Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

Thứ sáu - 10/05/2019 08:46

Thứ Bảy tuần 3 Phục Sinh.

"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống".

 

Lời Chúa: Ga 6, 60-69

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống.

Nhưng trong các ngươi có một số không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa.

Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Biết chọn lựa

Trong những ngày vừa qua, nhiều người Mỹ đã tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát tại trường trung học Litaton, bang Colorado vào năm 1999. Cuộc thảm sát không những làm cho người Mỹ mà cả thế giới đều bàng hoàng, sửng sốt. Bàng hoàng, sửng sốt bởi vì đây không phải là cuộc thảm sát đầu tiên xảy ra như thế tại một trường học ở Mỹ, mà nằm trong một dây chuyền bạo động diễn ra hầu như theo một chu kỳ khó hiểu. Trong những năm gần đây, cứ vài ba năm lại xảy ra một vụ bắn giết như thế. Nạn bắn giết như thế cũng đã lan tràn sang Úc và một số nước khác.

Trong thư mục vụ công bố vào tháng 11/1994, các Ðức Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động điều mà các ngài gọi là một nền văn hóa bạo động, được nuôi dưỡng bằng truyền thông, âm nhạc và không biết bao nhiêu trào lưu chối bỏ sự sống khác. Nhưng bạo động từ đâu mà đến, bởi đâu mà con người có thể trở thành bạo động để hãm hại và loại trừ người khác. Hai cậu học sinh tại trường trung học Litaton đã có thể tính toán chi li cuộc sát hại và đã có thể cười cợt trên chết chóc, có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu so với một Milosevich và vô số người Serbi đứng đằng sau ông với chủ trương tàn sát và diệt chủng đối với người gốc Albani tại Kosovo.

Quả thật, chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm của sự dữ. Bạo động, sự dữ, tội ác vốn là một bí ẩn của loài người. Mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và sự chết. Ðồng thời suy nghĩ về cuộc song đấu giữa thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động, giữa ân sủng và tội lỗi. Một cuộc song đấu như thế đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Mỗi một giây phút của cuộc sống là một chọn lựa giữa thiện và ác, giữa ân sủng và tội lỗi, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động, giữa Chúa Kitô và ác thần. Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về chọn lựa ấy. Sự chọn lựa ấy lại được xây dựng trên chính sự chọn lựa của Chúa Giêsu.

Với quyền năng của một Thiên Chúa, Ngài đã nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống một đám đông trên năm ngàn người. Cơn cám dỗ đầu tiên trong sa mạc hẳn đã trở lại với Ngài, chỉ cần vung cây đũa thần, Ngài đã có thể giải quyết nhiều vấn đề cơ bản của xã hội. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến để mang lại cơm bánh bằng một giải pháp dễ dãi ấy. Ngài đến trước tiên là để cho con người được sống và sống dồi dào. Ngài đến để mang lại sự sống trường sinh cho con người. Ngài đến để chỉ cho con người biết rằng mục đích của cuộc sống này không phải là cơm bánh hay của cải chóng qua, mà là cuộc sống vĩnh cửu. Ngài đến để nhắc nhở cho con người rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Khước từ giải pháp dễ dãi của loài người, Chúa Giêsu đã chọn lựa thập giá và đã đi cho đến cùng sự lựa chọn của Ngài. Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha: cái chết của Ngài trên thập giá đã bày tỏ được ý nghĩa và cứu cánh của cuộc sống con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người khi nó thuộc trọn về Thiên Chúa và sống theo những giá trị vĩnh cửu. Ðám đông đã bỏ đi và nhiều môn đệ khác cũng rút lui, chỉ còn lại nhóm Mười Hai, mà người đại diện là thánh Phêrô, bày tỏ sự lựa chọn dứt khoát: "Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai. Chỉ có Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời". Sự lựa chọn ấy cũng bao hàm cái chết mà tất cả các tông đồ đều trải qua. Chọn lựa theo Chúa là chọn lựa thập giá của Ngài, mỗi một giây phút là một chọn lựa.

Nguyện xin Chúa gia tăng niềm tin và ban sức mạnh để chúng ta mãi mãi được thưa với Chúa như thánh Phêrô: "Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai, vì Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Đức tin vượt lên trên mọi lý luận

Khởi đầu cho hành trinh đức tin là sự hiểu biết, nhưng đức tin phải vượt xa sự hiểu biết. Chỉ thuần túy là hiểu biết thì không thể gọi là tin và nhiều khi đức tin còn nghịch lại với hiểu biết. Đức tin đòi con người vượt trên mọi lý luận để xả thân chấp nhận như một liều lĩnh.

Có một người vô thần, bị rơi từ đỉnh núi cao xuống vực thẳm. May thay là giữa chừng có một lùm cây cản anh lại. Hai tay giữ chặt lùm cây, nhìn lên chẳng có ai, nhìn xuống là vực thẳm, anh mới cất tiếng kêu cứu: “Nếu quả thật có Thiên Chúa quyền năng vô biên, xin Ngài hãy ra tay cứu tôi, tôi xin tin”. Một giọng nói đáp lại: “Nếu anh thật lòng tin, anh hãy buông tay ra”. Người vô thần thầm nghĩ: Làm sao mà buông được, trèo lên chẳng được, buông tay thì rơi xuống vực thẳm, làm sao giữ được mạng sống, và anh hỏi lại: “Thật sự có Ngài ở đó không?” Nhưng không một lời đáp trả, chỉ còn có tiếng của anh vang vọng giữa núi rừng, cơ hội cho anh có đức tin đã qua.

“Lời gì mà sống sượng thế”, hoặc “Có Ngài ở đó không”, đấy là những phản ứng trước lời mời gọi tin. Nếu chỉ thuần túy lỳ luận và đòi hỏi bằng chứng, thì chẳng bao giờ gặp được niềm tin. Quá đòi hỏi một hiểu biết cụ thể, con người khó chấp nhận Thịt Máu Chúa Giêsu làm lương thực nuôi dưỡng thì họ sẽ thế nào khi thấy Con Người lên nơi Ngài đã ở trước. Chưa cảm nhận được những điều cụ thể như thức ăn của uống, thì làm sao có thể cảm nhận được vinh quang của Ngài. Chưa chấp nhận được điều thuộc tinh thần mang hình thức vật chất, thì làm sao nói đến những điều thuần túy tinh thần.

Chính vì không tin, nhiều người đã bỏ không theo Chúa Giêsu nữa, chỉ còn nhóm 12 vẫn tin và theo Chúa, mặc dù cho đến lúc đó họ vẫn không hiểu lời giảng dạy của Ngài. Nói thế không phải là các ông tin và theo một cách mù quáng, nhưng là phó thác vì xác tín rằng chỉ có Chúa mới có lời ban sự sống.

Trước những biến cố cuộc sống xem ra đòi hỏi một sự đáp trả bằng niềm tin, ước gì chúng ta cũng biết đáp trả không phải bằng sự bỏ đi, nhưng bằng lòng quảng đại trung thành vì biết rằng không gì ở ngoài thánh ý Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Những kẻ còn lại

Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?” Ông Si-mon Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”(Ga. 6, 67-69)

Trong Tin mừng theo thánh Gio-an, sau một phép lạ hay một dấu chỉ là tiếp đến một bài giảng giải thích, thính giả hay khán giả tiếp thu với thái độ lựa chọn trước đức tin, chấp nhận hay từ chối lời chứng của Đức Kitô. Lúc đầu thường bày tỏ thái độ hăng hái theo Đức Giêsu, sau đó lại tỏ ra bất mãn về sự đòi hỏi phải tin vào Đức Giêsu.

Phúc cho ai biết đi theo Người vì họ không thể chống cự lại mạc khải của Đức Kitô: Phúc cho họ vì họ không biết thoái thác! Phúc cho họ biết chọn lựa rõ ràng và không bị cuốn theo lười biếng!

Phúc hơn nữa cho ai sau khi nghe một loạt những lời của Đức Giêsu mà không còn bỏ Người ra đi, vì họ biết chỉ có một lý do độc nhất là sống theo Đức Giêsu và đặt hết tin tưởng và hy vọng của mình vào Người.

Bài giảng về bánh hằng sống được đọc lại cho chúng ta nghe trong tuần đã dẫn đưa các môn đệ phải biết chọn lựa theo Đức Giêsu. Có phải sự chọn lựa này đặt trên nền tảng lý luận tỉ mỉ kỹ lưỡng không? Không cần thiết đâu, chỉ cần ưng thuận theo Đức Kitô với lòng cảm mến hơn là lý trí. Chúng ta nhận biết một người nào đó, chúng ta liên đới với họ, và không muốn rời họ. Những người lính được sai đi bắt Người đã nói: “Không có ai ăn nói như người này bao giờ”.

Trái lại, nhiều người đã bị cám dỗ bỏ trốn theo lý trí, quyền lợi, luật lệ khi phải quyết định.

Bài giảng của Đức Giêsu cùng một mạch văn phản ảnh toàn thể tinh thần Tin mừng: Một tinh thần thuần túy điên dại trước mắt thế gian, nhưng lại là sự khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa.

Những người còn lại theo Đức Giêsu đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào Người.

 

SUY NIỆM 4: Xác Tín Niềm Tin

Vụ thảm sát ở tiểu bang Colorado Hoa Kỳ không những làm cho người Mỹ mà còn cho cả thế giới bàng hoàng sửng sốt. Bàng hoàng sửng sốt vì đây không phải là vụ thảm sát đầu tiên xảy ra như thế tại một trường học ở Mỹ, mà hay diễn ra theo một chu kỳ bạo động. Ðó là một điều thật khó hiểu, vì trong những năm gần đây thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ thảm sát như thế.

Trong lá thư mục vụ công bố vào năm 1994, các Ðức Giám Mục đã lên tiếng báo động được nuôi dưỡng bằng truyền thông âm nhạc, và không biết bao nhiêu trào lưu chối bỏ sự sống khác được thực hiện. Nhưng bạo động từ đâu mà đến? Bởi đâu con người có thể trở thành bạo động thảm hại và loại trừ người khác?

Hai cậu học sinh trung học tại Colorado có thể tính toán chi li về việc sát hại và đã có thể cười cợt trên chết chóc; có lẽ cũng chẳng khác bao nhiêu so với vô số những người Serbia đang đứng đàng sau để chủ trương tàn sát những người gốc Albani tại Kosovo. Quả thật chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm của sự dữ, vì bạo động là sự dữ.

Trong mùa Phục Sinh, chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của Ðức Kitô trên tội lỗi và sự chết, đồng thời chúng ta cũng suy nghĩ về cuộc song đấu giữa hòa bình và bạo động, giữa ân sủng và tội lỗi. Một cuộc song đấu như thế đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta, mỗi phút giây trong cuộc sống là một cuộc chọn lựa giữa lành và dữ, giữa điều thiện và ác, giữa sự sống và sự chết, giữa hòa bình và bạo động.

Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta sự chọn lựa, và sự chọn lựa ấy được xây dựng trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Với quyền năng của Thiên Chúa, Ngài đã dâng bánh và cá để nuôi sống một đám đông hơn 5,000 người. Cơn cám dỗ đầu tiên rong sa mạc đã trở lại với Ngài, Ngài chỉ cần vung cây đũa thần là có thể giải quyết được mọi khó khăn của xã hội, nhưng Chúa Giêsu không mang lại cơm bánh bằng một giải pháp dễ dàng ấy.

Do đó, điều trước tiên là Ngài đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Ngài đến để mang lại sự sống trường sinh cho con người. Ngài đến để chỉ cho con người biết rằng mục đích của cuộc sống không phải là cơm bánh hay của cải chóng qua mà là cuộc sống vĩnh cửu. Ngài đến để nhắc nhở cho con người biết rằng: "Con người không chỉ sống bằng cơm bánh nhưng bằng những lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4).

Khước từ giải pháp dễ dãi của loài người, Chúa Giêsu đã chọn lựa Thập Giá và đi đến cùng sự chọn lựa của Ngài, Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, vì chính cái chết của Ngài trên Thập Giá bày tỏ được ý nghĩa và cứu cánh của cuộc sống con người. Con người chỉ thực sự sống cho ra người cốt là để thuộc trọn về Thiên Chúa là sống theo sự sống vĩnh cửu ấy.

Khi Chúa Giêsu đã nói đến sự trọn lành của Ngài, đám đông đã bỏ đi và nhiều môn đệ khác cũng rút lui (Ga 6,66), chỉ còn lại nhóm mười hai mà người đại diện là thánh Phêrô; thánh nhân đã bày tỏ sự chọn lựa một cách dứt khoát: "Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì chỉ có Thầy mới mang lại sự sống đời đời" (Ga 6,67-68). Sự chọn lựa ấy cũng mang lại cái chết mà các Tông Ðồ đều đã trải qua. Theo Chúa là chọn lựa Thập Giá của Ngài, các thánh Tử Ðạo Việt Nam đã hiểu rõ giá trị ấy, nên các ngài đã chọn lựa cái chết chứ không bỏ Thập Giá Chúa Kitô.

Mỗi một giây phút là một chọn lựa, nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin và gia tăng sức mạnh để chúng ta mãi mãi được thưa với Chúa như thánh Phêrô: "Bỏ Ngài chúng con biết theo ai?" Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 5: “CHÚNG CON CÓ MUỐN BỎ THẦY MÀ ĐI KHÔNG?” (Ga 6,61-70)

Lịch sử Giáo Hội vào những thế kỷ đầu, người Công Giáo gặp muôn vàn khó khăn do hoàng đế Rôma gây nên. Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi khó khăn đó!

Tuy nhiên, sự cương trực, thẳng thắn và dứt khoát đã làm cho các bậc anh hùng, tổ tiên của chúng ta trung thành với Chúa cách trọn vẹn.

Nói về sự can trường của các vị tử đạo, người ta có kể đến câu chuyện của Giáo phụ Policarpo: khi đám lính đã bắt được ngài, họ điệu ngài ra tòa xét xử và buộc ngài phải từ bỏ Đức Giêsu, chối bỏ niềm tin của ngài vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, cụ già gần 90 tuổi đã tuyên bố cách dứt khoát: “86 năm tôi theo Đức Giêsu, Ngài không bao giờ phụ bạc tôi, làm sao các ông lại bảo tôi phản bội Ngài...?”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy thái độ dứt khoát là điều kiện cần để sống đời sống chứng nhân. Đây cũng là điều mà Đức Giêsu đòi hỏi các Tông đồ và tất cả những ai muốn bước theo Ngài. Vì thế, khi có một số môn đệ đã bỏ Đức Giêsu vì những lời tuyên bố của Ngài về Bánh Hằng Sống, và cụ thể chính là sự trao ban Thịt và Máu của Ngài để cho những ai tin và ăn thì được sống đời đời.

Thấy có người bỏ cuộc, Đức Giêsu đã lên tiếng hỏi trực tiếp các Tông đồ là những người mà Ngài sẽ trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, Ngài hỏi: “Còn các con, các con có muốn bỏ Thầy không?” Phêrô đại diện cho anh em thưa với Thầy: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai?".

Khi hỏi như thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: muốn theo và làm chứng cho Ngài thì phải có thái độ dứt khoát. Không được lập lờ...!

Như vậy qua câu trả lời của thánh Phêrô, chúng ta thấy một cuộc tuyên xưng đức tin mạnh mẽ vào Thầy của mình. Tin Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Vì thế, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành và xác tín thật mạnh mẽ niềm tin của mình nơi Chúa. Chỉ có Chúa mới là niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực, và cũng chỉ có mình Ngài mới ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ngoài Ngài ra, chúng ta không có chúa nào khác có thể ban cho chúng ta những thứ đó.

Mong sao, mỗi người chúng ta hãy có tâm tình như thánh Phêrô: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời".

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ngày càng gắn bó mật thiết với Chúa như các Tông đồ khi xưa, để dù có gặp phải những khó khăn, chúng con vẫn dứt khoát nói không với những gì trái ngược với đức tin và sẵn sàng sống chết cho niềm xác tín của mình vào Chúa để xứng đáng được Chúa ân thưởng trong cuộc sống mai hậu. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 6: Anh em cũng muốn bỏ đi sao?

Suy niệm:

Chương 6 của Tin Mừng Gioan có một kết thúc không vui lắm.

Bài Tin Mừng hôm nay (cc. 60-69) đi theo ngay sau các câu 35-50,

vì các câu 51-59 có lẽ được viết muộn hơn và thêm vào sau này.

Đức Giêsu coi mình là bánh thật từ trời xuống (cc. 33. 50).

Ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời (cc 40. 47).

Những lời giảng của Đức Giêsu đã gây vấp phạm, khó nghe, gai chướng,

khiến nhiều môn đệ xầm xì, không tin, rút lui và không đi theo Ngài nữa.

Chỉ có nhóm Mười Hai ở lại, nhưng cũng không trọn vẹn.

Giáo huấn của Đức Giêsu vẫn luôn gây sốc cho con người mọi thời.

Lời Chúa vẫn luôn là điều khó hiểu, khó chịu và khó sống.

Những Kitô hữu đã tin theo Đức Giêsu trong nhiều năm

vẫn bị đặt mình trước lời Chúa và được mời gọi chọn lại.

Tin vào Đức Giêsu là một chọn lựa lớn và căn bản.

Chọn lựa này cần được làm mới lại mỗi ngày xuyên qua những chọn lựa nhỏ.

Có những Kitô hữu mất đức tin vì đã không dám sống niềm tin của mình.

Có những người rút lui và bỏ đi, dù tên vẫn còn trong sổ Rửa tội.

Có những người xầm xì vì những đòi hỏi gai góc của Lời Chúa.

“Chẳng lẽ anh em cũng muốn bỏ đi sao?”

Đức Giêsu buồn rầu hỏi nhóm Mười Hai như thế.

Simon đại diện anh em đã xin được tiếp tục ở với Thầy, đi với Thầy.

“Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai?”

Lời của Thầy tuy khó nghe, nhưng con tin đó là lời ban sự sống đời đời (c. 68).

Lời của Thầy tuy chướng tai, nhưng lại là thần khí và là sự sống (c. 63).

Simon tin Thầy Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 69).

Đấng Thánh là Đấng từ trời xuống

và cũng là Đấng sẽ lên trời nơi đã ở trước kia (c. 62).

Có thể điều làm con người hôm nay bỏ đạo, bỏ Chúa Giêsu,

lại không phải là những lời khó nghe của Ngài,

mà là đời sống của các Kitô hữu, những người không dám sống các lời ấy.

Nhiều người thấy chướng khi nhìn vào cuộc sống của họ.

Xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn đến với Giêsu, và kiên trì ở lại với Ngài.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng

trước mọi biến cố của cuộc sống,

khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,

hay gặp sự bất trung, bất tín

nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên

để nghĩ đến hạnh phúc người khác,

giấu đi những nỗi phiền muộn của mình

để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,

để đau khổ làm con thêm mềm mại,

chứ không cứng cỏi hay cay đắng,

làm con nhẫn nại chứ không bực bội,

làm con rộng lòng tha thứ,

chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi

vì chịu ảnh hưởng của con,

không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế,

chỉ vì đã là bạn đồng hành của con

trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,

xin cho con có lúc

thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,

tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,

và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen. (dịch theo Learning Christ)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Thầy có những lời ban sự sống đời đời

Saturday (May 11): “You have the words of everlasting life”

 

Scripture: John 6:60-69  

60 Many of his disciples, when they heard it, said, “This is a hard saying; who can listen to it?” 61 But Jesus, knowing in himself that his disciples murmured at it, said to them, “Do you take offense at this? 62 Then what if you were to see the Son of man ascending where he was before? 63 It is the spirit that gives life, the flesh is of no avail; the words that I have spoken to you are spirit and life. 64 But there are some of you that do not believe.” For Jesus knew from the first who those were that did not believe, and who it was that would betray him. 65 And he said, “This is why I told you that no one can come to me unless it is granted him by the Father.” 66 After this many of his disciples drew back and no longer went about with him. 67 Jesus said to the twelve, “Do you also wish to go away?” 68 Simon Peter answered him, “Lord, to whom shall we go? You have the words of eternal life; 69 and we have believed, and have come to know, that you are the Holy One of God.”

Thứ Bảy  11-5       Thầy có những lời ban sự sống đời đời

 

Ga 6,60-69

60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? “61Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.65 Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.67Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? “68Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Meditation: 

 

Why do some find it easier while others find it harder to accept the claims which Jesus made? Many were attracted to Jesus because he offered them something irresistible – a visible sign of God’s mercy and favor which Jesus demonstrated in his wonderful works of healing, deliverance, and miraculous signs, including the multiplication of the loaves and fish when he feed the five thousand who had gathered to hear him speak. Many stumbled, however, when Jesus made claims which only God can make. Jesus’ discourse on “eating his flesh and drinking his blood” (see John 6:51-59) which pointed to the Last Supper, caused offence to many of his followers.

The blessing of full union with God through Christ

Jesus claimed to be the bread of heaven, the very life of God given to us as spiritual food to sustain us on our journey to our promised homeland with the Father in heaven. Jesus did not leave any middle ground for his hearers. They must either accept his word as divine or reject it as the claim of an imposter. Even the apostles admitted that this was a “hard saying”. This expression meant that it was not just hard to understand, but hard to accept. Jesus pressed the issue with his beloved disciples because he wanted to test their faith and loyalty to him as the Holy One sent from the Father in heaven. Jesus promised his disciples nothing less than the full blessing of eternal life and union with God. Jesus assures his disciples that it is his heavenly Father who gives the invitation and the grace to believe and follow even in the “hard sayings”. Jesus knew that some would not only reject him and his word, but would do so with violence fueled by hatred, envy, and even betrayal by one of his own disciples.

“My words are spirit and life”

Jesus told his disciples that his words were “spirit and life” (John 6:63) – his words came from the heavenly Father who is the Author of life and the One who breathes his Spirit into those who believe in him. Through the gift of faith Peter was able to receive spiritual revelation of who Jesus truly is – the Holy One of God, the eternal Son sent from the Father in heaven to redeem a fallen human race and reconcile them with God.

Faith is a gift and a personal response to God’s revelation of himself

How does God help us grow in faith and trust in his word, even the hard sayings which are difficult to understand? Faith is a gift which God freely gives to those who listen to his word and who put their trust in him. Faith is a personal response to God’s revelation of himself. Faith is neither blind nor ignorant. It is based on the truth and reliability of God’s word. True faith seeks understanding. Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) said, “I believe in order to understand, and I understand the better to believe.” The Lord Jesus offers all of his followers his life-giving word and Spirit to help us grow in our knowledge and understanding of God.

We can know God personally through his word

Paul the Apostle tells us that it is the work of the Holy Spirit who enlightens the eyes of our heart and mind to understand the truth and wisdom which comes from God (Ephesians 1:17-18). Faith is the key to understanding and experiencing God’s action and work in our personal lives. Paul the Apostle tells us that “God’s love has been poured into our hearts through the Holy Spirit which has been given to us” (Romans 5:5). We can know God personally, and we grow in recognizing his voice as we listen to his word and obey his instruction. Do you believe, as Peter did, that Jesus has the words of everlasting lifeand the power to change and transform your life? Ask the Lord Jesus to increase your faith that you may grow in knowing, loving, and serving him as your Lord and Redeemer, Teacher and Healer, Master and Savior.

“Lord Jesus, you have the words of everlasting life. Help me to cast aside all doubt and fear so that I may freely embrace your word with complete trust and joy. I surrender all to you. Be the Lord of my life and the Ruler of my heart. May there be nothing which hinders me from trusting in your love and following your will.”

Suy niệm:

 

Tại sao có người thấy dễ dàng hơn nhưng có người lại thấy khó khăn hơn để chấp nhận những lời tuyên bố của Ðức Giêsu? Nhiều người bị lôi cuốn bởi Ðức Giêsu bởi vì Người ban cho họ điều gì đó không thể cưỡng lại được – dấu chỉ rõ ràng của lòng thương xót và ơn sủng của Thiên Chúa mà Ðức Giêsu chứng tỏ nơi những việc lạ lùng như chữa lành, đuổi quỷ, và những dấu lạ phi thường, kể cả việc hóa bánh và cá ra nhiều khi Người cho 5000 người, đến nghe Người giảng, ăn. Tuy nhiên, nhiều người đã vấp ngã khi Ðức Giêsu đưa ra những lời tuyên bố mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể. Diễn từ của Ðức Giêsu về việc “ăn thịt và uống máu của Người” (Ga 6,51-59) nhắm tới bữa Tiệc ly đã gây nên sự chống đối nơi nhiều người đi theo Người.

Phúc lành của sự kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô  

Ðức Giêsu tuyên bố Người là bánh từ trời, là sự sống thật của Thiên Chúa ban cho chúng ta như thần lương để nuôi dưỡng chúng ta trên cuộc hành trình đến miền đất hứa với Cha trên trời. Ðức Giêsu đã không cho phép người nghe đứng về phía trung lập. Họ phải tiếp nhận lời Người như lời Thiên Chúa hoặc khước từ nó như lời của một tên bịp bợm. Thậm chí các Tông đồ đã nhìn nhận rằng điều này quả là “chói tai quá”. Sự diễn tả này có nghĩa là điều này không khó hiểu, nhưng khó chấp nhận. Ðức Giêsu nhấn mạnh vấn đề này với các môn đệ yêu dấu của mình bởi vì Người muốn thử lòng tin và trung thành của họ đối với Người, với tư cách là Ðấng Thánh được Cha trên trời sai tới. Ðức Giêsu đã hứa với các môn đệ không có gì hơn phúc lành sung mãn của sự sống đời đời và sự kết hiệp với Thiên Chúa. Ðức Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng chính Cha trên trời của Người, Đấng mời gọi và ban phát ơn sủng cho người ta để tin tưởng và đi theo Người, thậm chí với “những lời nói khó nghe”. Ðức Giêsu biết rằng một số người sẽ không chỉ khước từ Người và Lời Người, nhưng sẽ còn làm như thế với sự bạo lực bị đốt cháy bởi thù ghét, ghen tị, và thậm chí bị một trong số các môn đệ của Người phản bội.

“Lời Ta là Thần Khí và là sự sống”

Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng lời Người là “Thần Khí và là Sự Sống” (Ga 6,63) – lời Người đến từ Cha trên trời, Ðấng là Tác Giả của sự sống và là Ðấng thổi Thần Khí của Người vào trong những ai tin tưởng vào Người. Ngang qua hồng ân đức tin, Phêrô đã có thể đón nhận sự mặc khải thần linh về Ðức Giêsu thật sự là ai – Ðấng Thánh của Thiên Chúa, Con vĩnh cửu được Cha trên trời sai tới để cứu chuộc loài người sa ngã và giao hòa họ với Thiên Chúa.

Đức tin là ân huệ và sự đáp trả cá vị trước sự mặc khải của Thiên Chúa về chính mình

Làm thế nào Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta lớn lên trong niềm tin cậy vào lời Người, thậm chí những lời khó nghe hay khó hiểu? Ðức tin là hồng ân mà Thiên Chúa ban cách nhưng không cho những ai lắng nghe lời Người và đặt niềm trông cậy vào Người. Đức tin là sự đáp trả cá vị trước sự mặc khải của Thiên Chúa về Người. Ðức tin không mù quáng cũng không ngu dốt. Nó đặt nền tảng trên sự thật và sự đáng tin cậy của lời Chúa. Ðức tin chân thật tìm kiếm sự hiểu biết. Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) nói “Tôi tin để tôi hiểu và tôi hiểu để tôi tin hơn”. Chúa Giêsu ban cho tất cả những ai theo Người lời ban sự sống của Người và Thần Khí để giúp chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết và nhận thức về Thiên Chúa.

Chúng ta có thể biết Thiên Chúa cách cá vị ngang qua Lời của Người

Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng đó chính là tác động của Chúa Thánh Thần, Ðấngsoi sáng cặp mắt linh hồn và lý trí chúng ta để hiểu được chân lý và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Ep 1,17-18). Ðức tin là chìa khóa để hiểu biết và cảm nghiệm hành động và công việc của Thiên Chúa trong chính cuộc đời chúng ta. Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng “Tình yêu Thiên Chúa đỗ vào lòng chúng ta ngang qua Chúa Thánh Thần, Ðấng đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Chúng ta có thể hiểu biết Thiên Chúa cách cá vị và chúng ta lớn lên trong việc nhận ra tiếng của Người khi chúng ta lắng nghe lời Người và vâng phục sự hướng dẫn của Người. Bạn có tin, như Phêrô đã tin, rằng Ðức Giêsu có những lời ban sự sống đời đời và quyền năng để thay đổi và biến đổi cuộc đời bạn không? Hãy cầu xin Chúa Giêsu gia tăng đức tin của bạn để bạn có thể lớn lên trong sự hiểu biết, tình yêu mến, và phụng sự Người là Chúa và là Ðấng cứu chuộc, là Thầy và là Ðấng chữa lành, là Chủ và là Cứu Chúa của bạn.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa có những Lời ban sự sống đời đời. Xin giúp con loại bỏ tất cả sự nghi ngờ và sợ hãi để con có thể tự do đón nhận lời Chúa với lòng tin cậy hoàn toàn và hân hoan. Con phó thác tất cả cho Chúa. Xin hãy làm Đức Chúa của đời con và làm Chủ tâm hồn con. Chớ chi không có gì ngăn cản con tin cậy vào tình yêu của Chúa và sống theo ý Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây