THỨ HAI TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 17,1-6
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
1 Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! 2 Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.
3 Anh em hãy đề phòng! 4 Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: “Tôi hối hận”, thì anh cũng phải tha cho nó.”
5 Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, ” nó cũng sẽ vâng lời anh em.
SUY NIỆM:
Con người thường sống theo xác thịt. Chỉ biết có mình. Dễ với mình. Khó với người. Hôm nay Chúa dậy ta sống theo Thần Khí. Một chân trời mới mở ra. Người ta ngặt nghèo với bản thân. Không dám làm điều gì xấu. Không chỉ là làm điều xấu cho tha nhân. Thậm chí không được làm gương xấu nữa. “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã”. Nhưng đối với tha nhân lại phải rất rộng lượng. Phải tha thứ mãi mãi. “Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’ thì anh cũng phải tha cho nó”. Ta chỉ đạt tới cảnh giới đó khi có đức tin vững mạnh. Mọi sự sẽ theo sự điều khiển của ta. Ta có đức tin vững mạnh khi hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Khi đó ta có sức mạnh của Thiên Chúa. Nhìn người bằng ánh mắt của Thiên Chúa. Đối xử bằng tấm lòng của Thiên Chúa. Yêu thương bằng trái tim của Thiên Chúa.
Sách Khôn ngoan dạy ta đạt tới cảnh giới đó bằng một tiến trình. Yêu chuộng đức công chính. Thành tâm kiếm tìm Chúa. Khiêm nhường và tuyệt đối tin tưởng. Không lý luận quanh co. Không thử thách Thiên Chúa.Không sống theo xác thịt. Tránh xa thói lọc lừa gian dối. Khi ta thanh tẩy tâm hồn rồi, ta sẽ được Đức Khôn Ngoan. Thần Khí Thiên Chúa sẽ ở trong ta. Thần Khí sẽ ngập tràn cõi đất. Sẽ “bảo toàn mối hợp nhất giữa muôn vật muôn loài. Sẽ thấu hiểu mọi lời mọi tiếng” (năm lẻ).
Khi đạt tới cảnh giới đó Nước Trời hiển trị. Muôn người sẽ sống trong hạnh phúc. Đó chính là trách nhiệm của đạo Chúa. Vì thế những người môn đệ phải rèn luyện bản thân. Sao cho có đức tin vững mạnh. Sao cho hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Để có tấm lòng Thiên Chúa. Nghiêm ngặt với bản thân. Rộng lượng với tha nhân. Đó chính là điều thánh Phao-lô khuyên nhủ người môn đệ Ti-tô. Và căn dặn ông phải đào tạo người như thế: “Thật vậy, giám quản với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối” (năm chẵn).
Chỉ khi đạt tới Thiên Chúa ta mới hoàn toàn làm chủ bản thân. Mới thấu hiểu và yêu mến anh em thật tình.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM: GƯƠNG SÁNG VÀ THỨ THA
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu gởi đến chúng ta 1 lời cảnh giác và 1 lời đề nghị. Và cả 2 rất cần cho đời sống đức tin của những ai mang danh là kitô hữu.
Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta rằng: “Đừng bao giờ làm cớ cho người ta vấp phạm”, tức là đừng bao giờ làm gương mù gương xấu cho người khác. Chúa Giêsu cũng nói thẳng: “Những ai làm cho người khác vấp ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển thì hơn”.
Vậy tại sao Chúa Giêsu lại cảnh giác chúng ta như thế? Thưa vì ngày nay có nhiều anh chị em tín hữu trong chúng ta chưa sống tốt tinh thần của một người Công Giáo.
Có một số anh chị em lương dân người ta nói như thế này: Thưa cha, không phải là chúng con không tin đạo Chúa, nhưng chúng con không tin người có đạo; không phải là chúng con không mến đạo Công Giáo, nhưng có một số người Công Giáo quanh con con không thể mến được.
Tất nhiên đây chỉ là nhận định chủ quan của một vài người, nhưng cũng đáng để cho tất cả chúng ta phải đấm ngực nhiều lần về lỗi lầm này, vì có những lần chúng ta vô tình để cho lời nói và cách sống của mình, làm cho người ta hiểu sai và hiểu xấu về đạo thánh Chúa. Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta hãy đề phòng để khỏi mắc phải sai lầm ấy.
Bên cạnh lời cảnh giác trên, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến việc “sống thứ tha” theo tinh thần của Chúa. Vậy tại sao chúng ta phải tha thứ? Có 2 lý do sau đây:
Lý do thứ nhất, tha thứ để tìm lại bình an cho chính mình. Có ai khi giận hờn hay oán trách người khác mà trong lòng thấy bình an không anh chị em? Chắc chắn là không. Khi tức giận một ai đó thì không biết người ta như thế nào, nhưng trong lòng mình luôn cảm thấy bực dọc, cau có, thậm chí là mất ăn mất ngủ. Như thế, tức giận thù ghét là mình đang dày vò chính con người của mình. Do đó, tha thứ cho người khác không phải vì họ xứng đáng được tha thứ, mà vì mình xứng đáng được hưởng bình an.
Lý do thứ hai, tha thứ là để cứu rỗi linh hồn mình. Chính Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “Anh em đừng xét đoán thì mới không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em hãy tha thứ thì mới được Thiên Chúa thứ tha”. Vậy chẳng lẽ vì một chút xích mích trong cuộc sống, mà chúng ta lại chấp nhận đánh mất phần rỗi linh hồn của mình sao thưa cộng đoàn?
Nhỡ một lúc nào đó anh chị em bị cám dỗ không tha thứ cho người khác, thì mỗi người hãy cầu nguyện với Chúa như thế này: “Lạy Cha…xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con”. Amen.
Lm Antôn
SUY NIỆM: ĐỪNG LÀM GƯƠNG XẤU
Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy chúng ta bài học không được làm gương xấu, xúi dục hay nên cớ cho người khác phạm tội bằng bất cứ hình thức nào. Vì đời sống của chúng ta ảnh hưởng đến anh chị em xung quanh.
Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu đã lên án gắt gao với các Luật sĩ, biệt phái: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm”. Các luật sĩ, biệt phái sống cuộc sống hai mặt: Họ dạy người khác giáo lý về Thiên Chúa, nhưng chính họ lại không thực hành điều đúng đắn và phải làm. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho những người xung quanh, những người thuộc quyền, mà đáng lý ra họ phải là những người đầu tiên làm gương tốt.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ làm gương xấu: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu.”
Gương xấu dễ lây lan ra nhanh như đại dịch, gương xấu ảnh hưởng những người xung quanh, vì “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Ngày nay chúng ta dễ nhận ra trong thế giới văn minh tiến bộ giúp con người sống đầy đủ tiện nghi, mọi phương tiện sống rất thuận tiện, mang lại nhiều lợi ích, cuộc sống con người thoải mái hơn. Song chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: con người đã lạm dụng tự do, kinh tế thị trường lôi cuốn con người chạy theo cách làm ăn phi pháp, gian dối, tham nhũng, lừa đảo; con người lạm dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật, để sống hưởng thụ, thỏa mãn các đam mê… Trong xã hội, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Chẳng hạn, phương tiện truyền thông khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ - đã không tự làm chủ được bản thân mình, mà sống một cách buông thả theo lối sống phương Tây. Môi trường giáo dục còn khiếm khuyết trong việc giảng dạy, đặc biệt về thi cử. Trong gia đình, đạo đức gia phong, đời sống tôn giáo xuống cấp trầm trọng, vì cha mẹ chỉ lo làm ăn buôn bán, không dạy dỗ con cái nên người hữu ích; cha mẹ làm ăn gian dối, đã gây tổn hại nặng nề cho con cái của họ sau này.
Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc những kẻ làm gương xấu, vì đó là tiếp tay với ma quỉ: “vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.”
Gương xấu là thái độ và thói xấu có ở nơi chúng ta, hoặc do chính chúng ta bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Làm thế nào để diệt trừ các thói xấu?
Về gương mù gương xấu, hôm nay phải đặt cho chúng ta câu hỏi: Bằng cách nào tôi có thể thống nhất cuộc sống của mình? Bằng cách nào để cuộc sống của tôi được nhất quán, được hợp nhất với Tin Mừng, được liên kết mật thiết với Chúa?
Trước hết, chúng ta phải tận diệt gương xấu, nhưng nhớ rằng tận diệt nó không giống như làm cỏ phải nhổ tận gốc. Gương xấu tự nó không thể nhổ sạch, nhưng nhân đức sẽ lấn át nó dần dần làm cho sự xấu chết hẳn.
Kinh nghiệm của các nhà Tu đức dạy rằng: Hãy tập luyện những nhân đức đối lập để tẩy trừ các thói xấu. Ví dụ: thói kiêu căng chỉ tiêu diệt được bằng tập sống khiêm nhường.
ĐTC Phanxicô dạy chúng ta phương pháp sống thiêng liêng bằng cách biện phân ơn gọi, nghĩa là biết phân định điều xấu, điều dữ phải loại trừ hoặc xa tránh, còn điều tốt đẹp hãy giữ, hãy làm.
Mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành.
Kế đến, chúng ta hãy làm gương tốt cho mọi người xung quanh. Cha mẹ muốn làm gương tốt cho con cái, cho những người xung quanh, thì bản thân chúng ta phải cố gắng sống tốt, làm tốt, đặc biệt sống tốt lành thánh thiện, để làm gương sáng cho người khác, vì “Lời nói như gió lung lay. Gương bày như tay lôi kéo” – “Cha mẹ hiền lành, để đức cho con” là vậy!
Cuối cùng, chúng ta muốn làm gương tốt, loại trừ gương xấu, hãy bắt chước mẫu gương duy nhất là Giêsu Kitô. Chỉ sống theo phúc Âm, sống theo tinh thần luật của Chúa Giêsu và theo gương Ngài mới giúp chúng ta nên hoàn thiện, và bảo đảm dẫn chúng ta tới được nguồn Chân Thiên Mỹ đích thực là Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng và giúp chúng con xa tránh điều xấu, điều dữ, vì làm thiệt hại đến con, cuộc sống của anh chị em xung quanh con. Xin cho con biết sống hoàn thiện hơn trong mọi tương quan với Chúa và tha nhân. Đặc biệt, xin Chúa giúp con sống bác ái, nhân từ, yêu thương và phục vụ mọi người như Chúa dạy, nhờ đó, con biết làm vinh danh Chúa và trở nên người môn đệ xứng đáng của Chúa Kitô. Amen.
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM: SỐNG CHỨNG NHÂN HƠN THẦY DẠY
Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41 của Đức Thánh Cha Phaolô VI, có viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Như vậy, chúng ta có quyền nghĩ rằng: nếu đời sống chứng nhân có tác dụng rất tốt trong việc loan báo Tin Mừng, thì ngược lại, không có gì nguy hại cho bằng đời sống phản chứng nơi người Kitô hữu!
Thật thế, Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng đề cao đời sống chứng nhân nơi người môn đệ khi Ngài dùng phương pháp phản biện để làm toát lên tính quan trọng của gương sáng. Ngài nói: “Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này”. Nêu gương xấu là điều tắc trách, nhưng gây nên cho những trẻ nhỏ, những người bé mọn, người kém đức tin là một tội ác vì tính chất nguy hiểm khôn cùng của nó!
Gương xấu được ví như một thứ ôn dịch và có nguy cơ lây lan rất cao.
Gương sáng thì khó làm, khó sống, nhưng gương xấu thì quá dễ làm, dễ bắt trước. Làm gương sáng cần phải có một sự cố gắng cao với nhiều hy sinh, từ bỏ. Nó được ví như một người leo núi với tất cả sự cố gắng, hy sinh… Còn gương xấu thì thực sự chẳng khác gì một người buông mình xuống núi, chúng ta không cần phải cố gắng thì vận tốc rơi xuống cũng sẽ nhanh chóng…
Như vậy, với bản tính của con người, chúng ta dễ hướng chiều về điều xấu hơn điều tốt. Dễ làm điều bất chính hơn điều thiện. Vì thế, tội lỗi luôn có cơ hội len lỏi vào trong suy nghĩ và hành động của chúng ta hơn là điều tốt.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần nhớ lại ánh sáng đức tin ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để sống cuộc đời nhân chứng cho xứng đáng với ơn đã lãnh nhận. Cần làm cho hình ảnh Đức Kitô hiền lành, dễ thương, giàu lòng thương xót ngay trong cuộc sống, qua lời nói, hành động và việc làm của chúng ta.
Tuy nhiên, để sống được điều đó, chúng ta cần phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta. Bởi vì nếu không có đức tin, chúng ta khó có thể tha thứ, kiên trì, tôn trọng và nâng đỡ người khác.
Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi chúng con đã trở nên những người gây ra gương mù gương xấu cho người khác. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con can đảm, trung thành sống cuộc đời chứng nhân. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: ĐỪNG TRỞ NÊN CỚ VẤP PHẠM CHO NGƯỜI KHÁC
Trong bài đọc 1 hôm nay chúng ta bắt đầu nghe lời của Thánh Phaolô viết cho Titô. Thánh nhân bắt đầu với việc nói về mình và sứ mệnh của mình: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Thiên Chúa và Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh, với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời” (Tt 1:1-2). Qua những lời này, Thánh nhân nhận mình là tôi tớ của Thiên Chúa, và sứ mệnh của mình là đưa mang đức tin cho những người Thiên Chúa chọn. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc nhìn nhận mình như thế nào trước Thiên Chúa và đâu là sứ mệnh người mong ước mỗi người chúng ta thực hiện. Tiếp theo Thánh nhân cho biết mục đích khi để Titô ở lại đảo Cơrêta, là “để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành, như tôi đã truyền cho anh” (Tt 1:5). Công việc đặt những kỳ mục, những người hướng dẫn cộng đoàn, là một công việc cần nhiều sự khôn ngoan. Những kỳ mục được chọn phải có những tiêu chuẩn nhất định. Theo Thánh nhân, “kỳ mục phải là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo và không mang tiếng là sống phóng đãng hay bất phục tùng” (Tt 1:6). Không những thế, trên khía cạnh nhân bản, kỳ mục phải là người “giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối” (Tt 1:7-9). Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa đặt lên để chăm sóc anh chị em mình. Trên một khía cạnh nào đó, mỗi người trong chúng ta cũng được xem là kỳ mục. Liệu chúng ta có sở hữu những đức tính như lòng Chúa mong ước không?
Chúng ta có thể nói rằng: Những người không gặp được Đức Khôn Ngoan, sẽ là những người dễ dàng trở thành cớ cho người khác vấp ngã. Chúa Giêsu lên án những người làm cớ cho người khác vấp ngã trong hành trình theo Chúa Giêsu như sau: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!” (Lc 17:1-3). Trong những lời này, Chúa Giêsu ám chỉ rằng trong khi các môn đệ hành trình trên con đường theo Chúa Giêsu, họ cũng như bao nhiêu người khác, sẽ phải đối diện với những người gây gương mù gương xấu. Theo Chúa Giêsu, đối diện với những gương mù gương xấu thì không nguy hiểm cho bằng trở nên gương mù gương xấu. Những người trở nên gương mù gương xấu sẽ bị cột cối đá lớn vào cổ. Cối đá này cân có thể nặng đến mấy trăm cân. Hình ảnh buộc cối đá vào cổ ám chỉ đến việc thà người đó bị tẩy khỏi danh sách những người đang sống thì tốt hơn là gây cớ cho người khác vấp ngã. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đối diện với những gương mù gương xấu. Có lần chúng ta thắng được, nhưng cũng có lần chúng ta vấp ngã. Nhưng cũng không ít lần chúng ta trở nên gương mù gương xấu cho anh chị em mình qua những lời ăn tiếng nói hoặc hành động không được tế nhị và thanh cao. Hãy sống cho trọn vẹn, để không có ai vấp ngã vì chúng ta.
Chi tiết thứ hai đáng suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là việc xúc phạm đến nhau. Ông bà ta thường nói: “Sống chung thì đụng.” Tuy nhiên, điều quan trọng là sau khi đụng, chúng ta sẽ có thái độ như thế nào? Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta thái độ cần thiết sau khi bất hoà với nhau là tha thứ cho nhau: “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận,’ thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17:3-4). Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn những người môn đệ của Ngài không chỉ cầu nguyện lời Kinh Lạy Cha, nhưng còn sống lời kinh này bằng cách tha thứ cho người khác cách không giới hạn và vô điều kiện.
Tuy nhiên, tha thứ cần phải có lòng tin. Đây chính là điều mà các Tông Đồ xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17:5). Lòng tin này bắt đầu rất nhỏ bé mong manh. Thật vậy, sau khi bị người khác xúc phạm đến mình, chúng ta thường mất niềm tin vào họ. Chính vì vậy, Chúa Giêsu chỉ mong các môn đệ có được “lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6). Sự tha thứ nhiều khi tưởng như là điều không thể, nhưng nếu chúng ta có chút lòng tin là người kia sẽ được Chúa biến đổi để trở nên tốt hơn, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy sự tha thứ trở nên dễ dàng hơn. Tóm lại, những gì người môn đệ Chúa Giêsu cần cho hành trình của mình là một đức tin sâu xa vào Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Đấng có thể và sẽ giải thoát họ khỏi những chống đối và những mãnh lực phá huỷ của thế gian. Hãy xin Chúa ban cho chúng ta thêm niềm tin.
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM : SỐNG LÀ LIÊN ÐỚI
Trong tác phẩm "Hãy Giúp Nhau Làm Lại Cuộc Ðời", xuất bản đầu thập niên 60, ông Henri Vicardi, người sáng lập cơ xưởng chuyên giúp những người tàn tật tự lực cánh sinh kể lại rằng: cơ xưởng do ông sáng lập năm 1952, khởi sự với một công nhân bị tê bại, làm việc trong một nhà xe bỏ trống, lụp xụp. Nhưng chỉ một năm sau, xưởng đã trở nên một cơ sở kinh doanh với số vốn cả triệu Mỹ kim và thu dụng đến 300 công nhân. Mỗi công nhân đều có một mẫu truyện cảm động về con người xây dựng lại cuộc đời từ sự tàn tạ của mình.
Ðiển hình là trường hợp của Jim Chapin, một người bị tê liệt từ thắt lưng trở xuống vì một chiếc bướu ở xương sống. Ngay sau khi được khiêng từ bàn giải phẫu xuống, các Bác sĩ đã tuyên bố ông sẽ sống nhưng không làm gì được. Thế nhưng các Bác sĩ đã lầm: năm đó Jim Chapin đã 62 tuổi, tuy không rời được khỏi xe lăn, ông đã tìm đến cơ xưởng của ông Henri và bắt đầu làm lại cuộc đời. Ông cho biết rằng ông rất hãnh diện về khả năng của mình và nhất quyết không chịu trở lại với đời sống ỷ lại và vô vọng nữa.
Câu truyện trên đây là một bằng chứng hùng hồn rằng dù tàn tật đến đâu, mỗi người vẫn là một giá trị độc nhất vô nhị trên cõi đời này, và do đó có trách nhiệm đối với chính bản thân cũng như hữu dụng cho người khác và có trách nhiệm đối với người khác.
Tin Mừng hôm nay có lẽ nhắc nhở chúng ta về ý tưởng ấy. Chúa Giêsu nói đến hai thứ bổn phận của con người đối với người đồng loại: một là phải sống thế nào để không trở thành cớ vấp phạm cho người khác, hai là phải tha thứ cho nhau. Ngay từ những trang đầu tiên, khi mạc khải về con người, Kinh Thánh đã nói đến tình liên đới. Bị Thiên Chúa tra vấn sau khi phạm tội, Adam đã đổ lỗi cho Evà; đây quả là khuynh hướng chạy tội và chối bỏ trách nhiệm đối với người khác; cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa, con người cũng muốn chối bỏ tương quan với tha nhân. Sự chối bỏ này lại càng rõ nét trong thái độ của Cain sau khi đã giết em mình là Abel: "Tôi có phải là người giữ em tôi đâu!"
Sống là liên đới: không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác. Cuộc sống của tôi dù âm thầm đến đâu vẫn có âm hưởng trên người khác; dù tôi có tàn tật và bé nhỏ đến đâu, tôi vẫn là người hữu dụng cho người khác; không có một hành động nào của tôi mà không có liên hệ đến người khác, đó chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời tôi; tôi có hạnh phúc hay không là tùy tôi có biết sống cho người khác hay không.
Nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với người khác, lời Chúa hôm nay cũng nói lên phẩm giá cao trọng của mỗi người. Ðó là lý do đem lại cho chúng ta niềm tin trong cuộc sống mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: XIN LỖI VÀ THA THỨ
Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ và mọi người hãy luôn tha thứ cho nhau. Xin lỗi và tha thứ luôn đi đôi với nhau. Dẫu biết rằng người xin lỗi chưa chắc đã bỏ được tội lỗi dứt khoát, nhưng một khi họ đã lên tiếng xin lỗi chân thành nghĩa là họ đã biết sai. Con số bảy mà Chúa Giêsu nói đến ám chỉ đến sự thường xuyên, luôn luôn. Một Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người bất chấp việc con người tái phạm nhiều lần cùng một tội. Thiên Chúa muốn dùng sự tha thứ không mệt mỏi để sửa dạy và hoán cải lòng chai dạ đá của con người.
Bỏ đi một thói hư tật xấu đã trở thành một thói quen là không dễ. Mỗi người đừng nản lòng hoặc thất vọng, nhưng cứ bám chặt vào lòng thương xót của Chúa. Mỗi lần yếu đuối vấp ngã, chúng ta cứ khiêm nhường xin lỗi thì chắc chắn Chúa sẽ tha. Tuy nhiên, chúng ta đừng để sự tha thứ của Chúa trở nên lãng phí, nhưng hãy tận dụng nó như là một cơ hội để làm lại từ đầu. Mỗi người đừng lạm dụng sự tha thứ của Chúa mà đánh mất đi quyết tâm hoán cải cuộc đời mình.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn ăn năn sám hối thật lòng, để mỗi lần được Chúa tha thứ là cơ hội chúng con làm mới mình và dứt khoát với tội lỗi mạnh mẽ hơn. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM:
1. Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã!
• Đức Giêsu khẳng định không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã. Điều này cho thấy cũng có rất nhiều cớ và cơ hội làm cho con người vấp ngã. Adong và Evà cũng bị vấp ngã cả về ao ước bên trong lẫn thèm muốn điều bên ngoài.
• Thế nhưng, Đức Giêsu khẳng định khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Đây là một sự cố tình, bày mưu làm cho người khác mắc bẫy. Con rắn cũng bày mưu làm con người sa ngã. Chính điều này mà Đức Giêsu lên án và Ngài đến thế gian là để cứu con người.
• Xã hội hôm nay người ta cũng làm ra những cái bẫy tinh vi để lừa biết bao nhiêu người. Bao giọt nước mắt của những người bị lừa mất tiền của, bị bẫy hình và còn nhiều thứ khác…. Lời của Chúa như an ủi và củng cố cho từng người chúng ta nhưng lại cho thấy lòng thương xót của Ngài đối với những kẻ gài bẫy khi đưa ra lời cảnh tỉnh.
→ Lời Chúa tiếp tục mời gọi chúng ta sống sự công chính và ngay thẳng. Như Đức Giêsu lên án những người gây ra đau khổ cho người khác, tôi được mời gọi an ủi và nâng đỡ những người bị lừa gạt như thế nào?
→ Lạy Chúa, xin dạy con sống công chính trước nhan Ngài.
Br. Vincent SJ