lại có một cuộc sống khổ đến vậy? Thưa! Chỉ vì bị kỳ thị và sợ liên lụy cũng như sợ bị lây nhiễm, nên người ta đã đẩy anh chị em đó vào trong một thế giới riêng, tách biệt khỏi xã hội bên ngoài.
Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành cho người phong cùi vì anh ta có lòng tin: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Tưởng cũng nên nhắc thêm: bệnh phong hủi, vào thời ấy, là một thứ bệnh ghê tởm, không có thuốc chữa mà tác hại của nó lại quá lớn và mức độ lây lan nhanh. Ai mắc thứ bệnh đó là đã cầm trong tay án tử.
Bệnh thể xác rất đau đớn, nhưng có lẽ không đau đớn cho bằng tinh thần. Người bị bệnh phong hủi bị ruồng bỏ, bệnh nhân muốn đi lại phải hô to mình bị ô uế để người khác biết mà tránh xa. Họ bị bỏ rơi ngay từ những người thân, xóm làng, xã hội và ngay cả tôn giáo thời bấy giờ.
Tuy nhiên, hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh ta của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho người phong hủi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Đức Giêsu, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiếm anh ta được sạch.
Hành động này của Đức Giêsu đã xóa tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phong cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi… Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Đức Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị …
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào tình thương của Chúa. Biết yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa, nhất là những người thấp cổ, bé họng, khổ đau, nghèo đói chung quanh chúng con. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 6:
1. Người mắc bệnh phong bị bỏ rơi
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta hình dung ra một người mắc bệnh phong và để cho những cảm xúc tự nhiên của chúng ta xuất hiện (ghê người, không muốn nhìn hay tiếp cận, cảm giác buồn nôn…). Chắc chắn trong chúng ta, đã có người nhìn thấy và hơn nữa đi thăm hỏi những người phong ; nếu không, chúng ta có lẽ đã có lần nhìn thấy người bệnh phong trong phim ảnh, chẳng hạn phim Ben Hur.
Bệnh phong là một những thứ bệnh khủng khiếp nhất mà loài người chúng ta mắc phải : da thịt người mắc bệnh lở loét ; khi bị nặng, vết thương sẽ lõm vào da thịt ; tình trạng mất cảm giác sẽ xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể ; sau đó các bắp thịt tiêu đi ; nếu ở giai đoạn bị nặng, các ngón tay và ngón chân sẽ rụng dần.
Chúng ta hãy cảm thông và cầu nguyện cho những người bệnh phong, và nếu có thể, chúng ta hãy giúp đỡ san sẻ. Bởi vì chính chúng ta là những người được nâng đỡ trước tiên, khi chúng ta nghĩ tới những người cùng khổ. Thật vậy, khi liên đới với người cùng khổ, chúng ta sẽ tương đối hóa những nỗi khổ của chúng ta, chúng ta thấy nhẹ nhàng hơn, chúng ta có thể ra khỏi mình để hướng về những người bất hạnh hơn; và năng động này sẽ làm cho chúng ta tự do hơn, thanh thoát hơn, bình an hơn.
Chúng ta vừa nói đến sự đau đớn tột cùng trong thân xác ; nhưng người bệnh phong còn chịu một sự đau khổ còn lớn hơn nữa là bị cách ly khỏi môi trường sống bình thường, khỏi nhà của mình, khỏi những người thân yêu, và có khi còn bị bỏ rơi luôn, không được ai nhìn nhận nữa, như Lề Luật trong sách Lê-vi truyền lệnh: “Người mắc bệnh phong phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 46). Như thế, người bị bệnh vừa đau khổ trong thân xác và vừa đau khổ về tinh thần, vì thiếu tình thương và sự liên đới.
2. Bệnh phong và tội lỗi
Vẫn chưa hết, theo quan niệm của Do thái giáo, bệnh phong hủi là hình phạt tiêu biểu nhất của Thiên Chúa đối với người có tội, như sách Lê-vi nói: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế!” Tội vô hình có trong tâm hồn, Chúa cho nó hiện hình ra bên ngoài và nó xấu xa ghê tởm như là bệnh cùi.
Theo quan niệm này, chúng ta có thể giả sử rằng, nếu tất cả mọi tội chúng ta đã phạm trong thầm kín mà lộ ra bên ngoài khiến người ta nhìn thấy được, có lẽ chúng ta cũng không khác người phong cùi bao nhiêu, và có khi còn ghê hơn ! Và điều này hoàn toàn đúng, vì hậu quả của tội nằm ngay trong hành vi phạm tội, không cần phải Chúa phạt ; tội, dù bé dù to, luôn để lại dấu vết nhơ uế trong tâm hồn, và làm đổ vỡ ngay trong lòng chúng ta các mối tương quan : với chính tôi, với người khác, với cộng đồng và với chính Chúa. Vì thế chúng ta cũng là những người mắc bệnh phong đầy người, nhưng vô hình.
3. Đức Giê-su chạnh lòng thương
Như vậy, nỗi đau của người bị bệnh có tới ba chiều kích : đau khổ trong thân xác, đau khổ trong tinh thần, và đau khổ vì cảm thức bị Thiên Chúa trừng phạt, và nhiều khi vì những tội gì cũng chẳng rõ hay vì những những tội chẳng đáng bị phạt như thế.
Thật ra, chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm tương tự : khi chúng ta bị đau, chúng ta rất nhạy cảm với sự hiện diện chăm sóc và yêu thương của người thân, và vì người thân không thể lúc nào cũng ở bên cạnh và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường có cảm thức bị bỏ rơi, bị quên lãng, nhưng thực ra không phải như vậy ; hơn nữa, chúng ta còn có thể tự hỏi : Tại sao tôi lại ra nông nỗi này ? Đây có phải là một hình phạt của Chúa không ? Tôi đã làm gì để bị như thế này ?
Tuy nhiên, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta ngừng đặt câu hỏi: tại sao lại bệnh tật, tại sao lại đủ mọi khổ đau, phải chăng là hình phạt? Bởi vì, càng đặt câu hỏi, chúng ta sẽ càng bị dồn vào ngõ bí và tự làm khổ mình. Nhưng, Lời Chúa mời gọi chúng ta thả mình vào tình thương và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô. Thật vậy, Ngài chạnh lòng thương người bệnh phong và chữa anh lành bệnh, một cách vô điều kiện; anh chỉ cần bày tỏ lòng ước ao thôi: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Phép lạ chữa bệnh này mang lại cho chúng ta niềm hi vọng thật bao la cho loài người và từng người tật nguyền chúng ta. Thật vậy, trước khi nói lời chữa lành: “tôi muốn, anh hãy được sạch”, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh. Thế mà, đụng vào người cùi, theo luật là bị ô uế cả trong thân xác lẫn tâm hồn.
Và đó chính là cách Đức Giê-su chạnh lòng thương và chữa lành chúng ta. Đó là bày tỏ sự cảm thông và tình thương của Thiên Chúa đối với loài người đau khổ của chúng ta, với nỗi đau khổ của mỗi người chúng ta, nhưng không phải bằng cách lấy đi đau khổ, nhưng là mang vào mình đau khổ của con người (x. Mt 8, 7 và Rm 8, 3 ; 2Cr 5, 21 ; Gl 3, 12). Trước khi đáp lời loài người đau khổ, Thiên Chúa nơi Đức Giê-su, nhận lấy đau khổ của con người làm của mình. Mầu nhiệm Nhập Thể là như thế, Con Thiên Chúa mang lấy thân phận con người, một thân phận ở mức độ thấp nhất, cùng khổ nhất, cùng tận nhất về mọi phương diện.
* * *
Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, thay vì cất hết đi mọi bệnh tật của cả loài người, Ngài lại mang hết vào mình và đưa lên Thập Giá, như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17). Trên thập giá, Con Thiên Chúa để cho mình bị hành hạ, thân thể của Ngài bị nát tan còn hơn cả người mắc bệnh phong. Nhưng ở nơi Ngài, đau khổ và sự chết không phải là dấu chấm hết, thân phận con người không phải đường cùng, nhưng là đối tượng của tình thương và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và là con đường dẫn đến sáng tạo mới, đến sự sống mới, không còn bệnh tật, đau khổ, than khóc và chết chóc.
Thật vậy, chính khi Đức Giê-su mang thương tích và bị loại trừ trên thập giá, là lúc tình yêu Thiên Chúa trở nên rạng người nhất, và cũng là lúc Ngài được tôn vinh, được nhận biết, được hiển linh.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc