THỨ BA- NGÀY 31/12 Ga 1,1-18

Thứ hai - 30/12/2024 07:37
THỨ BA- NGÀY 31/12
Ga 1,1-18

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15 Ông Gioan làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói:
Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

SUY NIỆM:

Sứ điệp: Ngôi Lời đến làm người ở giữa nhân loại. Người đem cho ta sự sống, ánh sáng, ân sủng và sự thật. Ai đón nhận Người thì được làm con Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của con. Chúa nằm trong máng cỏ nhỏ bé lặng lẽ, nhưng Chúa là Thiên Chúa đã tạo dựng và ban sự sống cho muôn loài. Chính Chúa đã cho con sinh ra làm người và còn ban sự sống thần linh cho con. Dù nhân loại tội lỗi, Chúa vẫn không bỏ rơi chúng con. Chúa đã đoái thương đến sống giữa chúng con, đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc sống hằng ngày, để dìu dắt chúng con về với Chúa Cha. Chúa thương chúng con lầm lạc, nên Chúa đem đến cho chúng con ánh sáng và sự thật. Chúa thương chúng con yếu đuối trong phận tội lỗi chết chóc nên Chúa đem đến cho chúng con ân sủng và sự sống. Chúa ban ơn cứu độ để chúng con được làm con cái Chúa Cha.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa. Xin Chúa giúp con biết đón nhận Chúa vào cuộc đời mình. Chúa đến với con, coi con là người nhà của Chúa, nhưng con đã không biết đón nhận Chúa. Có nhiều lúc con mải mê với cuộc sống trần gian và cậy dựa vào sức mình. Con không nhận ra rằng đời con cần có Chúa, nhưng Chúa vẫn biết con cần Chúa. Tình thương và ân sủng Chúa bao trùm những năm tháng đời con. Xin Chúa nói to vào tai con để con nghe ra rằng con không thể sống nếu con xa rời tình thương cứu độ của Chúa.
Con cầu nguyện cho thế giới hôm nay biết nhận ra mình cần đến Chúa. Trần gian muốn gạt bỏ Chúa ra ngoài, nhưng bóng tối không thể diệt được ánh sáng. Xin Chúa cho mọi người biết đón nhận Chúa để được sống trong ơn cứu độ. Amen.
Ghi nhớ: “Ngôi Lời đã làm người”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: NGƯỜI MUỐN ĐẾN NHÀ MÌNH
Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta về 3 chân lý đức tin vô cùng quan trọng, liên quan đến mầu nhiệm Thiên Chúa giáng sinh làm người.
Chân lý thứ nhất, Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời có trước từ đời đời. Khởi đầu bài Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan khẳng định rất rõ về điều đó: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành, và cũng nhờ Ngôi Lời mà vạn vật có sự sống nơi mình (x.Ga 1, 2-4).
Chân lý thứ hai, Ngôi Lời chính là ánh sáng thế gian, ánh sáng chiếu soi cho mọi người. Thánh Gioan cho biết, Ngôi Lời là ánh sáng thật. Những ai tin và đón nhận Người thì sẽ không còn đi trong tăm tối, những sẽ được ánh sáng dẫn đưa vào nguồn sống, và “Người sẽ cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Và chân lý thứ ba, Ngôi Lời đã làm người, và đang cư ngụ ở giữa chúng ta (x.Ga 1,14). “Ngài được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13).
Thưa anh chị em, đó là 3 chân lý đức tin vô cùng quan trọng, mà Giáo Hội mong muốn chúng ta là những Ki-tô hữu, phải xác tín chắc chắn, mỗi khi chúng ta mừng mầu nhiệm Giáng sinh. Bởi Hài Nhi Giêsu bé nhỏ mà chúng ta đang thấy đây, không phải ai khác, nhưng chính là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài chính là ánh sáng cứu độ đời ta.
Còn hạnh phúc nào hơn, khi Thiên Chúa lại hạ mình xuống để ở với con người không thưa anh chị em? Và hạnh phúc hơn nữa, khi Thiên Chúa lại muốn ở trong chính tâm hồn của mỗi người, muốn cư ngụ trong chính gia đình của mỗi chúng ta.
Thánh Gioan cho biết, năm xưa khi giáng sinh làm người, Chúa Giêsu cũng muốn cự ngụ trong nhà Itraen, nhưng họ lại từ chối đón rước Người vào nhà mình (x.Ga 1,11). Đừng đi trên vết xe đổ ấy thưa anh chị em, đừng để Chúa chúng ta phải bị từ chối thêm một lần nữa!
Nếu anh chị em muốn gia đình mình được ơn đức tin, sự bình an và sống hòa hợp yêu thương; nếu anh chị em muốn con cái mình không bị lầm đường lạc lối, không bị mù quáng trong những cạm bẫy và cám dỗ; thì anh chị em hãy chủ động mời Chúa vào cư ngụ trong gia đình của anh chị em. Bởi Chúa Giêsu Hài Đồng chính Hoàng Tử Bình An, và là Ánh Sáng thế gian. Ngài sẽ soi đường dẫn lối, để chúng ta luôn bước đi trên con đường tiến tới sự trọn lành. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: NGÔI LỜI NHẬP THỂ
1. Theo bài tự ngôn của thánh Gio-an, Chúa Giê-su là Ngôi Lời, là tiếng nói của Chúa Cha. Ngay từ đầu, Người vẫn ở với Chúa Cha. Người là sự sáng soi thế gian. Chính thánh Gio-an đã làm chứng cho Người. Người đã đến trong thế gian, nhưng thế gian không tiếp nhận Người. Ai tiếp nhận Người thì Người cho được làm con Thiên Chúa.
Hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ nghèo hèn là Thiên Chúa, là tiếng nói tình thương Chúa Cha gửi đến cho loài người, để cứu rỗi mọi người. Chúng ta chỉ hiểu được mầu nhiệm nhập thể khi chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu… Nhờ Ngôi Lời nhập thể, chúng ta mới được sống và sống nên con cái sự sáng, vì Chúa Cứu Thế là sự sống và là sự sáng thế gian.
2. Thánh  Gio-an làm chứng: ”Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Đây là một mầu nhiệm vĩ đại vì Ngài đã trở nên xác thịt và cũng mang nhịp đập của trái tim nhân loại như thánh Francois de Sales nói: ”Ngài là vị Thiên Chúa có trái tim nhân loại”. Nơi Ngài, sự sống mới xuất hiện cho sự tác thành nhân loại mới: ”Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sốnlà ánh sáng cho nhân loại”. Đấng Cứu Thế đang được sinh ra, “Ngài ở giữa chúng ta”, và như Gio-an đã nói: ”Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
3. Một lần nữa, thánh Gio-an chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể đã diễn tả bằng câu rất ngắn: ”Và Ngôi Lời đã thành xác phạm”, nghĩa là đã trở thành một người như mọi người. Người đã sống giữa chúng ta, đã nói thứ ngôn ngữ của xứ sở và thời đại của Người.
Nhờ đó, Người muốn nói với con người rằng sự sống của con người là một giá trị thánh thiêng bất khả di nhượng, bất khả xâm phạm; mỗi người sinh ra trên thế gian này dù có xấu xa thấp hèn đến đâu cũng đều được đóng ấn tình yêu Thiên Chúa, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa. Bởi ai tin vào Người thì Ngài cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Như vậy, mỗi người chỉ có thể hiện hữu khi tháp nhập với Ngôi Lời là sự sống, chỉ nên tốt lành khi bước đi trong ánh sáng của Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, và chỉ trở thành con Thiên Chúa khi tin và tiếp nhận Ngôi Lời vào trong tâm hồn và đời sống mỗi người
(Mỗi ngày một tin vui).
4. Mầu nhiệm Nhập Thể không chỉ là Thiên Chúa làm người. Nhưng còn là chính con người được ơn trở về trong cung lòng Thiên Chúa, vốn đã bị xa lìa bởi tội nguyên tổ. Với sự kiện Ngôi Lời nhập thể, chúng ta trở về với tình thương bao la của Thiên Chúa như thánh Phao-lô đã chia sẻ: ”Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người” (Tt 2,11). Vì thế văn sĩ Origène đã nói đến sự nên Thánh của con người qua Ngôi Lời nhập thể: ”Khi đi vào trong nhân loại, Người đã xây dựng sự hiệp thông với tất cả thụ tạo. Người mang sự Thánh đến cho tất cả”. Thiên Chúa làm người chia sẻ cuộc sống với cuộc sống  con người và truyền thông cho con người có được khả năng tham dự và chia sẻ cuộc sống Ngôi Lời  trong Ba Ngôi, như chính đời sống Thiên Chúa (R.Veritas).
5. Thánh Gio-an làm chứng rằng: Ngôi Lời Thiên Chúa mặc xác thịt người phàm và đã ở giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Thiên Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý: làm chứng về Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế ra đời làm người để cứu chuộc nhân loại.
Sứ mạng của gia đình Ki-tô hữu là làm chứng cho Chúa Giê-su luôn hiện diện. Bằng cách nào? Theo gương Gio-an làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: Đây là Đấng tôi loan báo. Người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Người trổi vượt hơn tôi, bằng lời nói và hành động. Gia đình Ki-tô hữu sẽ là chứng nhân của sự sáng, nếu biết nói cho nhau về Lời Chúa, giới thiệu Chúa Giê-su cho người khác và sống theo Lời Chúa.
6. Truyện: Thiên Chúa nhập cuộc.
Khi Thiên Chúa làm người thì sống như mọi người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi thôi. Chúng ta sống thế nào thì Người sống như vậy, hết sức hòa đồng. Câu truyện sau đây nói lên khía cạnh đó:
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những khách khác thấy vậy cười nhạo ông. Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc.
Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là quần áo của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào  để chối từ nữa (Góp nhặt).
 Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14a). Đó là lời xác quyết của thánh sử Gioan, là lời xác quyết của các tông đồ, của Giáo Hội và cũng là lời xác tín của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Ý nghĩa của câu Lời Chúa này diễn tả mầu nhiệm nhập thể, một Ngôi vị của Thiên Chúa đã được sinh ra và ở giữa chúng ta, để nhờ Người chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và hưởng trọn lời hứa cứu độ.
Nhìn ngắm Hài Nhi Giêsu dưới dáng dấp của một Hài Nhi đơn sơ nằm trong máng cỏ, quả là một mầu nhiệm cao cả tuyệt vời của đức tin. Sự ra đời của Chúa Giêsu đánh dấu “thời viên mãn” đã tới. Vì tội lỗi của ông bà nguyên tổ, con người mất đi sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng nay Thiên Chúa đầy lòng từ bi đã xót thương đến sự buồn tủi của con người mà sai Chúa Con hằng có đời đời, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, làm người để cứu chuộc chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi.
Bằng cách sử dụng các công thức có chiều kích thần học sâu xa, thánh Tông đồ Gioan đã giải thích cho chúng ta : “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). Gioan gọi ngôi vị thứ hai trong Chúa Ba Ngôi là “Ngôi Lời”, Con Thiên Chúa. Ngài còn thêm: “Và Ngôi Lời đã nhập thể làm người, và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Ngôi Lời đã hóa thành xác thịt nơi cung lòng của Mẹ. Đấng vĩnh cửu đã bước vào thời gian. Thiên Chúa đã đến cắm lều và cư ngụ giữa con người.
 Ngay từ câu đầu tiên của Tin Mừng thánh Gioan đã khẳng định căn tính và nguồn gốc của Ngôi Lời (Logos). “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Lúc khởi đầu là một kiểu nói gợi lên sự khởi đầu tuyệt đối theo sách Sáng thế: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời và đất”. Điều này cho thấy nguồn gốc của Đức Giêsu không phải bởi thụ tạo mà bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời ấy là Thiên Chúa thật, Đấng được sinh ra mà không phải được tạo thành. Hay nói cách khác, Ngôi Lời đã có từ trước khi tạo dựng, nên Người hiện hữu mà không phải do tạo dựng.
Thánh Gioan còn khẳng định thêm: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,3-4).
Chính Ngôi Lời ấy đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, như Đức Chúa hứa qua lời ngôn sứ I-sai-a trong Cựu Ước “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en”. Ngài đã đến thế gian từ cung lòng Thiên Chúa Cha, và từ nay sự hiện diện của Ngôi Lời Nhập Thể là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại. Quả thế, “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1c) “đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14) và sống thân phận làm người với sự mong manh, lệ thuộc vào không gian và thời gian. Đó là một con người đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một dân tộc và một nền văn hóa riêng như mỗi người chúng ta. Đó là một vị Thiên Chúa đã xuống thế mang thân phận làm người, để đưa con người lên với Thiên Chúa.
Mầu nhiệm nhập thể ấy thật thâm sâu, Ngôi Lời là nguồn Ân Sủng (Đức Giêsu) tái tạo sự sống cho nhân loại, một “mắt xích” nối kết con người với Thiên Chúa và con người với con người. Nhờ đó, trong sự thông hiệp chúng ta được nên một trong Đức Kitô và nên một trong Thiên Chúa. Như vậy, Ngôi Lời nhập thể là niềm vui, là niềm hạnh phúc viên mãn mà con người luôn khát khao. Chúng ta kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh cũng với tâm tình như vậy, một niềm vui rộn rã vì Hài Nhi Giêsu đã và đang ở giữa chúng ta.
Ước gì trong cuộc sống, chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa, nhất là mùa giáng sinh này. Lạy Ngôi Lời nhập thể, chúng con chúc tụng ngợi khen và tạ ơn Ngài vì tình yêu huyền nhiệm Ngài dành cho nhân thế. Xin cho mỗi người chúng con luôn được ân sủng và niềm vui của Ngài chiếu tỏa, để trong sự cuộc sống chúng con biết mang niềm vui ấy đến cho người khác. Không phải là niềm vui hời hợt của những cuộc chung vui mừng lễ, nhưng là niềm vui có Chúa nơi tâm hồn. Amen.
Huệ Minh
SUY NIỆM:
Bài hát “Nhật Ký Đời Tôi” của nhạc sĩ Thanh Sơn có đoạn nói về phút chạnh lòng nhìn lại cuộc đời: “Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không. Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi, trong suốt cuộc đời tương lai trả lời thôi…”
Trong bối cảnh của ngày cuối năm Dương Lịch, chúng ta cũng có dịp nhìn lại suốt một năm qua với bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình, giờ còn lại điều gì? Chúng ta đã thương ai và đã quên ai, chúng ta đã làm được gì cho Chúa và cho nhau… Hay tất cả chỉ còn là con số không?
Hôm nay cũng là ngày kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh, chúng ta cùng nhìn lại chúng ta đã sống với Chúa Hài Đồng như thế nào?
Để rồi, những gì chưa hay chưa phải thì chúng ta khắc phục, những gì tốt thì cố gắng phát huy. Nhưng làm sao để biện phân được đâu là điều dở và đâu là điều tốt? Chính Chúa Giêsu là Ngôi Lời và là Ánh Sáng thế gian sẽ hướng dẫn cho chúng ta. Đó là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay :
 
1. Ngôi Lời là Ánh Sáng
Khác với triết học Hy Lạp đã đặt ra từ Ngôi Lời, và xem Ngôi Lời như một nhân vật ở giữa Thượng Đế và thế giới nhân loại. Chỉ duy nhất “Văn Chương Gioan” dùng từ Ngôi Lời để chỉ Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, là nguồn Sự Sống, đồng bản tính và quyền năng với Thiên Chúa, có từ nguyên thuỷ và sáng tạo muôn loài.
 
Tác giả Tin Mừng Gioan diễn tả Ngôi Lời là Ánh Sáng xuất phát từ Ánh Sáng là Thiên Chúa (mà trong Kinh Tin Kính Nice – Constantinophe chúng ta tuyên xưng trong thánh lễ). Ngôi Lời giáng sinh làm cho bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên Chúa. Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương. Ánh sáng Ngôi Lời soi sáng kiếp người tăm tối và sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.
Ánh Sáng Ngôi Lời trước hết chiếu giãi trên “những người nghèo” và những người thiện chí như: đến với thánh Giuse, mẹ Maria, ba nhà đạo sĩ, các mục đồng.
Ánh Sáng Ngôi Lời đem đến niềm hy vọng cho những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo hèn được kính trọng.
Ánh Sáng Ngôi Lời làm cho những tâm hồn thiện chí trở thành những ngọn đuốc, không chỉ sáng lên niềm vui, niềm tin, niềm hy vọng, mà còn chia sẻ ánh sáng với những người chung quanh khi họ “ra đi và kể lại…”
 
2. Tin vào Ngôi Lời.
Thánh Gioan Tông đồ- người đã chiếm ngắm mầu nhiệm ấy đã diễn tả bằng một câu ngắn gọn: “Và Ngôi Lời đã thành xác phàm”, nghĩa là đã trở thành một người như mọi người, Người đã sống giữa chúng ta, đã nói thứ ngôn ngữ của xứ sở và thời đại của Người.
Nhờ đó, Người muốn nói với con người rằng sự sống của con người là một giá trị thánh thiêng bất khả di nhượng, bất khả xâm phạm; mỗi người sinh ra trên thế gian này dù có xấu xa thấp hèn đến đâu cũng đều được đóng ấn tình yêu Thiên Chúa, cũng đều là hình ảnh của Thiên Chúa, cũng đều là con cái Thiên Chúa. Bởi ai tin vào Người thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa. Chính do sự sung mãn của Người mà chúng ta nhận được ơn này tới ơn khác.
Như vậy, mỗi người chỉ có thể hiện hữu khi tháp nhập với Ngôi Lời là sự sống, chỉ nên tốt lành khi bước đi trong ánh sáng của Ngôi Lời là Ánh Sáng thật, và chỉ trở thành con Thiên Chúa khi tin và tiếp nhận Ngôi Lời vào trong tâm hồn và đời sống mỗi người.
Lạy Chúa Giê-su Ngôi Lời nhập thể, xin tiếp tục nhập thể trong từng tâm tư, suy nghĩ hành động và cách cư xử của chúng con, để bằng lời nói cũng như bằng hành động chúng con cũng trở thành ánh sang dẫn đưa mọi người đang lầm bước trở về với Chúa. Amen.
Hiền Lâm.

SUY NIỆM: ƠN GỌI LÀM NGƯỜI 
“Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tình Thiên Chúa” (2 Pr 1,4).
Với mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa đã đón nhận thân phận con người, “chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta nhưng không phạm tội” (Hr 4,15) để tỏ bày tình yêu đích thật của Thiên Chúa, và để phục hồi phẩm giá con người, giải thoát con người khỏi kiếp nô lệ, cho con người được tự do như thánh Phaolô đã nói: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Từ đó, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Như thế, Đức Giêsu đã tái tạo con người trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, (St 1,26) biết sống tuân phục ý Chúa. Kể từ nay, không một ai có thể coi việc làm người là một bất hạnh nhưng là một ơn gọi trong chương trình của Thiên Chúa. “Tất cả các tín hữu, dù hoàn cảnh hay bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi, mỗi người theo cách của mình, đạt tới sự thánh thiện hoàn hảo như Chúa Cha là Đấng hoàn hảo” (Hiến chế HT 11). Những gian khổ, thử thách xảy ra trên đường đời là những phương thế giúp con người đạt đến sự viên mãn đó. “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26).
Ngày cuối cùng của năm dương lịch, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại bản văn được đọc vào ngày lễ Giáng Sinh, để mời gọi mỗi người hồi tâm, nhìn lại cuộc sống năm cũ trong các mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với bản thân có xứng đáng là con Thiên Chúa chưa hầu đưa ra một quyết tâm mới cho năm mới vì sống thêm một tuổi có nghĩa là gần cái chết thêm một năm.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con làm chứng nhân của niềm vui, của sự sống, của nguồn hạnh phúc đích thật. Xin cho chúng con là người Kitô hữu xác tín vững chắc các điều này và mạnh dạn sống kiên trung với những điều đã xác tín.

Tu sĩ Phaolô Phan Tấn Thịnh, SVD

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây