Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh.
"Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái".
Lời Chúa: Ga 15, 1-8
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.
"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
"Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".
SUY NIỆM 1: Sự kết hiệp thâm sâu
Nền văn minh kỹ thuật làm phát sinh nơi con người một não trạng kiện toàn duy vật. Người ta đánh giá con người với những tiêu chuẩn của sự sản xuất và hiệu năng. Con người được nhìn qua lăng kính của những sản xuất và chiếm hữu vật chất, như đồng lương, cái nhà, chiếc xe. Não trạng ấy không chừng áp dụng vào việc đánh giá sự sống còn của xã hội. Hình ảnh của những cành nho phải sinh trái trong Tin Mừng hôm nay phải chăng không củng cố cho cái nhìn ấy. Phải chăng một Giáo Hội có sức sống không là một giáo hội có nhiều tín hữu, có nhiều cơ sở vật chất, có nhiều hội dòng, có nhiều phong trào, có nhiều hoạt động và nhất là có nhiều quan hệ tốt với thế quyền.
Thật ra, người ta không thể đánh giá về sự sống bằng số lượng. Những con số không thể nói hết về một thực tại vô cùng thâm sâu về huyền nhiệm và sự sống, nhất là sự sống của Giáo Hội. Người ta không thể đo lường sự sống của Giáo Hội bằng hiệu năng và những con số. Trong Giáo Hội, không ai có thể đi tìm hiệu năng bằng những phương pháp và các phương tiện riêng của mình. Ðể trở nên phong phú trong Giáo Hội, cần phải chấp nhận hai điều kiện được chính Chúa Giêsu đưa ra: một là ở lại trong Ngài, hai là chịu cắt tỉa. Ở lại trong Ngài, với kiểu nói này, Chúa Giêsu muốn nói đến sự kết hiệp thâm sâu giữa Ngài và Giáo Hội.
Nếu Giáo Hội tìm cách thay thế sự kết hiệp thâm sâu này bằng những cố gắng liên kết với quyền bính thế trần, Giáo Hội có thể có một chỗ đứng thế giá trong trần thế, Giáo Hội có thể mua được nhiều đặc ân đặc quyền hay bất cứ một dễ dãi nào mà thế quyền có thể ban tặng. Nhưng một khi đã sống bên ngoài sự sống của Chúa Giêsu, Giáo Hội chỉ còn là những cành nho khô héo. Những thành quả đạt được bằng sự liên kết, thỏa hiệp với quyền bính sẽ chỉ là những trái trăng héo úa, nếu ở lại trong Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng phải chấp nhận bị cắt tỉa. Sức sống và sự phong phú đích thực của Giáo Hội lúc đó sẽ không phải là những con số của những gì có thể đếm được mà chính là những mất mát, thử thách, bách hại, những chướng ngại thập giá. Sức sống của Giáo Hội được thể hiện trước tiên qua những cắt tỉa ấy.
Thánh Phaolô là hiện thân của một sức sống như thế, Ngài đã phải chịu cắt tỉa ngay trong cộng đoàn Giêrusalem. Ngài bị cô lập và nhìn với con mắt nghi ngờ. Ngài bị xem như một con người nguy hiểm gieo rắc những tư tưởng đe dọa những giá trị được củng cố, đảo lộn những cái khoen đã cắm rễ sâu, phá hoại sự an toàn có sẵn. Suốt một cuộc đời ra đi không ngừng, thánh nhân là đối tượng của không biết bao nhiêu bách hại, nhưng Ngài không sống theo luận lý của con người. Thập giá là một hiếu kỳ đối với người Do Thái và là một điều ngu xuẩn đối với người Hy Lạp, nhưng với ngài, nó sẽ là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Với ngài, người chỉ biết có một Chúa Kitô chịu đóng đinh, "sống" là chính Chúa Kitô. Mất mát, khổ đau, thử thách, thập giá là chìa khóa để đọc được ý nghĩa và sự phong phú đích thực của Giáo Hội, nó cũng là chìa khóa để nhìn vào những bách hại và thử thách mà một số tín hữu Kitô đang phải trải qua trong cuộc sống của mình.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh nâng đỡ các tín hữu Kitô để họ trở thành đuốc sáng cho mọi người trong giai đoạn hiện nay.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Để sinh nhiều hoa trái
Dụ ngôn cây nho là một phần của bài nói sau bữa tiệc ly. Tin mừng thánh Gio-an đã ngăn chặn sự xa lìa của những kẻ theo Người, có thể vì cái chết trên thập giá của Người hay khi Người lên trời. Người cho họ thấy về sự sống của Người là sự sống cho những kẻ còn hiệp thông với Người, như nhựa cây là sức sống từ thân cây tới những cành, sự sống đó sinh nhiều hoa trái. Điều kiện “ở lại trong Thầy” không phải hiểu như trong hộp kín, dưới sự che chở cô độc, nhưng ở trong một năng lực lớn mạnh. Những cành từ chối không tiếp nhận phát triển, không đáp ứng với nhựa sống vươn lên, sẽ gặp nguy cơ chết khô. Cuộc tranh đấu để sống chỉ nguy hiểm đối với những cành tự tách mình lìa khỏi cây. Người ta gọi nó là tội.
Bao lâu còn nhựa sống lưu thông, bấy lâu sự chết vẫn không đột nhập được.
Trong thời đại chúng ta, thuyết đa dạng là một gương mù thường xuyên. Người ta dễ dàng theo lối sống khô khan, tà giáo và cả vô tín ngưỡng. Phụng vụ khác nhau biết bao từ xứ này qua xứ khác, một linh mục tự diễn cách tự do một số công thức đã xưa rồi. Biết bao tín hữu cố chấp phản đối những cơ cấu tổ chức, đi tới chỗ chỉ trích gay gắt và bi quan, như nói: “Giáo hội đi theo quỷ”.
Không, Giáo hội sẽ tiến theo đường lối của mình băng qua một thế giới và một thời đại đầy khó khăn, như cành cây nho bò leo xoắn xít để đeo bám những đường quanh co của lâu đài và phát sinh ra những đường nét trang trí cho ngôi nhà khô khan bằng những mầu sắc xanh tươi sống động. Đức tin không bảo thủ như những chùm nho đông đặc khô cứng, nhưng sống động nhờ giá trị chiến đấu, nơi người quyết chí hiệp nhất với Đức Kitô. “Ở lại trong Thầy” không phải ẩn mình, khép kín, che thân, nhưng chính là biểu dương sức sống Người đã thông ban cho chúng ta để sinh nhiều hoa trái. Những cây nho sẽ bị ném vào lửa là những cành sợ khô không tiến lên, không leo lên …
Cây nho dẫn chúng ta đến trước chén rượu nho mà linh mục dâng lên và thánh hiến trên bàn thờ. Nó đã bằng lòng đổ nước ra khi chịu gieo xuống đất, chịu cắt tỉa, chịu gặt hái, chịu ép nén đến cùng cực để cho chúng ta có rượu lễ hôm nay. Người tín hữu chúng ta đã sẵn sàng mạo hiểm bắt tay vào việc, liều mạng tới đâu? Chúng ta xum họp quanh bàn thờ để uống với tâm tình ích kỷ hay đón nhận nhựa sống làm cho mình và mọi người lớn lên trong nước trời không?
L.P
SUY NIỆM 3: Hệ quả của sự cắt tỉa
Xem thêm ps5 cn B
Có một dạo phong trào trồng nho đã nở rộ tại một số tỉnh dọc theo duyên hải miền Trung. Cây nho không còn là một thứ cây xa lạ đối với nhiều người Việt Nam nữa. Cây có trái là chuyện thường, nhưng cây phải bị cắt tỉa mới có thể đâm chồi, trổ hoa và sinh trái, đó là hình ảnh đặc trưng của cây nho. Thật thế, với đôi mắt không chuyên môn, khi nhìn vào thân nho bị cắt tỉa, có lẽ ai cũng phải xót xa, có lẽ người ta sẽ nhìn vào người trồng nho như một con người nhẫn tâm, vì người trồng nho xem ra cắt tỉa cây nho không chút tiếc xót. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, người ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy từ những cành trơ trụi những mần non nhú ra và hoa cũng bắt đầu xuất hiện.
Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại Nước Trời. Nhưng trong các hình ảnh ấy, cây nho hẳn phải chiếm một chỗ ưu việt: ưu việt vì cây nho là giống cây phổ thông nhất của miền Palestina, ưu việt vì trong Cựu ước cây nho vốn được xem là biểu trưng của dân riêng. Nhưng như các tiên tri đã nhiều lần lên tiếng tố cáo: thay vì sản xuất rượu ngon, cây nho Israel chỉ mang lại thứ rượu đắng của bất trung và phản bội. Tiếp tục truyền thống tiên tri, Chua Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho, nhưng cây nho chính là Ngài. Lòng tín trung mà Thiên Chúa hằng chờ đợi nơi Israel nay Ngài đã tìm thấy nơi cây nho đích thực là Chúa Giêsu. Một giao ước mới phát sinh, bởi vì lòng trung tín của Chua Giêsu được diễn ta trong sự vâng phục và vâng phục cho đến chết trên Thập giá, không phải là cố gắng thuần túy của con người, mà chính là lòng thủy chung của Con Thiên Chúa trong chừng mực của con người. Cây nho của giao ước mới mang lại những trái trăng xum xuê có tên là tình yêu. Đó là kết quả của sự cắt tỉa: cây nho không thể sinh hoa kết trái nếu không bị cắt tỉa, tình yêu sẽ không là tình yêu đích thực và phong phú nếu không được cắt tỉa khỏi những ngọn ngành thừa thãi của ích kỷ.
Giáo Hội – Israel mới chính là cây nho của Chúa. Lịch sử cho thấy có lúc xem ra Giáo Hội bị cắt tỉa một cách tàn nhẫn, nhưng cũng chính những lúc đó Giáo Hội mang lại nhiều hoa trái hơn cả. Những cuộc bách hại đẫm máu lại là những cắt tỉa làm cho Giáo Hội sinh được nhiều hoa trái nhất. Đó là cái nhìn chúng ta phải có để nhìn vào Giáo Hội: sức sống của Giáo Hội có khi không chỉ được nhìn thấy và đánh giá qua những biểu giương bên ngoài, hoa trái của Giáo Hội có khi không phải là một chút dễ dãi đạt được do một sự thỏa hiệp nào đó. Giáo Hội chỉ có thể mang lại hoa trái đích thực khi chấp nhận được cắt tỉa khỏi những phù phiếm rườm rà của thế tục. Cơ cấu hữu hình có thể bị phá vỡ, cơ sở vật chất có thể bị cướp mất, những quyền cơ bản nhất gắn liền với tư do tôn giáo có thể bị tước đoạt, đôi tay hoạt động có thể bị khóa chặt: đó có thể là những cắt tỉa cần thiết để cây nho Giáo Hội trổ sinh hoa trái dồi dào.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào Giáo Hội và cuộc sống đức tin của chúng ta với một cái nhìn bình thản và tin tưởng. Mỗi kitô hữu là một ngành nho gắn liền với cây nho là chính Chua Giêsu. Để được gắn liền với Ngài và trổ sinh hoa trái chúng ta không thể không chịu cắt tỉa khỏi những gì nghịch với Tin mừng và cốt lõi của Tin mừng là tình yêu. Sự cắt tỉa nào cũng làm chúng ta đau đớn, mất mát nào cũng làm chúng ta tiếc xót, nhưng vì đã được sống theo Tin mừng, chúng ta hãy xem như một lợi lộc cao quí nhất khi bị cắt tỉa và mất mát. Hoa trái phát sinh từ những cắt tỉa và mất mát ấy sẽ mãi mãi tồn tại. Vả lại ngay trong cuộc sống này, giá trị của con người không được đo lường bằng những gì nó thu tích, mà bằng chính những gì nó hy sinh và cho đi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: KẾT HỢP ĐỂ SINH HOA TRÁI (Ga, 15,1-8)
Khi nói đến cây nho, chúng ta nghĩ ngay đến bà con nông dân khu vực duyên hải Miền Trung Việt Nam, bởi vì nơi đây, phong trào trồng nho đã trở thành nghề chính của người dân. Khi trồng nho, người ta phải chăm bón, và nhất là cắt tỉa đúng quy cách mới mong một vụ mùa bội thu. Nếu không biết chăm bón đúng cách và không dám cắt tỉa, cây nho sẽ không sinh trái hay chỉ sinh ra những trái sâu xi, sần sùi, èo ọt...
Hôm nay, Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói lên mối tương quan giữa Ngài với dân và đồng thời cũng nói lên thực tại Nước Trời ngang qua hình ảnh cây nho và cành nho.
Cây nho là thứ cây trồng chủ yếu của người Palestina thời Đức Giêsu. Cây nho còn là biểu trưng của chính dân Iraenl. Vào thời Cựu Ước, các tiên tri đã lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng khi mượn hình ảnh cây nho không trái hay cho ra những loại rượu đắng chát không đạt tiêu chuẩn để nói lên sự thờ ơ, bất trung, phản bội của dân với Thiên Chúa.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng dùng lại hình ảnh cây nho để nói lên sự gắn bó và hệ quả của nó trong tương quan giữa Ngài với ta. Vì vậy, Ngài đã ví mình là cây nho, chúng ta là cành nho. Đồng thời, Ngài cũng tiên báo, muốn được sinh hoa trái thiêng liêng, ắt phải cắt tỉa những cành ích kỷ, vụ lợi, giả hình, kiêu ngạo, gian dối, bất công..., để từ đó nảy thêm những mầm nho mới và sẽ sinh ra hoa trái của chân thực, nhân từ, bao dung, khiêm nhường, từ bi, nhân hậu...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy kết hợp với Chúa như cành nho với thân nho, như hình với bóng, để sự sống của ta là của Chúa và hoa trái được sinh ra chính là hoa trái cùng dòng giống với Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, chúng con là cành. Xin cho chúng con mãi mãi được gắn bó với Chúa như cành liền cây, để chúng con được ơn cứu chuộc và chia sẻ hoa trái cứu chuộc đó cho anh chị em xung quanh. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5: Thầy là cây nho
Suy niệm :
Cây nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.
Người ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.
Đức Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.
Ngài muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.
“Thầy là cây nho, anh em là cành” (c. 5).
Cành sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.
Dòng nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.
Như cành không tự mình sinh trái được (c. 4),
người môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).
Có một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.
Cụm từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).
“Anh em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.
Thầy Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,
vì tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.
“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).
Cành nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.
Chỉ con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.
Nhưng ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.
Chắc chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.
Và cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.
Nhưng chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.
Càng ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).
Trái tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.
Nét đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.
Cây và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.
Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống cho Giêsu,
mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.
Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.
Chúng ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.
Cây nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.
Các cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.
Các cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c. 2).
Cha cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.
Chữ hơn giúp chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.
Có thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa
qua khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.
Không phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.
“Điều làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).
Vinh quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.
Sự èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.
Hãy sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.
Cầu nguyện :
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con
, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn. Amen. (Cha Piô)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM:
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Giê-su nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha, ngôi vị của Người và các môn đệ, ngang qua hình ảnh “cây nho”, trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nghĩa là bầu khí của “tình yêu đến cùng”, được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua bí tích Thánh Thể.
Vì thế, chúng ta được mời gọi lắng nghe những lời này của Đức Giê-su, và nhất là chiêm ngắm hình ảnh cây nho, dưới ánh sáng của tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta, được thể hiện nơi Đức Giê-su Chịu Đóng Đinh, “đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”.
1. Hình ảnh “cây nho”
Khi suy niệm lời của Đức Giêu trong bài Tin Mừng này, chúng ta đừng vội áp dụng hình ảnh cây nho vào tương quan giữa Đức Giê-su và chúng ta, nhưng hãy dành nhiều thời giờ để hình dung và chiêm ngắm khu vườn với đất đai, khí hậu, người chăm sóc, cây nho, thân nho, cành nho…. Tất cả để hướng tới hoa trái, và càng nhiều hoa trái càng tốt. Thật vậy, lời của Đức Giê-su trong phần này nói về hoa trái và hướng về hoa trái từ đầu đến cuối (c. 2 và 4. 5.8).
Chúng ta hãy tự hỏi trái nho dùng để làm gì? Đương nhiên là để ăn và chúng ta đã từng ăn nho rồi. Nhưng nho còn được dùng vào việc gì nữa? Chúng hãy chú ý đặc biệt đến rượu nho. Dường như hoa trái tận cùng của vườn nho và cây nho chính là “rượu nho”, hay ít nhất, rượu nho là sản phẩm tiêu biểu nhất của vườn nho và cây nho. Chúng ta hãy nhớ tới rượu nho trong tiệc cưới Cana (Ga 2, 1-12) và nhất là rượu nho trong bữa Tiệc Ly. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su sẽ dùng chính rượu nho để nói lên tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những ai thuộc về Ngài, trong đó có chúng ta hôm nay:
Cũng đang bữa ăn… Người cầm chén rượu,
dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông,
và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông:
“Đây là máu Thầy, máu Giao Ước,
đổ ra vì muôn người”. (Mc 14, 23-24)
Như thế, nếu chúng ta tự mình bất lực không thể sinh hoa trái, và từ hoa trái phát sinh rượu ngon, thì chính Chúa đã tự nguyện trở thành rượu ngon trao ban cho chúng ta để tái sinh chúng ta rồi, và chính tình yêu đến cùng của Chúa sẽ làm cho chúng ta sinh hoa trái.
Hình ảnh cây nho thật là đẹp và giàu ý nghĩa, nhưng hình ảnh này cũng chất vấn chúng ta nữa:
Chúng ta nên đọc từng câu và dừng lại ở những lời đánh động, soi sáng, chất vấn chúng ta nhiều nhất, trong hoàn cảnh hiện tại. Xin Chúa khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao ở lại trong Chúa, và xin Lời Ngài thanh tẩy, tái tạo và làm phát sinh hoa trái dồi dào nơi chúng ta.
2. “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy…”
Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, như cành nho gắn liền với thân nho. Đức Giê-su ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài.
Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,
thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được. (c. 5)
Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Thực vậy, Đức Giê-su sẽ nói tới tình yêu trong phần tiếp theo: “Chúa Cha yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Lời mời gọi ở lại, được Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, qua hình ảnh thân nho, cành nho và trái nho, và theo những cách thức khác nhau.
Với bí tích Thánh Thể, được hoàn tất trong mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh, mà chúng ta cử hành mỗi ngày và là trung tâm của đời sống dâng hiến của chúng ta, Đức Giê-su sẽ mãi mãi ở lại với chúng ta, để cho chúng ta có thể mãi mãi ở lại trong Ngài. Nhưng Đức Giê-su còn ở lại với chúng ta ngang qua Lời của Người nữa, bởi vì Người là Ngôi-Lời, nghĩa là Lời và Ngôi Vị của Người là một. Vì thế, ngay sau đó, Đức Giê-su nói về lời của mình:
Anh em được thanh sạch rồi
nhờ lời Thầy đã nói với anh em. (c. 3)
Nếu anh em ở lại trong Thầy
và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì,
anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (c. 7)
Như thế, Đức Giê-su còn ở lại trong chúng ta qua Lời của Ngài, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Đức Giê-su, bằng cách “ăn” Lời của Người như là lương thực, nghĩa là để cho Lời của Ngài ở lại và thấm vào trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
Chính vì thế, các việc thiêng liêng của chúng ta đều khởi đi từ Lời Chúa: cầu nguyện, Thánh Lễ, chia sẻ, các Giờ Kinh Phụng Vụ, tĩnh tâm… Lời của Đức Giê-su không chỉ là nhựa sống, nuôi sống chúng ta, kết nối chúng ta với Đức Giê-su và làm cho chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn có chức năng cắt tỉa, làm chúng được nên thanh sạch.
3. “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh”
Nhưng lời của Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta chiêm ngắm người trồng nho, là chính Chúa Cha. Thật vậy, Người nói :
Thầy là cây nho thật,
và Cha Thầy là người trồng nho. (c. 1)
Và Người nói tiếp :
Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là:
“Anh em sinh nhiều hoa trái
và trở thành môn đệ của Thầy”. (c. 8)
Điều Chúa Cha ước ao, và qua đó Ngài được tôn vinh, là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Chúng ta có thể tự hỏi, đâu là hoa trái mà Chúa Cha ước ao chúng ta làm phát sinh ? và chúng ta phải làm sao để làm phát sinh nhiều hoa trái ? Và Chúa Cha không chỉ ước ao chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn “chăm sóc” chúng ta, vì Ngài là người trồng nho.
Chúng ta có quan tâm đến ước ao của Chúa Cha không? Đến vinh quang của Người không ? Khi mà chúng ta vẫn tung hô:
Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa
tự muôn đời và chính hiện nay
và luôn mãi đến thiên thu vạn đại.
Amen.
* * *
Tất cả (người trồng, đất, cây nho, sự chăm sóc công phu….) đều hướng về “hoa trái”. Thực vậy, bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay mở đầu và kết thúc với hình ảnh “hoa trái”: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (c. 2); và “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (c. 8).
Vậy, để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giê-su; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta.
Trong những lời này, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta xin. Nhưng chúng ta xin gì, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ sinh nhiều hoa trái cho Vinh Danh Thiên Chúa Cha.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Hãy ở lại trong Thầy và Thầy sẽ ở lại trong anh em.
Wednesday (May 22): “Abide in me, and I in you”
Scripture: John 15:1-8 1 “I am the true vine, and my Father is the vine dresser. 2 Every branch of mine that bears no fruit, he takes away, and every branch that does bear fruit he prunes, that it may bear more fruit. 3 You are already made clean by the word which I have spoken to you. 4 Abide in me, and I in you. As the branch cannot bear fruit by itself, unless it abides in the vine, neither can you, unless you abide in me. 5 I am the vine, you are the branches. He who abides in me, and I in him, he it is that bears much fruit, for apart from me you can do nothing. 6 If a man does not abide in me, he is cast forth as a branch and withers; and the branches are gathered, thrown into the fire and burned. 7 If you abide in me, and my words abide in you, ask whatever you will, and it shall be done for you. 8 By this my Father is glorified, that you bear much fruit, and so prove to be my disciples. |
Thứ Tư 22-5 Hãy ở lại trong Thầy và Thầy sẽ ở lại trong anh em.
Ga 15,1-8 1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. |
Meditation:
Why does Jesus speak of himself as the true vine? The image of the vine was a rich one for the Jews since the land of Israel was covered with numerous vineyards. It had religious connotations to it as well. Isaiah spoke of the house of Israel as “the vineyard of the Lord”(Isaiah 5:7). Jeremiah said that God had planted Israel “as his choice vine” (Jeremiah 2:21). While the vine became a symbol of Israel as a nation, it also was used in the Scriptures as a sign of degeneration – a deformed state of spiritual growth and moral decline. Isaiah’s prophecy spoke of Israel as a vineyard which “yielded wild grapes” (see Isaiah 5:1-7). Jeremiah said that Israel had become a “degenerate and wild vine” (Jeremiah 2:21). One must be firmly rooted in the “Tree of Life” When Jesus calls himself the true vine he makes clear that no one can grow in spiritual fruitfulness and moral goodness unless they are rooted in God and in his life-giving word. Religious affiliation or association with spiritually minded people is not sufficient by itself – one must be firmly rooted in the “Tree of Life” (Revelation 22:1-2, Genesis 2:8-9) who is the eternal Father and his only begotten Son, the Lord Jesus Christ. Jesus makes a claim which only God can make – he is the true source of life that sustains us and makes us fruitful in living the abundant life which God has for us. It is only through Jesus Christ that one can be fully grafted into the true “vineyard of the Lord”. Bearing the fruit of righteousness, peace, and joy Jesus offers true life – the abundant life which comes from God and which results in great fruitfulness. How does the vine become fruitful? The vine dresser must carefully prune the vine before it can bear good fruit. Vines characteristically have two kinds of branches – those which bear fruit and those which don’t. The non-bearing branches must be carefully pruned back in order for the vine to conserve its strength for bearing good fruit. Jesus used this image to describe the kind of life he produces in those who are united with him – the fruit of “righteousness, peace, and joy in the Holy Spirit” (Romans 14:17). Jesus says there can be no fruit in our lives apart from him. The fruit he speaks of here is the fruit of the Holy Spirit (see Galatians 5:22-23). There is a simple truth here: We are either fruit-bearing or non-fruit-bearing. There is no in-between. But the bearing of healthy fruit requires drastic pruning. The Lord promises that we will bear much fruit if we abide in him and allow him to purify us. Do you trust in the Lord’s healing and transforming power to give you the abundant life and fruit of his heavenly kingdom? “Lord Jesus, may I be one with you in all that I say and do. Draw me close that I may glorify you and bear fruit for your kingdom. Inflame my heart with your love and remove from it anything that would make me ineffective or unfruitful in loving and serving you as my All.” |
Suy niệm:
Tại sao Ðức Giêsu nói về mình như cây nho đích thực? Hình ảnh cây nho là một hình ảnh đẹp đẽ nhất đối với người Dothái vì đất của họ có rất nhiều vườn nho. Đồng thời nó cũng mang nhiều ý nghĩa tôn giáo. Tiên tri Isaiah nói về nhà Israel là “vườn nho của Chúa” (Is 5, 7). Tiên tri Jeremiah nói rằng Thiên Chúa đã trồng Israel “như cây nho ngài chọn” (Gr 2, 21). Khi cây nho trở thành biểu tượng của nước Israel, nó cũng được Kinh thánh dùng như một dấu hiệu của sự thoái hóa – một tình trạng méo mó về sự tăng trưởng thiêng liêng và sự suy sụp luân lý. Lời tiên tri của Isaiah nói về Israel là một vườn nho có “những quả dại” (Is 5, 1-7). Tiên tri Jeremiah đã nói Israel trở thành một“cây nho tạp chủng” (Gr 2, 21). Người ta phải ăn rễ sâu vào “Cây Sự Sống” Khi Ðức Giêsu nói Người là cây nho đích thực, Người làm sáng tỏ rằng không ai có thể nảy sinh hoa trái thiêng liêng và sự tốt lành luân lý mà không bám chặt vào Thiên Chúa và lời ban sự sống của Người. Sự sát nhập hay liên kết sự đạo đức với trí tuệ con người về mặt thiêng liêng tự bản chất vẫn chưa đủ – người ta còn phải bám rễ sâu vào “Cây Sự Sống” nữa (Kh 22,1-2; St 2,8-9), là Cha vĩnh cửu và là Con Một yêu dấu, Chúa Giêsu Kitô. Đức Giêsu đưa ra lời tuyên bố mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm – Người là nguồn mạch sự sống đích thật để nuôi dưỡng chúng ta và làm cho chúng ta sinh hoa trái trong việc sống sự sống sung mãn mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chỉ duy nhất qua Ðức Giêsu Kitô, con người ta mới trọn vẹn được ghép vào “vườn nho đích thực của Chúa.” Nảy sinh hoa trái công chính, bình an, và niềm vui Ðức Giêsu đề cử một cuộc sống đích thực – một cuộc sống sung mãn đến từ Chúa và sinh nhiều hoa trái. Làm thế nào cây nho có nhiều hoa trái? Người trồng nho phải cắt tỉa cây nho cẩn thận trước khi nó có thể sinh hoa trái. Trong thực tế, cây nho có hai loại nhánh – loại sinh hoa trái và ngược lại. Những nhánh không sinh hoa trái phải bị cắt tỉa khỏi cây để nó duy trì sức mạnh và mang trái tốt. Ðức Giêsu dùng hình ảnh này để mô tả cuộc sống Người sản sinh trong những ai kết hiệp với Người – trái“công chính, bình an, hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14, 17). Ðức Giêsu khẳng định ai lìa khỏi Người sẽ không thể sinh hoa trái. Hoa trái ngài nói ở đây là hoa trái trong Chúa Thánh Thần – bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5, 22- 23). Có một sự thật đơn giản ở đây là: chúng ta một là sinh hoa trái hoặc không sinh hoa trái. Không có nữa chừng. Nhưng để mang lại nhiều hoa trái đòi buộc phải chịu cắt tỉa. Chúa hứa rằng chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái nếu chúng ta ở trong Người và để cho Người thánh hóa chúng ta. Bạn có tin tưởng vào sức mạnh chữa lành và biến đổi của Chúa để ban cho bạn cuộc sống sung mãn và hoa trái nước trời của Người không? Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nên một với Chúa trong mọi lời nói và việc làm. Xin kéo con đến gần Chúa để con có thể làm vinh danh Chúa và sinh hoa trái cho nước Chúa. Xin đốt cháy tâm hồn con với tình yêu của ngài, và lấy khỏi nó những gì vô ích hoặc cản trở con yêu mến và phụng sự Chúa là tất cả đời con. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn