SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 24/06/2024 03:45
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
Mt 7,6.12-14

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

6 “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.”
12 “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.”
13 “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. 14Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”


SUY NIỆM 1: KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một khuôn vàng thước ngọc để đối nhân xử thế trong cuộc sống, đó là: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Nguyên tắc này không khó để hiểu thưa anh chị em: Nếu chúng ta muốn người ta đối xử công bằng và bao dung với mình, thì chúng ta cũng hãy sống công bằng và bao dung với người khác; nếu chúng ta muốn người khác yêu thương và tha thứ cho mình, thì chúng ta cũng hãy sống yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho họ…
Thế nhưng cám dỗ của con người ngày nay là chỉ biết nghĩ cho mình mà không bao giờ nghĩ cho những người xung quanh, thích nhận lãnh hơn là thích cho đi, thậm chí là muốn chiếm đoạt và thu tóm tất cả về mình. Cùng với lối sống theo chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, ai ai cũng chỉ biết cung phụng cho bản thân, dẫn đến lãnh đạm và vô cảm trước những nỗi đau của những anh chị em xung quanh chúng ta. Gã phú hộ giàu có được nói đến trong Phúc Âm sau khi chết đi muốn anh Ladaro nghèo khó hôm nào làm phúc cho mình, nhưng điều đó là không thể; vì khi còn sống ông đã dửng dưng và khướt từ giúp đỡ Ladaro.
Là người ki-tô hữu, chúng ta được mời gọi hãy vượt qua cái tôi ích kỉ và thiếu tình người ấy, để mở rộng trái tim yêu thương với mọi người. Đó chính là con đường hẹp mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta can đảm bước vào. Tuy con đường ấy chật hẹp nhưng lại là con đường Chúa muốn, con đường đưa đến sự sống; còn con đường mà chúng ta muốn tuy rộng rãi thênh thang nhưng lại là con đường dẫn đến diệt vong.
Sau cùng, một lần nữa chúng ta hãy nghe lại những lời đầy tính nhân văn của Chúa Giêsu: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Để làm được điều đó, chúng ta cùng cầu nguyện: “Lạу Ϲhúa xin hãу dạу con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm уêu mến người hơn được người mến уêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen.

Lm. Antôn

SUY NIỆM 2:
Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta“. Đây là khuôn vàng thước ngọc để ta thi hành đức ái theo thánh ý Chúa.
Thật vậy, chẳng ai muốn điều xấu đến với mình bao giờ. Vì thế, không có lẽ gì lại mong muốn điều xấu đến với anh chị em mình. Chỉ có ai nuôi lòng hận thù, hay vì ích kỷ thì mới làm điều bất chính cho tha nhân và muốn điều tốt cho riêng mình mà thôi.
Hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra kim chỉ nam cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta là: hãy muốn và làm điều tốt cho tha nhân trước khi thi hành điều tốt cho chính mình. Phải quên đi bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân trước. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em và hãy đối xử với họ như chính mình muốn được đối xử khi ở địa vị của họ.
Lời Chúa hôm nay không chỉ kêu mời chúng ta “hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình” mà Ngài muốn chúng ta đi xa hơn nữa là hãy cư xử với tha nhân tốt hơn là họ đáng được cư xử. Không chỉ “yêu tha nhân như chính mình” mà hãy “yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta”. Đó là yêu vô điều kiện, yêu đến mức hy sinh cả mạng sống.
Khi yêu như thế, ấy là lúc chúng ta đang đi trên con đường hẹp, con đường của hy sinh, từ bỏ, của yêu thương, quảng đại và vô vị lợi. Sẵn sàng từ bỏ con đường thênh thang là con đường của kiêu ngạo, ích kỷ, nhỏ nhen, trục lợi cho cá nhân mình.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng con con đường về trời. Con đường đó là hy sinh, yêu thương và bác ái vô vị lợi. Xin cho chúng con biết chọn con đường hẹp ấy để tiến bước trên hành trình sứ vụ của chúng con. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 3: CỬA HẸP

Không ai thích đi qua cửa hẹp và đường hẹp vì chúng gây cản trở cho người đi qua. Do đó, người ta thích xây dựng những cửa rộng và đường thênh thang để di chuyển thoải mái hơn. Ở đây, Chúa Giêsu mượn hình ảnh cửa hẹp và đường hẹp để nói đến hành trình vào Nước Chúa là một hành trình đòi hỏi nhiều hy sinh, gian nan và vất vả. Nước Trời chào đón tất cả mọi người nhưng cổng Nước Trời lại hẹp. Vì thế, ai muốn vào Nước Trời không thể mang vác trên mình quá nhiều đồ cồng kềnh được, nhất là tội lỗi.
Chúng ta bước qua cửa hẹp và đi trên con đường hẹp, nghĩa là sống tinh thần từ bỏ mọi sự để thanh thoát mà vào Nước Trời. Càng từ bỏ tội lỗi nhiều thì càng thanh thản, càng chạy theo tham vọng nhiều thì càng nặng nề. Chúng ta hãy bước theo Chúa Giêsu trên hành trình thương khó trong cuộc đời mình, vì chính những khó khăn đó giúp chúng ta tiến vào cửa hẹp dễ dàng hơn.
Lạy Chúa, sự thành công chỉ có giá trị khi được đánh đổi bằng sự hy sinh. Chính Chúa Giêsu cũng đạt đến vinh quang phục sinh bằng con đường khổ giá. Xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa, vì chỉ có lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự mới thúc đẩy chúng con can đảm khép góc cuộc đời chúng con mà qua cửa hẹp. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 4:
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.
• Đức Giêsu nói với các môn đệ cần biết trân trọng những gì thánh thiêng và cũng biết trao ban điều đó cho đúng đối tượng cần. Không phải ai cũng có thể đón nhận được ơn thánh nếu họ không mở lòng mình ra.
• Con chó thì chỉ thấy xương là ngon, con heo thì thích ăn cám. Nếu chúng ta đưa hàng xa xỉ phẩm thì cũng chẳng làm cho chúng béo bổ lên mà lại là đầu tư sai mục đích. Có khi chúng không thích lại phản ứng ngược lại tấn công chúng ta.
• Lời của Đức Giêsu vẫn mãi có giá trị. Có những người coi trọng con vật còn hơn cả con người và ưu đãi nó. Lời của Đức Giêsu đòi buộc con người phải suy xét lại trong cách hành xử của mình với nhau.
Tôi được mời gọi gì khi đón nhận Lời Chúa vào tôi? Tôi sẽ trao ban Lời đó cho những ai?
Lạy Chúa, xin để Lời Chúa luôn là ánh sáng chỉ đường con đi.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 5: Con tim chỉ vui trở lại, hy vọng và tình yêu chỉ được thắp sáng và tâm hồn được biến đổi thành một người mới khi tôi biết sống hy sinh và cho đi. Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta.
Truyện kể:
Hai hạt giống cùng nằm trên một mảnh đất màu mỡ.
Hạt giống đầu tiên nói: “Tôi muốn lớn lên! Tôi muốn rễ của tôi phải ăn sâu xuống lòng đất, mầm của tôi sẽ vươn lên vỏ đất cứng bên trên…Tôi muốn giương nhành lộc non như tấm băng rôn báo hiệu xuân về… Tôi muốn cảm nhận cái ấm áp của mặt trời chảy dài trên khuôn mặt, và cái tinh khiết của sương mai trên những cánh hoa.
Và cô ta lớn lên …
Hạt giống thứ 2 nói “ Hmmm, nếu rễ của tôi ăn sâu xuống đất, tôi không biết tôi sẽ đụng phải thứ gì trong bóng tối. Nếu tôi vươn mầm qua lớp đất cứng, cái mầm mịn màng của tôi có lẽ sẽ bị hủy hoại … chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi để lộc non xuất hiện và sâu bọ có ăn chúng? Và nếu tôi nở hoa, một đứa trẻ nào đó sẽ ngắt tôi khỏi đất. Không, tốt hơn là tôi nên chờ cho tới khi an toàn.
Và rồi cô ta chờ …
Một con gà mái đang đào bới xung quanh tìm thức ăn và phát hiện ra hạt giống đang nằm chờ, thế là gà ta ăn ngay hạt giống ấy.
Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho vườn hoa cuộc đời thêm tươi đẹp – đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.
Theo khuynh hướng tự nhiên ai trong chúng ta cũng thích sống an nhàn và tìm tư lợi cho mình. Nhưng đó không phải là điều Chúa muốn nên Người phán: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng phải làm cho người ta.” (Mt 7,12; x. Lc 6,31; Tb 4,15).
Trong cựu ước chỉ dạy: “Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích.” (Tb 4, 16). Lời dạy này còn mang tính thụ động và tiêu cực nên không phù hợp với lời dạy của Chúa Giêsu.
 Vì sợ bóng tối, hạt giống thứ hai đã không đâm rễ vào lòng đất nên chẳng bao giờ nhìn thấy được ánh sáng.
Cũng vậy, không thích bóng tối không có nghĩa là không gieo bóng tối. Vì chưa hẳn không gieo bóng tối là có ánh sáng. Muốn có ánh sáng phải gieo ánh sáng.
Vì lo sợ đất cứng, sâu bọ và lũ trẻ làm hại nên hạt giống thứ hai đã thụ động tìm sự an toàn, cuối cùng rồi cũng bị hủy diệt.
Cũng vậy tránh điều dữ cũng chưa hẳn tìm được điều lành. Muốn có điều lành cần phải làm những việc lành.
Không ai là một hòn đảo. Sống là sống với, sống cùng, sống vì và sống cho người khác. Khi sống cho người khác đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, chịu thiệt thòi và mất mác, phải đi vào con đường hẹp. Nhưng đó lại là con đường dẫn đến sự sống.
Sự sống ở đây không đơn thuần là tồn tại dưới hình thức vật chất, bởi vì không có vật chất nào không theo quy luật: sinh ra, lớn lên và bị tiêu diệt; sự sống ở đây chính là cõi vĩnh hằng, là dẫu có chết đi, nhưng với mọi người xung quanh, bạn chưa từng chết, bạn không bao giờ chết, bạn tồn tại trong trái tim mỗi người và trong tình yêu của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết khôn ngoan chọn cho mình một con đường hẹp. Đó là con đường của thập giá hy sinh. Con đường vị tha, sống vì anh em bằng tấm lòng yêu mến cho dẫu phải gặp nhiều gian lao thử thách và đau khổ. Nhưng chúng ta hằng tin rằng đó là con đường dẫn chúng ta đến ánh sáng của niềm vui, hạnh phúc và sự sống đời đời.
Lm. Seoka

SUY NIỆM 6: CÁC CON HÃY QUA CỬA HẸP MÀ VÀO
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy, khi đứng trước những cám dỗ đến từ những hoàn cảnh khó khăn, chúng ta thường dễ vượt qua, hơn là khi chúng ta đối mặt với những cám dỗ đến từ những thành công trong cuộc sống của mình, hay khi chúng ta được ngồi trên ghế cao của địa vị và nắm quyền lực trong tay. Cũng vậy, thường thì những ai phải vất vả, bươn chải nhiều năm tháng để gầy dựng nên một sự nghiệp hay một danh hiệu nào đó, thì sẽ biết quí trọng và cẩn trọng hơn trong việc bảo vệ, duy trì những thành quả họ gặt hái được, hơn là những thế hệ con cháu của họ, những người thừa kế thành quả của cha ông mình để lại.
Bài đọc thứ nhất hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh đất nước hùng mạnh Assyria, nơi có bờ cõi rộng lớn chạy từ biên giới Ai Cập ngang qua đồng bằng màu mỡ của dân Israel, Lebanon và Syria, cho tới phía nam của Iraq và phía đông của Iran, với thành trì kiên cố Nineveh là thủ đô.
Sennakêrib, vua dân Assyria khi đã ngồi trên ngai vàng của quyền lực với sự kiêu căng sẵn có, đã không ngần ngại tự cho mình là thần thánh. Ông còn cho ném tất cả các tượng ảnh của các vị thần ở những nơi ông đi qua vào lửa để phá huỷ đi. Ngay cả tên của Gia-vê  Thiên Chúa cũng bị ông buông lời lộng ngôn mà nguyền rủa. Sennakêrib bị lôi vào cơn cám dỗ của quyền lực, tiền tài và sức mạnh quân sự, đã không còn biết kính sợ bất kì sức mạnh kẻ thù nào. Ông còn bắt các chư hầu cống nạp nhiều của cải. Ông sẵn sàng dẹp tan bất cứ thế lực nào nổi lên đòi quyền độc lập, tự do một cách tàn bạo nhất.
Cũng như vua Sennakêrib, chúng ta cũng có thể trở thành những nạn nhân của quyền lực và tiền tài. Cứ nhìn vào cuộc sống của chúng ta, hay xã hội nơi chúng ta đang sinh sống, có biết bao lỗi lầm, lớn bé có, trầm trọng cũng có, đã xảy ra cho nhiều gia đình hay những cá nhân khi họ sở hữu trong tay tiền tài, danh vọng Biết bao nhiêu gia đình đã ly tan chỉ vì những cơn xoáy của sự thèm khát quyền lực, tranh giành tài sản, ích kỉ nhỏ nhen của những “lòng tham không đáy”Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất hôm nay phản ánh những khó khăn của chúng ta khi đối mặt với cám dỗ của sự thành côngĐồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta phương cách để không bị rơi vào sức hút của quyền lực.
Thầy Giêsu trong bài tin mừng mời gọi chúng ta “Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con. Bên cạnh đó, Ngài cũng dạy chúng ta “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất.
Êdêkia vua của Israel sau khi nhận được những lời của Sennakêrib qua một lá thư thóa mạ Gia-vê và muốn ông phải chọn lựa. Thế nhưng, ông đã vội vàng đem lá thư tuyên chiến chứa đầy những lời lộng ngôn đó của hắn trình trước mặt Giavê Thiên Chúa. Ông xin Ngài ra tay gìn giữ dân Ngài hầu cho Sennakêrib thấy rằng “chỉ có mình Chúa là Thiên Chúa.
Êdêkia đã không chọn con đường dễ dàng thênh thang rộng mở là tuần phục Sennakêrib, nhưng ông đã chạy đến với Thiên Chúa là Chúa của mình và xin Người cứu ông và đất nước của ông ra khỏi bàn tay tàn bạo của Sennakêrib. Ông đã chọn Thiên Chúa, ông đã khiêm nhường cậy dựa quyền lực của Người và ông đđược như ý.
Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết noi gương của Êdêkia tin tưởng vào Thiên Chúa bằng việc chọn đi con đường chật hẹp đầy thử thách nhưng sẽ dẫn chúng ta đến với hạnh phúc muôn đời. Amen
 J.J. Duong Duc Nghia, OCD
SUY NIỆM 7: PHẤN ĐẤU QUA CỬA HẸP
Câu chuyện
Có một khách bộ hành phải đi qua một cái làng để đến một nơi mà ông ta không biết đích xác còn bao xa nữa thì mới tới được. Dọc đường ông ta gặp một bác tiều phu, liền dừng lại hỏi xem khoảng bao lâu nữa thì tới nơi mình muốn tới. Bác tiều phu nhìn ông khách rồi đáp ngay: “Tôi không biết”.
Nghe thế, ông khách vội bước đi và nghĩ rằng người nhà quê đó không biết thật, chứ không phải khó tính khó nết. Nhưng khi vừa mới đi được vài bước thì bác tiều phu gọi với theo: “Này ông ơi, ông đi độ 15 phút nữa thì tới nơi đó”. Ngạc nhiên, ông khách quay trở lại hỏi bác tiều phu: “Tại sao khi nãy hỏi bác, bác trả lời không biết?”. Bác tiều phu thông cảm đáp: “Lúc ông hỏi tôi, ông chưa hành động nên chưa thấy bước đi của ông dài hay ngắn, mau hay chậm thì làm sao tôi có thể trả lời cho ông rõ ràng được”.
Suy niệm
Chúa Giêsu trình bày giáo huấn của Ngài với ba ý khác nhau:
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo”… Người Do Thái coi heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại. Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh của thánh hay ngọc trai để nói về Tin Mừng nước Trời. Tin Mừng có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo từ dân ngoại. Ngay cả nơi người Do Thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (x. Mt 10,17). Sách Điđakhê vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai, nhấn mạnh thêm coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa, từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ.
Đức Giêsu đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của người tin vào Ngài: Luôn làm những điều tích cực, điều tốt cho anh em với tất cả lòng quảng đại và yêu mến. Cựu ước dạy: “Đừng làm cho người khác những điều chính mình không thích” (Tb 4,16). Giáo huấn của Chúa Giêsu mang tính cách tích cực hơn: “Hãy làm cho người ta trước”. Muốn người khác giúp đỡ, thì chính mình cũng phải giúp đỡ cho người khác.
Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp. Ðức Giêsu dạy ta cần phải luôn cố gắng, phấn đấu hết sức để được vào nước Chúa. Ngài nói phải phấn đấu bước qua: “Hãy đi qua cửa hẹp”. Ngài nhấn mạnh: “Cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14). Qua cửa hẹp, phải cố gắng, phải chiến đấu không ngừng để về quê Trời. Cho nên, Tin Mừng nói đến hình ảnh: “Chỉ những ai mạnh sức mới chiếm được nước Trời” (Mt 11,12; Lc 16,16).
Xin cho chúng ta luôn gìn giữ ơn thánh được trao ban qua Lời Chúa và Thánh Thể, đó là sức mạnh để chúng ta cùng nhau đi trên con đường mà Đức Giêsu đã đi - con đường hẹp, khó đi - con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống - con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.
Ý lực sống:
“Các con hãy vào qua cửa hẹp… cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp” (Mt 7,13-14)
Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM 8:
Bài Tin Mừng hôm nay là những lời dạy của Chúa Giê-su tuy ngắn gọn nhưng rất rõ ràng về quy luật sống, để đem lại bình an cho cuộc sống đời này và hạnh phúc đời sau.
* Chớ phạm thánh
"Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em”. Với lời dạy này của Chúa Giê-su, trước hết, được hiểu là Bí tích không thể phân phát bừa bãi cho kẻ không tin và không có ý ngay lành. Lời này cũng là một sự nhắc nhở cho chúng ta sự cẩn trọng đối với đồ thánh, nơi thánh và tất cả những gì liên quan đến phụng tự. Vì những gì dành cho việc phụng thờ Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh thì cần được trân trọng và giữ gìn. Đặc biệt, mọi Ki-tô hữu luôn ý thức mình đã được hiến thánh khi chịu các Bí tích, thì hãy luôn giữ mình trong sạch để xứng đáng là nơi thánh cho Thiên Chúa ngự, và xứng đáng đến tham dự cử hành các mầu nhiệm thánh trong đạo.
 * Khuôn vàng thước ngọc
Trước Chúa Giê-su, sách Tô-bi-a cũng đã viết: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15). Khổng Tử cũng trả lời cho một đệ tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì con không muốn thì đừng làm cho người ta. Triết gia Aristote cũng dạy: “Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận”,
Tuy nhiên, các hiền nhân xưa chỉ nói theo mặt tiêu cực. Còn Chúa Giê-su khuyên bảo theo cách tích cực: “Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các ngươi hãy làm cho họ trước”. Đó là là “khuôn vàng thước ngọc” của Kitô giáo và là “kim chỉ nam” cho những ai theo Chúa. Thật vậy, đừng làm điều ác mà thôi thì chưa đủ, nhưng chỉ khi nào mọi người bắt tay làm điều thiện, làm điều mình muốn người khác làm cho ta, lúc đó xã hội mới hy vọng tốt đẹp được. Phải quên đi bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân trước, muốn và làm điều tốt cho tha nhân trước khi thi hành điều tốt cho chính mình. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và hãy đối xử với họ như chính mình muốn được đối xử khi ở địa vị của họ.
 * Đi qua cửa hẹp.
Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự gắng công nỗ lực. Cũng vậy để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực hoàn thiện bằng đời sống đạo đức càng trổi vượt hơn gấp bội. Thật thế, Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước Trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt tới cùng đích ấy, như thánh Augustino nói: “Thiên Chúa dựng nên ta Người không cần ta, nhưng để cứu chuộc ta Người cần ta cộng tác”.
Dĩ nhiên, để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước Trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa (khác với tự thân nỗ lực giải thoát trong Phật Giáo). Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.
Cụ thể, đã là “cửa hẹp” thì muốn vào phải có ít nhất những điều kiện sau đây:
-Phải khom người lại chui mới lọt, nghĩa là hạ mình xuống sống khiêm tốn chứ không phải tự cao tự đại. hãy học lấy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường đã tự hạ mình từ Thiên Chúa xuống làm một con người hữu hạn nghèo khó.
-Phải “giảm cân” cho mình nhỏ lại mới chui qua được, nghĩa là biết trở nên con người nhỏ bé đơn sơ, tránh vơ vét để làm cho mình kềnh to ra vì giàu sang ích kỷ, tránh tham lam quyền lực và tiền của…
-Phải bỏ bớt hành lý thì mới dễ chui vào, nghĩa là bỏ bớt những gì làm ta vướng bận và lấn át chúng ta, như đam mê công việc mà bỏ bê việc lành, đam mê tình cảm mà sinh ra tội lỗi, tham thích vui chơi mà quên cả trách nhiệm kitô hữu…

 Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống tiết độ và tỉnh thức, đừng mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng, hầu mai ngày chúng con được bước vào cửa thiên quốc hưởng vinh quang với Chúa. Amen. 
Lm. Hiền Lâm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây