THỨ TƯ TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 21/10/2024 19:07

THỨ TƯ TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

Lc 12,39-48

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?

43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.

45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.

 

SUY NIỆM: HÃY CHUẨN BỊ HÀNH TRANG VỀ TRỜI

Cuộc sống này luôn mang lại cho ta những điều mà chúng ta không bao giờ ngờ đến: Người làm nông thì đang yên đang lành bỗng nhiên xả lũ, nước ùa về, mất trắng tất cả; ngành bất động sản tăng vọt khiến nhiều người đầu tư hết tiền của vào nhà cửa đất đai, ngủ một đêm, sáng dậy sập sàn, trở tay không kịp; người kinh doanh buôn bán thì đi vay đi mượn mở quán mở tiệm, dịch xong, quán xá ế ẩm cách lạ thường…

Thôi thì biết trách ai bây giờ, vì đó là những điều bất ngờ không ai biết trước được! Nhưng có những điều bất ngờ chúng ta có thể biết được, mà nếu ta không chuẩn bị trước thì chúng ta quả một người thiếu sự khôn ngoan. Vậy chúng ta có thể biết trước điều gì?

Thứ nhất đó là cái chết. Làm người ai cũng phải chết, đó là nguyên lý bất di bất dịch mà ai ai cũng biết. Không có chuyện “cải lão hoàn đồng” hay “trường sinh bất tử”. Cái chết nằm trong quy luật sinh tồn của con người.

Thứ hai, cái chết luôn là 1 điều bất ngờ. Biết mình sẽ chết nhưng chẳng ai biết mình sẽ chết lúc nào. Chúa Giêsu chỉ nói cho biết: “Đó là lúc anh em không ngờ, là giờ anh em không biết”.

Và thứ ba, Giáo Hội cho biết cái chết là thời khắc quyết định ta được lên thiên đàng hay xuống luyện ngục, được cứu độ hay mất phần rỗi linh hồn.

Đó là 3 điều chúng ta có thể biết: biết là phải chết, biết cái chết là bất ngờ, biết cái chết quan trọng cho sự sống đời đời. Chính vì thế, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải tỉnh thức, phải chuẩn bị sẵn sàng; chứ đừng như tên đầy tớ “nghĩ bụng rằng: ngày ấy còn lâu mới tới, rồi cứ mãi ăn chơi hưởng thụ”.

Vậy chúng ta tỉnh thức để làm gì? Và chúng ta cần chuẩn bị những gì?

Thưa chúng ta phải tỉnh thức để mình khỏi sa chước cám dỗ. Chắc ai cũng từng có kinh nghiệm rằng, khi đối diện những cám dỗ thì mình yếu đuối vô cùng. 10 cám dỗ thì may ra lướt thắng được 1-2 lần. Do đó, tỉnh thức còn là để chúng ta cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp cho mình.

Chuẩn bị thì có nhiều thứ để chuẩn bị, nhưng điều muốn nhấn mạnh ở đây là hãy chuẩn bị cho mình 1 tâm hồn luôn luôn trong sạch. Có tội thì đi xưng tội, chứ đừng để tội chồng chất trong tâm hồn.

Chúa Giêsu cho biết, những ai làm được như thế là những người khôn ngoan và xứng đáng hưởng hạnh phúc Nước Trời. Còn những ai biết được những điều đó mà không thực hiện, không chuẩn bị sẵn sàng; thì xứng đáng lãnh nhận hình phạt. Amen. 

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM:

A. Phân tích (Hạt giống...)

Đoạn Tin Mừng này gồm 2 dụ ngôn nhỏ:

1. Dụ ngôn chủ nhà tỉnh thức (39-40): Dụ ngôn này không so sánh Thiên Chúa với tên trộm, mà so sánh việc Thiên Chúa đến và tên trộm đến cũng bất ngờ như nhau. Vì bất ngờ nên phải tỉnh thức. Ý chính là tỉnh thức.

2. Dụ ngôn quản gia trung thành (41-48): dụ ngôn này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Luca dùng hay dùng danh từ ”quản lý” để chỉ những kẻ lãnh đạo (x. 16,1.3.8). Người lãnh đạo được Thiên Chúa giao coi sóc giáo đoàn phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa Quang lâm. Khi đó người đó sẽ được trọng thưởng. Trái lại nếu nghĩ rằng Chúa chậm Quang lâm để rồi lạm dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống lu bù) và ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái) thì khi đến Ngày Quang lâm sẽ bị trừng phạt nặng. Chúc vụ càng cao thì hình phạt càng nặng. Ý chính là trung thành trong nhiệm vụ được giao.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh tượng trái ngược nhau: có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình một người lính gác vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.

2. Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói: “Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến lên” (Drinkwater).

3. ”Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40)

Con mưa chiều 28-7 đã làm cho cây me cổ thụ trước nhà số 100A đường Nguyễn thị Minh Khai, quận 1 tróc gốc ngã đè ba xe gắn máy. Em Hà chí Thanh, 17 tuổi, học sinh, nhà ở số 444/20 đường cách mạng tháng 8 quận 3, đi xe Kawasaki Neo Max chết ngay tại chỗ. Bảy người khác bị thương phải chở đi cấp cứu. Theo kỹ sư Phạm Thanh Sơn. phó giám đốc Công ty Công viên cây xanh thành phố, cây me trên đã được tỉa cành, ngọn, đã khống chế chiều cao và... đã có giấy phép đốn hạ vào ngày 29-7-96. Trước tình trạng cây cổ thụ ngã hàng loạt trong mùa mưa có gió mạnh này, ông Sơn cho biết công ty sẽ huy động toàn lực lượng nhanh chóng đốn hạ khoảng 80 cây cổ thụ đã có giấy phép xin đốn bỏ. Em Thanh đâu có ngờ, chiều hôm ấy mình là nạn nhân. Ông Sơn đâu có ngờ, cây đổ trước một ngày có giấy phép đốn hạ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sẵn sàng để có thể lên đường với Chúa, khi Người đi ngang qua đời con và cất tiếng gọi mời. (Hosanna)

Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

 

SUY NIỆM: HÃY LÀ NGƯỜI ĐẦY TỚ TRUNG THÀNH

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về những khó khăn và đối kháng mà họ phải đối diện. Ngài mời gọi họ phải luôn tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh để được bình tĩnh và nhận ra Ngài đến với họ trong những thời khắc mà họ không ngờ đến. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay ra làm ba phần: Phần 1 (Lc 12:39-40) là lời dạy của Chúa Giêsu về việc các môn đệ phải luôn sẵn sàng chờ Ngài đến. Phần 2 (Lc 12:41-46) trình bày hình ảnh của người đầy tớ trung tín và bất trung và thái độ của ông chủ đối với họ. Phần 3 (Lc 12:47-48) nói về các cấp độ khác nhau của hình phạt cho những đầy tớ bất trung.

Trong phần 1, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cụ thể của cuộc sống hằng ngày để dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta về điều cần phải biết khi chờ Ngài đến: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Trong những lời này, điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có là “biết”: Người môn đệ phải “biết” kẻ thù [kẻ trộm] là ai và họ muốn lấy đi điều gì. Chỉ khi biết được điều này, người môn đệ mới có được những phương án thích hợp để đối phó hầu không bị kẻ trộm lấy đi những điều quý giá mình có. Từ kinh nghiệm thường ngày này, người môn đệ học cách để biết được những phương án, những thái độ cần thiết khi Con Người [Chúa Giêsu] đến. Phần này mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình. Nhiều lần, chúng ta không biết kẻ thù của mình là ai nên không có sự đề phòng và như thế chúng ta đã để những thứ quý giá trong cuộc sống của mình bị lấy đi. Cũng đôi khi chúng ta “biết” kẻ thù của mình là ai và chúng thường tấn công những lãnh vực nào trong cuộc sống, nhưng chúng ta không chống lại. Hãy tỉnh thức! Đừng để kẻ trộm lấy đi những giá trị cao quý của cuộc đời chúng ta như gia đình, tình thân và niềm vui có Chúa.

Phần hai là câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Phêrô: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” (Lc 12:41). Đây là câu hỏi của người đại diện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội. Chúa Giêsu trả lời cho Phêrô bằng cách chỉ ra vai trò của người quản gia trung tín, khôn ngoan, đó là người được “ông chủ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để phân phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc” (Lc 12:42). Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan phải biết mình là ai và công việc của mình là gì: họ là người được “đặt lên” và như thế phải thực hiện những công việc mà người đặt họ lên mong đợi. Chi tiết này cho thấy, một người lãnh đạo là người biết quyền bính của mình là từ Thiên Chúa và họ chỉ làm những điều Chúa muốn họ làm chứ không làm điều mình muốn. Điều này được làm sáng tỏ trong hình ảnh của người đầy tớ trung tín và thất tín: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về,’ và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín” (Lc 12:43-46). Chúng ta thuộc loại nào trong hai đầy tớ này: trung tín hay thất tín? Chúng ta đang sử dụng những gì Chúa ban để phục vụ anh chị em mình hay chúng ta đang sử dụng những điều Chúa ban để chiếm lấy chỗ của Chúa và “thống trị” anh chị em mình.

Bài Tin Mừng kết thúc với phần ba, phần nói về hình phạt dành cho những người không làm theo ý chủ. Phần này đưa chúng ta về lại với phần 1 và chìa khoá nối kết hai phần là chữ “biết.” Trong phần 1, nếu người chủ nhà biết lúc nào kẻ trộm đến thì ông sẽ có cách đối phó. Điều này chỉ cho thấy sự tấn công đến từ bên ngoài. Nói cách khác, cái biết ở đây là cái biết về những gì xảy ra bên ngoài. Còn trong phần này, cái biết đến từ bên trong, đó là “biết ý chủ.” Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta hai loại: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12:47-48). Cả hai đều thực hiện điều không đẹp lòng chủ. Nhưng hình phạt của họ lệ thuộc vào cái biết của họ. Cái biết ở đây được giải thích rõ trong câu “ai được cho nhiều” và “ai được giao phó nhiều.” Những người môn đệ là những người được giao phó nhiều về mầu nhiệm nước trời. Vì vậy, họ sẽ phải là những người chia sẻ những điều được giao phó hầu sinh ích lợi cho anh chị em mình. Trong mọi điều chúng ta được giao phó, con tim là điều quý giá nhất. Con tim đó được giao phó để chúng ta yêu thương người khác: Chúng ta đã làm điều này thế nào? Con tim chúng ta chứa đầy tình yêu hay sự chua chát, đắng cay và hận thù?

Lm. Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: TRÁCH NHIỆM KHI ĐƯỢC LÃNH NHẬN

 VTV1 hài hước khi bình luận về trách nhiệm của một số công trình thất cách: Tàu thuyền đóng mới có một năm bị hen rỉ được đổ lỗi: “Vì nước biển năm nay mặn”. Cá chết vì mưa lớn. Phố nhà giàu Phú Mỹ Hưng hôi do gió thổi ngược từ bãi rác Đa Phước. Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sụt, lún, thấm nước do biến đổi khí hậu. . . Mỗi khi có sự cố xẩy ra từ các công trình, đều đổ thừa cho Ông Trời, mà có ai bác thang lên hỏi Ông Trời, nên cứ đổ cho Ông Trời chẳng ai thắc mắc, và người dân đành chịu vậy. Phụng vụ hôm nay nói lên những trách nhiệm phải có khi được trao cho sứ vụ.

1/ Sẵn sàng vì An sinh

 Dụ ngôn “Người chủ nhà tỉnh thức”, hẳn cộng đoàn nghe rất nhiều về đoạn Tin mừng này, nhất là trong Mùa Vọng, thế nhưng chúng ta vẫn chưa tỉnh, chưa thức, vì ngôi nhà thể xác chúng ta vẫn còn chắc chắn, ăn vẫn ngon, ngủ vẫn tốt, chơi vẫn khỏe. Nếu ngôi nhà thể xác chúng ta vẫn tốt, thì việc lo bảo dương an sinh vẫn là điều cần thiết, như người ta vẫn nói, đừng để mất “Trâu mới lo làm chuồng”. Nếu đặt an sinh lên hàng đầu thì vấn đề sẵn sàng, tỉnh thức càng phải đề cao, vì đó là lợi ích cho bản thân mình. Sạng sáng ngày 23. 3. 2018 xẩy ra vụ cháy chung cư Carina Plaza, khu vục cháy phát ra từ tầng hầm để xe, khi có cháy xẩy ra thì người ta mới thấy những cái không. Không lối thoát hiểm, hệ thống chữa cháy không hoạt động. . . Sẵn sàng vì an sinh không bao giờ thừa trong cuộc sống. Sẵn sàng tỉnh thức không bao giờ hoang phí trong đời sống tâm linh của mỗi người

2/ Trung tín vì Mưu sinh

 Một người đạt đến chức quản gia thì đó là niềm vui và hạnh phúc cho bản thân và gia đình, như thế cuộc sống Mưu sinh của anh cũng đỡ vất vả, nếu anh đánh mất đi niềm vui này, thì hiển nhiên anh sẽ tìm đến các niềm vui khác, và hậu quả là anh sẽ bê tha trong công việc. Đời sống Tâm linh cũng vậy, một khi người tín hữu không cảm nhân được niềm vui cần mưu sinh qua Lời của Chúa, qua Bí tích Thánh Thể, thì người tín hữu cũng lơ là việc đến nhà thờ mỗi ngày, và tìm niềm vui ở những nơi khác.

Trong Tin mừng, người quản gia nghĩ: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”. Anh tìm niềm vui nơi đam mê, rượu chè bê tha. Anh tìm niềm vui qua cậy quyền cậy thế, đánh đập tôi tớ dưới quyền. anh tìm niềm vui qua tham nhũng qua việc phân phát của ăn. Kết quả ông chủ về vào lúc anh không ngờ và hậu quả là bị liệt vào những kẻ bất tín, bất trung.

3/ Niềm vui vì được tín nhiệm

    Thánh Phaolô trong bài đọc một muốn chúng ta nhận ra niềm vui vì được Chúa Kitô tái sinh, nên ngài khuyên rằng: “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa.”

   Đúng vậy, hãy nhận ra niềm vui được cứu độ, niềm vui được tái sinh, để phục vụ Cúa Kitô, đó là điều Chúa mong muốn.

Lm. Tam Thái 

SUY NIỆM:

Tin mừng hôm nay nhắc nhở mọi người muốn được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su thì cần có thái độ TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG:

Như người chủ nhà có trách nhiệm: Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thần trách nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”.

Như người quản gia trung tín: Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân.

Như người đầy tớ khôn ngoan: Giống như người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm, để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.

Như một sự biểu lộ niềm tin: Nghĩa là tin chắc chủ sẽ về và thao thức chờ đợi, tin chủ sẽ ân thưởng cho tôi tớ trung thành.

Như một tâm tình yêu mến: Người đầy tớ trung tín, quán xuyến việc nhà khi chủ đi vắng, tận tâm chu đáo trong bổn phận hằng ngày. Anh ta làm việc tích cực y như có chủ ở nhà vậy, cho thấy hành vi này xuất phát từ tình yêu đối với chủ. Anh ta xem việc của chủ như là việc của anh và đã cố gắng chu toàn. 

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban quản lý ân huệ của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Chúa cũng trao ban cho chúng ta những ân huệ đặc biệt kèm theo khi chúng ta nắm giữ một chức vụ phục vụ nào. Chúa còn ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, cơ hội, hoàn cảnh để phục vụ và làm sinh lợi cho Chúa. Khi chúng ta chu toàn việc bổn phận với hết khả năng Chúa ban, thì chúng ta đang là người quản lý tốt.

Tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.

Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình… 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho mọi Ki-tô hữu chúng con luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận, sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Amen

Hiền Lâm

 

SUY NIỆM: TỈNH THỨC

Trước khi về trời, Chúa Giêsu hứa sẽ quay lại để phán xét thế gian. Và kể từ đó, đã gần hai ngàn năm, con người vẫn ngong ngóng ngày Quang Lâm với nhiều cung bậc cảm xúc: kẻ thì sợ hãi thấp thỏm, người thì háo hức, buồn chồn, kẻ lại thờ ơ, bàng quan. Vậy đâu là thái độ đúng đắn cần có?

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu tiên báo ngày Chúa đến giống như kẻ trộm, đến bất chợt không ai ngờ đến. Phúc cho ai luôn tỉnh thức sẵn sàng; khốn cho kẻ chè chén say sưa. Trong những năm gần đây, truyền thông hết lần này đến lần khác bị dậy sóng bởi tin đồn ngày tận thế. Với thái độ “tỉnh thức”, rất nhiều người nhẹ dạ cả tin bỗng hóa ra sốt sắng, thay đổi lối sống. Xem ra họ chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón Chúa, nhưng thật sự là Người vẫn chưa đến. Hy vọng bao nhiêu, thì thất vọng bấy nhiêu. Đây quả là một thái độ tỉnh thức lệch lạc, diễn tả một tâm trạng sợ hãi. Thiết nghĩ, ngày Chúa đến phải là ngày hạnh phúc, hân hoan. Làm sao con cái lại sợ hãi cái thời khắc cha mẹ viếng thăm? Làm sao hiền thê lại lo lắng ngày lang quân tới rước? Chúa Giêsu là bạn hữu, là Đấng đã yêu thương chúng ta đến giọt máu cuối cùng, vậy hà cớ chi ta lại sợ hãi khi Người viếng thăm?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng một ngày không xa, chắc chắn Chúa sẽ lại đến thế gian lần nữa, xin cho chúng con một tinh thần hân hoan để chờ đợi ngày đó.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây