Phút Cầu Nguyện, Thứ Hai 22/04/2019

Thứ hai - 22/04/2019 00:41
Photo by Lawrence OP

KINH LẠY CHÚA, CHÚA ĐỊNH CHO CON CHẾT CÁCH NÀO

Trong những ngày Tuần Thánh chúng ta chiêm ngưỡng một cái chết đau đớn, khốn cực. Đức Giêsu đã sợ hãi cái chết ấy đến nỗi đổ mồ hôi máu. Tuy nhiên, Ngài không hề thoái lui hoặc chùn bước. Ngài tha thiết thưa với Cha: “Lạy Cha, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.”[1]

Mỗi người chúng ta cũng thế, khi đối diện với cái chết dần đến, ắt hẳn chúng ta cũng lo sợ. Nếu muốn tâm hồn được an bình thanh thản, chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Đấng chịu đâm thâu. Bởi vì, “Khi chiêm ngắm những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, việc vượt qua cái chết có thể dễ dàng hơn. Trong hành vi tin cậy và yêu mến Chúa Cha, ta có thể ‘xin vâng’ như Chúa Giêsu đã làm trong vườn cây dầu. Loại thái độ này được gọi là ‘hiến dâng linh thiêng.’ Người đang chết kết hợp với cuộc hiến dâng của Chúa Kitô trên thập giá.”[2] Hãy cùng với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu để ta cũng biết sẵn lòng chọn vâng theo thánh ý Chúa đã định tựa như của lễ tuyệt vời, qua lời kinh:

“Lạy Chúa, Chúa định cho con phải chết thế nào, cách nào, và trong giờ chết con phải chịu phiền sầu đau đớn khốn cực bao nhiêu, thì nay con xin vui lòng theo ý Chúa mà vâng chịu như vậy.

Trong cuộc lữ hành tiến bước về quê trời, mỗi người chúng ta đều được mời gọi bước theo Đức Kitô với tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha một cách trọn vẹn. Sẽ có lúc trong cuộc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, ta thấy mình như không đủ sức, như muốn ngã quỵ; trái tim ta như thổn thức, bất an; đôi chân ta lại trở nên xiêu vẹo và không muốn bước qua ranh giới phía bên này của sự chết, một nơi mà ta không có chút kinh nghiệm nào. Đã có những cái chết bất ưng; đã có nhiều cái chết đau đớn, khổ cực; lại cũng có vô số những cái chết không được êm ái như mong đợi; nhưng tất cả đều có thể xảy đến với bất kỳ ai. Lúc ấy, thay vì ngã lòng, chúng ta hãy hướng lòng lên Thiên Chúa và vững tin vì Đức Kitô đã đi bước trước, đã trải qua cái chết, đã tiến vào chính vùng bao la rộng lớn vô tri đối với con người để thực hiện ý định của Chúa Cha.

Tâm tình của lời kinh như càng củng cố thêm lòng tin tưởng để mỗi người không còn hãi sợ trước cái chết mà Chúa đã định cho “phải chết thế nào hay cách nào. Nếu như Đức Giêsu là người con thảo của Thiên Chúa khi đến trần gian cũng phải trải qua nhiều nỗi đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, thì chúng ta cũng không thể để cho chính mình đi lệch ra khỏi chặng đường Chúa đã đi. Thêm vào đó, mỗi lần nhìn lên Đấng chịu chết trên Thánh giá, mỗi lần ngắm nhìn dung nhan của Người bị phỉ nhổ, mắng nhiếc, đánh đập đến nỗi không còn hình tượng con người, là mỗi lần ta được khơi gợi để nhớ đến một tình yêu cho đi nhưng không, trao ban đến tận cùng; một sự hiệp nhất thẳm sâu và một sự vâng phục tuyệt vời trước ý định của Chúa Cha. Thánh ý của Thiên Chúa đã định sẵn cho Con Một yêu dấu là như thế đó. Vì lẽ này, ta vững vàng hơn khi cất lên lời kinh: “Nếu trong giờ chết con phải chịu phiền sầu đau đớn khốn cực bao nhiêu, thì nay con xin vui lòng theo ý Chúa mà vâng chịu bấy nhiêu (như vậy).”

Trong Đức Kitô, ta không còn lo ngại Thánh giá trước giờ chết. Vì thế, lời kinh trở thành tiếng lòng ta hân hoan nhận lãnh mọi điều Chúa muốn. Lúc ấy, ta sẽ ý thức hơn bao giờ hết cuộc đổi thay nhiệm mầu đi từ cái chết đến sự Phục Sinh của Chúa Giêsu; lúc ấy “Thập giá trở thành việc tôn vinh Thiên Chúa, biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa trong tình yêu của Chúa Con… Vinh quang này chính là sự sống. Trên thập giá xuất hiện cách còn ẩn kín, nhưng rất mạnh mẽ, vinh quang của Thiên Chúa, cuộc chuyển đổi cái chết sang sự sống. Một cuộc sống mới cho con người đến từ thập giá. Nơi thập giá, Đức Giêsu trở thành nguồn sống cho mình và cho tất cả mọi người. Nơi thập giá, cái chết đã bị hoàn toàn thống trị. Sự vâng lời của Người trở thành sự sống cho chúng ta.”[3]

Tin tưởng vào ân phúc Chúa Phục Sinh, chúng ta thưa lên lời kinh: Lạy Chúa, Chúa định cho con phải chết thế nào, và trong giờ chết con phải chịu phiền sầu đau đớn khốn cực bao nhiêu, thì nay con xin vui lòng theo ý Chúa mà vâng chịu như vậy. Amen

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P      


[1] Mc 14,36

[2] Youcat Vn, Số 155

[3] Đức Benedicto XVI, Bản dịch Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, Đức Giêsu thành Nazareth, phần II, Tr 203

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây