THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 13/11/2024 04:47
THỨ NĂM TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 17,20-25

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.
23 Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.
25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
 

SUY NIỆM:

Sứ điệp: Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Chỉ cần đón nhận Chúa Giêsu là gặp thấy triều đại Thiên Chúa. Ta hãy sống trọn giây phút hiện tại để đón chờ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tuy con đang sống ở quê hương dưới đất này, nhưng quê trời mới là quê thật của con. Cuộc sống con hôm nay, với những sinh hoạt hàng ngày để xây dựng cho quê hương trần thế, đều là những nỗ lực để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau trên quê trời.
Thế nhưng, có những lúc con để công việc cuốn hút mình như một cơn lốc. Tâm trí con quên mất Chúa, cõi lòng con khô khan nguội lạnh. Nhìn lại quá khứ, con thấy mình trắng tay, chẳng có công nghiệp gì ngoài tội lỗi. Con chưa sẵn sàng để đón chờ ngày của Chúa.
Lạy Chúa, quá khứ lầm lỗi đã qua rồi. Tương lai sắp tới còn nằm trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chỉ còn hiện tại, từng giây từng phút của cuộc sống hôm nay, là thuộc quyền sở hữu của con. Con sẽ được hạnh phúc vĩnh viễn hay con sẽ bị đau khổ đời đời là tùy cách sử dụng những giây phút hiện tại của con.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng vĩnh cửu đã sống trọn thân phận làm người, là triều đại của Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Mỗi ngày sống hôm nay đều mang tính chất đời đời nếu con biết sống liên kết với Chúa. Xin cho con biết đón nhận Chúa vào cuộc sống và kết hiệp với Chúa trong mọi công việc. Xin giúp con trong từng giây phút hiện tại biết sống trọn vẹn cho Chúa, để con được thực sự sống trong Nước Trời ngay từ hôm nay, và cho đến mai sau muôn đời. Amen.
Ghi nhớ: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.

TGM Giuse Nguyễn Năng


SUY NIỆM: TRIỀU ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA
1. Người Do thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Nhưng Đức Giê-su nói với Người Do thái: ”Triều đại Thiên Chúa ở giữa các ông”. Ngài muốn nói triều đại Thiên Chúa chính là sự hiện diện của Ngài. Để nhận ra Nước Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su, chúng ta không thể dùng giác quan tự nhiên, mà phải nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng  Nước Trời hiện diện ngay trong cuộc sống trần gian này. Vì thế, cuộc sống của chúng ta sẽ là bằng chứng sống động cho sự hiện diện của Nước Trời.
2. Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn là thao thức của con người. Nhờ người Do thái nôn nào chờ đợi Nước Thiên Chúa, nhưng dù có thao thức, có chờ đợi, họ cũng không gặp, dù rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Đức Giê-su đã giải thích lý do: ”Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình, thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài. Người Do thái chỉ tìm kiếm Nước Thiên Chúa theo sở thích của họ, do đó, họ khước từ hay giết chết kẻ mang nước Chúa đến cho họ. “Ngài đã đến nơi nhà Ngài, nhưng người nhà đã  không đón tiếp Ngài “vì họ chỉ mơ ước một nước trần thế” (R.Veritas).
3. Thực ra, triều đại Thiên Chúa là một biến cố trọng đại, nhưng không phải trọng đại theo cặp mắt loài người. Với sự xuất hiện của Đức Giê-su thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là “tin” và “theo” Đức Giê-su. Ai muốn thuộc về Nước ấy cần phải chấp nhận điều kiện Ngài đề ra, đó là sống vâng phục và yêu thương như Ngài. Nơi nào con người cố gắng sống như Ngài , nơi đó Nước Thiên Chúa được thể hiện.
4. Có thể nói, loan báo “Triều đại Thiên Chúa” là chính sứ mạng của Đức Giê-su khi Ngài nhập thể. Ngay từ những lời đầu tiên khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giê-su đã rao giảng: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Ngài quả quyết thời đại hồng ân mà tiên tri I-sai-a tiên báo nay đã thành hiện thực: ”Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quí vị vữa nghe” (Lc 4,21). Thế mà tiếc thay, người ta lại mải mê đi tìm một thứ “triều đại” khác, “ở chỗ này, ở chỗ kia” “như một điều có thể quan sát được”. Hôm nay, Đức Giê-su nói trắng ra: ”Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Ngài chính là “Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Chỉ khi nhìn lên thập giá người ta mới có thể nhận ra Triều đại của Thiên Chúa đã đến nơi chính con người Đức Giê-su, như người trộm sám hối đã tuyên xưng: ”Ông Giê-su ơi! Khi nào vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi” (5 phút Lời Chúa).
5. “Chúa lại đến”. Đức Giê-su nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Một điều chắc chắn là có chung kết lịch sử, có ngày Đức Giê-su quang lâm, nhưng không một ai từ hàng chư thánh, các thiên thần đến loài người được biết thời gian ngày tận thế. Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một điểm mà không ai biết trước được vào ngày Đức Giê-su sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong  lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nảy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi; không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa đến, nên đòi hỏi các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là  dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi (Hiền Lâm).
6. Qua cuộc sống của Ngài, Đức Giê-su đã vạch cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Đức Giê-su  hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
7. Truyện: Chúa ở đâu Thiên đàng ở đó.
Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được về với Chúa Giê-su.
Cậu bé nói:
– Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên Đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giê-su và ở với Ngài mãi mãi.
Nhà truyền giáo đáp:
– Nhưng nếu Đức Giê-su phải rời khỏi Thiên Đàng, con sẽ làm gì ?
– Con sẽ đi theo Người.
Nhà truyền giáo lại nói:
– Nhưng giả thử Đức Giê-su đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gì?
Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp:
– Ồ, ở đâu có Đức Giê-su, thì ở đó không thể có hỏa ngục. Chúa Giê-su ở đâu, ở đó là Thiên Đàng
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA Ở GIỮA CÁC ÔNG
 “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” Hầu hết Người Ki-tô hữu cầu nguyện bằng kinh lạy cha chí ít một tuần một lần khi tham dự thánh lễ Chúa nhật. Và lời cầu nguyện ấy bắt đầu bằng câu:
 Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước (triều đại) Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. (x. Mt 6, 9 – 11; Lc 11,2)
 Thường thì người ta cầu nguyện, người ta van xin khi khát khao, mong mỏi hoặc cảm thấy cấp thiết được đáp ứng một điều gì đó. Lời cầu nguyện đúng nghĩa phải là lời cầu nguyện phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn con người; không câu nệ, không máy móc, không cảm thấy áp lực hoặc bị cưỡng ép. Chúng ta thường đọc kinh lạy Cha với tâm tình nào?
 Phải hiểu, phải cảm được sự tối cần thiết của nước Thiên Chúa trong cuộc sống con người thì con người mới khát khao mong mỏi ‘Nước Chúa hiển trị’. Nhưng trình thuật Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su cho chúng ta biết nước Thiên Chúa đã đến rồi: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (c. 21b). Vậy chúng ta cần hiểu triều đại Thiên Chúa như thế nào?
 Cha Tu viện trưởng Pierre, một người nổi tiếng trong việc chăm sóc giúp đỡ người nghèo ở Pa-ri, sống trong một tu viện rộng lớn với mười hai anh em. Vào một đêm trung tuần tháng giêng, khi băng giá và tuyết trắng bao phủ khắp mặt đất, một gia đình nghèo rét mướt bấm chuông cửa và xin cho được nương nhờ một góc nào đó trong tu viện để ngủ, nếu không thì tất cả gia đình họ sẽ bị  chết trong giá rét. Cha Bề trên Pierre rất băn khoăn vì mỗi phòng trong căn nhà đều đã đầy ắp người. Chỉ còn mỗi ngôi nhà nguyện nhỏ là còn trống. Vì vậy, cha đành kiệu Thánh Thể từ bàn thờ lên đặt trên căn gác mái, nơi mà không ai có thể ở được vì rét lạnh. Cha đã sắp xếp và đưa gia đình nghèo tội nghiệp kia vào ngủ trong căn phòng cầu nguyện duy nhất của Tu viện.
 Sáng hôm sau, các anh em vô cùng ‘shock’ khi thấy Thánh Thể ‘biến mất’, thay vào đó là một gia đình đang ngủ trên sàn nhà. Họ rất khó chịu vì cho đây là sự bất kính không thể chấp nhận được và giận dữ khi cha bề trên cho biết Thánh Thể được đặt trên gác mái, nơi gió tuyết có thể thổi xuyên qua mái nhà. Nhưng cha Tu viện trưởng giải thích: “Các anh em của tôi, Đức Ki-tô không cảm thấy lạnh hay nóng trong bí tích Thánh Thể, nhưng Đức Ki-tô trong mỗi con người sẽ cảm được điều đó trong chính họ!”
 Đức Ki-tô là hiện thân của nước Thiên Chúa. Đức Ki-tô đã đến. Người không những ở trong chúng ta mà còn ở giữa chúng ta nơi những người anh chị em sống chung quanh ta. Và hơn nữa, Người còn đồng hóa mình với những người nghèo nàn, bất hạnh. (x. Mt 25, 35 - 36)
 Vì vậy, chúng ta không thể chỉ tôn thờ Chúa trong nhà thờ hay khi đọc kinh cầu nguyện mà còn phải phục vụ Người trong cuộc sống, nơi tha nhân, nhất là những người chúng ta có bổn phận và trách nhiệm. Chúng ta khát khao ước ao nước cha hiển trị bởi vì đó là lẽ sống đích thực của chúng ta – sống trong nước tình yêu. Bởi vì bộ mặt thế gian này luôn qua đi, nhưng nước tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại mãi, nơi ấy chúng ta có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau.
 Vì thế nước Thiên Chúa không ở xa, nhưng ở giữa chúng ta, và mỗi người chúng ta có bổn phận trách nhiệm xây dựng nước ấy bằng tình yêu chân thực phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đồng thời lời kinh lạy Cha mà chúng ta đọc có thể là rất nhiều lần trong một ngày “xin cho nước cha hiển trị” sẽ không là những lời máy móc, vô nghĩa, nhưng là lời khẩn nài tha thiết với ước vọng ơn Cha giúp cho Giáo hội, mọi Ki-tô hữu cũng như chính bản thân ta biết sống như là một công dân của nước trời làm sáng danh Thiên Chúa tình yêu và làm cho tình yêu ngự trị khắp vũ hoàn.
 “Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo.” (c. 23) Ngược lại với lời Đức Giê-su, dường như thói thường chúng ta thường thích xem chuyện lạ, thích xem Chúa, Mẹ hiện ra; nghe ở đâu có chuyện lạ là ùn ùn đến ‘xem’; nhưng lại không muốn tuân giữ những điều Chúa dạy –  con người, đời sống chẳng có gì biến đổi. Niềm tin của chúng ta thật mong manh. Chúng ta đang đắm mình và hòa vào một thế giới loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài.  Cuộc sống chỉ còn là những ganh đua và cạnh tranh, lao theo những nhu cầu vật chất không bao giờ đủ.
 Vì vậy, lời Chúa hôm nay như một tiếng chuông cảnh tỉnh, mời gọi mỗi người Ki-tô hữu nhìn lại tâm linh, duyệt xét đời sống của mình xem chúng ta có còn tin Chúa thực sự để biết rằng chúng ta là con Thiên Chúa và chúng ta phải sống như là con cái Chúa, như là công dân của nước trời.
 Lm. Anton Maria Vũ Quốc Thịnh.
SUY NIỆM: SỐNG TRUNG THÀNH CHO ĐẾN KHI CHÚA ĐẾN
Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay nói cho Philêmon biết điều gì làm cho thánh nhân cảm thấy vui và được an ủi, đó là thấy Philêmon sống yêu thương. Chính đức ái Philêmon tỏ ra đã làm “cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi” (Plm 7). Tình yêu chân thật luôn mang lại niềm vui, còn tình yêu dối trá luôn mang lại đau thương và nước mắt. Thánh Phaolô viết cho Philêmon những lời này khi đã già nua và đang ở trong tù. Ngài kêu gọi Philêmon đón nhận Ônêximô với tình yêu như là một người anh em trong Đức Kitô chứ không phải như là một người nô lệ: “Tôi là Phaolô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ônêximô, kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi, tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi” (Plm 9-12). Tình yêu phá tan mọi hàng rào phân cách, biến con người thành anh chị em của nhau. Tình yêu của người Kitô hữu bao gồm cả tình người và tình nghĩa trong Thiên Chúa. Nói cách khác, là những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không chỉ đối xử với người khác theo tình người vì họ là những con người, nhưng còn đối xử với họ theo tình yêu của Thiên Chúa. Đây là tình yêu có sức mạnh biến tất cả chúng ta thành con cái của Ngài. Chỉ những người sống cách trọn vẹn trong tình yêu này mới cảm nếm được thế nào là niềm vui trong Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên trong yêu thương để đạt đến lối yêu thương không loại trừ như Đức Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh lời kêu gọi của Chúa Giêsu cho các môn đệ phải sống trung thành cho đến khi Con Người đến. Đây chính là lời mời gọi những người môn đệ đang hành trình lên Giêrusalem với Chúa Giêsu. Sự chậm đến của Chúa Giêsu là nguyên nhân của những vấn đề bất ổn trong cuộc sống của người môn đệ. Một trong những vấn đề là việc các môn đệ phải đối diện với những bách hại mà Thiên Chúa lại chậm trễ đến giải cứu. Điều này cũng xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều lần chúng ta đối diện với khó khăn và thử thách, chúng ta kêu cứu những chẳng thấy Chúa đâu. Điều này làm chúng ta nản chí sờn lòng. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta phải trung thành và giữ vững đức tin vì chắc chắn Ngài sẽ đến. Ngài đến không theo thời gian chúng ta đưa ra cho Ngài. Ngài đến theo như kế hoạch nhiệm mầu của Ngài. Đừng bỏ cuộc, nhưng kiên định trong con đường yêu thương như Chúa Giêsu đã đi xưa.
Câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu từ người Pharisêu liên quan đến “ngày giờ” Triều Đại Thiên Chúa đến. Đứng trước câu hỏi này, Chúa Giêsu trả lời rằng: “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17:20-21). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định cho các môn đệ rằng Nước Thiên Chúa khác biệt với các nước trên thế gian này. Nước Thiên Chúa không thể quan sát được bằng thể lý. Nhưng chỉ được nhận ra bằng con mắt đức tin như người phong hủi Samaria. Bên cạnh đó, những lời trên còn trình bày cho chúng ta thần học của Thánh Luca, đó là thánh nhân muốn khẳng định cho các tín hữu có “trí hiểu hạn hẹp,” rằng họ không thể nhận ra sự hiện diện của Nước Thiên Chúa nếu họ không hiểu những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện như chữa lành những người phong hủi và đức tin đầy cảm mến của người Samaria (x. Lc 17:11-19). Những sự kiện đó tiên báo đến sứ mệnh của Giáo Hội cho dân ngoại. Nói cách cụ thể hơn, trong khi chờ đợi Nước Thiên Chúa đến, họ không được sống trong tình trạng thụ động hay chỉ đi tìm kiếm những gì mang vẻ bề ngoài. Nhưng họ phải tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu, đặc biệt cho những người dân ngoại.
Sau khi cho các môn đệ biết Nước Thiên Chúa đang ngự giữa họ, Chúa Giêsu khuyến cáo họ rằng: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người” (Lc 17:22-24). Chúa Giêsu cho họ biết rằng ngày của Con Người sẽ đến bất chợt như một ánh chớp chói loà không ai biết. Để nhận ra ngày đó, các môn đệ phải tỉnh thức, không chạy theo những dư luận của công chúng. Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu đến với mỗi người chúng ta cách cá biệt. Ngài đến những nơi không ai biết và vào giờ không ai hay. Nói cách khác, không ai có thể chỉ rõ cách trắng đen Ngài ở đây hay Ngài ở kia. Chỉ có con tim tràn đầy yêu thương mới có thể cảm nhận được sự hiện diện và gần gũi của người yêu mình. Hơn nữa, một thực tại mà nhiều người môn đệ Chúa Giêsu không chấp nhận hay chấp nhận cách miễn cưỡng là họ chỉ có thể nhận ra Ngài trong chính những đau khổ của ngày sống. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã nói cho họ biết: Trước khi Con Người đến trong vinh quang, “Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ” (Lc 17:25). Cùng cách thức ấy, trên con đường đến vinh quang, người môn đệ Chúa Giêsu cũng phải trải qua đau khổ và chống đối. Hiểu được điều này, tại sao chúng ta lại không sống một đời sống ý nghĩa ngay cả khi phải đau khổ và bị loại bỏ? Những ai muốn nên giống Chúa Giêsu, con đường chắc chắn nhất là con đường thập giá!
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
Người Do Thái quan niệm Đấng Messia đến như một vị vua, và triều đại của Ngài như một thời gian cai trị. Triều đại này, vị vua này sẽ giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách thống trị của ngoại bang và làm cho đất nước họ trở nên sung túc… Tóm lại họ quan niệm Đấng Messia và Triều Đại Thiên Chúa theo kiểu trần tục.
Đức Giêsu là Đấng Messia đang ở giữa họ, và triều đại Thiên Chúa chính là tình yêu thương mà Đức Giêsu đang thiết lập trong cuộc sống bằng những lời rao giảng, bằng hành động yêu thương và phục vụ và bằng chính cái chết đau thương trên thập giá.
Khi con người nhận biết và bước theo Đức Giêsu để tôn thờ Thiên Chúa, nghe lời Ngài để trau giồi và sống tình yêu thương là lúc họ trở thành công dân trong Vương quốc của Ngài.
Vì thế triều đại Thiên Chúa không ở đâu xa mà ở nơi chính những con người biết yêu thương nhau. Đừng tìm kiếm, nhưng hãy sống.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, mỗi ngày con gặp gỡ nhiều người, xin cho con biết kính trọng yêu thương họ bằng sự nhận biết Thiên Chúa hiện diện nơi họ. Chính lúc đó là con đang sống trong vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc tình yêu. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây