Thứ ba tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.
"Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy".
Lời Chúa: Ga 20, 11-18
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?"
Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".
SUY NIỆM 1: Niềm tin Phục Sinh
Trong một đêm tao ngộ do một nhóm thân hữu tổ chức tại Sydney, Australia, vào một tối Chúa Nhật cuối tháng 4/2001, nhạc sĩ Vũ Thành An, tác giả của những bài ca không tên bất hủ, đã xuất hiện không như một nhạc sĩ, mà như một nhà truyền đạo. Ở cao điểm của đêm tao ngộ, nhạc sĩ Vũ Thành An đã giới thiệu và trình bày những tác phẩm mà ông gọi là Những bài ca nhân bản và thánh ca. Như ông đã giải thích, những bài ca nhân bản đề cao tình người và những bài thánh ca ca tụng tình yêu Chúa này nói lên chính cuộc đổi đời của ông. Những dòng tâm sự và giọng hát của tác giả đã được khán thính giả đón nhận như một bài giảng thuyết về mầu nhiệm Phục Sinh.
Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Ðấng Phục Sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Ðiều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Chúa Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.
Quả thật, Ðấng Phục Sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay. Ðể tin nhận Ngài, con người luôn làm một bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng.
Niềm tin Phục Sinh mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta niềm tin ấy và xin Ngài củng cố niềm tin ấy cho chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Trong ta như trong Maria Mađalêna
Bà Ma-ri-a đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mồ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phái chân.(Ga. 20, 11-12)
Ngày nay, chúng ta gặp thấy một bà đáng tội nghiệp là bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, một bà đã theo Đức Giêsu tới chân thánh giá đầy đau khổ tang tóc. Trong bà chẳng thấy được một chứng cớ nào.
Trước hết, chúng ta gặp thấy bà đầy xao xuyến, lo âu, sợ hãi bên nấm mồ: “Tôi không biết người ta đã đặt Ngài ở đâu”. Dù bà đã ở đó lúc táng xác Người, tuy ở đó vẫn còn dấu vết Đức Kitô.
Chúng ta đã biết, theo Thánh kinh, Đức Kitô đang hiện diện trong Giáo hội, trong cộng đồng các tín hữu, trong mỗi người. Nhưng những ai đến gặp Người thì chỉ thấy những dấu vết như mộ trống. Họ vẫn chẳng thấy chắc chắn.
Chúng ta thấy có người giải thích cho Ma-ri-a Ma-đa-lê-na thì bà không biết tên mãi tới khi người ấy gọi tên bà, bà mới nhận ra Người.
Như vậy, chỉ có thể nhận ra Đức Giêsu khi người ta được gọi tên, được tiếp xúc với riêng mình. Có thể người ta trách những ai đã bỏ Giáo hội và cộng đoàn ngày Chúa nhật đã không có ai tiếp xúc cá nhân với họ, con người vô danh trong cộng đồng chúng ta đã giết chết sự nhận biết Đức Kitô. Vậy đừng bỏ rơi ai bị vô danh trong cộng đoàn tín hữu. Cần phải quan tâm đến từng người, lo cho từng người tiếp xúc với Đức Kitô, để mỗi người được Đức Kitô gọi tên họ.
Ma-ri-a muốn giữ Đức Giêsu lại cho mình. Cũng như chúng ta muốn giữ Người lại cho chúng ta vì chúng ta cần Người lấp đầy vào chỗ buồn sầu trong cuộc sống hiện tại để làm chỗ trú ẩn cho chúng ta trước những nghịch cảnh, những cơn hấp hối. Bao nhiêu người trong chúng ta đã giữ Đức Kitô lại cho mình, mà không chia sẻ, không bao giờ nói về Người, không bao giờ cất tiếng rao giảng về Người? Đâu là dấu chỉ chúng ta kính mến Đức Kitô? Trong giờ phụng vụ chúng ta chia sẻ lời Chúa với nhau hơn hay là thờ ơ lãnh đạm hơn?
Sau hết, khi đã hủy diệt được nỗi sợ hãi và ước vọng chiếm đoạt Đức Giêsu cho riêng mình, nhờ cú sốc được gọi tên riêng mình và được cảm nghiệm sâu xa Thầy đã sống lại, Ma-ri-a cũng được sống lại trong cởi mở và hiên ngang đi làm chứng về Thầy.
C.G
SUY NIỆM 3: Tôi Ðã Xem Thấy Chúa Phục Sinh
Trong thời gian sống tại thành phố Paris, thi sĩ Viler Maria thường có thói quen đi bách bộ vào mỗi buổi chiều. Dọc theo lối đi của thi sĩ có một bà già ngày ngày ngồi ăn xin. Bà ta ngồi đó âm thầm câm nín, dáng vẻ trơ trơ không cảm xúc, ngay cả khi nhận quà bố thí bà cũng chẳng biểu lộ một dấu hiệu biết ơn nào.
Ngày kia, thi sĩ đi bách bộ với người bạn gái trẻ, cô ta quá đỗi ngạc nhiên khi thấy thi sĩ đi ngang qua chỗ ngồi của bà già ăn xin mà chẳng cho bà chút gì. Ðọc được tư tưởng của bạn gái, nhà thơ trả lời: "Quà tặng phải đưa vào tận con tim, chứ không phải chỉ đưa bằng đôi tay".
Qua ngày hôm sau, thi sĩ đến chỗ hẹn với đóa hồng vừa hé nở trên tay. Dĩ nhiên cô gái nghĩ rằng đóa hồng đó dành riêng cho cô, lòng cô rộn lên với tư tưởng: "Ôi! Thi sĩ quá quan tâm đến mình biết bao". Nhưng không. Thi sĩ đã đến trao đóa hồng đó vào đôi tay gầy guộc của bà già ăn xin và rồi sự lạ đã xảy ra là bà già bấy lâu trơ trơ như khúc gỗ giờ đây đã hồi sinh. Bà vội vàng đứng dậy, bước tới cầm tay thi sĩ và hôn lên đôi tay của thi sĩ. Rồi với cử chỉ nâng niu, bà ôm chặt lấy đóa hoa hồng vào lòng và thanh thản bước đi.
Suốt một tuần qua đi, bà mới trở lại chỗ ngồi ăn xin hằng ngày cùng với vẻ câm nín và vô hồn như trước kia. Người bạn gái hỏi thi sĩ xem suốt tuần qua không xin ăn thì bà sống bằng gì. Thi sĩ trả lời: "Bà sống bằng đóa hoa hồng".
Anh chị em thân mến!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cũng thuật lại cho chúng ta câu truyện của một người đàn bà đang u buồn tuyệt vọng, nhưng bỗng nhiên nhận được món quà trao tận con tim, một niềm vui không gì đo lường được, đó là niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh.
Ðọc lại đoạn Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy sự tuyệt vọng của Maria Madalena lúc này đến mức nào. Theo Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc chắn bà đã nghe nói, đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, từ việc chữa lành bệnh tật cho đến việc làm cho kẻ chết sống lại, từ việc khiến gió biển im lặng cho đến chuyện hóa bánh ra nhiều.
Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ khi bà đếm từng vết máu và mồ hôi loang vãi trên đường tử nạn, khi theo dõi từng hơi thở thoi thóp của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hay khi xác Ngài được mai táng trong mồ, và hôm nay cả đến thân xác cũng bị đánh cắp mất, chẳng còn gì hy vọng nữa. Như vậy, tất cả chỉ là tuyệt vọng, Nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, bà đã được tặng ban một món quà không phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim của bà. Ðó là bà được thấy Chúa Kitô Phục Sinh và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào.
"Gọi tên" đó là một dấu chỉ thân mật giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa những người mục tử tốt lành và đoàn chiên. Người mục tử tốt lành nhận biết từng con chiên của mình, và Ngài gọi tên từng con chiên một và cho chúng vào hưởng niềm no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi. Không chỉ riêng Madalena, nhưng mỗi người Kitô hữu đều được tặng ban món quà này. Lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy là họ đã được gọi tên, được đổi mới, được nâng lên hàng con cái dấu yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức Kitô.
Sư sống Phục Sinh này không phải chỉ là một đóa hồng tạm bợ, chỉ hồi sinh con người trong thời gian ngắn ngủi, nhưng là đóa hồng vĩnh cửu có thể cho con người sống đúng địa vị làm người, làm con Thiên Chúa đến muôn đời. Con người chỉ trở nên buồn thảm, câm nín là vô hồn khi họ không biết nâng niu, quí chuộng mà bỏ xa sự sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Lạy Chúa, nếu tội lỗi làm cho con vô cảm, u buồn, tuyệt vọng, thì xin cho con được luôn nhớ rằng: Chúa đang đứng bên con và đang gọi tên con. Con không nhận thấy, không nghe biết vì con không nhiệt tâm yêu mến, tìm kiếm như thánh nữ Maria Madalena. Biết kiếm tìm trong tinh thần yêu mến chắc chắn con sẽ không thất vọng vì Chúa đang ở bên con, đang đợi chờ con.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
SUY NIỆM 4: YÊU ĐỂ TIN VÀ LÀM CHỨNG (Ga 20, 11-18)
Chuyện kể rằng: sau khi Đấng Đáng Kính, Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận bị bắt một thời gian, người ta không còn cách nào liên lạc được với ngài. Ngài đã đi vào cõi biệt vô âm tín. Vì thế, giáo dân nghĩ là ngài đã chết trong tù, nên nhiều người có lòng quý trọng, yêu mến và cảm phục ngài bởi nhân đức anh hùng, nhất là lòng đạo đức, nhân từ, hiền hậu và yêu thương, vì thế họ đã diễn tả lòng biết ơn và kính trọng của họ với ngài bằng cách: cầu nguyện và xin lễ cầu hồn cho ngài. Tuy nhiên, một thời gian sau, ngài được trả tự do và xuất hiện trước công chúng... Tin vui mừng này loan đi cách nhanh chóng, vì thế, chẳng mấy chốc, nhiều người đã biết được tin và họ không ngừng tạ ơn Chúa, trong số những người vui mừng nhất, có lẽ phải kể đến, đó chính là thân mẫu Đức Hồng Y.
Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy cảnh tang tóc, sầu thương, u buồn, tuyệt vọng đang bao phủ tâm trạng Maria Madalena! Bà buồn vì tình cảm mà bà dành cho Đấng đã yêu thương và cứu thoát bà khỏi chết, thoát ra khỏi con đường tội lỗi, ban những lời dạy tuyệt vời..., hơn nữa, sự hy vọng của bà vào Đấng đã chữa lành mọi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại, hóa bánh ra nhiều... sẽ đem lại cho bà một chỗ dựa vững chắc... Nhưng sau những trận đòn chí mạng, những mệt nhọc của chặng đường lên Gôngôtha, và cuối cùng là cái chết trên thập giá và được an táng trong mộ như bao nhiêu người khác... đã làm cho bà thất vọng. Sự tuyệt vọng ấy đi đến đỉnh điểm là ngay cả xác chết rồi mà cũng còn bị mất... Như thế, đặt mình vào tâm trạng của bà, chúng ta mới thấy được sự xót xa buồn tủi là dường nào!
Tuy nhiên, giữa cảnh sầu thương tang tóc ấy, đã bừng lên một niềm vui vô đối, không gì có thể sánh bằng, đó là Tin Mừng Phục Sinh. Phần thưởng của Đức Giêsu dành cho bà chính là cho bà thấy Ngài và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào: “Maria”.
Gọi tên là dấu chỉ thân mật của Thầy và trò, của cha mẹ với con cái, của người mục tử với đoàn chiên. Gọi tên là dấu nhận và biết cách cụ thể, là bảo vệ chở che.
Vì thế, khi vừa nghe thấy Thầy gọi tên mình, bà đã vội vàng thưa: “Rapbuni” (nghĩa là: lạy Thầy).
Nếu việc gọi tên là dấu chỉ, cách thức cho biết người được gọi thuộc về người gọi và người gọi phải có bổn phận với người mà họ đã gọi, thì khi người được gọi nghe thấy và thưa lại chính là sự xác minh cách cụ thể mối tương quan trên.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta về Bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận. Khi lãnh nhận Bí tích này, chúng ta được đổi tên thành Kitô hữu và được gọi vào hàng con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống của Đức Kitô phục sinh.
Đứng trước hồng ân lớn lao đó, chúng ta không ngừng tạ ơn Chúa và lo sống xứng đáng bổn phận của mình. Nhất là trở nên chứng nhân của Chúa phục sinh trong môi trường và xã hội hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, xin ban cho chúng con biết nhận ra tình thương của Chúa khi Chúa phục sinh chúng con từ đau khổ, tội lỗi thành bình an, hạnh phúc và niềm vui qua Bí tích Rửa Tội khi mỗi người chúng con được mang một tên mới và thuộc về Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5: Tôi đã thấy Chúa
Suy niệm :
Maria Mácđala là con người yêu mến.
Theo Tin Mừng Gioan, bà đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ,
đã đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của Thầy (Ga 19, 25).
Hầu chắc bà đã tham dự cuộc mai táng Thầy và biết vị trí của ngôi mộ.
Hơn nữa, bà là nguời ra mộ sớm nhất vào ngày thứ nhất trong tuần.
Rồi bà chạy về báo tin cho các môn đệ về chuyện xác Thầy không còn đó (20, 1-2).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy bà lại có mặt ở ngoài mộ lần nữa (c. 11).
Ngôi mộ như có sức giữ chân bà.
Chỉ tình yêu mới giải thích được điều đó.
Maria là con người tìm kiếm.
Đấng phục sinh hỏi bà: “Bà tìm ai?” (c. 15).
Bà chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là tìm lại được xác Chúa của bà.
Bà đã nói với Phêrô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ,
và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (20, 2).
Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ điệp khúc tương tự:
“Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu” (c. 13).
Khi gặp Thầy Giêsu, bà tưởng là người làm vườn, nên cũng nói:
“Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết
ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về (c. 15).
Đối với Maria, mất xác Thầy là mất chính Thầy,
nên bà cứ bị ám ảnh bởi chuyện người ta để Người ở đâu.
Maria là con người đau khổ.
Bà đã khóc nhiều từ khi xác Thầy không còn đó.
Cả thiên thần và Đức Giêsu đều hỏi bà cùng một câu hỏi: “Tại sao bà khóc?”
Ai sẽ là người lau khô nước mắt của bà Maria Macđala?
Ai sẽ là người giúp bà tìm thấy điều bà tìm kiếm?
Đức Giêsu phục sinh đến gặp bà dưới dạng một người làm vườn.
Thậm chí bà nghi ngờ ông này có dính dáng đến chuyện mất xác Thầy.
“Maria”: Đức Giêsu gọi tên bà với một cung giọng quen thuộc.
Bây giờ bà mới nhận ra Thầy và reo lên: “Rabbouni !”
Có những lời của Đức Giêsu được thực hiện.
“Ai tìm thì sẽ thấy”, “Ai khóc lóc sẽ được vui cười”.
Maria đi tìm xác Thầy, nhưng bà đã gặp được một điều quý hơn nhiều,
đó là chính Thầy đang sống.
Maria đã khóc lóc, nhưng niềm vui bà gặp được lớn hơn nhiều.
Chẳng có giọt nước mắt nào là vô ích trước mặt Thiên Chúa.
Hãy nếm niềm vui bất ngờ của Maria.
Bà được Chúa sai đến với các môn đệ, cũng là anh em của Ngài.
Bà gói ghém kinh nghiệm bà mới trải qua trong một câu đơn giản:
“Tôi đã thấy Chúa !” và Chúa đã nói với tôi (c. 18).
Chúng ta không thể nào làm chứng cho Chúa Giêsu nếu không có kinh nghiệm này.
Thấy Chúa và nghe được Chúa nói: đó là ước mơ của chúng ta trong cầu nguyện.
Nhưng đừng quên Maria đã yêu cách nồng nhiệt và can đảm
và đã đau khổ tìm kiếm Thầy Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM
A) « Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ » (c. 1-2)
(B) « Maria » – « Ráp-bu-ni »
a. Hai thiên thần (c. 11-13
b. Nhận ra nhau (c. 15- 16)
a’. Sứ mạng (c. 17) : trở thành « thiên thần » Chúa sai đến với người khác.
(A’) « Tôi đã thấy Chúa » (c. 18)
Hiểu cách kể chuyện của thánh sử Gioan như trên, kinh nghiệm thiêng liêng nhận ra Đấng Phục Sinh, ngang qua tiếng gọi tên : « Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” – Bà quay lại và nói : “Ráp-bu-ni!” », đã làm cho lời báo tin buồn : « Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ » thành lời loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô chết và phục sinh : « Tôi đã thấy Chúa ! »
* * *
Sự hiện diện của các phụ nữ đi theo Đức Giê-su không được nhắc tới nhiều trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu ; chỉ có mỗi một lần, các bà được nhắc đến một cách long trọng trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa” (Lc 8, 1-3). Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên của biến cố Phục Sinh, sự hiện của các bà được đặc biệt nhấn mạnh, không phải bởi một Tin Mừng, nhưng bởi cả bốn Tin Mừng. Thật vậy, các Tin Mừng đều nói về các bà và nói theo những cách khác nhau, như Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe lại trong Mùa Phục Sinh (Mt 28, 1-10; Mc 16, 1-8; Lc 24, 1-7 và Ga 20, 1-2. 11-18).
Như thế, hình ảnh người phụ nữ được đưa lên hàng đầu trong thời điểm trọng đại : khởi đầu mới của Đức Kitô, của các môn đệ và Giáo Hội, của toàn lịch sử và nhân loại. Vai trò của các phụ nữ được ưu tiên trong giai đoạn mới của lịch sử cứu độ. Nhưng đây không phải là lần đầu, hay là điều bất thường, nhưng là sự ưu ái xuyên suốt của Thiên Chúa dành cho các phụ nữ, trong sáng tạo và lịch sử: bà Eva, bà Sara, bốn người phụ nữ được nêu danh trong chính gia phả của Đức Giê-su (Tama, Ra-kháp, Rút và Batseva), theo Tin Mừng Mát-thêu (Mt 1, 1-17), và nhất là Đức Maria. Đặc biệt, lời hứa chiến thắng Sự Dữ được ban cho bà E-và và bà được ban cho danh hiệu cao quí : « Mẹ của mọi chúng sinh » (St 3, 15.20), cho dù đã vi phạm lệnh truyền !
1. Bà Maria Mác-đa-la
Trong số các bà, Bà Maria Mác-đa-la là nổi bật nhất. Bà được cả bốn Tin Mừng nêu đích danh trong các trình thuật phục sinh (Mt 28, 1 ; Mc 16, 1 ; Lc 24, 10). Hãy nhìn ngắm bà Maria : cùng với Đức Mẹ, có mặt dưới chân thập giá (Ga 19, 25). Vậy bà là ai ? Bà là người phụ nữ được Đức Giêsu trừ khỏi bảy quỉ (Lc 8, 1-3). Điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao bà gắn bó với Đức Giêsu đến như vậy ; bà gắn bó với Thầy của mình trong những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất ; bà gắn bó với Thầy khi Thầy chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan. Đặc biệt, Tin Mừng Gioan kể về bà một cách rất ưu ái :
2. Bà Maria Mác-đa-la và các dấu chỉ Phục Sinh
Chúng ta hãy quan sát các nhân vật và diễn biến của sự kiện, đừng quên khung cảnh thiên nhiên : « Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối » ; đó là khởi đầu của một ngày mới, khởi đầu của một tuần mới, của một giai đoạn mới, khởi đầu của một sự sống mới : nơi đó, ánh sáng đánh tan bóng tối, sự sống chiến thắng sự chết.
Chúng ta hãy nhìn ngắm bà Maria thật chăm chú và hãy cảm nhận những chuyển động nội tâm của bà, khi bà chợt thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ. Hình như bà chạy về ngay mà không cần đi vào mộ để xác minh cho chính xác chuyện gì đã xẩy. Có lẽ bà hơi vội vàng, nhưng đó cũng là linh tính và linh tính này làm bà nói với Phêrô và Gioan với sự chắc chắn : « Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ » ; và thực tế cho thấy linh tính của bà thật chính xác, vì hai vị tông đồ sau đó chạy ra và thấy y như vậy ! Nhưng dù sao giả định tự phát : « người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu » cũng đáng cho chúng ta để ý, bởi vì biến cố phục sinh vượt xa mọi dự đoán và niềm tin của con người : « Xin để lúc khác hãy nói », người Hi-Lạp nói với thánh Phao-lô như thế, khi Ngài công bố Đức Ki-tô phục sinh từ cõi chết.
Chúng ta hãy cảm nhận sự lo âu và hốt hoảng trong lời nói của bà Maria, và hãy cảm nếm tình yêu của bà đối với thân xác bất động của Thầy Giêsu. Hai vị tông đồ bỏ về, nhưng bà Maria vẫn ở lại, đứng ở ngoài, gần bên mộ mà khóc. Hãy nghe tiếng khóc và tiếng lòng của chị. Chị gắn bó Thầy biết bao, khi mà Thầy chẳng còn là gì. Chị gắn bó với thân xác của Thầy đến độ hỏi thăm cả các thiên thần; và còn muốn đem xác Ngài về. Trong khi toàn bộ khung cảnh, toàn bộ thế giới nhỏ bé bao quanh bà là dấu chỉ của Sự Sống Mới:
3. Bà Maria Mác-đa-la và Đức Kitô Phục sinh
Câu hỏi của Đức Kitô khởi đi từ chính điều mà bà Maria đang là: “Này bà, tại sao bà khóc? Bà tìm ai?” Biến cố hiện ra này, cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về hai môn đệ Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta mới nhận ra. Bởi vì, Ngài đã đi vào sự sống mới, cách thế hiện hữu mới, phi không gian và thời gian. Xin Đức Kitô hôm nay tỏ mình ra và cho chúng ta nhận ra Ngài, theo cách thức mà Ngài muốn, như Ngài đã thực hiện đối với bà Maria, đối với thánh Phaolô. Đó là dấu chỉ hiển nhiên và vững chắc của ơn gọi.
Quan sát cách thức, hay đúng hơn là cả một hành trình, Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho bà. Người không tỏ mình ra ngay, như ở đây và trong các trường hợp khác. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao? Bởi vì Người đã đi vào trong sự sống mới, phi không gian và thời gian, sự sống vĩnh cửu; do đó, Người muốn giúp chúng ta nhận ra Người ngang qua các dấu chỉ, dấu chỉ cuộc sống, dấu chỉ Kinh Thánh, dấu chỉ bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Trình thuật Emmau giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn. Và Người tỏ mình ra cho mỗi người mỗi cách, mỗi nhóm mỗi cách. Xin cho chúng ta, khi chiêm ngắm cách thức Đức Ki-tô Phục Sinh tỏ mình ra cho bà Maria, nhận ra cách thức Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho chúng ta, một cách thiết thân và riêng biệt.
a. Trước hết chúng ta cần lưu ý đến các dấu chỉ thiên nhiên hướng về ánh sáng của ngày mới và giai đoạn mới; tiếp theo là “Ngôi Mộ Mở”, mở ra với sự sống mới. Tuy nhiên, bà Maria hoàn toàn hướng về bên trong mộ, nơi chốn của sự chết, với nước mắt, với con tim thổn thức. Nhưng chính tại nơi bà hướng đến, lại dấu hiệu của sự sống, đó là hiện diện của hai thiên thần, hiện diện chính xác tại nơi đặt thi hài của Đức Ki-tô, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.
b. Khi chiêm ngắm, chúng ta có thể chú ý đến chuyện động “quay vô, quay ra” của bà Maria, như là hành trình chuyển hướng từ nơi chốn của bóng tối và sự chết sang Đấng là Ánh Sáng và là Sự Sống.
Thật vậy, ban đầu, bà hướng vào trong mộ mà khóc; rồi bà quay ra, thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng không nhận ra Người. Sau đó, bà lại quay vô; và cuối cùng, bà quay ra hoàn toàn để gặp gỡ và chiêm ngắm Đức Ki-tô sống động ở bên ngoài mộ phần, khi nghe Người gọi tên. Rõ rằng, sự hiện hiện của Chúa vượt qua bình diện thể lí: Ngài vẫn là Đấng đã bị đóng đinh, nhưng đã chiến thắng sự chết, đã đi vào sự sống mới và không bao giờ chết nữa.
Hãy dừng lại thật lâu để chiêm ngắm cuộc gặp gỡ hoàn toàn và tuyệt đối bất ngờ này. Hãy xin để được cùng chung vui với niềm vui lớn lao của cuộc tái gặp gỡ này. Bà Maria đi tìm thân xác đã chết của Chúa, nhưng bà lại được gặp thân xác Phục Sinh rạng ngời của Ngài. Đức Giêsu đã từng nói rằng khi từ bỏ để dấn thân, anh chị em sẽ được gấp trăm, rằng khi liều mất mạng sống sẽ được ban lại sự sống ; với kinh nghiệm gặp gỡ bất ngờ tuyệt đối này, chúng ta mới hiểu được những lời « kì cục » đó của Thày Giêsu. Hãy nhìn ngắm bà Maria chìm ngập trong niềm vui, trong ơn an ủi khôn tả và chia vui với bà: chắc chắn bà đã lao đến ôm chân Đức Kitô (x. Mt 28, 9), vì sau đó Ngài nói: “Thôi đừng giữ Thầy lại”. Và cũng chắc rằng Ngài đã cứ để như thế một lúc thật lâu. Thật là thân thương!
4. « Tôi đã thấy Chúa »
Vẫn chưa hết, chính bà Maria là người đầu tiên được Đức Kitô trao sứ mạng loan báo Tin Mừng, không phải cho muôn dân ngay tức thì, nhưng trước hết cho chính các anh em của Ngài, nghĩa là cho các tông đồ và các môn đệ (toàn là « các đấng các bậc » !). Vì thế, Truyền Thống Giáo Hội tặng cho thánh nữ danh hiệu « Tông Đồ của các Tông Đồ ». Sứ mạng này vẫn còn được Đức Kitô phục sinh trao cho các phụ nữ hôm nay, trong đó một cách rất đặc biệt cho các nữ tu !
Nội dung lời loan báo là : « Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em ». Tin Mừng này chất chứa lòng ước ao bừng cháy của Thầy Giêsu : thông truyền cho anh chị em của Ngài tất cả những gì ngài là : « Cha của Thầy cũng là Cha của anh chị em, Thiên Chúa của thầy cũng là Thiên Chúa của anh chị em. » Như thế, trong và qua Đức Kitô Phục Sinh, một tương quan mới được khai mở cho chúng ta:
Đó chính là hoa trái mà sức sống mới của Đức Kitô Phục Sinh ước ao thông tuyền cho chúng ta. Trình thuật về cách bà Maria thi hành sứ mạng Đức Kitô uỷ thác thật ngắn, nhưng lại nói lên tất cả : đi gặp gỡ người khác, chia sẻ kinh nghiệm đích thân : « tôi đã thấy Chúa » ; và bà truyền đạt lại điều Chúa đã nói với bà.
* * *
Hành trình đi theo Chúa của bà Maria Mác-đa-la là một hành trình thật đẹp và đáng ước ao. Hành trình này cần được tái hiện lại trong hành trình theo Đức Giêsu-Kitô của mỗi người chúng ta.
Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2019
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tuesday (April 03): “I have seen the Lord!”
Scripture: John 20:11-18 11 But Mary stood weeping outside the tomb, and as she wept she stooped to look into the tomb; 12 and she saw two angels in white, sitting where the body of Jesus had lain, one at the head and one at the feet. 13 They said to her, “Woman, why are you weeping?” She said to them, “Because they have taken away my Lord, and I do not know where they have laid him.” 14 Saying this, she turned round and saw Jesus standing, but she did not know that it was Jesus. 15 Jesus said to her, “Woman, why are you weeping? Whom do you seek?” Supposing him to be the gardener, she said to him, “Sir, if you have carried him away, tell me where you have laid him, and I will take him away.” 16 Jesus said to her, “Mary.” She turned and said to him in Hebrew, “Rabboni!” (which means Teacher). 17 Jesus said to her, “Do not hold me, for I have not yet ascended to the Father; but go to my brethren and say to them, I am ascending to my Father and your Father, to my God and your God.” 18 Mary Magdalene went and said to the disciples, “I have seen the Lord”; and she told them that he had said these things to her. |
Thứ Ba 03-4 Tôi đã thấy Chúa
Ga 20,11-18 11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? ” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! “14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? ” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a! ” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni! ” (nghĩa là “Lạy Thầy”).17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.”18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà. |
Meditation:
Do you recognize the Lord’s presence when you hear his word? How easy it is to miss the Lord Jesus when our focus is on ourselves! Mary did not at first recognize the Lord because her focus was on the empty tomb and on her own grief. It took only one word from the Master, when he called her by name, for Mary to recognize him. The Risen Lord Jesus reveals himself to us as we listen to his word Mary’s message to the disciples, I have seen the Lord, is the very essence of Christianity. It is not enough that a Christian know about the Lord, but that we know him personally. It is not enough to argue about him, but to meet him. In the resurrection we encounter the living Lord Jesus who loves us personally and shares his glory with us. The Lord Jesus gives us “eyes of faith” to see the truth of his resurrection and his victory over sin and death (Ephesians 1:18). And he opens our ears to recognize his voice as we listen to the “good news” proclaimed in the Gospel message today. The resurrection of Jesus Christ from the dead is the foundation of our hope – the hope that we, too, who believe in him will see the living God face to face and share in his everlasting glory and joy. “Without having seen him you love him; though you do not now see him you believe in him and rejoice with unutterable and exalted joy. As the outcome of your faith you obtain the salvation of your souls” (1 Peter 1:8-9). Do you recognize the Lord’s presence with you, in his word, in the “breaking of the bread,” and in his church, the body of Christ? “Lord Jesus, may I never fail to recognize your voice nor lose sight of your presence as you open the Scriptures for me and speak your life-giving word.” |
Suy niệm:
Bạn có nhận ra sự hiện diện của Chúa khi bạn lắng nghe lời Người không? Thật dễ dàng biết bao để quên lãng Chúa khi chúng ta chú trọng tới chính mình! Maria lúc đầu đã không nhận ra Chúa bởi vì cô đang chăm chú vào ngôi mộ trống và vào nỗi đau của chính mình. Chỉ cần một tiếng của Thầy, khi Người gọi tên cô, để Maria nhận ra Người. Chúa Giêsu phục sinh mặc khải chính mình cho chúng ta khi chúng ta nghe lời Người Sứ điệp của Maria với các môn đệ “Tôi đã nhìn thấy Chúa” là bản chất đích thật của đạo Công giáo. Người tín hữu không đủ để biết về Chúa, nhưng chúng ta còn phải biết chính Người. Tranh luận về Người vẫn chưa đủ, mà còn phải gặp được Người. Trong sự sống lại, chúng ta giáp mặt với Chúa sống động, Đấng yêu thương mỗi người chúng ta cách cá vị và chia sẻ vinh quang của Người với chúng ta. Chúa ban cho chúng ta “cặp mắt đức tin” để nhìn thấy sự thật về sự sống lại của Người và sự chiến thắng trên tội lỗi và cái chết (Eph 1,18). Và Người mở tai của chúng ta để nhận ra tiếng nói của Người khi chúng ta lắng nghe “tin mừng” được công bố trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Sự sống lại của Ðức Giêsu là nền tảng của niềm hy vọng chúng ta – sự hy vọng rằng chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt và chia sẻ vinh quang và niềm vui bất tận của Người. “Tuy không thấy Người anh em vẫn yêu mến Người, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ của con người” (1Pr 1,8-9). Bạn có nhận ra sự hiện diện của Chúa với mình, trong Lời Người, trong “việc bẻ bánh” và trong Giáo hội, là thân mình của Ðức Kitô không?
Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con không bao giờ quên nhận ra tiếng nói của Chúa và cũng không quên sự hiện diện của Chúa trong Lời ban sự sống của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn