THỨ TƯ TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 17,11-19
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.
17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?”
19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”.
SUY NIỆM: LÒNG BIẾT ƠN
Chắc chắn câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay đã quá quen thuộc với nhiều người trong chúng ta. Có đến 10 người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có duy nhất 1 người quay trở lại để ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa. Qua đây, Chúa Giêsu muốn nhắc cho chúng ta về tầm quan trọng của “lòng biết ơn”, một giá trị nhân văn không thể thiếu của con người, đặc biệt là những người con cái Chúa.
Vậy chúng ta cần phải biết ơn ai?
Trước hết là biết ơn Chúa. Có biết bao nhiêu người cùng tuổi với chúng ta, trẻ hơn chúng ta mà nay đã trở về với tro bụi. Có bao giờ mỗi sáng thức dậy anh chị em tạ ơn Chúa, vì Ngài đã gìn giữ mình được an bình trong đêm qua không thưa cộng đoàn. Đừng quên tạ ơn Chúa về hồng ân sự sống mà Chúa vẫn ban cho chúng ta từng ngày. Khi suy gẫm về điều này, có một Linh mục kia dặn như thế này: Người 30 tuổi trở lên, sống được năm nào tạ ơn Chúa năm đó; người trên 40 tuổi, sống được tháng nào tạ ơn Chúa tháng đó; người 50 tuổi sống được ngày nào tạ ơn Chúa ngày đó; còn người trên 60 sống được giây phút nào hãy tạ ơn Chúa giây phút đó thưa anh chị em.
Chúng ta cũng đừng quên tạ ơn Chúa cả những thất bại, những khổ đau, những bệnh tật mà mình gặp phải trong cuộc sống; bởi những lần như thế Chúa luôn ban cho ta đủ ơn cần thiết, để chúng ta vững tin và vững lòng trông cậy vào Ngài.
Kế đến là biết ơn các đấng sinh thành. Có 1 người cha viết cho con trai duy nhất của mình bức tâm thư như sau: “Con thân mến, ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rơi rớt vung vãi... Xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ những ngày giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.
Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một câu chuyện, thì đừng bao giờ gay gắt với bố mẹ... mà xin con hãy lắng nghe! Vì khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một truyện cổ tích thâu đêm, cho đến khi con đi vào giấc ngủ.
Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng cho đó là điều xấu hổ. Con hãy nhớ... lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về trước khi con tắm.
Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa... hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ, như thể ngày nào bố mẹ đã tập tành cho con những bước đi đầu đời.
Xin con hãy cho bố mẹ những nụ cười và niềm hạnh phúc của tuổi già, để bố mẹ an bình và thanh thản trở về cõi ngàn thu”.
Đừng bao giờ để cho bố mẹ phải van xin mình như thế thưa anh chị em. Nhưng phận làm con, chúng ta có bổn phận phải trả ơn các ngài bằng lòng hiếu kính, chăm sóc và phụng dưỡng
Tiếp nữa là biết ơn Giáo Hội. Giáo Hội được ví như 1 người mẹ người cha luôn bao bọc chở che chúng ta: gìn giữ và bảo vệ đức tin, hướng dẫn chúng ta đến đường hoàn thiện, chăm sóc phần linh hồn qua các Bí tích…Hãy bày tỏ biết ơn và lòng yêu mến Giáo Hội thưa anh chị em.
Sau cùng, mỗi người đừng quên cám ơn cuộc đời. Ông bà ta dạy: “Đi 1 ngày đàng thì sẽ học được 1 sàng khôn”. Những va chạm, những khó khăn trong cuộc sống sẽ giúp chúng ta khôn hơn, trưởng thành hơn, kinh nghiệm hơn. Không ai thành công mà chưa 1 lần trải qua thất bại, vì thất bại vốn là mẹ của thành công. Một lần vấp ngã trong đời sẽ giúp ta cẩn thận và vững vàng hơn trong bước đường kế tiếp.
Như vậy, lòng biết ơn vừa là 1 bổn phận, vừa làm tăng thêm nét đẹp nhân văn cho mỗi người. Còn người sống vô ơn là đang tự hạ thấp chính mình. Do đó, mỗi người hãy sống làm sao để không lỗi đạo với Chúa, không lỗi nghĩa với người và với đời, đặc biệt là không hổ thẹn với chính bản thân mình. Amen.
Lm Antôn
SUY NIỆM: CHÓP ĐỈNH CỦA TẠ ƠN
Trong một cuốn sách của mình, Elisabeth Elliot viết, “Hãy đặt trái tim bạn vào những gì được ban cho bạn tận hưởng, dẫu phù hợp hay không phù hợp hoàn toàn; những thứ ấy được coi như những thứ thuộc thời gian. Nhưng những lời ngợi khen, cảm tạ dâng lên Đấng Ban Ơn là những gì vượt thời gian; và nếu được tháp nhập với Đức Kitô, nó sẽ trở thành ‘chóp đỉnh của tạ ơn!’”.
Quả thế, nếu “được tháp nhập với Đức Kitô, nó sẽ trở thành ‘chóp đỉnh của tạ ơn!”. Lời khuyên của Elisabeth Elliot phù hợp biết bao với câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Và sẽ khá bất ngờ khi cho rằng, việc một người phong cùi được chữa lành, quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa, đưa chúng ta về với Bí tích Thánh Thể, Bí tích Tạ Ơn! Thật thú vị, trong tiếng Hy Lạp, để biểu lộ lòng biết ơn, người ta nói “EuXaristia”, nghĩa là “Tạ Ơn”; “EuXaristia” còn có nghĩa là “Thánh Thể”. Như thế, cử hành Thánh Thể là hành vi tạ ơn đúng nghĩa nhất; Thánh Thể là ‘chóp đỉnh của tạ ơn’ vậy!
Thánh Luca nói đến những con người không còn gì để mất, những người phong cùi nghèo mà hy vọng duy nhất của họ chỉ còn nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu. Họ không thể làm gì hơn ngoài việc van xin Ngài; và họ đã làm. Đứng cách xa Ngài, theo luật dạy, họ thừa nhận sự bất lực của mình, khẩn xin lòng thương xót, “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!”. Họ đã nhận được điều họ xin, Ngài đã chữa lành tất cả; và họ tiếp tục bước đi trên con đường của mình, lòng hỷ hoan với quà tặng vừa lãnh nhận. Tuy nhiên, một người trong họ quay trở lại để tạ ơn Thiên Chúa; và điều này khiến Chúa Giêsu vừa ngạc nhiên, vừa thất vọng, “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu?”. Ngài lấy làm tiếc, không phải vì đã trót làm phúc cho chín người hững hờ; nhưng Ngài tiếc cho họ, vì họ không biết rằng, họ sẽ được nhận nhiều hơn!
Chỉ cần trở lại, sẽ được nhận nhiều hơn! Một chi tiết thú vị khác mà chúng ta cần lưu ý là, khi Chúa Giêsu chữa lành cho họ, Ngài chỉ nói, “Hãy đi trình diện với các tư tế!”; nói như thế, khác nào nói, ‘Hãy đi dâng lễ!’. Tuyệt vời thay, một người trong họ đã khôn ngoan quay lại với Ngài, Tư Tế thánh thiện nhất, xứng đáng nhất cho việc tế tự. Ngay lúc ấy, Ngài đặt anh lên một cấp độ cao hơn, một cấp độ có khả năng nhận được nhiều hơn từ Ngài. Bằng cách tạ ơn về những gì đã nhận được, anh có khả năng nhận được nhiều hơn: Anh được cứu! Được cứu bởi lòng thương xót của Chúa Giêsu, giờ đây, anh có khả năng lớn lên trong sự thân mật với Ngài! “Communion”, có nghĩa là “Hiệp Thông”; bên cạnh đó, còn có nghĩa là “Rước Lễ”; biết đâu, người ngoại giáo này sẽ là môn đệ của Ngài; “EuXaristia”, “Hiệp Thông với Thánh Thể” cũng là ‘chóp đỉnh của tạ ơn!’.
Tuy nhiên, như những người phong cùi, chúng ta có thể là những người đang lở loét thiêng liêng được Chúa Giêsu chữa lành; và nếu chấp nhận quà tặng của Ngài mà không biết cảm tạ, chúng ta chỉ là những người tiêu thụ ân sủng đơn thuần, không có khả năng ‘cho lại’ bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu muốn cứu chúng ta khỏi tình trạng thiếu khôn ngoan này; vì thế, Ngài cần lời tạ ơn của chúng ta, “EuXaristia!”; nhờ đó, Ngài mới có thể nâng chúng ta lên một cấp độ thiết thân hơn.
Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, qua Thánh Thể, ‘chóp đỉnh của tạ ơn’; trong đó, chúng ta không còn là những người thụ động hưởng nhận ân sủng, nhưng đã trở nên những người cộng tác với sự cứu độ của Ngài. Khi sống trong một môi trường tạ ơn, sống một đời sống Thánh Thể, chúng ta thu hút được nhiều ơn lành cho linh hồn, cho gia đình, cho cộng đoàn mình và cho cả thế giới. Và đó là khôn ngoan, một sự khôn ngoan đối với “Đấng xét xử địa cầu” mà Thánh Vịnh đáp ca và bài đọc thứ nhất hôm nay nói đến, “Hãy lắng nghe và học biết sự khôn ngoan!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng lòng biết ơn nơi con; nhờ đó, sự hiệp thông của con với Chúa được nâng lên ở một cấp độ sâu sắc hơn, xin dìm con sâu hơn trong Thánh Thể, để con có thể cùng Chúa lên tận ‘chóp đỉnh của tạ ơn’”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế.
SUY NIỆM: CHÚA CHỮA MƯỜI NGƯỜI PHONG CÙI
1. Trên hành trình của Đức Giê-su về Giê-ru-sa-lem, khi qua biên giới hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê thì có mười người phong cùi đến xin Chúa chữa cho mình. Đức Giê-su không trực tiép chữa mà chỉ bảo họ đi trình diện với các tư tế để chúng tỏ mình đã được sạch. Họ tin lời Chúa, đang khi đi trên đường họ đã được khỏi bệnh. Nhưng sau khi được lành thì chỉ có một người trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, còn chín ngưới kia thì không. Còn chúng ta, có nhận ra ơn lành Chúa ban và biết dâng lời cảm tạ Người hay không?
2. Tin Mừng hôm nay Chúa muốn nhắc nhở chúng ta phải có tinh thần biết ơn. Đức Giê-su đã chữa lành 10 người phong cùi, nhưng chỉ có một người quay trở lại để cám ơn Ngài, mà người đó lại là người Sa-ma-ri-a, một người ngoại giáo. Những người có đạo lại trở thành ngoại đạo, vì họ không biết nói lời cám ơn, không biết sống tình người. Trong khi đó, dưới cái nhìn của Đức Giê-su, một người ngoại đạo lại trở thành có đạo vì đã biết sống tình người. Đức Giê-su đã nói với người Samaria: ”Lòng tin của ngươi đã cứu ngươi”. Lòng tin ở đây là biết trở lại tìm Đức Giê-su và nói lên niềm tri ân của mình. Người Sa-ma-ri-a ra về được lành không những trong thân xác, mà nhất là được chữa lành trong tâm hồn. Từ nay tâm hồn của ông được mở ra vì đã biết sống tình liên đới với tha nhân. Trong khi đó 9 người Do thái kia được hồi phục trong thân xác, nhưng vẫn tiếp tục cắt đứt tâm hồn họ khỏi mọi liên đới và ràng buộc với tha nhân, và đó chính là sự cùi hủi đáng thương nhất của con người (Mỗi ngày 1 tin vui).
3. Tin Mừng kể lại việc 10 người phong cùi được Đức Giê-su chữa lành, nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Sở dĩ, 9 người Do thái được chữa lành không trở lại tôn vinh Thiên Chúa, có lẽ vì họ quá chú trọng đến việc thi hành lề luật là đi trình diện tư tế, để được công nhận đã khỏi bệnh và được hòa nhập vào cộng đoàn trở lại. Cũng có thể vì quá vui mừng tìm đến gia đình bạn hữu mà quên Đấng đã cứu mình. Nhưng dù lý do nào đi nữa, thì sự thật vẫn là những người được ơn đã quên mất Đấng là mọi nguồn ơn lành.
4. John Hughes là một tài xế taxi nại Nữu ước. Một sáng nọ, trong khi lau chùi xe, ông bắt gặp một chiếc nhẫn bằng ngọc bảo trên xe. Ông cố nhớ xem chiếc nhẫn này là của người hành khách nào. Cuối cùng, ông nhớ đến một người phụ nữ đã mang theo rất nhiều tiền. Sau hai ngày tìm kiếm, ông gặp lại người phụ nữ và hồi hộp trả lại chiếc nhẫn cho bà ta. Chẳng những không thưởng, mà bà ta cũng chẳng nói một lời cám ơn. Sau đó, ông John Hughes nói: ”Tôi rất mừng vì dù sao cũng đã gặp được bà ta. Đó là việc tôi phải làm”.
5. Mười người đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn chúa. Tỉ lệ 1/10 thật là đáng buồn. Vì thế có người nói rằng: “Con người ta thường hay ích kỷ: muốn người khác phải trả ơn mình, biết ơn mình, còn mình không để ý cám ơn ai”. Hơn nữa, người ta dễ quên ơn và mau quên ơn Đời là thế: Lẽ ra phải
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn cây nào rào cây ấy,
Uống nước phải nhớ nguồn,
Thì lại:
Ăn cháo đá bát,
Vắt chanh bỏ vỏ,
Có trăng phụ đèn,
Ăn mật trả gừng,
Ăn sung trả ngải…
Kẻ muốn được ơn thì quá nhiều, còn kẻ biết ơn, hàm ơn, thì lại quá ít, và số người này lớn quá (Phạm văn Phượng).
6. Truyện: Nhật ký của một bà già.
Đây là những lời của một bà già viết trong Nhật ký:
Chúa ban cho tôi biết bao ơn lành của Chúa,
Chúa cho tôi đôi mắt, để tôi nhìn ngắm bao kỳ công,
Chúa cho tôi đôi tai, để tôi nghe đủ âm thanh,
Chúa cho tôi đôi môi, để tôi hé mở nụ cười,
Chúa ban cho tôi hai tay, để tôi bưng chén cơm, cầm bút,
Chúa cho tôi đôi chân, dẫn tôi đi khắp nẻo đường,
Chúa cho tôi khối óc, để tôi biết phân biệt điều thực điều hư,
Mà đã có lần nào tôi nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa chưa?
Hay phải đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, tôi mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM:
Câu chuyện
Kurt Emmerich - bác sĩ giải phẫu trong quân đội của Đức, đã kể câu chuyện sau đây về một kinh nghiệm ông đã trải qua ở biên giới Nga. Hàng ngàn thương binh đã được ông giải phẫu tại bệnh viện dã chiến, nhưng chỉ có một trường hợp làm ông không bao giờ quên. Người lính trẻ đó được đưa vào bệnh viện với một khuôn mặt bị vỡ tan nát. Bác sĩ phải làm việc rất nhiều ngày để sửa lại khuôn mặt của anh với tất cả nỗ lực có thể được qua hàng loạt những phẫu thuật cấy và ghép da.
Trong lần giải phẫu cuối cùng, bác sĩ đã phải khâu nối kết toàn thể các phần còn lại với nhau ở khóe miệng của bệnh nhân. Những y tá phụ đã giúp cho anh thương binh ngồi lên. Vì thuốc tê chung quanh miệng bệnh nhân vẫn còn hiệu quả, nên bác sĩ nói với anh: “Bây giờ công việc đã hoàn tất, chúng tôi muốn nghe anh phát biểu một điều gì với môi miệng mới của anh”.
Anh thương binh trẻ từ từ cử động những bắp thịt quanh miệng một cách rất cẩn thận và rồi với nụ cười mỉm đầu tiên của anh, miệng anh uốn theo những chữ: “Cám ơn” (Theo Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa… năm C, tr. 343).
Suy niệm
Tin mừng Luca 17,11-19 gợi lại trong tâm hồn chúng ta tâm tình sống nhớ ơn, tạ ơn. Tinh thần này không chỉ là nét đẹp trong đời sống nhân văn mà còn là giá trị cao quý của tâm tình đức tin: Chúa Giêsu đánh giá cao lòng biết ơn qua biến cố Ngài chữa lành mười người bị phong hủi nhưng chỉ có người Samaria ngoại đạo quay lại tạ ơn Ngài và ca tụng Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu luôn sống trong tâm tình tạ ơn: Mỗi khi làm việc, Ngài cũng tạ ơn chúc tụng Chúa Cha, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi làm cho Ladarô phục sinh (x. Ga 11,41-42), Ngài tạ ơn Cha khi làm phép lạ bánh (x. Mt 15,36; Mc 8,6...). Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho chúng ta về đời sống tâm tình tạ ơn mỗi ngày. Thánh Phaolô học tập gương Thầy Chí Thánh thể hiện qua các thư gửi các giáo đoàn, Ngài luôn tạ ơn Thiên Chúa, Ngài nhớ ơn sự quảng đại các cộng đoàn đã quảng đại giúp đỡ Ngài trên đường sứ vụ và Ngài cũng mời mỗi người tín hữu sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa với Ngài.
Sống tâm tình tạ ơn trong đời sống là một nét đẹp nhân bản và tác động của tâm tình đức tin. Tôi và bạn có được ngày hôm nay là do công lao của biết bao bàn tay và tâm hồn đưa chúng ta vào đời. Trước hết phải kể đến ơn tạo dựng của Thiên Chúa, không lạ gì khi Kinh Thánh có rất nhiều Thánh Vịnh, bài ca ca tụng Thiên Chúa, cụ thể như những câu Thánh Vịnh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?” (Tv 116,12); “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv 117,1)... Chúng ta phải mang bổn phận biết ơn, vì “Từ nguồn sung mãn của Người (Đức Giêsu), tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).
Cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì chúng ta có được trong đời, dù rằng như Kinh Tiền tụng trong thánh lễ nhấn mạnh: “Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời” (Kinh Tiền tụng IV). Sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chính lời tạ ơn trở nên hoa trái ân sủng cho chúng ta như phương pháp “Hồi tâm” của thánh Ignaxiô, nhấn mạnh đến tâm tình tạ ơn, tâm tình này giúp con tim chú ý đến những món quà mà chúng ta nhận được trong ngày. Nhờ đó cuộc sống của chúng ta với thiên nhiên, với anh chị em, với bạn bè và thế giới xung quanh, đặc biệt với Thiên Chúa sẽ được sung mãn và dồi dào hơn trong tình yêu.
Hãy ghi nhận và biểu lộ lòng biết ơn với những người thân quen sống bên ta... Lòng biết ơn gắn kết chúng ta trong tình yêu, như là những bông hoa nhỏ chớm nở xua đuổi mùa đông băng giá nơi tình người và bắt đầu nảy nở “mùa xuân” trong cuộc sống mỗi ngày.
Ý lực sống
“Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Kể ra đây muôn việc lạ Chúa làm.
Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa,
đàn hát kính danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao”.(Tv 9,2-3)
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM:
Ranh giới giữa “bên có đạo và bên không có đạo” lại xuất hiện nhóm người sống chung với nhau gồm cả người có đạo và không có đạo, dường như người có đạo ít hơn, chỉ có 1 người. Sự gặp gỡ này là vì họ dù có đạo hay không có đạo đều có một điểm chung: mắc bệnh phong cùi.
Chính trong sự đau khổ và loại trừ khiến con người sẽ gặp gỡ nhau bất chấp tôn giáo, địa vị, thành phần giai cấp. Lúc này đâu ai còn chơi với người cùi, đâu ai dám lại gần người cùi, đâu ai nghe người cùi tâm sự, đâu ai thăm viếng người cùi… thôi thì từ nay cùi sống với cùi, cùi chơi với cùi, cùi tâm sự với cùi, cùi gặp gỡ cùi…
Đức Giêsu thấu hiểu nỗi khổ của họ nên Ngài đã cho họ được sạch để hòa nhập với cộng đoàn. Tuy nhiên khi được sạch rồi, những người có đạo lại dựa vào lệ luật để chỉ sống cho lề luật, họ đi trình diện các tư tế. Còn người ngoại đạo thì quay trở lại để cám ơn Đức Giêsu, vì chính con người này đã làm cho anh được sạch. Anh không lệ thuộc vào bất cứ lề luât nào, mà chỉ có trái tim dành trọn cho người đã yêu thương mình.
Chín người kia được sạch về phần xác, nhưng tâm hồn vẫn mù tối, người ngoại bang được sạch cả về tâm phần xác lẫn tâm hồn.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết ơn Chúa là Đấng đã dành mọi sự cho con ; để từ đó dạy con hãy biết san sẻ tình yêu thương với mọi người xung quanh, nhất là những người bị loại trừ trong xã hội. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn
SUY NIỆM: THỂ HIỆN CỦA TỰ DO THỰC SỰ
Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Ðể đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Ðó là lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.
Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.
Ðó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cám ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.
Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.
Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Ðền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Ðấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Ðó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)