https://dongten.net/wp-content/uploads/2019/10/01-The-Derry-Air.mp3 (Truyện ngắn – Nhớ Ba ngày Father’s Day)
1.
Hoàng hôn đang xuống dọi những mảng đỏ loét lợn cợn trên mặt biển cuồn cuộn. Mùi nước nồng nặc hơi mặn của muối cứ ngấy lên trong sống mũi Thế. Đưa bàn tay khoát những lớp nước cứ dồn dập vỗ vào bờ, cậu nhận ra những bồng bềnh nhất định. Nước biển kia một ngày nào đó cũng bốc hơi, nhưng thành quả mà nó để lại là những hạt muối đất phục vụ cho đời sống con người. Dòng nước kia cũng đang tạo niềm vui cho bờ biển, vì nó hiểu rằng bờ chỉ đứng yên một chỗ mà chẳng dịch chuyển, thế nên dòng nước được luân phiên cứ về kể cho bờ nghe những điều mới lạ ngoài khơi.
–“Thiên nhiên còn có cuộc đời ý nghĩa như thế, thì huống chi mình!”
Một suy nghĩ tích cực hơn dần xuất hiện trong đầu cậu trai trẻ. Một chọn lựa mới mẻ cho cuộc đời ở cái tuổi mười tám vì… ngày mai Thế được tốt nghiệp.
Sinh ra là người con của biển, gia đình của Thế cũng làm nghề chài lưới như bao gia đình khác. Cuộc sống mưu sinh đầy vất vả của cha mẹ giúp Thế thêm hiểu cái gồng gánh của kiếp người. Nặng lắm nhưng không thể buông xuôi, bởi ý chí và lý trí không cho phép điều đó. Mới hơn mười tuổi Thế đã biết đi biển với cha mỗi khi đánh bắt gần bờ, cậu bắt đầu ý thức trách nhiệm của mình với gia đình vì cậu là con trai một. Anh thương Thế nên quyết tâm cho cậu đi học. Không phải vì anh muốn đèo bồng, trong khi gia đình không đủ miếng ăn cái mặc mà còn cho con đi học, nhưng anh muốn cuộc đời Thế không nghèo khổ như anh và chị. Đúng là khi con người ta thấu được cái nghèo và nỗi đau mà nó mang lại, người ta sẽ cảm thông và giúp nhau vượt qua nỗi khó ấy bằng mọi cách, dù phải hy sinh chính bản thân mình.
2.
-“Cha ơi! Con muốn nghỉ học! Con muốn đi biển với cha!”
Sau ca làm biển trở về, anh mệt mỏi và bực tức khi nghe Thế nói điều đó. Vừa bước xuống thúng, anh đưa tay xán cho cậu một tát tay thật đau rồi bỏ đi không ngoảnh mặt lại. Thế ngồi bệt xuống bãi biển lặng nhìn hoàng hôn xuống, cậu nhìn mọi người kéo thúng và lưới vào bờ, rồi cậu ôm bên mặt mà anh vừa cho một tát. Thế không khóc, chỉ ngồi suy nghĩ.
…
-“Anh! Sao anh lại đánh con?” Tối hôm ấy chị nằm cạnh anh và hỏi khẽ.
-“Sao nó không chịu hiểu? Cái nghề này sung sướng gì đâu mà đòi làm. Ráng cho nó con chữ, trí khôn để tự nuôi thân mà nó cứ dập tắt nỗ lực của cha mẹ nó!” Anh trả lời trong ấm ức.
-“Thôi anh! Từ từ rồi con sẽ hiểu mà! Anh đừng đánh con như vậy. Đừng để những hình ảnh không tốt về người cha trong đầu con, giờ con lớn rồi anh à!”.
Giấc ngủ của hai vợ chồng đêm ấy trằn trọc quá!
3.
Từ hôm bị anh tát ngoài bãi biển, Thế không đi biển và cũng ít khi nói chuyện với anh. Cái tuổi mười sáu đủ dấy lên nỗi tự ái trong lòng cậu khi nhận được cái tát mà không rõ nguyên nhân. Thế trở nên ít nói và chỉ ậm ờ vài tiếng với cha mẹ. Giờ cơm tối thi thoảng có anh ngồi ăn chung, anh và cậu cứ im lìm bới cơm và gắp thức ăn, chẳng ai đả động tới ai tiếng nào.
Chiều chiều cậu hay ngồi ngoài bãi biển trầm ngâm suy nghĩ. Thấy thúng cha về tới bờ, cậu đứng lên rồi trở về nhà trước khi anh đặt chân lên bờ. Không biết anh có thấy con không, nhưng vẫn chăm chú tay xách tôm cá, tay xách lưới về nhà. Anh thở phì phò sau khi chèo thúng một quãng xa.
-“Thế! Thế hả con?”
Anh thấy dáng một cậu thanh niên xa xa, măc quần đùi và áo thun rất quen, ngờ ngợ là con trai mình, anh gọi lớn tiếng. Cậu thanh niên dừng lại một chút nhưng không ngoảnh mặt lại, ngừng lại chừng vài giây rồi cậu đi thẳng. Anh thì dụi mắt mong nhìn rõ hơn, nhưng bóng chiều đã ngả sang màu tối dần, anh không nhận ra ai nữa.
-“Thôi! Chắc mình nhầm!”
4.
Chị đau lòng từ dạo hai cha con giận nhau. Căn nhà trở nên lạnh tanh vì chỉ có mối tương quan một chiều. Anh nói chuyện với chị, chị nói chuyện với Thế. Ngược lại, Thế nói chuyện với chị, chị nhắn lại với anh. Anh chẳng phàn nàn cũng không nói gì thêm, thi thoảng chỉ hỏi chị:
-“Thằng Thế dạo này học hành sao rồi em?”
Chỉ cần biết cậu đi học đều, chịu khó học tập là anh an tâm. Không đòi cậu phải làm bất cứ gì vì… sợ ảnh hưởng tới việc học.
Ngày Thế nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng là ngày cậu xa cha vĩnh viễn. Anh đã chìm sâu dưới đáy biển trong trận biển động đêm hôm trước ngày Thế được tốt nghiệp. Chị đi dự lễ tốt nghiệp của con, nhưng nửa buổi lễ nhận được điện thoại hay tin anh có chuyện, chị tức tốc trở về nhà. Thế lên bục nhận bằng. Cậu đưa mắt dáo dác nhìn quanh tìm chị nhưng không thấy, thắc mắc vì sao lúc nãy chị đi với cậu, giờ không thấy đâu nữa. Khuôn mặt vơi đi niềm vui đôi chút. Chợt nghĩ: “Chắc mẹ về nhà tạo bất ngờ cho mình đây!”
5.
–“Cô ơi! Bán cho con ba đùi gà nướng. Lựa ba cái to đều nha cô!”
Thế ghé tiệm cơm mua đồ ăn, rồi vào siêu thị mua thêm ít đồ ăn để cùng cha mẹ ăn mừng lễ tốt nghiệp. Cậu hí hửng một mình lái xe về nhà. Dự định trong đầu những gì sẽ làm. Đầu tiên sẽ giả bộ giận lẫy mẹ chút xíu vì đã bỏ về không dự lễ trọn vẹn. Thế nghĩ tới một bàn ăn thịnh soạn mà mẹ đã về trước chuẩn bị sẵn ở nhà có canh chua me bạc hà nấu với cá lóc, rồi có thịt ba rọi kho tiêu mà cậu thích ăn nhất. “Cha” – một tiếng kêu hình như cậu quên mất trong đầu mình vì… lâu rồi không nhắc tới. “Gặp cha… rồi mình… xin lỗi… rồi mình khoe bằng… rồi mình cám ơn… rồi mình ăn tiệc.” Cậu ấp úng một hồi khi nghĩ tới việc mình sẽ hành xử thế nào khi gặp anh. Thế lúng túng với những dự tính như thế.
-“Tùng… Tùng… Tùng…!”
Hồi trống đám tang giục lên liên hồi. Thế dừng xe ngay đầu hẻm vào nhà. Cờ tang cặm ngay đầu hẻm. Cậu nghe rõ mồn một từng tiếng trống, tự nhủ: “Không biết ai mới chết?”, rồi chầm chậm chạy xe vào hẻm. Chạy vài chục mét thấy bà con đứng khá đông đang nép vào hai bên hẻm nhường đường cho xe của Thế chạy vào. Gần tới nhà mình thấy càng đông người, cậu có linh tính không lành.
-“Ủa! Nhà mình mà! Có chuyện gì vậy?” Cậu giật mình khi thấy đám tang trong… nhà mình.
Xuống xe tắt máy, vừa rút chìa khoá chưa kịp bỏ vào túi quần, Thế thấy mẹ chạy ra hớt hãi, chị ôm cậu rồi khóc nức nở.
-“Thế ơi! Cha con…! Hu…hu…hu!”
Little Stream