https://dongten.net/wp-content/uploads/2021/05/Arms_of_Heaven.mp3 (Truyện ngắn)
1.
Xen bon bon lăn bánh trên con đường nhựa phẳng lì. Nhiệt độ nóng bức của Sài Gòn đã tới đỉnh điểm. Hai bên đường không có chút bóng mát. Những căn nhà cao tầng cứ thay nhau mọc lên tua tủa. Chợt xa xa vẳng lên tiếng đờn cổ nghe tích tịch tình tang thật tha thiết.
-“Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào….”
Kèm theo đó là môt tiếng vỗ tay tán thưởng. Nam cố tình chạy xe thật chậm để nghe cho rõ từng điệu đờn và từng điệu hát.
-“Trời ơi! Cải lương kìa! Lâu lắm rồi…!”
Câu cải lương như dòng nước mát tắm cho tâm hồn Nam giữa cái nóng nảy và khó chịu trưa hè.
2.
-“Nam! Đi coi cải lương với ngoại không?”
Chú bé tầm bảy tuổi háo hức khi nghe ngoại rủ đi coi cải lương. Biết phải làm gì, chú bé chạy ra hàng ba lượm hai viên gạch ống, sẵn đưa tay cầm theo cây quạt giấy chạy theo ngoại. Điểm đến là nhà chú Năm cuối xóm. Con chú Năm làm việc ở Sài Gòn, nên có tiền mua cho chú cái vô tuyến trắng đen. Biết bà con trong xóm ai cũng mê cải lương, nên tới giờ nhà đài phát cải lương, chú Năm dời vô tuyến ra trước hàng ba cho mọi người cùng coi miễn phí.
-“Rồi! Đợi thằng con tui đem cái bình về nghen bà con. Hôm qua gởi đi sạc, bữa nay lấy hơi trễ, bà con thông cảm.”
Lót hai viên gạch bà cháu ngồi bệt xuống sân, tay phe phẩy quạt cho đỡ nóng, hóng cải lương. Bà con nói chuyện ỏm tỏi cả sân nhà chú Năm. Tầm mười phút sau, con trai chú Năm về tới, tay cầm chiếc bình sạc. Kẹp hai chốt vô bình sạc. Vài tia sọc chạy lên xuống liên tục trên màn hình, thi thoảng lại chuyển qua toàn hột mè và hột é. Chú Năm lấy tay chỉnh hai cây ăng-ten qua lại thì vô tuyến phát hình. Đập ngay vô mắt cảnh bà Trưng Trắc tế sống Thi Sách trong tuồng “Tiếng Trống Mê Linh”.
Nhân vật Trưng Trắc vô câu vọng cổ ngọt như mía lùi:
–“Nhưng hỡi ơi, chí tang bồng nay chưa kịp thỏa mà đường âm dương cách trở – lành lạnh áng mây …”
Bà con đã kéo theo chữ cuối “…sầu” rớt trúng nhịp cô nghệ sĩ trong vô tuyến đang ca. Cả sân vỗ tay rần rần hoan hô vì cô Trưng Trắc hát quá mùi mẫn.
Tới đoạn Thi Sách báo mộng về đáp lời vợ, ngoại tôi kéo ông quần lên chùi khóe mắt, miệng vừa lẻm bẻm nhai trầu, vừa nói:
-“Trời ơi! Đi làm chi cho chết! Tức quá!”
Nhìn một vòng xung quanh, nhiều người cũng ngậm ngùi không thua gì ngoại.
3.
-“Oái! Mày tắt giùm tao mấy cái thứ ẻo lả ấy ngay đi.”
Đứa bạn cùng phòng trọ vừa ngáp ngắn ngáp dài, vừa kêu Nam tắt chương trình phát thanh cải lương buổi trưa, cậu bạn nói tiếp:
-“Đi học mệt cả buổi sáng, về mày còn hành tao, sao chịu nổi!”
Nam ậm ừ bực bội trước lời nói của bạn, trả lời lại:
-“Nhưng cải lương hay mà! Dưới quê hay nghe… để… ngủ đó còn gì!”
Cậu bạn đứng lên tiến nhanh tới cái điện thoại đang mở cải lương, có lẽ định giật hoặc tắt hoặc tệ hơn là đập bể cái cái thứ ẻo lả cho đỡ phiền phức. Nam nhanh tay hơn chạy tới ôm điện thoại kè kè bên mình. Từ hôm đó, mỗi lần cậu nghe cải lương, thì cắm dây nghe vào rồi thưởng thức một mình, cậu bạn chẳng nói gì nữa. Riêng Nam vẫn hạnh phúc khi được nghe lại những gì… rất quê hương!
Xa quê đi học, Nam vẫn luôn có những thao thức tìm lại chính nguồn cội, nơi mà cậu được sinh ra. Đối với cậu, cải lương là một trong những nét nguồn cội ấy. Nhiều hôm, đi đâu giữa phố nghe tiếng cải lương, Nam vuốt theo câu hát, y như ngày còn nhỏ đi coi cải lương với ngoại, khiến cậu vui nức lòng. Nhất là khi vuốt đúng tông đờn và chữ cuối, cậu vừa lái xe vừa cười khoái chí. Tự khen mình:
-“Cũng bảnh chớ bộ!”
4.
-“Alo! Ngoại ơi ngoại khỏe không?”
Bên đầu dây bà trả lời với giọng run run:
-“Ờ! vẫn khỏe lắm! Chỉ già rồi tay chân hơi yếu.”
Nam hỏi:
-“Ngoại chịu khó lấy dầu nóng bóp tay chân nha! Cấp này trời lạnh xương cốt dễ tê cứng và đau nhức lắm!”
-“Ờ! Ngoại biết rồi! Mà… mà con khỏe không?”
…
Chất giọng miền Tây Nam Bộ đặc sệt của ngoại vẫn luôn gợi nhắc Nam nhớ về quê nhà và những gì thuộc về nó.
-“Ngoại ơi! Ngoại… có còn coi cải lương không?”
-“Trời! Sao bỏ được con? Ghiền lắm! Tối nào cũng coi!”
-“Ngoại ca một khúc cho con nghe đi!”
Bên đầu giây bên kia, nghe tiếng ngoại tằng hắng cho trong giọng, rồi ngoại run run giọng:
-“Công mẹ sanh con ví bằng năm biển… lớn! Chỉ có càn khôn kia không bờ không bến mới sánh được với lòng mẹ thương con vốn không tận không… cùng…”
Ngoại mới ca tới chữ cuối, thì Nam… rớt nước mắt lã chã! Nhưng cố nén để ngoại không nhận ra qua điện thoại.
–“Nghe được không đa?”
-“Hay lắm đa! Ngoại ơi!”
5.
-“Sao mày mê cải lương dữ vậy? Nghe chán òm! Có gì hay mà nghe”
Câu hỏi của người bạn cùng phòng khiến Nam thầm cám ơn trời đã cho mình được sinh ra trong một không khí quê hương tuyệt vời. Nơi có những con người dễ thương, dòng sông thơ mộng, hàng dừa nghiêng soi dưới bóng nước và cả những tình cảm thiêng liêng mà chẳng thể nào diễn tả bằng lời được. Cậu mê cải lương vì đó là cái hồn dân tộc trong con người mình. Nghe cải lương là nghe chính bộc bạch của tâm hồn, của quê hương, mà… điều đó có gì đáng xấu hổ.
Đúng là những điệu nhạc chán òm, nhiều người diễn tả như những tiếng tụng kinh lê thê vô tận. Nhiều khi người ta nghe để… dễ ngủ. Nhưng Nam không nghe với những tâm trạng vô tình như thế. Điệu vui điệu buồn đan xen trong chính những lời ca và điệu bộ. Tiếng nỉ non của người vợ chờ chồng, tiếng đứa con cất lên khi thấy đời mình không còn cha mẹ, tiếng con sáo than vãn thay cho người phụ nữ khóc thương đời mình, lời ca ngợi quê hương đất nước và cả những điệu lý, điệu hò quen thuộc mà đứa trẻ nào cũng được nghe hồi nẫm.
Nghe bằng những nỗi lòng trải dọc theo lời ca tiếng hát, thì cải lương không nhàm chán và khó hiểu. Vì nó gắn liền với hồn thiêng của cả vùng miền và đặc trưng riêng của nơi ấy. Vì thế, có những người không thích cải lương cũng là chuyện không đáng trách, nhưng cần được cảm thông và giải thích nhiều hơn. Bởi lẽ cải lương ẩn chứa bên trong chúng những triết lý và cảm thức nội tâm sâu sắc, nhưng lại được khái quát hóa qua những gì rất dung dị và gần gũi.
-“Ừ! Tại nó ăn vô máu tao rồi! Mày biết không? Mày có biết cái cảm giác thiêng liêng của thứ gì đó trong dòng máu, thớ thịt không?”
Nam trả lời đứa bạn cùng phòng trong xúc động, vì cậu bạn vừa nhắc lại nỗi nhớ nhà của Nam.
–“Ờ! Ờ thì…”
Đứa bạn ậm ờ trước lời giải thích của Nam.
6
Giáo sư giảng dạy môn Văn Hóa Việt Nam tổ chức cho cả lớp tận mắt đến sân khấu cải lương.
-“Trời ơi! Cái thứ quỷ ấy mà nghe cái gì trời!”
Có người còn nói trước:
-“Tao đem theo tấm che mắt, vừa nghe vừa ngủ cho sướng”.
Nam nghe nhiều lắm những lời bình luận, cậu vẫn im lặng và mong chờ tới ngày được tận mắt xem nghệ sĩ diễn thật trên sân khấu, để biết sự khác nhau giữa ngồi ngoài sân với ngoại coi cải lương với những gian ghế lịch sự ra sao.
Đêm hôm ấy, có nhiều tác phẩm hay được trình diễn khá công phu, nhưng Nam thích nhất bài Tân cổ “Buồng Cau Quê Ngoại”.
-“Quê Ngoại tôi ở mãi trong đồng sâu. Quê Ngoại có rất nhiều cau có rất nhiều trầu. Quê Ngoại tôi cũng nhiều mũi mắt, cũng nhiều đĩa vắt”
Hay có câu khác:
“Buồn nào hơn buồn đi xa xứ. Nhớ nào bằng nhớ tổ nhớ tiên. Tôi ra đi khi quê ngoại vẫn còn vui. Thuở hàng cam còn sai trái. Có bờ chuối xanh cao bên mấy nọc trầu vàng. Có bóng ngoại tôi đầu bạc như bông đang lụm khụm trồng hành. Miệng rầy chó, mắng mèo, chửi vịt. Rồi lại vào nhà lấy thóc cho ăn. Chửi mà thương chứ không phải ghét đâu. Tính hịt hạt nhưng thương con cưng cháu. Bóng hình kia in sâu vào tâm não. Cho đến trọn đời tôi không thể mờ phai.”
Giữa sân khấu rộng lớn và đèn điện chói lòa, nghệ sĩ mặc trang phục diễn sặc sỡ, người xem đông đúc. Nhắm nghiền mắt lại… chợt… Nam thấy khoảnh sân nhỏ xíu của chú Năm, thấy bà cháu ngồi trên hai viên gạch, thấy ngoại phe phẩy quạt cho mình, thấy ngoại kéo ống quần chùi nước mắt, cảm làn gió chiều thổi mơn man da thịt, nhớ… nhớ lắm…
Little Stream