Ngày 22 tháng 12 - Mùa Vọng
Tin Mừng: Lc 1,46-56
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời." Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1: TẠ ƠN VÀ NGỢI KHEN LÀ MỘT HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN TUYỆT VỜI - Lm. Augustinô
Suy niệm 2 - Nhóm bạn đường linh thao
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: BƯỚC VÀO CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Suy niệm 1: TẠ ƠN VÀ NGỢI KHEN LÀ MỘT HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN TUYỆT VỜI - Lm. Augustinô
Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào hai người nữ đạo hạnh và tín thác trong cầu nguyện để rút ra bài học cho việc chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm giáng sinh. Người nữ đầu tiên là bà Anna, mẹ của Samuen, vị thủ lãnh cuối cùng và là ngôn sứ khai mở cho phong trào ngôn sứ trong dân Chúa. Tâm tình đạo đức nổi bật nơi hai người phụ nữ này chính là tâm tình biết ơn vì Thiên Chúa đã đoái nhìn đến phận bé nhỏ của mình.
Bài đọc thứ nhất trích sách Samuen quyển thứ nhất nói đến tâm tình tạ ơn của Anna vì Chúa đã nhận lời khẩn xin của bà và cho bà sinh một đứa con là Samuen. Tâm tình tạ ơn của bà được thể hiện qua việc mang theo lễ vật và cả đứa con của bà vào nhà của Đức Chúa tại Si-lô dù đứa trẻ còn rất nhỏ. Bà nói với tư tế Hê-li “Thưa Ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin.” Tâm tình tạ ơn của Anna còn được thể hiện qua việc nhượng lại con mình cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó được dành để tận hiến cho Thiên Chúa. TẠ ƠN ĐÍCH THỰC KHÔNG CHỈ NHẬN RA ƠN HUỆ CHÚA BAN ĐỂ CA TỤNG MÀ QUAN TRỌNG HƠN, DÙNG ÂN HUỆ ẤY THEO Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI MÌNH
Bài Tin Mừng là lời kinh ngợi khen chúc tụng và cảm tạ của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ mở đầu “linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa; thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng Cứu Chuộc tôi.” Maria không chúc tụng Chúa chỉ trên môi miệng MÀ TRONG LÒNG thì rỗng tuếch. Trái lại, cả linh hồn, thần trí và xác thân của Mẹ hóa thành lời kinh ca ngợi. Tâm tình ca ngợi này xuất phát từ ý thức được ân huệ vô cùng lớn lao Thiên Chúa dành cho mẹ “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” Maria xác tín tình trạng hiện tại nơi mẹ, nhất là việc được chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế là một ân huệ nhưng không, nâng mẹ lên đỉnh cao trong thế giới tạo thành đến độ “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” Không chỉ dừng lại ở đó, Mẹ Maria còn khám phá ra nơi ơn tuyển chọn của mình một Thiên Chúa trung tín với lời hứa với cha ông từ ngàn xưa. Lời hứa ấy được thành toàn nơi Người Con mà mẹ cưu mang và sinh hạ cho đời
Nếu chúng ta nói với Chúa muôn lời cầu xin mà chưa một lần nói lên tâm tình ngơi khen, chúc tụng và cảm tạ, chúng ta vẫn chưa thực sự cầu nguyện. Tâm tình cầu nguyện của mùa vọng phải là hân hoan sướng vui vì Chúa đến viếng thăm và cứu chuộc chúng ta. Nhưng quan trọng hơn chính là triển nở niềm vui mững và hy vọng cho những người chúng ta gặp gỡ và chung sống. Chúng ta không thể có tâm tình ngợi khen chúc tụng và tạ ơn đúng nghĩa nếu chúng ta không trải nghiệm những ân huệ Thiên Chúa ban cho ta là vô cùng quý giá. Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con có được tâm tình của cụ già Simeon trong việc chờ đón và nhất là khi gặp Chúa. Đối với cụ già Simeon, có lẽ lý do duy nhất cụ còn muốn sống trên thế giới này để được thấy Đức Ki-tô xuât hiện. Có thể nói, Simeon sống để đợi chờ trong hân hoan. Đợi chờ Đấng Cứu Thế trong kinh nguyện tạ ơn là chính cuộc sống của ông, nhờ đó, Thiên Chúa đã thỏa mãn những gì ông kiên trì cầu nguyện. Xin giúp chúng con biến những ngày còn lại thành những ngày khát khao đợi chờ Chúa trong hân hoan và tín thác, nhờ đó, khi Chúa đến chúng con được vui hưởng sự bình an và ơn cứu độ của Chúa. Xin giúp tất cả mọi người nữ, nhất là những người mẹ công giáo, biết sống cách mạnh mẽ tâm tình của Anna và Maria: cầu nguyện, ngợi khen, chúc tụng và tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, với hy vọng được nhìn thấy những kỳ công Thiên Chúa thực hiện giữa muôn dân và nơi gia đình nhỏ bé của họ. Amen
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 2 - Nhóm bạn đường linh thao
Tin Mừng theo Thánh Luca cho thấy sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời của Đức Maria. Khi bà Ê-li-sa-bét và Mẹ Maria chào nhau, cả hai được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần và đầy tràn niềm vui khi lời hứa ban Đấng Cứu Chuộc cho con người của Thiên Chúa sắp được thực hiện. Gioan Tẩy Giả, ngay cả trước khi Đấng Mêsia ra đời, đã điềm báo về ngày Con Người đến và cậu đã nhảy lên vui sướng trong bụng mẹ mình khi Chúa Thánh Thần hé lộ cho ngài một vị Vua sắp chào đời. Chúa Thánh Thần là món quà mà Thiên Chúa dành tặng cho chúng ta để dẫn lối chúng ta nhận biết và cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa và sức mạnh vương quốc của Ngài. Chúa Thánh Thần là cách thức mà Thiên Chúa ngự trị trong mỗi chúng ta.
Đức Maria chấp nhận sứ mệnh của mình với đức tin và sự vâng phục hoàn toàn vào Thiên Chúa. Mẹ đã hành động với niềm phó thác và lòng cậy trông vững vàng vì Mẹ tin rằng Chúa sẽ hoàn tất lời Người đã phán. Bài ca tuyệt diệu của bà Anna (1 Sm 2,1-10) vang lên hòa quyện vào bài ca ngợi khen của Đức Mẹ ca ngợi lòng nhân từ vô bờ của Thiên Chúa: Chúa nâng cao mọi kẻ thấp hèn và người nghèo khó Ngài ban của đầy dư. Bà Anna cũng giống như Đức Maria đã cưu mang con mình nhờ chính quyền năng của Thiên Chúa, bà đã được ban cho một cậu con trai tên là Sa-mu-en lúc bà đang trong cảnh già nua. Và bà đã dâng hiến Sa-mu-en trong đền thờ để con mình phụng sự Chúa ngay từ thuở khai sinh (1 Sm 1,24). Đức Maria cũng đã dâng người con yêu dấu của mình theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, là con của Mẹ sẽ phải được đưa lên cây thập tự. Giáng sinh chính là thời gian để làm mới lại niềm tin và hy vọng của chúng ta vào Chúa và vào những lời hứa của Người, đồng thời làm cho tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và cho những người quanh ta thêm mạnh mẽ hơn. Bạn có khao khát tìm gặp Giêsu và quyền năng Chúa Thánh Thần để mình được đổi mới trong niềm tin, hy vọng và tình yêu không?
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con tha thiết tìm kiếm Ngài cách khiêm nhường và tin tưởng. Xin gia tăng trong con niềm tin tưởng vững vàng vào những lời Chúa hứa, củng cố niềm hy vọng nước Trời và sự sống đời đời. Cũng xin Ngài đốt cháy lòng con tình yêu Chúa nồng nàn và lòng mong mỏi khôn nguôi vương quốc của Ngài. Xin cho con luôn biết ca ngợi và phản chiếu lòng thương xót và vinh quang của Ngài. Amen.
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
1- Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” 1 Sm 1, 24-28 qua lăng kính Lc 1, 46-56, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy người ta chỉ có thể có được những tâm tình tri ân và cảm tạ chân thành đối với Thiên Chúa cũng như với tha nhân, khi xác tín được rằng tất cả những gì mình là và mình có đều là của Thiên Chúa ban cho, trực tiếp hay qua tha nhân, như được phản ảnh, trước tiên, trong 1 Sm 1, 24-28: ở đây, cho thấy cơ sở của niềm tri ân và cảm tạ của bà Anna, người đàn bà hiếm muộn, vô sinh, tuổi đã xế chiều mà lại được sinh con, chính là xác tín rằng Samuen không phải là con “của” vợ chồng bà, mà là “của Đức Chúa ban cho” [“Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ nầy, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Ngài.” (1, 27)]…
(2) Thứ đến, trong Lc 1, 46-56 : ở đây, cho thấy cơ sở của niềm tri ân và cảm tạ của Đức Maria chính là xác tín rằng tất cả những gì Mẹ “có” và “là” đều là những ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ, đặc biệt, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, do Mẹ cưu mang và sinh ra [“Phận nữ tỳ hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới…Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…Chúa độ trì Itraen, tôi tớ của Ngài.” (1, 48-49.54)]…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Người ta chỉ có thể có được những tâm tình tri ân và cảm tạ, khi xác tín tất cả đều là hồng ân, và đó chính là điều tạo ra nền văn hóa “người” thực sự…
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 4: BƯỚC VÀO CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Người ta thường nghĩ rằng được cứu độ là một sự kiện diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn và chấm dứt ở đó. Nhưng không phải thế, được cứu độ là một hành trình dài.
Với bà Anna, điều bà coi là được cứu độ là khi Thiên Chúa cho bà có được đứa con trai. Bà ra khỏi cảnh ô nhục của người phụ nữ không con, cảnh bị người vợ kế của chồng khinh miệt. Khi được đứa con là Samuel, bà không dừng lại ở sự huênh hoang để đối đầu với người đã khinh miệt mình, không dừng lại ở niềm an ủi vì có đứa con yêu dấu, nhưng bà chọn thái độ mạnh dạn hơn khi, với lòng nhớ ơn Thiên Chúa tột cùng, bà dâng đứa trẻ cho Đền Thờ để nó phục vụ Thiên Chúa suốt đời. “Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa” (1Sm 1,28). Như vậy, điều gọi là “được cứu độ” nơi bà đã được kéo dài bằng chính sự hy sinh của bà suốt cuộc đời sau đó khi để cho đứa con mình yêu quý phải xa mình để phụng sự Thiên Chúa.
Điều tương tự cũng xảy ra nơi Đức Maria. Mẹ đã được cứu độ khi được cho thoát khỏi tội nguyên tổ từ trong lòng mẹ, nhưng điều đó đâu đã xong. Người “đầy ơn phúc” ấy đã dành cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa, cho công trình cứu độ của Ngài. Lúc ấy, ơn cứu độ mà Đức Maria được hưởng đã không dừng lại ở bản thân Ngài, nhưng được lan rộng ra cho nhân loại. Khi được Thiên Chúa chọn, có thể nói đó cũng là ơn cứu độ, thì Đức Maria đã nhìn ra cả một chuỗi những điều Thiên Chúa đã làm cho người này người kia, cho cả dòng dõi từ đời này sang đời khác. Đức Maria nối ơn cứu độ của mình vào với ơn cứu độ của người khác, với Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ.
Được cứu độ không dừng lại ở một sự kiện và chỉ ở nơi bản thân, nhưng người được cứu độ đích thực thì bước vào con đường cứu độ. Con đường đó lan ra toàn bộ cuộc sống người ấy và toả rộng ra với mọi người, và con đường ấy kéo dài suốt cuộc đời. Người cảm nhận sâu sắc mình được cứu độ là một món quà cho những người chung quanh. Còn tôi thì thế nào?
MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM