Ngày 24 tháng 12 - Mùa Vọng

Thứ sáu - 23/12/2022 08:26
myhn 24 12 2022


(Lc 1,67-79)
Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước; Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".
 

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
Suy niệm 2 - Lm. Augustinô
Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
Suy niệm 4: Ai xây nhà - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn



Suy niệm 1 - Nhóm Bạn Đường Linh Thao biên dịch
 
Nguồn:https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/advent-and-christmas-reflections/advent-week-four/
Bài ca “Chúc Tụng” (Benidictus) được ông Da-ca-ri-a thốt lên ngay khi miệng lưỡi được mở ra. Thánh Lu-ca đã chỉ rõ rằng ông “được đầy Thánh Thần”.
 
Da-ca-ri-a đã nói lên những sự thật mà ông chỉ có thể được biết nhờ đức tin. Có lẽ chính khoảng thời gian “lưu đày” trong thinh lặng đã dẫn đưa ông đi tìm tòi, lắng nghe và thông hiểu những điều bí ẩn xảy ra trước mắt mình. Ông chợt nhận ra rằng, cậu con trai bé nhỏ của ông là người được chọn để dọn đường cho Thiên Chúa. Ông hiểu ra vai trò ngôn sứ của con ông đóng vai trò quan trọng thế nào trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Và ông cũng hiểu được rằng: Vai trò của con ông sẽ như “bình minh” báo hiệu cho sự xuất hiện của Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô.
 
Rất nhiều chuyện xảy ra với Da-ca-ri-a trong những tháng ngày câm lặng này. Thiên Chúa đã tác động và làm cho ông có khả năng dâng lên lời ca chúc tụng, một bài ngợi khen mà mọi linh mục, tu sĩ trên toàn thế giới đều cùng cất lên cho đến ngày nay. Ông thực sự đã hoàn tất sứ mạng của mình khi ông tiếp tục đứng dậy sau lần thất bại vấp ngã kia.
 
Chúng ta hãy nhìn vào câu chuyện của Da-ca-ri-a và xem đó là bài học cho mình. Trong cảnh hiếm hoi đằng đẵng, hẳn ông đã phải trải qua rất nhiều đấu tranh, giằng co và chất vấn trong nội tâm của mình, đồng thời có lẽ cũng phải chịu không ít “lời ra tiếng vào” từ xung quanh. Rồi sau ấy, đến ngay cả khả năng nói cũng bị Chúa lấy đi mất. Trước bao nhiêu là bất hạnh, cay đắng phải nếm trải như thế, nếu ông có trở nên oán giận, tuyệt vọng và cho rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi mình thì cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông đã không làm như thế. Trái lại, trước mọi biến cố, ông đều đặt niềm tin vào lòng trung tín của Thiên Chúa mà kiên trì chờ đợi, chờ ngày Thiên Chúa “minh xét” cho ông. Và thực thế, khi thời gian đến, ông đã không phải thất vọng hay tủi hổ vì sự trung kiên của mình.
 
Da-ca-ri-a có lẽ sẽ bị đánh giá thấp đi ít nhiều trong mắt một số người vì ông đã nghi ngờ lời sứ thần. Tuy nhiên, đây lại là điều làm cho bài học từ ông thêm ý nghĩa. Bởi lẽ, tuy ông không nói được, nhưng chúng ta không hề tìm thấy bất kì một biểu hiện nào của giận dữ, oán trách hay bất bình nơi Da-ca-ri-a. Ông hoàn toàn im lặng, một sự im lặng hoàn toàn từ bên trong lẫn bên ngoài. Và ngay khi được mở miệng, lời đầu tiên ông cất lên là chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa. Sự nghi ngờ trong đức tin như Da-ca-ri-a chẳng phải là điều chi xa lạ với mỗi người chúng ta, nhưng có thể im lặng trước bất hạnh và chúc tụng Chúa đầu tiên trước niềm hạnh phúc vỡ oà thì lại chẳng mấy quen thuộc với nhiều người chúng ta đâu. Trong cuộc thi đức tin, Da-ca-ri-a đã cùng ta đứng trong vạch xuất phát, nhưng ông đã tiến xa hơn chúng ta rất nhiều. Và điều đó đáng cho chúng ta để tâm suy nghĩ mà học hỏi.
 
Lạy Chúa, con xin dâng lên Ngài quá khứ của con, đặc biệt là những khi con đã nghi ngờ và mất niềm tin nơi Ngài. Tất cả lỗi lầm của con, con đều dâng lên Chúa, xin Ngài ban ơn lành và giúp con hoàn thiện bản thân ngày một tốt đẹp hơn, để nhờ đó, như Da-ca-ri-a, bài ca chúc tụng vinh quang Ngài trong con có thể vang vọng đến muôn đời. Lạy Chúa Giê-su, con tin vào Chúa.

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM 

Suy niệm 2 - Lm. Augustinô

Trong cuộc sống đức tin, có những cách nghĩ, cách nói nghe quen thuộc và xem ra thật hay và dĩ nhiên, nó được nhiều người ủng hộ, nhưng suy nghĩ cho cùng lại không không thật sự chính xác. Ví dụ, khi xây một công trình tôn giáo, nhất là nhà thờ, chúng ta thường nói xây nhà cho Chúa và được Chúa trả công. Và vì xây nhà cho Chúa, chúng ta dễ đặt ra những khoản đóng góp bắt buộc như thước đo lòng tin và sự quảng đại với Chúa của người tín hữu. Nhưng điều đó có thực sự đúng không? Đối với dân Chúa, Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là nơi Thiên Chúa hiện diện cách hữu hình giữa dân Người. Chỉ có Đền Thờ Giê-ru-sa-lem mới được cử hành các đại lễ mà thôi. Tuy nhiên, biến cố lưu đày giúp dân Chúa nhận ra rằng: Thiên Chúa không bị giới hạn trong các đền thờ vật chất. Người hiện diện cách siêu việt khắp mọi nơi. Đối với Hội Thánh buổi đầu, cử hành bữa tiệc của Chúa được thực hiện tại các tư gia. Khi Hội Thánh phát triển, số các tín hữu gia tăng, các nhà thờ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu phụng thờ. Vì thế, nhà thờ, trong nguyên nghĩa của nó, là nơi mà cộng đoàn những người tin tụ họp nhân danh Chúa và Chúa hiện diện ở đó như lời NGười đã hứa.  Nhà thờ như thế là ngôi nhà cho cộng đoàn đức tin thờ phượng Chúa chứ đâu phải cho Chúa. Có người lập luận nhà thờ là nhà của Chúa vì có đặt Mình Thánh Chúa. Tuy nhiên, trong những thế kỷ đầu, các nhà thờ  không có lưu giữ Minh Thánh Chúa và chỉ sau này, Minh Thánh Chúa đươc lưu giữ để phục vụ cho các bệnh nhân mà thội. Việc đặt Mình Thánh Chúa trong nhà tạm cho giáo dân Kính Thờ diễn ra khá muộn và nhằm chống lại quan điểm của anh em Thệ Phản:  Chúa Ki-tô không hiện diện thường xuyên và liên tục trong hình bánh mà chỉ trong cử hành tiệc Thánh Thể mà thôi. Mặt khác, thế giới vũ trụ này là nhà của Thiên Chúa. Người là vị Thiên Chúa siêu việt vượt lên lên tất cả những hạn giới của con người và vũ trụ. Người không bị giới hạn tại một nơi nào đó, dù đó là một nhà thờ. Bởi đó chữ nhà ở đây cần hiểu như một nơi biểu lộ mối tương quan của con người với Chúa và với nhau hơn là theo nghĩa đen của nó.
Câu chuyện vua Đa-vit mà chúng ta vừa nghe cũng là một ví dụ. Khi  Vua Đa-vit được yên cửa yên nhà và Đức Chúa cho vua được thanh thản mọi bề, không còn thù địch quấy phá, ông đã bày tỏ ý đinh xây cho Chúa một ngôi nhà để ở thay vì phải ở trong lều vải. Tuy nhiên, Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Nathan phán rằng: “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vit: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?” Sau đó, Thiên Chúa nhắc lại những gì Người đã làm cho ông từ khi còn là một cậu bé chăn chiên đến hôm nay. Và Người sẽ hứa sẽ xây cho ông một ngôi nhà – một triều đại vững bền qua muôn thế hệ được lãnh đạo bởi một người con cháu của ông “Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta nó sẽ là con. Trước mặt Ta, nhà cửa của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời tồn tại và ngai vàng của ngượi được củng cố muôn đời qua muôn thế hệ.”
            Dacaria, cha của Gioan, sau một thời gian bị câm không nói được vì không tin vào lời sứ thần Gabrien khi loan tin rằng vợ ông, một người phụ nữ son sẻ sẽ sinh con, đã nói trong sự hướng dẫn của Thánh Thần “chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israsel, đã viêng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đa-vit, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miêng các ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét, sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước. Chúa đã thề với tổ phụ Abraham rằng Người sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù và cho ta chẳng còn sợ hãi để ta sống thánh thiên công chinh  trước nhan Người và phụng sự Người suốt cả đời Ta.” Ông không tin vì nghĩ rằng ông không thể làm được mà quên mất rằng: không phải ông làm cho Chúa mà chính Chúa làm cho ông. Ông cũng nói về sứ mạng của con ông là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, kẻ đi trước dọn lối cho Người. Gioan khi xuất hiện đã ý thức và thực thi sứ mạng của mình. Ông làm mọi sự để loan báo và chỉ cho mọi người thấy Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Chính Chúa Giê-su cũng tuyên bố: Gioan còn hơn một ngôn sứ nữa, ông là Tiền Hô của Người
            Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa là Đấng Trung Tín với lời hứa. Chúng con xác tín rằng mầu nhiệm giáng sinh của Con Chúa là mầu nhiệm của một tình yêu trung thành đến cùng bất chấp những bội phản của con người với Chúa. Xin cho chúng con đừng bao giờ ảo tưởng rằng mình đã làm được điều gì cho Chúa, ngay cả việc chúng con ca tụng ta ơn Chúa cũng chẳng thêm gì cho Chúa nhưng là để chúng con được thêm ơn Chúa mà thôi. Xin giúp chúng con hiểu rằng, nếu có một điều gì đó được gọi là làm cho Chúa chính là, chúng con để cho Chúa cứu chúng con cùng với anh chị em của mình qua Đức Ki-tô, Con Chúa và là Chúa chúng con, Đấng đã vì yêu chúng con đến độ giáng sinh làm người, sống, chết và sống lại vì chúng con. Amen

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM 

Suy niệm 3 - Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung


1-      Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” 2 Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16 qua lăng kính Lc 1, 67-79, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy đặc tính nhưng không, hay đặc tính tích cực và chủ động trong Tình Yêu của Thiên Chúa, như được phản ảnh, trước tiên, trong 2 Sm 7, 1-5.8b-12.14a.16 : ở đây, cho thấy Đavít áy náy và muốn xây cho Đức Chúa một ngôi nhà (theo nghĩa vật chất) để Ngài ngự, nhưng Đức Chúa, qua tiên tri Nathan, lại cho Đavít  hiểu rằng chính Ngài mới xây cho Đavít một Nhà, vốn là Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, Con của Ngài, Nhà mà trong đó Thiên Chúa-Ba Ngôi hằng ngự trị và trong đó tất cả mọi người đều có chỗ cho mình, vĩnh viễn…
(2) Thứ đến, trong Lc 1, 67-79 : ở đây, cho thấy Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời làm người của Thiên Chúa, Nhà của Thiên Chúa, mang trong mình nguồn gốc “kép”, vừa từ Trời Cao [“Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta.” (1, 78)]; vừa từ dòng dõi Đavít [“Từ dòng dõi trung thần Đavít, Ngài đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta.” (1, 69)]…
 
2-      Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Đức Giêsu-Kitô, Con và là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chính là “Nhà” Thiên Chúa, Đấng mà Gioan Tẩy Giả đã loan báo và cũng là Đấng mà Giáo Hội tiếp tục cưu mang, loan báo và đợi chờ Ngài xuất hiện…

MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM 

Suy niệm 4: Ai xây nhà - Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Khi vua Đavít cảm thấy đất nước đã bình an, ông có ý định xây cho Chúa một Đền Thờ. Thiện chí của ông được tiên tri Natan ủng hộ ngay, nhưng Thiên Chúa lại nói với họ một điều khác: chính Thiên Chúa mới là Đấng “xây nhà” cho vua Đavít khi làm cho nhà Đavít được vững bền qua các thế hệ. Thiên Chúa mới là Đấng “xây nhà” cho người ta, chứ không phải ngược lại. Vua Đavít đã trải qua một lịch sử dài để cảm nhận rằng thực sự ông không là gì cả, nhưng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên, nên ông biết rất rõ về điều Thiên Chúa nói đây.
Nhưng đến thời Salomon, con của vua Đavít thì không cảm nhận sâu sắc về điều này. Khi mới lên ngôi, vua Salomon cũng ý thức mình là đứa trẻ không đáng gì trước mặt Thiên Chúa, được Thiên Chúa cất nhắc lên. Nhưng rồi, với một đất nước đã an bình, ông làm được ngôi Đền Thờ nguy nga, trở nên nổi tiếng vì sự khôn ngoan. Nhưng với sự khôn ngoan ấy, ông đã đi vào con đường nguy hiểm: từ Đền Thờ nguy nga, ông cảm thấy mình đã làm cho Chúa điều lớn lao, ông đi đến chỗ xây dựng vương quốc theo sự khôn ngoan trần tục, tìm cách liên kết với các nước chung quanh, và do đó, đưa cả những tôn giáo ngoại lai vào đất nước! Từ xây nhà cho Chúa, ông muốn tự “xây nhà” cho mình!
Trong đời sống của Giáo Hội, người ta dễ nghĩ rằng mình làm điều này điều kia cho Chúa, cho Giáo Hội chứ không phải được phục vụ Chúa và Giáo Hội là một ân ban. Từ đó, họ xây dựng các công trình của mình trong các hoạt động mục vụ và “gắn mác” cho nó là làm cho Chúa, cho Giáo Hội! Người ta muốn “xây nhà” cho Chúa nên các các công trình ấy là thực hiện ý định của cá nhân, của con người! Nhưng con người không thể mang lại ơn cứu độ cho người khác, chỉ có Thiên Chúa thôi. Hãy để cho Thiên Chúa “xây nhà” của Ngài, xây dựng ngôi nhà nơi chúng ta.



MỤC LỤC CÁC BÀI SUY NIỆM 

 

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây