Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh.

Thứ hai - 20/05/2019 08:43

Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh.

"Thầy ban bình an của Thầy cho các con".

 

Lời Chúa: Ga 14, 27-31a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.

Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con.

Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Hiệp nhất và bình an

Các môn đệ ngày xưa đã được nghe Chúa Giêsu chia sẻ tâm tình của Ngài khi Ngài cùng với các ông ngồi bên cạnh nhau trong bữa tiệc ly. Chúng ta cũng đã nghe lại những lời thân thương đó mỗi khi chúng ta cùng với Ngài và với nhau dâng Thánh Lễ. Giáo Hội đặt để những lời thân thương ấy sau kinh Lạy Cha và trước khi chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta chứng minh được bao bọc trong bình an của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhất là chúng ta đã dọn lòng mình đủ để có Chúa ngự trong lòng chúng ta.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu thực sự tin rằng Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô không chấp nhất gì tội lỗi của chúng ta mà dựa trên đức tin của Giáo Hội, của cộng đoàn dân Chúa đã ban cho chúng ta, cho Giáo Hội được ơn hiệp nhất và bình an. Chắc chắn là Giáo Hội rất rõ điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng". Và chúng ta cũng phải hiểu được điều đó để hân hoan với bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Thế gian là gì trong nhãn quan của thánh Gioan.

Thế gian là ma quỉ, là mãnh lực của ma quỉ, là thế giới của ma quỉ, là tất cả những con người và những sinh hoạt đồng lõa với ma quỉ. Bình an của thế gian này ban tặng là bình an có được do vũ lực, do đàn áp, do chiến tranh, do mưu mô xảo quyệt, do tội ác, do chiếm đoạt và đe dọa, mong manh biết bao sự bình an tạm bợ này, chỉ cần một vài thay đổi rất ư là đơn giản thì cũng đủ để cho người ta mất đi bình an và lại rơi vào hoảng sợ, vào dằn vặt. Ma quỉ và đồng lõa của ma quỉ vốn dĩ rất quen thuộc với chiến lược trở mặt như trở bàn tay, và vì thế không ít những người trở thành nạn nhân của sự bình an do chúng tạo nên. Còn bình an của Chúa ban cho lại là sự bình an của những người được tha thứ tất cả. Bình an của một con người thấy thanh thản trong thân xác và nhẹ nhàng trong tâm hồn. Bình an của một cuộc đời có Thiên Chúa. Sự bình an bất chấp những khó khăn, bất chấp mọi thử thách. Sự bình an của một con người không thấy hổ thẹn gì khi ngước mắt nhìn lên trời, đưa mắt nhìn chung quanh và nhắm mắt lại nhìn vào chính mình.

Lạy Cha chí thánh, là con người ai cũng khao khát bình an và có rất nhiều người thấy hãnh diện vì sự an toàn nhất thời họ có được ở trần gian này, khi họ dựa cậy vào quyền lực hoặc là do một con người hay của một nhóm người, thực tế cho thấy bình an ấy quá mong manh. Các con cảm tạ Cha vì sự bình an ban cho chúng con qua Chúa Giêsu và với tác động của Chúa Thánh Thần. Sự bình an của Ðấng bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ mặc, bị coi là điên khùng và bị treo lên giữa những tử tội trộm cướp, ngày thứ ba Ngài đã sống lại. Chúng ta thật hạnh phúc vì có được sự bình an ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Thầy để lại bình an

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em”. Các bạn hãy suy nghĩ xem những lời chúc đó có ý nghĩa gì? Có phải như những lời chúc đầu năm mới, chúc Giáng sinh, chúc Phục sinh hay những ngày lễ kỷ niệm? Đó là kiểu chào, không còn gì hơn nữa sao? Nếu như thế, chúng ta chưa hiểu rõ những lời của Chúa. Ơn bình an của Chúa không phải như món quà gói gọn im lìm. Ơn bình an là sức mạnh hoạt động mạnh mẽ, nghĩa là: Thầy ban cho anh em sức mạnh bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em sức hoạt động bình an của Thầy. Anh em sẽ làm chứng và sống thực hiện sự hòa giải, hòa hợp để đem lại bình an. “Phúc cho ai hoạt động cho bình an”.

Nhưng người ta có thể trách Chúa rằng: Ngài trao trách nhiệm hòa bình cho chúng tôi, Ngài bắt chúng tôi thừa kế và ban phát hòa bình, còn Ngài lại ra đi, Ngài để lại cho chúng tôi lời cam kết ban hòa bình. “Thầy sẽ ra đi”.

Sự ra đi của Đức Giêsu, sự xa cách của Người là để thực hiện một sự hiện diện thiêng liêng có mặt ở khắp mọi nơi, cho hết mọi người. Ơn bình an của Người là một cách Đức Giêsu tiếp tục với chúng ta thực hiện công cuộc cứu độ của Người.

Ngài ở với chúng ta bằng cách hiện diện thiêng liêng này, còn có ý tôn trọng tự do của chúng ta. Người hành động nơi chúng ta như cha mẹ đối với con cái, từ từ trao trách nhiệm và tự do cho con cái. Chúng xa cha mẹ mà vẫn được cha mẹ nâng đỡ, chở che và yêu mến.

Mỗi buổi họp các tín hữu, mỗi lúc dự Thánh lễ, Đức Giêsu đều ban bình an cho chúng ta. Người không áp đặt chúng ta nhận bình an, nhưng Người chỉ cho chúng ta thấy rằng sự hiện diện của Người ở trần gian tùy thuộc vào sự nhiệt tâm hăng hái của chúng ta, ra công xây đắp hòa bình. Sự biểu dương của hoàng tử hòa bình được chiếu sáng qua những cuộc hòa giải tốt của chúng ta, và qua những tấm lòng khoan dung tha thứ mau lẹ của chúng ta.

C.G

 

SUY NIỆM 3: Hòa bình của Đức Kitô

“Bất thần tôi cảm thấy xao xuyến lo âu khi nghĩ đến những người Công giáo Đức. Tôi không biết họ cảm nghĩ thế nào, khi chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Tôi cảm thấy nhu cầu cần phải dâng việc rước lễ để cầu nguyện cho nước Đức. Tôi hiểu rằng chúng ta cần phải cầu nguyện cho sự canh tân luân lý và tinh thần của xứ sở đã từng sống dưới sự cai trị của Đức Quốc Xã”.

Những dòng tâm sự trên đây được trích từ Nhật ký thiêng liêng của một người đàn bà Pháp được xem là người đã khởi xướng phong trào Pax christi – Hòa bình của Chúa Kitô. Sinh trưởng trong một gia đình trưởng giả, nhưng bà Marc đã có một đức tin sốn động và nhiệt thành. Trong thời Đức Quốc Xã chiếm đóng Pháp, dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng, bà đã bắt đầu viết nhật ký thiêng liêng và chính những trang nhật ký này đã làm phát sinh một phong trào về sau được gọi là “Hòa bình của Chúa Kitô”. Cuối năm 1944, vào giữa lúc thế chiến thứ hai còn sôi động, bà xác tín rằng cần phải cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Đức. Ý tưởng này không được nhiều người đón nhận, bởi vì chiến tranh vẫn còn sôi sục và người ta khó chấp nhận tinh thần hòa giải. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì trong việc thành lập một phong trào cầu nguyện cho nước Đức được ơn trở lại. Sau khi nước Đức đầu hàng, phong trào đã lan rộng tại nhiều nước Âu châu. Ngoài mục đích cầu nguyện và gây ý thức về hòa bình, phong trào còn đưa ra những sáng kiến về hòa bình. Từ 50 năm qua, đóng góp lớn lao nhất của phong trào này không chỉ là cổ võ cho hòa bình thế giới, mà thiết yếu là làm cho thế giới hiểu được hòa bình mà Chúa Kitô mang lại cho con người.

“Hòa bình của Chúa Kitô”. Quả thực chỉ có Chua Kitô mới đem lại hòa bình đích thực cho con người. “Ta để lại bình an cho các con, Ta ban bình an của Ta cho các con”. Sự bình an mà Chua Kitô đem lại cho con người không giống như bình an hay hòa bình mà thế gian hứa hẹn. Sau thế chiến thứ II quả thực ở quy mô thế giới tiếng súng đã hầu như im bặt. Tuy nhiên lịch sử cho thấy: sau thế chiến thứ II, nhân loại vẫn chưa có hòa bình đích thực, lò thuốc súng vẫn còn đó, chiến tranh bằng những súng đạn không diễn ra giữa hai khối kình chống nhau nhưng lửa hận thù lại bùng nổ ở những nơi khác.

Hòa bình mà Chúa Kitô đem lại cho con người trước tiên và thiết yếu là bình an trong tâm hồn. Hòa bình đó, bình an đó chỉ có khi con người chiến thắng được kẻ thù khủng khiếp nhất là tính tham lam, ích kỷ, hận thù. Bom đạn có im tiếng, nhưng bao lâu lòng tham lam, ích kỷ, hận thù vẫn còn sôi sục trong tâm hồn con người, thì bấy lâu chiến tranh vẫn còn đó.

Chúa Giêsu là nguyên ủy của hòa bình. Ngài đã thực sự chiến thắng được kẻ thù căn cội và khủng khiếp ấy bằng cả cuộc sống hiến thân và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Chỉ Ngài mới có thể đem lại hòa bình đích thực cho nhân loại. Người kitô hữu tin như thế và họ đón nhận sức sống thần linh của Ngài để nhờ đó cũng chiến thắng được kẻ thù căn cội của hòa bình là ích kỷ, tham lam, hận thù.

Hòa bình của Chúa Kitô, đó là hồng ân cao cả mà chúng ta phải không ngừng cầu xin và đó là hòa bình mà chúng ta luôn được mời gọi thể hiện bằng cuộc sống quảng đại, yêu thương và tha thứ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: BÌNH AN LÀ ÂN BAN CỦA ĐỨC TIN (Ga14, 27-31a)

Bình an là thứ mà con người mọi thời, mọi nơi, từ già đến trẻ, từ người có quyền lẫn người bình dân, ai ai cũng mong muốn và khao khát chiếm hữu cho kỳ được.

Tuy nhiên, bình an mà con người tìm kiếm ở đây, chính là thứ bình an trong trạng thái: không chiến tranh; không bị áp bức, bóc lột; không ốm đau bệnh tật; không tai nạn rủi ro...

Nhưng điều con người ước mong đó chỉ là thứ bình an bề ngoài, nó không có chiều sâu và không chi phối hạnh phúc vĩnh cửu. Nó cũng không thể thiết thực và tồn tại với thời gian. Bởi vì, sự bất ổn trong xã hội cũng như tâm lý bất an của con người luôn hiện diện và đeo bám chúng ta cách song song.

Vì thế, chiến tranh vẫn còn đó từ thời Đức Giêsu cho tới ngày nay. Con người vẫn phải chịu cảnh đau khổ, tai ương, đối xử bất công... Nhân loại cũng luôn phải đối diện với những căn bệnh thế kỷ mới của thời đại, gây nên sự chết chóc, tang thương...

Như vậy, nếu chỉ mong được bình an hòng tránh khỏi những điều bất trắc trên thì nó không đảm bảo hạnh phúc cho chúng ta. Còn bình an mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ:

Nếu muốn được bình an thực sự, trước tiên phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới cảm nghiệm được sự bình an sâu xa trong tâm hồn. Bởi lẽ: bình an của Đức Giêsu chính là bình an ngay trong những khổ cực đau thương, bách hại, mất mát và ngay trong những hiểu lầm oán ghét, bất công... Như vậy, ơn bình an này chính là ân huệ đức tin và hệ quả của bình an chính là đem lại ơn cứu chuộc cho con người chứ không phải đem lại cho con người sự an tâm, đảm bảo phần xác.

Sự điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống tình trạng bình an của Chúa ngay trong những trái ngang của cuộc đời và xã hội. Tức là, cho dù cuộc sống có bất công, con người có tàn nhẫn, đâu khổ có dồn dập, kẻ thù có lộng hành, sự ác có chiến thắng, thì với chúng ta, những người tin Chúa, chúng ta hãy nhìn tất cả chiều kích đó dưới con mắt đức tin và tâm niệm rằng: tất cả đều sinh ích cho người có lòng yêu mến Chúa, và với ân sủng của Chúa, thì Ngài có thể biến từ sự dữ trở nên sự lành.

Có được tâm tình đó, chắc chắn chúng ta có được sự an bình thư thái, và bình an của Chúa sẽ ngự trị nơi tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, ơn ban bình an của Chúa là quà tặng vô giá Chúa ban cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn được ở trong sự bình an đó hôm nay và mãi mãi. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

 SUY NIỆM:

1. “Anh em đừng xao xuyến”

Trong bữa tiệc li, Đức Giê-su nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình (x. Ga 13, 3 và 33), nhưng hành trình này lại đi “ngang qua” con đường, nghĩa là trở thành nạn nhân, của hành vi phản bội, dẫn đến cuộc Thương Khó và cái chết trên Thập Giá. Đó là “biến cố” Ngài nộp mình cho Sự Dữ, như chính Ngài nói ở đây: “Thủ Lãnh thế gian đang đến”; và quả vậy, Điều phải xẩy ra sẽ đến rất mau, vì ngay sau lời tâm sự với các môn đệ và với Chúa Cha, Ngài sẽ để cho mình bị bắt (x. Ga 18).

Chính vì thế, các môn đệ xao xuyến, nhưng thực ra chính Người cũng xao xuyến: “Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến” (Ga 13, 21), vì sự phản bội mà Đức Giê-su tự nguyện đón nhận tượng trưng cho mọi tội lỗi, sự dữ và cả Satan nữa, như thánh sử Gioan nói về Giu-đa: “Xa-tan liền nhập vào y” (Ga 13, 2 và 27).

2. Bình an và niềm vui

Tuy nhiên, đó lại là con đường làm cho “mọi sự được hoàn tất”. Mọi sự là toàn bộ Kinh Thánh kể lại lịch sử cứu độ, hình ảnh của lịch sử loài người và từng người, trong đó diễn ra thân phận, số phận con người, tội và sự dữ. Đó chính là tâm tình của Đức Giê-su, khi Ngài nói trên Thập Giá : « Ta khát » : Ngài khát mong cho lời Kinh Thánh được hoàn tất (Ga 19, 28 ; Tv 69, 22) và Ngài cũng khát mong cho toàn bộ Kinh Thánh được hoàn tất, cho sáng tạo và lịch sử của loài người và của từng người chúng ta được hoàn tất.

Vì thế, con đường Thập Giá, gây ra bởi tội lỗi, sữ dữ và Satan, lại là con đường diễn tả:

  • Cách Ngài yêu thương các môn đệ của Ngài “đến cùng”; tình yêu đến cùng là tình yêu trao ban chính mình, được diễn tả qua hình bánh và rượu, qua hành vi rửa chân cho “từng người”; và hành vi trao ban này sẽ được hoàn tất nơi Thập Giá, như tấm bánh phải “nát tan” để trở thành sự sống cho con người (x. Ga 13, 1).
  • “Giờ” của Ngài, giờ Ngài đi về cùng Chúa Cha, để dọn chỗ và sẽ trở lại đón các môn đệ của Ngài. Hành trình Người đi “dọn chỗ” cho các môn đệ, các môn đệ đang diện diện với Người và các môn đệ của Người thuộc mọi thời, như Người đã nói: “Nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (c. 2); và Người nhắc lại ở đây, và đồng thời mời gọi các môn đệ vui mừng, khởi đi từ tình yêu nhưng không: “Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (c. 28)
  • Và cách thức Người chọn để được tôn vinh, như người nói: “Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13, 31-32).

Vì thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, trong đó có chúng ta hôm nay, vượt qua sự xao xuyến bằng lòng tin vào Thiên Chúa và tin vào Người, dù cuộc đời thăng trầm, thử thách, đau khổ và lỗi lầm như thế nào, và cùng đi trên con đường của Người, như Người mời gọi thánh Phê-rô: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (Ga 13, 36).

3. “Thầy yêu mến Chúa Cha”

Chính trong bầu khí của bữa tiệc li mà Đức Giê-su đã muốn sống trước “biến cố” sẽ đến và muốn diễn tả hết mọi ý nghĩa của biến cố này, dưới ánh sáng của kế hoạch yêu thương, được thực hiện bởi Thiên Chúa Cha.

Thưc vậy, là hành động của Sự Dữ, nhưng lại là đường đi về với Cội Nguồn là Thiên Chúa Cha, và là cách thức diễn tả tình yêu đến cùng và tuyệt đỉnh; như thế “tất cả đều trong một”. Ngài như muốn dẫn các môn đệ, ngay lúc này, đi vào mọi chiều kích khôn dò của Mầu Nhiệm, để cho họ:

  • Tin tưởng: “Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
  • Bình an: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”
  • Và vui mừng: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy”

Xin Đức Ki-tô Phục Sinh giúp chúng ta, nhờ Thánh Thánh của Người, khám ra ý nghĩa của những biến cố trong cuộc đời chúng ta, nhất là những là những biến cố “bi đát”, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, để chúng ta biết tín thác vào “tình thương muôn ngàn đời của Thiên Chúa Cha” (x. Tv 136), và nhờ đó, ngay hôm nay, chúng ta sống trong tâm tình tín thác và như thế, đã được hưởng bình an và niềm vui của Người rồi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Thầy ban bình an của Thầy cho anh em

Tuesday (May 21): “My peace I give to you”

 

Scripture: John 14:27-31

27 Peace I leave with you; my peace I give to you; not as the world gives do I give to you. Let not your hearts be troubled, neither let them be afraid. 28 You heard me say to you, `I go away, and I will come to you.’ If you loved me, you would have rejoiced, because I go to the Father; for the Father is greater than I. 29 And now I have told you before it takes place, so that when it does take place, you may believe. 30 I will no longer talk much with you, for the ruler of this world is coming. He has no power over me; 31 but I do as the Father has commanded me, so that the world may know that I love the Father. Rise, let us go hence.

Thứ ba   21-5   Thầy ban bình an của Thầy cho anh em.

 

Ga 14,27-31

27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.30 Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy.31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây! “

Meditation: 

 

Do you know the peace which surpasses all understanding (Philippians 4:7)? In his farewell discourse Jesus grants peace as his gift to his disciples. What kind of peace does he offer? The peace of Christ is more than the absence of trouble. It includes everything which makes for our highest good. The world’s approach to peace is avoidance of trouble and a refusal to face unpleasant things. Jesus offers the peace which conquers our fears and anxieties. Nothing can take us from the peace and joy of Jesus Christ. No sorrow or grief, no danger, no suffering can make it less.

 

The true nature of peace 

How can we attain the peace which the Lord Jesus offers his followers? Through the gift and work of the Holy Spirit who dwells within us, the Lord Jesus shows us how to yield our passions of anger, fear, and pride to him so we can receive his gift of peace. The Holy Spirit helps us in our weakness and strengthens us with his gifts and supernatural virtues which enable us to live as wise and holy disciples of Christ. 

 

Caesarius of Arles (470-542 AD), an early church bishop in Gaul who was noted for his godly wisdom and preaching of Scripture, linked peace with the character of Christ and the Christlike virtues which help us to grow as disciples of Jesus Christ. Caesarius describes some of the key character traits (virtues) which form us into true people of peace:

“Peace, indeed, is serenity of mind, tranquility of soul, simplicity of heart, the bond of love, the fellowship of charity. It removes hatred, settles wars, restrains wrath, tramples on pride, loves the humble, pacifies the discordant and makes enemies agree. For it is pleasing to everyone. It does not seek what belongs to another or consider anything as its own. It teaches people to love because it does not know how to get angry, or to extol itself or become inflated with pride. It is meek and humble to everyone, possessing rest and tranquility within itself. When the peace of Christ is exercised by a Christian, it is brought to perfection by Christ. If anyone loves it, he will be an heir of God, while anyone who despises it rebels against Christ.

“When our Lord Jesus Christ was returning to the Father, he left his peace to his followers as their inherited good, teaching them and saying, ‘My peace I give to you, my peace I leave with you.’ Anyone who has received this peace should keep it, and one who has destroyed it should look for it, while anyone who has lost it should seek it. For if anyone is not found with it, he will be disinherited by the Father and deprived of his inheritance.” (Sermon 174.1)

Destiny with the Father

Jesus speaks to his disciples about his destination – and their destiny as well. He tells them in plain words that he must return to his Father in heaven (John 14:28). If his disciples truly love him for who he is – the only begotten Son of the Father, then they will rejoice that Jesus will ascend to the throne of God and be reunited with his Father in heaven. 

Jesus also speaks of his struggle – his passion, suffering and death which he undertook on the cross to redeem us from slavery to sin and death. Jesus called Satan the “ruler of this world” (John 14:30) who seeks to rob people of peace and friendship with God. Jesus defeated the evil one through his death and resurrection and won pardon and peace for all who believe in him.The victory of the cross brought glory to Jesus and to the Father and it is our way to glory with the Father in heaven as well. In the Cross of Christ we find true peace and reconciliation with God our Father. Do you live in the peace of Jesus Christ?

“Lord Jesus, may your peace be always with me. May no troubling thought, trial or affliction rob me of the peace which passes all understanding. You, alone, O Lord, are my Peace. May I always reside in that peace by believing in your word and by doing your will.”

Suy niệm:

 

Bạn có biết bình an vượt trổi hơn tất cả sự hiểu biết không? (Pl 4, 7) Trong bài diễn từ biệt ly Đức Giêsu ban bình an như là món quà tặng của Người dành cho các môn đệ. Người ban cho các ông loại bình an nào vậy? Bình an của Đức Kitôvượt trên sự hiện hữu của phiền muộn. Nó bao gồm tất cả những gì làm cho chúng ta những lợi ích cao nhất. Con đường dẫn đến bình an của thế gian là xa tránh phiền muộn và từ chối đương đầu với những nghịch cảnh. Đức Giêsu ban cho chúng ta thứ bình an chiến thắng sự sợ hãi và lo lắng. Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi sự bình an và niềm vui của Đức Giêsu Kitô. Không có sự lo lắng nào, phiền muộn nào, nguy hiểm nào, đau đớn nào có thể làm cho sự bình an của chúng ta ra suy yếu.

Bản tính đích thật của bình an

Làm thế nào chúng ta có được sự bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ? Ngang qua ân huệ và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong chúng ta, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta cách thức quy phục các cảm xúc nóng giận, sợ hãi, và kiêu ngạo trước Người, để chúng ta có thể lãnh nhận ân huệ bình an của Người. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trong sự yếu đuối và củng cố chúng ta với các ơn huệ và nhân đức của Người, chúng sẽ giúp chúng ta sống khôn ngoan và thánh thiện như người môn đệ của Đức Kitô.

Caesarius Arles (470-542 AD), một Giám mục thời sơ khai ở Gaul đã ghi chú giải cho bài giảng của mình và sự bình an của Kinh thánh, nối kết sự bình an với đặc tính của người tín hữu – các nhân đức củng cố chúng ta trong việc sống như người môn đệ của Đức Kitô. Caesarius mô tả vài dấu hiệu then chốt nổi bật hình thành chúng ta trong con người bình an đích thật như sau:

“Quả thật, bình an là sự thanh thản của tâm trí, là sự tĩnh lặng của tâm hồn, sự đơn thành của cõi lòng, là dây nối kết của lòng mến, là tình bằng hữu của đức ái. Nó xua đi sự hận thù, hòa giải các chiến tranh, xoa dịu cơn thịnh nộ, giẫm nát sự kiêu ngạo, yêu mến kẻ khiêm nhường, giải quyết sự bất hòa và làm cho các kẻ thù nên hòa thuận. Nó làm vui lòng mọi người. Nó không tìm kiếm những gì thuộc về người khác hay coi bất kỳ vật gì là của riêng mình. Nó dạy mọi người yêu mến bởi vì nó không biết làm thế nào để giận dữ, hay tự tôn hay trở nên tự mãn vì kiêu ngạo. Nó nhu mì và khiêm tốn với mọi người, có được sự yên nghỉ và tĩnh lặng trong mình. Khi bình an của Đức Kitô được người tín hữu áp dụng, nó sẽ mang tới sự trọn lành nhờ Đức Kitô. Nếu ai yêu mến nó, họ sẽ là người thừa kế của Thiên Chúa, trong khi ai coi thường nó sẽ chống lại Đức Kitô.

Khi Chúa Giêsu Kitô của chúng ta trở về cùng Chúa Cha, Người đã để lại bình an của mình cho các môn đệ như sự lợi ích được thừa hưởng của họ, Người dạy họ và nói rằng: Thầy ban bình an của Thầy cho anh em, Thầy để lại sự bình an của Thầy cho anh em. Ai đón nhận sự bình an này phải giữ lấy nó, còn ai tiêu hủy nó phải khát khao nó, và ai đánh mất nó phải tìm kiếm nó. Vì nếu họ không tìm kiếm nó, họ sẽ không được thừa kế bên Chúa Cha và bị tước đi quyền thừa kế của mình (Bài giảng 174.1).

Vận mệnh với Chúa Cha

Đức Giêsu nói với các môn đệ về nơi đến của Người – và số phận của họ nữa. Người nói với họ cách rõ ràng rằng Người phải trở về với Cha trên trời (Ga 14,28). Nếu các môn đệ thật sự yêu mến Người như Người là – Con Một yêu dấu của Cha, thì họ sẽ vui mừng rằng Đức Giêsu sẽ lên ngự ngai tòa của Thiên Chúa và được đoàn tụ với Cha trên trời.

Đức Giêsu cũng nói về thách đố của Người – cuộc khổ nạn, đau khổ, và cái chết trên thập giá mà Người biết sẽ cứu chuộc chúng ta khỏi ách nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Đức Giêsu gọi Satan là “kẻ thống trị thế gian này” (Ga 14,30), kẻ tìm cách cướp khỏi con người sự bình an và tình bằng hữu với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đánh bại thần dữ qua cái chết và sự phục sinh của Người và đem lại ơn tha thứ và bình an cho tất cả những ai tin vào Người. Chiến thắng của thập giá đem lại vinh quang cho Đức Giêsu và cho Cha và nó cũng là con đường vinh quang của chúng ta với Cha trên trời. Bạn có sống trong sự bình an của Đức Giêsu Kitô không?

 

Lạy Chúa Giêsu, ước gì bình an của Chúa luôn ở với con. Xin đừng để một biến cố nào, phiền muộn nào, hay nghịch cảnh nào tách con khỏi sự bình an vượt qua tất cả sự hiểu biết này. Ôi lạy Chúa, chỉ mình ngài là sự bình an của con. Xin cho con luôn ở trong sự bình an ấy bằng cách tin vào lời Chúa và thực thi thánh ý Chúa.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây