I. Tìm Hiểu Lời Chúa
1. Bài đọc I : 1Sm 1, 20-22, 24-28
Bà Anna không có con, bà đã kiên trì cầu nguyện trong nước mắt, Thiên Chúa đã nhận lời bà cho bà sinh hạ đựơc Samuel. Bà và chồng theo lời đoan hứa dâng con mình phục vụ đền thờ.
a. Trong bối cảnh của thời bấy giờ, cần phải thấy được nơi việc dâng hiến của Samuel một cử chỉ của lòng tin và dấu chỉ của lòng biết ơn thay cho cha mẹ, niềm sung sướng hạnh phúc vì lời cầu nguyện đã được nhạân lời.
b. Bà Anna đã khẳng định việc bà sinh hạ Samuel là hồng ân của Chúa, nên bà dâng hiến con mình phụng sự Chúa trong đền thờ. Con cái là hồng ân của Chúa ban tặng cho cha mẹ, đón nhận con cái và dâng hiến cho Thiên Chúa là biểu lộ lòng biết ơn và tôn thờ Thiên Chúa của bậc làm cha làm mẹ.
c. Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái rất cao quí và quan trọng. Vai trò này không phải là áp đặt con cái theo quan điểm của mình mà là giúp đỡ con cái nhận ra ơn gọi của chúng và giúp chúng sống đúng ơn gọi đó.
2. Bài đọc II : 1 Ga 3, 1-2, 21-24
Theo ý định yêu thương của mình, Thiên Chúa đã làm cho người Kitô hữu thực sự trở thành con cái của Ngài, từ đó, Thánh Gioan rút ra những lời khuyên thực hành cho đời sống Kitô hữu : là con thì phải tín thác và trung thành với giáo huấn của Chúa là Cha; đặc biệt cùng là con Thiên Chúa nên mọi người phải yêu thương nhau với tình anh em.
a. Thánh Gioan khẳng định Kitô hữu là con cái Chúa, được làm con Chúa là do tình yêu hải hà của Ngài dành cho con người. Tình yêu ấy đã nâng thân phận thụ tạo của con người thành con cái. Điều này sẽ không thể hiểu thấu đối với ai không tin vào Thiên Chúa. Trong ánh sáng đức tin mà chúng ta biết chúng ta là con.
b. Khẳng định này giúp cho mỗi người sống đức tin trong mối tương quan với Thiên Chúa thân thiết hơn, chặt chẽ hơn và ý nghĩa hơn. Đồng thời, cũng đưa mọi người xích lại gần nhau hơn trong tình huynh đệ.
c. Trong bối cảnh lễ Thánh Gia Thất, phụng vụ chọn đọc bản văn này nhằm mời gọi chúng ta hôm nay đi vào một gia đình , cảm phục và noi gương gia đình ấy để xây dựng gia đình của mình, đó là gia đình Thiên Chúa. Trong gia đình này có Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là trưởng tử, mọi người là anh em và Chúa Thánh Thần qui tụ mọi người trong cùng một niềm tin và cùng một đức ái.
3. Tin Mừng : Lc 2, 41-52
Hôm nay chúng ta đọc trong Tin Mừng theo Thánh Luca trình thuật biến cố Chúa Giêsu biến mất sau khi kết thúc cuộc hành hương cùng với cha mẹ lên Giêrusalem, năm Ngài 12 tuổi. Trình thuật này như là câu kết và điểm hội tụ của toàn thể Tin mừng thời thơ ấu. Đồng thời, đó cũng là một bài giáo lý với hai khía cạnh : Khía cạnh luân lý, trình bày sự vâng phục của Chúa Giêsu và khía cạnh màu nhiệm, biểu lộ màu nhiệm phục sinh. Trong bối cảnh của lễ Thánh Gia Thất, chúng ta rút ra được những bài học giá trị cho đời sống gia đình qua trinh thuật này.
a. Đức Maria và Thánh Giuse bối rối bởi thái độ của Chúa Giêsu : Các Ngài đi từ ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu ngồi giữa những thầy luật sĩ nghe và hỏi các ông rồi đến việc không hiểu nổi câu trả lời của Người. Các Ngài không lĩnh hội được ngay ý nghĩa đích thực của lời Chúa Giêsu. Kông phải vì các Ngài không biết về nguồn gốc Thần linh siêu việt của Người, các Ngài biết rất rõ điều này hơn ai hết. Nhưng các Đấng không hiểu ngay là Chúa Giêsu muốn nói đến Cha Người trên trời, nhất là các Ngài không thể đoán được mọi ý nghĩa sâu sa ẩn giấu sau lời nói, một lời nói đầy tính cách tiên tri, mạc khải cách đơn sơ một tương lai hoàn toàn vượt quá khả năng hiểu biết. Thiên Chúa không mạc khải trước chương trình sống của Người mà chỉ cho biết chi tiết vào ngày giờ của Người.
b. “Những công việc của Cha con”, câu nói này xem ra dịch như vậy chưa chính xác lắm. Lo việc của Chúa Cha là việc mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện từ khi bắt đầu chịu phép rửa. Công việc duy nhất, công việc vĩ đại của Ngài là hoàn thành công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Nhưng công việc này không phải là từ lúc lên 12 tuổi, khi lên đền thờ với cha mẹ. Lúc này Ngài chỉ muốn đến ở đền thờ là nhà Cha Ngài thôi. Theo Cha R. Laurentin giải thích thì theo từng nghĩa chữ Hy lạp chỉ có nghĩa là : “Ở trong nhà cha con” (Chez mon père). Công thức này lột tả chính xác ý nghĩa Luca muốn nói và phù hợp với văn phạm Hy lạp, với lối chú giải của các Giáo phụ Hy lạp và với chính văn mạch của đoạn này. Từ đây Ngài ở trong nhà Cha Ngài, trong nhà Ngài, sự hiện diện này còn hơn là sự hiện diện thể lý trong đề thờ.
c. Câu trả lời của Chúa Giêsu, thái độ của Ngài hiển nhiên là khó hiểu. Xét cho kỹ, câu trả lời không giải thích gì cả, không nhằm bào chữa cách cư xử của Ngài mà chỉ kêu mời Đức Maria và Thánh Giuse vươn lên khỏi những bình diện của những mối bận tâm thường nhật để đến bình diện thiêng liên, nơi mà Ngài luôn ở với Cha Ngài. Qua những chuyện thường nhật, nếu đọc dưới ánh sáng đức tin sẽ nhận ra được thánh ý Chúa và sẵn sàng thực thi chúng trước những công việc khác. Trong bối cảnh lễ Thánh Gia Thất, trình thuật này là lời mời gọi mọi thành viên gia đình Công giáo cần xác định rằng gia đình chúng ta, nơi cư ngụ của gia đình thuộc về một gia đình lớn hơn đó là gia đình Thiên Chúa.
II. Gợi ý Bài Giảng
1. Gia Đình, cộng đồng sự sống : Con cái được sinh ra từ tình yêu của cha mẹ, được triển nở từ tình yêu gia đình và cũng được nuôi dưỡng giáo dục và khôn lớn trong gia đình. Cho nên, có thể nói gia đình là cộng đồng của sự sống. Từ nơi cha mẹ con cái được được kế thừasự sống. Ở nơi Thiên Chúa, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào công trình sáng tạo của Người, sáng tạo nên một sự sống mới cho thế giới qua việc sinh con. Trong sự phát triển của xã hội, gia đình là môi trường định hình nên nhân cách. Gia đình là môi trường cần thiết để con cái phát triển thể xác, tâm lý, trí khôn và đời sống tâm linh. Chiêm ngưỡng gia đình Thánh Gia Thất chúng ta thấy rõ một cộng đồng của sự sống : Đức Maria can đảm đón nhận một mầm sống trong cung lòng; Thánh cả Giuse thay vì lên án tố cáo Đức Maria và thạâm chí cũng đã định tâm lìa bỏ Ngài cách kín đáo để gìn giữ danh dự và bảo vệ một mầm sống trong lòng Trinh Nữ, nhưng rồi Ngài đã can đảm đón nhận và hết lòng yêu thương chăm sóc con trẻ được sinh ra. Trong gia đình đó Đức Giêsu ngày càng tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng. Ngày nay, nhiều gia đình do ảnh hưởng của trào lưu thực dụng, nền văn minh của sự chết đã biến gia đình mình thành cộng đồng của sự chết. Biết bao tệ nạn đã và đang diễn ra giết chết gia đình : phá thai, ngừøa thai phi luân; vợ chồng không còn tình yêu ly dị nhau … Gia đình không còn là môi trường tốt và cần thiết để con cái lớn lên và phát triển.
Với hoàn cảnh xã hội hôm nay, mỗi gia đình Công giáo phải biết noi theo gia đình Thánh Gia Thất để phát triển sự sống trong gia đình mình bằng việc cha mẹ yêu thương can đảm đón nhận con cái là hoa trái của tình yêu mình, là quà tặng của Thiên Chúa.
2. Gia Đình, Cộng đồng của tình yêu : Thánh Gioan Tông đồ, trong bài đọc II, nhắc nhở mọi Kitô hữu biết rằng chúng ta là con cái Chúa, là anh chị em của nhau, chúng ta thuộc về gia đình Thiên Chúa. Gia đình Kitô hữu như vậy không chỉ liên kết với nhau bằng mối dây huyết nhục nhưng còn bằng mối dây thiêng liêng của gia đình Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu nên gia đình Thiên Chúa là gia đình của tình yêu. Mọi người sống tình yêu thương dành cho Thiên Chúa là cha; tình yêu thương huynh đệ dành cho nhau. Gia đình chính là nơi tốt nhất để thể hiện mối tương quan tình yêu của gia đình Thiên Chúa. Làm sao con cái biết được Thiên Chúa là Cha nhân lành nếu như cha mẹ trong gia đình không sống đúng trách nhiệm của bậc mẹ cha, không dành cho con cái tình yêu thương. Làm sao có thể thảo hiếu với Thiên Chúa là Cha nếu như con cái trong gia đình chẳng thiết gì đến việc thảo hiếu với cha mẹ. Làm sao có thể đón nhận yêu thương mọi người vì tất cả là anh em con cùng một Cha trên trời, nếu như anh chị em trong gia đình lại lâm vào cảnh bất hòa, huynh đệ tương tàn. Ngày nay vì ích kỷ, vì tiền, vì quyền lợi mà không hiếm những gia đình đã biến thành nơi chốn của hận thù, đố kỵ, chia rẽ … Cha mẹ và con cái chia rẽ nhau; anh chị em hạân thù nhau, vợ chồng lôi nhau ra toà tố cáo nhau.
Noi gương gia đình Thánh Gia, nơi đó, Đức Maria và Thánh Cả Giuse yêu thương nhau cùng hợp sức nuôi dạy Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu yêu thương vâng phục cha mẹ mình. Đúng là một gia đình của tình yêu, là gương mẫu cho các gia đình.
3. Gia Đình, Cộng đồng thánh thiện : Sự thánh thiện hiểu theo nghĩa là sống theo đúng giới luật của Chúa, gắn bó với Chúa và luôn có Thiên Chúa ở cùng thì gia đình chính là một cộng đồng thánh thiện. Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse hợp thành một gia đình gọi là gia đình thánh vì không chỉ nơi các Ngài là các Đấng Thánh mà chính vì gia đình của các Ngài luôn sống theo Chúa, gắn bó với Chúa. Đức Maria và Thánh Cả luôn là những mẫu gương sáng chói về sự vâng phục theo thánh ý Chúa. Con Đức Giêsu thì vâng phục ý Chúa Cha là lương thực của mình. Sự vâng theo ý Chúa của các Ngài con được thể hiện qua việc luôn chu toàn lề luật, dâng con vào đền thờ, đi hành hương … Nhưng quan trọng hơn cả là mọi thành viên luôn gắn bó với Thiên Chúa. Chính nhờ gắn bó chặt chẽ với Chúa trong đời sống cầu nguyện mà các Ngài dễ dàng nhậân ra ý Chúa và mau mắn thi hành. Ngày nay, gia đình Kitô hữu cũng là những gia đình thánh. Thánh trong việc gắn bó với Chúa qua cầu nguyện. Ở đâu có hai ba người cầu nguyện thì có Chúa ở giữa họ, kinh nguyện gia đình giúp mọi người gần với nhau và gần với Chúa; Thánh trong việc mọi thành viên trung thành sống theo đường lối và giới răn của Chúa và Thánh trong việc sống tình bác ái của Thiên Chúa dành cho mọi người chung quanh.
Sự thánh thiện của gia đình Công giáo đang có nguy cơ bị phá huỷ bởi biết bao áp lực của môi trường xã hội hôm nay. Tệ nạn xã hội, thói sống vô luân, đồng tiền ngự trị như những vòi bạch tuộc len lỏi vào từng gia đình làm băng hoại nếp sống đạo đức gia đình, xua đuổi Chúa ra khỏi ra đình. Hơn lúc nào hết sự thánh thiện của gia đình Công giáo đang bị đe dọa mạnh mẽ, muốn xây dựng gia đình thành cộng đoàn của sự thánh thiện thì mọi thành viên phải đấu tranh mạnh mẽ với cái xấu, cái ác bằng sức mạnh của tình yêu, của đức tin và của ơn Chúa.
III. Lời Cầu Chung
* Lời Mở : Anh chị em thân mến, gia đình là nền tảng của xã hội, của Giáo Hội. Chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những ước nguyện của chúng ta cho gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội.
1. Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa được mở rộng để đón nhạân tất cả mọi người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho gia đình Giáo Hội luôn có sự hiệp nhất yêu thương nhau.
2. Xã hội ngày nay đang có những xu hướng xấu phá huỷ nền tảng đạo đức và tình yêu của gia đình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong xã hội luôn ý thức và đề cao cũng như nỗ lực xây dựng những phẩm giá cao quí của gia đình.
3. Chúng ta cùng cầu nguyện cách đặc biệt cho mỗi gia đình chúng ta, xin Chúa ban ơn cho mỗi thành viên của gia đình luôn hết lòng cùng nhau xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn của sự sống, tình yêu và sự thánh thiện theo gương gia đình Thánh Gia Thất.
* Kết Nguyện : Lạy Thiên Chúa là Cha nhân ái, Chúa đã yêu thương đón nhận chúng con vào gia đình của Chúa. Xin cho các gia đình chúng con nhiều ơn lành để tất cả biết noi theo gương gia đình Thánh Gia sống trung thành với giao ước tình yêu, trung thành với đức tin và thực sự trở nên những gia đình thánh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.