THỨ BA TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 17,7-10
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
7 “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, 8 chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’?
9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?
10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Ta chỉ là đầy tớ của Chúa. Có làm được gì cho Chúa, thì đó cũng là do bổn phận phải làm. Vì vậy hãy phục vụ Chúa cách khiêm tốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước tôn nhan Thiên Chúa cao cả, con chẳng là gì, dù là đầy tớ cũng chẳng xứng đáng. Hơn nữa, chính Chúa cũng đã tự nguyện chọn sống cuộc đời tôi tớ. Xin Chúa cho con hiểu được Lời Chúa hôm nay để con sống tinh thần tôi tớ theo gương Chúa.
Vì con chưa ý thức mình là đầy tớ của Chúa, nên con chưa ý thức được những bổn phận phải làm. Con cầu nguyện, dự lễ, mà tưởng như con làm ơn cho Chúa. Con làm việc tông đồ, mà như thể con làm ơn cho Giáo Hội. Vì chưa ý thức mình là đầy tớ của Chúa, nên con thường đòi hỏi quyền lợi, đòi được trả công, đòi được tôn trọng, đòi được ghi ơn.
Lạy Chúa, xin giúp con ý thức con chỉ là đầy tớ để con làm việc bổn phận phải làm. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để con làm theo Ý Chúa chứ không theo ý con. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để con làm hết sức mình như thể chỉ có mình con, nhưng đồng thời cũng khiêm tốn như thể chẳng cần đến con. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để khi thất bại hay bị chê bai, con không nản chí, và khi thành công hay được khen ngợi, con không tự mãn. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để con đừng bao giờ ganh tị với người khác, nhưng vui trong phận mình và sẵn sàng làm những công việc nhỏ bé thấp hèn nhất. Xin cho con ý thức mình là đầy tớ, để con phụng sự Chúa cho xứng đáng, phục vụ với tâm hồn quảng đại, vô vị lợi, và phần thưởng duy nhất là biết mình đã làm theo ý Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM: SỐNG TỐT THIÊN CHỨC CHÚA TRAO
(Tt 2,1-8.11-14)
Trong bài đọc 1 trích từ thư thứ hai gởi cho Titô hôm nay, Thánh Phaolô đã cho chúng ta những lời khuyên hết sức sâu sắc và ý nghĩa.
Trước hết, Thánh Phaolô khuyên các cụ ông hãy sống tiết độ, đàng hoàng, chừng mực; hãy luôn vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Rồi ngài cũng khuyên các cụ bà phải ăn ở sao cho xứng là người thánh thiện, không nói xấu, và phải biết dạy bảo con cháu những điều lành.
Tác giả sách khôn ngoan cũng đã từng ca ngợi các bậc cao niên với những lời tuyệt đẹp như sau: “Người đầu bạc thì khôn và tuổi già là một cuộc đời thanh sạch”. Các cụ ông cụ bà hãy sống làm sao để xứng đáng với lời ca tụng ấy.
Còn đối với những người làm vợ làm mẹ, Thánh Phaolô khuyên như thế này: Những người vợ trẻ phải biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm. Còn đối với những người làm chồng và các thanh niên thì ngài nhấn mạnh hơn, “phải chừng mực trong mọi sự” chứ không loại trừ một việc nào.
Thánh Phaolô cho biết có 2 lý do để chúng ta cần phải sống như thế:
Lý do thứ nhất, là vì mỗi người mang nơi mình danh xưng là “Kitô hữu”, tức là người thuộc về Chúa Kitô. Chính vì thế, mỗi người phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này; để xứng đáng là con cái Chúa.
Lý do thứ hai, là những bậc làm ông bà cha mẹ chúng ta cần phải sống chuẩn mực như thế để làm gương cho con cháu.
Chúng ta không thể nào dạy con cái né tránh các dịp tội, trong khi chúng ta cũng rượu chè, cờ bạc. Chúng ta không thể nào nhắc nhở la rầy con cái về đời sống đạo, trong khi chúng ta là những người khô khan nguội lạnh. Và chúng ta không thể nào trách móc con cái về phận làm con chưa tròn, khi chính chúng ta còn thiếu trách nhiệm trong vai trò của người làm cha làm mẹ làm vợ làm chồng trong gia đình
Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy nhìn lại mình, trong vai trò của người làm ông làm bà làm cha làm mẹ trong nhà, và điều chỉnh sao cho phù hợp với ơn gọi và thiên chức mà Chúa đã tin tưởng trao phó cho chúng ta. Và mỗi người hãy nhớ điều này, mình sống tốt không chỉ vì mình nhưng còn để đức cho con cái. Amen.
Lm Antôn
SUY NIỆM: SỐNG KHIÊM NHƯỜNG TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA
Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô hướng dẫn Titô phải giảng dạy như thế nào cho các thành phần khác nhau trong cộng đoàn của mình. Thánh nhân đưa ra những lời dạy phù hợp cho từng thành phần như sau: (1) Đối với các cụ ông cụ bà: “Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành” (Tt 2:2-3); (2) đối với những cặp vợ chồng trẻ: “dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm” (Tt 2:4-5); (3) đối với các thanh niên, thiếu nữ, hãy dạy cho họ “chừng mực trong mọi sự” (Tt 2:6). Những lời trên mời gọi chúng ta xét lại cuộc sống của mình. Chúng ta cũng thường vấp ngã rơi vào những lỗi mà Thánh Phaolô đã nêu ra ở trên. Chúng ta cần bắt đầu lại, vì chúng ta không muốn để lời Thiên Chúa bị người khác xúc phạm. Chúng ta không muốn để người khác cười nhạo đạo của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần sống xứng đáng với niềm tin, với danh xưng Kitô hữu của mình. Bên cạnh đưa ra những hướng dẫn cho các thành phần khác nhau, Thánh Phaolô còn kêu gọi Titô phải là người thực hành, làm gương sáng về tất cả những gì mình dạy cho người khác: “Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì” (Tt 2:7-8). Những người hướng dẫn người khác phải là những người thực hành những gì mình giảng dạy. Chính cuộc sống tốt lành thánh thiện của họ là lời dạy thuyết phục nhất.
Sau khi dạy các môn đệ về sự cần thiết của lòng tin trong việc tha thứ cho anh chị em mình, Chúa Giêsu tiếp tục dạy họ về thái độ cần thiết sau khi làm xong những công việc được trao phó. Chúa Giêsu sử dụng mối tương quan chủ-tớ để nói đến trách nhiệm của người môn đệ trong tương quan với Thiên Chúa. Trong phần 1, Chúa Giêsu sử dụng “dụ ngôn” để dạy các Tông Đồ rằng: Trong bất kỳ tương quan nào [nhất là chủ-tớ], mỗi người phải sống đúng với vị trí của mình. Đừng bao giờ đặt mình vào vị trí không phải là của mình. Chúng ta nhận ra điều này trong những lời sau: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi,’ chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’?” (Lc 17:7-8). Trong tất cả các tương quan, khi chúng ta không tôn trọng vị trí của nhau sẽ có sự xáo trộn và hệ quả là chúng ta sẽ tự chia rẽ trong đời sống chung. Trong tương quan với Thiên Chúa, khi chúng ta đặt mình vào vị trí của Chúa, tức là Chúa không còn là trung tâm của cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ trở nên những ông chúa [bà chúa]. Và khi chúng ta trở nên những ông chúa [bà chúa], chúng ta bắt đầu quyết định cho định mệnh đời mình và người khác theo ý của mình. Hệ quả là chúng ta trở nên những bạo chúa đối với nhau. Hãy sống là mình trước mặt Chúa và đối với anh chị em của mình. Đừng cố gắng làm người khác khi mình không phải là!
Khi chúng ta làm đúng và sống đúng với vị trí của mình, chúng ta sẽ sống trong tâm tình tạ ơn. Vì chỉ có những người sống đúng với ơn gọi của mình mới hiểu được rằng mọi sự là ân sủng. Tự mình chúng ta sẽ không làm được điều gì. Mọi sự đến từ Thiên Chúa. Vì vậy, lòng biết ơn là tâm tình của các tạo vật trước tình yêu vô điều kiện của Đấng Tạo Hoá. Những lời sau khuyến cáo chúng ta về thái độ “hòn đá ném đi hòn chì ném lại” khi làm việc cho Chúa: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17:9). Đây chính là thái độ của mỗi người chúng ta khi làm những việc hằng ngày của mình: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10). Sự khiêm nhường chỉ có trong tâm hồn của những người biết mình không làm được gì nếu không có ơn Chúa. Nói cách khác, những người sống khiêm nhường và luôn có lòng biết ơn là những người làm việc với thái độ cộng tác vào công trình sáng tạo [liên tục] và cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta có đang sống thái độ này không?
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
Truyện kể rằng, tại một cộng đoàn nọ, nhân dịp tĩnh tâm cuối năm, khi nói đến vấn đề truyền giáo, cha bề trên đã hỏi anh em rằng, trong năm qua, đã có anh em nào đưa được một người lương dân về với Giáo hội chưa? Anh em nhìn nhau trong ngỡ ngàng, bối rối. Cha bề trên sau đó cũng chia sẻ, chính tôi cũng chưa đưa được người nào gia nhập gia đình Giáo hội. Ngài tiếp tục nói, sở dĩ chúng ta chưa lôi kéo, chưa gọi mời người khác trở thành con cái Chúa là vì chúng ta quá bận tâm với những công việc “mở mang nội bộ”, chúng ta quá dành thời giờ cho “ngôi nhà của mình”. Nói cách khác, chúng ta sống đời ơn gọi chưa hoàn trọn, chưa đủ khiêm tốn và lôi cuốn người khác, chúng ta cũng chưa đủ nhiệt thành của một người làm công cho Chúa.
Tâm tình chia sẻ của cha bề trên nọ cũng chính là lời gọi mời mà Chúa Giê-su nói với mỗi người Ki-tô hữu chúng ta ngày hôm nay. Sự khiêm tốn, lòng nhiệt thành với Chúa, với Giáo hội phải được đặt nền, được dựng xây trên nền tảng đức tin, đức cậy và đức mến vô vị lợi. Tinh thần của một người phục vụ, lao công quên mình, hết mình vì công việc chắc hẳn không để cho thành tích, tiếng khen lấn át lu mờ. Trái lại, luôn ý thức về ơn gọi, sứ mạng của những người dám hủy mình ra không, dám để cho Lời Chúa vượt thắng những toan tính, suy nghĩ tư lợi hầu cho các giá trị Nước Trời được tỏa lan, thôi thúc người nghe.
Suy nghĩ ấy, lối sống ấy chính Chúa Giê-su đã thực hành trong suốt hành trình dương thế của mình. Và một trong những kiểu mẫu nơi việc làm ấy, vào ngày thứ 5 tuần thánh, Ngài đã cúi mình xuống, rửa chân cho các môn đệ. Đây là hành vi của những người nô lệ dành cho ông chủ của mình. Thế nhưng, là ông chủ đích thực, một người có quyền cao chức trọng nhưng Chúa Giê-su đã khiêm hạ, hủy mình và lặn xuống tận căn của những người phục vụ. Điều Ngài làm là dám từ bỏ ngai vàng, quyền cao chức trọng, danh phận tiền tài. Ngài đã chọn khiêm hạ, chọn người nghèo, chọn tinh thần xả kỷ cho đi không tính toán.
Trái lại, sống trong một xã hội mà những giá trị bên ngoài đang làm lóa mắt nhiều người. Họ bất chấp lương tri, thậm chí lấy cả đức tin để đánh đổi cho mình có chút địa vị, danh vọng. Những hào nhoáng trần thế ấy đang làm cuộc đời của họ trở nên ảo tưởng và kiêu căng. Thói háo danh, sự vô cảm và tinh thần phục vụ không còn trong đời sống của họ. May mắn thay, giữa những trào lưu ích ký ấy vẫn còn có những người dám sống các giá trị Tin mừng, họ là những người Ki-tô hữu dám đáp trả lại sự gọi mời trở nên những mẫu gương của sự phục vụ và cho đi một cách quên mình.
Và đương nhiên mẫu gương để người Ki-tô hữu noi theo chính là Đức Giê-su. Chính Người đã ban cho chúng ta những phương dược để tiếp xúc với các ơn thánh và gần gũi với con người, đó là Thánh lễ, là các Bí tích và những lời cầu nguyện. Sự kết hiệp liên lỉ, kéo ơn Chúa từ các thánh lễ nơi nguyện đường tuôn tràn trên thánh lễ cuộc đời. Việc thực hành các Bí tích là những phương thế nối dài thúc đẩy chia sẻ một cách phục vụ vô vị lợi. Lời cầu nguyện thành tâm có sức biến đổi chính mình và tha nhân. Có như vậy, chúng ta mới thực sự là những người làm công tận tụy, những người đích thực làm vườn nho cho Chúa. Mục đích không khác gì hơn là làm cho Nước Chúa được vinh danh ngay tại thế này và anh chị em của mình được sống tròn đầy ân thánh Chúa mọi nơi mọi lúc. Amen.
Lm Micae Vũ An Lộc
SUY NIỆM: TINH THẦN PHỤC VỤ ĐÍCH THỰC
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ tinh thần phục vụ đích thực: “Sau khi chu toàn phận vụ, các con hãy tự nhận mình là những đầy tớ vô dụng”.
Khi dạy các môn đệ, cũng như chúng ta như thế, Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ chúng ta hay xem nhẹ việc chúng ta làm, nhưng Ngài muốn giúp chúng ta -qua con đường phục vụ vô vị lợi với tất cả tinh thần trách nhiệm và khiêm tốn- sẽ được Thiên Chúa ban dồi dào hồng ân gấp bội.
Trước khi khuyên chúng ta phục vụ hết mình và tự nhận mình là tôi tớ vô dụng, Chúa Giêsu -Ngôi Hai Thiên Chúa- đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian trong thân phận con người hèn mọn. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống cho con người (Mt 20, 28); Ngài là Thiên Chúa nhưng ở giữa các môn đệ như kẻ hầu bàn (x. Lc 22, 27); Tuy là Thầy là Chúa, Ngài đã “chỗi dậy, bỏ áo xống đi và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13, 4-5). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philippphe cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…. Chính vì thế, ngài được Thiên Chúa tôn vinh và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu” (Pl 2, 6-11)
Theo gương Chúa Giêsu, biết bao Kitô hữu đã sống tinh thần phục vụ. Đức Thánh Cha Phaolô VI làm việc miệt mài lo cho Giáo Hội; cuối mỗi văn kiện gửi cho dân Chúa, ngài viết: “Phaolô VI, tôi tớ của các tôi tớ”. Mẹ Têrêsa Calcutta và các chị em trong dòng dong duổi khắp đường phố Ấn Độ để phục vụ những người nghèo hèn khốn khổ nhất. Gương phục vụ của Mẹ Têrêsa được cả thế giới trân trọng và ngưỡng mộ.
Ở tại giáo xứ, chúng ta cũng nhận thấy nhiều gương phục vụ âm thầm và khiêm tốn. Quý Tu sĩ, Quý Ban Hành Gíao, quý chức các hội đoàn, các anh chị Giáo Lý Viên, ca viên… phục vụ giáo xứ mà không nhận một đồng tiền lương. Có thể họ còn gặp phải nhiều khó khăn, hiểu lầm, trách móc; tuy nhiên, Chúa ban cho lòng họ chan chứa niềm vui vì vinh dự được trở nên “đầy tớ”. Bởi vậy, vô dụng không phải là không làm được việc gì nhưng là làm việc cách cần mẫn mà không kể công lênh.
Cầu Nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thiên Chúa làm Người, nhưng đã chấp nhận trở nên “tôi tớ phục vụ”.
Ước gì qua lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi chúng con biết nghe Lời Chúa, noi gương Chúa trở nên những người phục vụ giáo xứ, gia đình và những người xung quanh với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi. Chúng con tin rằng Chúa sẽ trả công bội hậu theo lòng quảng đại của Ngài, nhất là sẽ ban thưởng nước trời cho chúng con nếu chúng con phục vụ anh chị em một cách cần mẫn, với tinh thần khiêm tốn và trung thành. Amen.
Dom. Nguyễn Thành Tiến.
SUY NIỆM:
Đầy tớ phục vụ ông chủ là lẽ bình thường, vì đó là bổn phận của anh ta. Tuy nhiên cũng có những ông chủ tốt bụng phục vụ ngược lại đầy tớ, nhưng đó chỉ là chuyện tốt bụng của ông, đầy tớ không được quyền đòi hỏi.
Chúng ta cũng vậy, những việc chúng ta phải làm cho gia đình, cho xã hội, cho Giáo hội… thuộc về bổn phận của chúng ta. Vì thế, chồng không thể nói: “anh tốt với em quá mà!” hoặc ngược lại ; cha mẹ không thể nói với con cái: “tao tốt với mày quá mà!” ; cha sở không thể nói với giáo dân: “tôi tốt với anh chị em quá mà!” ; giáo dân không thể nói với cha sở: “con tốt với cha quá mà!”… tất cả đều là bổn phận của chúng ta.
Khi đã chu toàn bổn phận phải biết khiêm tốn nói: “tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” Ngược lại, nếu chưa làm tốt thì phải biết cố gắng. Điều đó cho thấy con người chúng ta luôn luôn bất toàn, cần đến ơn Chúa và sự giúp đỡ của người khác. Những gì chúng ta làm được chỉ là bổn phận mà lẽ ra chúng ta phải làm tốt hơn.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức mình chỉ là những đầy tớ vô dụng đã được Chúa cho làm việc trong gia đình của Chúa. Chúa lại yêu thương phục vụ con bằng cái chết và các bí tích của Ngài. Vì vậy xin cho con luôn khiêm tốn để chu toàn bổn phận mà Chúa đã trao. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn