Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh.

Thứ tư - 22/05/2019 08:27

Thứ Năm tuần 5 Phục Sinh.

"Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn".

 

Lời Chúa: Ga 15, 9-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người.

Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Niềm vui được trọn vẹn

Chúng ta tiếp tục những tâm sự của Chúa Giêsu trao gửi cho chúng ta sau khi đã cùng nhau suy nghĩ về hình ảnh cây nho và cành nho mà Ngài đã dùng để kêu gọi chúng ta gắn bó với Ngài nơi Tin Mừng hôm qua. Hôm nay cũng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta noi gương Ngài như Ngài đã giữ luật truyền của Chúa Cha và ở lại trong Chúa Cha, thì chúng ta cũng hãy giữ luật truyền của Ngài để được ở trong Ngài. Chính vì được ở trong nhau như thế đã làm nên niềm vui và niềm vui của chúng ta được trọn vẹn vì tất cả chúng ta đều có Thiên Chúa ở với mình. Thiên Chúa có niềm vui hoàn hảo, niềm vui viên mãn, niềm vui tràn đầy cho tất cả những ai yêu mến và ở trong Ngài.

Những lời của Chúa Giêsu mời gọi các đồ đệ hãy suy nghĩ nghiêm chỉnh về thái độ sống của mình. Mỗi đồ đệ Chúa đã được chọn, được huấn luyện sống tình thương theo mẫu gương của Chúa. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, lời Chúa luôn mời gọi, khuyến khích, và ân sủng không thiếu cho những ai cầu xin để được nâng đỡ.

Lạy Chúa, xin thương giúp mỗi người chúng con chừa bỏ khuyết điểm của mình. Xin cho chúng con mỗi ngày một sống tình yêu thương của Chúa nhiều hơn. Xin thương ban cho toàn thể Giáo Hội Chúa ơn hiệp nhất và bình an.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Yêu mến và vâng phục

Mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thế chiến thứ II chấm dứt, Đức Gioan Phaolô đã mạnh mẽ kết án các ý thức hệ độc tài và kêu gọi thế giới rút ra bài học từ cuộc chiến dã man ấy. Ngài mời gọi mọi người hướng nhìn về bao nhiêu trại tập trung trên thế giới, đó là biểu trưng của những hậu quả tàn khốc do các ý thức hệ độc tài.

Nhân loại có lẽ vẫn chưa học được bài học từ thế chiến thứ hai. Ngày nay nhiều cuộc xung đột đẫm máu vẫn còn xâu xé nhiều miền trên thế giới. Đức thánh cha đặc biệt kêu gọi giới trẻ hãy từ bỏ những ý thức hệ bạo động, những hình thức chủ nghĩa quốc gia quá khích và những hình thức bất khoan dung, vì đó là con đường dẫn đến chiến tranh. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tựu trung là một lời kêu gọi học sống yêu thương.

Tin mừng hôm nay là một bài học về yêu thương. Lý luận của Chúa Giêsu thật rõ ràng: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Con, Chúa Con đã ở trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Cha. Nhưng Chúa Con cũng đã yêu thương các môn đệ bằng chính tình yêu này và các môn đệ cũng có thể ở lại trong tình yêu này bằng cách tuân giữ giới răn của Chúa Con. Như vậy đối với Chúa Con: yêu thương và vâng phục là một. Chúa Con yêu mến Chúa Cha bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài, các môn đệ cũng phải yêu mến Chua Con bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Do đó yêu thương thật sự và trọn hảo là sẵn sàng hy sinh quan điểm của mình để tin tưởng người khác, nhưng không phải do sợ hãi hoặc tính toán, mà là để làm theo ý muốn và ước nguyện của người mình yêu. Không có sự kết hợp của hai ý muốn, tình yêu sẽ không bao giờ được trọn vẹn. Sự tuân phục lẫn nhau là tiêu chuẩn đích thực của một tình yêu trưởng thành.

Xét cho cùng, một tình yêu đích thực đòi hỏi phải chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Đó cũng là nền tảng của một xã hội tốt đẹp. Giềng mối của mọi đố kỵ, chia rẽ dẫn đến bạo động, hận thù và chiến tranh chính là thái độ bất khoan dung. Khi không chấp nhận để người khác có một suy nghĩ khác với mình, một niềm tin và một cách sống khác với mình, người ta sẽ tìm cách hạn chế tự do hoặc loại trừ người khác.

Hãy thay đổi tâm lòng, hãy mang lấy một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, đó là điều  mà chúng ta phải cầu xin trong cuộc sống mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Vui lên: Thiên Chúa yêu anh em

Những lời của Đức Giêsu là một mặc khải đem lại vui mừng cho chúng ta: “Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được đầy tràn”. Thường thường mặc khải cho thấy chúng ta là bạn của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương, không phải để mang hạnh phúc đến cho chúng ta. Tin mừng chỉ trao cho ta một tấm vé nhỏ in câu: “Cười đi Chúa yêu bạn đấy”, rồi lại để cho chúng ta rơi vào buồn chán, buồn tủi.

Thế là khiến ta mỉm cười … một nụ cười chế diễu, ngây ngô, vô hạn. Tình yêu Thiên Chúa đem lại cho chúng ta có vẻ vô ích, hư thực, dường như tình yêu trong tiểu thuyết nực mùi nước hoa hồng.

Chúng ta bị cản trở khi tìm hiểu thực chất của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, bởi vì chúng ta không thấu triệt được, không kết hợp được với tình yêu Thiên Chúa, dù có cố gắng tìm tòi với bao mồ hôi, với những lý sự vụn vặt và công sức mạo hiểm. Cho dù có những ông bác học, ông Mỹ, ông Pháp tài giỏi đến đâu muốn giúp chúng ta hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, thì tình yêu đó vẫn quá xa ta, vẫn vô nghĩa và chẳng giúp được gì.

Tình yêu của Thiên Chúa được thấu hiểu tường tận, tình yêu mà Chúa Cha ban cho ta, sẽ trở nên nguồn vui vô tận. Bởi vì đây là tình yêu bác ái giúp chúng ta đi tới kết hợp với Thiên Chúa trong sự toàn thiện bản tính loài người chúng ta, dẫn chúng ta đến kết quả mỹ mãn, làm chúng ta hoàn hảo trọn vẹn.

Nếu chúng ta hiểu được mặc khải mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta nên bạn hữu của Ngài, tham dự vào gia nghiệp của Ngài, chúng ta sẽ càng hy vọng trở nên tốt hơn, hạnh phúc hơn, lúc đó chúng ta sẽ trung thành hơn với tình yêu của Thiên Chúa.

Tới lúc đó, những khô khan và nghi ngờ sẽ chấm dứt và chúng ta sẽ vui mừng xưng hô lên rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu này trở thành sinh lực dồi dào và gắn bó chặt chẽ Thiên Chúa với chúng ta. Lúc đó niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.

C.G

 

SUY NIỆM 4: NẾU... THÌ SẼ...! (Ga, 15, 9-11)

Đau buồn, trăn trở, xao xuyến và lưu luyến trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân là lẽ thường tình. Nhất là sự ra đi ấy lại là cái chết. Vì thế, trước sự chia lìa đó, người ta thường trăn trối cho nhau những lời tâm huyết phát xuất từ đáy lòng. Người trăn trối thì thỏa lòng, người đón nhận thì trân trọng và coi đây như lời thiêng liêng nên tìm mọi cách để thi hành.

Hôm nay, Đức Giêsu biết mình sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, nên trong tình nghĩa thầy trò và nhất là vì sứ vụ chuyển trao, nên Đức Giêsu đã có những lời trăn trối với các môn đệ: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy”. Tiếp theo, Ngài căn dặn các ông: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

Đến đây, chúng ta liên tưởng đến những lời truyền dạy của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Như vậy, với văn mạch, chúng ta có thể hiểu rằng: lệnh truyền yêu thương là điều Đức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ của mình... Ngài cũng muốn các ông trải dài lệnh truyền ấy không chỉ bằng lời nói, mà là hành động.

Tuy nhiên, suốt hơn hai ngàn năm qua đi, sự giàu có, quyền lực và thực dụng... đã làm cho con người ngày càng xa rời nhau khi sự phân biệt giàu nghèo được thiết lập ngay tại tâm can của con người. Vì thế, người ta không ngừng củng cố uy tín bằng quyền lực mà quên đi tình thương. Sự liên đới trong tinh thần trách nhiệm phải chăng là điều xa xỉ, quan điểm chụp giật là đề tài được nhiều người lựa chọn! Bởi vì mục đích của họ là thỏa mãn cái bụng, củng cố cái ghế, chứ không phải sống và thi hành tâm tư lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thế nên, xã hội và con người hôm nay nhiều khi không màng chi đến tín nghĩa, ân tình và lòng từ bi thương xót... Lời trăn trối của Đức Giêsu khi xưa phải chăng đã đi vào quên lãng?

Không! Nếu con người và xã hội hôm nay không chấp nhận đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, thì chúng ta, những người Kitô hữu, mỗi người không thể thờ ơ trước lời trăn trối đầy yêu thương của Đức Giêsu được. Bởi lẽ đây là điều căn bản thể hiện căn tính của người Công Giáo. Mất đi bản chất này, chúng ta không còn là Kitô hữu đúng nghĩa!

Lạy Chúa Giêsu, những lời trăn trối của Chúa hôm nay đã làm cho mỗi người chúng con phải tự cật vấn lương tâm mình, để sống sao cho phù hợp với tư cách người môn sinh của Chúa trong thế giới hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Niềm vui trọn vẹn

 

Kitô giáo gắn liền với thánh giá.

Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá.

Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh,

mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu,

từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang.

Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát,

nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn.

Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo.

Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình:

“Thầy đã nói với anh em những điều ấy,

để niềm vui của Thầy ở trong anh em,

và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11).

Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn.

“Con nói những điều này lúc còn ở thế gian

để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13).

Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy:

“Cứ xin đi, anh em sẽ được,

để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).

Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ.

Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy.

Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình,

và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này,

bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ.

Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến,

“nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20).

Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn,

vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy.

Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy,

Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b).

Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy,

để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a).

Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha,

nên ai giữ lệnh Thầy truyền

cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con.

Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn.

Và con người tưởng mình có thể tìm được

bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình.

Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ.

Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền.

Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu!

Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy!

Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu.

Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc

ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,

nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười

khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.

Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.

Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau

khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.

Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.

Nụ cười ấy hòa với niềm vui

của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,

có những niềm vui

Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,

có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.

Xin dạy chúng con biết tươi cười,

cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.

Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,

dù không phải tất cả đều màu hồng.

Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,

nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.

Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,

vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương

và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

SUY NIỆM

1. Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa (c. 9a)

Trong bầu khí của Bữa Tiệc Ly, nghĩa là bầu khí của “tình yêu đến cùng”, được Đức Giê-su diễn tả qua cử chỉ rửa chân và nhất là qua bí tích Thánh Thể, Người nói:

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.

Tình thương được thông truyền và thông truyền cách trọn vẹn: “thế nào… như vậy”, vì đó là bản chất của tình thương, từ Cha sang Con và từ Con sang anh em của Con. Đây là một mạc khải vô cùng lớn lao về một tình yêu mà không một ai dám nghĩ tới hay mơ tưởng: Chúa Cha yêu mến Đức Giê-su bằng một tình yêu hiền phụ trong Thánh Thần, thì Đức Giê-su cũng yêu mến các môn đệ bằng một tình yêu tình yêu hiền phụ trong Thánh Thần như thế, không thể khác hơn được; Chúa Cha yêu Đức Giê-su hết lòng, hết sức, và trao ban tất cả, thì Đức Giê-su cũng yêu mến các môn đệ như thế, không giảm bớt.

Và tình thương mà Đức Giê-su dành cho các môn đệ và cho mọi người là một tình yêu đến cùng, một tình yêu “hiến mạng vì bạn hữu”, được diễn tả bởi hành vi rửa chân, và ơn huệ Thánh Thể được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá. Tình yêu này đến từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, như thánh Gioan đã nhận ra và kinh nghiệm sâu xa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8. 16) và “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con  Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết” (Ga 3, 16).

Chúng hãy xin được hiểu và cảm nếm tình yêu Đức Giê-su dành cho chúng ta, vì đó cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Đức Giê-su: vừa thiết thân và gần gũi, nhưng cũng vừa lạ lùng và khôn dò. Chúng ta hãy ngỡ ngàng và không ngừng làm mới lại kinh nghiệm ngỡ ngàng này: tại sao Thiên Chúa đã yêu thương và chọn lựa tôi, một tội nhân bất xứng, như Thiên Chúa đã yêu thương Đức Giê-su, Người Con Yêu Dấu, vô cùng thánh thiện của Người? Không những thế, Thiên Chúa lại còn ước ao tôi ở lại trong tình thương của Ngài, để có niềm vui trọn vẹn nữa. Thật là một điều vô cùng mầu nhiệm và cao quý mời gọi tôi phải khám phá mỗi ngày: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1).

2. Ở lại trong tình thương (c. 9b-10)

Tiếp đến, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi lưu lại trong tình thương của Người, vốn là tình thương thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một lời mời gọi yêu thương, vì thế, Người tôn trọng tự do của chúng ta: chúng ta có thể tự do lưu lại và bỏ đi; và để lưu lại, chúng ta được mời gọi giữ các điều răn của Người.

(A) Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (c. 9b)

 

(B) Giữ các điều răn (c. 10a)

(A’) Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy (c. 10b)

Nguồn và mẫu: Đức Giê-su giữ các điều răn của Chúa Cha và ở lại trong tình thương của Người (c. 10c)

Để hiểu điều mà Đức Giê-su gọi là “điều răn”, chúng ta hãy so sánh với “lề luật”. Lề luật (tiếng Hi-lạp: nomos) là một nguyên tắc vô hồn, trong mức độ đó là chữ, chứ không phải lời, dành cho nhiều người, và trong mọi tình huống không gian và thời gian. Trong khi điều răn (tiếng Hi-lạp: entolê) là lời dặn dò sống động của một người dành cho một người trong một mối tương quan đặc thù và có chiều dày lịch sử (x. St 2, 25). Vì thế, Đức Giê-su không ban lề luật, nhưng ban điều răn, nghĩa là những lời dặn dò Người dành cho các môn đệ trong bối cảnh bữa tiệc li, nghĩa là bối cảnh “tình yêu đến cùng”, và sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài, được ghi khắc bởi tình yêu nhưng không và lòng tin tưởng.

Trước đó, Đức Giê-su còn nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy… Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy” (Ga 14, 23-24). Như thế, ở lại trong tình thương của Người có nghĩa là yêu mến Người. Lời nói này của Đức Giê-su thật đơn sơ và thật nhân tính; thật nhân tính, là bởi vì ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: yêu nhau thì giữ lời nhau; giữ lời nhau thì là yêu nhau! Lời nói đơn sơ và nhân tính, nhưng lại mặc khải cho chúng ta căn nguyên sâu xa của tội nguyên tổ, và vì thế, căn nguyên sâu xa của mọi tội của loài người và của chính chúng ta: đó là không yêu mến. Còn chúng ta, những người sống Giao Ước hôn nhân hay đời tu, như là “lề luật” hay như là “điều răn”? Sống Giao Ước như những “điều răn”, là sống như những lời dặn dò yêu thương của một người dành cho một người trên nền tảng giao ước tình yêu nhưng không.

Khuôn mẫu là cách Đức Giêsu giữ các điều răn của Chúa Cha. Ở đây chúng hãy lấy làm lạ: Đức Giêsu cũng phải giữ các điều răn của Thiên Chúa như chúng ta! Bởi vì đó là sự diễn tả cụ thể của tình yêu.

3. Niềm vui (c. 11)

Và lý do tận cùng của việc giữ điều răn, đó không phải là để trắc nghiệm, thử thách hay làm khó chúng ta để xem chúng ta có xứng đáng hay không, nhưng là niềm vui:

Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy,
và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Theo Tin Mừng Gioan, trong diễn từ biệt ly, Đức Giê-su nói đến niềm vui nhiều lần (x.Ga 15, 11; 16, 20-22. 24; 17, 13). Đặc biệt là sau cuộc Thương Khó, mỗi khi Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra, Người thông truyền niềm vui và bình an cho các môn đệ. Đó là một niềm vui sâu xa và bền vững (x. Ga 17,13; 1Ga 1, 4; 2Ga 12), cho dù phải trải qua những gian truân và thử thách (Ga 16, 20-24; 14, 28).

*  *  *

Như thế, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ, muốn chúng ta ngay hôm nay hưởng niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Điều này hoàn toàn phù hợp với hình ảnh “trái nho và rượu nho” diễn tả và mang lại niềm vui. Điều Ngài muốn chỉ có thể là niềm vui mà thôi, bởi vì là tình thương. Tình thương đem lại niềm vui, niềm vui ngay trong hành vi cho đi tất cả, hy sinh tất cả, dâng hiến tất cả.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy

Thursday (May 23): “Abide in my love”

 

 

Scripture: John 15:9-11  

9 As the Father has loved me, so have I loved you; abide in my love. 10 If you keep my commandments, you will abide in my love, just as I have kept my Father’s commandments and abide in his love. 11 These things I have spoken to you, that my joy may be in you, and that your joy may be full.

Thứ Năm     23-5     Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy

 

Ga 15,9-11

9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Meditation: 

 

Do you know the love that no earthly power nor death itself can destroy? The love of God the Father and his Son, the Lord Jesus Christ is a creative, life-giving love that produces immeasurable joy and lasting friendship for all who accept it. God loves the world so much because he created it to reflect his glory. And he created each one of us in his own image and likeness (Genesis 1:26-27). He wants us to be united with himself in an inseparable bond of unity, peace, and joy that endures for all eternity. That is why the Father sent his Son, the Lord Jesus, into the world, not to condemn it, but to redeem it from the curse of sin and death (John 3:16-17). Paul the Apostle tells us that we can abound in joy and hope because God’s love has been poured into our hearts through the gift of the Holy Spirit who has been given to us (Romans 5:5).

Through Jesus’ sacrifice on the cross, God offers pardon for all of our sins and failings, and he calls us to lay aside everything that might hold us back from loving him above all else. We owe him a debt of gratitude and love in return. We can never outmatch God because he has loved us first and has given himself to us without measure. Our love for him is a response to his exceeding mercy and kindness towards us. In God’s love alone can we find the fulness of abundant life, peace, and joy.

A new commandment of love 

The Lord Jesus gives his disciples a new commandment – a new way of love that goes beyond giving only what is required or what we think others might deserve. What is the essence of Jesus’ new commandment of love? It is love to the death – a purifying love that overcomes selfishness, fear, and pride. It is a total giving of oneself for the sake of others – a selfless and self-giving love that is oriented towards putting the welfare of others ahead of myself.

There is no greater proof in love than the sacrifice of one’s life for the sake of another. Jesus proved his love by giving his life for us on the cross of Calvary. Through the shedding of his blood for our sake, our sins are not only washed clean, but new life is poured out for us through the gift of the Holy Spirit. We prove our love for God and for one another when we embrace the way of the cross. What is the cross in my life? When my will crosses with God’s will, then God’s will must be done. Do you know the peace and joy of a life fully surrendered to God and consumed with his love?

 

“Lord Jesus, may I always grow in the joy and hope which your promises give me. Inflame my heart with love for you and your ways and with charity and compassion for my neighbor. May there be nothing in my life which keeps me from your love.”

Suy niệm:

 

Bạn có biết tình yêu mà không sức mạnh thế gian nào hay cái chết có thể hủy diệt không? Tình yêu của Chúa Cha và Con của Người, Chúa Giêsu Kitô là một tình yêu sáng tạo và ban sự sống, phát sinh niềm vui khôn lường và tình bằng hữu vĩnh cửu cho tất cả những ai đón nhận nó. Thiên Chúa yêu thương thế gian vô cùng bởi vì Người đã tạo dựng nên nó để phản ánh vinh quang của Người. Và Người đã tạo dựng mỗi một người chúng ta giống hình ảnh của Người (St 1,26-27). Người muốn chúng ta được kết hiệp với Người trong một mối dây không thể chia cắt của sự hiệp nhất, bình an, và niềm vui, sẽ tồn tại mãi mãi. Ðó là lý do tại sao Cha đã sai Con mình, Chúa Giêsu, vào thế gian, không phải để lên án nó, nhưng để cứu chuộc nó khỏi tai họa của tội lỗi và sự chết (Ga 3,16-17). Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng chúng ta có thể có nhiều niềm vui và hy vọng bởi vì tình yêu Thiên Chúa đã rót vào lòng chúng ta ngang qua hồng ân Chúa Thánh Thần, Ðấng đã được ban cho chúng ta (Rm 5,5).

Ngang qua hy tế của Ðức Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa ban sự tha thứ cho tất cả tội lỗi và thiếu sót của chúng ta và Người mời gọi chúng ta dẹp bỏ mọi thứ có thể níu kéo chúng ta khỏi việc yêu thương Người trên hết mọi sự. Chúng ta nợ Người món nợ của sự biết ơn và tình yêu đáp trả. Chúng ta có thể không bao giờ vượt trổi hơn Thiên Chúa bởi vì Người đã yêu thương chúng ta trước và ban chính Người cho chúng ta mà không tính toán. Tình yêu của chúng ta dành cho Người là sự đáp trả trước lòng thương xót và nhân hậu vô cùng dành cho chúng ta. Chỉ trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tìm thấy trọn vẹn sự sống, bình an, và niềm vui sung mãn.

Điều răn yêu thương mới

Chúa Giêsu ban cho các môn đệ một điều răn mới – một cách thức yêu thương mới mà hơn cả việc chỉ cho đi những gì được đòi hỏi hay những gì chúng ta nghĩ người khác xứng đáng. Bản chất của điều răn yêu thương của Ðức Giêsu là gì? Ðó là yêu cho đến chết – một tình yêu tinh ròng vượt trên sự ích kỷ, sợ hãi, và kiêu căng. Ðó là sự cho đi chính mình hoàn toàn vì ích lợi của người khác – một tình yêu vị tha và hy sinh hướng tới việc đặt ích lợi của người khác trên chính mình.

 

 

Không có bằng chứng tình yêu nào lớn hơn sự hy sinh mạng sống mình vì người khác. Ðức Giêsu đã minh chứng tình yêu của Người bằng việc trao ban mạng sống mình cho chúng ta trên thập giá ở đồi Canvê. Ngang qua sự đỗ máu của Người vì chúng ta, tội lỗi của chúng ta không chỉ được rửa sạch, nhưng sự sống mới được ban cho chúng ta qua hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta minh chứng tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa và cho nhau khi chúng ta đón nhận con đường thập giá. Thập giá trong đời tôi là gì? Khi ý tôi trái ngược với ý của Thiên Chúa, thì ý của Thiên Chúa phải được thực hiện. Bạn có biết sự bình an và niềm vui của đời sống quy phục hoàn toàn trước Thiên Chúa và được đốt cháy với tình yêu của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con luôn luôn lớn lên trong niềm vui và hy vọng mà những lời hứa của Chúa ban cho con. Xin hãy đốt cháy lòng con với tình yêu dành cho Chúa và những đường lối của Chúa và với lòng bác ái và trắc ẩn dành cho tha nhân. Chớ chi không có gì trong đời con ngăn cản con trước tình yêu của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây