Trong lễ Hiển Linh, Hội Thánh suy tôn mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình. Dù vậy, qua nhiều mạc khải của Kinh Thánh, ta vẫn thấy, Đấng tỏ mình là Đấng ẩn mình.
Từ đời đời, Thiên Chúa vẫn là thực tại khó hiểu nhất của loài người. Dẫu Người đã tỏ mình, Người vẫn đang tỏ mình, thì đối với giới hạn của lý trí, ta vẫn không thể biết hết về Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn ẩn mình đối với mọi nỗ lực suy tư của ta.
Chính bài Tin Mừng của lễ Hiển Linh, dù là câu chuyện lý thú, vẫn lộ rõ những nghịch lý về sự tỏ mình và ẩn mình của Thiên Chúa. Bởi nội dung của Tin Mừng trong lễ Chúa Hiển Linh, vừa diễn tả một Thiên Chúa tỏ mình, vừa trình bày một Thiên Chúa ẩn mình:
- Ba đạo sĩ là những người ngoại giáo. Với họ, chỉ một ánh sao trên bầu trời, dù sao ấy có lạ, có sáng đến đâu, vẫn chỉ là một sự tỏ mình còn đầy ẩn mình. Từ một ánh sao lạ, để nhận ra Thiên Chúa, các đạo sĩ chắc chắn đã phải có một đi vô cùng quả cảm.
Đúng hơn, Thiên Chúa cần trái tim, cần tấm lòng của con người. Với trái tim luôn rộng mở về phía chân lý, với tấm lòng đơn thành, luôn sẵn sàng đón nhận tình yêu, đón nhận chân lý, thì dù việc Thiên Chúa tỏ mình có mịt mù đến đâu, con người vẫn có thể khám phá, vẫn có thể lãnh hội.
Chỉ bằng một ánh sao đơn lẻ trên bầu trời, ba nhà đạo sĩ đã lên đường, mang theo trong tâm tư một lời hỏi: "Vua người Do thái mới sinh, hiện đang ở đâu?". Tấm lòng chân thành và trái tim rộng mở của họ đã được Chúa đón nhận. Chúa đã tỏ mình. Qua hình hài một bé thơ bọc tã, Chúa cho họ biết, Người là Thiên Chúa của những ai đơn sơ, khiêm cung. Người yêu thích những tâm hồn bé nhỏ khi họ đối diện với Người.
Đúng hơn, trước khi dâng lên Chúa những lễ vật, ba đạo sĩ đã dâng lên Chúa cõi lòng đầy thành tâm, đầy hướng thiện, đầy niềm khao khát. Họ đi đường bằng những nẻo đường trên thế gian để tìm gặp Chúa. Nhưng thực ra, họ đã đến với Chúa trước khi họ gặp Chúa bằng con đường của đức tin, của sự khám phá chân lý, của tâm hồn mềm mỏng để Chúa tự do uốn nắn.
Thánh Kinh cho biết, ngay khi gặp Chúa, các đạo sĩ tôn thờ Người. Thực ra, nơi họ, đức thờ phượng đã ngập đầy từ lâu. Chính vì chân thành thờ phượng Đấng mình tin, các đạo sĩ được Chúa mở ra trong lòng họ cả một chân lý cứu độ. Đó là Thiên Chúa luôn thể hiện chính mình, và trao ban mình cho nhân loại trong những cái đơn hèn nhất, giản dị nhất, khiêm cung nhất. Đáp lại, những ai luôn biết hạ mình, chân thành, khiêm nhường cũng sẽ dễ dàng đến cùng Chúa, dễ dàng đón nhận Chúa và lãnh nhận ơn Chúa cứu độ.
Nghịch lý về một Thiên Chúa cao sang, quyền phép, đáng chúc tụng và vinh danh trên các tầng trời, lại là một Thiên Chúa lặn sâu trong kiếp người đến nỗi nghèo khó, bé bỏng, trần trụi, chìm khuất. Chắc chắn, không phải chỉ các đạo sĩ, nhưng còn là mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể gặp Chúa ở cung điện, ở những gì trí thức, khoa bản. Chúng ta khó lòng gặp Chúa nếu tâm hồn mình còn đầy gai góc, đầy kiêu căng, đầy tham vọng.
- Còn Hêrôđê, chỉ với một lời hỏi: "Vua người Do thái mới sinh, hiện đang ở đâu?", đã làm cho cả triều đình của ông hốt hoản. Thánh Mathêu viết: "Hêrôđê bối rối", và "cả Giêrusalem cùng (bối rối) với nhà vua".
Trong cơn hốt hoản, nhà vua triệu tập các đại giáo sĩ, các luật sĩ và những người am hiểu Kinh Thánh để tham khảo ý kiến. Nhưng khi đã xác định mạc khải của Chúa từ xa xưa qua sứ điệp tiên tri Mika: "Hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi nhỏ bé hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi người sẽ xuất hiện một thủ lãnh, người đó sẽ chăn nuôi Israel, dân tộc của Ta" (Mk 5, 1; Mt 2, 6), lẽ ra triều đình Hêrôđê và hàng lãnh đạo đạo đời của Dothái phải vui mừng khôn xiết mới đúng. Đàng này ngược lại: Họ lên đường tìm cách tiêu diệt Đấng Cứu Thế của muôn dân.
Nghịch lý là thế: Hóa ra, chỉ những người ngoại giáo, và ở rất xa, đã nhận ra Thiên Chúa. Còn những kẻ hằng tự hào mình là dâng riêng của Chúa, là những người nắm giữ Kinh Thánh, hiểu biết Kinh Thánh, ôm trọn mạc khải và luôn chủ trương giữ chặt chẽ lề luật của Chúa, lại không hề hay biết điều gì đã xảy ra.
Đến khi được Thiên Chúa ưu ái tỏ mình, - không phải bằng ánh sao, nhưng bằng thế giá của con người (đó là được chính các đạo sĩ loan báo), bằng thế giá của Lời Chúa trong Kinh Thánh, và không chỉ ngay trên chính quê hương, mà còn ngay bên cạnh hoàng triều của mình - thì nỗ lực tỏ mình của Thiên Chúa không thể có cơ hội tồn tại và phát triển trong lòng những kẻ mang dã tâm, đầy tham vọng, và bạo tàn.
Chúa không thể tỏ mình, thì nội tâm của những kẻ không đón nhận mầu nhiệm tỏ mình, mãi mãi Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa ẩn mình.
Lý thú là ở chỗ đó. Nghịch lý là ở chỗ đó. Đúng hơn, chính nghịch lý về sự tỏ mình và ẩn mình của Thiên Chúa đã gây lý thú và có sức lôi kéo người đọc và suy niệm.
Đó không là một lý thú để cười, để mừng vui. Nhưng để bất cứ ai, một khi đã nhận ra, đều phải giật mình thản thốt và suy nghĩ: Vì sao Thiên Chúa ẩn mình chứ không tỏ mình cho hết mọi người?
Thực ra, một khi Chúa tỏ mình, thì tỏ mình cho tất cả, không trừ ai. Điều còn lại là người được tỏ mình phải có thái độ nào, phải có lối suy nghĩ nào, phải có tâm hồn muốn đón nhận hay không đón nhận.
Thiên Chúa ẩn mình không phải do chính Thiên Chúa, nhưng do con người muốn loại trừ Thiên Chúa. Thực tế, từ đời sống của thế giới, đến từng cá nhân, nếu ở đâu có kẻ muốn loại trừ Thiên Chúa, ở đó khuôn mặt tàn độc của Hêrôđê có cơ hội hiện hình.
Đó là những kẻ chủ trương chiến tranh, chủ trương giết chóc, chủ trương phá hoại hòa bình... Đó là những thói bóc lột, thói mạnh được yếu thua, thói gian xảo trong mọi tương quan từ chánh trị, giáo dục, y tế, công nghiệp, nông nghiệp đến tương quan giữa cá nhân với cá nhân...
Còn chúng ta, các Kitô hữu, cũng phải thay đổi đời sống để sống tình yêu tỏ mình của Thiên Chúa mà chấm dứt lòng dạ xấu, không nuôi sự hận thù, không tìm lợi cho bản thân, chấm dứt sự ganh ghét nhau, chấm dứt sự thiếu thành thật khi tương quan cùng nhau...
Hơn ai hết, các Kitô hữu hãy luôn ý thức: Thiên Chúa ẩn mình là do thái độ sống bất xứng của chúng ta.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG