HIỆP SỐNG TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA C

Thứ sáu - 18/01/2019 19:02
HIỆP SỐNG TIN MỪNG LỄ THÁNH GIA C
1 Sm 1,20-22.24-28 ; 1 Ga 3,1-2.21-24 ; Lc 2,41-52
 MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH HÒA HỢP HẠNH PHÚC
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 2,41-52
(41) Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua. (42) Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên Đền, theo tập tục ngày lễ. (43) Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. (44) Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành. Nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. (45) Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. (46) Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi. (47) Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. (48) Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và Mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con!”. (49) Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (50) Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. (51) Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các Ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (52) Còn Đức Giêsu thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.
2. Ý CHÍNH: HAI ÔNG BÀ TÌM THẤY CON TRONG ĐỀN THỜ:
Câu chuyện Thánh Gia hành hương lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua đã được thánh Luca ghi lại trong đọan Tin mừng hôm nay với 3 phần như sau:
- Trẻ Giêsu bị thất lạc và được cha mẹ lo lắng tìm kiếm (c.41-45).
- Cha mẹ vui mừng khi tìm thấy con trẻ trong Đền thờ. (c.46-50).
- Trẻ Giêsu nêu gương hiếu thảo vâng phục cha mẹ (c.51-52).
3. CHÚ THÍCH:
- C 41-42: + Lễ Vượt qua: Hay lễ Bánh Không Men kéo dài 7 ngày (x Xh 12,15-16). + Khi Người được mười hai tuổi: Tại Ít-ra-en, sau khi học giáo lý, đứa trẻ 13 tuổi sẽ làm lễ tuyên tín để trở thành người lớn, thành “con của Lề Luật”. Ngày đó người ta yêu cầu đứa trẻ bước lên bục giữa hội đường để đọc sách To-rah.
- C 43-45: + Xong kỳ Lễ: Luật chỉ buộc ở lại Đền thờ 3 ngày đầu. Còn Thánh gia đã ở lại cho đến hết kỳ Đại Lễ. Điều này cho thấy lòng đạo đức trổi vượt của các ngài. + Hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết: Trong dịp lễ này, những người ở xa Đền thờ thường tổ chức đi chung thành đoàn lữ hành. Sau khi tan lễ, họ lại nhập thành đoàn ra về. Họ có thể không đi chung mà đi riêng thành từng nhóm theo lứa tuổi, miễn là cùng dừng chân ở các quán trọ để nghỉ đêm. Vì thế khi ra về, hai ông bà Giuse Maria vẫn yên tâm khi không thấy trẻ Giêsu đi trong cùng một nhóm với mình.
- C 46-47: + Đang ngồi giữa các thầy dạy: Các bậc thầy (Rápbi) thường ngồi khi dạy Kinh thánh ở tiền đình bên trong khuôn viên Đền thờ (x. Lc 19,47). Việc giảng dạy theo hình thức hỏi và đáp. + Ai nghe cậu nói cũng đều ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu: Sự thông minh và câu trả lời khôn ngoan của trẻ Giêsu khiến mọi người ngạc nhiên.
- C 48-50: + “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”: Đức Giêsu muốn cho cha mẹ biết ngòai gia đình tự nhiên ở trần gian, Người còn có một người Cha ngự trên trời là Thiên Chúa nữa.   
- C 51-52: + Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài: Sau khi nói về sứ mệnh của mình phải vâng theo thánh ý Chúa Cha trên trời, trẻ Giêsu đã theo cha mẹ trần gian trở về làng Na-da-rét và vâng phục hai ông bà.
4. CÂU HỎI: 1) Lễ Vượt Qua hay lễ Bánh Không Men kéo dài bao lâu? 2) Tại sao mãi đến ngày thứ ba, hai ông bà Giuse Maria mới phát hiện ra con trẻ Giêsu bị thất lạc? 3) Điều gì cho thấy sự khôn ngoan vượt trổi của trẻ Giêsu khi ở lại trong Đền thờ? 4) Trẻ Giêsu muốn nói gì qua câu thưa với cha mẹ: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” 5) Lòng hiếu thảo của trẻ Giêsu với cha mẹ được biểu lộ thế nào?
II SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái... Người làm vợ hãy phục tùng chồng. Như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa” (Cl 3,14.18).
2. CÂU CHUYỆN:
1) GẦN MỰC THÌ ĐEN GẦN ĐÈN THÌ SÁNG:
Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy thế, nói: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở”. Rồi dọn nhà ra gần chợ.
Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước cách buôn bán đảo điên. Bà mẹ thấy thế, lại nói: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở”. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.
Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “Chỗ này là chỗ con ta ở”
Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết heo, về nhà hỏi mẹ: “Người ta giết heo làm gì thế?” Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Nói xong, bà nghĩ lại, hối hận: “Ta nói lỡ rồi. Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Rồi bà đi mua thịt heo, đem về cho con ăn thật.
Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi; trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt như vậy”. Từ ngày đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao?
2) KHÔNG AI LÀ NGƯỜI HOÀN HẢO:  
Theo chuyện cổ Hồi Giáo thì NA-TRÚT-ĐIN là hiện thân của những chàng trai độc thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi bạn bè chất vấn tại sao đến tuổi bốn mươi rồi mà anh vẫn chưa lấy vợ, Na-trút-đin đã tâm sự về tình trạng độc thân bất đắc dĩ của anh như sau:
“Tôi đâu phải là không muốn lấy vợ như các bạn nghĩ: Suốt cả tuổi thanh xuân, tôi đã đi khắp nơi để tìm cho mình một người vợ hoàn hảo như ý muốn. Tại Cai-rô, thủ đô Ai Cập, tôi đã sớm gặp được một thiếu nữ vừa đẹp người lại vừa thông minh. Nàng có đôi mắt bồ câu với con ngươi đen nhánh giống như hai hạt Ôliu. Tôi ưng ý ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi đã khám phá ra rằng: Nàng ta không phải là một cô gái hiền thục như tôi mong muốn. Thế là tôi liền rời bỏ Cai-rô để đến thành Bát-đa Thủ đô nước I-rắc, để tìm kiếm một người vợ lý tưởng, nghĩa là phải vừa đẹp người lại vừa phải thông minh dịu hiền nữa! Tại đây, nhờ Đức Thánh Al-lah phù hộ nên tôi đã sớm gặp được một thiếu nữ hoàn hảo, đúng như lòng hằng mong ước. Nhưng có điều chúng tôi lại bị khắc khẩu mỗi khi nói chuyện: Ít khi chúng tôi cùng chung quan điểm về bất cứ lãnh vực nào. Thế là tôi đành phải âm thầm chia tay với nàng.
Từ đó, tôi liên tiếp trải qua nhiều mối tình với nhiều phụ nữ khác nhau. Nhưng người được mặt này thì lại mất mặt kia, được tính tốt này thì lại vướng phải tật xấu nọ. Đến lúc tôi sắp hoàn toàn thất vọng, tưởng như sẽ không thể tìm đâu ra được một người đàn bà hoàn hảo, thì một hôm Đức Thánh Al-lah đã sắp xếp cho tôi gặp được một thiếu nữ siêu tuyệt vời. Có thể nói: Nàng là sự kết hợp rất nhiều đức tính của một người vợ lý tưởng mà tôi hằng mong ước: Nàng vừa đẹp người, thông minh, lại vừa hiền dịu và ân cần tử tế trong giao tiếp... Ngoài ra nàng lại còn hát hay múa giỏi, nấu ăn ngon, cắm hoa đẹp, thêu thùa cắt may thành thạo... Thế nhưng các bạn có biết vì sao cho đến giờ này tôi vẫn là một chàng trai độc thân khó tính không???
Vì khi tôi mạnh dạn ngỏ lời cầu hôn với nàng, thì lập tức tôi đã bị nàng thẳng thừng từ chối, vì nàng cũng đang đi tìm một người đàn ông lý tưởng để lấy làm chồng. Mà theo đánh giá của nàng thì tôi chỉ là một gã đàn ông tầm thường, có quá nhiều thói hư tật xấu, không xứng đáng làm chồng của nàng!”.
3) CHA NÀO CON NẤY:
Có câu chuyện kể rằng trong gia đình nọ, ngày kia đứa con thấy bố nó gọt cái gáo dừa mới hỏi cha nó gọt làm chi. Lặng nhìn đứa con hồi lâu ông ta trả lời: "Để cho ông nội mày ăn cơm. Vì lúc này ông nội mày làm bể chén hoài, phí quá!". Đứa con suy nghĩ và không nói gì. Vài ngày sau đó, nó cũng đem gáo dừa khác ra gọt. Tưởng là con cũng đồng tình với mình, người cha hí hởn hỏi: "Bộ con tính giúp bố lo cho ông nội hả?". Đứa con trả lời: "Đâu có, cái này con để dành cho bố. Khi nào bố già yếu như ông nội con sẽ cho bố dùng". Nghe xong câu trả lời ông bố tái mặt...
3. THẢO LUẬN: Gia đình hôm nay thường gặp nhiều khó khăn như: Con cái dễ bị hư hỏng vì mắc các thói hư tật xấu, vợ chồng khó giữ trọn được lời thề hứa yêu thương, tôn trọng và trọn đời chung thủy với nhau... Theo bạn đâu là nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và cần phải khắc phục thế nào?
4. SUY NIỆM:
1) Nguyên nhân gây bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân gia đình:
Khi còn sống, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC, công chúa Diana của Anh quốc đã không ngần ngại bộc bạch hết câu chuyện đổ vỡ của gia đình bà. Sự đổ vỡ của gia đình vương giả này khiến nhiều người phải tiếc xót. Bởi vì, nếu xét theo những tiêu chuẩn thông thường, thì quả thực cặp vợ chồng này có mọi sự để được hạnh phúc, như danh vọng, tiền tài, địa vị. Thế nhưng tại sao họ không tìm được hạnh phúc trong gia đình? Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này? Có lẽ họ còn thiếu một cái gì đó mà sự giàu sang phú quý không thể mua được cũng như khiến họ không thể vượt qua được khó khăn thử thách.
2) Vợ chồng phải yêu thương: hy sinh, tha thứ và chịu đựng lẫn nhau:
 Có lẽ chưa bao giờ gia đình lại khủng hoảng trầm trọng như thế giới chúng ta đang sống hiện nay. Rất nhiều gia đình trong xã hội là những gia đình què quặt, tan nát, nạn ly thân, ly dị và phá thai, và những gia đình chia ly vì chiến tranh, bạo lực, áp bức của các chế độ vô nhân. Những gia đình bất hòa vì nạn thất nghiệp, vì nạn kinh tế khó khăn, eo hẹp hay vì nạn cờ bạc rượu chè, ma túy và ham mê lạc thú bất chính. Vì thế, những người phải trả giá mắc mỏ nhất cho hậu quả của các cuộc khủng hoảng này là con cái, là trẻ em và giới trẻ.
3) Thánh Gia Nadarét là mẫu gương của một gia đình hoàn hảo:
Gia đình là nền tảng của xã hội và là tế bào của Hội thánh! Gia đình có bền vững hạnh phúc thì xã hội mới an vui và Hội thánh mới phát triển. Hôm nay Hội thánh giới thiệu Thánh Gia cho các gia đình tín hữu học tập noi gương: Trong gia đình này có thánh cả Giuse là một người chồng lý tưởng: hết lòng yêu thương và chu tòan trách nhiệm lo cho vợ con. Còn Đức Maria thì nêu gương cho các người làm vợ làm mẹ về tình yêu thương hết mình phục vụ chồng con. Trong gia đình này, trẻ Giêsu chính là người con hiếu thảo, luôn tôn kính vâng lời và làm vui lòng cha mẹ trong gia đình.
4) Xây dựng hạnh phúc gia đình noi gương Thánh Gia:
- Trên thuận dưới hòa: Về phạm vi nhân lọai thì thánh Giuse là người gia trưởng có tinh thần trách nhiệm cao, rồi đến Đức Maria là hiền mẫu luôn biết quan tâm chăm sóc cho chồng con và cuối cùng là trẻ Giêsu luôn hiếu thảo thể hiện qua sự vâng lời và luôn làm vui lòng cha mẹ, như Tin Mừng Luca viết: “Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51a).
- Vợ chồng bổ túc cho nhau: Thiên Chúa đã dựng nên hai người nam nữ tuy khác nhau, nhưng không đối kháng mà còn bổ túc cho nhau. Hai vợ chồng mỗi người đều được Chúa ban những ưu điểm phù hợp với vai trò trong gia đình như sau:
+ Nếu người chồng có sức mạnh ví như là cây cột nhà chống đỡ cho gia đình bền vững, thì người vợ là sợi dây yêu thương liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.
+ Nếu người chồng có khả năng kiếm tiền nuôi sống gia đình, thì người vợ là nhà quản lý tài ba biết sắp xếp mọi việc và bảo vệ mái ấm gia đình.
+ Nếu người chồng được ví như vị thuyền trưởng lãnh đạo gia đình, thì người vợ phải là tài công trực tiếp điều khiển bánh lái, phối hợp chặt chẽ với thuyền trưởng để đưa con tàu gia đình đến bến bờ hạnh phúc.
+ Nếu người chồng cần tính nghiêm khắc, thì người vợ lại cần sự dịu dàng, để con cái tuy phải tuân giữ kỷ luật nhưng vẫn cảm thấy dễ chịu trong bầu khí yêu thương gia đình.
+ Nếu người chồng có vai trò giám đốc tổng quát xí nghiệp thì người vợ là giám đốc điều hành lo quản lý mọi việc nhà, chứ không chỉ là người giúp việc nhà, như lời cầu của chủ tế trong thánh lễ hôn phối: ”Lạy Cha, Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam khiến họ không phải là hai nhưng chỉ là một xương một thịt … Xin cho chú rể biết trọn niềm tin tưởng ở vợ mình, nhìn nhận vợ là người bạn bình đẳng và cùng thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Xin cho anh biết luôn yêu thương kính trọng yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh Người”.
- Những yếu tố quan trọng bảo vệ hạnh phúc gia đình: Muốn có hạnh phúc thì trên hết mọi sự: gia đình phải có Tình Yêu ngự trị. Tình yêu chính là sợi dây bền chặt liên kết các thành viên lại với nhau. Thứ đến phải có Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường, rồi còn phải có ơn Thánh Thần là sức mạnh giúp hai vợ chồng cùng nhau gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhờ đó vợ chồng sẽ dễ dàng đồng tâm hiệp lực để cùng vượt qua các phong ba thử thách cuộc đời (x Cl 3,12-17), như người đời thường nói: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.
5. NGUYỆN CẦU
- LẠY CHÚA GIÊSU. Xin nhìn đến những gia đình đang thiếu vắng tình yêu, hay đang thiếu những phương tiện vật chất tối thiểu, những gia đình đang buồn sầu vì vắng tiếng cười trẻ thơ, hay trái lại đang vất vả lo toan vì đàn con nheo nhóc đói khát của ăn vật chất cũng như tinh thần.  Xin nâng đỡ những gia đình đã biến thành hỏa ngục vì dối trá, ích kỷ, kiêu căng, giận hờn khi luôn hành hạ và làm khổ lẫn nhau.
- LẠY CHÚA. Xin nhìn đến những trẻ em đang cần được chăm sóc và yêu thương, những trẻ em đang bị lạm dụng tình dục, đang bị bóc lột tiền bạc và trở thành những món hàng để con buôn trao đổi kiếm lời; Những trẻ em đang lạc lõng bơ vơ và không được đến trường; Những trẻ em bị cuộc đời vùi dập và đang biến dạng trở thành hư hỏng… Xin hãy biến đổi các gia đình tín hữu chúng con. Xin sai Thánh Thần đốt lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mọi thành viên. Xin cho mỗi người chúng con biết luôn chu toàn nhiệm vu xây dựng gia đình cả về tinh thần cũng như vật chất, hầu gia đình chúng con ngày thêm hòa hợp hạnh phúc, là dấu chỉ giúp người đời nhận biết tin yêu Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
 
 
 
 
 
 

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây