THỨ BẢY TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN-2/11
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Ga 6,37-40
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.
39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.
40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”
SUY NIỆM:
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào tháng Mười Một, tháng cầu nguyện cách đặc biệt cho các đẳng linh hồn nơi luyện ngục. Việc làm này mang 2 giá trị thưa anh chị em:
Giá trị thứ nhất là chúng ta đang cùng nhau tuyên xưng niềm tin vào sự sống đời sau.
Chính Chúa Giêsu cho biết: “Ý muốn của Thiên chúa là tất cả những ai thấy và tin vào Người Con thì được sống muôn đời, và Ngài sẽ cho sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40). Lần khác, Chúa Giêsu cũng đã khẳng định rằng: “Chính Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin Ta, sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 25-16).
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô cho thấy chúng ta có lý do để tin như thế thưa cộng đoàn, bởi vì“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1 Cr 15,20-21).
Do đó, chúng ta hãy mượn lại lời của ông Gióp để tuyên xưng rằng: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế, tôi sẽ từ bụi đất sống lại, và trong thân thể này, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Đấng Cứu Độ tôi” (x. G 19,25-27). Đó là giá trị thứ nhất.
Giá trị thứ hai, tháng các linh hồn còn là cơ hội để chúng ta sống tròn chữ hiếu.
Những ai khi ông bà cha mẹ còn sống, luôn yêu thương chăm sóc và phụng dưỡng, đừng nghĩ như thế là đủ. Chữ hiếu không dừng lại khi các ngài an nghỉ, nhưng còn kéo dài mãi cho đến lúc các ngài được an giấc ngàn thu. Còn những ai khi ông bà cha mẹ còn sống đã vô tình hay hữu ý sống đạo làm con chưa tròn, thì đây là cơ hội để chúng ta bù đắp.
Vậy trong tháng Mười một này, chúng ta cần phải làm những gì?
Thứ nhất, hãy cầu nguyện cho các ngài. Sách Khôn ngoan cho biết, các linh hồn ấy vẫn đang sống, họ đang khát mong và hy vọng vào lời cầu nguyện của chúng ta (x.Kn 3, 1-4). Do đó, chúng ta không chỉ nhớ đến và cầu nguyện cho các linh hồn vào các dịp giỗ chạp, dịp lễ tết, hay chỉ đơn thuần trong tháng Mười Một này rồi hết; nhưng hãy cầu nguyện mỗi ngày thưa anh chị em. Mỗi ngày anh chị em đừng quên lặp đi lặp lại lời quen thuộc này: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi. Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời, sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen”.
Thứ hai, hãy thường xuyên nhang đèn hương khói cho các ngài. Đừng để di ảnh hay phần mộ của ông bà cha mẹ trở nên lạnh lẽo cô đơn. Đừng để phần mộ của người ta thì hoa tươi nến sáng, còn phần mộ của cha mẹ mình thì cỏ dại bao vây.
Ngoài 2 việc làm ấy, anh chị em còn phải nhớ đến một việc làm thứ ba, đó là hãy nhớ lại và thực hiện ước nguyện của ông bà cha mẹ lúc các ngài nhắm mắt lìa đời.
Nỗi lo lắng lớn nhất của người làm cha làm mẹ trước khi về với Chúa, đó là đời sống đức tin của con cháu, vì các ngài lo từ nay không còn ai nhắc nhở bảo ban. Các ngài ước mong con cháu của mình chú tâm vào việc giữ đạo và sống đạo. Các ngài sợ con cháu vì lời lãi thế gian mà đánh mất phần rỗi linh hồn.
Một ước nguyện khác không thể thiếu của các bậc làm cha mẹ, đó là ước mong con cái cháu chắt luôn sống hòa thuận yêu thương nhau: không chia rẽ, không thù ghét; nhưng yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Đó là 4 ước nguyện mà những người đã khuất luôn ấp ủ canh cánh trong lòng.
Ngay giờ phút này, mỗi người hãy nhìn vào lòng mình và trả lời cho những người thân yêu đang an giấc đây rằng: Mình có thường xuyên cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ hay không? Mình có thường xuyên nhang đèn hương khói nơi phần mộ và trước di ảnh của các ngài hay không? Mình có sống đạo tử tế như lòng các ngài ước nguyện không? Và anh chị em trong nhà có sống hòa thuận thương yêu nhau hay không?
Phận làm con làm cháu, một lát nữa đây sau Thánh lễ này, mỗi người hãy đến trước phần mộ của người thân mình và hứa với các ngài sẽ quyết tâm thực hiện, để các ngài được yên giấc bình an, và để lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay được đẹp lòng Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: “SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU”
Trong ca khúc “Diễm xưa”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết một câu rất triết lý: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”. Tại sao sỏi đá lại cần có nhau?
Có lần ghé thăm Chùa Hang ở Long Hương, tôi tình cờ “khám phá” ra ý nghĩa những ca từ đó.
Sỏi và đá không cân xứng nhau chút nào. Đá lớn, sỏi nhỏ. Những viên sỏi nhỏ phải cần tựa vào tảng đá lớn chứ. Nhưng thật lạ lùng, những tảng đá dù lớn cũng cần đến những viên đá nhỏ chèn bên dưới chân để nó vững vàng với thời gian. Đôi khi tảng đá lớn cần điểm tựa nơi viên sỏi nhỏ để đứng vững. Một dáng đá đẹp cũng cần những viên đá nhỏ đỡ nâng. Như thế, để tồn tại, sỏi đá cũng cần có nhau.
“Sỏi đá cũng cần có nhau”, phương chi là con người. Người với người sống để yêu nhau. Người sống và người chết cũng luôn cần có nhau.
Mầu Nhiệm Hội Thánh Thông Công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu. Tháng 11 đã về. Người sống nhớ đến những người đã an nghĩ, hiệp thông cầu nguyện, dâng những hy sinh hãm mình, những việc bác ái như là nghĩa cử biểu lộ lòng yêu thương đối với người đã khuất với tình hiệp thông trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Mỗi khi dâng lễ, đọc “Kinh nguyện Thánh Thể III”, tôi cảm nhận đây là kinh nguyện hiệp thông sâu xa của Đại Gia Đình Hội Thánh vinh thắng, lữ hành và thanh luyện: "Lạy Chúa, chúng con nguyện xin Của Lễ hoà giải này đem lại bình an và cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến, cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng …và Đức Giám Mục… chúng con, cùng toàn thể hàng Giám Mục và giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa.
Xin Chúa thương nhậm lời cầu của gia đình mà Chúa đã muốn tụ họp trước tôn nhan Chúa đây. Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về với Cha.
Xin Cha thương đến anh chị em chúng con đã ly trần và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã sống đẹp lòng Cha mà nay đã lìa cõi thế. Xin thương nhận hết thảy vào nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ tới để cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, nhờ Người, Cha rộng ban muôn ơn lành cho thế gian. ". Lời kinh tuyệt đẹp, trọn vẹn trong tình yêu hiệp thông.
Giáo hội mở kho tàng ân xá là công nghiệp của Các Thánh để nhường cho các linh hồn nơi luyện tội. Giáo hội khuyến khích tín hữu dâng lễ, lần chuỗi, viếng thăm các nghĩa trang, tảo mộ, cầu nguyện cho các linh hồn. Đó là sự hiệp thông trong đức tin, trong bí tích, trong đức ái, trong cầu nguyện và là mối hiệp thông mật thiết trong đại gia đình Giáo hội.
Trong tương quan “cũng cần có nhau”, đặc biệt là với những người đã qua đời, Kitô hữu được gọi là người “tận tình với sự chết, nhiệt tình với sự sống”.
Mỗi khi thắp nén nhang trên phần mộ người chết, nhìn theo làn khói nhẹ toả bay, ta cũng nâng tâm hồn lên tới Chúa là nguồn sự sống.
Mỗi khi đặt bó hoa tươi trên phần mộ người thân yêu, ta thấy được mùa xuân vĩnh cửu đang bừng lên từ khắp những nấm mồ chung quanh.
Hương khói và những ngọn nến lung linh. Một bầu khí tĩnh mịch trầm lắng và thánh thiện nơi nghĩa trang. Cảnh vắng lặng của một thế giới đang tan thành bụi đất như đang nói về sự rũ bỏ những vướng víu để đạt tới thành toàn viên mãn. Vài người thắp nến trên phần mộ người thân thương, ánh sáng toả ra một vùng nhỏ,toả vào ký ức nhớ những người thân đã khuất bóng.Gia đình cùng đọc kinh rồi im lặng để hình ảnh người đã khuất hiện dần lên trong trí nhớ. Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà, bởi hình hài thể phách vật chất không còn nữa. Nghĩa trang là thế giới của tan rã, chỉ có bụi đất và cỏ cây. Những người chết không còn nói năng,ăn uống,đi đứng, cảm xúc,nghĩ ngợi, nổi niềm, không ham muốn, không lo âu, không hoạch định, không gắng sức. Họ đã bước vào cõi đời đời sau khi đã đi qua thế giới hữu hạn. Họ trải qua mùa đông ảm đạm của sự chết để đi vào mùa xuân vĩnh cửu của sự sống thiên quốc. Như hạt lúa gieo xuống lòng đất tuy có bị thối đi, nhưng chính từ trong hạt giống mục nát, một cây lúa mới mọc lên (Ga 12, 24). Con người cũng vậy, chỉ có thể bước vào sự sống đời đời qua ngưỡng cửa sự chết. Chết là điều kiện để triển nở và thành toàn.Chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ sung mãn hơn. Cuộc sống đời này và mọi sự trong đó chỉ là tạm bợ và tất cả sẽ qua đi, để hướng đến đích điểm của nó. Tiến trình qua đi và hướng đến này được thực hiện bằng sự chết đi - sống lại liên tục trong chính sự sống của vạn vật và con người, trên phương diện vật chất cũng như tinh thần. Trong đó, định hướng thành toàn thì luôn luôn bền vững, nhưng phương cách biến chuyển để thành toàn thì luôn thay đổi.
Thường tình, phải có mùa đông giá lạnh, mới tới được mùa xuân ấm áp.Thường tình, lá cũ phải rụng xuống, mới nảy sinh ra mầm non. Cũng vậy, phải có những khổ đau, phải có sự chết mới có sự sống lại: “Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 25). Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi.
Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho nhân loại con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Người đã thực hiện. Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa đã làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.
Sự sống mới trong Chúa Kitô sẽ không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì: “Ðức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống”.
Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã Sống Lại để trao ban sự sống mới, sự sống của Ðấng Phục Sinh.
Chúa Giêsu đã thắng được những xao xuyến, thắng được những tuyệt vọng. Người đã biến cái hố thẳm hay biển cả mênh mông ngàn trùng xa cách giữa con người và Thiên Chúa thành biển cả tình thương liên kết hiệp nhất Thiên Chúa và loài người.
Thập Giá Ðức Kitô trở nên con đường giao hoà và như chiếc thang nối liền trời và đất, kết hợp Thiên Chúa và loài người.
Từ nay, yếu tính sự chết đã được biến đổi. Sự chết không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang Thiên Quốc. Thánh Phaolô viết: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (1 Cr 1, 12); “Chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá hủy đi, thì chúng ta có nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cữu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5,1). Những ai có lòng tin sẽ coi đời sống là một cuộc thử thách, đau khổ sẽ qua đi và chính đau khổ sẽ là phương tiện tiến tới vinh quang.
Cho đến lúc hồn ta trong hơi thở
Vẫn yên vui về cõi chết xa xôi.
Và u buồn là những đoá hoa tươi,
Và đau khổ là chiến công rực rỡ.
(Chế Lan Viên)
Tin và sống trong ân tình của Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm sống của sự sống đời đời: "Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết" ( Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14 ). Không bao giờ chết chính là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.
Niềm tin vào sự sống mai sau đem lại cho nhân loại niềm vui và hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của con người hôm nay. Niềm tin đó thôi thúc mỗi người sống theo Tin Mừng Chúa Giêsu. Niềm hy vọng ấy thôi thúc người đang sống hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ, làm việc lành phúc đức nhiều hơn trong tháng 11 này để cầu cho những người thân yêu và các tín hữu đã ra đi trước được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.
Thiên Chúa dựng nên con người để con người được hưởng hạnh phúc đời này và cả đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau. Cần có nhau trong cuộc sống và trong niềm tin để giúp nhau đạt đến hạnh phúc viên mãn
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM: TƯỞNG NHỚ NGƯỜI ĐÃ RA ĐI
Khi tưởng nhớ đến người đã qúa cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc khơi dậy nơi những người còn đang sống trên trần gian. Tâm tình này đạo đức và rất tình người. Tâm tình này cũng dẫn đưa chúng ta đến suy nghĩ về những khác biệt trong đời sống của con người. Nhưng mọi người đều có ngày mở mắt chào đời từ trong cung lòng mẹ đi ra. Và ai cũng có ngày sau cùng của đời sống rồi được bọc trong cỗ áo quan chôn vùi dưới lòng đất. Những người đã ra đi khỏi cuộc sống trần gian về thế giới bên kia và những người còn đang sống, trước sau vẫn thuộc về nhau. Tất cả đã cùng chung sống với nhau. Chúng ta và họ đã cùng chia sẻ cuộc sống niềm tin, cuộc sống tình người với nhau.
Họ đã ra đi. Nhưng họ vẫn hằng hiện diện trong trái tim tình yêu mến của chúng ta. Họ vẫn hằng sống động trong tâm tình biết ơn của chúng ta, cùng trong những kỷ niệm ngày đã cùng nhau sống trải qua.
Mỗi khi cùng nhau dâng thánh lễ tưởng nhớ đến người qúa cố, chúng ta muốn nói lên: Không chỉ một mình tôi làm việc này. Nhưng tất cả mọi người trong thánh đường đang cùng dâng thánh lễ cũng tưởng nhớ đến thân nhân của họ đã qúa cố.Vì cuộc đời ai mà không có lần đau buồn chia lìa vĩnh biệt người thân của mình đã qua đời.
Và trong thánh lễ tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô không chỉ chúng ta người còn đang sống, mà cả những người đã qúa cố cùng quây quần bên bàn tiệc thánh lễ: Tôi tin các Thánh cùng thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
Bánh Thánh, Mình Máu Chúa Giêsu nối kết người còn sống và người đã qua đời lại với nhau trong niềm tin và tình yêu mến.
Với niềm tin và tâm tình yêu mến chúng ta hôm nay:
1. Tưởng nhớ đến Tổ tiên, Ông Bà, cha mẹ đã ra đi về cùng Thiên Chúa.
Họ là những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta nên người khôn lớn. Họ là những người đã không chỉ nuôi dưỡng chúng ta bằng sữa, bằng cơm ăn áo mặc, lo lắng cho sức khỏe. Nhưng họ đã hy sinh suốt cả cuộc đời làm tròn nhiệm vụ là cha mẹ được Thiên Chúa giao phó, nuôi dạy uốn nắn đời sống đức,tin tinh thần đạo đức của chúng ta.
Tình yêu đó, công ơn đó xin muôn đời ghi nhớ, và mỗi khi dâng Thánh lễ chúng con đều nhớ đến và mang dâng lên bàn thờ Chúa.
2. Tưởng nhớ đến những người thân yêu ruột thịt trong gia đình đã an giấc ngàn thu: họ là chồng hay vợ; là con cái, cháu chắt, anh chị em, cậu cô chú bác, cô dì.
Với họ chúng ta đã cùng nhau trải qua những chặng đường đời sống vui buồn cay đắng ngọt bùi, đã cùng nhau sống những giờ phút thành công cũngnhư thất bại, hy vọng có lo âu sợ sệt cũng có. Một phần đời sống của ta từ nơi họ và một phần đời sống của họ cũng từ nơi ta.
Ân nghĩa, tình yêu và những kỷ niệm này luôn hằng khắc ghi trong tâm khảm ngươì còn đang sống, và xin dâng lên bàn thánh hợp cùng hy lễ Chúa Giêsu trên thánh giá.
3. Xin tưởng nhớ đến các linh mục, những người được Thiên Chúa và Hội Thánh trao nhiệm vụ săn sóc việc tinh thần đạo đức cho các tín hữu trong các xứ đạo.
Sau những năm tháng âm thầm hy sinh làm việc tông đồ, họ đã nghe tiếng Chúa gọi trở về đời sau. Sự hy sinh và lòng quảng đại sống rao giảng, làm nhân chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa trong các xứ đạo của linh mục là ân đức của Chúa ban tặng cho con người. Người tín hữu Chúa Kitô vui mừng và cảm thấy an ủi vì có linh mục, vị hướng dẫn tinh thần, là người cùng đồng hành với trong cuộc sống niềm tin vào Thiên Chúa. Linh mục vui và cảm thấy được nâng đỡ vì có Thiên Chúa ở cùng ông trong mọi hoàn cảnh và nhất là được cùng chung sống xây dựng phát triển đời sống niềm tin với mọi người tín hữu. Các cha nằm nơi nghĩa trang sâu trong lòng đất mẹ. Nhưng những người tín hữu xưa kia đã cùng chung sống trải qua trong xứ đạo không quên ơn các cha. Nơi bàn thánh xưa kia các cha cùng dân Chúa dâng thánh lễ, ngày nay khi dâng thánh lễ họ cùng hợp với của lễ Chúa Giêsu nhớ đến cầu nguyện cho các cha.
4. Xin nhớ đến các Nữ Tu cùng các Thầy Dòng đã chọn đời sống thanh tịnh theo tiếng gọi của Chúa trong Hội Dòng, đã được Thiên Chúa gọi về đời sau.
Xưa kia các Thầy, các chị em Nữ Tu đã nghe tiếng Gọi của Chúa từ trời cao từ bỏ mọi sự có thể có và được phép hưởng dùng, chọn nhận sống đời khiết tịnh nhiệm nhặt, đời phục vụ cho ích chung của nước Chúa và cho con người.
Đời sống từ bỏ hy sinh vác thánh giá và âm thầm cầu nguyện của các Thầy, các chị em Nữ tu là nhân chứng sống động cho tình yêu Thiên Chúa giữa trần gian. Xin dâng lên bàn thờ Chúa trong các thánh lễ cầu cho các Thầy, các anh chị em Nữ tu.
5. Xin nhớ đến các Bạn Bè người quen thân, các vị ân nhân ngày xưa đã cùng nhau trải qua những giờ phút vui buồn, những kỷ niệm êm đẹp. Giờ đây họ đã thành người thiên cổ.
Xin cám ơn lòng ưu ái tình người chúng ta đã trao cho nhau và xin dâng các Bạn lên bàn thờ Thiên Chúa, Đấng là đời sống và ơn cứu chuộc của con người chúng ta.
6. Xin nhớ đến những nạn nhân đã qua đời vì thiên tai bão lụt, hạn hán, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật và những người mồ côi bơ vơ không có ai nhớ đến.
Họ tất cả cũng là con Chúa và niềm tin dạy chúng ta: Họ cũng được Thiên Chúa cứu độ. Nơi bàn tiệc thánh Chúa Giêsu họ có chỗ ngồi đồng hàng với tất cả mọi người. Xin cùng với ánh nến tình tương liên đới dâng lên bàn thờ Thiên Chúa nguồn tình yêu thương lời kinh cầu nguyện cho linh hồn họ đã về nơi chín suối ngàn thu.
7. Xin tưởng nhớ đến những thành viên trong Cộng đoàn chúng ta đã được Thiên Chúa gọi trở về đời sau.
Cộng đoàn chúng ta được thành lập cho chúng ta, và do chúng ta cùng chung lưng đấu cật xây dựng nên từ những chục năm qua. Những hy sinh đóng góp của mỗi người trong cộng đoàn là những viên gạch xây dựng nên ngôi nhà cộng đoàn đức tin sống động vào Thiên Chúa Ba ngôi.
Mỗi khi nhớ đến những người xưa kia đã cùng chung vai sát cánh xây dựng nên Cộng đoàn, mà giờ đây họ đã ra đi về với Chúa trước chúng ta, Cộng đoàn chúng ta ngậm ngùi nhớ đến họ với lòng biết ơn và cảm phục.
Xin cùng dâng lời kinh tiếng hát hòa lẫn trong làn hương khói và ánh nến cầu nguyện cho họ trước bàn thờ Thiên Chúa Ba ngôi.
8. Xin nhớ đến các em hài nhi đã qua đời hay bị phá hủy sự sống ngay khi đang còn là thai nhi trong thời kỳ phát triển thành hình nơi cung lòng mẹ.
Các em thai nhi vô tội bị phá hủy hình hài sự sống là những Thiên Thần bé nhỏ tí hon của con người trước tòa Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống và lòng nhân lành.
Xin thắp những ngọn nến hồng nhỏ bé nhớ về các Thiên Thần vô tội. Các Thiên Thần tí hon vô tội là những vị cầu bầu cho chúng ta trước ngai tòa Thiên Chúa tình yêu.
9. Trước nấm mồ chúng ta muốn đọc lại sứ điệp của những người đã ra đi về đời sau nhắn gửi lại:
– Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất, hay đã bị thiêu hủy thành tro bụi. Nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Đấng sinh thành ra tôi.
– Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này. Nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ linh hồn tôi và sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt, như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.
– Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây kín bằng xi-măng cát đá. Nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi. Vì Ngài là Cha đời tôi, Ngài hằng yêu mến tôi. Và tôi tâm niệm rằng:
– Những gì ngày xưa tôi xây dựng làm ra, giờ này tôi phải bỏ lại.
– Những gì ngày xưa tôi thu góp tích lũy để dành, giờ này tôi không mang đi được.
– Nhưng những gì ngày xưa tôi cho đi, bây giờ tôi nhận lãnh trở lại
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
SUY NIỆM: SỰ THÁNH THIỆN CỦA TIN MỪNG
Có vẻ như ý nghĩa của hai ngày lễ, lễ Các Thánh Nam Nữ và lễ Cầu Hồn (thói quen vẫn gọi như thế), đã quá rõ ràng và đơn giản: một lễ mừng chung tất cả mọi vị thánh, nhất là các vị không có ngày kính riêng, và một dịp cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội, chưa được lên thiên đàng vui hưởng với các thánh. Một ngày mừng cho các vị đã thành công, ngày khác nhắc nhở hỗ trợ các vị chưa đạt tới đích. Cứ cho là như thế đi, tuy nhiên nếu dựa trên Lời Chúa hoặc nhìn từ khía cạnh ơn cứu độ, ta thấy vẫn cần phải khám phá lại ý nghĩa đích thực của hai ngày lễ này, đặc biệt ngày lễ Các Đẳng Linh Hồn.
Trước hết cần khảng định: khái niệm về ‘Các Thánh’ như chúng ta có ngày nay (beatified, canonized, blessed, saint), tức là các vị được Hội Thánh tuyên phong, đã không hề tìm thấy trong Thánh Kinh, nhất là trong Tân Ước. Phao-lô đã gọi tập thể các tín hữu Cô-rin-tô là những người được hiến thánh, là dân thánh (1Cr 1:2-3), cho dầu ngay sau đó, trong cùng lá thư ấy, ngài đã thẳng thắn vạch ra tất cả các tội lỗi họ phạm, thậm chí cả tà dâm và loạn luân. Nói chung Phao-lô gán từ thánh hay các thánh cho toàn thể các Ki-tô hữu và từ Hội Thánh cho cộng đoàn qui tụ họ lại, bất luận đã hoàn thiện, tốt lành hay chưa. Điều kiện duy nhất để họ được gọi với danh xưng cao quí này là: họ có tin Đức Ki-tô Giê-su là Cứu Chúa hay không. Cũng vậy thị kiến của Gio-an về các thánh trên trời được ghi trong sách Khải Huyền cho thấy họ là ‘một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ’. Điểm chung nhất của họ là ‘đứng trước Con Chiên’ và ‘đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’.
Trong nhãn quan đó, Các Thánh Nam Nữ mà chúng ta mừng kính hôm qua đâu phải chỉ là ‘các thánh’ đã được tuyên phong. Chúng ta mừng kính tất cả những ai đã đặt trọn niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su Cứu Chúa; đúng hơn chúng ta mừng chính sự bao quát của lòng từ ái Chúa đang tràn ngập nhân loại, một lòng thương xót vô biên đang chủ động len lỏi tới từng con người, kể cả những người tội lỗi nhất. Thánh Gio-an đã tóm lược điều này cách tài tình: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Do đó trong ngày lễ này, không phải các vị thánh là trọng tâm mà Con Chiên Cứu Độ mới đúng là tâm điểm chúng ta phải qui hướng về để tôn vinh và ca ngợi. Ki-tô hữu chúng ta tuyên dương: “phúc cho tất cả những ai đã biết đón lấy ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ tin vào Đức Ki-tô Giê-su!” Đây chính là mối phúc duy nhất và vĩ đại nhất cho toàn thể nhân loại, cho nên tất cả những gì đưa tới nó, hay đóng góp vào việc tiếp nhận nó, đều được coi là ‘phúc’. Trong bài giảng trên núi về các mối phúc, thực ra vế thứ nhất của bản liệt kê không thể gọi là phúc, đơn giản là vì chúng không thể mang bất cứ hạnh phúc nào cho con người. Chỉ riêng trong Tin Mừng mà Đức Giê-su rao giảng chúng mới được coi là ‘phúc’, lý do duy nhất vì chúng cống hiến phương thế hay qui tắc đưa con người tới đón nhận tình yêu nhân ái của Thiên Chúa, để họ ‘giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’. Do đó lễ Các Thánh Nam Nữ chính là ngày chúng ta dành ra để ca ngợi lòng thương xót cứu độ mà Chúa đã thành công trong việc cống hiến cho rất nhiều người.
Thế còn ngày lễ Cầu Cho Các Tín hữu đã Qua Đời, hay là lễ Các Đẳng Linh Hồn nơi Luyện Tội hôm nay thì sao, nó có ý nghĩa gì? – Nếu lấy ơn cứu độ của Chúa làm trọng tâm thì ngày này chính là để mời gọi ta nhìn vào sự đón nhận của mỗi chúng ta. Nếu đã mừng lòng từ ái Chúa trải rộng bao la tới hết mọi người và từng người không trừ một ai, thời ta càng có lý do để thôi thúc, để mong mỏi mỗi người và mọi người nhận biết và đón lấy tình yêu thương xót này với tất cả cõi lòng mình. Than ôi, thực tế đã không được như vậy! Ngay cả trong số những con người được coi là tốt lành thánh thiện nhất (kể cả nhiều vị chức sắc trong Giáo hội), đã mấy người biết ném mình trọn vẹn trong vòng tay nhân ái của Cha? Chúa không đòi chúng ta phải hoàn toàn sạch mọi tội… để được vào thiên quốc như nhiều người vẫn lầm tưởng, điều duy nhất Người mong đợi là hãy hết lòng đón nhận ơn tha thứ vô điều kiện của Người, như trường hợp tên cướp cùng bị đóng đinh trên thập giá. Ấy vậy mà mấy người trong chúng ta đã biết làm điều này cách nghiêm túc và triệt để? Ta vẫn chẳng mơ ước được sạch tội hơn là đón lấy lòng thương xót hài hà của Chúa là gì! Do đó ta vẫn nghĩ là luyện ngục sẽ là nơi các ‘tín hữu’ đã qua đời phải chịu thanh luyện, hơn là chốn niềm khao khát lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa được nung nấu. Đền tội, xóa tội hay đón nhận cách triệt để ơn cứu độ thứ tha, điều nào quan trọng hơn? Do đó không thể có việc cầu nguyện cho các đẳng linh hồn bằng công nghiệp của riêng mình hay của Hội Thánh đi nữa, nhưng chỉ có thể bằng gia tăng đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa với thái độ khiêm nhu. Thánh Lễ chính là giờ phút tốt nhất để chúng ta cùng nhau cử hành việc đón nhận này, chúng ta – những tín hữu còn sống cùng với các đẳng linh hồn đã qua đời, đồng cử hành ơn cứu độ của Thập Giá Đức Ki-tô.
Lạy Chúa, con tin vào sức mạnh phi thường của tình yêu thương xót Chúa qua việc mừng kính các thánh. Con ca ngợi Con Chiên Sát Tế đã mở ấn niêm phong để mọi người có thể tới giặt và tẩy áo mình trong máu Chiên. Con cậy trông lòng từ ái Chúa sẽ mạnh hơn cả sự cứng cỏi của con và của nhiều tín hữu đã qua đời, và do đó con khiêm tốn phó thác các linh hồn ấy cho lòng thương xót vô bờ của Chúa. A-men.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
SUY NIỆM: CÁI CHẾT
Chết về thân xác, ai rồi cũng đến, nhưng những cái chết đáng sợ là những cái chết về tâm hồn, cái chết về tinh thần, cái chết về tâm linh, ngay khi còn sống.
Cái chết về tâm hồn.
Không đâu còn là những thắng cảnh thiên nhiên của những khu rừng tự nhiên, những con suối chảy hoang sơ, những động vật hoang dã. Ở bất cứ nơi đâu, người ta thấy có thể kiếm ra tiền, kiếm ra những lợi ích cá nhân hay nhóm, người ta có thể lấy nhiều lý do phá rừng lấy gỗ, lấy đất. Những con suối chảy giữa khe núi có thể bị chặn lại để bắt nó sản sinh những nguồn lợi thu về cá nhân. Không còn vẻ đẹp của tự nhiên cũng chẳng còn vẻ đẹp tâm hồn.
“Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao ?” (Lc 23, 31).
Con người với nhau, cũng vì lợi ích cá nhân, phe nhóm, đuổi những người thấp cổ bé miệng ra khỏi nơi họ đang sống để chiếm đoạt. Tiếng kêu của họ bị nghẹn lại với những oan ức nhưng lại chẳng được nghe. Đối với người ngoài thì nhu nhược, đối với người trong nhà thì bạo lực, khủng bố. Vì lợi ích cá nhân sẵn sàng hạ bệ, loại trừ người khác. Chết về tâm hồn nên không còn đối thoại để hiểu nhau và cảm thông, chia sẻ. Chết về tâm hồn nên dửng dưng và đôi khi còn mừng vui trước những sự dữ đến với những ai mình không ưa thích, cho là đáng đời. Chết về tâm hồn nên còn lên án ngay cả khi những người anh chị em gặp lúc nghiệt ngã, đau thương.
Cái chết về tinh thần.
Chỉ có một tư tưởng chung dẫn lối, chỉ có một đường lối phải theo, làm chết tinh thần tự do của mỗi người. Đời sống tinh thần cần có đa dạng, đa diện, đa chiều để bồi bổ. Đụng đâu trái ngược với hướng chung đều dẫn đến sợ hãi, rụt rè, không dám tỏ bày chính kiến. Cái chết về tinh thần chịu chết trong “Sự thinh lặng của bầy cừu”, cam chịu để bị xén lông.
Chết về tinh thần nên không có nhiều sáng tạo, hầu như chỉ làm theo máy móc, bó buộc trong khuôn khổ, cơ chế. Cái chết về tinh thần không đáng có, để mãi một dân tộc không chịu lớn lên, lấy điều không chính yếu làm kiêu hãnh, tôn vinh sự giả tạo, lấy cái hào nhoáng bên ngoài che đậy sự trống rỗng, tệ hại bên trong.
Chết về tinh thần nên không có nhiều những cộng đồng cùng sống, cùng chia sẻ. Ở đâu cũng thấy những ích kỷ, nhỏ nhen, hơn thua, ganh ghét. Mỗi người là một thế giới riêng, không cùng nhau làm việc chung được. Nếu có cộng đồng, nhóm, một thời gian sau là phát sinh mầm mống chia rẽ.
Lòng trắc ẩn không còn thấy nhiều, thay vào đó những trò ném đá nhau, câu view với cảnh tang thương, lợi dụng để kiếm thêm tài chánh, lợi lộc…
Đôi khi dừng lại hỏi tại sao đã mất rồi cảnh xóm làng xưa kia, người trong làng xóm, biết nhau, thân nhau, chẳng nhà nào có tường rào, cửa đóng. Tình làng nghĩa xóm đã mất bởi những ngôi nhà cao, cửa rộng, nhưng đóng kín. Không còn những tự do qua lại giữa xóm làng mà chỉ có những phân cách giàu nghèo ngày càng rõ ràng xa cách. Tinh thần chung đã chết, giờ mạnh ai nấy sống, liên minh nhóm lợi ích, những liên kết làm ăn.
Cái chết về tâm linh
Cái chết về tâm linh có lẽ bắt đầu từ những xu thế tục hoá. Từ những lễ hội trở thành những show trình diễn, câu khách. Không còn tính cách trang trọng đời sống tâm linh. Ở đâu cũng thấy những hoành tráng ngày lễ, nơi này cử hành lớn hơn nơi kia. Sự cạnh tranh ngày càng thấy rõ nơi thờ tự, hành hương, lễ hội.
Chết về tâm linh nên cũng mất đi cảm thức về tội lỗi. Một nguy cơ hiện rõ khi Thánh Phao lô cảnh báo: “Không ai còn có lương tri, không ai tìm kiếm Thiên Chúa! Hết thảy đều lầm lạc, hư đốn cả lũ. Hành thiện, không có ai, một người cũng không!” (Rm 3, 11 – 12).
Tương đối hoá sự thiện. Thuyết tương đối hoá đã hình thành từ cổ xưa và càng ngày càng tinh vi trong các hoạt động. Đức Thánh Cha Benedicto XVI cảnh báo về những tương đối sự thiện: Không tin, không xác tín, huấn quyền xem nhẹ,cử hành phụng vụ vụng về, trang hoàng màu mè. Xem nhẹ tội lỗi, không cố gắng vượt qua những cám dỗ, yếu nhược tâm linh. Cậy dựa vào Lòng Thương Xót của Chúa mà bỏ qua những cố gắng tự sửa chữa lỗi lầm, bù đắp thiếu sót…
Suy nghĩ về những cái chết đáng sợ. Chúng con hầu như cái chết nào cũng có, ít hay nhiều. Xin cho chúng con biết Chúa nhiều hơn bằng những học hỏi chân lý, để tránh những sai lầm, tương đối hoá. Xin ban cho chúng con thêm nghị lực để chiến thắng được cái tôi ích kỷ, tìm về sống với anh chị em, nối lại những tình thân không đáng mất, tránh xa những dục vọng, đam mê.
Xin cho chúng con được sống và sống dồi dào!
Lm Giuse Hoàng Kim Toan