Thứ Sáu tuần thánh – Kỷ Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa.
"Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".
Lời Chúa: Ga 18, 1 - 19, 42
C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu
C. Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng: J. "Các ngươi tìm ai?" C. Chúng thưa lại: S. "Giêsu Nadarét". C. Chúa Giêsu bảo: "Ta đây". C. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói "Ta đây", bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng: J. "Các ngươi tìm ai?" C. Chúng thưa: S. "Giêsu Nadarét". C. Chúa Giêsu đáp lại: "Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi". C. Như thế là trọn lời đã nói: "Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con". Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Đầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng: J. "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!" C. Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô: S. "Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?" C. Ông đáp: S. "Tôi không phải đâu".
C. Đám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp: J. "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói". C. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói: S. "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư". C. Chúa Giêsu đáp: J. "Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?" C. Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông: S. "Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?" C. Ông chối và nói: S. "Tôi không phải đâu". C. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng: S. "Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?" C. Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.
Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói: S. "Các ngươi tố cáo người này về điều gì". C. Họ đáp: S. "Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan". C. Philatô bảo họ: S. "Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông". C. Nhưng người Do-thái đáp lại: S. "Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả". C. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi: S. "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?" C. Philatô đáp: S. "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này". C. Philatô hỏi lại: S. "Vậy ông là Vua ư?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi". C. Philatô bảo Người: S. "Chân lý là cái gì?" C. Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ: S. "Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?" C. Họ liền la lên: S. "Không phải tên đó, nhưng là Baraba". C. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói: S. "Tâu Vua Do-thái!" C. Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói: S. "Đây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án". C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ: S. "Này là Người". C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to: S. "Đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!" C. Philatô bảo họ: S. "Đấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông". C. Người Do-thái đáp lại: S. "Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa". C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu: S. "Ông ở đâu đến?"
C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người: S. "Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?" C. Chúa Giêsu đáp: J. "Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn". C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên: S. "Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa". C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân: S. "Đây là vua các ngươi". C. Nhưng họ càng la to: S. "Giết đi! Giết đi! Đóng đinh nó đi!" C. Philatô nói: S. "Ta đóng đinh vua các ngươi ư?" C. Các thượng tế đáp: S. "Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa". C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.
Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: "Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái". Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:
S. Xin đừng viết "Vua dân Do Thái", nhưng nên viết: "Người này đã nói: 'Ta là vua dân Do-thái'". C. Philatô đáp: S. "Điều ta đã viết là đã viết". C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau: S. "Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy". C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta". Chính quân lính đã làm điều đó.
Đứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: J. "Hỡi Bà, này là con Bà". C. Rồi Người lại nói với môn đệ: J. "Này là Mẹ con". C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói: J. "Ta khát!" C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói: J. "Mọi sự đã hoàn tất". C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: "Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người". Lời Kinh Thánh khác rằng: "Họ sẽ nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu qua".
Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.
SUY NIỆM 1: Thủ phạm giết Chúa
Từ đầu Mùa Chay đến nay, cuốn phim “Cuộc Thương Khó Của Chúa Kitô” của đạo diễn Mel Gibson đã được công chiếu trên khắp nước Mỹ, rồi đến các nước ở Âu Châu và cả tại Trung Đông nữa. Cuốn phim đã ghi vào lịch sử điện ảnh là phim đắt khách nhất và đạt doanh thu kỷ lục, chỉ vì cuốn phim đã gây tranh cãi về tính cách “bài Do Thái”. Chính nhà đạo diễn Mel Gibson đã khẳng định rằng: “Bộ phim của tôi nói về đức tin, đức cậy, đức mến và sự tha thứ. Đó là nội dung sứ điệp của bộ phim. Tôi không có tinh thần bài Do Thái, tinh thần bài Do Thái không phải là tinh thần Kitô, mà là một tội lỗi”. Trả lời cho câu hỏi: “Ai đã giết chết Chúa Giêsu?”, Mel Gibson nói: “Câu trả lời chính là tất cả chúng ta đã giết chết Chúa Giêsu. Tôi là kẻ đầu tiên có phần trách nhiệm trong cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chịu đánh đòn “vì những tội lỗi của chúng ta”. Ngài chịu thương tích vì những lỗi phạm của chúng ta, nhưng những vết thương của Ngài đã chữa lành chúng ta”.
Đó là sứ điệp chính của bộ phim. Bộ phim không nhằm quy trách nhiệm cho ai là kẻ đã giết chết Chúa Giêsu”.
Nhà đạo diễn nhìn nhận rằng bộ phim của ông có những cảnh “quá bạo lực” và ông giải thích rằng ông có ý làm như vậy để nhằm gây phản ứng nơi khán thính giả, nhằm giúp họ hiểu được tầm mức hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. “Tôi muốn làm cho khán thính giả hiểu được rằng có một người đã chịu đựng được những hành hạ đến mức tận cùng như thế, mà vẫn còn có thể yêu thương và tha thứ. Tôi hy vọng bộ phim sẽ cổ võ suy tư, làm cho khán thính giả trở về với nội tâm, suy nghĩ về chính bản thân mình”.
Thưa anh chị em,
Khi cử hành cuộc tưởng niệm Chúa Giêsu bị trên trên Thập giá, Giáo Hội không chỉ nhắc nhớ đến một biến cố lịch sử đã xảy ra hơn 2000 năm nay, nhưng còn nhắc nhở đến trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta về cái chết của Chúa Giêsu.
Thật vậy, dưới cái nhìn lịch sử, chúng ta lên án một Giuđa đã phản nộp Thầy, một Philatô nhát đảm, vì sợ mất chức quyền mà vội vàng kết án tử hình cho Chúa, một Phêrô hèn yếu đã chối bỏ Thầy, một đám đông vô ơn bạc nghĩa đã hò hét đòi đóng đinh Chúa, dầu biết rằng Chúa chẳng có tội gì để phải chịu một cái án quái gở đó…
Thế nhưng, cái chết của Chúa không chỉ là một biến cố lịch sử, nhưng đó còn là một Mầu nhiệm Cứu Độ, trải dài hết từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và nó mang một chiều kích phổ quát, có giá trị cứu rỗi cho hết mọi người tin và Danh Chúa Kitô. Do đó, nó được hiện tại hoá trong mọi thời gian. Và vì thế cái chết trên Thập giá của Chúa Kitô có trách nhiệm của chúng ta.
Chúng ta đã tuyên xưng rằng: “Ngài đã chịu vì chúng ta và để cứu chuộc chúng ta”, nghĩa là vì tội lỗi của chúng ta mà Ngài phải chịu treo lên. Tội lỗi của chúng ta chính là những tiếng reo hò đòi đóng đinh, là những sự xỉ vả, là lời phản bội, là lời tuyên án Chúa.
Do đó, khi tưởng niệm cái chết của Chúa hôm nay, Giáo Hội cũng thiết tha kêu gọi các tín hữu hãy đấm ngực ăn năn, nhận phần trách nhiệm của mình, để rồi, như một Phêrô “ra ngoài ăn năn khóc lóc” có nghĩa là chúng ta phải tháo gỡ cái án tử hình của Chúa, bằng cách thay đổi nếp sống cũ, trở về với Chúa. Xa tránh những lối sống thấp hèn, trở về lối sống con cái của Chúa, và thân thưa với Chúa như anh trộm sám hối bên Thập giá của Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, khi vào Nước Chúa, xin nhớ đến con.” Amen.
SUY NIỆM 2: Thập Giá Đức Kitô.
Trong tập hồi ký, một người Do Thái từng ở trại tập trung thời Đức Quốc xã bên Ba Lan có kể lại câu chuyện sau: Những người lính Đức Quốc xã treo cổ hai người Do Thái và một thiếu niên trước sự chứng kiến của tất cả trại viên. Hai người đàn ông chết tức khắc vì kiệt sức, nhưng cơn hấp hối của cậu thiếu niên kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ. Nhìn thấy cảnh tượng đó, một trại viên đứng sau tôi đã thốt lên: “Thiên Chúa đang ở đâu?”. Khi người thiếu niên đang cố gắng vùng vẫy trong vòng giây thắt cổ, tôi lại nghe một người khác thốt lên: “Bây giờ Chúa ở đâu?”. Và, tôi nghe từ tận đáy tâm hồn tôi: “Ngài đang ở đây, Ngài đang bị treo cổ kia”.
“Bây giờ Thiên Chúa đang ở đâu?”. Mỗi lần bóng tối của Thập giá làm dấy lên trong chúng ta câu hỏi như thế, chúng ta nghe vọng lên từ nỗi đớn đau của chúng ta câu trả lời duy nhất là: “Ngài đang có mặt đó”. Ngài đang có mặt đó, bởi vì Ngài là Tình yêu. Chỉ có Tình yêu mới có thể đi đến tận cùng của khoan dung và tha thứ. Thập giá vẫn mãi mãi là tột đỉnh của sự độc ác dã man của con người, sự độc ác dã man đó càng bộc lộ, thì tình yêu Thiên Chúa càng bày tỏ.
Lý luận thông thường không thể hiểu cạn được tại sao một Thiên Chúa lại có thể chịu treo trên Thập giá. Nhưng đó lại là sức mạnh, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bởi vì đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của tình yêu. Dù tội lỗi con người có ngập tràn, dù sự độc ác của con người có chất ngất, Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ.
Thập giá không chỉ là biểu trưng của sự độc ác và tội lỗi con người, mà còn là vẻ đẹp của chính tình yêu Thiên Chúa. “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Ngài không sai Con Ngài đến để luận phạt thế gian, những để thế gian nhờ Con Một Ngài mà được cứu thoát”. Đó phải là xác tín của chúng ta khi ngắm nhìn Thập giá Chúa Giêsu. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta khước từ. Không có tình yêu nào cao cả hơn.
Vì yêu thương chúng ta, Ngài chấp nhận chịu treo trên Thập giá. Vì yêu thương chúng ta, Ngài trải qua mọi khốn cùng của kiếp người. Không phải đinh sắt đã đóng Ngài vào Thập giá, mà chính là tình yêu. Đó là tất cả vẻ đẹp cao vời của Thập giá. Thập giá là nơi ngự trị của Thiên Chúa. Chính trong những nơi cơ cực, nghèo hèn, bỉ ổi và đớn đau nhất mà sự hiện diện của Thiên Chúa lại càng mãnh liệt hơn. Chính từ Thập giá mà tiếng gọi yêu thương của Ngài càng thắm thiết hơn.
Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu ôm trọn từng nỗi khổ đau của con người. Nhìn ngắm Thập giá của Ngài, đôi mắt chúng ta càng phải mở rộng ra để nhận thấy bao nỗi thống khổ cơ cực của những người chung quanh. Lúc đó, Thập giá không còn vắng bóng Thiên Chúa mà trái lại là điểm xuất phát của những nghĩa cử yêu thương, từ đó tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ bừng dậy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!
Bài Suy Niệm của ÐTC Gioan Phaolô II trong Buổi Ði Ðàng Thánh Giá
Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2002 (Ga 18,1-19,42)
1. Crucem tuam adoramus, Domine! - Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!
Ở cuối của lời cầu xúc động này về cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô, tia nhìn của chúng ta vẫn hướng về Thánh Giá. Chúng ta suy niệm trong đức tin mầu nhiệm cứu độ được mạc khải cho chúng ta. Khi chết đi, Ðức Giêsu vén lên bức màn trước mắt chúng ta, và giờ đây Thánh Giá đứng thẳng trên thế giới trong tất cả sự huy hoàng của nó. Sự yên lặng đem lại an bình của Ðấng mà sự dữ thế gian đã treo lên Cây này đang hé lộ ra hòa bình và yêu thương. Trên Thánh Giá, Con Người đã chết, mang theo với Ngài gánh nặng của mọi khổ đau và bất công nhân thế. Trên đồi Golgotha, Ðấng, mà qua cái chết của Ngài đã cứu rỗi thế giới, chết vì chúng ta.
2. "Họ sẽ nhìn ngắm Ðấng mà họ đã đâm thâu qua" (Ga 19,37).
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chứng kiến những lời các tiên tri được nên trọn, những lời mà Thánh Sử Gioan, một chứng nhân tận mắt, đã thấy được sự chính xác khi suy niệm trong lòng, Thiên Chúa làm người, Ðấng vì yêu thương đã chấp nhận hình phạt nhục nhã nhất mà bao nhiêu chủng tộc và các nền văn hóa ngày nay đang chứng kiến. Khi tia nhìn của họ được dẫn dắt bởi cảm nhận sâu sắc của đức tin, họ nhận ra trong Ðấng Bị Ðóng Ðinh một "chứng nhân" vô địch của yêu thương.
Từ Thánh Giá, Ðức Giêsu gom lại thành một dân tộc, Dân Do Thái và Dân Ngoại, hiển thị ý chí của Cha Ngài trên trời muốn tạo ra một gia đình duy nhất cho nhân loại được tụ họp dưới Danh Ngài.
Trong nỗi đau tê tái của Người Ðầy Tớ Thống Khổ, chúng ta đã nghe tiếng kêu khải hoàn của Thiên Chúa Trỗi Dậy. Ðức Kitô trên cây Thánh Giá là nhân loại mới đã được chuộc khỏi gánh nặng của tội lỗi và sự chết. Bất chấp những bóp méo và ngộ nhận của lịch sử, có thể có, chúng ta biết rằng nếu bước theo chân của Người Nazarét bị đóng đinh này, chúng ta sẽ đạt được mục đích. Giữa những xung đột của một thế giới thống trị bởi ích kỷ và thù hận, chúng ta, như những tín hữu, được kêu gọi để công bố vinh quang của Yêu Thương. Hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta làm chứng cho vinh quang của Ðức Kitô bị đóng đinh.
3. Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!
Vâng, chúng con thờ lạy Ngài, Lạy Chúa, Ðấng đã bị treo lên Thánh Giá giữa trời và đất, Ðấng Trung Gian duy nhất của ơn cứu độ chúng con. Thánh Giá Ngài là bích chương của vinh quang chúng con!
Chúng con thờ lạy Ngài, Con của Ðức Trinh Nữ Rất Thánh, đang đứng bất khuất bên cạnh Thánh Giá, can đảm chia sẻ trong lễ hy sinh cứu chuộc của Ngài.
Qua Gỗ Thánh Giá trên đó Ngài bị đóng đinh, niềm vui đã đến với toàn thế giới - propter Lignum venit gaudium in universo mundo. Hôm nay chúng con tất cả nhận thức hơn về điều này khi tia nhìn của chúng con được nâng về phía sự kỳ diệu khôn tả của sự Phục Sinh của Chúa. "Chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, Lạy Chúa, chúng con tán tụng và thờ lạy sự Phục Sinh thánh thiện của Ngài!".
Với những tình cảm này, anh chị em thân mến, tôi gỡi đến anh chị em lời chúc Phục Sinh với phép lành Tòa Thánh.
+ Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng
(Bản dịch Việt Ngữ của J.B Ðặng Minh An)
SUY NIỆM 4: NGHỊCH LÝ CỦA THÁNH GIÁ
(Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Buổi chiều hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ” của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo. “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá. Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.
1.- Nghịch lý của Thánh Giá
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã là nguyên nhân để nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và trai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo. Những người như thế, họ coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây nên.
Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Đức Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội!
Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét… là biểu tượng của sự chết chóc và thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn được dùng để sử tử tội nhân mà thôi.
Nhưng đối với Thiên Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người. Thánh Phaolô đã nói: “Con Thiên Chúa chết trên thập giá là một trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu” (x. Rm 11,33). Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con người.
Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ.
Nhưng với những người tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại. Những người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại.
Nếu xưa kia trong vườn Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước Cây Trái Cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại.
Như vậy, từ Cây Trái Cấm, sự chết đã tiêu diệt thế gian, và Trái Cấm là rào cản lớn đến độ con người không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì đã mất do Nguyên Tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường Sinh.
Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa […] Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng) cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25).
Vì thế, “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).
2. Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi
Cuộc đời của người Kitô hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? “ (Mc 8,34-36); và: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).
Lời mời gọi đó đã được gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu.
Thánh Giá mà mỗi chúng ta phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng… và phục vụ trong yêu thương.
Làm được như thế, ấy là chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu. Đặt bước chân của ta vào dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng.
Như vậy, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên xưng: “ Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá […] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi ” (Gl 2,19-20).
Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, người kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Ngài, và như một định luật đối với những người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới được vào vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con. Amen.
SUY NIỆM 5: Thế là đã hoàn tất
Suy niệm :
Vào Chúa nhật Lễ Lá chúng ta đã nghe đọc bài Thương Khó
trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.
Vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta luôn nghe đọc bài Thương Khó theo Gioan.
Thánh Gioan kể lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu với những nét riêng của ông.
Chúng ta trân trọng cái nhìn bổ sung của thánh Gioan cho những Tin Mừng khác.
Trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu của Gioan tỏ ra là người chủ động.
Ngài biết trước các biến cố sắp xảy ra, và Ngài có quyền năng làm chủ mọi sự.
Chính Ngài tiến ra và hỏi các kẻ đến bắt Ngài: “Các anh tìm ai?”
Câu trả lời của Ngài đủ làm họ lùi lại và ngã xuống đất (18, 4-9).
Đức Giêsu bình an và uy nghiêm bước vào cuộc Khổ nạn,
vì Ngài đã chấp nhận chén đắng Cha trao (18, 11).
Khi bị vị thượng tế Khanna tra hỏi về giáo huấn,
chẳng chút sợ hãi, Ngài đã thẳng thắn từ chối trả lời (18, 19-21).
Khi bị vả mặt, Ngài cũng đòi kẻ xúc phạm Ngài phải nói rõ tại sao (18, 23).
Đức Giêsu bị đem tới dinh tổng trấn Philatô lúc trời đã sáng.
Philatô là người xét xử Đức Giêsu, nhưng có vẻ ông là người bị động.
Ông bị giằng co giữa một bên là Đức Giêsu đang ở trong dinh,
bên kia là đám đông và các nhà lãnh đạo Do thái giáo đang ở ngoài dinh.
Một bên là ông Giêsu mà ông không tìm thấy lý do nào để kết tội (18, 38; 19, 4. 6).
Bên kia là chức tổng trấn và chức “Bạn của Xêda” mà ông đang nắm giữ (19, 12).
Philatô không biết phải theo ai, chọn ai trong tình cảnh căng thẳng này.
Vì thế ông đã đi ra, đi vào cả thảy bảy lần (18, 18, 29. 33. 38; 19, 1. 4. 9. 13).
Đức Giêsu đã đối thoại khá dài với Philatô về Nước của Ngài (18, 36-37),
một nước không có trên bản đồ, không có quân đội, không dùng bạo lực.
Nước của Ngài gồm những người biết nghe sự thật và đứng về phía sự thật,
sự thật này được Ngài làm chứng và cất tiếng nói lên.
“Đây là Vua các người”, Philatô đã giới thiệu Đức Giêsu như thế (19, 14)
và ông đã cương quyết giữ lại tấm bảng treo trên thập giá mang dòng chữ :
“Giêsu Nadarét, Vua dân Do thái” (19, 19).
Đức Giêsu đã tự mình vác thập giá lên đồi Sọ và bị đóng đinh vào giữa trưa.
Chiên Thiên Chúa bị giết đúng vào lúc ở Đền Thờ người ta giết chiên Vượt qua.
Đức Giêsu không cô đơn trên thập giá vì có Mẹ và người môn đệ dấu yêu.
Suốt một đời Ngài đã sống cho sứ mạng Cha trao, nay Ngài biết nó đã hoàn tất.
Chủ động cả trong cái chết, Ngài “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30).
Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu cho thấy tình yêu lớn nhất của Ngài (15, 13),
tình yêu trao hiến cả Máu và Nước từ trái tim bị đâm thâu (19, 34).
Nhưng thập giá cũng cho thấy tình yêu của Cha khi ban Con Một cho ta (3, 16).
Đức Giêsu Kitô đã trở về với Cha bằng con đường khó đi.
Người Kitô hữu cũng về với Thiên Chúa bằng con đường hẹp.
Ước gì chúng ta sống cuộc Khổ nạn của mình với sự bình an, can đảm của Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ.
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện
với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.
Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ
SUY NIỆM 6: SỐNG CAO ĐẸP CHẾT KHÔNG CÙNG
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Đời người, ai cũng chết, nghĩa là ai cũng sẽ một lần nhắm mắt xuôi tay. Từ giã bạn bè, người thân ra đi biền biệt. Cái chết là phận số của con người. Không ai mà không chết. Điều quan yếu là chết cách nào? Chết để người đời thương nhớ, lưu danh hay chết là niềm vui của xã hội vì đã loại được một người ăn bám xã hội và hại người.
Người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận nhưng xem ra vẫn chưa tận. Vì sau cái chết vẫn còn những lời xì xầm bình loạn của thế gian. Lắm khi cái ác mà người chết gây ra quá lớn thì dẫu chết cũng chưa tận, trong nỗi đau đã khoét sâu trong lòng người sống, khiến số đông không cam lòng. Và, chỉ có thể là “tận nghĩa” giữa cuộc tiễn đưa vắng bóng người, thậm chí không có nước mắt tiếc thương.
Có lẽ nhiều người cũng sợ cái chết của mình chưa tận với miệng lưỡi thế gian, nên trang mạng Facebook đang lan truyền ứng dụng Sát Thủ- chết bất hủ. Sát thủ – chết bất hủ là một ứng dụng dự đoán vui về kết thúc cuối đời của người tham gia. Những lý do chết mà ứng dụng tiên đoán đều khiến người xem bật cười ngay lần đọc đầu tiên. Kiểu như Chết cháy vì táy máy vào ổ điện, Ngủm vì ngửi phải mùi thum thủm, Chết vì nghĩa tình đã hết, Ra đi vì vợ nghi cặp bồ, Thăng vì rụng hết răng không ăn được, Nghẻo vì trèo cây cao, Thăng vì quá lăng nhăng. . .
Thực ra chết cách nào không quan trọng mà là sống thế nào để khi chết vẫn còn có người thương nhớ. Người chết không “tận” nơi người sống mà họ vẫn ở lại trong trái tim người sống về những hình ảnh yêu thương phục vụ của người ra đi. Họ đã sống đẹp cho đời thì hình ảnh đẹp ấy vẫn được người đời muôn đời ca tụng.
Con người và cuộc đời Chúa Giê-su dường như không kết thúc. Ngài vẫn sống trong lòng nhân loại dầu Ngài đã hiến tế cuộc đời trên đồi Golgotha cách đây hơn 2000 năm. Ngài vẫn ở lại trong trái tim từng người vì Ngài đã hiến dâng mạng sống mình vì loài người chúng ta.
Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su chúng ta chỉ thấy hai chữ hy sinh. Ngài hy sinh nên nhập thể làm người. Ngài hy sinh nên dong ruổi suốt dọc dài đất nước Palestine để thi ân, để cúi xuống phục vụ mọi mảnh đời khổ đau. Sự hy sinh của Ngài nên tới đỉnh điểm là chết cho người mình yêu. Ngài có thể tháo lui trước nhục hình. Ngài có thể từ chối uống chén đắng vì Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã dùng cái chết để mở ra cho nhân loại một con đường về với trời cao. Ngài chết để minh chứng về Chúa Cha, và vì vâng phục Chúa Cha mà Ngài bằng lòng chịu chết. Sự chết của Ngài đã giao hòa con người với Thiên Chúa Cha, để từ nay nhờ hiến tế của Con Thiên Chúa mà con người được trở về nhà Cha.
Hôm nay chúng ta suy tôn thánh giá Chúa. Suy tôn tình yêu tự hiến hy sinh của Chúa. Nhờ hiến tế trên đồi Calve mà con người được sống trong ân nghĩa cùng Chúa Cha. Trong Phúc âm ghi lại: “Họ sẽ nhìn ngắm Ðấng mà họ đã đâm thâu qua” (Ga 19,37). Ngắm nhìn xem Đấng đã bị đâm thâu để thấy tình yêu hiến dâng đến quên cả tính mạng cho người mình yêu. Ngắm nhìn xem Đấng đã bị đâm thâu để thấy mình cũng có trách nhiệm trong cuộc thương khó của Chúa, trong nỗi đau của anh chị em mình. Ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu để biết sống bù đắp những lỗi lầm của mình đã và đang gây đau khổ cho anh chị em mình.
Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh giúp chúng con mỗi lần ngắm nhìn Chúa biết giục lòng ăn năn thống hối và can đảm đứng lên làm lại cuộc đời. Xin cho cuộc đời chúng ta sẽ mãi không “tận” trong lòng anh em, mà sống mãi trong mọi người nhờ những hy sinh đóng góp của chúng ta. Amen.
SUY NIỆM 7: NHÌN NGẮM THÁNH GIÁ KHÁM PHÁ TÌNH YÊU
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Hôm nay, Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn lên Thánh Giá nơi treo Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá với tất cả tình yêu. Bởi theo thánh Ambrosiô, lúc Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà thế nào, thì lúc Chúa Giêsu chết nằm trên Thánh Giá, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu như vậy, và Giáo hội tưởng nhớ đến tình yêu dâng trào ấy.
Câu chuyện tình yêu
Giảng trong Thánh lễ sáng thứ ba ngày 15/03.2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói : “Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết“.
Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả : “Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.
Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta” (Is 53, 2-6).
Người ta nói rằng : nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh, và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó là thư thứ nhất của thánh Gioan viết “Thiên Chúa là Tình Yêu “, thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó. Mầu Nhiệm Thập Giá mà chúng ta cử hành là bằng chứng. Vì thế, khi suy tôn Thánh giá Chúa, kính nhớ Chúa chịu chết, chúng ta cảm nhận được sự thật rằng : “Thiên Chúa là Tình Yêu“.
Thờ lạy Thánh Giá Chúa
Phần tiếp theo của nghi thức chiều nay là thờ lạy Thánh Giá, tiến xướng chúng ta hát : Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa… vì nhờ gỗ này mà cả vũ trụ được hân hoan. Tại sao vậy ?
Thưa, Thánh Giá không phải là đồ trang sức, không phải là một công trình nghệ thuật được đính nhiều đá quý và kim cương lấp lánh. Nhưng như chúng ta thấy, Thánh Giá là mầu nhiệm tự hủy của Thiên Chúa vì yêu thương. Đây chính là câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Đây cũng là chuyện tình của Thiên Chúa.
Với khí giới của riêng mình là cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng cách diệu kỳ. Nếu như đã có một người nữ tên là Evà bị thất bại trước khí cụ của con rắn xưa là cây trái cấm, đem sự chết vào thế gian, Ađam phải chết. Thì nay, Đức Maria, thay thế Evà, cũng với cây sự sống, cây biết lành biết dữ làm gỗ giá treo Chúa Giêsu lên, Người đã đánh bại tử thần, sống lại hiển vinh, cứu con cháu Ađam khỏi chết. Ma quỷ đã bị đánh bại bởi cùng một phương tiện mà nó đã chiến thắng. Ma quỉ đã dùng cây để quật ngã Adam, Chúa Giêsu Kitô đã dùng cây Thánh Giá để đánh bại Nó. Cây trái cấm đã ném con người vào vực thẳm, nay gỗ Thánh Giá kéo con người lên. Cây trái cấm đã làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, tống con người vào ngục ; nay gỗ Thánh Giá tước lấy vũ khí của ma quỉ đã chiến thắng con người, giúp con người vượt qua trần thế. Cái chết của Adam đã kéo theo con cháu mình là kẻ sinh sau ông ; sự chết của Chúa Giêsu Kitô mang lại sự sống cho những kẻ sinh ra trước Người. Quả làm một tuyệt phẩm về tình yêu giữa Thiên Chúa với nhân loại từ cây Thánh Giá.
Thánh Giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta cho khỏi tay ma quỉ, là vũ khí chông lại tội lỗi, là thanh gươm sắc bén Chúa Giêsu dùng để chiến thắng con rắn xưa. Thánh Giá là ý Chúa Cha, là vinh quang của Chúa Con độc nhất, là chiến thắng của Thánh Thần Thiên Chúa, là niềm vinh dự của các thiên thần, là sự an toàn của Giáo hội, là bức tường thành của các vị thánh, niềm tự hào của thánh Phaolô, là ánh sáng chiếu soi trên toàn thế giới. Từ đây, “sự chết đã bị vùi trong toàn thắng. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu?” (1Cr 15, 54-55).
Thế giới khi nhìn xem Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, rùng mình, trời đất động địa, đã vỡ ra ; nhưng trái tim của những người Do Thái, cứng hơn đá vẫn không động đậy. Các màn trong đền thờ bị xé ra; nhưng các âm mưu phạm tội vẫn không bị phá vỡ. Tại sao màn che bị xé ? Phải chăng đền thờ đau đớn khi chứng kiến cảnh Thiên Chúa bị giết bên ngoài trên bàn thờ Thập Giá; và khăn che trong đền thờ xé ra như muốn nói với mọi người rằng: sẽ có nhiều đền thờ trở nên hoang vắng và bị bỏ rơi. Chúng ta hãy học để chiến thắng mà không phải chiến đấu, không phải dàn trận, vũ khí không dính máu, chúng ta không bị thương vong nhưng lại giành chiến thắng : Thiên Chúa chiến đấu, còn vương niệm chiến thắng chúng ta nhận.
Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa. Xin Chúa cho chúng con khi nhìn ngắm Thánh Giá Chúa, biết khám phá ra rằng, Thiên Chúa đã chết chỉ vì yêu, để chúng con biết yêu thương nhau hầu chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa, vì đó là cốt lõi của Đạo Chúa. Amen.
SUY NIỆM 8: TIẾNG NÓI CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Nếu như người ta vẫn nói trái tim có lý lẽ của nó, thì chúng ta cũng có thể nói : Tình yêu cũng có ngôn ngữ riêng của nó. Ngôn ngữ của tình yêu không chỉ là những lời lẽ ngọt ngào, mà còn là những ngôn ngữ không lời, những dấu chỉ không thành tiếng. Ngôn ngữ của tình yêu, không chỉ được nghe bằng tai, mà còn bằng sự cảm nhận của trái tim, ngắm nhìn bằng con mắt và tiếp xúc bằng các giác quan.
Có thể nói bầu khí phụng vụ của ngày Thứ sáu Tuần thánh mang những màu sắc và cung điệu trầm buồn, nhưng trong sự trầm lắng này, chúng ta như có thể nghe được tiếng nói và đụng chạm được đến tình yêu của Thiên Chúa qua cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu.
Có những người cho rằng, phải chăng cái ác và sự bất công luôn thắng thế ? Phải chăng Thiên Chúa cũng chịu thua trước sức mạnh của ma quỷ và sự dữ ? Tại sao một Thiên Chúa vô tội lại phải chịu một bản án bất công như vậy ? Chúng ta sẽ không thể trả lời được bằng những lý lẽ thông thường, mà chỉ có thể trả lời rằng : Thiên Chúa có cách riêng của Ngài để bày tỏ tình yêu thương đối với con người.
Tiên tri Isai đã thấy trước và đã nói về Chúa Giêsu trong hình ảnh của một người tôi tớ chịu đau khổ. Người tôi tớ này một mực trung thành với Thiên Chúa. Nhìn dáng vẻ bề ngoài, người ta chỉ có thể thấy một gương mặt tan nát, một thân xác tả tơi vì bị hành hạ. Ngài hoàn toàn im lặng đón nhận tất cả sự xỉ nhục, hành hạ của kẻ dữ mà không buông một lời oán trách. Ngài đón nhận tất cả tội vạ của muôn dân, gánh chịu muôn nhục hình do tội nhân loại. Bị ngược đãi, Ngài không mở miệng phản kháng, giống như chiên cừu khi bị xén lông. Tiên tri Isai cho thấy, Người Tôi tớ của Thiên Chúa chịu tất cả những hành hạ ấy, chỉ vì một lòng hiếu trung với Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa được vinh danh và để đem lại sự sống và ơn tha thứ cho nhân loại.
Hình ảnh Người Tôi Trung đã ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu và được thánh Gioan thuật lại trong bài thương khó hôm nay. Có người đặt vấn đề : Chúa Giêsu có thể tránh cuộc khổ nạn và dùng cách khác để cứu chuộc nhân loại không ? Chắc chắn Chúa có thể dùng cách khác để cứu chuộc nhân loại, nhưng Chúa đã không tìm cách tránh né. Ngài đối diện và đón nhận thập giá với lòng yêu mến, vâng phục tuyệt đối dành cho Thiên Chúa Cha và tình yêu vô hạn dành cho con người, là những kẻ được Chúa yêu thương.
Trong cuộc khổ hình thập giá, Chúa Giêsu không chỉ đau khổ thể xác bởi sự hành hạ dã man của những tên lính, thánh Gioan còn cho thấy, Chúa Giêsu vô cùng đau khổ trong tâm hồn bởi những người Ngài thương yêu đã gây tổn thương cho Ngài. Ngay từ bữa tiệc ly tối hôm qua, Chúa đã thể hiện tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, qua việc trao ban chính con người và mạng sống để làm của ăn của uống cho nhân loại. Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các tông đồ để thể hiện tình yêu thương và dạy các ông bài học phục vụ. Trong lúc đó, các tông đồ dường như không quan tâm, họ tỏ ra dửng dưng trước hành động của Chúa Giêsu và quay sang bàn với nhau về chuyện khác.
Tiếp đến, Chúa Giêsu đau đớn với tâm trạng bị phản bội bởi kẻ Ngài yêu thương là Giuđa. Ngài đã tin tưởng anh, đã yêu thương anh như những môn đệ khác, vậy mà giờ đây, chính anh lại đưa các thượng tế và quân lính đến bắt Thầy mình. Anh đã trở thành kẻ chỉ điểm để người ta bắt Thầy, anh đã lấy cái hôn làm dấu chỉ để phản bội Thầy. Người ta chỉ hôn nhau khi thể hiện tình yêu thương, nhưng Giuđa lại dùng cái hôn để làm dấu chỉ phản bội. Cái hôn ấy chẳng khác gì cái tát vào mặt Chúa Giêsu.
Không chỉ sự phản bội của Giuđa gây đau khổ trong tâm hồn Chúa Giêsu, các tông đồ khác cũng không khá hơn. Các ông trước đây có người từng thề sống thề chết với Thầy, thì giờ đây, chỉ một chút sợ hãi, các ông đã bỏ trốn hết. Simon Phêrô là người được Chúa tin tưởng đặt làm đầu trong anh em, ông chỉ dám đi theo Chúa xa xa vì sợ liên lụy. Khi thử thách đến, Phêrô đã không ngại ngần từ chối mối liên hệ của mình với Thầy Giêsu, Đấng đã yêu thương ông.
Một đau khổ khác mà Chúa Giêsu phải chịu, đó là sự vô ơn và vô cảm của đám đông. Trong những người la hét đòi đóng đinh Chúa, không thiếu những kẻ mới mấy ngày trước họ hoan hô, vỗ tay reo mừng khi Chúa vào thành Giêrusalem, tung hô Ngài là con vua Đavít. Thế mà trước dinh Philatô, họ đã trở mặt và tuyên bố : Chúng tôi không có một vua nào khác ngoài Cesare.
Trong lúc chịu đau khổ cùng cực trong tâm hồn và thể xác, chúng ta nhận thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu vẫn tuôn trào qua hành động đón nhận tất cả những cực hình và qua ánh mắt yêu thương, tha thứ của Chúa. Trong lúc quân dữ đang hùng hổ tìm bắt Chúa, Chúa Giêsu hết sức ôn tồn, bình tĩnh bước ra gặp chúng và hỏi : Các anh tìm ai ? Nó đáp : Tìm Giêsu Nazareth. Ngài đáp : Chính tôi đây. Một lời nói với đầy sức mạnh và uy quyền đã khiến chúng bật ngã ra đàng sau. Lúc chúng ra tay bắt Chúa, Đức Giêsu đã không nghĩ đến mình, nhưng Ngài nghĩ đến các tông đồ và nói với chúng : Nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để những người này đi.
Lúc dân chúng tố cáo Chúa Giêsu trước mặt các Thượng tế về các bài giảng của Ngài, Chúa Giêsu đã không lên tiếng biện hộ cho mình, nhưng Ngài nghĩ đến các tông đồ và nói với những kẻ tra hỏi Người : Tôi giảng dạy công khai trong đền thờ, tôi không nói gì lén lút cả, xin các ông cứ hỏi những người đã nghe tôi, chính họ biết tôi đã nói gì. Thánh Gioan đã tinh tế cho thấy : Trong khi trong dinh thượng tế, Chúa Giêsu vẫn hết lòng tin tưởng và yêu mến những kẻ Ngài đã tuyển chọn, thì bên ngoài, Phêrô, kẻ được Ngài tuyển chọn, lại công khai từ chối Chúa tới ba lần trước mặt một đứa đầy tớ gái. Lúc này, tình yêu thương của Thiên Chúa đã thể hiện qua cái nhìn của Chúa Giêsu. Ánh mắt yêu thương của Chúa đã gặp được ánh mắt sợ hãi, phản bội của Phêrô, khiến cho Phêrô cảm thấy ân hận suốt đời trước một tình yêu quá lớn lao.
Trước dinh Philatô, Chúa Giêsu cảm nhận sâu xa và đau đớn vô cùng bởi sự bội bạc, vô ơn của đám dân chúng. Họ đã chọn đứng về phía sự ác và sự dữ khi đòi tha Baraba và giết Giêsu. Họ công khai từ chối thẩm quyền của Thiên Chúa để quy phục quyền bính của một ông vua đang đô hộ họ. Những người Do Thái đã rắp tâm loại trừ Chúa Giêsu và họ đã tìm mọi cách gây áp lực để đạt được ý đồ gian ác của họ. Khi Chúa Giêsu phải vác thập giá trên vai, bước đi những bước nhọc nhằn, thì quân lính và dân chúng hả hê, thỏa mãn vì đã đạt được mưu đồ của họ là vùi dập một con người cho đến chết. Cái ác dường như thắng thế, công lý dường như bất lực, Thiên Chúa dường như cũng im lặng trước khổ đau của Chúa Giêsu. Nhưng trong khung cảnh tối tăm của sự ác ấy, ánh sáng của tình yêu vẫn không hề bị dập tắt.
Thánh Gioan, vị tông đồ được Chúa yêu, đã cảm nhận được sự đau khổ và tình yêu của Chúa qua hành trình thập giá. Mỗi bước đi, mỗi chặng dừng, từ dinh Thượng tế Anna đến Caipha, từ dinh Philatô đến dinh Herode và từ dinh Philatô đến cái chết thảm thương trên thập giá đồi Calvariô, là một chặng đường dài của lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nếu chỉ nghe hoặc xem lại cuộc thương khó của Chúa, chúng ta sẽ chỉ thấy một cuộc hành hình bất công, đầy hung ác, tàn bạo và máu me. Nhưng nếu chúng ta nghe bài thương khó này bằng trái tim và bằng sự cảm nhận của tâm hồn, chúng ta sẽ được đụng chạm đến tình thương của Thiên Chúa. Và, nếu chúng ta lắng nghe cuộc thương khó của Chúa trong thinh lặng, để cho trái tim mở ra, chúng ta sẽ nhận ra hình ảnh và trách nhiệm của mình có liên quan trong cuộc hành hình này.
Cuộc thương khó của Chúa Giêsu mà chúng ta suy niệm chiều nay là cách thức Thiên Chúa nói với con người về một tình yêu bao la, về lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người. Với tiếng nói tình yêu này, chúng ta không chỉ nghe bằng tai, nhưng xin cho trái tim của chúng ta cũng biết lắng nghe, biết mở ra để cho lòng thương xót của Chúa đổ tràn trong chúng ta. Xin cho chúng ta đừng bao giờ biến mình trở thành kẻ dửng dưng vô tình trước tình yêu của Chúa và cũng đừng bao giờ đóng cửa trái tim trước nỗi khổ đau của anh chị em. Amen.
SUY NIỆM 9: SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Lm. Giuse Trực
Con là ai trong hành trình thương khó của Chúa?
Con có phải là những Thượng tế, những biệt phái và Pharisêu muốn tiêu diệt Chúa để đừng làm phiền, đừng ai nhắc nhở những sai trái của con không?
Con có phải là dân chúng bàng quang, hoặc có tâm lý hùa theo đám đông mà không dám nói lên chính kiến của mình, để sẵn sàng làm ngơ hoặc hùa theo để kết án người khác?
Con có phải là những tên lính đã đánh đòn, đóng đinh, hành hạ Chúa cho hả cơn giận của con, mặc dù con biết Chúa không có tội gì. Có những bực bội, bức bối gì, về nhà con đổ trên đầu những người thân mà con có vẻ “trên cơ” họ?
Con có phải là những người phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương chỉ vì tội nghiệp Chúa chứ chưa biết phải làm sao để cho Chúa hết đau?
Con có phải là tên trộm oán trách cuộc đời và thách thức Chúa: “Ông là con Thiên Chúa thì tự cứu mình và cứu chúng tôi với”?
…
Hay con là Simon sẵn sàng vác lấy thánh giá Chúa bằng cách san sẻ nỗi đau với người khác?
Hay con là Đức Mẹ, mạnh dạn, can trường bước theo con đường đau khổ của Chúa, không một vẻ yếu nhược, không một lời than thở, không một chút kêu than?
Hay con là Gioan đón lấy sứ mạng của Chúa để sẵn sàng hiến thân mình cho những chương trình, hoạch định của Chúa?
…
Có lẽ, lạy Chúa, xin cho con giống như viên đại đội trưởng: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 23, 47). Đã biết bao lần con ngước nhìn lên Chúa bị đóng đinh, nhưng con đã xác tín niềm tin vào Chúa chưa? Câu hỏi này tiếp tục vang vọng trong tâm hồn con. Vang mãi, vang mãi cho đến chết.
SUY NIỆM 10: GIỜ THƯƠNG XÓT
Trầm Thiên Thu
Bửu Huyết Giêsu tươi màu Cứu Độ
Oan khiên thế giới hóa sắc trong ngần
Thứ Sáu Tuần Thánh là Ngày Đại Tang của Kitô giáo – nói riêng, và của cả nhân loại – nói chung. Thứ Sáu Tuần Thánh là đỉnh cao của Ơn Cứu Độ, đặc biệt là Giờ Thứ Chín (tức 3 giờ chiều), giờ của Lòng Chúa Thương Xót. Không có Lòng Chúa Thương Xót thì nhân loại chỉ là hư vô!
Cuộc chia ly nào cũng bịn rịn, lưu luyến, đau khổ và đãm đầy nước mắt, nhất là cảnh biệt ly khi người thân về bên kia thế giới. Lúc hấp hối là “phút cuối” của một con người, là lúc xúc động nhất đời người – dù người đó đáng yêu hay đáng ghét. Càng xúc động hơn khi thấy người hấp hối chịu đau nhức quằn quại từng cơn, có những người toát mồ hôi hột nhưng âm thầm chịu đựng, có những người phải la hét dữ dội. Giây phút biệt ly thường là khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ trong chốc lát, nhưng lại nặng nề trôi… ngỡ như thăm thẳm! Và giây phút cuối đời cũng là lúc người ta nói thật nhất.
Chúa Giêsu có hai bản tính: Thần Tính và Nhân Tính (1). Về nhân tính, Ngài cũng rất đau đớn vì đã kiệt sức do đòn roi suốt đêm, vác Thập Giá lên đồi cao theo con đường gập ghềnh, ngoằn ngoèo, Ngài té lên té xuống nhiều lần, trong khi phải chịu đói chịu khát vì mất máu nhiều, Ngài còn bị những gai nhọn đâm thấu đầu, tiếp theo lại bị đinh ghim chặt chân tay, và cuối cùng bị lưỡi đòng đâm thâu tim. Rất đau đớn. Rất nhức buốt. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Thân xác Ngài tàn tạ, tiều tụy, tơi tả, đến giọt Máu và giọt Nước cuối cùng cũng chảy ra hết vì thương xót nhân loại. Chúng ta chỉ bị cái dằm đâm vào tay cũng la toáng lên rồi!
CON CHIÊN HÀM OAN
Từ ngàn xưa, qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã minh định: “Người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng” dù cho “tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52:13-14). Nhưng mọi người đều phải sửng sốt khi thế cờ đảo ngược hoàn toàn. Người tôi trung đó làm cho “muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng” (Is 52:15). Người tôi trung đó là Đức Kitô, cũng chính là Người-Tôi-Tớ-Đau-Khổ, Người-Tôi-Trung-Đau-Khổ, “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Ngài chẳng mở miệng kêu ca” (Is 53:6; Cv 8:32).
Chúng ta đã được biết về “hành trình đau khổ” của Chúa Giêsu, nhưng có lẽ khó mà cảm nhận hết mức đau khổ, thậm chí có thể nghe nhiều năm đã quen tai nên vẫn thấy… bình thường, và cũng chỉ là “chuyện nhỏ”. Kinh Thánh cũng đã nói:“Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được?” (Is 53:1). Thật khó tin, nhưng lại hoàn toàn là sự thật!
Ngôn sứ Isaia mô tả chi tiết: “Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53:2-3). Tuy nhiên, “chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta lại tưởng Ngài bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề” (Is 53:4). Thật nghịch lý, có lẽ vì chúng ta quá ảo tưởng!
Bảng đối chiếu liệt kê rõ ràng: “Chính Ngài đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, Ngài bịnghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, Ngài đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, Ngàiđã phải mang thương tích để chúng ta được chữa lành” (Is 53:5). Trí óc loài người không thể tưởng tượng nổi có một Con Người lạ lùng như vậy. Nếu cuộc đời có ai gần giống như vậy thì ắt chúng ta cho là “dại dột”, là “ngu xuẩn”, là “điên khùng”, là “mất trí”, là “tâm thần”. Thiên Chúa thấy “tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả”, nhưng Đức Chúa đã đổ tội lỗi của tất cả chúng ta lên đầu Người-Tôi-Trung kia. Người Ấy bị lũ-người-ghen-tị “ngược đãi mà vẫn cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người Ấy chẳng hề mở miệng” (Is 53:6). Người Ấy còn “bị ức hiếp, bị buộc tội, rồi bị thủ tiêu” (Is 53:8a). Thậm chí “Người Ấy còn bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh”, và “vì tội lỗi của dân, Người Ấy bị đánh phạt” (Is 53:8b). Người Ấy chịu đủ thứ khổ hình vì các tội nhân là chúng ta, chứ Người Ấy chỉ bị hàm oan, vì Người Ấy hoàn toàn vô tội.
Cuối cùng, Người Ấy đã “bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53:9). Nhưng đó là Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, để nhờ Người Ấy mà Ý Chúa được nên trọn. Thiên Chúa xác định: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”(Is 53:11). Đức Giêsu đã “hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra Ngài đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53:12). Trong “núi tội” đó có rất nhiều tội lỗi của mỗi chúng ta!
Thánh Vịnh đã nói lời cuối của Người Ấy – một người trong cơn hấp hối: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31:2 & 6). Người Ấy tâm sự với Chúa về cuộc đời mình: “Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa. Bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ, con hoá thành đồ hư vất bỏ” (Tv 31:12-13). Là con người thì ai cũng cảm thấy cô đơn tột cùng khi ai cũng khinh ghét và bỏ rơi mình nên nói vậy thôi, nhưng vẫn tin tưởng vào Chúa, cho nên mới dám thân thưa: “Ngài là Thượng Đế của con. Số phận con ở trong tay ngài. Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con” (Tv 31:15-16).
Người Ấy chấp nhận mọi thiệt thòi và luôn vững tin cầu khấn: “Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ” (Tv 31:17), đồng thời mạnh dạn chia sẻ với những người khác như một lời khuyên: “Hỡi mọi người cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!” (Tv 31:25). Người Ấy đã nêu gương sáng cho chúng ta, vì chúng ta cũng phải nên giống Người Ấy: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15:18). Người Ấy là ai? Là Đức Kitô, là Thầy Giêsu, là Chúa của chúng ta.
Thánh Phaolô minh định: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa” (Dt 4:14). Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin, và giải thích: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vìNgài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16). Trong các ân sủng, Lòng Chúa Thương Xót là hồng ân cao cả và kỳ lạ vô cùng! Chúa Giêsu đã trải qua nỗi đau khổ tột cùng nên Ngài rất thương xót chúng ta.
Khi còn sống kiếp phàm nhân, và theo nhân tính, Đức Giêsu cũng đã từng lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính. Vâng phục không là điều dễ, vì phàm nhân chúng ta đầy tự ái và kiêu sa, ngay cả Con Thiên Chúa cũng đã “phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:7). Thật không hề đơn giản chút nào! Nhưng chính lúc đó là lúc bản thân đạt tới mức thập toàn để rồi “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (Dt 5:9). Trước khi vinh quang và được coi là công trạng thì luôn phải trải qua chặng đường gian khổ. Đức Kitô cũng đã trải qua “chặng đàng Thánh Giá” và cái chết mới tới sự phục sinh vinh quang.
ĐÓN NHẬN ĐAU KHỔ
Phúc Âm hôm nay là bài trường ca đau khổ, là tấn bi kịch trầm hùng, là bộ phim dài sầu thảm, Giáo hội gọi là Bài Thương Khó, thuật lại đầy đủ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bi kịch thảm thiết như vậy mà lại gọi là Phúc Âm, là Tin Mừng. Thật kỳ diệu biết bao!
Chúng ta thường nói: “Dòi trong xương dòi ra”. Một trong mười hai đệ tử “ruột” là Giuđa đã dùng nụ hôn để “chỉ điểm” mà bán rẻ Thầy mình với giá quá bèo – không đáng bao nhiêu so với bình dầu cam tùng mà cô Maria (Ga 12:1-8; x. Ga 11:1-2) đã xức chân Thầy Giêsu tại Bê-ta-ni-a.
Người ta đã tìm mọi cách gài bẫy, lục soát, và đi bắt Chúa Giêsu như một tên côn đồ. Họ ghen tị và sợ Ngài tiếm ngôi, giành quyền lực, lấy mất “chiếc ghế quyền lực”, thế nên họ làm mọi cách hạ nhục Ngài đủ mưu đủ chước. Hàng ngày Ngài thường tụ họp với các môn đệ công khai mà họ không bắt, thế mà họ lại cấu kết với đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu để đi tìm bắt Ngài trong đêm tối, dùng vũ khí để đối với một người tay không và thân cô thế cô – vì các môn đệ bỏ trốn hết. Thật là tồi và hèn hạ!
Khi Ngài điềm nhiên hỏi họ tìm ai, họ ngang nhiên đáp: “Tìm Giêsu Nadarét”. Ngài vừa nói “chính tôi đây”, họ lùi lại và ngã xuống đất. Ngoạn mục thật! Ấy thế mà họ vẫn cố chấp, cố ý nhắm mắt chứ không chịu mở mắt. Có lẽ lúc này Giuđa là người đắc chí nhất, vì có thể ông cũng rất tin rằng Thầy mình “ngon” lắm, quyền phép đầy mình, chúng chẳng làm gì được, mà ông lại có tiền tiêu xài – tức là bọn thủ ác bị mắc lừa. Thế nhưng Ngài không dùng thần quyền của Ngài vào chuyện không cần thiết. Đó là “cách lạ” của Ngài. Trí óc phàm nhân chúng ta không thể nào hiểu nổi!
Họ lồm cồm bò dậy. Ngài lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai?”. Họ vẫn cương quyết như đinh đóng cột: “Tìm Giêsu Nadarét”. Họ vẫn không hề tởn chút nào. Gan cóc tía. Lì thật! Và rồi Đức Giêsu thản nhiên nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôiđây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi thì hãy để cho những người này đi” (Ga 18:8). Ngài không muốn bất kỳ ai phải liên lụy vì Ngài. Nhưng điều đó ứng nghiệm lời Ngài đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai” (Ga 18:9). Tính nóng hơn Trương Phi, ông Simôn Phêrô bèn tuốt gươm ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế mà “chơi” một phát đứt tai phải của Man-khô. Một đường gươm tuyệt hảo y như xiếc! Thấy vậy, Đức Giêsu bảo ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén màChúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18:11). Nghe vậy chưa chắc ai hiểu ý Ngài nói.
Họ bắt trói Ngài lại, rồi điệu Ngài đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó. Chính ông này đã đề nghị với người Do Thái: “Nên để một người chết thay cho dân thì hơn” (Ga 18:14). Nghe chừng nhân đạo nhưng lại vô cùng thâm độc. Lúc đó có ông Simôn Phêrô và người môn đệ khác (tức Gioan) đi theo Đức Giêsu. Gioan quen biết vị thượng tế nên được vào sân trong của tư dinh của thượng tế. Còn ông Phêrô phải đứng ở phía ngoài, gần cổng. Gioan ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Gioan cũng “oai” thật, quen biết có khác!
Nhưng vấn đề là người tớ gái giữ cổng nhận ra ông Phêrô “thuộc nhóm của Chúa Giêsu” nên ông chối ngay: “Đâu phải”. Và ông chối phắt bất kỳ ai nhận ra ông, tổng công 3 lần trước khi gà gáy. Với bản tính nhân loại nên ông rất sợ, sợ đến nỗi phát run ngay cả với mấy phụ nữ chân yếu tay mềm. Tội nghiệp! Ông Phêrô nóng tính, thẳng như ruột ngựa, nhưng cũng rất yếu đuối. Đó là “biểu tượng” của chúng ta ngày nay!
Mặc dù Chúa Giêsu bị bắt, bị trói, bị đánh đập, bị tra xét, bị hành hạ,… nhưng Ngài vẫn thản nhiên và không nói gì, không nửa lời tự biện minh cho mình là đúng, không một lời kêu oan nào!
Đến khi bị tra hỏi về các môn đệ và giáo huấn, Đức Giêsu mới trả lời: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do Thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi?Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì” (Ga 18:19-21). Ngài vừa dứt lời thì một tên trong nhóm thuộc hạ vả vào mặt Ngài: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?” (Ga 18:22). Hỗn láo thật! Nhưng Ngài vẫn thản nhiên lý luận: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:23). Cách đối đáp và lý luận của Chúa Giêsu tuyệt vời quá!
Sau đó, ông Kha-nan cho giải Ngài đến thượng tế Cai-pha, Ngài vẫn bị trói. Lúc đó trời vừa sáng. Họ không vào dinh vì sợ bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Họ chỉ lo giữ bề ngoài mà không chú trọng bề trong. Đó là một dạng động thái giả hình. Tổng trấn Philatô ra ngoài gặp họ và hỏi xem họ tố cáo Chúa Giêsu về tội gì, nhưng họ đáp: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đãchẳng đem nộp cho quan” (Ga 18:30). Họ cố chấp và cố tình không thèm nhận những hành động tốt của Chúa Giêsu. Trước áp lực của dân, ông Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?”. Đức Giêsu không nhận và nói:“Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). Vậy mà ông Philatô vẫn không hiểu nên hỏi:“Vậy ông là vua sao?”. Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích là làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Ông Philatô “dốt đặc cán mai” nên ngớ ngẩn hỏi: “Sự thật là gì?” (Ga 18:38).
Theo tục lệ của người Do Thái, vào mỗi dịp Lễ Vượt Qua, họ thường phóng thích cho một tội nhân. Ông Philatô hỏi họ muốn tha Chúa Giêsu hay không, họ la to:“Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!” (Ga 18:40). Baraba là một tên cướp khét tiếng, vậy mà họ còn thương mến và yêu quý hơn là Chúa Giêsu. Lạy Chúa tôi!
Thế là tổng trấn Philatô truyền đem Đức Giêsu đi mà đánh đòn. Họ chụp lên đầu Ngài một vòng gai và khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi mỉa mai: “Kính chào Vua dân Do Thái!”, và vả vào mặt Ngài. Như vậy, nhân vị của Ngài đã bị khinh miệt, nhân phẩm của Ngài bị chà đạp, và nhân quyền của Ngài cũng bị tướcđoạt. Ông Philatô dẫn Chúa Giêsu ra ngoài để đám đông thấy Ngài không còn hình tượng một con người mà thương. Nhưng vừa thấy Ngài, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19:6). Một lần nữa, ông Philatô lại khiếp nhược nên bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19:6).
Một người nắm quyền trong tay và biết rõ bị cáo không có tội mà vẫn không dám tha, người đó quả là bất tài, vô dụng, ích kỷ, chỉ lo giữ “cái ghế” của mình, chỉ muốn lợi cho mình mà chà đạp người khác. Đó là một dạng bóc lột, không tôn trọng công lý. Vậy người đó có đáng được tôn trọng? Người nắm quyền lực mà không tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, không lấy dân làm gốc, làm sao quốc thái dân an?
Dù ai nói ngả, nói nghiêng, nói xuôi, nói ngược, nói tới, nói lui, và họ có nói gì thì Chúa Giêsu cũng chỉ im lặng. Ngài biết rằng có nói cũng vô ích, chỉ như nước đổ lá môn, không bằng nói với đầu gối. Sau khi tòa tuyên án, bị cáo nào cũng có quyền kháng cáo, nhưng “bị cáo” Giêsu lại không có quyền tối thiểu đó. Nhân quyền của Ngài hoàn toàn bị tước đoạt! Và Chúa Giêsu nói với ông Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn” (Ga 19:11). Nghe vậy, ông Philatô cũng thấy “nổi gai óc” nên tìm cách tha Ngài, nhưng ông vẫn không dám quyết định theo quyền hạn của mình vì áp lực dân chúng. Cách xử sự hèn nhát của Philatô cũng chính là động thái hèn hạ của chúng ta ngày nay đối với tha nhân.
Cuối cùng, ông Philatô cũng đành cho thi hành án tử đối với “tử tội công chính” là Chúa Giêsu. Họ bắt Ngài tự vác Thập Giá lên đồi Gôngôtha, nghĩa là Cái Sọ – cũng gọi là Đồi Sọ, Can-vê, nơi xử tử các tội nhân. Đồng án tử với Ngài có hai người khác nữa, hai người hai bên Chúa Giêsu. Tấm bảng ghi “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” treo phía trên đầu Ngài, được viết bằng 3 ngôn ngữ: Hípri, La Tinh và Hy Lạp (2). Các thượng tế không đồng ý gọi Chúa Giêsu là “Vua dân Do Thái”, nhưng ông Philatô nói: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19:22). Philatô chỉ lăm le với người dưới quyền chứ không dám “nói mạnh” với đám đông nổi loạn, dù họ chỉ là đám dân đen!
Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, họ chia chác quần áo của Ngài. Họ muốn chế nhạo Ngài chứ có gì đáng giá đâu! Lúc đó, Chúa Giêsu bắt đầu kiệt sức. Ngài trối Đức Mẹ cho Gioan và trao Gioan cho Đức Mẹ. Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Mất máu nhiều nên Ngài nói: “Tôi khát!” (Ga 19:28). Nhưng người ta lại nỡ lấy miếng bọt biển thấm giấm chua mà cho Ngài giải khát. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19:32). Rồi Ngài gục đầu xuống và dâng trao Thần Khí.
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Đại Tang của Giáo hội. Sự kiện hôm nay là “nghi lễ của mọi nghi lễ”, là “hiến lễ của mọi hiến lễ”, là “thánh lễ của mọi thánh lễ”. Vì thế, Giáo hội không cử hành thánh lễ mà chỉ có phụng vụ Lời Chúa, tôn kính Thánh Giá và rước lễ.
Tình Giêsu là “tình cho không biếu không”, nhưng chúng ta thường có khuynh hướng “tội nghiệp” Chúa Giêsu hơn là tội nghiệp chính mình. Khi Chúa Giêsu thấy có nhiều phụ nữ, vừa đấm ngực vừa than khóc, trong đám đông đi xem Ngài lên đồi chịu xử tử, nên Ngài đã quay lại và nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28).
Một điểm khác chúng ta cần lưu ý là “tính a dua”, như người ta thường nói: “Người ta làm sao thì tôi làm vậy, người ta làm bậy thì tôi… làm theo”. Ui da! Thật là nguy hiểm, vì đó là lối sống quá tiêu cực, không có lập trường, mạnh đâu âu đó!
Giờ Thương Xót đã điểm. Người được lãnh Hồng Ân Thương Xót đầu tiên là tướng cướp Dismas, tử tội cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu: “Hôm nay, anh sẽ được ởvới tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Diễm phúc biết bao!
Hôm nay, khi tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Giêsu Kitô, Giáo hội cầu nguyện cho mọi tầng lớp trong xã hội, ước gì chúng ta cũng quyết tâm thực hành lời Thánh Vịnh: “Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn; minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng, giải phóng ai hèn mọn, ai nghèo túng, cứu khỏi nanh vuốt bọn ác nhân” (Tv 82:3-4). Đó là sống lòng thương xót. Chúng ta đã được Chúa Giêsu thương xót, chúng ta không thể không thương xót người khác!
Ơn Cứu Độ thật tuyệt vời: Máu Chúa đỏ tươi đã tẩy rửa tội nhân chúng ta nên trắng ngần. Xin trọn đời tạ ơn Lòng Chúa Thương Xót.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chúng con thật khốn nạn mà vẫn tưởng mình tốt lành hơn người khác, chúng con đã a dua và đồng lõa với cái ác màcứ tưởng mình chân chính hơn người khác. Chúng con chân thành thú nhận mọi lỗi lầm, thành tâm xin lỗi Chúa và xin lỗi tha nhân. Xin thương xót chúng con và ban cho chúng con được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ của Con Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của chúng con. Amen.
SUY NIỆM 11: BUỔI CHIỀU THINH LẶNG THÁNH
(Is 52, 13-53, 12; Dt 4, 14-16; 5, 7-9; Ga 18, 1 - 19, 42)
(Ngọc Biển, S.S.P.)
“Hỡi không gian rủ sương mù ngàn mây hỡi hãy che khắp trời cao. Ánh kim ô vụt lu mờ. Vì thương Chúa gánh muôn nỗi khổ đau” (Giờ tử nạn, Lm. Hoài Đức).
Với những lời hát rất sâu lắng ấy, tác giả đã dẫn đưa chúng ta đi vào tâm tình của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trong thinh lặng.
Thinh lặng để thấy, hiểu, để cảm nghiệm và để thay đổi lối sống cho phù hợp với những gì tốt lành mà mình đã thấy, hiểu và cảm nghiệm.
Thinh lặng còn làm cho chúng ta đi vào tâm tư của người khác để cùng họ sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Cũng vậy, trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, chúng ta rất cần sự thinh lặng để sống những tâm tình vừa nêu ở trên!
Trước tiên, thinh lặng để thấy: thấy Đức Giêsu là Đấng rất thương những người nghèo khổ, những người thấp cổ bé họng, người ốm đau bệnh tật. Từ đó, Ngài không thể lặng im khi những điều đó xảy ra với con người dưới những chiêu bài “đánh lận con đen” khi nhân danh tôn giáo, đạo đức, người nghèo để làm khổ nhau.
Ngài không chỉ lên tiếng gián tiếp, nhưng Ngài đã “chỉ mặt đặt tên” nơi những con người có tâm đen tối. Ngài không chỉ nói mà còn hành động. Ngài không sợ chết mà ngược lại, sẵn sàng lấy mạng sống của mình bảo vệ những người bị ngược đãi để đổi lấy sự công bằng.
Chính vì thái độ và lựa chọn của Đức Giêsu như vậy, nên chúng ta thấy Ngài đã bị những người Pharisêu, Kinh Sư, Thượng Tế ghét bỏ và tìm mọi cách để hạ sát. Với họ, Đức Giêsu chính là cái gai trong mắt, cái đó ngáng đường. Họ luôn coi Ngài là thành phần nguy hiểm, cần phải loại trừ ra khỏi xã hội.
Như vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy phản ứng chống lại Đức Giêsu của những nhà lãnh đạo Dothái thời bấy giờ rất gắt gao do những nguyên nhân như: ghen tương, thù hận, gian dối, kiêu ngạo.
Bên cạnh đó, chúng ta còn nhìn thấy thái độ hoang tưởng và vụ lợi của Giuđa; sợ hãi của Phêrô cũng như các môn đệ khác; sự thay trắng đổi đen của dân chúng; sự hèn nhát, nhập nhằng của Philatô….
Trên đây là những điều chúng ta thấy được qua cuộc thương khó của Đức Giêsu.
Khi đã thấy được nguyên nhân dẫn đến cái chết của Đấng Cứu Thế, giờ đây, chúng ta cùng nhau thinh lặng để hiểu về cuộc thương khó này dưới cái nhìn cứu độ.
Trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta thấy có hai tên trộm: một người được gọi là thánh trộm lành; một người phải gọi là kẻ trộm dữ. Tại sao vậy? Thưa, đơn giản là người trộm lành đã biết lắng nghe và hiểu được Đức Giêsu là ai! Đặc biệt, trong thinh lặng, anh ta còn nhận ra tội lỗi của mình để xin Chúa tha thứ. Còn tên trộm dữ đã không biết lắng nghe, ngược lại, hắn không ngớt chửi rủa và trách móc Đức Giêsu cũng như những kẻ đóng đinh hắn. Hắn không hiểu được ý nghĩa của cái chết nơi Đức Giêsu, vì thế, hắn đã tự mình đánh mất “phao cứu sinh” cuối cùng của cuộc đời đầy tội lỗi. Và như một lẽ tất yếu, hắn đã phải chết như một kẻ xa lạ với ơn cứu chuộc mà Đức Giêsu mang lại qua cái chết của Ngài.
Cũng như người trộm lành, qua cuộc thương khó của Đức Giêsu, chúng ta hiểu được rằng: tình yêu của Thiên Chúa là vô hạn. Tình yêu ấy đã đi bước trước để đến với nhân loại qua việc trao ban chính Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì được sống và sống dồi dào.
Đến lượt Đức Giêsu, tình yêu ấy được nở hoa cứu độ ngay trên thập giá, bởi vì: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”.
Như vậy, chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới có thể nhận ra và cảm nghiệm sâu xa về cái chết của Đức Giêsu là vì tình yêu, đồng thời, qua đó, chúng ta sẽ nhìn thấu tội lỗi của chính mình và của nhân loại, ngõ hầu ăn năn, sám hối, để được đón nhận ơn tha thứ từ mầu nhiệm khổ nạn của Đức Giêsu.
Từ những gì đã thấy, đã hiểu, đã cảm nghiệm, có lẽ mỗi người chúng ta đều có với nhau một mẫu số chung, đó là: bất bình, lên án những người đương thời với Đức Giêsu vì sự ác tâm, thất đức của họ, khiến Đức Giêsu phải chết một cách đau thương tức tưởi như vậy!
Tuy nhiên, trong thinh lặng sâu lắng, chúng ta cũng nên làm một cuộc cật vấn lương tâm tận đáy lòng mình, để xem thử mình có liên quan gì đến cuộc thương khó của Đức Giêsu không?
Xét về mặt khách quan bên ngoài như địa lý, thời gian và đối tượng, có lẽ chẳng thể nào tìm ra được một ai có những hành động trực tiếp với Đức Giêsu như những người Pharisêu, Kinh Sư và Thượng Tế khi xưa. Nhưng, xét về sự liên đới tâm linh, chắc chắn chúng ta không thể vô can nếu không muốn nói là tàn ác chẳng thua kém những kẻ gây nên cái chết của Đức Giêsu, thậm chí còn nặng hơn nữa!
Thật vậy, nhiều khi chúng ta sống thực dụng, ham tiền, hám lợi và chuộng danh vọng, những lúc như vậy, chúng ta đâu khác gì các môn đệ của Đức Giêsu khi các ông tranh giành chỗ nhất - nhì trong vương quốc mà họ tưởng chừng Đức Giêsu sẽ lập chốn trần gian!
Lại nữa, sự phản bội, vô ơn và sống hai mặt, nhiều khi lại là lựa chọn chủ đạo của chúng ta trong đời sống. Khi lựa chọn những thứ đó làm nền tảng cho đời sống của mình, chúng ta đâu khác gì Giuđa!
Rồi có lúc vì sợ mất chức, mất quyền, hay nhát đảm, nên đã không dám tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa, nhiều khi chúng ta cũng từ chối thuộc về Chúa khi không dám đứng về phía sự thật để làm chứng cho chân lý. Những lúc như thế, hình ảnh, thái độ và lựa chọn của Philatô và Phêrô lại hiện lên thật rõ nét trong từng hành vi và lời nói của chúng ta!
Cuối cùng, đám đông dân chúng khi xưa do thiếu hiểu biết, nên đã bị giới lãnh đạo tôn giáo “giật dây”, vì thế, họ đã phản bội Đức Giêsu. Mới ngày nào họ muốn tôn Ngài làm Vua. Sự kiện đó chỉ cách hôm nay có mấy ngày, họ đã long trọng đón Vị Vua ấy vào thành với tư cách là Đấng Thiên Sai, là Vua Israel. Miệng họ cũng đã từng tung hô vang trời lở đất để đón Chúa vào thành. Tuy nhiên, ngày hôm nay, họ đã thay đổi hoàn toàn!
Nhiều khi chúng ta cũng vì cái bụng mà sẵn sàng gian lận, đổi trắng thay đen, hay đã có những lần ta tìm mọi cách kéo Chúa về với phe ta, mặc dù biết những việc ta làm là sai trái…. Hoặc nhiều khi chúng ta cũng sống theo kiểu a dua với đám đông: “Ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi cũng làm theo!”.
Đôi khi chúng ta cũng nhân danh Chúa để làm những điều khuất tất, hoặc lấy Chúa làm bình phong cho những trái khuấy của mình! Lúc không được như ý muốn, chúng ta cũng phản bội Chúa bằng việc quay lưng lại với Ngài khi sẵn sàng tôn thờ một ngẫu tượng nào đó thay cho Chúa. Không còn lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình, ngược lại, chúng ta đã lấy lời của những thày bói, thày mo và cô đồng….
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết noi gương trung thành, yêu mến và can đảm của Đức Mẹ; người “môn đệ được Đức Giêsu yêu mến”; những phụ nữ Giêrusalem; bà Verônica; ông Simong và những người đạo đức khác…. Đồng thời, khi suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta hãy học bài học vâng phục và yêu mến của Đức Giêsu với Thiên Chúa Cha cách tuyệt đối cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự. Từ đó, mỗi người sẽ tiếp bước trên con đường tình yêu ấy cách trung thành để đến với tha nhân như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa khai trí mở lòng, để chúng con hiểu thấu được tình yêu mà Chúa dành cho chúng con qua mầu nhiệm thập giá. Xin cho chúng con dám cam đảm nói lên lời: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì?” Từ đó, chúng con biết trung thành, can đảm để thuộc trọn về Chúa và sẵn sàng làm chứng về Ngài trong mọi hoàn cảnh. Amen.
Mọi sự đã hoàn tất
Good Friday (April 19): “It is finished”
Gospel Reading: John 19:17-30 “So they took Jesus, and he went out, bearing his own cross, to the place called the place of a skull, which is called in Hebrew Golgotha. There they crucified him, and with him two others, one on either side, and Jesus between them. Pilate also wrote a title and put it on the cross; it read, ‘Jesus of Nazareth, the King of the Jews’. Many of the Jews read this title, for the place where Jesus was crucified was near the city; and it was written in Hebrew, in Latin, and in Greek. The chief priests of the Jews then said to Pilate, ‘Do not write, The King of the Jews’, but, ‘This man said, I am King of the Jews’. Pilate answered, ‘What I have written I have written’. When the soldiers had crucified Jesus they took his garments and made four parts, one for each soldier; also his tunic. But the tunic was without seam, woven from top to bottom; so they said to one another, ‘Let us not tear it, but cast lots for it to see whose it shall be’. this was to fulfill the scripture. “They parted my garments among them, and for my clothing they cast lots”. So the soldiers did this. But standing by the cross of Jesus were his mother, and his mother’s sister, Mary the wife of Clopas, and Mary Magdalene. When Jesus saw his mother, and the disciple whom he loved standing near, he said to his mother, ‘Woman, behold, your son!’ Then he said to the disciple, ‘Behold, your mother!’ And from that hour the disciple took her to his own home. After this Jesus, knowing that all was now finished, said (to fulfill the scripture), ‘I thirst’. A bowl full of vinegar stood there; so they put a sponge full of the vinegar on hyssop and held it to his mouth. When Jesus had received the vinegar, he said, ‘It is finished’; and he bowed his head and gave up his spirit” |
Thứ Sáu T. Thánh 19.04 Mọi sự đã hoàn tất
Ga 19,17-30 17 Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha;18 tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa.19 Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.”20 Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.21 Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Do-thái”, nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái”.”22 Ông Phi-la-tô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy! “23 Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới.24 Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm.25Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la.26Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. 28 Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát! “29 Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người.30 Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất! ” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. |
Meditation:
Who can bear to look upon the bloodied cross where Jesus hung without shame or sorrowful grief, disbelief or reverent awe? The cross brings us face to face with Jesus’ suffering. He was alone – all his disciples had deserted him except for his mother and three women along with John, the beloved disciple. And his death was agonizing and humiliating. Normally a crucified man could last for several days on a cross. Jesus’ had already been scourged, beaten with rods, and a crown of thorns pressed into his skull. It is no wonder that he died mid-afternoon. Pilate publicly heralded Jesus “The King of the Jews” as he died upon the cross, no doubt to irritate and annoy the chief priests and Pharisees (John 19:19). The King who ransoms us with his own life Jesus was crucified for his claim to be King. The Jews had understood that the Messiah would come as their king to establish God’s reign for them. They wanted a king who would free them from tyranny and foreign domination. Many had high hopes that Jesus would be the Messianic king. Little did they understand what kind of kingship Jesus claimed to have. Jesus came to conquer hearts and souls for an imperishable kingdom, rather than to conquer perishable lands and entitlements. Jesus’ death on the cross defeated sin and death for us We can find no greater proof of God’s love for us than the willing sacrifice of his Son on the cross. Jesus’ parting words, “It is finished!” express triumph rather than defeat. Jesus bowed his head and gave up his spirit knowing that the strife was now over and the battle was won. Even on the cross Jesus knew the joy of victory. What the Father sent him into the world to do has now been accomplished. Christ offered himself without blemish to God and he put away sin by the sacrifice of himself (see Hebrews 9:24-26).
As we gaze on his wounds – we touch the scars of his resurrection While the close company of Jesus’ disciples – his apostles – had deserted him and hid out of fear from the Jewish authorities, Jesus’ mother and some of the women who were close to Jesus stood close to him while he hung upon the cross. Augustine of Hippo (354-430 A.D) in his sermon on John’s passion account focuses on the gaze of the women who witnessed the shedding of his blood and the offering of his life as the atoning sacrifice for the sin of the world. “As they were looking on, so we too gaze on his wounds as he hangs. We see his blood as he dies. We see the price offered by the redeemer, touch the scars of his resurrection. He bows his head, as if to kiss you. His heart is made bare open, as it were, in love to you. His arms are extended that he may embrace you. His whole body is displayed for your redemption. Ponder how great these things are. Let all this be rightly weighed in your mind: as he was once fixed to the cross in every part of his body for you, so he may now be fixed in every part of your soul.” (GMI 248)
Augustine invites us to present ourselves before Jesus crucified who took our sins upon himself and nailed them to the cross. Through the eyes of faith we, too, gaze upon the bloodied body of our Redeemer who paid the price for our sins – and we touch the scars of his resurrection who defeated death for our sake so that we may know the victory of his cross and resurrection and receive the promise of everlasting life and glory with him in his kingdom.
The miracle of my salvation In the cross of Christ we see the triumph of Jesus over his enemies – sin, Satan, and death. Many Christians down through the centuries have sung the praises of the Cross of Christ. Paul the Apostle exclaimed, “But far be it from me to glory except in the cross of our Lord Jesus Christ” (Galatians 6:14). Hear what Gregory Nazianzen (329-389 AD), an early church father and bishop of Constantinople, wrote about the triumph of Christ’s exaltation on the cross: “Many indeed are the wondrous happenings of that time: God hanging from a cross, the sun made dark and again flaming out (Luke 23:44, Mark 15:33); for it was fitting that creation should mourn with its creator. The temple veil rent (Matthew 27:51), blood and water flowing from his side (John 19:34): the one as from a man, the other as from what was above man; the earth shaken, the rocks shattered because of the rock (Matthew 27:51); the dead risen to bear witness to the final and universal resurrection of the dead (Matthew 27:52). The happenings at the sepulcher and after the sepulcher, who can fittingly recount them? Yet no one of them can be compared to the miracle of my salvation. A few drops of blood renew the whole world, and do for all men what the rennet does for the milk: joining us and binding us together. (On the Holy Pasch, Oration 45.1) Rupert of Deutz (1075-1129), a Benedictine abbot and theologian, wrote: “The cross of Christ is the door to heaven, the key to paradise, the downfall of the devil, the uplifting of mankind, the consolation of our imprisonment, the prize for our freedom.”
The throne of love and sign of God’s mercy The Cross of Christ is the safeguard of our faith, the assurance of our hope, and the throne of love. It is also the sign of God’s mercy and the proof of forgiveness. By his cross Jesus Christ has pardoned us and set us free from the tyranny of sin. He paid the price for us when he made atonement for our sins. The way to peace, joy, and righteousness in the kingdom of God and the way to victory over sin and corruption, fear and defeat, despair and death is through the cross of Jesus Christ. Do you follow the Lord Jesus in his way of the cross with joy, hope, and confidence? “Lord Jesus Christ, by your death on the cross you have won pardon for us and freedom from the tyranny of sin and death. May I live in the joy and freedom of your victory over sin and death.” |
Suy niệm:
Ai có thể dám nhìn lên thập giá máu me, nơi Đức Giêsu bị treo mà không thấy xấu hổ hay đau đớn buồn phiền, vô tín hay sự kính sợ? Thập giá đưa chúng ta đến đối diện với sự đau khổ của Đức Giêsu. Ngài cô đơn – tất cả các môn đệ đã lìa bỏ Người, ngoại trừ Mẹ Người, ba người phụ nữ và Gioan, người môn đệ được Chúa yêu. Cái chết của Người đầy đau khổ và nhục nhã. Thông thường, người bị đóng đinh có thể sống vài ngày trên thập giá. Đức Giêsu đã bị người ta lấy roi đánh đòn, bị lấy mão gai ấn vào đầu. Không lạ gì mà Ngài chết vào lúc giữa chiều. Philatô cách công khai đã tiên báo Đức Giêsu là “Vua dân Dothái” khi Người chết trên thập giá, rõ ràng điều này đã khiến cho các vị thượng tế và những người Pharisêu tức giận và bực tức (Ga 19,19). Vị Vua chuộc lấy chúng ta với mạng sống của chính mình Đức Giêsu đã bị đóng đinh vì lời tuyên bố mình là Vua. Người Dothái hiểu rằng Đấng Mêsia sẽ đến với tư cách là Vua để thiết lập vương quốc Thiên Chúa cho họ. Họ muốn một vị vua sẽ giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại xâm. Nhiều người còn có cao vọng rằng Đức Giêsu sẽ là vị Vua Mêsia đó. Rất ít người hiểu thứ vương quyền mà Đức Giêsu đã tuyên bố. Đức Giêsu đến để chinh phục các tâm hồn cho một vương quốc bất diệt, hơn là chiếm hữu những vùng đất và quyền lực chóng qua. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đánh bại tội lỗi và sự chết dành cho chúng ta Chúng ta không thể tìm được bằng chứng về tình yêu Thiên Chúa nào lớn hơn sự sẵn sàng hy sinh của Con Một của Chúa trên thập giá. Những lời vĩnh biệt của Đức Giêsu “Mọi sự đã hoàn tất!” diễn tả sự chiến thắng hơn là sự thất bại. Đức Giêsu đã gục đầu và trút hơi thở, biết rằng sự xung đột giờ đây đã chấm dứt và cuộc chiến đã thắng. Thậm chí trên thập giá, Đức Giêsu đã biết được niềm vui của sự chiến thắng. Điều mà Cha đã sai Người vào thế gian để thực hiện, giờ đây đã được hoàn tất. Đức Kitô đã hiến tế chính mình mà không ô danh cho Thiên Chúa, và Ngài đã tiêu diệt tội lỗi qua sự hiến tế chính mình (Hr 9,24-26). Khi chúng ta nhìn vào các vết thương của Người – chúng ta chạm tới các dấu phục sinh của Người Trong khi các môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu – các tông đồ – đã bỏ rơi Người và bỏ trốn vì sợ hãi nhà cầm quyền Do thái, mẹ của Đức Giêsu và một số phụ nữ thân thiết với Đức Giêsu đứng bên cạnh Người khi Người bị treo trên thập giá. Thánh Augustine Hippo (354-430 AD) trong bài giảng về câu chuyện khổ nạn của Đức Giêsu nhấn mạnh tới cái nhìn của các phụ nữ chứng kiến máu Người đỗ ra và sự hiến dâng mạng sống của Người làm hy lễ đền tội cho tội lỗi nhân loại. “Giống như họ nhìn lên, chúng ta cũng nhìn vào các vết thương của Ngài lúc bị treo. Chúng ta nhìn thấy máu Ngài khi Ngài chết. Chúng ta nhìn thấy cái giá phải trả bởi Đấng cứu chuộc, chạm vào những vết sẹo của Đấng phục sinh. Ngài cúi đầu như thể để hôn bạn. Trái tim Ngài được mở rộng ra, như nó từng mở, trong tình yêu đối với bạn. Cánh tay Ngài danh rộng để có thể ôm lấy bạn. Cả thân thể Ngài đều phơi bày cho sự cứu chuộc của bạn. Hãy suy gẫm những điều này thật lạ lùng biết bao. Hãy để cho tất cả những điều này đè nặng trong trí bạn: cũng như xưa kia Ngài đã chịu đóng đinh vào thập giá nơi mọi phần thân thể của Ngài cho bạn, thì hôm nay, Ngài cũng có thể chịu đóng đinh nơi mọi phần của linh hồn bạn” (GMI 248). Thánh Augustine mời gọi chúng ta đặt mình trước Đức Giêsu bị đóng đinh, Đấng mang lấy tội lỗi chúng ta vào mình và đóng đinh chúng vào thập giá. Qua cặp mắt đức tin, chúng ta cũng nhìn lên thân thể máu me của Đấng Cứu chuộc chúng ta – và chúng ta chạm vào các dấu phục sinh của Người, Đấng đã đánh bại sự chết cho chúng ta, để chúng ta có thể nhận biết sự chiến thắng của thập giá và sự phục sinh của Người và lãnh nhận lời hứa sự sống và vinh quang đời đời với Người trong vương quốc của Người. Phép lạ về ơn cứu độ của tôi Trong thập giá của Đức Kitô, chúng ta nhìn thấy sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên các kẻ thù của Ngài: tội lỗi, Satan, và sự chết. Các văn sĩ Kitô giáo xuyên qua nhiều thế kỷ đã vang lên lời ca ngợi thập giá của Đức Kitô. “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14). Hãy nghe những gì Gregory Nazianzen (329-389 AD), một giáo phụ và là Giám mục thành Constantinople, viết về sự chiến thắng khải hoàn của Ðức Kitô trên thập giá: “Quá nhiều điều kỳ diệu xảy ra vào lúc đó: Thiên Chúa bị treo trên thập giá, mặt trời ra tối tăm và bốc cháy (Lc 23,44; Mc 15,33); vì thật xứng hợp để loài thụ tạo khóc thương Đấng tạo hóa của nó. Màn trong đền thờ xé ra làm hai (Mt 27,51), máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người (Ga 19,34): một từ người, một từ Thiên Chúa; đất đai chuyển động, đá vỡ ra (Mt 27,51); người chết sống lại để làm chứng sự sống lại cuối cùng và phổ quát của người chết (Mt 27,52). Những điều xảy ra ở ngôi mộ và sau ngôi mộ, ai có thể kể lại chi tiết cách thích đáng về chúng? Nhưng không một trong chúng có thể so sánh với phép lạ của sự cứu rỗi của tôi. Một ít giọt máu đổi mới toàn thế giới, và cho tất cả mọi người như những gì con men làm cho sửa: nối kết chúng ta và hợp nhất chúng ta với nhau. (trích từ bài giảng lễ Phục sinh 45.1)
Tu viện trưởng Rupert thành Deutz (1075-1129), nhà thần học và Ðan viện trưởng dòng Biển Ðức, viết rằng: “Thập giá Đức Kitô là cửa vào Thiên đàng, là chìa khóa vào Thiên đàng, là sự xụp đỗ của ma quỷ, là sự đỡ nâng của con người, là sự an ủi của sự tù ngục của chúng ta, là phần thưởng cho sự giải thoát của chúng ta.”
Ngai tòa tình yêu và dấu thương xót của TC Thập giá Đức Kitô là sự bảo vệ của đức tin, là bảo đảm của đức cậy, và là ngai tòa của đức mến. Nó cũng là dấu hiệu của lòng thương xót của Chúa và là bằng chứng của sự tha thứ. Qua thập giá, Chúa Giêsu đã cứu chuộc tội lỗi của chúng ta, và đền tạ cho hình phạt của chúng ta. Con đường đến bình an, niềm vui, và công chính trong vương quốc của Chúa và con đường đến chiến thắng trên tội lỗi, thất vọng, và cái chết đều ngang qua thập giá của Đức Giêsu Kitô. Bạn có sẵn sàng đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá của Ngài, với niềm vui, hy vọng, và phó thác không?
Lạy Chúa Giêsu Kitô, bằng cái chết của Chúa trên thập giá, Chúa đã đem lại ơn tha thứ cho chúng con, và giải thoát chúng con khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Chớ gì con sống trong niềm vui và sự tự do nhờ cuộc chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn