THỨ SÁU SAU LỄ CHÚA HIỂN LINH
Lc 5,12-16
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
12 Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”.
13 Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi.
14 Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”.
15 Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. 16 Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.
SUY NIỆM: HÃY KÝ THÁC ĐƯỜNG ĐỜI CHO CHÚA
Như chúng ta đã biết, trong cái nhìn của người Do Thái đương thời, bệnh tật được coi là hình phạt dành cho những người tội lỗi. Vào thời của Chúa Giêsu, những người mắc bệnh phong cùi liền bị xã hội loại bỏ ngay lập tức. Họ phải tự cô lập chính mình. Khi muốn đi lại hay xin ăn trong thành, thì họ phải tự mình la lên: “ô uế, ô uế”, để mọi người đề phòng. Và như thế, những người phong cùi ngoài sự đau đớn về thân xác do bệnh tật, họ còn phải chịu đau khổ về mặt tinh thần.
Thế nhưng, người phong cùi trong bài Tin mừng hôm nay đã có 1 hành động hết sức ngoạn ngục. Anh ta gạt bỏ mọi thành kiến của xã hội, anh chấp nhận chịu dư luận và dèm pha của người đời, anh cố gắng vượt qua biển người ồ ạt của chốn thành đô, để mong được gặp Chúa Giêsu và xin Người chữa lành. Điều ấy cho thấy, anh đã có 1 niềm tin rất mạnh mẽ vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ.
Đúng như những gì mà Thánh Gioan Tông đồ đã nói trong bài đọc thứ nhất: “Ai tin vào Chúa Con thì có sự sống đời đời”. Niềm tin và nỗi khát vọng của người phong cùi đã đụng chạm đến Thánh Tâm nhân từ của Chúa Giêsu. Kết quả là, “Người đã giơ tay đụng vào anh ta và bảo; ‘Anh hãy được sạch’. Những cố gắng và nỗ lực trong đời sống đức tin, luôn mang lại cho chúng ta những kết quả tốt đẹp như thế thưa anh chị em.
Đẹp hơn nữa là người phong cùi không xin Chúa làm theo ý mình, nhưng xin Chúa hãy làm theo ý Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch”. Một lời cầu nguyện hết sức đơn sơ, chân thành, khiêm tốn và rất đẹp.
Kính thưa cộng đoàn, mỗi lần cầu nguyện chúng ta được mời gọi hãy hiểu điều này, chúng ta đang là người cầu xin Thiên Chúa ban ơn, chứ không phải là người đang ra lệnh cho Chúa. Điều mà chúng ta cần làm và có thể làm, là kể cho Chúa nghe về những nỗi niềm, những thao thức và trăn trở của chúng ta, chứ đừng chỉ bày cho Chúa phải làm gì và làm như thế nào.
Thường thì ta hay đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn trong khi cầu nguyện; xin Chúa cho con cái này, cho con cái kia, cho gia đình con cái nọ… Để rồi khi không được như ý mình muốn, đâm ra buồn bã, thất vọng, mất lòng tin.
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi điều thiện hảo. Ngài biết chúng ta đang cần gì, cần như thế nào và cần vào lúc nào, rồi Ngài sẽ ban cho. Tuy nhiên, Thiên Chúa không ban cho ta theo ý ta muốn, bởi lòng ham muốn của con người thì vô đáy; nhưng Thiên Chúa ban theo những gì chúng ta cần, không chỉ cần cho phần xác mà còn cần cho cả phần rỗi linh hồn.
Tóm lại, qua con người và hành động của người phong cùi trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta học được 2 điều: Thứ nhất, những ai đặt tin tưởng vào Thiên Chúa thì sẽ được Ngài giáng phúc thi ân. Và thứ hai, khi cầu nguyện đừng bắt Chúa làm theo ý mình muốn, nhưng hãy xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vừa tỏ mình, vừa giấu mình. Ngài giấu mình khi Ngài ra lệnh cho người phong không được nói với ai. Nhưng hẳn anh ấy cũng khó giữ kín chuyện này, khi anh đi gặp các tư tế. Thế nên cuối cùng tiếng đồn về Ngài đã lan ra, khiến người ta nô nức, lũ lượt kéo đến với Ngài (c. 15). Đức Giêsu đã không thể giấu mình trước đám đông dân chúng. Ngài lôi cuốn họ như một vị giảng thuyết và như một người chữa lành. Con người mãi mãi cần sức mạnh tinh thần và sức khỏe thân xác. Đức Giêsu đem đến cả hai điều ấy cho hạnh phúc con người. Hãy nhìn người phong, mình anh đầy những vết lở loét. Anh đến với Đức Giêsu, sấp mặt xuống nài xin. “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (c.12). Lời nguyện của người phong là lời cầu xin mẫu mực cho ta. Dĩ nhiên là anh ấy rất muốn được khỏi căn bệnh nan y này, căn bệnh đã làm tan nát thân xác anh và cả cuộc đời anh, Hơn nữa, nó còn bắt anh trở nên kẻ sống ngoài lề xã hội và tôn giáo. Nhưng anh vẫn không để ước muốn quá đỗi bình thường của mình lấn lướt. Anh đặt ước muốn ấy dưới ước muốn của Đức Giêsu. “Nếu Ngài muốn !” nghĩa là Ngài có thể và có quyền không muốn. Anh để cho Đức Giêsu được tự do muốn điều Ngài muốn. “Ngài có thể làm tôi được sạch: anh tin vào khả năng của Ngài, khả năng làm cho những vết lở loét kia biến mất. Chính khi Đức Giêsu được tự do, được tin cậy và phó thác, thì dường như Ngài không thể từ chối được nữa. “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Đức Giêsu tẩy sạch anh bằng một ước muốn được nói ra lời, kết hợp với một cử chỉ đầy yêu thương là đưa bàn tay ra đụng vào anh. Khi cầu xin, bạn hãy để cho Chúa được tự do giúp bạn, theo ý muốn của Chúa, theo cách của Chúa, vào lúc của Chúa. Đừng dạy Chúa phải làm gì, vì Chúa biết điều tốt nhất cho bạn.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người. Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore).
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM:
“Tôi muốn anh hãy được sạch.”(Lc 16,13)
Những người phong cùi là con người bất hạnh. Mặc dầu không còn là một chứng bệnh bất trị, nhưng bệnh phong cùi vẫn là nỗi bất hạnh, đau thương và xót xa.
Nỗi khổ đau của họ không phải chỉ là sự tàn khuyết của cơ thể nhưng là sự ruồng bỏ của xã hội và thiếu vắng tình nhân loại. Bởi thế, họ tìm vào trong những nơi xa xăm, vắng lặng, ít ai lui tới để an phận, quằn quại đớn đau dưới sự tàn khốc của chứng bệnh và sự lạnh cảm của xã hội.
Họ bị khuyết tật nặng, chân tay đã bị tàn phế, mất hết cảm giác và không còn khả năng để tự chăm sóc và mưu kế sinh nhai. Họ thiếu thốn về mọi phương diện: nhà cửa, thực phẩm, thuốc men và điều kiện vệ sinh tối thiểu để được lành bệnh. Bởi thế, chẳng có ai thương anh, chẳng có ai dám đến gần anh, chẳng có ai cho anh lấy một mẩu bánh đế ăn cho đỡ đói…
Người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay cũng rơi vào hoàn cảnh như bao nhiêu người phong cùi khác. Người phong cùi này bị liệt vào hạng người “dơ”, bị khinh miệt, bị loại trừ khỏi cộng đoàn tôn giáo, bị “tẩy chay” khỏi đời sống của xã hội.
Nhưng người phong cùi biết chạy đến với Chúa Giêsu và xin Chúa cứu chữa cho anh được khỏi bệnh. Anh khiêm nhường sấp mặt xuống đất, van xin Ngài với lòng tin tưởng, phó thác hoàn toàn: "Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch".
Chúa Giêsu không từ chối,cũng chẳng xua đuổi anh, nhưng Ngài đó nhận lời thỉnh cầu của anh. Ngài giơ tay đụng chạm đến thân thể củi lở, xấu xí, thối tha của người cùi.
Chúa Giêsu nói với người phong cùi: "Ta muốn, hãy nên trơn sạch". Lập tức, người ấy khỏi phong hủi.”
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa, đã thực hiện sứ vụ đem Tin Mừng cứu độ đến cho con người trong tư thế một người dịu hiền đầy trìu mến. Đọc sách Tin Mừng theo Luca, chúng ta sẽ bắt gặp ngay khuôn mặt dịu hiền của Đấng Cứu Thế. Người không xa lạ với con người; ngược lại, Người luôn đồng hành với con người, cách riêng với con người nghèo khó, đau khổ, với con người tội lỗi.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu là một người cảm thông với con người. Người phong cùi bị mọi người hất hủi, còn Chúa Giêsu đã cảm thông, chia sẻ, gần gũi. Chúa muốn cho mọi người cũng phải đón nhận người phong cùi là một con người như bao nhiêu người khác : "Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch".
Có con người bé mọn đau khổ nào gặp Đức Giêsu mà không cảm thấy mình được yêu thương, nâng đỡ?
Con Thiên Chúa giáng trần để thi hành sứ mạng cứu độ nhân loại. Đứng trước những nỗi khổ đau của con người, Chúa vẫn luôn tỏ ra lòng dịu hiền và cảm thông qua những hành động bác ái và yêu thương của Giáo Hội, và những bàn tay nhân ái của mọi người tín hữu hôm nay.
Nguyện xin Chúa ban cho mỗi người chúng con có được một tâm hồn dịu hiền và cảm thông như Chúa, để chúng con biết yêu thương, giúp đỡ và chia sẻ cho những người đang gặp thử thách, trong cuộc sống hiện nay.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM: CÁCH LY !
Một hiện tượng đáng buồn trong tình cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra đó là sự “cách ly”. Hình như nhiều nước trên thế giới đều có dùng biện pháp cách ly những ai nhiễm virus mà Việt Nam đặt tên là F0, nhất là khi có biểu hiện bệnh lý. Có vài quốc gia trong đó có Việt Nam lại mạnh tay hơn với cả những người không nhiễm bệnh mà chỉ là có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Những người này được gọi là F1 và cũng bị cách ly tập trung bắt buộc. Thậm chí đã có lúc số người bị liệt vào hạng F2 là có tiếp xúc với người diện F1 cũng bị cách ly tại nhà!
Nỗi khổ của những người bị cách ly dù có nhiễm virus hay không bị nhiễm không dừng lại ở mặt thể lý mà nhất là về tinh thần. Họ hoang mang, lo sợ và nhất là bị tha nhân nhìn là người phung hủi cần xa lánh. Đã có lúc người ta nhìn những người này như là tội phạm và kết án họ cách bất công.
Tin Mừng ngày thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh tường thuật câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người phung cùi. Thay vì chỉ phán một lời thì Chúa Giêsu lại giơ tay chạm vào người bệnh nhân để chữa lành. Cách thức chữa lành của Chúa Giêsu là một dấu chỉ cho thấy việc bị cách ly là nỗi đau khổ hơn cả bệnh tật thể lý. Khi bị tha nhân hay Chính quyền cách ly thì người bị cách ly bị xem như chưa xứng với phận vị là một con người.
Chúa Giêsu giơ tay chạm lấy người phung cùi không chỉ để chữa cho người phung được sạch mà còn khẳng định rằng anh ấy dù trong hoàn cảnh tật bệnh nan y dễ lây truyền thì vẫn là người anh chị em của Người, không bao giờ bị bỏ rơi, bị cách ly. Chúng ta nhận ra sự thật này vì tiếp liền sau đó Người bảo anh ta là hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê đã truyền, để minh chứng cho người ta biết mình đã được lành sạch. Dĩ nhiên khi đã được minh chứng là khỏi bệnh phung cùi thì người bệnh được gia nhập cộng đoàn, hết bị cách ly. (x.Lv 14).
Một thực tế đáng buồn và có thể đáng trách đó là đã và đang có đó nhiều người bị cách ly cách bất công. Rất có thể sau khi dịch bệnh Covid-19 qua đi thì sẽ có nhiều người phải trả lẽ trước công luận và cả trước Pháp Luật về các chính sách và biện pháp quá khích và thiếu nhân tính. Là Kitô hữu, chúng ta không được phép loại ra khỏi lòng mình bất cứ ai vì bất cứ lý do gì. Chúa Giêsu đã từng khẳng định rằng nếu chúng ta nguyền rủa anh em mình là khùng, là ngốc, là quân phản đạo, nghĩa là loại bỏ họ ra khỏi tâm trí của mình thì cũng là một hình thức “giết người” thì phải chịu đoán phạt bởi “lửa hỏa ngục” (x. Mt 5,21-22).
Là đoàn tín hữu của tôn giáo với lời Kinh duy nhất được Đấng sáng lập truyền dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” mong sao chúng ta nỗ lực hết sức có thể giúp cho tha nhân vừa ý thức vừa cảm nhận họ là một con người như mọi người. Dang rộng cánh tay, mở rộng tấm lòng để đón nhận nhau trong tình anh chị em một nhà là điều chúng ta hướng đến. Tuy nhiên thiển nghĩ rằng rất cần phải lên tiếng vạch rõ sự sai trái của các quyết sách mà cách nào đó vô tình hay hữu ý xem người dân chưa xứng như là con người qua các hình thức “cách ly” vừa thiếu khoa học vừa thiếu tình người. Và mong sao Giáo hội bỏ dần các hình thức “tuyệt thông” mà lịch sử cho thấy là gây ra nhiều hậu quả thật đáng tiếc, có khi là đáng trách vì rất khó khắc phục, dù cho có xin lỗi nhiều lần.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
SUY NIỆM:
Người mắc bệnh cùi thời Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau khổ.
– Đau về thể xác:
Vì không có thuốc chữa trị, nên bệnh cùi hành hạ thân xác rất nhức nhối.
Vi trùng cùi Hansen ăn vào da thịt dần mòn làm lỡ loét mặt mày, tay chân đau buốt.
Gân cốt tay chân thường bị co vấp lại, không còn khả năng làm việc như người bình thường. Tình cảnh họ rất là đau thương.
– Khổ về tâm hồn:
Quan niệm bệnh là do tội lỗi lỗi gây nên, cùi là bệnh nặng chứng tỏ tội của người cùi phải rất nhiều.
Người cùi bị mọi người xem thường, khinh bỉ và xa lánh vì sợ lây uế. Người cùi phải sống tách biệt với cộng đồng vì xã hội đẩy họ ra bên lề cuộc sống.
Người bị bệnh cùi luôn phải sống nhờ người khác và bị xem là thành phần ăn bám xã hội. Thật chua xót!
Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh cùi chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương yêu..
Việc Chúa Giêsu chữ lành bệnh cùi đồng nghĩa với việc Chúa phục hồi phẩm giá làm người của họ, trả lại cho họ tình trạng tốt đẹp thuở ban đầu mà Chúa đã tác tạo.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cho họ là lời mời gọi mọi người hãy mở rộng vòng tay đón nhận nhau trong tình anh em, dù họ là ai.
Việc Chúa chữa lành bệnh cùi cũng chính là mời gọi tha thiết đối với những ai đang mang nặng những nỗi đau về thể xác hay những vết thương nơi tâm hồn hãy mạnh dạn đến với Chúa để kêu xin ơn cứu chữa của Ngài; và hãy can đảm hòa nhập với cộng đồng xã hội để có được niềm vui, nguồn an ủi.
Có lẽ chúng ta không mắc phải bệnh cùi về thể lý vì ngày nay đã có thuốc đặc trị. Nhưng rất có thể chúng ta lại mắc phải bệnh cùi về tâm linh.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô ơn đối với Thiên Chúa. Sống xa cách Chúa, không quan tâm đến thánh lễ Chúa nhựt, không còn biết cám ơn Chúa qua giờ kinh sáng-tối nơi gia đình, không để tâm học hỏi Thánh kinh và giáo lý….
Cùi tâm linh là khi chúng ta tự tách rời khỏi anh em trong các sinh hoạt của họ đạo. Có thể vì mặc cảm hay vì tự cao mà ta sống cu ki một mình, không còn khả năng hòa nhập với cộng đoàn họ đạo.
Cùi tâm linh là khi chúng ta vô tâm, thờ ơ, dửng dưng, ích kỷ, tư lợi mà không biết chạnh lòng thương trước nỗi đau của người khác. Những thứ đó chính là triệu chứng bệnh cùi tâm linh rất nguy hiểm.
Vậy mỗi người chúng ta hãy ý thức về bệnh cùi tâm linh của mình và xin Chúa cứu chữa.
Xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra bệnh tình nguy hiểm mà ta đang mang trong người. Và xin Chúa thương cứu chữa cho lành sạch. “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”.
Lm Seoka
SUY NIỆM: CÁI KHỔ CỦA NGƯỜI BỊ BỆNH
“Khi còn có thể làm việc được thì người mắc bệnh vẫn còn được chung sống với gia đình. Nhưng đến khi thân tàn ma dại không làm được chi nữa, nhất là khi các vết ung thối bắt đầu phá miệng lở loét ra, máu mủ vấy đầy, khiến những người chung quang nhờm gớm, kinh tởm không chịu được, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ một túp lều tranh để người cùi ở lại đó một mình sống chết ra sao mặc kệ!
Khi yếu liệt, cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi đói khổ mà chết dần chết mòn một cách thảm khốc, ấy là không kể trường hợp có thể bị cọp đói tha đi, vì có lời đồn đại rằng cọp rất hám thịt người cùi.
Nói tóm một điều: người cùi là một bệnh nhân biết rõ mình đang chết và với đôi mắt tỉnh táo còn chứng kiến được rành rành giữa thanh thiên bạch nhật những sình thối rục rã của chốn mồ sâu…!”
Câu chuyện trên đây chính là nhận định của Đức Cha Cassaigne, thừa sai sống giữa anh chị em người cùi.
Trong cuộc sống, cái gây nên đau khổ nhất cho con người chính là: bệnh tật và sự cô đơn.
Bệnh tật thì làm cho con người ta thất vọng và nghĩ mình vô dụng; bệnh tật còn làm cho con người đau đớn thể xác… Còn sự cô đơn thì làm cho con người trở nên dư thừa, họ bị cô lập không được tiếp xúc với ai và cũng không ai thèm tiếp xúc với họ. Đau khổ nhất chính là bị đẩy ra một nơi xa cộng đồng, không được ở với cha mẹ, anh chị em và bà con xóm làng.
Tất cả những tâm trạng đó, nơi người bị bệnh phong, họ phải hứng chịu tất cả.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương ngay cả đến người không đáng yêu, tha thứ kẻ không đáng tha thứ. Đức Giêsu đã làm thế và chúng ta cũng phải làm như vậy, nếu chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa.
Mong sao mỗi người chúng ta sẵn sàng chia sẻ và gánh lấy những gánh nặng cho nhau. Thập giá mà mỗi người chúng ta phải vác, sẽ nhẹ đi biết bao, khi chúng ta biết bắt chước Đức Giêsu, giơ tay ra chạm đến người phong cùi.
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta được trở nên dấu chỉ tình thương của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn