THỨ HAI- NGÀY 30/12
Lc 2, 36-40
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
36Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.
38Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
39Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê.
40Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Con Thiên Chúa đã giáng trần trong khiêm cung và khó nghèo, không phô trương và hào nhoáng. Vì vậy chỉ những tâm hồn nhỏ bé đơn sơ, thành kính chay tịnh và âm thầm cầu nguyện như bà tiên tri Anna mới dễ dàng gặp Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bầu khí vui nhộn của lễ Giáng sinh ngày nay, với những hang đá rực rỡ, sang trọng và ánh đèn mầu hiện đại, dễ làm cho con quên rằng cách đây hơn 2000 năm, Chúa đã đến với con người âm thầm và khiêm nhu. Chúa đến chỉ vì yêu thương, mà tình yêu chân thật thì đi đôi với sự tế nhị, kín đáo, và thâm trầm.
Xin Chúa cho con biết noi gương bà tiên tri Anna, suốt cuộc đời âm thầm liên lỉ cầu nguyện, để con có thể gặp gỡ và chúc tụng Chúa. Xin cho con hiểu được rằng con không thể tìm gặp Chúa trong sự ồn ào náo động của những lo toan vật chất hay những đam mê trần tục, mà chỉ được gặp Chúa trong kinh nguyện hằng ngày, trong cuộc sống bình dị đơn sơ.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng: để chuẩn bị cho ba năm công khai giảng đạo, Chúa đã sống ẩn dật trong ba mươi năm tại Na-da-rét. Xin cho con như hạt giống nhỏ dần dần lớn lên, như nắm men từ từ làm dậy cả khối bột, để con biết chu toàn cách phi thường những công việc bổn phận tầm thường hằng ngày.
Và xin cho con được nên giống Chúa, với tháng năm dần dần trưởng thành, được nên dũng mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ân sủng của Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Bà đã nói về Người với tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: NÉT ĐẸP CỦA TUỔI CAO NIÊN
Như chúng ta đã biết, đối với xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, người phụ nữ giữ một vai trò rất giới hạn. Đáng nói hơn, những phụ nữ goá bụa và cao tuổi, càng bị xem là thấp kém và không được tôn trọng. Nhưng với trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca, họ lại được trân trọng và nhìn nhận với những phẩm giá cao quý.
Cụ thể là nữ Ngôn sứ Anna được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay, dù là phụ nữ goá bụa và tuổi già sức yếu, nhưng bà thuộc số những người được ưu tiên hàng đầu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Sở dĩ bà được diễm phúc như thế là dù đã ngoài tuổi bát tuần, nhưng “bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”. Đó chính là phần thưởng Chúa dành cho những người luôn khao khát Chúa và sống đời thánh thiện.
Qua hình ảnh và đời sống đạo đức của nữ Ngôn sứ Anna, Giáo Hội muốn nhắn nhủ với chúng ta 2 điều này:
Trước hết là với các bậc cao niên, các cụ công cụ bà trong giáo xứ. Các cụ hãy mãi là cây cao bóng cả về đàng nhân đức cho con cháu. Hãy dùng chút tuổi già sức yếu còn lại của mình, để gắn bó cuộc đời với Chúa qua Thánh lễ và kinh hạt hằng ngày. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội và giáo xứ luôn được hiệp nhất. Hãy cầu nguyện cho các Linh mục và các Tu sĩ được ơn bền đỗ. Đặc biệt, hãy cầu nguyện cho con cháu được ơn đức tin, lòng đạo đức và ơn hoán cải lỗi lầm.
Kế đến là các thế hệ con cháu. Mỗi người hãy yêu thương và kính trọng các bậc cao niên. Hãy noi gương các ngài về một đời sống đức tin và lòng đạo đức sốt mến. Hãy lắng nghe những lời hay lẽ phải mà các ngài chỉ dạy, vì các ngài không dạy ta bằng sách vở hay bằng văn chương, nhưng dạy ta bằng kinh nghiệm của cả một cuộc đời.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta dù là già hay trẻ, cũng phải biết sống sao cho thật công chính thánh thiện, mà phụng thờ Chúa suốt cả đời ta. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM:
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ, vì trong xã hội Ítraen thời xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông. Luca hay đặt sóng đôi những câu chuyện về các nhân vật nam và nữ. Sau trình thuật sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria, thì đến trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ. Sau sự xuất hiện của ông già Simêon nói tiên tri về Hài Nhi, thì bà Anna cũng được giới thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ. Làm ngôn sứ đâu phải là đặc quyền dành cho phái nam! Khuôn mặt của Simêon và Anna có những nét giống nhau. Cả hai đều là những người tuổi cao và đạo hạnh. Đời sống của họ gắn bó với Đền thờ. Riêng cuộc đời của cụ bà Anna thì thật đáng phục. Cụ xuất giá được bảy năm thì ở góa, nay cụ đã tám mươi tư. Giả như cụ lấy chồng vào năm mười lăm tuổi, thì hẳn cụ đã sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm. Một thời gian dài không có chỗ dựa vững chắc của người chồng. Nhưng cụ Anna lại tìm thấy một chỗ dựa khác, vững hơn. Đó là Thiên Chúa mà cụ đêm ngày thờ phượng (c. 37).
Đó là Đền thờ mà cụ coi như nhà của mình. Đời sống của một góa phụ trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ. Ăn chay cầu nguyện là cách để cụ làm chủ bản thân và thắng cám dỗ. Simêon và Anna đều là những người cao tuổi đã và đang chờ. Họ sống để chờ những lời Chúa hứa được thành tựu, sống để chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem (c. 38). Anna có biết hôm nay nỗi đợi chờ của cụ được đáp ứng không? Với trực giác của một ngôn sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo. Như xuất thần, cụ nói về Hài Nhi cho những người chung quanh. Không phải chờ nữa, vì ơn cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến. Thiên Chúa đã giữ trọn lời hứa của Ngài. Chúng ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta có ít thời gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét. Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành. Làm người là chấp nhận lớn lên mỗi ngày một chút về mọi mặt. Thân xác của cậu Giêsu trở nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy khôn ngoan, và về mặt tâm linh, ân lộc của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40). Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình để thành Thầy Giêsu đi rao giảng vào lúc ngoài ba mươi. Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người, qua tha nhân và kinh nghiệm, qua lao động và thách đố trong cuộc sống. Ngài chia sẻ phận người long đong của chúng ta, nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người. Xin được học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương. Xin được trở nên người có khả năng dám sống và chết cho người khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con luôn vui tươi. dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh con, những người – cũng như con – đang cần một người bạn. Nếu như con nên yếu đuối, thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn. Nếu bàn tay con run rẩy, thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi. Khi lâm tử, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh. Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng. Và con về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM: ĐỨC GIÊSU SỐNG ẨN DẬT
Bài Tin mừng ghi lại việc bà Anna nói tiên tri về Hài nhi Giêsu cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa đến cứu chuộc. Lúc thánh Giuse và Đức Maria dâng Chúa Hài Nhi trong Đền thờ, cũng có bà tiên tri Anna ở đó. Bà sống trong đền thờ, ăn chay cầu nguyện và phụng sự Chúa đêm ngày. Bà thấy trẻ Giêsu thì chúc tụng và giới thiệu cho mọi người. Còn thánh Giuse và Đức Maria, sau khi làm xong mọi việc theo luật dạy thì đem Chúa Giêsu về nhà. Người càng lớn thì càng thêm mạnh mẽ, khôn ngoan và đầy ân sủng.
Bà Anna hôm nay quan trọng vì bà là một tiên tri, đã báo cho mọi người biết con trẻ Giêsu là Đấng mọi người mong đợi, nay đã đến.
Bà là một quả phụ già nua với tuổi đời trên 80. Với xã hội bà chỉ là một người goá bụa nghèo nàn, vô tích sự. Nhưng trước mặt Chúa bà có giá trị, vì bà không rời bỏ Đền thờ, hằng ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.
Bà quả là mẫu gương cho tất cả những ai đang sống trong phận nhỏ: nghèo hèn, bệnh tật, dốt nát, vô tích sự đối với xã hội. Vì những người phận nhỏ này Chúa cần dùng đến, để hiệp thông với Chúa trong việc ăn chay, cầu nguyện và phụng thờ Thiên Chúa; đồng thời Chúa còn dùng đến, để cộng tác vào công việc loan báo Chúa cho tha nhân bằng chứng tích của đời sống, bằng lời nói và việc làm.
“Còn Hài nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
Trong gia đình, Hài nhi Giêsu cần được giáo dục về mọi phương diện để thành người: nuôi dưỡng sức khỏe thể lý, củng cố sự vững mạnh tâm lý, phát triển trí khôn, lớn lên trong ơn nghĩa Chúa. Vì thế, trong gia đình Thánh gia, mặc dù là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Chúa Giêsu vẫn hoàn toàn chu toàn bổn phận với Chúa Cha trong tư cách là Con Thiên Chúa (x. Lc 2,49) và chu toàn bổn phận là con trong một gia đình khi sống đời khiêm hạ và hằng vâng phục Mẹ Maria và thánh Giuse. Người ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, vả hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa (x. Lc 2,40).
Như vậy, noi gương Chúa Giêsu, trong phận làm con, chúng ta có bổn phận hiếu kính cha mẹ mình. Sự hiếu kính đó không phải chỉ là điều hợp với lẽ phải, hợp với khao khát chính đáng của con người, nhưng còn là điều đẹp ý Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa muốn con cái thờ cha kính mẹ (x. Đnl 5,16). Bởi lòng hiếu thảo của con cái là quà tặng đẹp nhất dâng cho cha mẹ và được Chúa chúc lành.
“Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao ?” (Lc 2,49)
Sau mười hai năm dưỡng dục, Đức Maria và thánh Giuse dẫn người con Giêsu nay đã lớn khôn lên Giêrusalem “trình làng”. Bổn phận làm cha làm mẹ khiến hai Đấng chạy đôn chạy đáo tìm kiếm khi thất lạc cậu con. Nỗi lo lắng ấy được bù đắp khi tìm thấy con mình ngồi giữa các thầy thông thái, vừa đáp vừa hỏi thật khôn ngoan. Dù đã chu toàn trách nhiệm, hai đấng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước câu trả lời khó hiểu của con mình: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao ?” Thì ra bổn phận làm cha mẹ không chỉ là chăm sóc dạy dỗ con về phương diện tự nhiên, xã hội mà còn hướng dẫn cho con cái nhận biết, đáp lại ơn gọi và sứ mạng Chúa dành cho chúng nữa; cha mẹ không chỉ dưỡng dục con thành người, mà còn phải giúp con mình lớn lên thành con cái Chúa.
Qua mầu nhiệm Giáng sinh, Thiên Chúa đã trao cho nhân loại một viên ngọc vô cùng quý giá, là Chúa Giêsu, để nhờ đó mà nhân loại được sống. Thế nhưng thử hỏi: có được bao nhiêu người trong nhân loại đã giơ tay ra để đón lấy viên ngọc quý đó. Thánh sử Gioan, trong bài tiền ngôn Tin mừng của Ngài, Ngài đã đau xót nói lên rằng: “Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Ngài (Ga 1,10). Và còn hơn thế nữa: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1,11). Chính vì thế “Ngài đã đến, nhưng Ngài lại phải ra đi”.
Tại sao nhân loại đã có thái độ như vậy ? Thưa, chỉ vì nhân loại chưa nhận biết giá trị của viên ngọc quý Giêsu. Chính vì thế mà nhiều người đã đi chọn cho mình những viên ngọc giả hiệu là danh vọng, lạc thú, giàu sang, chức quyền thay vì chọn viên ngọc thật, vô cùng qui giá là Chúa Giêsu.
Truyện: Chọn viên ngọc quý
Người ta kể rằng có một chàng thanh niên đến xin thọ giáo với một sư tổ về ngọc thạch. Sau khi đã chấp nhận người môn sinh, vị sư tổ trao cho chàng một viên ngọc thạch quý giá, và bảo chàng hãy nắm thật chặt lấy nó ở trong tay. Thế rồi ông nói thao thao với người môn sinh về triết lý nhân sinh, về thiên văn địa lý. Sau hơn một giờ đồng hồ, ông bảo người môn sinh trả lại ông viên ngọc thạch, rồi cho chàng về nhà.
Hôm sau, chàng thanh niên đó trở lại, và cái cảnh hôm trước lại tái diễn. Thế rồi ngày này qua ngày khác, tháng nọ qua tháng kia, không có một điều gì khác lạ.
Nhưng rồi một hôm vị sư tổ bảo chàng nhắm mắt lại, rồi trao cho chàng một viên đá, thay vì một viên ngọc như mọi khi, và cũng bảo chàng nắm tay lại. Vừa nắm bàn tay lại chàng thanh niên nói:
- Thưa thầy, đây không phải là viên bảo ngọc.
Vị tổ sư về ngọc thạch reo lên:
- Khá lắm, khá lắm, thế là con đã thành tài rồi đó.
Sống trong cuộc sống, chúng ta phải tập cho mình biết nhạy bén với những dấu chỉ dù nó thật nhỏ bé, chúng ta mới có thể nhận ra những điều kỳ diệu Chúa làm cho chúng ta.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM:TRƯỚC KHI LÀM THÁNH, HÃY LÀM NGƯỜI
Nên thánh là ơn gọi của mỗi Kitô hữu chúng ta, vì qua đó, chúng ta tìm về với cội nguồn của sự thánh thiện, tốt lành nguyên thủy là chính Thiên Chúa. Trong mỗi bậc sống, chúng ta nên thánh bằng những cách khác nhau: người thì sống đời tu trì, dốc tâm dâng hiến mọi sự để sống trọn cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân; người sống bậc gia đình thì nên thánh qua việc gìn giữ, chu toàn trách nhiệm đời sống hôn nhân; người sống độc thân thì sống chứng tá giữa đời … Mỗi người chọn cho mình một con đường, một cách để nên thánh khác nhau, nhưng có một điểm chung mà bất cứ ai cũng phải nhớ rằng: trước khi làm thánh, hãy làm người.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đã gợi lên khía cạnh rất con người của Chúa Giêsu và đồng thời để biểu lộ cho ta cách thức nên thánh đúng với ý Chúa và phù hợp với lẽ tự nhiên: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đã chấp nhận mang thân phận phàm nhân và sống như một con người, và Ngài cho thấy con đường nên thánh bằng cách chu toàn những bổn phận thường nhật đơn sơ nhất qua việc vâng phục Mẹ Maria và thánh Giuse. Ngài sống với bổn phận là một người con trong gia đình nhân loại, dù Ngài là Thiên Chúa. Ngài chu toàn bổn phận của mình cách đơn sơ và đầy yêu mến để làm đẹp lòng Chúa Cha. Và sự thật, Ngài đã sống như một con người trước khi biểu lộ vinh quang chân thật của mình.
Lạy Chúa Giêsu, qua đời sống đơn sơ tại làng quê Nadarét, Ngài dạy con nên thánh không phải bằng những việc cao cả, vĩ đại…nhưng đơn giản là qua việc chu toàn những bổn phận hằng ngày với Chúa và với tha nhân trong tinh thần yêu thương. Xin cho con biết khiêm tốn nhận ra rằng: trước khi làm thánh, hãy làm người một cách trọn vẹn.
Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD