“Trại tâm thần”, “khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần”, “bệnh nhân tâm thần” và nhiều từ khác có nghĩa tương tự vốn là những từ thường mang chút gì đó sự kỳ thị. Bản chất từ ngữ không có lỗi, nhưng có chăng là do chính con người chất chứa những kỳ thị ấy nơi mình, để cuối cùng đưa đẩy thân phận của con người được gọi là “tâm thần” kia vào một cảnh vực đau khổ. Tôi vẫn nhớ, hồi còn nhỏ hay nghe người dân quê mình vẫn gọi anh chị em bệnh nhân tâm thần là “người khùng”, “người điên”, kèm theo lời dặn dò tránh xa những bệnh nhân ấy, càng xa càng tốt.
Lần đầu tiên tôi được tự tay trực tiếp chăm sóc cho những anh chị em bị bệnh tâm thần là khi tôi bắt đầu tìm hiểu ơn gọi. Là một thanh niên quê mùa mới lên thành phố, những ý nghĩ rất tiêu cực vẫn tồn tại trong tôi về những con người mang căn bệnh này. Có lúc tôi sợ tiếp xúc với họ vì “nhỡ mà họ lên cơn thì…”. Tuy vậy, khi đến và chăm sóc cho họ, tôi dần thay đổi quan điểm của mình. Họ là anh chị em của tôi, cùng là tạo vật rất đáng yêu của Thiên Chúa. Đến với họ giúp tôi phá đổ mọi thành kiến mà trước đây tôi từng có về căn bệnh này. Thậm chí, tôi dám nghĩ rằng Thiên Chúa còn thương họ hơn chính tôi, vì giữa những đứa con bệnh tật và những đứa con khỏe mạnh có thể tự lo cho mình được, thì người cha, người mẹ ắt hẳn phải thương yêu và lo cho những đứa con bất hạnh hơn.
Tôi hiểu ra họ là những con người thực sự. Họ có nhân phẩm cao cả là con cái Thiên Chúa. Khi người ta chưa một lần tiếp xúc, sẽ khó tránh khỏi suy nghĩ rằng người bị bệnh tâm thần đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, khẳng định đầy trực giác này chỉ mới đúng một phần nhỏ. Là người Kitô Hữu, nếu xem họ là con cái Thiên Chúa, là anh chị em của chúng ta, thì chúng ta sẽ có cái nhìn rất khác. Rằng “tâm thần” là một căn bệnh lâu dài khó chữa, họ mắc chứng bệnh ấy tựa như chúng ta mang những gánh nặng bệnh tật nan y. Tuy nhiên, vì đặc thù của căn bệnh cần một môi trường chăm sóc phù hợp và tốt hơn cho bệnh nhân, nên mới có những “Trại tâm thần”, “Khu vực chăm sóc bệnh nhân tâm thần” xuất hiện. Thông thường trên phim ảnh, chúng ta hay thấy biểu hiện của những bệnh nhân này là mất kiểm soát, lên cơn, đánh đập và điên dại. Nhưng thực tế không chỉ có vậy. Nếu chỉ phản ánh những mặt tiêu cực ấy thì chẳng khác nào tiêm nhiễm cho người xem định kiến rất xấu về căn bệnh và người mắc bệnh này.
Tôi bất ngờ vì khi có dịp đến ở cùng và chăm sóc cho anh chị em bệnh nhân tâm thần, tôi thấy họ thực là những con người hiền lành, dễ thương và rất gần gũi. Khi những cơn bấn loạn chưa thống trị họ, thì họ biết chúng ta là ai, họ biết mục đích của chúng ta đến với họ để làm gì. “Thầy! Cám ơn thầy đến chăm sóc cho anh em tụi con! Người ta cứ chửi tụi con khùng rồi xa lánh tụi con!” Đó là lời của một nam bệnh nhân tâm thần đã chia sẻ với tôi trong lúc anh tỉnh táo. Tôi không thể quên những lúc ngồi cắt móng tay, móng chân và cạo râu cho họ, họ sẵn sàng chìa bàn tay, bàn chân và cằm ra cách dễ chịu để chúng tôi làm việc. Đã thế thi thoảng có người còn hát cho chúng tôi nghe, hoặc ngồi kế bên đọc báo cho mọi người cùng nghe. Tôi hỏi thăm họ nhiều điều và họ chia sẻ rất chân tình. Không biết điều họ nói đúng sự thật bao nhiêu phần trăm, tôi hỏi những nhân viên phục vụ, họ cũng nói y như điều mà những bệnh nhân đã nói. Như thế, họ đâu “điên dại” theo kiểu mất hết lý trí, đúng là có những điều thuộc về ký ức xa xưa thì không thể nhớ được hoặc lẫn lộn, nhưng không có nghĩa là điều mà tôi làm bây giờ lại bị họ quên đi cách nhanh chóng. Thực cơn tâm thần chỉ đến có lúc và có thời điểm.
Dịp tông đồ tháng khi còn là một tập sinh, tôi được gửi đến thăm và phục vụ tại một trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần ở Lâm Đồng. Được ở và phục vụ anh em ở đây, tôi nghiệm ra nhiều điều mà Chúa làm cho anh em bệnh nhân, cho các nhân viên phục vụ và cho chính anh em chúng tôi nữa. Thật chẳng thể nghĩ tới chuyện được ở túc trực với anh em bệnh nhân 12/24 và thậm chí là 24/24 giờ trong ngày. Chúng tôi nhớ từng nét mặt và từng cái tên rất quen thuộc của anh em, biết được thói quen và sở thích những anh em ấy sẽ làm gì, đồng thời cũng học được cách chăm sóc và đồng hành cùng anh em bị bệnh tâm thần cách cụ thể. Từ đó, tôi hiểu và cảm thông với họ nhiều hơn. Thương họ hơn là sợ hãi và xa lánh như trước đây. “Thầy! Thầy đọc kinh đi! Con đọc theo!”. Bất ngờ vì đó là đề nghị của một bệnh nhân tâm thần, mà đặc biệt anh ta lại là người ngoại đạo. Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, có những bệnh nhân làm việc siêng năng và hoàn tất công việc cách nhanh chóng hơn cả người không bị bệnh như chúng tôi. Những giờ nghỉ giải lao sau giờ làm việc, anh em xúm lại quanh chúng tôi và trò chuyện với chúng tôi cách thân tình: “Tu là phải có duyên lắm đó thầy! Thầy ráng tu nghen!”. Tôi đáp lời họ: “Vậy các anh cầu nguyện cho tụi em nữa chứ!”. Họ cười và gãi đầu: “Tụi này lúc khùng lúc tỉnh, lúc nhớ lúc quên. Thôi thì nhớ lúc nào cầu lúc đó nghen!”.
Thú vị nhất là những lúc có phái đoàn từ thiện tới thăm anh em, khuôn mặt anh em rạng rỡ hẳn lên. Một anh em chạy khắp nơi thông báo: “Đoàn vô! Đoàn vô!”, rồi tất cả túa ra cửa đón đoàn vào thăm. Đoàn từ thiện đứng một bên song chắn bằng sắt, anh em bệnh nhân đứng bên này song. Nhận những phần cơm, bánh, nước từ những anh chị em có tấm lòng hảo tâm, các bệnh nhân vui mừng và cám ơn rối rít. Nhận phần bánh ra gốc cây ngồi ăn, không quên mời tôi ăn với họ. Chợt tôi thấy niềm vui khi được là anh em của những bệnh nhân ở đây. Có đoàn đã lầm lẫn chúng tôi là bệnh nhân của trại, họ cũng đem bánh mời chúng tôi ăn. Tôi nhận bánh và ngồi cùng ăn với anh em vì hôm ấy đã tới giờ ăn trưa mà chưa có gì bỏ bụng. Khi những anh chị em kia biết chúng tôi không là bệnh nhân, họ đã bất ngờ: “Sao mấy anh đó gan vậy? Dám vô đó chung với các bệnh nhân?”. Chúng tôi chỉ cười và trả lời cách đơn sơ: “Dạ! Anh em bệnh nhân ở đây hiền lắm!”.
Tôi viết những dòng này để nhớ đến những anh em bệnh nhân thân thương vì đã lâu chưa có dịp về thăm. Cũng nhân dịp Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi sứ điệp đến Hội nghị Quốc gia Ý lần thứ hai về Sức khỏe Tâm thần vào ngày 25 tháng Sáu vừa qua. Tôi thật sự được gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm đẹp với anh chị em bệnh nhân tâm thần qua lời lưu ý của Đức Giáo Hoàng rằng: cần phải khắc phục sự kỳ thị liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần và làm cho “văn hóa cộng đồng” chiếm ưu thế hơn so với não trạng “vứt bỏ” – một văn hoá thường coi trọng những người mang lại lợi ích sản xuất cho xã hội, và quên những người đau khổ. Vì thế, cần phải có một hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp không bỏ lại bất kỳ ai, phải chăm sóc tất cả mọi người “một cách toàn diện và có sự tham gia của mọi người”.
Nguyện xin Chúa thương gìn giữ anh chị em bệnh nhân tâm thần trong bàn tay Quan phòng của Người, nhất là được an toàn trong cơn đại dịch Covid-19 này. Xin Chúa cũng chúc lành cho các nhân viên và những tấm lòng hảo tâm đang phục vụ và khao khát phục vụ các bệnh nhân.
Little Stream
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn