THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY Ga 5,31-47

Thứ ba - 01/04/2025 21:35
THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY
Ga 5,31-47

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.
32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.
33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.
34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.
35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.
36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.
37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.
38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.
39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.
40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống. 41 “Tôi không cần người đời tôn vinh.
42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.
43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.
44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?
45 “Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.
46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.
47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói ?”

SUY NIỆM:
Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, … Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, … các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến …các ông sẽ tìm được sự sống đời đời.” (Ga 5,37-41)
Bài Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta bài học sống đức tin, sống đạo hàng ngày của người tín hữu chúng ta, là : nếu chúng ta không yêu mến Thiên Chúa, không tin Đức Giêsu, thì chúng ta cũng không có sự sống đời đời.
1/ Lòng Tin vào Đức Giêsu
Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ chữa cho một người bất toại 38 năm ở hồ Bếtdatha, Ngài bị những người Do Thái chống đối, vì Ngài đã chữa bệnh vào ngày Sabát (x.Ga 5,1-16). Ngài làm một việc tốt, cứu giúp người đau bệnh, thế mà cũng bị người Do Thái khiển trách, và họ còn cố chấp không tin.
Họ từ chối Chúa vì cứng lòng. Họ cố chấp không tin vì họ chưa nhận ra Ngài là Con Một Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa cứu độ. Vì không tin vào Chúa Giêsu, họ cũng không đón nhận lời dạy của thánh Gioan, vị ngôn sứ đến để dọn lòng cho nhiều người chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế. Vì không tin Chúa Giêsu, không tin những lời Chúa Giêsu nói về Chúa Cha, nên họ cũng không tin vào Chúa Cha, là Đấng đã sai Đức Giêsu vào trần gian. Một khi đã không có lòng tin, họ cũng không yêu mến Thiên Chúa. (c.42-47). Bởi thế, Chúa khiển trách người Do Thái là dân cứng đầu cứng cổ. Ơn cứu độ không đến được với người Do Thái. Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô sẽ được mang đến cho những dân tộc khác, đặc biệt cho những người có lòng tin.
2/ Người tín hữu sống đạo hôm nay
Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được làm con cái của Thiên Chúa, chúng ta đón nhận ơn đức tin. Nhưng có đức tin chưa đủ, còn phải sống đức tin ấy bằng việc nuôi dưỡng đức tin.
Đức tin của chúng ta chỉ vững mạnh nếu chúng ta gắn bó với Chúa và sống theo Chúa mỗi ngày.
Ngày nay, nhiều người tín hữu có đạo nhưng không sống đạo, chẳng khác gì như những người dân ngoại, vô thần. Điều này nhắc nhở chúng ta trong Mùa Chay, xem xét lại cách sống đạo của chúng ta. Chúng ta có làm các việc đạo đức hàng ngày để tin Chúa và yêu mến Ngài hay chưa? Hay chúng ta chỉ biết lo cho cuôc sống, tiền bạc, của cải…?
Chúng ta siêng năng đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ mỗi ngày để gặp Chúa, đón nghe Lời Chúa và sống các Lời dạy của Ngài. Qua các Thánh lễ hằng ngày chúng ta dâng, cùng với Linh mục, chúng ta tôn thờ Chúa Cha với lòng tin, lòng yêu mến cách chân thành. Cũng trong Thánh lễ, chúng ta đón nhận bí tích Thánh Thể, là ân sủng, là bảo đảm cho sự sống đời đời, nên chúng ta rước lễ với lòng tin và yêu mến Thánh Thể. Chúng ta còn tiếp tục đón Chúa đến gia đình qua việc cầu nguyện tối sớm, qua việc đọc Lời Chúa và suy niệm trong các buổi đọc kinh chung.
Lòng tin dẫn chúng đến với Thiên Chúa bằng tình yêu mến Chúa. Bởi thế, sống đức tin thúc đẩy chúng ta sống tình liên đới, yêu thương trong gia đình và mọi người xung quanh. Gia đình chúng ta có thực sự yêu thương, thuận hòa, hoặc gia đình chúng ta đang sống bất hòa, mọi người chưa hiệp nhất yêu thương?
Năm Đức Tin mở ra để chúng ta duyệt xét lại đức tin và cách sống đạo của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người và mỗi gia đình sống đức tin và yêu mến Chúa, sống đạo tốt và lòng yêu thương mọi người. Amen.
Lm. Duy Khang

SUY NIỆM: NHÂN CHỨNG CHO CHÚA GIÊSU
Nhà triết học hiện sinh nổi tiếng người Pháp, Jean-Paul Sartre (1905- 1980) đã trở thành người vô thần ở tuổi 11. Và nhiều người khác như ông, trở thành người vô thần không phải vì lý do triết học mà vì lý do tâm lý hoặc luân lý. Kinh nghiệm của ông với những người xung quanh, đặc biệt là lối sống không lành mạnh của các Kitô hữu đã thuyết phục ông rằng Thiên Chúa không tồn tại.
Tin Mừng ngày hôm nay cũng chỉ ra cho thấy những người cố tình không tin, mặc dù họ có dư lý do để tin, nhưng họ lại dựa vào những lý lẽ của riêng mình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đang tranh luận với những kẻ chống đối Ngài. Và Ngài chỉ ra cho họ thấy đức tin lệnh lạc của họ. Rằng nếu người ta phán xét Ngài một cách công bằng, khách quan và không có bất kỳ định kiến nào, họ sẽ có mọi lý do để chấp nhận những lời của Ngài, đồng thời nhận biết rằng Ngài là người được Thiên Chúa sai đến; là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa.
Theo luật xét xử trong sách (Đnl 17,6) chỉ cần hai hoặc ba lời chứng là có thể xác minh một sự thật. Nhưng ở đây Chúa Giêsu đã nêu ra tới bốn loại chứng ngôn xác nhận và công nhận lời nói của Ngài.
Lời chứng thứ nhất là lời chứng của Gio-an Tẩy Giả. Ông là ngọn đèn cháy sáng, ông làm chứng về ánh sáng thật là Chúa Giêsu (x. Ga 1,8-9). Ông đã công khai giới thiệu Chúa Giêsu là đấng Thiên Sai khi thấy Thánh Thần ngự xuống trên Ngài: “Đây tôi đã thấy và làm chứng rằng Người là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34). Nhưng người Pha-ri-sêu đã không đón nhận lời chứng ấy. Chúa Giêsu nhắc nhở họ về sự nghịch lý này: Dường như những người Pha-ri-sêu đều cho rằng ông Gio-an là một ngôn sứ, nhưng họ lại không tin vào lời sấm quan trọng nhất của ông!
Lời chứng thứ hai là những công việc Chúa Cha giao mà Chúa Giêsu đã hoàn thành. Ngài nói: “Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi”. Những việc Ngài làm, không chỉ về chính Ngài, nhưng chỉ về quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong và qua Ngài. Lẽ ra người Pha-ri-sêu phải thắc mắc khi thấy những người tội lỗi đã thay đổi đời sống và đi theo Ngài rất đông chứ!
Lời chứng thứ ba là từ Kinh Thánh: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi”. Quả là mâu thuẫn và nghịch lý khi người ta không thừa nhận đấng chính họ đang tìm kiếm.
Lời chứng cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha. Chúa Giêsu nói: “Cha tôi, Đấng đã sai tôi, cũng đã làm chứng về tôi”. Chúa Cha làm chứng bằng những lời của Người trong Kinh Thánh (c.39). Nhưng họ không giữ lời Chúa Cha ở trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Chúa Cha sai tới (cc.38.40).
Qua bốn lời chứng của Chúa Giêsu cho ta thấy sự nghịch lý và mâu thuẫn nội tại của nhưng người Pha-ri-siêu và các kinh sư. Tại sao lại có sự mâu thuẫn đó? Chúa Giêsu đã chỉ ra, tại: “Các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha Tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.” và rằng; “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?”
Trong tâm tình sám hối của mùa chay, Lời Chúa hôm nay nói với những người Pha-ri-sêu cũng phảng phất đâu đó con người của chúng ta. Là những người tin vào Chúa, những người đọc và nghiên cứu Kinh Thánh, những người đã từng nghe rao giảng về Chúa nhưng lại không nhận ra Chúa đã đến và đang sống giữa chúng ta, không nhìn ra những dấu chỉ hiện diện của Chúa ở chung quanh mình và ở nơi tha nhân. Vì sao vậy? vì người ta đọc kinh thánh là để có kiến thức, để tỏ ra mình tri thức chứ không phải để gặp gỡ Thiên Chúa trong lời của Ngài. Đó là cách chúng đa đang đi tìm chính mình chứ không đi tìm Chúa.
Vì vậy lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu đối với những người Pharisêu cũng là những lời dành cho mỗi chúng ta: Khi chúng ta không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ đi tìm hư danh cho bản thân mình. Khi chúng ta sống đạo chỉ nhắm đến tôn vinh mình mà không thực tâm mến Chúa. Khi chúng ta tôn vinh những gì thuộc về trần thế và bám vào nó như là cứu cánh. Khi chúng ta không thoát khỏi những thành kiến để đón nhận lấy sự thật. Khi chúng ta không dám ra khỏi những ích kỷ để tin vào tình yêu Thiên Chúa, ra khỏi cái tôi chật hẹp để sống cho tha nhân. Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy tin vào Ngài, Đấng được Cha sai đến” đang là lời mời gọi thúc bách mỗi tín hữu. Hãy đến với Ngài để được sống và sống tròn đầy.
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần chân lý đến ở trong chúng con để chúng con biết phân biệt phải trái, biết nhận ra Chúa qua những dấu chỉ hàng ngày, để chúng con biết nhận ra và tôn thờ Chúa trong tinh thần khiêm hạ. Biết nhận ra những công trình của Chúa nơi tha nhân. Biết mở to con mắt tâm hồn đề nhìn biết Chúa đang hiện diện cụ thể trong đời thường, cũng như am hiểu lời Chúa bằng việc chăm chỉ đọc Kinh Thánh để niềm tin của chúng con không dừng lại ở mớ lý thuyết suông, mà là một niềm tin sống động. Để chúng con cũng nói được như thánh Phao-lô “tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đó cũng là nghĩa vụ của mỗi chúng con là sống sự hiện diện của chúa cho mọi người giữa lòng nhân loại này. Amen.
Lm. M. Basilio Nguyễn Văn Phán 
SUY NIỆM:
Để hiểu biết về thế giới hay về con người, chúng ta có thể tích lũy sự hiểu biết một phần nhờ lý trí và khoa học, nhưng thường hơn nhờ lời chứng của người khác đã ảnh hưởng và dẫn dắt chúng ta, nhờ những gương sống, lời nói và việc làm của họ. Lời chứng có tính thuyết phục hơn không dựa trên tự mình làm chứng cho mình, nhưng nhờ đến uy tín của người làm chứng. Người càng uy tín, thì lời chứng của họ về một ai đó sẽ thuyết phục và xác thực hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh chủ đề Lời Chứng. Chúa Giêsu khẳng định Người không cần làm chứng về mình, nhưng có lời chứng từ Chúa Cha và những gì ghi trong Thánh Kinh cũng như các sứ ngôn làm chứng cho Người.


Lời chứng từ Chúa Cha.
Nói đến Lời Chứng từ Chúa Cha, trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta gặp thấy ít nhất hai lần là khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan và lúc Người biến hình trên núi Tabo. Nhưng trong Tin Mừng Gioan có lẽ chỉ nói tới một lần nhãn tiền Chúa Cha phán vọng xuống rằng: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12,28). Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu giải thích Lời Chứng của Chúa Cha tức là việc Chúa Cha sai phái Chúa Con thực thi việc Cứu Độ, và việc đó đã được chứng nhận qua bao dấu lạ Người làm. “Thật vậy, Chúa Cha yêu thương thế nào thì Chúa Con yêu thương thế ấy, Chúa Cha ban sự sống thế nào thì Chúa Con cũng ban sự sống cho những ai Người muốn… Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào thì Chúa Con cũng vậy” (x.Ga 5,20-21.26tt). Chính sự việc được xảy ra theo lời Chúa Giêsu là do Người thực hiện theo ý Chúa Cha và Chúa Cha đã làm cho việc đó xảy ra.
Những lời chứng khác.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến Môisê, Gioan Tẩy Giả và Thánh Kinh đều viết về Người, dù Chúa không cần đến những chứng cớ ấy, nhưng đó lại chính là cái mà người Do Thái tìm kiếm Đấng Messia. Tiếc là sự tìm kiếm của họ chỉ nhằm thỏa mãn theo ý họ, họ tìm những gì Thánh Kinh nói đến một Đức Kitô hiển hách theo kiểu người phàm; còn nếu có tìm kiếm một Đấng Messia như Thánh Kinh loan báo, thì họ cũng chỉ dừng lại ở những gì nói đến sự hiển thắng mà không quan tâm đến con đường khổ giá để đạt đến sự hiển thắng. Chính vì vậy mà họ không thể chấp nhận và không thể tin vào Đấng đã đến và đang nói với họ. Cho nên, Chúa Giêsu đã phải nói với họ rằng: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống… Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?” (Ga 5,39-40.46-47).
Một số người cho rằng bởi vì Thánh Kinh là Lời Chúa rồi nên họ đâu cần gì khác để hướng dẫn họ. Thế nhưng, cũng như Thiên Chúa đã nói qua các biến cố và qua các ngôn sứ, thì người cũng sẽ tiếp tục nói với chúng ta qua các biến cố thời sự và qua các vị hướng dẫn trong Giáo Hội nhờ Thần Khí. Vì thế, Chúa Giêsu tố giác những ai nghĩ họ đã nắm toàn bộ chân lý chỉ vì họ có cuốn Thánh Kinh, chứ không tin vào Người là Đấng Chúa Cha sai đến vẫn hằng ngày ở với họ.
Nhưng làm sao để phân biệt đâu là lời chứng thật? Chúa Giêsu dạy muốn nhận ra ai là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta không được giống như kẻ tự tôn vinh mình hay tôn vinh lẫn nhau (Ga 5,44) mà vì thế trở thành nô lệ cho những giá trị hữu danh vô thực; người sứ giả của Thiên Chúa không nhằm tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm tôn vinh Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc. Và xin cũng cho chúng con chỉ biết tìm vinh quang cho Chúa chứ đừng tự tôn vinh mình. Amen
 Hiền Lâm
SUY NIỆM: LỜI CHỨNG VỀ ĐỨC GIÊ-SU
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuộc phần thứ 2 trong bài diễn từ về công việc của Đức Giê-su (Ga 5,19-47), qua đó Người muốn đáp trả trước những lời buộc tội của những kẻ chống đối: “Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18).
Đức Giê-su không tự mình bào chữa nhưng Người cũng đưa ra những nhân chứng có uy tín để làm chứng cho mình: ông Gio-an Bao-ti-xi-ta, Chúa Cha và Thánh Kinh. Thật vậy, chính ông Gio-an Tẩy Giả đã loan báo về Đức Giê-su. Ông đã cử hành phép rửa cho Chúa và đã chỉ cho các môn đệ của ông đến gặp Người. Còn Thiên Chúa Cha, một nhân chứng quan trọng hơn ông Gio-an, đã hiện ra ở sông Gio-đan và trên núi Ta-bo-rê để tuyên bố về Đức Giê-su rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu”. Và sau cùng, Kinh Thánh – quyển sách mà được nhiều người Do Thái biết đến và nghiên cứu, cũng nói về Đức Giê-su, làm chứng cho Người và chính Người đã đến để thực hiện những gì được chép trong Kinh Thánh.
Tuy nhiên, tất cả những lời chứng này cũng không thể giúp cho những người Do Thái tin vào Đức Giê-su, Đấng Mê-si-a đã đến giữa trần gian. Tâm hồn của họ vẫn còn khô cứng, chai đá và chưa mở ra để đón nhận Chúa. Họ còn đang tìm kiếm những vinh quang cho chính mình. Vật chất, danh vọng và những đam mê trần thế đang trói buộc và khiến cho họ xa lìa Thiên Chúa, không muốn tìm kiếm vinh quang xuất phát từ Ngài.
Ngày hôm nay, nhiều lời chứng về Đức Giê-su vẫn được tỏ ra trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Kinh Thánh, Giáo huấn của Giáo Hội, việc cử hành Phụng vụ hay đời sống chứng nhân của các vị Thánh và của những anh chị em… đang tiếp tục loan báo về Đức Giê-su và mời gọi chúng ta nhận ra Người – Đấng Cứu Thế. Mỗi chúng ta hãy nhìn nhận lại chính mình và khiêm tốn mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa vào trong cuộc đời mình.
Lm. Gioan Trần Văn Viện

SUY NIỆM:
Mạng sống của Đức Giêsu ngày càng bị đe dọa cách quyết liệt! Lòng căm tức và chủ tâm loại trừ Đức Giêsu ra khỏi xã hội ngày càng leo thang! Đức Giêsu biết rõ điều đó, nhưng không vì thế mà Ngài im hơi lặng tiếng để yên thân! Không! ngược lại, Đức Giêsu luôn tìm dịp thuận tiện để đưa họ vào một thực tại vô cùng quan trọng.
Thực tại đó là: biết Ngài là Thiên Chúa; Thiên Chúa Cha với Ngài là một và Ngài có quyền như Thiên Chúa.
Khi mặc khải như thế, nỗi tức giận của những người Dothái nổi lên. Nhưng Đức Giêsu đã gợi lại cho họ về hình ảnh, vai trò và sứ vụ của Môisê, để họ thêm cơ sở nhằm xác tín về Ngài, nhưng lòng trai dạ đá đã làm cho họ lu mờ và cố chấp, nên Đức Giêsu đã khẳng định số phận của họ và kết án họ ngay tại chỗ đứng của họ. Ngài nói: “Kẻ tố cáo các ông chính là ông Môsê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?”.
Những người Dothái trong bài Tin Mừng hôm nay họ đã buộc Thiên Chúa vào chính những ý niệm của họ về Người, chứ không phải lòng mến của họ nơi Thiên Chúa. Họ thường xuyên dùng chính Kinh Thánh để bảo vệ lập trường của họ chứ không nhìn Kinh Thánh như là lời hướng dẫn họ phải làm!
Như vậy, dân Dothái được ân huệ lớn lao nhất là từ nơi ấy, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuất hiện, hơn nữa, họ được hưởng sự hiểu biết từ bao đời về Đức Giêsu, lẽ ra họ phải tin và trung thành với Giáo huấn của Ngài, đằng này họ lại bị lĩnh án gay gắt vì sự cứng lòng.
Ôi sự cứng lòng đã làm cho tâm hồn người ta ra mê muội, ù lỳ và cố chấp! Con người là thế! Không ai muốn người khác hơn mình!
Trong thực tế hôm nay vẫn thường xuyên xảy ra như vậy! Chính định kiến cá nhân, phe phái mà không ngừng xảy ra chiến tranh, bạo lực, đàn áp, bóc lột… Những người đó đã giết chết anh chị em mình, bóp chết sự thật để cho sự ích kỷ, bạo tàn hoành hành khắp nơi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mình, đó là được trở nên con cái Thiên Chúa, được Đức Giêsu đổ máu để cứu chuộc, thì chúng ta phải sống sao cho xứng đáng đặc ân cao quý này.
Đừng bao giờ đọc Kinh Thánh với thái độ khép kín hay biến Kinh Thánh để làm luận cứ để hậu thuẫn cho những lập trường bảo thủ của mình thay vì lòng yêu mến và mong được biến đổi nhờ Lời Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa là chân lý, là lời hằng sống. Xin cho chúng con biết tin tưởng, yêu mến và thực hành Lời Chúa dạy để được sống đời đời. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP


 















 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây